20 October 2016

DƯỚI CHÂN NÚI - Trà Đóa


Khi còn nhỏ, có nhiều thứ vây quanh khiến tôi sợ hãi nhưng không thể gọi tên. Những ngày đầu đi học, tôi sợ nhất con chó lông xù nhà hàng xóm. Lũ chó thật tinh khôn, chúng biết phân biệt người lớn và trẻ con, người lớn thì chúng tránh xa, còn lũ con nít chúng tha hồ ăn hiếp. Đầu tiên, con lông xù lờn vờn xung quanh tôi, miệng liên hồi gầm gừ. Nếu tôi lùi một bước, nó lại tiến một bước với cặp mắt luôn mở to nhìn tôi không chớp (mà hình như lũ chó không biết chớp mắt). Khi thấy tôi tỏ ra sợ hãi, nó liền nhảy phót lên ngoạm vào lai quần đùi mà kéo. Tôi khóc ré lên, lúc ấy thường sẽ có người lớn nào đó nghe thấy chạy ra và con lông xù liền chạy biến, để lại tôi với cái ống quần dính đầy đất và nước dãi chó. Những ngày sau, mỗi lần đi học, mẹ phải dẫn tôi đí qua khỏi khu vườn đó rồi mới để tôi đi một mình. Ôi lũ chó, mà nhất là chó lông xù, thật đáng ghét.
Nhưng chó lông xù chỉ đáng ghét chứ không đáng sợ như bóng đêm. Đêm ở miền sơn cước thật khủng khiếp, nó tràn ngập mênh mông. Khi bóng cây mít trước cửa trở nên nhập nhoà, là lúc tôi chẳng dám bước ra sân một mình. Có cái gì đó ngoài kia, đen ngòm và to lớn, nuốt chửng mọi thứ. Thỉnh thoảng tôi nghe tiếng sủa gâu gâu của con lông xù. Tiếng nó nghe xa xôi và mất hút như hòn sỏi rơi xuống hồ. Mẹ tôi hay nói nó đang sủa ma.


Lớn lên một chút, cứ mỗi lần thấy tôi, con lông xù liền vẫy đuôi mừng rỡ. Nó đã thay đổi cách hành xử với tôi, vì lúc này “tương quan lực lượng” đã khác trước.
Còn nhớ, có một buổi sáng khi thức dậy, tôi cảm thấy tự tin hẳn lên và quyết định băng qua khu vườn một mình. Như có một ngọn lửa đang dâng cao trong lòng, tôi mặc vội quần áo, quơ lấy cặp sách và phóng đi. Cũng như mọi khi, con lông xù đang nhe răng gầm gừ đứng đợi tôi. Phốc một cái, tôi lao tới và quăng chiếc cặp về phía nó. Con lông xù quá bất ngờ với cách xử sự của tôi, tru lên một tiếng khá to rồi quay đầu phóng tuốt vào nhà trốn biệt. Từ đó, tôi thấy mình lớn hẳn.


Nhưng cũng từ đó tôi lại bắt đầu biết sợ ma. Ma, đó là từ khiến tôi luôn sợ hãi và khó hiểu. Ma là những linh hồn lang bạt đâu đó ngoài kia – trong đêm đen tối tăm. Đối với tôi, bóng đêm và ma chỉ là một. Chúng hoà lẫn vào nhau, nương tựa vào nhau. Thức ăn của ma là hồn vía trẻ con. Đó là món ngon và tinh khiết. Khi hồn vía bị mất, đứa trẻ nằm bất động, cả người nóng sốt. Nếu không cúng đủ lễ, bọn ma sẽ không trả lại hồn cho đứa trẻ và nó sẽ trở nên ngớ ngẩn và dở hơi. Bọn trẻ con luôn được người lớn dặn dò không được đi đến những nơi hoang vắng vào giữa trưa hay lúc chạng vạng tối.
Dù sợ ma như vậy, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn luôn muốn được một lần… trông thấy ma. Có những khi phải đi qua nghĩa địa một mình (dĩ nhiên là giữa ban ngày), cảm giác về ma lại hiện lên chộn rộn. Tiếng gió lùa lên cỏ, len qua những nấm mộ tròn, nghe như lời đùa cợt của những linh hồn đang rong chơi. Tiếng bước chân tôi dội lại từ phía sau, tôi càng bước nhanh, cảm giác đó lại càng nổi lên rõ rệt, đến mức khi đã băng qua hết nghĩa địa tôi mới dám quay đầu nhìn lại: chỉ là những mộ bia cũ kỹ đứng yên lặng dưới nắng. Nghĩa địa nằm cạnh làng, trên một khu đất tương đối bằng phẳng. Đó là một nơi vừa lạ vừa quen: quen vì trong đó có mộ ông bà tôi và mộ của những người bà con hàng xóm, lạ vì họ là… ma.
Tôi thường hình dung ma chỉ loanh quanh dưới chân núi, còn trên đỉnh núi Chúa, đó là nơi ngự trị của thần núi. Tôi thường nghe người lớn kể về Thần với một sự tôn kính vô cùng. Đó là một người da đen trùi trũi, cao to sừng sững, một tay cầm cái búa lớn. Vào những buổi chiều mưa dông, Thần hay đứng trên đỉnh núi Chúa nhìn xuống làng. Ánh mắt của Thần rất dữ tợn, nhưng hình như chưa nghe Thần làm hại đến ai, ngoài những chuyện Thần luôn cứu người bị nạn. Chắc chắn Thần không phải là người làng. Thần tới từ phương trời nào không ai biết.
“Từ thời ông cố ông kỵ đã có Thần rồi. Để tỏ lòng tôn kính, người làng đã lập miếu thờ trên núi”- đó là lời kể của thầy Ba.


Thế đấy, thế giới mà tuổi thơ tôi cảm nhận được luôn có hai phần: một phần “dương” là gia đình tôi, thầy Ba, lão Tám thọt, bà Chín, mấy thằng bạn chăn bò,… và phần “âm” với bóng đêm, thần núi và ma.
*


Ma luôn gây cho tôi sự sợ hãi xen lẫn thích thú. Đó là một cảm giác hỗn tạp và lôi cuốn. Và người đem đến cảm giác ấy thường xuyên nhất là ông Tám thọt. Bọn trẻ con ngồi há hốc miệng yên lặng, trong lòng hồi hộp dõi theo từng cái nhấp môi của lão. Thường khi sắp đến những đoạn ly kỳ, ông lại ngừng kể để làm một việc gì đó như pha trà, vấn thuốc rê… Lão muốn kéo dài cái trạng thái sợ hãi của lũ trẻ càng lâu càng thích. Theo lời lão, mỗi gốc cây cục đá ở cái làng này đều có một sự tích nào đó và luôn liên quan đến một con ma. Lão nói là đã gặp hầu hết ma ở làng này. Như ở gốc cây lớn đầu làng, rễ phụ phủ xuống la liệt, lão nói đó là nơi ngày xưa có một người con gái chữa hoang đã thắt cổ tự tử. Vì cái chết oan khuất nên cô ấy hóa thành quỷ hoành hành khắp làng. Hồi ấy, cứ chạng vạng tối là chẳng có ai dám đi ngang đó. Bây giờ thỉnh thoảng vào những đêm trăng khuya khoắt, người ta vẫn thường trông thấy một cái xác màu trắng đung đưa dưới nhánh cây.
“Nếu khi sống mà bị oan khuất, thi khi chết luôn thành quỷ” – đó là một quy luật mà lão thọt kết lại.
“Mà chết do thắt cổ là linh nhất”
Thú thật, kể từ hôm ấy, khi đi ngang cái cây to đầu làng, tôi chẳng dám ngước mắt lên và bước như chạy.
“Ông xã Khiên có linh không?” – có một đứa buột miệng hỏi. Tôi biết thằng Tài thường phải đi học ngang qua cái nhà hoang đó nên nó đâm ra sợ.
“Ông ta là quỷ già, nên yếu lắm không làm gì được mi đâu mà sợ”.
Nói đến ông xã Khiên, tôi lại hình dung ra ngay căn nhà hoang trong khu vườn cây dại mọc đầy. Có một lần để chứng tỏ trước mặt mấy đứa kia, tôi đã vào đó một mình. Đó là một căn nhà tranh xiêu vẹo, xung quanh vách chỉ có vài cây cột tre đã bị mối ăn đứt gốc. Khi có một cơn gió nhẹ thoảng qua, nó lại rung lên như muốn ngã. Nhưng điều kỳ lạ là đã qua nhiều cơn bão nó vẫn còn nguyên ở đó kể từ ngày ông ấy uống thuốc chuột tự tử. Trong căn nhà chỉ có một cái giường tre cũ nát, đó là cái giường mà ông nằm ngủ. Khi ông chết, ông không nằm trên giường mà ở dưới đất. Ông chết vật vã vì đã uống hết cả nửa chai thuốc chuột. Khi người ta phát hiện ra thì xác ông đã trương phình lên và bay mùi khủng khiếp.
Tôi cứ nghĩ ông xã Khiên mà thành quỷ sao được, cái ông hiền khô suốt ngày cứ lụi cụi đi nhặt phân bò trên núi Chúa. Ừ mà sao có nhiều người muốn chết và chọn cách chết đau đớn như vậy. Nếu uống thuốc chuột chết mà thành quỷ thì làng Hèm có rất nhiều quỷ. Lão thọt cũng nói như thế. Lão gọi chung là “quỷ thuốc chuột”.
Nhưng có lần đột nhiên lão tuyên bố:
– Ma quỷ chẳng có gì đáng sợ cả.
Khi lũ trẻ tròn xoe mắt kinh ngạc, lão nói tiếp:
– Không tin hả? tối nay tao ra nghĩa địa ngủ cho mà xem. Tao từng chém chết mấy con ma ở đầu nghĩa địa, khi bọn chúng dám cản đường tao.
Lũ trẻ lao xao:
– Ma cũng bị chết hả?
– Chết chứ sao không. Chẳng có thứ gì không chết, thánh thần hay quỷ đều chết cả. Nếu không, chỗ nào mà chứa chúng.


Những câu chuyện của lão Tám thọt không bao giờ có kết thúc. Lão luôn chừa lại một phần nào đó cho những lần sau. Bởi vậy, ngôi nhà của lão luôn là nơi lui đến ưa thích của lũ con trai. Vâng, và chỉ của lũ con trai mà thôi. Không phải bọn con gái không thích nghe chuyện ma, nguyên do là từ lão. “Lão già mất nết” – thầy Ba thường nói về lão như thế.
Lão chỉ sống một mình. Nghe nói lão có một đứa con gái duy nhất đã lấy chồng ở xa, hình như xa lắm vì đã rất lâu không còn ai nhớ nữa. Lão lui cui với cái chân thọt một mình suốt ngày sấy thuốc, bốc thuốc. Theo thầy Ba, “Rất lạ, không biết lão học chữa bịnh khi nào mà hành nghề ngang nhiên ở làng”. Cũng theo lời thầy thì đời cha chú lão ta là dân ngụ cư từ đâu trôi dạt tới chẳng học hành hay nghề ngỗng gì cả. “Lão lang băm” – thầy Ba hay chửi như vậy.
Nhưng mặc, lão vẫn chữa bệnh đều đều. Nghe nói lão có phương thuốc cường dương thần diệu. Những ông lớn tuổi ở rất xa nghe tiếng tìm đến bốc thuốc rất đông. Cái làng này vì thế cũng hay có khách thập phương. “Trước đây làm gì có ai đến cái nơi khỉ ho cò gáy này” – lão Tám khẳng định tự hào như thế. Và cái câu hỏi đường quen thuộc của khách lạ khi đến làng Hèm là: “Nhà thầy Tám ở đâu?”. Những lần đầu, khi nghe hỏi thế, nhiều người làng đã cười nhạo khinh khỉnh. Nhưng sau khi cười, họ lại tỏ ra tức giận cho cái danh “thầy” của lão. Lâu dần rồi người ta cũng quen với cái danh xưng sang trọng ấy. Mà không quen sao được, vì tính ra lão vẫn có công với làng. Vào những ngày khách đông hay khi có khách ở lại để chữa trị dài ngày, là lúc những nhà hàng xóm được nhờ. Vì ít nhất cũng cho lão thuê sân để xe, hay nấu cơm cho khách. Lão tỏ ra rất hào phóng khi trả tiền rất hậu…
*


Làng Hèm như một miếng bánh khô queo nằm vắt theo chân núi. Dân trong làng sống nhờ mấy miếng ruộng một vụ trong thung lũng nhỏ. Ngoài ra, khi xưa còn có nhiều người sống bám vào núi Chúa. Có thời, núi có rất nhiều cây và củ quả. Nhưng bây giờ trông núi chẳng khác gì một quả đồi trọc với nhiều chỏm cây xanh nhỏ xen lẫn với đá trơ trọi. Nằm chếch về phía tây là ngôi miếu thờ Thần núi. Đã lâu, nơi đó vắng bóng hương khói của người làng.
Với đám con trai mới lớn như chúng tôi, những câu chuyện của lão thọt luôn hấp dẫn và cuốn hút dù thầy Ba vẫn luôn nhắc nhở đừng nên nghe lời lão ấy, cái thứ “già chẳng nên thân”. Nhưng mặc, tôi vẫn thích đến nhà lão. Ở cái xó xỉnh này chẳng có thứ gì giải trí cho lớp trẻ. Sự nghèo nàn đến cùng kiệt những trò vui, dù là những trò đơn giản nhất. Ở lão thọt, đám trai trẻ phát hiện ra nhiều điều lý thú. Từ những chuyện “đàn ông” đến những chuyện có vẻ nghiêm túc như là chuyện thánh thần, qua tay lão đều trở nên hấp dẫn và cà rỡn vô cùng.
Lão thọt luôn có những câu chuyện kỳ lạ để kể cho những người đến đây chữa bệnh. Và thường là những câu chuyện liên quan đến phương thuốc bí truyền của lão. Đó cũng là cách quảng cáo hữu hiệu của lão.
“Cái nhất dạ lục giao chẳng là gì đâu. Tôi phải đến thập giao đấy chứ mà vẫn còn thèm”. Rồi lão và khách cười hô hố.
“Đây là thứ bí truyền do cụ tổ nhà tôi truyền lại. Ông có thấy cái miếu thần trên núi Chúa không? Linh lắm! Thời ông cụ nhà tôi ban đêm nhìn lên đó còn thấy thần thánh đi lại như rươi, toả sáng cả núi. Có hôm mưa to gió lớn có con rồng xuất hiện bay vòng vòng quanh núi cả buổi ai cũng thấy”.
Thuốc cường dương, theo như lời giải thích của lão thọt, đó là thứ tinh tuý mà trời đất có được. Đất trời này được tạo nên từ sự giao hoà âm dương. Khi có một trong hai thứ bị tổn hại, cân bằng này sẽ bị mất và mọi thứ rối loạn cũng từ đó mà ra. Sở dĩ cụ tổ nhà lão có thuốc cường dương là vì, chiến tranh đã tàn phá và bao nhiêu người trai trẻ đã chết, âm khi nặng nề bao trùm lên khắp mọi nơi, dương khí đã bị tổn hại, thần thánh buộc phải trợ giúp con người để tái lập lại cân bằng này. Và cụ tổ nhà lão, chính là người đã được chọn để thần núi trao cho phương thuốc thần diệu ấy, nhằm tỏ rõ cái đức hiếu sinh của trời đất.
Lão thọt nói hay như hát, cái lưỡi của lão dẻo quẹo. Những câu chuyện của lão theo thời gian càng dài ra và lắt léo hơn rất nhiều. Theo lão, vị thần trên núi Chúa không chỉ cai quản một ngọn núi này không, ông ấy cai quản cả một vùng rộng lớn. Cái uy danh của ông vang động khắp nước vì thế triều đình đã sắc phong thần cho ngài. Những năm có dịch lớn, người chết như rạ, khi các quan thái y được triều đình cử đến đều bó tay thì cụ tổ nhà lão đã một mình lên núi dập đầu khấn vái ba ngày ba đêm để thần động lòng chỉ cho phương thuốc trị dịch. Và thần diệu thay, một người bệnh nằm quặt quẹo chờ chết, khi được cụ tổ cho thuốc “chỉ một thang thôi là khoẻ lại ngay lập tức, giống như trước đó chưa bị bịnh gì”.
Ừ mà lạ, cái gì lão thọt cũng đem cụ tổ ra khoe, mà cụ tổ nhà lão đâu thể ở cái làng này. “Làm như cụ tổ nhà lão là thánh không bằng” – thầy Ba nhiều lần bực dọc với cái khoác lác của lão thọt.
Theo lời thầy Ba, vào thời ông cụ kị thì lễ cúng miếu hằng năm rất lớn. Khách thập phương đến cầu phước rất đông. Lúc đó, làng Hèm như vào hội. Đó là cái thời núi Chúa rậm rạp, cây cối âm u. Còn miếu thần là dãy ba gian rộng lớn, lợp ngói âm dương. Có cả một ban tế tự của miếu chuyên tổ chức cúng tế hằng năm. Ở ngôi chính điện có hẳn một tờ sắc phong nghe nói là do vua nào đó ban cho đâu từ thời xa lắc.
Nhưng cái thời oanh liệt đó chắc xa xôi lắm thì phải. Bởi thầy Ba cũng chẳng biết gì nhiều, thời của thầy cũng chẳng thấy cái sự đông đúc nhộn nhịp ấy. Nhưng trong ký ức của thầy Ba có hẳn một hình ảnh như vậy từ khi thầy bắt đầu nhận biết được. Đó là lúc thầy còn nhỏ, hình như bốn năm tuổi gì đó, được ba thầy dẫn lên miếu vào dịp cúng xuân. Khi đó con đường lên núi Chúa ngoằn ngoèo cây to chắn lối âm u, nhiều đoạn phải được bế thầy mới qua được. Ngôi miếu ba gian khi ấy trông thâm trầm bí hiểm dưới tán những cây lớn toả bóng che kín ánh sáng mặt trời. Thầy Ba quả quyết khi ấy thầy còn trông thấy tờ sắc phong được treo trên bàn thờ của ngôi chính điện. Mùi hương khói, cộng với cái âm u của núi rừng làm thầy không thở nổi và cũng chẳng dám khóc. Cái đêm từ miếu về, thầy nói mình đã mơ thấy thần núi cao lớn da đen như than, tay cầm búa đứng trên đỉnh núi nhìn xuống làng. “Cái uy đức của thần núi đã bảo vệ cho làng”. Qua cả thời chiến tranh nhưng chưa bao giờ làng Hèm chịu một viên đạn nào, dù là đạn lạc.
“Ôi, uy đức gì, thần thánh gì. Ở cái nơi khỉ gió này ai thèm đến làm gì mà chiến tranh chiến triếc. Đạn bắn vào đây chỉ có phí tiền” – lão thọt trề môi giải thích cho tôi. Mà cái lão này luôn không ưa thầy Ba, lão luôn nói ngược lại những gì thầy Ba khẳng định.
“Tụi bây có biết tại sao làng mình có tên làng Hèm không?”
“Tại vì làng giống cái… của đàn bà, nhưng là của một mụ già sắp ngoẻo”
Lão dừng lại cười hô hố. Lũ chúng tôi cũng khoái chí cười theo.
“Tụi bây biết mụ Chín khùng không? Mụ ấy mà chết thi linh lắm đấy”
Tại sao là mụ Chín nhỉ? Cái bà già cười nói toang toác khi gặp đàn ông ấy thì làm sao mà linh thiêng được chứ.
“Thần núi này hồi trước linh lắm đấy, nhưng tại mụ Chín mà hết phép, nên hết linh”. Lão lại cười hô hố.
Tôi đoán chắc lão thọt sắp kể một câu chuyện nào đó, lại một thứ bịa đặt cà rỡn nữa nhưng vẫn thu hút lũ trai trẻ vểnh tai lên mà nghe.
Bà Chín không chồng mà ba con. Nghe nói hồi trẻ bà ta đẹp và hấp dẫn lũ đàn ông ở làng lắm.
“Hồi trẻ hai ngực của mụ ấy như vầy nè…”, lão đưa tay làm một vòng trước ngực rồi cười khoái trá.
Cái thời của bà Chín là thời trai gái còn e lệ khép nép khi gặp nhau. Thế mà bà ấy vơ hết ông này đến ông khác. Cái đám đàn ông có vai vế trong làng ban đêm lượn qua lượn lại trước nhà bà như mắc cửi. Các bà vợ thấy bà ấy như thấy bệnh dịch. Nghe nói đầu tiên bà cũng có chồng, được một đứa con rồi không hiểu sao người chồng này tự dưng lăn đùng ra chết bất đắc kỳ tử. Đến hai đứa con sau là của hai người từ nơi khác đến, được một thời gian rồi cũng bỏ đi.
Nghe nói lão thọt cũng có một thời dang díu nhân tình với bà Chín khắng khít lắm. Mà sao tránh được nhỉ. Họ là một đôi “Thần chê quỷ hờn” – như lời thầy Ba.
“Moá! cái bọn đạo đức giả, ngoài miệng thì chửi mắng mụ ta dâm dật, nhưng tao biết trong lòng bọn chúng thèm lắm, nhưng chẳng biết làm thế nào để chiếm được”.
“Cái lão hương Tôn ấy, có lần có người bắt gặp lão rình nhìn trộm mụ Chín tắm. Mà cái mụ lạ lắm, luôn cởi truồng tắm vào ban đêm, lại để đèn sáng cho người ta dòm chứ. Đúng là mụ dâm dật” – lão lại cười hô hố.
“Lão nhìn trộm thế mà khi cúng miếu hay hội làng lão ta lại mang mụ Chín ra mắng nhiếc thậm tệ. Lão ta như vậy, đẻ ra thằng con cũng chẳng khác gì – cái thằng thầy Ba dạy i tờ ấy mà cũng lên mặt trí thức đạo đức với tao, đúng là khổ”. Lão nói một hơi tức tối, mặt lão đỏ bừng bừng.
“Mà mụ Chín hồi trẻ đã lắm. Tụi bây không tưởng tượng được đâu. Mụ như con cọp cái đói khát, lao lên vật xuống mãnh liệt. Tao hồi trước mà không có thuốc làm sao mà chịu nỗi mụ”.
“Trời sinh ra mụ, cho mụ cái thân hình hấp dẫn nhưng lại lấy mất của mụ cái thần kinh để mụ ta ương ương dở dở mới kỳ làm sao. Tính ra trời cũng công bằng ấy chứ nhỉ”.


Lúc nào cũng thế, lão thọt luôn bắt đầu câu chuyện một cách đều đặn và từ từ. Lão nói như cuốn người nghe, vì thế chẳng khó hiểu khi khách chữa bịnh rất thích nghe lão kể chuyện.
“Cái người chồng thứ ba của mụ Chín là ai tụi mày biết không? Là thần núi Chúa đấy.”
Bọn tôi mở mắt tròn xoe nhìn lão ngơ ngác chờ đợi.
“Cái gã cao lớn, da đen như cột nhà cháy từ đâu đến làng và được mụ Chín chộp ngay. Mụ rất thích đàn ông to lớn mạnh khoẻ”.
“Tao nói rồi mà, mụ Chín hồi trẻ hấp dẫn lắm, đến thần thánh còn không chịu nổi nữa là lão hương Tôn”. Lão lại cười hô hố.
“Có lần mụ ta lên núi làm gì đấy, gặp trời mưa nên vào miếu thần núp. Mà cái mụ này có kiêng ai bao giờ, có ai đời ở nơi linh thiêng mà mụ cởi hết quần áo ướt ra vắt nước, rồi nằm ểnh ra đấy đợi trời tạnh. Mụ Chín mà cởi truồng thì… chẳng có thần thánh nào chịu nổi đâu”. Lão lại cười thích thú. Lão ta kể những chuyện như thế chẳng khi nào ngượng, đó là đặc điểm của lão. Bởi vậy mà đàn bà phụ nữ ở làng chẳng ai dám sang nhà lão.
“Sau cái hôm ấy, thần núi phải hoá thân thành người xuống làng để ở với mụ. Thần cũng hết phép từ đó.”
“Thế sao thần núi lại bỏ mụ Chín mà đi?”
“Chịu sao nổi mụ mà không bỏ đi”.
Theo lão giải thích thì cái miếu từ khi thần núi bỏ đi bắt đầu hoang phế và chằng còn ai lên đó làm gì.
“Thần không thiêng thì người cũng hết cúng hết tế”- Cuối cùng lão kết luận như thế.
Ừ mà thần cũng hết thiêng thật. Vì bọn chăn bò thường vào đó phóng uế bừa bãi, đôi khi chúng còn vẽ bậy viết bạ lên tường nhưng đâu thấy thần làm gì tụi nó. Mà thần còn thiêng sao được khi cái miếu thờ ngài chỉ còn là một cái chòi xây tạm bằng gạch không tô lồi lõm xấu xí. Ban thờ chỉ là một tấm đanh nhỏ chỉ đù để lư hương và đôi chân đèn. Cũng có khi thường vào ngày rằm hay tết nguyên đán, thầy Ba lên quét dọn miếu sạch sẽ và bày một mâm trái cây để cúng. Nhưng cũng chỉ được vài ngày rồi đâu lại vào đấy, bọn chăn bò lại phá phách như cũ. Miếu lại hoang tàn và dơ dáy trông thật tội nghiệp…


Khi tôi kể lại câu chuyện thần núi và mụ Chín, thầy Ba nói thầy đã nghe cả trăm lần rồi.
“Cái miệng của lão già mất nết ấy chẳng biết kiêng cử ai. Lão phịa ra đủ thứ, lão ghét ai là người đó khó sống với lão. Bà Chín làm mât lòng lão nên mới bị lão phịa chuyện nói xấu ấy mà”.


Thầy Ba chưa già hẳn, và vẫn còn đi dạy học. Trong nhà thầy có rất nhiều sách chữ nho. “Của ba thầy đó”. Thầy nói sách quý lắm, nhưng thầy không biết chữ nho, nên chỉ giữ làm của gia bảo. Thầy kể, hồi trước ở làng này bất kỳ nhà nào khi có chuyện hiếu hỷ đều đến nhờ ba thầy – tức cụ hương Tôn – để coi ngày giờ.
“Ông cụ coi gì cũng được, từ ngày giờ tốt đế khởi công làm nhà, đến ma chay, đám cưới, coi đất huyệt, hướng nhà…”
“Ông cụ là trưởng ban tế tự của miếu thần. Mọi nghi lễ cúng tế đều một tay ông cụ lo cả”.
“Hồi cái miếu bị đập, ông cụ ngăn không được nên sinh bịnh nặng. Từ đó cụ bỏ hẳn việc coi ngày giờ nữa”.
“Mà con biết ai đập miếu thần không? Lão thọt đấy. Hồi năm bảy lăm lão ghê gớm lắm. Lão nói lão có công đủ thứ, lão hăm doạ nhà thầy liên tục. Lão hăng hái lắm, một mình vác búa lên đập miếu thần. Khi đập đến gian chính điện, lão bị lọt mái ngói, rơi xuống đất mà bị thọt đến bây giờ. Chuyện này ít người biết. Nhưng từ đó lão cũng bớt hống hách đi.”
“Có phải bà Chín lấy thần núi không thầy?”
“Nhảm nhí. Cái lão thọt khốn nạn này…” . Tôi phát hoảng vì chưa thấy thầy chửi thế bao giờ. Sau đó, biết mình lỡ lời, thầy im lặng hồi lâu rồi bắt đầu kể tiếp chuyện về lão thọt.
“Cái thứ như lão trước sau rồi cũng bị thần đoạ thánh vật cho mà xem, như cái lần bị thần núi hất rơi xuống miếu cho thọt chân. Trời trả báo mà.
Mà thần thánh không vật thì cũng có nhiều thứ hành hạ lão cho hết đời. Có đứa con gái cũng bỏ đi mất xứ, đến bây giờ cũng chẳng biết ở đâu…”
“Chứ không phải cô ấy lấy chồng ở xa?”
“Làm gì có, nó bỏ nhà đi chứ chồng con gì. Mà chuyện của cô Thoa dài lắm. Vì cô ấy chỉ nhỏ hơn thầy vài tuổi và thường chơi chung với nhau nên thầy biết rõ mọi chuyện. Nhưng mà thôi vậy. Cô ấy sẽ không bao giờ về làng này nữa đâu. Làm con gái lão thọt, đúng là bạc mệnh. Những gì lão gây ra, không những lão phải chịu mà đến con gái lão phải khốn khổ theo. Đúng là lão già khốn nạn.”
“Còn chuyện lão với bà Chín là sao hả thầy?”
“Lão hại cả đời bà Chín. Bà ấy ương ương dở dở nên chẳng biết gì. Hồi trẻ lão hiếp bà Chín trên núi Chúa. Rồi sau đó vì gia đình bà Chín không đồng ý cho lấy lão nên lão mới đi tung tin nói xấu tùm lum, khiến bà Chín chẳng lấy nổi tấm chồng cho đàng hoàng”.
“Nghe nói đứa con đầu là con của lão?”
“Thầy cũng không biết chắc. Nhưng lão có bao giờ nhận con mình đâu. Anh ấy trước bảy lăm đi biệt động quân rồi chết đâu ở Quảng Trị không tìm thấy xác”.
Bà Chín có đến ba đứa con trai nhưng bây giờ cũng chỉ sống một mình. Bà sống âm thầm trong hẻm núi. Bọn chăn bò hay rình xem bà Chín nói nhảm một mình. Bọn nó hay nói bà ấy biết niệm thần chú. Mà bà dở hơi thật, cứ tự dưng lại nổi lên cười nói một mình.
Có lần tôi hỏi mẹ tôi: “bà Chín bị khùng hả mẹ?”
Mẹ tôi la cho một trận:”con cứ nghe lão thọt nói bậy bạ không. Trông vậy chứ bả tội lắm, chẳng toan tính tranh giành gì với ai”.
“Thế con của bà đâu mà bà sống có một mình?”
“Người đầu thì đã chết, hai người sau đi kinh tế mới đâu tuốt trong Đắc Lắc, cả mười năm rồi không có tin tức gì”.
“Thế sao cô Thoa lại bỏ đi hả mẹ?”
“Chắc thầy Ba nói phải không, ừ cô ấy chắc sẽ không bao giờ về làng nữa đâu.”
“Con cũng nghe thầy Ba nói vậy. Mà tại sao cô ấy lại không bao giờ về thăm lão thọt?”
“Thôi chuyện khổ lắm con đừng nghe làm chi. Tội nghiệp cô ấy”.
*


Tôi lớn dần lên dưới chân núi Chúa, nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ trông thấy ma, quỷ hay thần núi. Họ vẫn ở lẫn khuất đâu đó ngoài kia, trong nghĩa địa, trên cây to đầu làng hay phiêu bạt theo gió men theo từng tảng đá lớn trên triền núi. Họ nắm giữ hết những bí mật của làng Hèm. Những cơn mưa dông vẫn đến vào mùa hè, và tôi luôn đón đợi để được trông thấy thần núi hai mắt sáng quắt, tay cầm búa lớn đứng trên đỉnh núi nhìn xuống làng.
Rồi tôi rời làng lên phố…
Năm năm rồi mười năm, thời gian trôi vùn vụt nhanh như sự hối hả của người thành thị. Lâu rồi tôi không còn nhớ đến ma quỷ thần thánh gì nữa, bởi nếu có họ cũng không tìm được nơi cư ngụ trong cái thành phố chật chội này.
Hàng năm tôi lại về làng một lần vào dịp tết nguyên đán. Lão thọt đã chết. Khắp làng không còn một cái vườn hoang nào. Làng đã trở nên chật chội vì người đã đông hơn rất nhiều. Khi đi ngang vườn ông xã Khiên, tôi thấy có đến ba ngôi nhà chen chúc nhau trong cái vườn cũ. Cái nhà tranh xiêu vẹo đã đi theo ông rồi, nó chống lại nổi những cơn bão nhưng đành nhường chỗ cho người mới. Cái cây to đầu làng cũng không còn nữa.
Khi sang thăm thầy Ba, thầy hỏi tôi thấy làng có khác không. Tôi nói, cứ mỗi lần về lại thấy khang khác làm sao ấy, có vẻ như nó đã hết làm cho bọn trẻ con phải sợ hãi. Thầy nói:
“Ừ, còn sợ gì nữa chứ, cái miếu thần trên núi không còn nữa con ạ, dân đào vàng đã đào nó hổng móng và lăn xuống hố rồi”.


Tôi cứ nghĩ bâng quơ không biết những ma quỷ thần thánh mà tôi từng biết có còn nơi nào để trú ngụ nữa không. Thần núi chắc phải leo lên tận các núi cao hơn. Cô gái chữa hoang không biết đã đi về đâu…
Rồi thời gian lại phải làm cái công việc khắc nghiệt nhưng cần thiết của nó: đem đến cái chết.
Vài năm sau, lần lượt thầy Ba rồi mẹ tôi cũng mất. Hôm nghe tin mẹ mất tôi thất thần. Ở cái thành phố này chỉ có những tin như thế mới có thể làm con người ta phải dừng lại.
Tôi bương bả về làng Hèm chịu tang mẹ. Tôi lại ra nghĩa địa để thắp hương. Tôi ngồi lặng lẽ ở đó vào buổi chiều. Những mộ bia cũ mới đủ kiểu chen chúc nhau chiếm chỗ. Nghĩa địa vẫn là nơi yên lặng nhất. Ở đó, tôi còn nghe những cơn gió thổi nhè nhẹ qua từng phiến đá như lời của những linh hồn phiêu bạt…
Nhưng chúng không còn làm tôi sợ nữa. Hay có khi chẳng còn gì, vì tất cả chúng đã chết thật rồi, chết thêm một lần nữa – như lời lão thọt năm xưa?


Trà Đóa