01 December 2015

CHIÊM BAO - Hồ Đình Nghiêm


Đêm qua tôi mơ thấy John Lennon ngồi bên đàn piano hát bài “Imagine” bất hủ. Đêm qua tôi thấy trong mộng Haruki Murakami đứng ở Chidorigafuchi phía đông bắc hoàng thành ngắm hoa anh đào tuyệt sắc Tokyo. Nhà văn nói: “Tôi mơ mộng. Đôi khi tôi nghĩ, chỉ duy đó là việc làm chính đáng”.

Đêm qua trong giấc ngủ tôi thấy con rùa già xanh rêu dưới hồ Hoàn Kiếm ngậm cây violin gãy gập nổi lên “giao hàng” cho khổ chủ. Ông cụ 70 tuổi cổ lai hy râu tóc bạc phơ hằn vẻ chịu đựng câm nín với ngón tay bị bẻ gãy run thân bên hồ nhiều gió chướng. Cụ Tạ Trí Hải ơi, nếu không góp tiếng đàn nghẹn ứ trong cuộc biểu tình thì e tiền không mất tật không mang, cụ nhỉ? Rùa xúc cảm thương ông, lịch sử không tái diễn lần thứ hai nên ta đặt tên giờ này: Hồ Hoàn Nhạc. Hay hồ Hoàn Đàn? Có thơ mộng chăng? Nhạc cụ kia có khi mà biến thân thành súng AK-47 chứ kiếm cung mà thấm béo gì, cụ nhỉ? Xưa rồi Diễm!

Một ông luật sư cũng mang tên Hải, non tuổi hơn, độ chừng nghi bất hoặc hay tri thiên mệnh gì đó đã trần tình: “Công an đối xử với các luật sư như chó như mèo như lợn như súc vật”. Ôi chao, tiếng nói của con người cất lên sao nghe luống những ngậm ngùi! Trước đây sơ ý để xe cọ quẹt vào nhau đã mang hung khí ra chơi nhau, huyết lệ tuôn tràn. Giờ này “nái xe” mà để khoắn bụi đường lên thì ông đấm cho vỡ mặt, nhớ? Chả lôi thôi gì cả!

Vụ việc mang vào cuộc họp báo mổ xẻ hòng làm cho ra nhẽ, công an bảo: Cái này do bọn côn đồ hành xử, chúng tớ đéo biết. Mơ thấy bên phía côn đồ các đàn anh giang hồ cũng nhóm họp điều trần: Oan cho bọn ta quá, bao thói hư tật xấu đều đổ riết lên đầu bọn có số má như chúng ta cả, chịu đời chi thấu. Vậy thì thù này phải trả, hãy xuống núi phen này, đè bọn chuyên ngậm máu phun người mà đánh trả chúng nó một trận cho thật đường hoàng để lấy lại công đạo. Hỡi giai cấp bị bóc lột, hãy đoàn kết lại.
Ở đâu có áp bức ở đấy có đấu tranh. Mẹ rượt. Lê Nin từng ngôn thế.
Gần về sáng tôi thấy chập choạng khuôn mặt cương nghị của bà Aung San Suu Kyi và câu nói của người đầy bản lãnh: “Nhà tù thực sự là nỗi sợ hãi, tự do chỉ thực sự có khi thoát khỏi nỗi sợ kia”. Ôi ngọn gió lành đã vừa thổi qua ở Miến Điện, nực nội kéo dài tới 53 năm bị xoá tan thôi bao trùm. Loài người tiến bộ trên trái đất chia sẻ nỗi hân hoan cùng họ khi nền tự do dân chủ vừa thành tựu trên xứ sở ấy. Và cộng đồng văn minh không quên ngó về Việt Nam để nói một câu nghe xé lòng: Phải tới năm 2069 xứ sở đầy huyền thoại con rồng cháu tiên mới đuổi kịp Thái Lan. Hiện tại thì bằng với Cam-bốt và thua anh Lào một ngấc. Một khu vực đìu hiu nhược tiểu quanh vùng thôi còn anh láng giềng nào mà mang ra so sánh được mất hơn thua? Này các anh đầu xỏ quốc tế, các anh vin vào cớ gì để xếp chúng tôi đứng gần cuối bảng sắp hạng trên thế giới? Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép Việt Nam?

Chiêm bao thấy gái về nằm
Tỉnh ra thấy gái không nằm nữa ru”.

Không. Tôi chẳng chiêm bao mơ mòng thấy gái như nhà thơ Bùi Giáng. Tôi chỉ thấy máu me bạo lực du côn mất dạy ngược ngạo vô đạo tiểu nhân. Những bạc ác vẫn luân phiên tiếp diễn lộng hành trên xứ sở có lắm tiến sĩ. Học cho lắm tắm cũng ở truồng! Anh dùng học vị ấy để gióng lên một tiếng nói, có đặng chăng? Hay bằng cấp kia là lãnh đạo họ ban cho và chúng tớ phải biết ngậm bồ hòn làm ngọt? Chúng tớ đã quen tất tần tật những dối trá giả mạo. Không sao đâu, chuyện nhỏ thôi mà!
Không rùm beng, tôi mơ mộng về một bình minh có chuông đồng hồ réo gọi thức tỉnh, để mấy chục triệu con dân bừng con mắt đồng loạt cùng xuống đường. Trộm vía John Lennon tôi đạo một đoạn ca từ trong Imagine: Hãy thử tưởng tượng đất nước thôi còn đảng Cộng sản ngự trị, những cột điện sẽ vui chân về lại đất cũ sáng soi ở mọi nẻo đường. “Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa*”. Bạn có thể nói tôi mơ mộng, nhưng tôi chẳng hề đơn côi khi thêu dệt. I’m not the only one.

Hồ Đình Nghiêm
(*) Thơ Quang Dũng trong bài Đôi Mắt Người Sơn Tây:
… bao giờ tôi gặp em lần nữa
ngày ấy thanh bình chắc nở hoa
đã hết sắc mầu chinh chiến cũ
còn có bao giờ em nhớ ta.