03 December 2016

BÀI HOAN CA Ở A 38 (Phần 10, 11, 12) - Chu Trầm Nguyên Minh

|xem Phần 1, 2, 3|xem Phần 4, 5, 6|xem Phần 7, 8, 9|

Phần 10
_____________
Tờ Kiểm Điểm, trước khi nộp Trung Đoàn phải thông qua tổ, xếp hạng, từ “A” loại 1 đến “C” loại chót. Chữ A được hiểu là: Tội ác nhiều, điển hình  và chữ C thì hiểu ngược lại.
Tại Trung Đoàn cán bộ chọn mỗi khối 1 đến 2 tờ Kiểm-Điểm loại A và tập họp cả trại -tức 13 khối- đến Giảng-Đường-Liên-Khối để nghe “Báo Cáo Điển Hình” Chính thủ phạm hay nói khác -như cán bộ- là chính …đương sự …lên trực tiếp báo cáo tội ác của chính mình, do mình gây ra, cho cả liên khối nghe.

Tú đưa tay vẫy chào bác tài đã cho quá giang.
-Tụi bay…  coi chừng mìn VC …
-Mày đừng lo… tụi vẹm chạy mất xác hết rồi.
Tú đi bộ một quãng, thị xã đông vui, nhiều xe nhiều người đi lại trên đường.  Buổi sáng ở cao nguyên vẫn chưa tan hết sương đêm, Tú kéo áo blu-don kín cổ, bến xe đã hiện ra trước mặt, xe đi xe rời bến…   chưa thấy xe về…   Tú ghé vào quán cà phê, gọi ly đen không đường. Quán vắng, một vài người chờ xe, một tài xế chờ đến tài… Hôm nay vợ và con trai của Tú lên chơi. Đã gần năm, từ ngày sinh bé Dũng, Tú chưa về.
Xe Nha Trang vào bến, Tú trả tiền cà-phê, bước nhanh.
Tiếng Lan, vợ Tú:
-Ba kìa…  Ba kìa…
Nhưng đứa bé vẫn ngơ ngác, và giấu mặt vào ngực mẹ.
-Em có mệt không?
-Dạ…  không, con và em khỏe.
Lan trông đẫy đà hơn sau khi sinh con, nhưng đẹp hơn, đôi mắt long lanh hơn.
-Anh có khỏe không?
-Anh khỏe.
Tú, vợ và con trai lên xe lam đi tiếp.
-Ta về Đồn thôi em.
-Dạ.
Đồn của Tú ở về hướng tây, cách Dak-tô chừng hơn 15 km. Đó là căn cứ được xây trên một ngọn đồi cao, có thể quan sát được một vùng rừng chốn xa tắp, có cảm giác như tiếp giáp biên giới.
Đồn xây tạm bợ, đủ cho 30 người, chung quanh được rào kẽm gai từng từng lớp lớp, dưới thép gai là giao thông hào. Trước khi Tú về, VC đã tấn công vài lần nhưng bị đánh bật ra…
Gia đình 3 người được bố trí một chỗ ở độc lập, tiện cho sinh hoạt vợ chồng. Qua cái lỗ châu mai, Lan nhìn thấy rừng núi trùng trùng…   đêm sương rất lạnh…
Đêm đầu tiên ở nơi xa lạ, Lan không ngủ được.
-Ba mẹ có khỏe không?
-Dạ khỏe.
-Em…
-Em vẫn đi dạy trường tiểu học gần nhà.
Tú giật mình vì tiếng báo động, đơn vị sẵn sàng. Tú đưa Lan và Dũng xuống giao thông hào.
-Em và con ở đây, nhớ nhé.
Tú vọt lên, súng đã nổ, tứ phía lửa của đạn bay như pháo hoa. Như đã phân công, Tú bò ra lô cốt phía Tây, cây đại liên đang nhả đạn, đối phương dùng súng phóng lửa cuốn rào kẽm gai. Xung Phong…   xung phong…   Chúng tràn lên, ngã xuống lớp này, tràn lên lớp khác, một biển người. Cây đại liên không khạc đạn, đồng đội chết và bị thương gần hết. VC đã mò tới đủ gần để bỏ vào lỗ châu mai hai quả lựu đạn. Tú nhào ra và lăn tròn về hướng giao thông hào, trong tiếng đạn vang rền, Tú nghe tiếng Lan khóc.
-Con ơi…   con ơi…
Tú ôm khẩu đại liên dự phòng, cùng người tiếp đạn, đùng đùng đùng, di chuyển, đùng đùng đùng…   di chuyển…  Đến rạng sáng thì VC rút lui, ta chết bị thương 20 người, trong đó có đại úy đồn trưởng. Nhưng điều bi thảm hơn cả, cho tất cả những người còn sống là Lan và Dũng, hai mẹ con đã ôm nhau chết trên vũng máu. Tú đứng chết lặng bên xác vợ và con, với khuôn mặt đanh và đôi mắt rực máu.
Trận này nằm trong chiến dịch Mùa hè 72 của Bắc Việt, mở 3 mặt trận: Trị Thiên, Bắc Tây Nguyên và Tây Nam bộ. Sư đoàn 2 Bắc Việt từ Hạ Lào hành quân qua…   Đây là trận thăm dò…
Tôi thề là sẽ trả thù và từ đó tôi tìm đủ mọi thời cơ để được giết chúng bây. Tú lấy tay chỉ thẳng vào 17 cán bộ ngồi ở hai dãy ghế phía trước, và mỗi lần giết được một thằng, tao xẻo một lỗ tai, xỏ vào một sợi dây đeo lòng thòng ở cổ…   đến khi bị chúng bay bắt. Ha ha…  ha…   Sợi dây dài chấm lỗ rún…   Ha…  ha…ha… Tú như hóa khùng…   Đám cán bộ vẫn ngồi yên, không hề thay đổi sắc mặt…   Hắn quan sát và thấy sợ, họ đã luyện tới mức không thể tin được đó là sự bình thản đến mức dã man.
Khi lao lên, Tú thấy một chú bộ đội bị thương rất nặng, thường khi thì lia tiếp, nhưng Tú lại dừng tay…   vì kẻ thù chỉ là một đứa trẻ…   rất trẻ…   đôi mắt nhìn Tú như van lơn, cầu xin… ..  Đồng đội đã rút lui, bỏ Hắn lại…   chơ vơ giữa đồi, trên vũng máu.
-Chú em…  sao rồi…
Đứa trẻ không còn sức trả lời.
-Con tao…   mới 3 tuổi… -Tú rút dao-…  tao sẽ xẻo tai mày… xẻo tai…
Đứa bé quặn người…   hai dòng nước mắt chảy ra … Tú hét to, dài như tiếng hú của loài cầm thú vang động núi rừng.
Hai mắt đỏ như máu, Tú hét:
-Ai? Ai…  đã biến ta ra nông nỗi này? Các người nói đi? Ai? Các ngươi nghe rõ đây: ta căm thù và thề sẽ giết các ngươi như các ngươi đã giết vợ con ta.
Phải đến 5 trại viên trong tổ của Tú nhào ra mới lôi Tú về chỗ ngồi…   Tú uất nghẹn trong họng…  ai…ai…ai…

Người thứ hai tên Sơn.
Khoảng 6 giờ sáng, có tiếng súng nổ ở phía bắc, nơi đầu cầu dẫn vào thành phố, một vài người đang tập thể dục chong mắt, nghe ngóng. Lại có tiếng nổ ở khu phố điện máy…  ở tiểu khu.
-VC…VC…
Một vài người vừa chạy vừa la…   Thành phố bỗng chốc như hỗn loạn, súng nổ chát chúa khắp nơi…
Một người, từ phía cây cầu chạy đến.
-VC…  VC…   đông lắm…   chạy đi…
Sau những phút bất ngờ, ngơ ngác, giờ đây mọi người đã hiểu vấn đề VC tấn công thành phố. Sơn đứng lóng ngóng ở đầu đường Trần Quí Cáp. Một chiếc jeep trờ đến, Sơn đưa tay, chiếc xe hãm tốc độ, Sơn phóng lên, xe lao vút đi…   chạy qua cây cầu Phía Bắc dưới làn đạn.
Về đến đơn vị, Thiếu tá Ánh phân công Sơn đưa một trung đội trở lại, giữ cho được cây cầu Phía Bắc, đó là cửa ngõ vào thành phố. Đơn vị đến được đầu cầu bên nay thì trời đã chiều. Một đoạn đường hơn 7km, phải tiến đánh, chiếm lại từng mét một… hy sinh 7, bị thương 5, cấp số chỉ còn 18. Bên kia cầu, bên trái là ngọn núi nhỏ, nhưng cao, phía phải là cây xăng Shell…   kế bên là bến xe.
-Trung sĩ Quân và Dũ, Tuấn qua cầu.
-Tuân lệnh.
Ba chiến sĩ khom người chạy. Bất ngờ không lường trước được, VC đã đặt khẩu Đại Liên trên ngọn núi, hỏa lực từ đó nã xuống mặt cầu. Tiến nằm lại, Quân và Tuấn nằm sát, lăn tròn, tiến lên…   Quân nằm lại và khi Tuấn vừa lăn đến đầu cầu bên kia thì một trái B.40 đã hất tung Tuấn thành từng mảnh.
Sơn cắn răng, quai hàm bạnh ra…   Lũ khốn…   lũ khốn…   Sơn trườn tới, nhưng đồng đội đã kịp kéo lại.
-Hỏa lực mạnh, ở thế quan sát tốt, bọn chúng sẽ hạ chúng ta như trở bàn tay. Trung úy, mình tính lại…
Sơn công nhận là VC đã chiếm thế thượng phong, muốn qua cầu…
-Trung úy!
-Nói đi.
-Tụi em sẽ đi dưới cầu.
-Đi dưới cầu?
-Phải…  chỉ có như vậy mới vô hiệu hóa hỏa lực khẩu Đại Liên.
Sơn quan sát, dưới cầu có duy nhất một đường ống, dẫn nước từ nhà máy về thành phố, to bằng một vòng ôm, đi dưới cầu, tức ôm đường ống này, đu qua phải là người khỏe, nhất là hai cánh tay.
-Cầu dài đến 300m, liệu có qua nổi không?
-Không nổi cũng phải nổi.
Một chút đắn đo.
-Có khi nào chúng đã…
-Trung úy nói…   chúng đã gài mìn đón ta dưới cầu phải không?
-Phải…   như khẩu Đại Liên…   bọn láu cá.
-Chỉ có quỷ mới làm được điều như vậy.
Trong lòng Sơn cứ lo, không quyết định được, anh em đã đi phân nửa rồi.
-Khi qua được bên kia cầu…  ta sẽ áp sát chân núi…tiêu diệt khẩu Đại Liên.
-Trung úy, tụi em làm được, đừng lo.
“Phải chiếm cho được chiếc cầu, chận đường địch tiếp viện của VC từ hướng bắc, và cả đường rút của chúng từ nội thành, bị đánh bật ra…” Thiếu tá Ánh trừng mắt nhìn Trung úy Sơn “Tao sẽ đến thám sát…   không xong tao bắn bỏ mẹ tụi bay…  ” Thiếu tá Ánh, người Việt gốc Nùng, đi từ thời Khố Xanh leo lần lên thiếu tá. Hắn nổi tiếng hung ác, giết người không gớm tay, thuộc quyền trái ý, Hắn bắn gãy chân là thường. Người ta đồn, Hắn chơi gái…   có nghề, em nào bị Hắn thịt là sau đó xách quần tìm Hắn. Đêm nào Hắn cũng phải chơi, mới yên. Các bà vợ sĩ quan trong khu gia binh… có bà tò mò…  cho Hắn chơi…
-Trung úy, có điện.
Sơn cầm tổ hợp, áp vào tai.
-Đụ má, tao nói rồi, không chiếm được cầu tao bắn bỏ tất cả bọn bay…   Trung úy Sơn đâu?
-Tôi đây.
-Đụ má, mày nghe tao nói không, tao bắn bỏ…
Sơn cúp tổ hợp.
-Một tổ 3 người qua cầu. Ai đi?
-Em… em… em…
Tám, Minh, Long chuẩn bị qua cầu.
Cả ba, súng đeo áp sát sau lưng, như ba con thằn lằn ôm ống dẫn nước, rướn tới từng chút một, địch chưa phát hiện. Ba chiến sĩ mỗi lúc một chậm dần…   Bỗng Tám tuột hai chân, hai tay níu ống nước, thân hình đong đưa…   rồi rơi xuống…   Tám cố bơi và ôm được chân cầu nhưng địch đã phát hiện, chúng vãi đạn. Hình như Tám bị thương và trôi theo dòng nước. Một khoảng máu đỏ…
-Trung úy, bọn chúng xuống núi…
Sơn thấy hai thằng VC từ lưng chừng núi di chuyển xuống chân núi, gần đầu cầu, phải hạ chúng, không thì Minh và Long sẽ nguy.
-T.79 … bắn……  bắn…
Mục tiêu ở ngoài tầm sát thương. Hai tên VC vẫn xuống được chân núi, bên đầu cầu… 4 chiến sĩ, đồng loạt nhảy xuống sông, vừa bơi vừa nhã đạn, cố cứu đồng đội, nhưng Minh, Long đã hy sinh. 4 chiến sĩ vì bạn cũng không thoát tầm đạn Đại Liên.
Sơn nhìn lại, trung đội 30, giờ còn 8. Mắt ai cũng đỏ ngầu, hực lửa căm thù. Ngày vừa tắt nắng. Đêm đến, tiếng súng trong thành phố vẫn nổ, lúc dồn dập, lúc thưa, lẻ tẻ…   bóng người bên kia cầu, mãi tận đầu đường Trần Quí Cáp di chuyển thấp thoáng đêm không điện, dần dần mịt mù…   tiếng súng vẫn không dứt…
-Chuẩn bị qua sông…   Ta phải hạ ổ Đại Liên…
-Qua sông?
-Ta bơi dọc mé trái bờ bên nay… cách cầu 50 m sẽ ngoặc phải…  bơi qua chân núi phía sau…  từ đó ta đánh bọc hậu…
-Rõ…
Sơn dẫn đầu, tám chiến sĩ rẻ nước bơi đi, tất cả đều ngậm tăm, nương theo bóng tối…   Sơn là người đặt chân lên bờ bên kia đầu tiên…   chờ mãi…   vẫn chỉ còn năm người…   ba người đã chìm…
-Ta ém lại ở đây…  chờ…
-Hy vọng anh em sẽ đến…   dù trễ…
Mãi đến nửa đêm Sơn nói:
-Chúng ta còn 5 người, chia 2 tổ. Tôi và Liêm tổ 1, ba người còn lại tổ 2. Đức làm tổ trưởng. Chúng ta xẻ rừng tiến lên đỉnh núi, nơi chúng đặt Đại Liên…   Tôi và Liêm đi tiên phong…   tổ 2 yểm trợ…
Khi lên đến lưng chừng núi thì đụng ổ phục kích của VC, hai bên nhả đạn, Liêm ngã xuống bên Sơn…
-Anh…  anh…  em chết…  mất…
-Cố lên…  Liêm ơi…
Xung phong, xung phong…   Đợt nào tràn tới, VC cũng bị Sơn và 3 người còn lại chận đứng…
-Anh…  anh…
-Cố lên…   em…
Cuối cùng, tất cả đều hy sinh, mỗi mình Sơn bị thương nằm trên vũng máu.
Cho đến khi VC bị đánh bật ra khỏi thành phố, tháo lui, Sơn được tìm thấy đưa vào quân y viện.

-Ta lại ra chiến trường và thề rằng: ăn đủ 29 lá gan VC để trả thù cho 29 đồng đội đã hy sinh…   Ngày ta bị các ngươi bắt, ta đã ăn được 27 lá…   Các ngươi còn nợ ta hai lá…
Sơn ngừng lại, nhìn thẳng vào 17 cán bộ, nói lớn:
-Các ngươi phải trả đủ, dù sớm hay muộn … cũng sẽ trả đủ …
Người ta nói Sơn lấy gan VC hết sức dã man và điêu luyện, móc gan ra rồi, tên VC bị móc gan, vẫn còn ngơ ngác, kinh hoàng…   nhìn sững tên Ngụy quân đang nhai gan của mình…
Hắn mừng vì trong những ngày Kể Tội Điển Hình, khối 13 không có ai. Nhưng ngày áp chót lại xuất hiện…
Ta chẳng cần nói lý do dong dài, đơn giản là một VC cái đã ria AK giết sạch Cha, mẹ, vợ con ta Tết Mậu Thân. Đó là lý do ta ghét CS, nhất là CS cái. Ta lùng sục, phục kích, đón đầu…   Mỗi lần bắt được một ả, ta chơi luôn, sau đó ta cho lính thay phiên nhau chơi tiếp, chơi cho đến khi ả tắt thở…   Có ả dâm chúa, dai như đĩa đói, không chết, ta bèn lấy chai coca cola, đập bể khúc đầu làm dương vật đâm vô L ả… máu…   máu từ đó tràn ra…   ả mới chịu “ngủm”.
Nói xong Hắn ngửa mặt cười một tràn dài và
-Đến khi ta bị các ngươi bắt…   ta chơi như vậy đến ả 15…  a ha…  ha…
Đó là tội của Quang ở tổ 7 thuộc khối 13 của Hắn. Nghe chưa hết tiếng cười như vọng từ địa ngục thì Hắn đã xỉu…   Ngày kể tội hôm nay không khí u uất và không phải chỉ có mình Hắn mà nhiều trại viên cũng xỉu như Hắn.
Từ đó, Hắn nằm bẹp, chiếc chiếu dưới lưng đã ẩm ướt, hơi lạnh như nuốt trôi Hắn, lúc nào cũng ở trong trạng thái mơ mơ màng màng, nửa tỉnh, nửa mê. Đến ngày thứ 5 thì gần như các tổ trưởng đều có mặt bên Hắn.
-Sức khỏe khối trưởng…    Họ hỏi thăm, tỏ ra lo lắng.
-Tụi tôi đã lên Trung Đoàn tranh đấu cho phép anh khối trưởng…   nằm sạp…   chứ không thì chết mất…   Khối không có anh sắp loạn rồi…   Họ chấp thuận thôi.
Anh khối phó X ra lệnh:
-V, em chăm sóc khối trưởng. Anh xin cho em nghỉ tập trung.
Hai ngày sau, anh em khiêng tới cho Hắn một cái sạp đan bằng lô ồ chẻ tư, rất khít và đẹp, từ đó Hắn -có lẽ- là người duy nhất nằm trên sạp, chứ không phải chỉ được nằm trên chiếu ướt.
Hôm sau, Đời-68 đến, nhìn Hắn, cười:
-Trung úy Ngụy…   tôi không tin nổi…   lại yếu bóng vía đến thế.
Hắn cố ngồi dậy, nhưng bị chận lại.
-Cứ nằm, tôi thăm anh một chút rồi đi thôi.
-Thưa…
Đời-68 ngồi bẹp xuống nền nhà, bên Hắn, như một người bạn.
-Cuộc chiến này -ngập ngừng- là như vậy…   Nó biến chúng ta thành kẻ thù không đội trời chung của nhau, dã man, tàn ác hung bạo, mất tính người… là điều phải có không thể tránh khỏi.
Đời-68 xa xăm.
-Cái phải nhớ là cuộc chiến này không phải chính chúng ta quyết định -ngập ngừng- chúng ta chỉ là những quân cờ “nằm bị động buông xuôi trên phần đất lạ” -cười nhẹ- Anh không viết thế là gì. Vậy thì, có cái gì mà phải suy sụp tinh thần nào?
Hắn ngạc nhiên, Đời -68 lại thuộc thơ của Hắn.
-cho dù ở chung một trại, nghe chung một bài ca, học chung 10 bài giáo huấn…   nhưng mức độ tội ác thì mỗi người một khác, không gì có thể qua mắt được chúng tôi, kể cả quá khứ của các anh…   nên khai thật, khai hết là tốt nhất vì như vậy chúng tôi không mất thời gian thẩm tra lại, các anh có thể ra trại sớm hơn…
Đời-68 hạ giọng:
-Anh nên nói với anh em như thế -cười- Chúng tôi nói họ không tin bằng anh nói…   Nếu thương họ anh phải nói như vậy.
Đời-68 nhìn chai nước và lon sữa Ông Thọ để trên đầu tấm phản. Nhưng lại nói:
-Vụ Mỹ Sơn, Mậu Thân 68, Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào, Mùa Hè Đỏ Lửa 72…   anh được học sinh phản ảnh tốt. Ở những sự kiện này, ngoài dạy Toán, anh còn dạy cho học sinh cách nhìn lịch sử một cách trung thực…  Học sinh, theo cách nói của họ, họ rất quý anh -vẻ bí mật- nhưng anh đã sai khi nhìn biến cố Mậu Thân, bài “Việt Nam 1968” của anh làm nhiều người “sốc”, một thời gian bị cho là tay “bồi bút” chống Cộng tích cực. Cho dù anh đứng ở cửa giữa, khách quan, có điều chữ nghĩa anh dùng phẫn uất quá, anh hét, anh la to quá, mà lịch sử, có những khúc quanh, người ta muốn nó chìm xuống, lãng quên đi.
Đời-68 cười nhẹ:
-Công việc của anh ở đây được đánh giá tốt, tôi hy vọng anh sẽ về sớm thôi. Nhưng trước mắt phải lấy lại tinh thần, mạnh mẽ lên như đã từng mạnh mẽ -ngừng lại-  và:
-Ngày mai tôi chuyển công tác, chưa biết đi đâu, làm gì, có điều là phải rời khỏi nơi đây, tôi hy vọng một ngày sẽ còn gặp lại anh ngoài kia…
Đời-68 đưa tay chỉ chỉ những vòng thép gai, đứng dậy và đi mau ra khỏi phòng.
Hắn hoàn toàn thụ động vì bất ngờ. Họ nhớ đến từng câu thơ, họ cũng có học và tâm lý, họ nói cũng có tình người. Hắn cố nhìn theo, nhưng bóng người cán bộ đã khuất mất bên kia bức tường. Hắn nhìn căn phòng, 12 chiếc chiếu của 12 cuộc đời…
-Anh khỏe rồi phải không?
-Anh khỏe…   lớp…
-Anh khối phó bảo em “lén” về xem anh thế nào.
-Trời đất.
V cười hềnh hệch.
-Anh gọi “trời đất” được là khỏe re rồi, em khỏi tẩm quất. Em đi múc cháo cho anh đây.
Từ lúc Hắn bệnh, tổ anh nuôi nấu sẵn một nồi cháo để dưới bếp, gạo nấu cháo được cả khối đồng ý trích từ tiêu chuẩn hằng ngày và V-Thày–Lang được phân công chăm sóc Hắn.
Anh em, một vài người nhét cho Hắn đường, sữa Ông Thọ…   Người sĩ quan già được Hắn tặng chai dầu Khuynh Diệp thì ngày nào cũng đến thăm, Hắn thấy vui vui trong lòng.
-Anh ngồi dậy ăn đi, em lên lớp lại đây.
V-Thầy-Lang để bát cháo xuống sàn nhà.
-Hôm nay… tội nhiều quá… Toàn chuyện làm em rợn người…
Hắn cố ngồi dậy.
-Anh ăn xong thì đắp mền lại cho ra mồ hôi…   Cháo hẹ giải cảm đó.
V mỗi ngày một nổi tiếng mát tay, lể, tẩm quất, bấm huyệt…   ai bệnh được V “rờ là hết” ngay, nên anh em đặt tên là V-Thầy- Lang, dân chính gốc Quảng Trị.
-Lần sau không bỏ lớp nữa.
-Em dọt đây…
Hắn nhìn theo. V tất tả như chạy trở lại lớp, buổi sáng đã lên cao, ánh nắng rãi đầy ngoài sân, những tội ác khó tin của đồng đội đã quật ngã Hắn, cuộc chiến tranh Nam-Bắc đã biến một dân tộc thành thù hận, thương đau.

….
Phần 11
_______________
Thời gian “nghe tội ác điển hình” đã qua, sau đó tất cả phải viết bài Tiếp Thu.
Bài Tiếp Thu là bài phân tích rõ lại một tội ác điển hình đã nghe, dẫn giải để đi đến kết luận: đó là tội ác với nhân dân, với cách mạng, với đảng và Bác… không thể chối cải được, thời gian 10 ngày.
Người cán bộ tên Hùng, quân hàm Đại Úy, người thế Đời-68 xuất hiện:
-Anh khối trưởng…  đâu?
-Tôi đây.
-14g có mặt tại phòng chờ Trung Đoàn.
-Rõ.
-Đưa cả Nùng theo.
-Rõ.
Mỗi lần “có mặt ở phòng chờ” là một lần có chuyện lớn, không vượt trại, thì cũng có cuộc đánh nhau bể đầu, sứt trán… cũng có thể biệt giam vì một tội nào đó, cho nên, đây là việc chẳng lành. Hắn đã khỏi bệnh, nhưng không mạnh mẽ như xưa.
Trong một chuyến đi chặt tre lồ ồ, tôi gặp Nuta ở bìa rừng, nó chào tôi và cười.
-Mày làm cái việc… khổ cái đời quá…
Lần thứ hai tôi gặp nó lúc xuống suối lấy nước, nó lại cười.
-Bữa nay mày ốm như con chó thiếu ăn… mày đói phải không…  ? tao sẽ cho mày cái ăn để no cái bụng.
-Mày nói thiệt không?
-Tao không nói láo đâu… ở trong rừng có nhiều người có gạo, có thuốc hút…   họ giàu lắm.
Lần thứ ba, tôi gặp Hắn, Hắn không cười.
-Mày trốn trại vào rừng với…
-Với ai?
-Với người có gạo để ăn… với…   với…
-Với ai?
-Tao nghe nói họ là Fulro.
-Fulro?
-Họ bảo tao nói với mày…   trốn trại…   ở đó VC sẽ giết chết.
Lần cuối cùng tôi gặp Nuta ở giữa rừng lồ ồ, nó đưa cho tôi một gói.
-Người ta nhờ tao…   cho mày gói thuốc rê…
Nói xong Nuta đi liền ra quốc lộ, con đường nối đồng bằng với cao nguyên, mất dạng.
Tôi về trại, lén đọc lá thư họ viết, nội dung là họ sẽ vào đón tôi vượt trại, nếu tôi đồng ý.
Tôi cũng muốn ra khỏi chốn tù đầy, và nhất là ai cũng nói VC sẽ bắn những người theo Mỹ Ngụy, tôi sợ. Qua Nuta, chúng tôi thống nhất ngày giờ họ sẽ vào đón tôi vượt trại.
Họ còn bảo tôi làm nội ứng, họ sẽ tấn công trại, giải thoát hết tù nhân.

Nùng ngừng lại, mỉm cười như chẳng có việc gì và tiếp:
-Chưa đến ngày hẹn thì chuyển vào đây, chuyện ngoài đó tôi không biết gì thêm.
Cán bộ đưa tay.
-Người này sẽ kể tiếp cho anh nghe.
Lúc đó Nùng mới nhận ra Nuta…   mặt mày xanh xao run rẫy. Nuta nói tiếng được, tiếng mất, đại để là đúng ngày giờ hẹn, lực lượng Fulro 10 người mò vào.  Cách trại 20m, họ giả tiếng cú rúc đêm, chờ mãi mà không thấy ám hiệu từ bên trong trại trả lời. Họ bật quẹt, giả làm đom đóm, cũng chẳng có tín hiệu đáp trả và bất ngờ bị tấn công phía hậu, chết 3 bị bắt 5 còn lại thoát vào rừng.
-Tại mày…   thằng quỷ sứ…   mày đi mà không báo cho người ta biết. Nuta nhìn Nùng kết luận.
Cán bộ Trung Đoàn nói:
-Đây là một bài học… cần để rút kinh nghiệm cho việc “chống vượt trại”, và cũng là bài học cho những ai có ý đồ trốn trại.
Cán bộ Trung đoàn nhìn 13 khối trưởng có mặt trong phòng chờ.
-Các anh phải nhớ rằng không gì qua mắt được chúng tôi, qua mắt được nhân dân.
-Lúc đưa Khối đi lao động, tuyệt đối không để khối viên tiếp xúc với người lạ.
Tan họp, tất cả trở về trại, trừ Nùng và từ đó Nùng không trở lại khối 13 nữa, không ai biết số phận nó ra sao cả.
Hắn chui vào phòng tổ 2, anh em mỗi người một góc, đang viết Tiếp Thu, anh N hỏi:
-Việc gì vậy T?
-Dạ…   việc…   tận ngoài trại Sông Cái…
Anh H hỏi:
-Trại Sông Cái…   làm sao?
-Dạ…   chuyện linh tinh thôi…
N và H là hai đồng nghiệp ở Duy Tân mà Hắn nể trọng nhất. Hắn không muốn hai anh thất vọng.
-Một cuộc tổ chức trốn trại…   nhưng không thành…   Hôm nào rảnh…
-Thôi…   viết Tiếp Thu thôi.
Bài viết của trại viên, có rất nhiều bài hay, quá hay là đàng khác. Đó không chỉ là một bài viết bình thường, mà là một nhận thức chuyển biến về quan điểm cách mạng, về đảng, về Bác…   về xã hội chủ nghĩa… Càng hay càng được tha về sớm [?], cán bộ nói như vậy.
Không khí trong khối, trong tổ và gần như cả trại A.38 đều khẩn trương, người người đều -tự giác- giam mình viết Tiếp Thu như viết một luận án tốt nghiệp đại học, một cơ sở đánh giá sự tiến bộ nên ai cũng viết với hy vọng lọt vào tốp bài “điển hình” và như vậy có nghĩa là: học tập tiến bộ, đã tự cải tạo chính mình thành người của chế độ, của xã hội chủ nghĩa…   mà ai cũng cần và mong được đánh giá như vậy.
Một số ít trại viên, viết rất mau, không nhíu mày, nhăn trán, họ xem như một việc bình thường, chẳng có ý nghĩa gì to lớn. Họ có thời gian đi lang thang quanh trại, hay tìm bạn tán gẫu. Hắn đến chỗ Hạt Mè.
-Chúng đã đưa thư tình được chưa?
-Ôi…   Kỳ Khu. Nghe nói bị trời đánh… phải không?
-Cúm nhẹ thôi.
Hạt Mè như không nghe Hắn, nói tiếp:
-Đừng tưởng tớ không biết…. tớ ngồi trong bụng…
-Gì thế?
-Thì gì nữa, nghe người ta kể tội ác mà…   mà…
-Mà thế nào?
-Té đái trong quần…   rồi xỉu luôn…
-Ai nói thế?
-Còn bệnh nữa chớ…
-Bệnh đâu mà bệnh.
Hạt Mè lại lạc đề, lẩm bẩm:
-Kỳ Khu…   mà…   mà không Kỳ…
-Thôi… im đi cho tao nhờ.
Hạt Mè cũng chỉ “quẹt” vài dòng cho bài tiếp thu, thời gian dành hết cho 3 con chim. Qua cách giáo dục của chủ nhân, 3 con Hạt Mè đã biết nghe và thực hiện một số động tác…   bay lên, bay xuống, đậu trên tay, ngúc ngắc cái đầu… trông rất dễ thương.
-Hạt Mè…tao gọi mày như thế…  được không?
-Gọi mòn răng rồi…   sao bây giờ lại hỏi?
-Vì…  vì…
-Vì cái gì…   nói đại cho tao nghe xem.
-Bỗng thấy… thấy…
-Quỷ sứ…   thấy cái gì?
-Thấy thương mày.
Hạt Mè tán thán:
-Cơ khổ…. ai mượn!
Hồi học ở Đại Học Quân Sự CTCT Đà Lạt, Hạt Mè đẹp trai và nổi tiếng “sát gái”, các em sinh viên ở khoa Kinh tế Chính Trị, các em Couvent des Oiseaux, Bùi thị Xuân…   mê Hạt Mè quá trời.
-Hạt Mè, hồi ở Đà Lạt…
-Thì sao…  ?
-Nghe thiên hạ đồn mày “hạ” đến cả tá em…  toàn loại “thơm tho”.
-Còn mày…   Kỳ Khu, tao biết tỏng mày là…   là…   thằng dê cụ…   nhưng…
-Nhưng làm sao?
-Dê ngầm…   Dê ngầm…   dễ sợ hơn dê hàm hồ, thiên hạ ai cũng biết như tao.
-Đừng tin…   lời…   họ nói.
-Không tin cũng không được…   Việc rõ ràng mà…   Tao hỏi thiệt mày “yêu” được mấy em?
Hạt Mè ít nói, nhưng đã nói thì khó dừng lại, không khéo lại bị bới móc lung tung, Hắn chạy.
-Tao chào thua mày…   Hạt Mè…
-Định chuồn phải không?
Hắn thoát đi, sau khi bỏ lại:
-Hẹn ngày mai đẹp trời…   Ta và người nói tiếp…   bye…   bye…   bạn hiền.
Hắn cũng chỉ viết bài Tiếp Thu ngắn ngủn. Việc đem một sự việc đã biết ra phân tích, dẫn giải rồi qui chụp…   thế này hay thế khác đều mang tính chủ quan, không trung thực, nhất là tô thêm cái đã có, như tội ác chẳng hạn, thì rõ là lố bịch. Còn Tiếp Thu vì mục đích chứng tỏ, hay chứng minh đã thông suốt một vấn đề, đã biết và nhận thấy, rồi nâng cao vấn đề lên một bậc… rõ ràng, sâu sắc hơn…   như tội ác dã man hơn, mất tính người hơn… để được đánh giá cao, được xem có chuyển biến tích cực…   dù với tình thế nào, việc làm như vậy không phù hợp với Hắn.
Bài Tiếp Thu rồi cũng viết xong ở ngày cuối cùng, ai cũng thở phào nhẹ nhõm.  Giờ sinh hoạt đêm đó:
-Anh em… chúng ta đã trải qua thời gian khá căng thẳng…   đêm nay nói chuyện “tầm phào” chơi thôi.
-Hoan hô…   hoan hô…   khối trưởng…
-Chuyện cười bể bụng…
-Chuyện tiếu lâm…
-Chuyện các em… lâu quá.
-Em nhớ Ngã Ba Chú Ía quá khối trưởng ơi…
Hắn lại bất ngờ… Phản ứng như vậy là không bình thường…   Mỗi người một bức xúc đã dồn nén bao ngày qua bây giờ bột phát. Hắn nói:
-Ta sẽ theo thứ tự…   từ tổ 1…
-Tổ 1…   em xung phong “thượng đài” trước.
Người xung phong đứng lên, bắt đầu bằng giọng Quảng rất nặng, khó nghe.
-Ngày xưa có đôi vợ chồng nhà kia rất mực thương nhau. Một hôm…
-Xuống đi cha nội…   ngày xưa…   xưa rồi Diễm…   kể chuyện…
Hắn biết tình hình không thể kiểm soát…   Hắn thoáng ân hận.
-Tôi…   xung phong…
-Tôi…   tôi…
Cả một rừng cánh tay đưa cao xung phong…   đòi quyền phát biểu. Hắn thấy bất lực:
-Các anh…   các anh làm cái trò gì thế?
Tiếng la đanh, to…   làm mọi người tỉnh lại. Cán bộ Hùng xuất hiện từ bao giờ ở cuối sân.
-Anh khối trưởng …
Tất cả im lặng.
-Ai cho phép các anh sinh hoạt với nội dung tùy tiện như vậy… Các anh muốn phá trại chắc.
Hắn nói:
-Thưa cán bộ…   những ngày qua căng thẳng quá.
-Căng thẳng?
-Muốn cho anh em một đêm vui chơi tự do…   thoải mái…   kiểu gì cũng được.
-Anh nói sao…   kiểu gì cũng được à?
-Thưa…
-Kiểu gì cũng được là con dao hai lưỡi…   Nó sẽ cắt cổ anh và cả tôi nữa. Anh không lường được hết nguy hiểm…
Cán bộ Hùng vẫn còn tức giận.
-Chỉ có tư bản chủ nghĩa mới chấp nhận “kiểu gì cũng được”, mà ở đây là Xã hội Chủ Nghĩa, mọi vấn đề đều phải trật tự, dự định trước và có mục đích rõ ràng… không tùy tiện.
Hắn đứng như trời trồng, như lắng nghe, nhưng kỳ thực Hắn không nghe gì, trong bụng Hắn chỉ mừng ơi là mừng…   Cán bộ Hùng đã cứu Hắn một bàn thua trông thấy. Hắn như mở cờ trong bụng.
-Thưa…   tôi đã hiểu… tại tôi cho phép…   anh em mới…
Cán bộ Hùng dịu lại.
-Các anh phải nhớ một điều là đang học tập cải tạo…   đang ở…   ở…   ở…   Trại, chứ không phải đang đi chơi Picnic…
Cán bộ Hùng lẩm bẩm:
-“Kiểu gì cũng được”…hê…nghe… cũng lạ…
Rõ ràng là Hắn nghe nhưng không hiểu ý của cán bộ Hùng. Chữ “hê” ít khi được sử dụng trong hoàn cảnh này nên nó không mang tròn nghĩa, có thể chỉ là “tán thán” thôi…
Đại úy cán bộ Hùng, từ lúc thay Đời-68 đã nói chuyện với khối vài lần, ở những buổi sinh hoạt khối ban đêm. Có trại viên nói đã bắt gặp cán bộ Hùng đọc đi đọc lại cho thuộc lời bác Hồ dạy, trước khi “báo cáo” với khối. Cán bộ Hùng ăn nói bình dân hơn Đời-68.
-Từ nay anh khối trưởng dứt khoát không để sự kiện này xảy ra một lần nào nữa, nếu không muốn về với vợ con, gia đình.
Hắn thật sự hoảng hồn, những đè nén của anh em không ngờ lại bão táp như vậy, nếu không có sự xuất hiện kịp thời của cán bộ Hùng, không biết điều gì sẽ xảy ra.
Buổi tối Hắn đang tập thể dục, gần bên kho lương thực, anh B đưa cho Hắn điếu 555.
-Cảm ơn anh.
Anh B, cũng là thành phần biệt phái, nhưng anh không là dân Duy Tân mà là hiệu trưởng một trường Tiểu Học. Ngày Hắn mang vợ con từ Nha Trang vô PR, Hắn phải dạy thêm, anh B là người cho Hắn mượn hai bộ bàn ghế học sinh để mở lớp.
-Sau trận bệnh, thấy T ốm đi.
-Dạ, trong người vẫn vậy, nhưng ăn không thấy ngon như trước.
Anh B là người ít nói, kín đáo. Anh là một trong những cán bộ được Sở Giáo dục tín nhiệm, anh được đồng nghiệp nể trọng. Vợ anh cũng là giáo viên. Vợ chồng anh có hai cô con gái rất ngoan và xinh. Gia đình anh là mơ ước của nhiều đồng nghiệp. Một năm sau ngày Mỹ đổ bộ vào Phan Rang và lập căn cứ ở Thành Sơn, cảnh tượng thành phố nhỏ bé thay đổi, cả người và cảnh vật. Vợ anh bỏ dạy đi làm sở Mỹ và là nhân vật chính của bao nhiêu tin đồn, dư luận không mấy tốt về vợ chồng anh.
-Cần gì mình mua giúp cho.
-Làm sao…
-Có đường dây, bà xã mình vô đây hoài.
-Dạ, cảm ơn anh, khi nào cần, tôi nhờ anh giúp.
Anh là người thủ kho thứ 3. Hai người trước không chứng minh được sự thiếu hụt lương thực. Hắn dùng quyền chỉ định B làm thủ kho. Lúc đầu cũng có tiếng ra tiếng vào nhưng sau rồi đâu cũng vào đó, nhất là lương thực không còn thiếu hụt không lý do như trước nữa.
Hai anh N và H bất ngờ cũng có mặt. Anh N:
-Này,
-Dạ.
-Nghe nói sắp có đợt về. T có nghe không?
Anh H hăm hở:
-Nghe nói giáo sư biệt phái về phân nửa.
Hắn ngạc nhiên:
-Hai anh nghe ai nói vậy?
-Bên khối 3.
-Họ nói…  chắc như đinh đóng cột…
-Họ có thân nhân là cán bộ.
Lại P và C đến, anh em 5 mạng, xoay quanh vấn đề “giáo sư biệt phái được về.” Hắn và anh B không tin, B nói:
-Chưa học bài nào…   thì làm sao cho về.
-Có thể…   có thể về học ở địa phương…
Nghe cũng có lý.
Người nhiểu sự nhất là T.Đ, biết nhiều, nói nhiều lại xuất hiện.
-Các ông bàn luận việc gì? Tin giáo sư biệt phái được về phải không?
Anh H hỏi:
-TĐ có nghe được gì không?
-Có, đâu đâu cũng nói như thế cả.
-Vậy là đúng rồi…
-Chưa chắc, họ thả vịt thăm dò đó.
Người tin và hy vọng nhất là anh H. Anh là người cao lớn, da ngăm đen, với anh em đồng nghiệp không có gì nổi trội hay đặc biệt, nhưng khi nghe anh đọc tờ khai của anh, Hắn ngạc nhiên –anh có tới 2 Đảng ngoài Cần Lao. Hắn cũng không hiểu vào đảng nhiều như vậy để làm gì [?]
Có một dạo, khi chuẩn bị xây trường Phan Trung Nghĩa Thục ở Mỹ Đức, rất nhiều giáo sư Duy Tân, Võ Tánh… muốn làm hiệu trưởng trường này. Mỗi người có một chỗ để “dựa”, nhưng điều trước tiên là… phải vào Đảng mà người đầu tỉnh hay anh em họ N, họ H ủng hộ, không hiểu sao giáo sư L, một người yếu thế nhất lại “dính” chức hiệu trưởng. Việc chạy chức như vậy còn diễn ra “ác liệt” hơn khi Lễ Đặt Viên Gạch Đầu Tiên xây trường Đinh Bộ Lĩnh được tổ chức rất trọng thể tại đầu cầu Tri Thủy, ngay địa điểm xây dựng. Đây là một trường “Kiểu Mẫu Đông Nam Á” lớn nhất, quy mô nhất, một trường vừa dạy chữ vừa dạy nghề. Giáo sư là những người được mời chính thức, được đánh giá cao về ngành nghề được chọn…    ví dụ như ngành Âm Nhạc sẽ mời giáo sư âm nhạc của Pháp; ngành Cơ Khí mời Đức…v…  v…   Người ta nói trường Đinh Bộ Lĩnh là món quà mà tổng thống dành tặng cho quê nhà.
Thời gian đó, như có một cơn bão thổi. Các giáo sư có ý tranh chức tranh quyền ở trường danh giá này chạy như đèn cù. Hai họ có thế lực N và H được o bế hết cỡ, không ngoại trừ dinh Tỉnh Trưởng, và thầy H hiệu trưởng Duy Tân. Họ, những giáo sư muốn thăng tiến, dùng hết hết năng xuất tài chính, ngoại giao…  và cái không thể thiếu trong điều kiện cần là…   đảng, trong đó quan trọng hàng đầu là đảng CL.
Hắn không biết lý do nào mà đồng nghiệp H có nhiều đảng đến vậy, có thể là vì một trong hai trường hợp kể trên hay không [?] Sau 1975, khi được cán bộ hỏi “anh vào đảng với mục đích gì?”, thường thì được trả lời “họ đưa, bắt chúng tôi ký“. Hắn lấy làm lạ.
-Trong danh sách vào đảng CL tôi vừa xem không thấy tên thầy.
-Thưa thầy, tôi dạy học. Vào Đảng e…  nghề thầy lại không chính danh.
Thầy H đẩy ly trà vừa rót.
-Thầy uống nước.
-Cảm ơn Thầy đã nghĩ đến tôi… nhưng…
-Tôi hiểu…
-Mong thầy hiểu cho tôi… tôi…
-Thầy uống nước đi…
-Xin thầy…
Ngưng một chút,Thầy H nói:
-Học sinh yêu mến thầy, có em còn coi thầy là thần tượng. Tôi cần thầy nắm lực lượng này…   cho…   khi cần.
-Thưa thầy, tôi không hiểu…
-Đó là lực lượng làm mồi cho phong trào… tác động dư luận và níu dư luận về phía mình…   cho những cuộc bầu cử mới sắp đến…
Thầy H hớp nước rồi tiếp:
-Vào CL, tích cực hoạt động theo chỉ đạo và… có tôi một bên, thầy sẽ thăng tiến… thầy sẽ về Đinh Bộ Lĩnh…
-Tôi cần thời gian suy nghĩ.
Hắn vẫn trụi lũi, không Đảng, không bè, không phái, nhưng rõ ràng là mãi mãi là giáo sư toán quèn. Duy chỉ một điều làm Hắn hài lòng chính Hắn, đó là Hắn đã cùng học sinh của Hắn tập nhìn và đánh giá lịch sử, những sự kiện mà cuộc chiến tranh tương tàn đã gây ra trên đất nước thân yêu này.

Phần 12
_______________

Chuyện giáo sư biệt phái được “thả 50%” là tin vịt, mà là vịt cồ nữa, vì chẳng có ai được thả cả. Giáo sư H ngã bệnh, anh hy vọng quá nhiều, nỗi thất vọng trở nên quá lớn, nó quật ngã anh không thương tiếc. Anh nằm trên chiếc chiếu số 2, cùng phòng 2 với Hắn.
Anh rên hừ hừ.
-Lát nữa trại viên V sẽ tẩm quất và xông cho anh.
-Không cần đâu.
Hắn ái ngại:
-Anh bệnh…   không nhẹ.
Anh H tung mền khỏi đầu:
-T này…
-Dạ…
-Có khối nào…   giáo sư…   được về không?
-Dứt khoát…   không.
Vẻ nghi ngờ:
-Vậy…  tại sao lại có tin?
Hắn cố cười.
-Tin vịt cồ đó mà.
-Vịt cồ?
Hắn cúi xuống nói nhỏ vừa đủ H nghe:
-“Đừng nghe những gì CS nói….”
Anh H trợn mắt. Hắn cười như thỏa mãn khi đã nói được điều muốn nói.
-Anh nghỉ đi…   Tôi xuống bếp xem họ nấu cháo cho anh chưa.
Hôm nay là ngày cuối cùng được nghỉ tự do, ngày mai sẽ bắt đầu học bài thứ nhất, mỗi bài học kéo dài bảy ngày, ngày đầu: lên lớp nghe cán bộ giảng bài, ngày hai lên lớp, nếu cán bộ giảng chưa xong thì giảng tiếp, khi nhiệm vụ cán bộ xong, đến phần giải đáp thắc mắc, những điều chưa rõ, học viên đưa tay được cho phép mới đứng lên phát biểu. Ngày thứ ba trở đi, làm bài Thu Hoạch, thông qua tổ rồi tập họp, khối nào nộp lên Trung Đoàn theo khối đó. Thu Hoạch là sau khi nghe cán bộ dạy ở giảng đường, viết và phân tích lại nội dung, và đưa ra kết luận. Kết luận mang tính chủ quan của từng cá nhân…   nhưng không lạc ngoài chủ đề của bài học. Thường mỗi bài người ta ghi hay nói rõ mục đích yêu cầu, cứ căn cứ vào đó mà “tán”. Chương trình có 10 bài, học xong chỉ hơn một tháng. Đây là thời gian nhẹ nhất, chỉ nghe và viết, nhưng chủ nhật không được nghỉ, phải tranh thủ đi lao động.
-Anh nấu cháo cho người bệnh chưa?
-Chín rồi…   khối trưởng.
-Anh múc một ca…   đem lên cho anh H dùm tôi.
-Dạ…
Hắn sửa bước đi.
-Anh khối trưởng… anh ăn một chén.
Hắn ngạc nhiên:
-Trời đất…   có bệnh đâu mà ăn.
-Anh mới bệnh dậy…   trông anh yếu quá…
-Cảm ơn nhiều…
Hắn cười thành tiếng:
-Tôi bây giờ khỏe như voi… nếu có em nào ở đây tôi…   tôi…
Như giải vây cho Hắn.
-Em hiểu…   khối trưởng.
-Tốt rồi…   bye nhe.
Lúc vui Hắn thường “bye nhe”, dù ở đây tối kỵ nói pha tiếng Mỹ, điều cấm, ít ai dám phạm.
-T.Đ đâu…  T Đ…
-Cái gì mà ỏm tỏi vậy?
-Tuần tới sẽ cho thăm nuôi.
-Rồi sao?
-Thì sao nữa…
Hắn ngập ngừng rồi cười cầu tài:
-Tôi quên mất là ông chưa vợ…
-Chưa vợ …
-Ông cứ… để rài…   lâu ngày nó mục…
-Ai mượn ông lo.
-Thương bạn vậy mà…
Hai đứa rủ nhau tìm C, người mới vô đợt chót, di cư 54, học cùng khóa Sư Phạm QN 1962, dạy Văn, ốm tong, ốm teo, nhưng nổi tiếng “gan lì”. Đ nói:
-Thằng C coi vậy…   mà số dzách…
-Số dzách?
-Chớ còn gì nữa!
Hắn vô trại và được biên chế vào khối 7, ngày trước ngày sau là cãi lộn với cán bộ trung đoàn phụ trách khối. Hắn đấu lý tay đôi, căng thẳng, có lúc hai bên cùng to tiếng…   Hắn đuối lý, “cãi không lại CS” bèn phán “Khẩu phục, tâm bất phục”.
Chuyện đồn ầm ỹ, cả trại đều biết. Trả giá cho việc này, C phải viết kiểm điểm, bị gọi lên Trung Đoàn, viết lại 3 lần. Không biết C viết những gì trong 3 bản kiểm điểm bị trả lại đó. Chỉ biết ở bản Kiểm Điểm thứ 4, bản cuối cùng, Hắn chỉ viết một câu đã nói “Khẩu phục, Tâm bất phục”. C đón trước cửa phòng.
-Hai ông…   sướng quá hen.
Đ cười.
-Đâu có bằng ông…
T chêm.
-Nổi tiếng…
C cướp lời:
-Thôi…   thôi…   mấy ông im cho tớ nhờ… nổi tiếng cái… con khỉ…
Đ giải hòa:
-Thôi…   không nói chuyện…   “bất phục” nữa…   Ta nói chuyện…
T bỗng vui:
-Chuyện đời…  chơi…   được không?
C kéo hai bạn vào phòng, nhìn các bạn trong tổ, đang nằm ngồi, tán phét.
-Các bạn…   cho tôi tiếp hai ông “ôn quàn hột vịt lộn” này…   chút nhe.
-Cứ tự nhiên…   nhưng…
-Nhưng…   làm sao?
-Đừng nói chuyện…  “Tâm Phục” đấy nhé.
-Xưa rồi tám!
Cả ba ngồi trên chiếu của C, nó mở xách lôi ra một gói Pall Mall, thứ mà T thích nhất; một gói đường…
Nói với Đ:
-Ông không hút thì lấy cái này…
Quay nhìn T, C tiếp:
-Thứ ông thích đây…
T cảm động:
-Đàn bà…   mà vẫn có thuốc cho bạn hiền…
-Thằng quỷ…   muốn ta lấy lại chắc?
C không rượu, không thuốc, không gái…   nên bị cho là “đàn bà”.
-Ông cụ ở PT có khỏe không?
-Lúc PT giải phóng, ổng run lập cập, người ta nói CS sẽ diệt bọn di cư 54, lũ bỏ tổ quốc XHCN, chạy vào Miền Nam, theo Giặc. Tội nghiệp, mỗi lần có VC đến, dù bất cứ lý do gì, ổng cũng sợ “té đái” trong quần…   Bây giờ thì khá hơn rồi…   vẫn cứ sợ…   nhưng không còn “ướt quần” nữa. Chị Nhung nói như thế…   chứ tao đâu có ở nhà…
-Lúc họ vô… ông ở đâu?
-Thì ở đâu nữa, ghim súng ở Hộ Diêm…   Đơn vị của tao được điều về đó từ trước.
Hắn nhớ lại chuyện: có một đàn sâu từ vùng núi phía tây Cà-Rôm, bò dày đặc ra biển, dân PR lúc đó xôn xao, bàn tán chuyện này.
-Đàn sâu băng qua Quốc lộ 1 ở khoảng giữa Ba Tháp –Hộ Diêm…
-Xe chạy qua, cán nghe lộp bộp…  lớp sống bò lên lớp chết…   di chuyển tiếp…   về biển.
-không thấy đầu và cũng chẳng thấy đuôi…   sâu ở đâu mà nhiều như thế không biết…
-Điềm…   Điềm xấu…   phải chạy về phía biển…
Hồi đó Hắn cũng chỉ nghe mà không thấy.
-Này…   chuyện đàn sâu… ông ở đó, thời điểm đó…  có thiệt không?
-Ôi, hơi sức đâu mà nghe lời đồn nhảm…
-Thiên hạ nói… có… họ thề là chính mắt nhìn thấy…
-Tôi cũng nghe…   đến điếc cái lổ tai…   nhưng đầu óc đâu mà kiểm chứng…   chết sống ở sát bên mình…
-Chuyện lạ quá.
-Tụi quỷ sứ… chuyện tầm phào… nhắc lại làm chi…
Hắn nhìn C, có thời gian hai đứa cùng ở trọ một nhà, C dạy giờ ở một trường dành cho người dân tộc Chàm, bên kia Cầu Móng –Tháp Chàm. Buổi sáng C dạy sớm, chẳng kịp ăn sáng, cà phê, chèo cái xe đạp sườn ngang ra đi, qua Sân Banh, Phan Trung, NLS, Mỹ Đức, Tháp Chàm, Cầu Mống… mới đến nơi. Vào lớp, hai giờ đầu vừa dạy vừa thở. C nói “mệt nhưng vui”, mà không nói rõ là vui vì cái gì [?].
Đ cười cười.
-16 tháng 4…
-Biên chế vào Lá Chắn Thép-phía Bắc…  trấn giữ Cao Điểm 105.
-Giữ được bao lâu?
-Đêm 15/4, từ chỉ huy cho đến lính, tự do “Di Tản Chiến Thuật”. Tôi cũng cổi áo, tuột quần, giả dạng thường dân chạy về hướng Biển…   chạy dọc bờ, cuối cùng trốn ở vùng núi Sơn Hải. Phe ta tan rã từ trong ruột, một tiểu đội VC có thể rượt một tiểu đoàn chạy bắn khói ra sau đít, chỉ có chạy và chạy chứ có đánh đấm gì đâu.
Ba đứa nhìn nhau, Hắn tán thán.
-Thôi…   không nói chuyện này nữa.
-Ông khươi ra chứ ai… chuyện như thế…   nói nữa, chỉ có cắn lưỡi mà chết.
-Rồi sao nữa?
-…  trốn 15 ngày…   ăn cua, nuốt ốc… chịu đói thì được nhưng khát thì chịu không nổi…  phải mò ra… bị tóm.
-Đưa vào đây?
-Sau khi… bị nhốt…   tra khảo…   khai lý lịch… rồi đưa vào đây… nhưng…
-Nhưng sao?
-Trước khi đi…   họ cho ra chợ mua ít thứ…
-Và mày mua những thứ này cho tụi tao?
-Tao đoán tụi bay…   chạy trời không khỏi nắng…   Lũ biệt phái ở các trường NT thì phải vào A.38…   không khác hơn được.
-Khá khen… bạn hiền.
Ba đưa chia tay, và hứa với nhau là sẽ lì cỡ Papillon.
Hắn nói với Đ:
-Nhớ giữ gìn sức khỏe.
-Ông cũng vậy.
Hôm nay bỗng dưng trời mù, những đám mây đen vần vũ trên bầu trời, gió cũng thổi mạnh hơn thường lệ, Hắn về lại khối.
-Kỳ khu… Kỳ Khu…
Hắn nghe tiếng Hạt Mè gọi.
-Chuyện gì thế?
-Đến đây…   hay lắm.
Hắn đến bên gốc cây Trứng Cá, nơi Hạt Mè làm “lớp” dạy chim.
-Lũ chim đâu rồi?
-Ta cho nó tự do… về với bầu trời rồi.
-Sao lại thả đi…   chúng đã…
-Đúng,  chúng đã biết nghe lời…   nhưng tớ thấy tội nghiệp quá.
-Tội nghiệp?
-Phải…   cá chậu…  chim lồng… như tụi mình.
-Đừng so sánh…   nó lâm li ra…   Chuyện gì “hay lắm” nói mau…
Lần đầu tiên Hắn thấy vẻ mặt sung sướng của Hạt Mè…
-Sát đây…   bí mật…   nói nhỏ…
Hắn như kề tai, chờ nghe.
-Hồi hôm…   hồi hôm
-Hồi hôm… tự nhiên… lại cà lăm…
-Có thằng viết “Đả Đảo CS” ở vách Cầu tiêu.
Đó không phải là vách như Hạt Mè nói mà là một bức tường xây cách điệu, rộng chừng 8m2, có hai cột bằng ciment cốt thép, nâng lên khỏi mặt đất chừng 0m3, mặt hướng Đông, nhìn ra đường, phủ lớp sơn màu xanh lá cây, trên đó, thời trước, có câu “Sư Đoàn 44 Bộ Binh-Sông Mao” viết bằng sơn màu Đỏ. Câu này được xóa từ ngày Cách Mạng sử dụng nơi này làm trại cải tạo …
-Đứa nào…   ngon vậy?
-Nghe đâu bên khối đại úy…  và…
-Sao?
-Sau 2 giờ phát hiện…  thủ phạm bị bắt ngay.
-Nhanh thế à?
-Có chỉ điểm… ăn-ten chúng rãi khắp nơi…  coi chừng thằng nằm bên nách…
-Biết rồi…
– Kỳ Khu…  Nó viết hai lần rồi, lần này là lần thứ ba…   mới bị tóm…
-Lần thứ ba?
-Lần thứ nhất, nó viết: “đừng nghe những gì CS nói”; lần thứ hai nó viết: “CS là quân bán nước” và lần này…
-Hiểu rồi…
Hắn bước đi, thì bị gọi giật ngược.
-Còn cái này.
-Cái gì nữa đây?
-Chúa…   Chúa…   bị chặt 15 khúc.
-Chúa…   tôi sẽ tính sổ với ông…
Hắn ba chân bốn cằng, đi như chạy, rời xa người bạn bất đắc dĩ. Hắn có nghe chuyện “Chúa bị chặt 15 khúc”. Có lúc tò mò, Hắn muốn đến xem…   nhưng rồi công việc và cũng vì sợ…   nên lần lửa mãi chưa đi…   Cách nay hơn tuần có tin Trung Đoàn đã biết và đã tịch thu, mang Chúa về bỏ ở đống củi tập thể. Chúa đã bị đốt lò rồi…   Trong đầu Hắn như quên mất chuyện này, nay lại được nhắc…   Hắn bỗng thấy xốn xang trong lòng, lẩm bẩm như một thằng khùng…  Chúa …15 khúc… Chúa…   15 khúc.
Tiếng còi xa xăm chưa gọi, Hắn nghe trong không gian như có lời cầu, lời buồn thánh. Trên cùng và tận cùng nỗi khốn khổ của kiếp người, luôn có nước mắt của Chúa.

(còn tiếp)

Chu Trầm Nguyên Minh