27 August 2016

NGUYỄN TẤT NHIÊN VÀ CÔ BẮC KỲ - Phan Ni Tấn


Chân dung Nguyễn Tất Nhiên
dinhcuong

Tôi còn nhớ một ngày đã xa trong quá khứ, cái ngày của 45 năm về trước, tôi đã phổ thành ca khúc từ một bài thơ ngũ ngôn của Nguyễn Tất Nhiên tựa đề Ðám Ðông.

Cô Bắc kỳ nho nhỏ
Tóc “demi garcon”
Chiều vui chân đón gió
Có thương thầm anh không…


Năm 1973, Nguyễn Tất Nhiên làm thơ tặng cô Bắc kỳ nào đó ở Sài Gòn, cùng lúc tôi viết nhạc cho một cô, cũng Bắc kỳ gốc Bùi Chu theo gia đình trôi giạt lên núi rừng cao nguyên đèo heo hút gió Ban Mê Thuột. Tôi không biết người nữ của Nguyễn Tât Nhiên tên gì, riêng người tôi tán tụng mang tên Trầm Hương. Vì có cùng một nỗi niềm của con người giũa biển đời hệ lụy, nên khi bắt gặp bài thơ Ðám Ðông của Nguyễn Tất Nhiên tôi đã phổ nhạc ngay trong niềm hứng khởi, thích thú, và đã hoàn tất trong vòng một giờ với đầy đủ hợp âm và bè bản đàng hoàng. Bản nhạc phổ này đã được phổ biến vài lần trên đài phát thanh Phật Giáo Ban Mê Thuột, cũng như trên đài Trầm Hương do một số anh em văn nghệ địa phương thành lập.

Một hôm, sau giờ phát thanh thường lệ, anh bạn thơ Đoàn Bằng Hữu, tức Đoàn Văn Khánh cho tôi hay nhạc sĩ Phạm Duy cũng có phổ nhạc bài thơ này, và cũng đã phổ biến trên đài phát thanh Sài Gòn. Nhạc sĩ Phạm Duy, với tôi, là một bậc thầy âm nhạc mà tôi vẫn ngưỡng mộ từ lâu. Ðám Ðông là một bài thơ hay, lạ, dễ thương, có nhiều nhạc tính; anh Phạm Duy có phổ nhạc cũng là lẽ thường tình. (Về sau tôi mới biết bài thơ Ðám Ðông là một trong loạt thơ của Nguyễn Tất Nhiên được Phạm Duy phổ thành ca khúc góp phần vào phong trào nhạc trẻ đang thịnh hành vào khoảng năm 1970-1973. Cũng bài thơ trên, khi phổ nhạc, anh Phạm Duy và tôi không hẹn đều đổi tựa đề thành Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ). Tới nay, những ca khúc đó vẫn được nhiều người ưa thích. Có điều, đáng tiếc lúc đó tôi không có dịp thưởng thức bản nhạc phổ của Phạm Duy mà anh bạn thơ đã nghe qua nói rất khác làn điệu và cách tiết tấu của tôi. Ðó là lẽ đương nhiên. Bù lại, điều làm tôi vui sướng khi tình cờ bắt gặp cô Bắc kỳ miền núi của tôi đã hân hoan mở tung mọi cánh cửa nhà mình vào buổi chiều cuối tuần sau khi vặn radio lớn hết cỡ như muốn bà con chòm xóm cùng thưởng thức bản nhạc phổ Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ của tôi hát về nàng đang phát thanh trên đài.

Nhưng rồi thời buổi chiến tranh, đường binh nghiệp xuôi tôi qua nhiều bước chuyển. Ngày tôi bị thuyên chuyển về một đơn vị xa, hạnh phúc tôi nằm lại phía sau. Rồi cũng như những cuộc tình cách trở khác, hình ảnh cô Bắc kỳ miền núi cuối cùng như ngọn gió núi thoảng qua, bay đi, rớt xuống, nhạt phai và mất hút trong lòng. Trong lúc đó, bản nhạc phổ Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ của nhạc sĩ Phạm Duy vẫn vọng âm đâu đó qua băng nhạc hay thấp thoáng trên môi người thì tôi để cho bản nhạc phổ của tôi chìm trong tịch lặng.  (Khi viết xuống dòng này, hôm qua tôi đã cặm cụi ghi lại đây trọn vẹn giai điệu bài ca như một kỷ niệm với đời và với người đã khuất) .
Rồi mất nước. Tôi buông súng, bị bắt đi tù. Ðầu năm 1979 trốn về Sài Gòn tôi sống như một thứ tội đồ trôi sông lạc chợ. Cuối năm 79 tôi may mắn vuợt biển tới Thái Lan, sau Nguyễn Tất Nhiên một năm, như tôi được biết sau này.
Tháng 5 năm 1983, ở hải ngoại lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng, tôi có dịp liên lạc thư từ với Nguyễn Tất Nhiên. Từ Anaheim, California anh đã mau mắn trả lời. Bằng những nét chữ rõ ràng, ngay ngắn, lời lẽ thân tình, tự nhiên, thư của Nguyễn Tất Nhiên không làm tôi nghĩ rằng đây là một nhà thơ ’’khùng khùng điên điên’’ như những lời đồn đại.
Thăm anh,
Rất hân hạnh được anh thăm hỏi Ố Như anh nói, khỏi phải rườm rà khách sáo chi, tôi đương nhiên phải biết anh. Mà tôi thuộc loại nói năng loạn xa quen rồi Ố Và như thế anh với tôi, hẳn, sẽ thân.
Bài hát anh phổ nhạc từ thơ tôi, nếu không có gì trở ngại, xin anh gởi sang cho, có dịp, tôi phổ biến bên này…
Thư Nguyễn Tất Nhiên viết cho tôi đề ngày 16-5-1983. Vậy mà cho tới trước ngày anh qua đời đã ròng rã 9 năm trời không hiểu sao, hoặc cái gì khiến tôi vẫn không gởi bản nhạc phổ của tôi cho anh.
Bây giờ thì xong rồi. Bây giờ Nguyễn Tất Nhiên không còn ở với chúng ta làm gì nữa. Những mối bận tâm, những niềm đau nỗi khổ, những xót xa tủi nhục, những  tỉnh hay điên, ngay cả cơn hạnh phúc nhỏ nhoi tạm bợ trong đời cũng trở nên tầm thường, nhợt nhạt, tẻ ngắt, chẳng còn nghĩa lý gì đối với Người Thơ. Ngày 3-8-1992, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên đã tự chấm dứt đời mình tại một chỗ khuất tịch.
Tới bây giờ, tôi vẫn tin rằng những thảm kịch quá khứ cũng như nỗi lao đao cực nhọc thường ngày đọng lại trong Nguyễn Tất Nhiên lâu dần tạo nên sức mạnh vô hình kéo anh thoát khỏi sự ràng buộc, câu thúc của thói đời hệ lụy. Nguyễn Tất Nhiên đã vĩnh viễn lìa bỏ cuộc sống để bước đi thật mau, vươn tay thật xa, vói vào ánh sáng của miền cực lạc miễn viễn để Người Thơ thực sự có được sự bình yên, thanh thoát, chân tình…
Ở trong nước, năm 1973 tôi nghe danh nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên qua lãnh vực báo chí và âm nhạc. Mười năm sau tại hải ngoại, tôi có dịp thư từ với anh.  Vậy mà tới tháng 8 năm 1992 tôi mới thực sự nhìn thấy anh, nhìn thấy hình ảnh anh qua báo chí đăng tải sau ngày anh quyên sinh chết tại một ngôi chùa.

Phan Ni Tấn