21 January 2017

CỜ VÀNG NHÌN TỪ HƯỚNG CON TIM - Trần Trung Đạo

Tâm Bút Trần Trung Đạo (VNN) Thứ Năm 31 Tháng Bảy 2003, viết ngắn cho FB 2017


Nền cờ vàng là dải giang sơn

Ba sọc đỏ nối ba miền chung thủy
Là Hoàng Liên Sơn, Trường Sơn, Thất Sơn hùng vĩ
Là sông Hồng, sông Cửu, sông Hương
Hãy cầm chặt nghe em, như cha giữ biên cương
Như thuở mẹ ôm em giữa lòng biển cả …
Tôi viết bài thơ Người Con Gái Trên Đường Bolsa trong những ngày mấy chục ngàn đồng hương Việt Nam, trong đó có hàng ngàn tuổi trẻ, cùng xuống đường phản đối ông Trần Trường treo hình Hồ Chí Minh ở khu Bolsa, tiểu bang California, Hoa Kỳ, đầu năm 2000.

Tôi gởi bài thơ lên Internet. Một bạn trẻ in bài thơ ra và dán trước tiệm của ông Trần Trường. Một bạn khác chép lại bài thơ trước cửa tiệm và đem tặng nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng. Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng phổ thành ca khúc và sau đó cùng với nhạc sĩ Nhật Ngân và Mây Production làm thành CD Lửa Bolsa. Kể lể như vậy không phải để quảng cáo cho bài thơ hay cho CD vì chuyện đã qua khá lâu rồi. Điều quan trọng tôi muốn nói, dù chúng tôi thuộc nhiều thế hệ khác nhau, chưa hề quen biết nhau trước và định cư trên những vùng đất khác nhau, lá cờ vàng, biểu tượng của niềm tin tự do dân chủ và những trăn trở về đất nước đã mang chúng tôi đến gần nhau.
Câu chuyện về lá cờ cũng gợi lại trong tôi một kỷ niệm khó quên khác trong những ngày đầu ở trại tỵ nạn Manila. Rất tình cờ, cũng trong tháng Sáu này, 22 năm trước tôi và 81 bà con khác được đưa lên xe bus, rời chiến hạm USS White Plains ở cảng Subic Bay để về trại tỵ nạn Puerto Princesa ở ngoại ô Manila. Sau khi làm xong các thủ tục với đại diện Cao Ủy Liên Hiệp Quốc, tôi chính thức trở thành người Việt Nam tỵ nạn và được đặt cho một cái tên mới, bắt đầu bằng chữ P, viết tắt của Philippines, theo sau bằng một dãy số dài.
Một người Việt Nam làm việc ở văn phòng Cao Ủy, dặn tôi nhớ học thuộc con số này vì đó sẽ coi như là tên mới của tôi trong hồ sơ tỵ nạn. Trại Puerto Princesa là một trạm chuyển tiếp nhỏ dành cho những người mới đến và là trạm dừng chân của bà con chờ lên máy bay đi định cư ở nước thứ ba hơn là một trại tỵ nạn dài hạn với các phương tiện cần thiết. Tôi ngủ đêm đầu tiên trên nền xi-măng, cuộn tròn trong chiếc mền mới vừa được cấp.
Khoảng 8 giờ sáng, một người nào đó bước vào phòng và la lớn: “Bà con thức dậy chuẩn bị làm lễ chào cờ đầu tuần.” Như một cái máy, tôi thức dậy rửa mặt và chạy ra sân sắp hàng. Sau một tuần trên biển với quá nhiều thay đổi, trí óc tôi chưa hoàn toàn tỉnh táo để phân định một cách chính xác mình đang ở nơi đâu trên trái đất nầy.

Tôi bàng hoàng và xúc động khi lần đầu tiên sau 6 năm, thấy lại lá cờ vàng ba sọc đỏ được từ từ kéo lên trên cột cờ giữa sân trại. Không phải chỉ mình tôi, chung quanh tôi ai cũng khóc vì xúc động ngay khi câu đầu tiên của bản quốc ca được hát lên “Nầy công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi.” Tôi rưng rưng nước mắt. Nhiều anh cựu quân nhân càng khóc lớn hơn. Các anh khóc là phải. Bởi vì đó là một trong những giây phút linh thiêng nhất trong đời các anh. Trong khoảnh khắc kỳ diệu đó, bạn bè, anh em, đồng đội của các anh đã trở về. Chiếc quan tài phủ quốc kỳ, tiếng kèn truy điệu, tiếng súng chào vĩnh biệt, những vầng tang trắng xót xa. Đó cũng là phút giây kiêu hãnh của một đời trai với những chiến thắng Cổ Thành Quảng Trị, Thượng Đức, Bình Long, Chương Thiện, An lộc, Bình Long, Bồng Sơn, Mộ Đức, v.v.. Tất cả nay còn đâu. Có chăng chỉ còn trong ký ức.

Thành thật mà nói, sáng hôm đó, tôi không tự mình hát hết bản quốc gia mà không vấp váp đôi lời nhưng nhờ cùng hát với nhau nên không trở ngại gì nhiều. Tôi hát bản quốc gia bằng tất cả tâm hồn và xúc động. Thời còn ở trung học, tôi chỉ hát mỗi sáng thứ Hai, và cũng chỉ hát như bổn phận học trò.

Một người bạn học vói tay cầm lấy tay tôi. Tôi vói nắm tay người bên cạnh. Và cứ thế, không hẹn, gần trăm người cùng chuyến ghe nắm lấy tay nhau. Chúng tôi không nói với nhau lời nào nhưng ánh mắt mọi người đều sáng lên niềm vui khi biết mình đã sống sót sau chuyến hải hành nguy hiểm và đang thật sự đứng trên vùng đất tự do.
Sau buổi chào cờ, một thành viên trong ban đại diện trại hạ lá cờ xuống, xếp lại đem cất. Hỏi ra tôi mới biết, chính quyền người Phi chỉ cho phép ban đại diện trại người Việt mượn cột cờ để chào cờ Việt Nam Cộng Hòa vào mỗi sáng thứ Hai, chứ không được phép treo cờ thường xuyên trên đó.
Câu trả lời của người kéo cờ, lần nữa xác định một sự thật đau xót, rằng tự do mà tôi đang có không những chỉ là tự do của cá nhân tôi mà còn là tự do trên đất khách. Bên kia bờ đại dương là một quê hương đang quặn quại trong nhà tù có diện tích 329,560 cây số vuông với chiều dài bằng chiều dài đất nước. Giấc mơ của ngày về để được hát quốc ca, để chào cờ chỉ còn là một dấu than dài đọng lại trong bài thơ “Giấc Mơ Nhỏ Của Tôi” tôi viết trong những ngày sau đó :

Ôi quê hương, bao giờ tôi trở lại

Đi giữa ngày không sợ bóng đêm đen
Trong giấc ngủ không xích xiềng réo gọi
Câu thơ tình chỉ viết để yêu em.

Trong Giấc Mơ Nhỏ Của Tôi, tôi thấy trời Sài Gòn, Đà Nẵng rực rỡ cờ vàng. Tôi cũng thấy mình đang sắp hàng chào cờ sáng thứ Hai trong sân trường Trần Quý Cáp, Hội An và hát bài quốc ca không vấp một lời nào.
Tôi sinh ra ở miền Nam sau khi hiệp định Geneve được ký kết. Màn một của vở bi kịch Việt Nam đẫm máu vừa chấm dứt và màn hai đẫm máu hơn đang chuẩn bị bắt đầu. Những chiếc tàu há mồm cập bến miền Nam mang theo hàng triệu đồng bào từ miền Bắc chọn lựa một đời sống mới tự do. Và tương tự, hàng ngàn cán bộ Việt Minh gốc miền Nam cũng lên đường tập kết ra Bắc, được hứa hẹn một ngày trở về đoàn tụ với gia đình trong một quê hương hòa bình thống nhất.
Đất nước đang trong buổi giao thời. Không khí tạm thanh bình, yên lặng, dù chỉ là sự thanh bình yên lặng trước khi một cơn bão lớn hơn sẽ thổi qua đây.
Tuổi thơ tôi lớn lên trên những cồn cát xinh xinh, dưới những hàng tre nghiêng soi bóng trên dòng nước Thu Bồn thơ mộng. Số phận của đời tôi, giống như số phận của quê hương, đang chuẩn bị cho những thách thức sắp sửa phải đương đầu, nên từ tuổi mới biết suy tư, cũng là khi tôi bắt đầu mơ mộng. Mơ về một chân trời.
Như một điều không tránh khỏi, những ngày tháng thanh bình không được bao lâu, tiếng súng lại nổ vang. Bộ chính trị đảng Lao Động Viêt Nam, tên đối ngoại của đảng Cộng Sản Việt Nam, quyết định Cộng Sản hóa miền Nam bằng con đường vũ lực. Từng đoàn thanh niên miền Bắc lại phải từ giã mái trường, từ giã gia đình thân thuộc, băng rừng vượt suối vào Nam để hoàn thành giấc mơ nhuộm đỏ toàn cõi Việt Nam của Hồ Chí Minh và quốc tế Cộng Sản.
Thêm vào đó, khi cuộc tranh chấp bức tường Đông Đức lắng dịu, nội chiến Triều Tiên đã tạm ngừng tiếng súng, lò lửa Trung Đông chỉ mới bắt đầu, Việt Nam là một thí điểm lý tưởng và hội đủ điều kiện địa lý chính trị để làm một điểm nóng trong cuộc chiến tranh lạnh giữa các tập đoàn đế quốc. Chim rừng Trường Sơn bặt tiếng hót. Màu hỏa châu thay thế ánh trăng vàng. Tiếng đại bác đêm đêm đã thay cho tiếng ru ngọt ngào của mẹ. Những chiếc bánh vẽ độc lập, tự do, hạnh phúc lần nữa được trưng bày giữa căn nhà đổ nát và nghèo đói Việt Nam.

Và ở đó, ở miền Nam tự do nhưng ngút ngàn bão lửa, tôi đã lớn lên. Tôi lớn lên với nhiều câu hỏi. Quốc Gia là gì? Cộng Sản là gì? Quốc Gia là ai? Cộng Sản là ai ? Tại sao là Việt Nam mà không phải là Thái Lan, Singapore, Mã Lai? Trước 1975, tại miền Nam không bao nhiêu người giúp tôi trả lời một cách thông suốt những câu hỏi đó. Một số tác phẩm về chủ nghĩa Mác đầy thuật ngữ triết học của giáo sư Trần Văn Toàn, về chế độ thực dân của giáo sư Nguyễn Văn Trung, về đảng phái quốc gia của giáo sư Nghiêm Xuân Hồng,v.v.. không đủ để thỏa mãn sự khao khát, tìm tòi của một thanh niên mới lớn. Những bài giảng của thầy Trần Văn Tuyên trong trường đại học tập trung vào kinh nghiệm tranh đấu của thầy, quý giá nhưng không phải là một hệ ý thức chính trị quốc gia hoàn chỉnh.

Thực dân Pháp sau gần một thế kỷ bóc lộc, nô lệ dân tộc ta đã thất bại và đã rút đi. Trên đường phố Đà Nẵng quê tôi đã nghe bước chân người lính Mỹ. Người Mỹ đến. Họ đến với để chận đứng sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng Sản nhưng tiếc thay, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã đánh giá quá thấp hay ngay cả không hiểu được những điểm đặc thù trong truyền thống và văn hóa của dân tộc Việt Nam. Trong lúc người dân Việt Nam có khuynh hướng dè dặt, nghi ngờ và ngay cả chống lại sự có mặt, dù là với lòng tốt, của nước ngoài, thì chính phủ Hoa Kỳ, chưa nỗ lực đủ để chứng tỏ họ là bạn, không tách biệt được họ ra khỏi thực dân Pháp. Những toán người Mỹ đầu tiên đến Việt Nam là những chuyên viên phế lập tổng thống, những cố vấn quân sự, tình báo chứ không phải là các giáo sư đại học, các nhà giáo dục, kinh tế, xã hội. Chính nghĩa quốc gia là lý tưởng tự do, độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam, bắt đầu từ thời lập quốc hơn 4800 năm trước chứ không phải là món hàng được trao trả từ tay người Pháp hay được viện trợ bởi người Mỹ. Dòng phát triển tự do dân chủ là quy luật của văn minh và tiến hóa của loài người. Sức mạnh văn hóa lịch sử của dân tộc Việt Nam là sức mạnh vô địch đã được chứng minh nhiều lần trong lịch sử.
Trong lúc Cộng Sản lợi dụng từng chữ, từng lời nói, từng câu thơ, từng nhân vật lịch sử, thì các nhà lãnh đạo miền Nam trước đây lại không vận động được sức mạnh truyền thống và tinh thần yêu nước của nhân dân miền Nam vào cuộc đấu tranh mất còn với Cộng Sản. Trong lúc Cộng Sản biến cờ đào khởi nghĩa của vua Quang Trung thành cờ đỏ của giai cấp nông dân vô sản, giải thích ba cuộc chiến kháng chiến chống quân Nguyên trong cùng ý nghĩa với ba cuộc chiến chống “ba tên đế quốc đầu sỏ Pháp, Nhật, Mỹ” thời hiện đại, thì các nhà lãnh đạo văn hóa tư tưởng miền Nam không có một phương pháp phản tuyên truyền nào hữu hiệu. Sau bao nhiêu năm vẫn một cuốn phim truyện đen trắng “Tôi Muốn Sống” được chiếu đi chiếu lại đến cũ mòn tội nghiệp. Tiếng hờn căm u uất của mấy nghìn người dân Huế bị giết thảm thương trong dịp Tết Mậu Thân không vọng qua khỏi đèo Hải Vân đừng nói chi là tòa án quốc tế The Hague.
Khi viết ra những điều tôi không đồng ý với các bậc cha anh, không có nghĩa tôi muốn sửa sai, trách cứ các thế hệ đã đổ máu để tôi được có tự do ăn học và cũng không có ý ám chỉ tất cả những vị lãnh đạo tại miền Nam trước đây đều sai cả. Phê bình hay trách móc không phải mục đích của bài viết này. Tôi chỉ muốn thưa một điều rằng, mặc dù không ai có thể thay đổi hoàn cảnh, thay đổi quá khứ mà chúng ta đã sống nhưng vẫn có thể thay đổi góc độ nhìn của chúng ta về quá khứ, và từ đó can đảm thay đổi góc độ nhìn của chúng ta về tương lai.
Cuộc chiến bảo vệ miền Nam tự do là một chiến đầy chính nghĩa. Giữa một hoàn cảnh bất lợi và môi trường chính trị khắc nghiệt, hạt mầm dân chủ vẫn cố gắng để vươn lên, cây tự do, dù chỉ mới có cơ hội được sinh ra vẫn cố gắng sống. Bao nhiêu thế hệ người Việt Quốc Gia đã lên đường đi bảo vệ mảnh đất tự do còn lại. Những tên tuổi, những địa danh An Lộc, Bình Long, Đông Hà, Thượng Đức, Chương Thiện, Rừng Sát… đã ghi sâu vào lịch sử. Máu của hàng trăm ngàn thanh niên miền Nam đã nhuộm thắm lá cờ vàng ba sọc đỏ thân yêu. Những người con trai, con gái ưu tú của mẹ Việt Nam đã sống và chiến đấu ngay cả khi xích sắt T54 đang nghiền nát đường phố Sài Gòn.

Các tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Phạm Văn Phú, Trần Văn Hai, Trung Tá Phạm Đức Lợi (Phạm Việt Châu), Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn và hàng trăm sĩ quan và binh sĩ các cấp đã đi vào lịch sử dân tộc bằng những cái chết vô cùng dũng liêt. Họ là những Trần Bình Trọng, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu của Việt Nam thế kỷ 20. Hình ảnh bất khuất của Trung Tá Cảnh Sát Long dưới chân tượng đài Thủy Quân Lục Chiến sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, mãi mười năm sau, ở hải ngoại vẫn chưa bao nhiêu người biết tên họ đúng của anh ngoài tấm bảng tên Long trên ngực áo từ tấm hình được in trong các tờ báo Mỹ. Trong giờ phút kinh hoàng đó, một người dân Sài Gòn vẫn dừng lại, kính cẫn đặt chiếc mũ sĩ quan Cảnh Sát lên ngực anh, xếp hai tay anh thẳng trong tư thế ngủ yên. Vâng, anh đã ngủ một giấc ngủ bình yên trong lòng mẹ Việt Nam.

Sau ngày Cộng Sản, bằng T54 và đại pháo, cưỡng chiếm toàn bộ miền Nam cuối tháng 4 năm 1975, lực lượng người Việt Quốc Gia tại miền Nam tuy đã bị tước đoạt vũ khí nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu. Mặt trận mới không diễn ra bằng súng đạn nhưng bằng sự chịu đựng, bằng khí tiết. Mặt trận mới không diễn ra ở Dakto, Bình Long, Quảng Trị nhưng ở Hoàng Liên Sơn, Thanh Phong, Thanh Hóa, Hàm Tân, Tiên Lãnh, Suối Máu… và hàng trăm nhà tù dã man khác đã được chế độ dựng lên khắp nơi trên đất nước. Sau 28 năm, ngoại trừ một số rất nhỏ bị khuất phục, đại đa số người Việt Quốc Gia, dù bị đày ải, vẫn giữ được nhân cách, khí tiết và niềm tin vào chân lý tự do dân chủ của dân tộc Việt Nam.

Cách đây 22 năm, trên sân cờ trại tỵ nạn Puerto Princesa, tôi mơ một ngày được thấy lá cờ vàng ba sọc đỏ tung bay trên trời thủ đô Sài Gòn thân yêu. Sau 22 năm, ước mơ nhỏ của tôi ngày xưa khi đặt chân lên đảo Manila, không phai đi, không khác đi nhưng đã lớn cao hơn, trọn vẹn, sáng rõ hơn và mang một ý nghĩa quốc gia dân tộc rộng lớn hơn so với ước mơ của những ngày tôi mới rời khỏi nước.

Tôi hiểu lá cờ vàng, không phải chỉ từ nguồn gốc nhưng còn từ máu xương, từ mồ hôi nước mắt, từ hơi thở của những người đã gìn giữ và bảo vệ vùng trời, vùng biển tự do của đất nước. Một tài sản dù đồ sộ bao nhiêu cũng không có giá trị lớn về mặt tinh thần, nếu tài sản đó không được đánh đổi bằng mồ hôi ước mắt của những người đã tạo ra nó.
Lá cờ vàng đã đắp lên bao nhiêu ngôi mộ, bao nhiêu quan tài, bao nhiêu khuôn mặt tuổi thanh niên đã chết vì lý tưởng tự do của dân tộc trong cuộc chiến tự vệ đầy gian khổ suốt hai mươi mốt năm từ ngày đất nước bị chia đôi. Trong lúc đó, các nhà lãnh đạo Cộng Sản miền Bắc không thể chứng minh cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam là cuộc chiến tranh chính nghĩa. Hãy đọc con số thống kê : Ba triệu người chết. Ba trăm ngàn người còn ghi nhận là mất tích. Một xứ sở 28 năm sau chiến tranh, vẫn còn bị xếp vào một trong những nước chậm tiến nhất thế giới. Một chế độ độc tài đảng trị bị loài người khinh rẻ. Một nền kinh tế khoa học kỹ thuật đi sau nhân loại hàng thế kỷ. Nhãn hiệu độc lập, tự do, hạnh phúc sau bao năm đánh bóng cũng chỉ hiện nguyên hình là những con cá gỗ. Tất cả những hậu quả đó là cái giá dân tộc Việt Nam phải trả cho cuộc chiến tranh được gọi là “giải phóng dân tộc” của ban lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam. Đó không phải là chính nghĩa, không phải là giải phóng nhưng là tội ác diệt chủng.

Trong bài thơ Người Con Gái Trên Đường Bolsa, mặc dù viết về lá cờ vàng, tôi không chỉ nhắc đến Trường Sơn, Thất Sơn mà còn nhắc đến cả Hoàng Liên Sơn, ngọn núi mà tôi chỉ biết qua những bài học địa lý. Tôi không chỉ nhắc đến sông Hương của miền Trung nghèo khó, sông Cửu Long của miềm Nam màu mở nhưng cũng không quên được dòng sông Hồng của miền Bắc chở đầy lịch sử. Nói rõ hơn, tôi không dừng lại ở vĩ tuyến 17, tôi không dừng lại ở những hiệp định Geneve, Paris, và ngay cả cũng không dừng lại ở Việt Nam Cộng Hòa bởi vì lá cờ vàng không đơn giản chỉ tượng trưng cho một chế độ nhưng là biểu tượng của chân lý tự do, của chính nghĩa dân chủ, của hy vọng vào một tương lai tươi sáng Việt Nam.
Và sau những tháng năm học hỏi, tôi cũng hiểu ra rằng những cụm từ “Cộng Sản Bắc Việt” hay “Quốc Gia Miền Nam” mà tôi nghe cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu hay nhắc tới trong các thông điệp của ông, là không đúng hẳn. Cộng Sản là một ý thức hệ độc hại, có thể gây nhiễm trùng cho bất cứ ai, cho bất cứ một người nào không nhất định phải là người miền Bắc, không nhất thiết phải là những người sống bên kia cầu Hiền Lương, và quan trọng hơn, đảng viên đảng Cộng Sản không có nhiều đến mấy chục triệu người. Trong biên bản của đại hội đảng Lao Động (tên đối ngoại của đảng Cộng Sản) lần thứ 3 ngày 5 tháng 9 năm 1960 cũng chỉ ghi rõ “số lượng đảng viên cả nước : 500 ngàn”. Mười chín triệu năm trăm ngàn đồng bào miền Bắc còn lại phải sống trong xích xiềng Cộng Sản vì họ không có một chọn lựa nào khác, không còn một nơi nào để sống chứ không phải tất cả đều là Cộng Sản. Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm là một bằng chứng điển hình của sự đối kháng giữa tự do nhân bản và độc tài nô lệ. Bao nhiêu phong trào phản kháng của giới trí thức, công nông và đòi hỏi tự do tôn giáo tại miền Bắc có thể đã bị dập tắt thô bạo mà chúng ta chưa biết hết.
Sau 28 năm, Cộng Sản ngày nay, số lượng tuy tăng cao hơn nhưng phẩm chất còn ít hơn con số 500 ngàn của bốn mươi năm trước. Họ chỉ còn là một nhóm nhỏ những người đang cố bám vào mảnh ván quyền lực bằng phương tiện của nhà tù và sân bắn. Và ngay giữa lúc đang cười say trong canh bạc lận, ban lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam cũng biết ngày tàn của chế độ chỉ còn là một vấn đề thời gian mà thôi.
Trong một phân tích tương tự, nếu định nghĩa người quốc gia là những người yêu nước, dâng hiến đời mình để mưu cầu hạnh phúc, độc lập, tự do cho dân tộc, thì người quốc gia cũng ở bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam, không nhất định phải miền Nam. Xương máu mà nhân dân Việt Nam trong nhiều thế hệ đã đổ xuống trong cuộc chiến tranh chống Thực Dân Pháp đầy chính nghĩa, không phải vì họ tin vào chủ nghĩa duy vật biện chứng hay xã hội đại đồng Cộng Sản, nhưng đơn giản, chỉ là những người yêu nước Việt Nam. Tình yêu họ dành cho nơi chôn nhau cắt rốn là một tình yêu thuần khiết và vô cùng trong sáng. Họ chỉ là những người đã chết cho Độc Lập, Tự Do đúng nghĩa. Họ ngã xuống cho thanh bình sớm được vãn hồi trên mảnh quê hương khổ đau và bất hạnh Việt Nam. Họ ngã xuống trong nụ cười bởi vì ngay cả khi khi nhắm mắt lìa đời họ vẫn tin rằng họ đang chết cho tổ quốc, đang chết cho tương lai dân tộc như tổ tiên họ đã chết trên sông Bạch Đằng, trên bến Chương Dương, trong đầm Dạ Trạch, giữa núi rừng Yên Thế. Họ chết đi trong giấc mơ tuyệt đẹp về một đất nước tương lai, một đất nước của Hùng Vương, của thương yêu và giàu mạnh. Và trong ý nghĩa đó, họ cũng là người Việt Quốc Gia.
Ngạn ngữ tây phương có câu “Ai giải thích được lịch sử người đó thắng”. Những cường hào ác bá đang sống trong các biệt thự nguy nga ở Hà Nội, Sài Gòn ngày nay không phải là những người làm nên lịch sử nhưng chỉ là những kẻ, trước đây, làm công việc giải thích, bóp méo lịch sử cho phù hợp với tham vọng xích hóa Việt Nam của Đệ Tam Quốc Tế, và ngày nay, để tiếp tục sống huy hoàng trên những thống khổ triền miên của dân tộc Việt Nam. Những phản ứng tức tối của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam trước việc các thành phố lớn nhỏ ở Mỹ nối tiếp nhau công nhận lá cờ vàng cho thấy sự sợ hãi của họ trước một sự thật lịch sử mà họ không còn có thể che đậy, dấu diếm, lừa gạt được ai hay giải thích cách nào khác hơn nữa. Lịch sử cuối cùng sẽ thuộc về những người đã làm nên lịch sử.
Ngày nay, đối lực giữa sức mạnh tổng hợp của dân tộc Việt Nam và thiểu số đặc quyền đặc lợi Cộng Sản đã hoàn toàn chênh lệch. Niềm tin dân tộc chưa bao giờ sáng hơn lúc này. Sức mạnh dân tộc chưa bao giờ mạnh hơn lúc này. Không giống như những năm đầu thập niên 90, khi những lực lượng, tuy chống đối nhà nước Cộng Sản nhưng vẫn còn đậm màu quá khứ và nặng tính địa phương như “Sĩ phu Bắc Hà”, “Kháng chiến Nam Bộ”, thì ngày nay, đoàn kết dân tộc là mẫu số chung, là điểm tựa, là vũ khí và sức mạnh trong cuộc cánh mạng dân tộc và dân chủ tại Việt Nam.
Trận tuyến ngày nay là trận tuyến giữa dân tộc và phản dân tộc, giữa dân chủ và phản dân chủ, giữa bảo vệ tổ quốc và bán đứng đất đai tổ quốc. Người Việt trong nước và hải ngoại không còn ai bận tâm việc bác sĩ Phạm Hồng Sơn là người tỉnh nào, luật sư Lê Chí Quang là người miền nào. Điều làm mọi người cảm thấy hy vọng và an ủi là hầu hết các khuôn mặt đấu tranh trong nước hiện nay thuộc thế hệ trẻ và trung niên như Phạm Hồng Sơn 34 tuổi, Lê Chí Quang 32 tuổi, Nguyễn Khắc Toàn 47 tuổi, Nguyễn Vũ Bình 35 tuổi. Lớp tuổi của họ là lớp tuổi để làm một chiếc cầu cảm thông giữa các thế hệ, là lớp tuổi trưởng thành trong kinh nghiệm, đầy đủ hiểu biết và nhất là, không phải mang trên vai hành lý nặng nề.
Mẫu số chung tinh thần dân tộc mà tôi vừa thưa ở trên không những chỉ giá trị đối với những người đã từng hy sinh, từng đổ máu dưới bóng cờ vàng, mà còn mở ra cánh cửa của chính nghĩa tự do và bao dung dân tộc cho cả những người chưa hề thấy lá cờ vàng. Cái chung tinh thần đó vượt lên trên mọi hiệp định, mọi vĩ tuyến, mọi chia cách, mọi tôn giáo, thế hệ, trong hay ngoài nước. Cái chung tinh thần đó, có thể đang sôi sục trong lòng tôi hay tạm ngủ quên trong lòng anh chị nhưng chắc chắn đã và đang hiện hữu trong mỗi người Việt Nam quan tâm đến vận mệnh đất nước. Nếu chúng ta biết đánh thức cái chung tinh thần đó dậy, sống trọn vẹn với cái chung đó, tôi tin rằng đại gia đình dân tộc Việt Nam sẽ sớm một ngày đoàn viên trong hạnh phúc. Dân tộc Việt Nam không hề đặt bút ký thỏa ước Patenotre, hiệp định Geneve hay hiệp định Paris. Tất cả chỉ là sự áp đặt của các đế quốc đã diễn ra dưới nhiều hình thức trong những thời điểm khó khăn của vận mệnh đất nước. Trong suốt hai thế kỷ qua, dân tộc Việt Nam liên tục là nạn nhân đáng thương, bị xâm lược bởi các ý thức hệ ngoại lai vong bản. Không một người Việt Nam yêu nước nào muốn thấy quê hương chìm đắm và tiếp tục chìm đắm trong lạc hậu, độc tài triền miên như thế này.
Khi còn nhỏ, tôi chỉ nhìn thấy lá cờ vàng từ góc độ của một sân trường trung học. Khi lớn lên, học hỏi thêm, tôi nhìn lá cờ vàng từ góc độ của chế độ mà tôi đã sống, từ miền Nam tự do mà tôi đã ra đi, từ đất nước của Hùng Vương mà tôi yêu quý. Và hôm nay, tôi nhìn lá cờ vàng từ hướng trái tim của một em bé Việt Nam vừa mới sinh ra, đang đập theo nhịp đập của tương lai dân tộc.

Bởi vì cuối cùng, chỉ có người Việt Nam mới thấm thía được nổi đau Việt Nam và chỉ có người Việt Nam mới ôm ấp và đeo đuổi giấc mơ tự do dân chủ cho chính mình và tương lai của con cháu mình. Nếu tất cả chúng ta cùng biết đau một nổi đau chung và cùng biết đeo đuổi một giấc mơ Việt Nam chung như thế, tôi tin tưởng rằng lá cờ vàng chính nghĩa chắc chắn sẽ có một vị trí xứng đáng trong lịch sử và mãi mãi phất phới bay giữa lòng dân tộc Việt Nam.


Trần Trung Đạo