23 February 2017

QUA ĐỒI TRINH NỮ (Phần Giới Thiệu & Chương 1) - Nguyễn Bá Thuận

PHẦN GIỚI THIỆU
Tôi nhận được một cuốn truyện dài, mới toanh. Mở ra, có những giòng nhắn nhủ của chính tác giả, "Thân tặng người bạn trẻ. Mong đọc và truyền bá cho mọi người!" 

Thảo Nguyên, tác giả của cuốn truyện Qua Đồi Trinh Nữ, tôi chỉ gặp mặt có mỗi một lần. Cũng chẳng nói chuyện với nhau được mấy câu. Nên khi TN nói, "mình biết chú đọc hay..." thì tôi thực sự thấy rét. Cha sanh mẹ đẻ tới nay, tôi chỉ có đọc thơ đọc văn cho con gái tôi nghe là nhiều, có đọc gì nữa cho ai đâu, ông ấy lấy đâu ra mà chắc chắn thế. Giàng ơi, ông ấy lại còn nói thêm nhiều điều nữa cơ, làm tôi từ tê đến... dại. Hihi, nói nho nhỏ thôi nha, cũng có một chút khoai khoái!
Nhưng mà cái vụ đọc truyện, thì chắc phải xét lại rồi. Giọng tôi, những người quen ai cũng biết, vốn yếu và khó nghe, vì cái thổ âm nặng trình trịch. Khi thiên hạ đa số không nói giọng Bắc cũng nói giọng Nam, chuyện người nghe không hiểu tôi đọc cái gì là chuyện gần như là... đương nhiên. Nên tôi... nghĩ ra cách khác, và mong là tác giả vì thương mà thông cảm. 

Cầm cuốn truyện trên tay, tôi đọc một mạch tới trang cuối. Đọc cả những lời cuối, những thông tin bổ sung, hơn bốn trăm trang... 

Đêm đã vào khuya. Có con dế nhà ai kêu rinh rích đến cô đơn. Tôi lặng lẽ bỏ một đĩa nhạc vào máy, rồi ngồi xuống nhắm mắt thả hồn đi. Những bức tranh nhập nhằng theo nhau diễu hành trong trí, dắt tôi về với một vùng đất chưa bao giờ đặt chân đến. 

Những cái tên rất lạ - Gia Vực, Tà Noát. Những khung cảnh cũng lạ cho một người sinh ra và lớn lên ở thành phố biển như tôi. Rừng âm u, tăm tối. "Đồi núi chập chùng mây nối mây...", có những đôi chân đi không mỏi. Họ là những ai? Những người dân lẫn Kinh lẫn Thượng. Những người lính áo hoa loang lổ. Hồ như có những tiếng thét "Biệt Động Quân... Sát" đâu đây, vọng vào núi đá, vương vào suối khe, nhắc nhớ. Để tôi mơ hồ chợt thấy mình hiểu họ hơn... 


"Qua Đồi Trinh Nữ", "Qua Đồi Trinh Nữ". Tôi bất chợt lẩm bẩm trong miệng cái tựa của cuốn truyện dài. Truyện viết bởi một cây bút tài tử lắm, nhưng lại có thể làm tôi đọc đến mê say. Tôi chẳng biết nhiều về tác giả, nhưng từ những gì tôi được biết, cái nhân vật chính của tác phẩm - Thiếu Úy Nguyễn Bá Nhật, có vương vương những chi tiết giông giống với ông. Cái họ, cái xuất xứ từ một vùng đất một thời bình yên nơi xứ Bắc, trường đại học Chiến Tranh Chính Trị... Và cái tiền đồn heo hút ở Tây Nam dãy Trường Sơn, thuộc tỉnh Quảng Ngãi, nơi có ngọn đồi 157, còn được biết dưới cái tên nghe thi vị hơn, bí ẩn hơn, đồi Trinh Nữ. 


Mặc cho những chi tiết có thể là đã được tiểu thuyết hóa lên đôi chút, những nhân vật có thể là hoàn toàn hư cấu, tôi tìm thấy trong cuốn Qua Đồi Trinh Nữ những gì rất thật về một cuộc chiến. Những sự thật đau xé của những mảnh đời xông pha lửa đạn. Những tên tuổi, những con đường khơi lại những vết thương dù xa vẫn còn nghe nhức nhối. Có người đã bảo, "ai đã đi qua những mất mát sẽ không thể làm ngơ trước cảnh điêu tàn." Tôi chưa có cái niềm tự hào (hay là may mắn không phải) là một phần của cuộc tương tàn đó, nhưng cha anh tôi, cả một thế hệ đã đi qua những con đường đó, đã trả giá bằng chính sinh mạng mình. 

Hai mươi bốn tuổi, vừa tốt nghiệp đại học, Nhật chọn cho mình niềm tự hào ra nơi đầu sóng ngọn gió để bảo về cho một lý tưởng. Bỏ lại đằng sau sách vở học đường, đô thị phồn hoa, và những bóng giai nhân thấp thoáng trong đời mình, người sĩ quan trẻ đến nơi tiền đồn heo hút. Những ai từng có chút quan tâm tới lịch sử, chắc đã nghe đến những cái tên như Thiên Ấn, Trà Khúc, Ba Tơ. Có những cái tên, chỉ mới nghe qua, đã thấy lòng mình thư thản lạ. Những con sông ngọn núi quê hương. Mà cũng có những cái tên, nhắc sơ tới đã thấy lòng rướm máu. Ba Tơ ơi, sao lịch sử nhẫn tâm gắn liền cái tên một vùng đất vốn dĩ bình yên với một quá khứ đau buồn. 

Ai bảo những người cầm súng đi qua lằn tên mũi đạn đã khô kiệt cảm xúc! Đọc Thảo Nguyên sẽ biết. Dàn trải trong cả mười bốn chương sách có đầy những tiếng đạn xé, những ánh chớp hỏa châu rơi, những máu xương, những âm mưu đen tối, những thối nát ích kỷ của một hệ tư tưởng, vẫn có biết bao nhiêu tình người. Đó là tình bạn cao đẹp vượt qua cả ranh giới chủ tớ thầy trò của Nhật với Nhiều, Kiệt, Du, hay của Nhật với Vinh, Chí v.v... Đó là tình yêu tuyệt vời của Nhật với Trang. Và nhiều nhất, là cảm xúc của người lính trẻ với một vùng quê hương xa xôi. Bất cứ ở đâu, tôi cũng bắt gặp những đoạn tả chân của tác giả về giòng sông, dãy núi, về sừng sững ngọn đồi và rì rầm tiếng suối, về bầu trời có mây trôi bảng lãng, về những hàng cây xanh nối tiếp nhau đến khuất tầm mắt nhìn. Có bập bùng ánh lửa rừng, có thậm thình tiếng cối giã, có trai gái H're mắt môi tươi hát trong mùa lễ hội. Có những cô gái Thượng đeo gùi đường xa, váy hoa lấp loáng nắng tươi. Có những ché rượu ngan ngát hương, những xâu thịt rừng nướng ngun ngút khói. Và những người lính trẻ, áo trận lẫn vào với hàng cây, yêu thương cuộc sống biết bao nhiêu thì cũng dám hy sinh bấy nhiêu để bảo vệ cho biết bao nhiêu cuộc sống. Đó, đó, ai nói là lửa đạn đốt cháy trụi tình người? 

Kể ra, cũng đã khá lâu rồi tôi ít đụng tới những cuốn truyện dài. Vì tôi thích được đọc một lần từ đầu tới cuối, để cho cái mạch suy nghĩ được liền lạc. Nhưng với đời sống hiện tại, kiếm một khoảng trống trong cái thời khóa biểu của tôi để làm một mạch hết một cuốn truyện dài, coi bộ cũng hơi khó. Nên chuyện đọc "Qua Đồi Trinh Nữ" của tôi xứng đáng là một ngoại lệ. Mà là một ngoại lệ, nó cũng xứng đáng cho tôi ngồi đây, viết lại một vài cảm nghĩ. Tôi bắt đầu vào cuốn truyện, có một phần tò mò. Ấy là tôi muốn biết Thảo Nguyên muốn nhắn gửi điều gì, bằng ngòi bút của một người viết văn không chuyên. Tôi vẫn thích vậy, dường như cái sự tìm tòi khám phá trong con chữ kích thích mớ đậu hũ trong đầu tôi một cách kỳ lạ. Nhưng không phải bởi mớ ngôn ngữ kỳ lạ, hay bởi những chi tiết ly kỳ, huyền bí. Mà câu chuyện Thảo Nguyên kể, dường như chẳng có quá nhiều những điểm ly kỳ như thế. 

Bắt đầu bằng cái huyền thoại về một người con gái tóc dài vẫn thường ẩn hiện trên ngọn đồi kỳ bí. Và bắt đầu từ cái cảnh tượng rùng rợn hãi hùng của một hôm nào, máu chảy thắm cả một khúc suối bình yên. Để câu chuyện từ từ thành hình, mở ra, cũng như sự hãi sợ của những người lính Thượng ngu ngơ cứ lớn dần, lớn dần. Để rồi có những kẻ lợi dụng nó để làm điều xằng bậy. Tôi thích cách dựng chi tiết của Thảo Nguyên, khi ông kể về cái động cơ cho lần rượt đuổi đầu tiên của người thiếu úy trẻ với người nữ du kích trên đồi Trinh Nữ. Cho dù trên con chữ đã viết rõ ràng về những món đồ nhỏ bé Nhật lấy được trong cái túi xách con con, tôi manh nha cảm thấy đó không phải là lý do chính. Cho nên, khi câu chuyện được sáng tỏ, tôi xém chút nữa đánh vào đùi mình cái đốp mà rằng, "có thế chứ!" Tôi còn cảm giác mình đang nhập vào cái bố cục của cuốn truyện, mắt lướt trên giòng chữ, mà một phần của đầu óc vẫn lang thang trong bối cảnh, để dự đoán những gì sẽ xảy ra. Để thích thú cười thầm hay nhăn nhó khi chúng không đến như tôi nghĩ. Nhưng tôi lại bật cười. Cái nhà ông Thảo Nguyên này, ngốn cho lắm vào những Kim Dung, Cổ Long, lại thêm thắt ít cung điệu của nhạc Việt, thế mà đôi lúc làm cho cuốn truyện nhiều lúc lại giãn ra, bớt căng thẳng. Ông tả về nhân vật Đức, lâu lâu lại chua vào một vài chi tiết đầy nghi điểm. Để rồi người đọc chưng hửng phát hiện ra, Đức không phải là cái nhọt. Cái người mà ông nhắc đến với giọng văn mai mỉa, chán ghét, nhưng không thấy oán thù, mới là thủ phạm. Thế mới biết, cái ảnh hưởng của Cổ Long cũng không nhỏ lắm. 

Nghe nói, chủ đề của Qua Đồi Trinh Nữ là để lên án cái cuộc chiến điêu tàn kia. Nhưng tôi mơ hồ không thấy ra những điểm hận thù trong đó. Có chăng, là một chút thương hại, một chút khinh bỉ cho những kẻ mệnh danh vì nước vì dân. Hình ảnh những cây mã tấu phạt ngang lưng những người bị trói, hay ba bốn cái xác cháy đen thui mà vẫn còn xích lại với nhau làm cho người đọc không khỏi rùng mình. Ông muốn nói gì với độc giả, có phải là "hãy nhìn...""đừng nghe..." đó không? 

Một điểm thú vị nữa trong Qua Đồi Trinh Nữ là... cái nhìn của tác giả về Tình Yêu. Ông vẽ nên mối tình thủy chung của Trang dành cho Nhật - qua biết bao khổ đau, qua biết bao đợi chờ đằng đẵng - như một giấc mơ đẹp, mà xa quá tầm tay với. Nên ông không cho cuộc tình nên thơ đó một kết cục có hậu. Đúng vào cái thời điểm thuận lợi nhất, ông lại để cho họ mất nhau. Xót xa quá! Mà không chỉ là Trang rời xa Nhật, cả Nhiều, Du, Kiệt cũng vậy. Đọc tới đoạn này, tôi cứ thấy có cái gì đó trong cổ họng cứ dâng lên, nghèn nghẹn. Thấy mình dường như không đồng ý với cái kết cục quá bi thương, tôi lật lại vài trang, đọc lại một lần nữa. Lạ quá, không hiểu vì sao mà thấy lòng mình nhẹ được một tí chút. Hy vọng là tôi không hiểu đúng về tác giả để mà võ đoán về cái nhìn của ông đối với tình yêu, tình người. Có một chút gì chua chát khi ông kể về những mối tình thoáng qua của Nhật, với những cô gái thị thành thực tế và đòi hỏi. Có một chút gì quá trân trọng, nâng niu khi ông viết về sự hy sinh vô bờ bến của Trang trong tình yêu cô dành cho Nhật. Và có một chút gì quá... vượt qua khỏi cái lằn ranh thầy tớ của Nhật với Nhiều. Những gì rất đẹp, rất vô giá khó tìm thấy trong đời thường??? Những ước mơ bị thực tế phũ phàng dẫm nát??? Hay là cái hệt quả tất yếu của chiến tranh??? 

Tôi có được cái may mắn là đã đọc được khá nhiều những tác phẩm viết về chiến tranh, dài có ngắn có, từ cả hai phía của trận tuyến. Đủ để tôi rút ra một nhận định cho riêng mình. 

Về khía cạnh văn học thuần túy mà nói, Qua Đồi Trinh Nữ không có nhiều những câu văn để đời để cho tôi ghi nhớ, trích dẫn. Nhưng Qua Đồi Trinh Nữ có nhiều điểm son đáng trân trọng. Với tôi, điểm son đáng ghi nhận nhất của cuốn truyện nằm ở cái sự thật trần trụi mà tác giả diễn tả. Những địa danh, những chi tiết trong cuốn truyện, tôi nghĩ, là những góc cạnh của một khu vườn kỷ niệm được tác giả viết lại. Những nơi chốn có dấu chân ông qua, những sự kiện mà ông đã chứng kiến. Và những nhân vật, mà suy nghĩ và hành động của họ được khắc họa một cách kỹ lưỡng, chắc phải là những người rất thân thiết, nếu không phải là chính ông. Chúng góp phần làm tăng thêm tính "lịch sử", hay là tính thuyết phục của tác phẩm. Đây là điểm thuận lợi khi tác giả đã từng là người trong cuộc. 

Bức tranh người lính được Thảo Nguyên vẽ lên, với tất cả những đường nét rất nhân bản của nó. Mỗi người lính, đeo lon hay không, đều có những nét đáng yêu và đáng thương của riêng họ. Đó là Nhiều, lanh lẹ và trung thành. Là Chí, lì lợm mà quả quyết. Và là Nhật, gan dạ và sâu sắc. Họ cũng có rất nhiều những khuyết điểm. Người này thì đầy những ham muốn, kẻ khác thì nhát gan sợ chết. Có người thì vùi đầu vào cờ bạc đỏ đen, có kẻ thì đam mê sắc dục. Tôi cũng thích yếu tố này trong Qua Đồi Trinh Nữ, bởi sự thực bao giờ vẫn là sự thực. Tốt hay xấu, họ đều là những con người... 

Có thể nói, Tiểu Đoàn Trưởng Nguyễn Tài Chữ và Tiểu Đoàn Phó Trần Nghĩa được Thảo Nguyên dành cho một góc trang trọng trong tác phẩm của ông. Một ông thiếu tá tình cảm, khéo léo. Một ông đại úy can đảm, phóng khoáng. Hai người sĩ quan, hai tấm gương sáng trong một quân đội đã có quá nhiều những vị tướng lãnh riệu rã, thối nát. Trong cơn bom đạn bời bời, thiếu tá Chữ vẫn không quên nghĩ đến cấp dưới trong trường hợp của bà Hiệu. Và đại úy Trần Nghĩa, ôm súng đứng sừng sững trên chiến hào để chờ các tay súng của mình rút hết xuống công sự. Thảo Nguyên còn dành riêng một đoạn để nhắc đến cái chết hào hùng của Tiểu Đoàn Phó Trần Nghĩa, đã anh hùng ngã xuống dưới đạn thù, khi biển người cộng quân tràn dâng trên ngọn đồi. Không thiếu những người sĩ quan anh hùng, và cũng không thiếu những người lính anh hùng như thế. Nên những người lính vẫn còn nhắc về họ với lòng cảm phục. Tôi hiểu, Thảo Nguyên mãi mãi là một người lính. Một người lính, dù rời xa áo trận, vẫn đủ đầy sự kính mến tôn trọng đối với cấp chỉ huy. 

Bao nhiêu năm đã đi qua. Ngọn đồi 157 năm nào, ngọn đồi Trinh Nữ năm nào, có thể đã bị xóa tên, đã chìm vào quá khứ. Nhưng trong ký ức của người lính già Thảo Nguyên, nó vẫn còn rõ nét như vừa mới hôm qua. Đâu đây như còn vẳng tiếng thét xung phong, tiếng đạn ầm ì xé không gian. Có tiếng suối róc rách, tiếng rừng cây thì thầm như kể lại chuyện xa xưa. Có bóng đoàn quân áo xanh lá loang lổ, có tiếng cười những cô gái "Yêng" đi chợ đường xa, ngực trần loang loáng nắng mai. Còn đó, những giòng máu đỏ thấm vào lòng đất mẹ. Còn đó, tiếng mẹ quê hương kêu gào trong mất mát thương đau. Tà Noát ơi, Gia Vực ơi, tiếng kêu ai còn vang vọng! 

Tôi cám ơn Thảo Nguyên đã cho tôi một đêm... mất ngủ. Cám ơn nhà văn đã cho tôi được sống với những nhân vật của ông, trên một vùng xa xôi tôi không mong một lần sẽ đặt chân tới. Nhưng từ nay, cái tên Gia Vực Tà Noát rồi sẽ ở lại mãi trong tôi. Không chỉ giản đơn như là một nơi chốn, mà lớn hơn - là một kỷ niệm, một giấc mơ??? 

Tôi cũng cảm ơn tấm chân tình của Thảo Nguyên dành cho tôi, đã cho tôi cái vinh hạnh làm một trong những người đầu tiên nhận cuốn truyện có tác giả đề tặng, còn thơm mùi giấy mới mực in. Tôi càng cám ơn ông đã cho tôi một cái nhìn rõ ràng hơn về một cuộc chiến vẫn còn in đậm trong đầu óc biết bao người, như một ám ảnh. Tôi nghĩ, dù có đắng cay về cuộc chiến, ông vẫn tự hào đã là một người lính, phải không ông? 

Nên tôi xin thắt lại những giòng cảm nghĩ của mình đúng theo phong cách của ông - bằng một câu thơ (hay một câu ca?), vì tôi thấy ông cũng như người lính Trần ngày xưa... 


... Người lính già đầu bạc 
Kể mãi chuyện Nguyên Phong!

Ăn Mày Già

QĐTN là một truyện dài hoàn toàn hư cấu, những sự trùng hợp nếu có, hoàn toàn ngoài ý muốn của tác giả. THẢO NGUYÊN

Chương Một
Gần đến trưa Nhật mới lên được đỉnh núi. Những bóng cây cao ngất ngưởng, vươn hẳn lên không, lúc ở dưới bờ ruộng Nhật tưởng như gần lắm, đã làm chàng phải mất hết hai giờ vừa đi vừa chạy, có lúc phải bò mà vẫn chẳng thấy đâu. Đôi khi mệt quá, Nhật đã có ý định cho trung đội dừng quân ở bất cứ chỗ nào, nhưng thằng Nhiều, người mang máy PRC 25, cũng là đệ tử thân tín, đã luôn nhắc nhở chàng:


- Cố lên ông thầy ơi, nằm đây tụi nó pháo xuống tan đàn hết bây giờ.

Nhật đưa mắt bực dọc nhìn nó, muốn chửi cho một trận, đù má, cái thằng khỏe như trâu. Ai chẳng biết là muốn tìm điểm qua đêm thì phải leo tuốt lên cao. Nhưng mà hai chân chàng như đã rụng ra rồi, chỉ muốn ngồi lại một chút dù có phải chết ngay cũng được. Nghĩ thế thôi chứ chân Nhật vẫn phải bước đều. Nói dại lỡ có vài thằng du kích khốn nạn ở trên đồi kia nhìn thấy bọn chàng, chúng nó giộng đại cho vài trái 61 hay 82, thì biết đâu chàng chẳng đi luôn, hay may mắn hơn, sẽ như anh chàng trong bài hát của ông Phạm Duy... Anh trở về nhìn nhau xa lạ, anh trở về dang dở đời em. Nhật còn trẻ quá, chết hay tàn tật là điều chàng không muốn nghĩ tới bây giờ.

Hôm nay là chuyến hành quân đầu tiên của Nhật. Chuyến hành quân đầy hiểm nguy và mệt mỏi, không như chàng nghĩ khi còn ở quân trường. Từ lúc trực thăng đổ cả trung đội xuống cái lòng chảo Tà Noát này, lệnh hành quân chỉ thị cho chàng phải điều động trung đội, giăng hàng ngang tràn qua đồng ruộng, thấy gì phá hủy nấy vì đây là vùng canh tác để nuôi quân của Việt cộng. Đại úy Nghĩa, tiểu đoàn phó kiêm trưởng ban 3, trong khi thuyết trình hành quân đã lưu ý Nhật.

- Theo tin tức mà ta có được do ban 2 cung cấp thì lực lượng địch ở mục tiêu chừng nửa tiểu đội, vũ khí trang bị rất thô sơ, chỉ có khoảng một hay hai cây CKC thôi, còn lại là dân công dùng toàn dao với rựa. Chuyến này thiếu úy Nhật ra quân thể nào cũng hốt về một mẻ cá lớn. Xin chúc mừng ông trước...

Lúc ấy, Nhật nhìn thẳng vào mặt người sĩ quan đàn anh để đo lường sự thực trong câu nói, nhưng ông ta tinh ý, phớt lờ quay sang chỗ khác. Chàng đã lờ mờ đoán được phần nào hiểm nguy trong chuyến hành quân đầu đời. Nhất là khi về đến doanh trại, tập họp, vắn tắt ban hành lệnh cho thuộc cấp rồi dẫn trung đội lên ban 4 lãnh lương khô, chàng đã nghe mấy thằng lính người kinh xì xào bàn tán. Có đứa còn nói trống không:

- Đù má, chuyến này đi chắc tới số quá!

Thằng lính, miệng ăn mắm ăn muối, phát ngôn bừa bãi thế mà đúng quá. Khi chiếc trực thăng cuối cùng chở chàng và tiểu đội súng nặng vừa chúi xuống thì đạn đã nổ dòn bốn phía. Rồi những chiếc trực thăng trút bọn chàng xuống như trút được gánh nặng, vội vàng bay lên vút không. Rõ ràng tiếng cánh quạt xé gió bây giờ không còn là tiếng gầm thét oai hùng như lúc mới ra quân, mà chỉ là tiếng kêu quoang quoác gọi đàn để trốn chạy ra khỏi chỗ hiểm nguy.

Đặt chân xuống đất, Nhật đã định cho kiểm quân số, rồi phân chia mục tiêu ra từng mảnh nhỏ để cho con cái dẫm nát như hôm qua chàng đã thuyết trình cho các tiểu đội nhưng đâu còn kịp nữa. Tiếng súng nổ chát chúa, dữ dằn và kinh khiếp, tiếng đạn xé gió rít lên ghê rợn trên đầu như sắp xuyên qua thân thể. Phản ứng tự nhiên của Nhật là nằm ngay sát xuống bờ ruộng, tim gan chàng đập loạn xạ, mồ hôi vã ra như tắm. Một lúc lâu không thấy có gì Nhật mới cố gắng đứng lên, cắn chặt hai hàm răng cho bớt run rẩy rồi hét lớn:

- Trung sĩ Thế đâu ? Mấy thằng con của ông đã bắt tay được tiểu đội 2 và 3 chưa, Ông cho chúng nó bung rộng ra, băng qua cánh đồng này thấy gì phá nấy như tôi nói hôm qua, rồi tập trung lên ngọn đồi trước mặt đó nghe chưa?

Viên trung sĩ vâng vâng dạ dạ xong, nhanh nhẹn băng qua đám cỏ hoang và mất hút trong bờ lúa. Ngay lúc ấy tiếng đạn lại thi nhau nổ dòn, hình như những trái pháo từ đâu nã tới nghe ghê rợn như những tiếng gọi của tử thần.

Tạch...tạch...tạch...tạch, uỳnh, oàng...

Nhật lại chúi đầu xuống bờ ruộng để tránh đạn, chàng chưa biết phải làm sao thì đã nghe thấy tiếng thằng Nhiều hét vào tai.

- Chạy đi chứ ông, nằm mãi ở đây nó giộng cho mấy trái 81 là nát bấy ra như cám bây giờ. Vừa nói xong là nó sửa lại chiếc máy PRC 25 đã được nằm gọn trong ba lô để ngụy trang, kéo cần ăng ten cho sát xuống rồi băng ngang qua ruộng lúa. Nhật vội chạy theo nó hỏi một câu ngớ ngẩn.

- Chạy đi đâu đây mầy?

- Thì chạy lên đồi chứ ở đây cho chúng nó xơi tái à, ông ra lệnh cho trung sĩ Thế theo sát thầy trò chúng mình nghe.

- Thế còn tiểu đội 2 của ông Ớt và tiểu đội 3 của ông Viện thì sao?

- Ôi thôi, ông thầy đừng lo gì cho mấy ổng, mấy ổng rành đường lắm, có khi đã lên đó trước mình rồi.

- Thế thì không đốt, không phá ruộng rẫy của tụi nó à?

Thằng Nhiều mhìn thẳng vào mắët Nhật để đo lường nỗi sợ hãi và sự ngây thơ của chàng. Nó nhún vai thản nhiên trả lời.

- Đốt phá gì được, mình đổ quân mà bị tụi nó phục kích, không chết hết là may, thôi để cho mấy ổng phá. Ông thầy không biết chứ, trước đây thiếu úy Kiên cứ mỗi lần đổ quân xong là ổng dẫn tiểu đội 1 của ông Thế chạy lên đồi cho lẹ, để ông Ớt với ông Viện ở lại đây muốn làm gì thì làm, mà mấy lần trước đâu có bị phục kích như lần này. Nói thật với ông, số ông cũng mát tay lắm, chứ không hôm nay tha hồ mà khiêng.

Nhật cũng còn thắc mắc về thiếu úy Kiên, người trung đội trưởng tiền nhiệm, vừa chết cách đây vài tháng. Chàng lại hỏi Nhiều.

- Bộ ông Kiên chuyên làm vậy sao? Thế thì làm sao biết rõ tình hình để báo cáo về tiểu đoàn?

Thằng Nhiều quay lại ngó đăm đăm như để đo lường sự ngây thơ của Nhật, rồi nó nhún vai.

- Cái đó thì dễ, ông để tôi lo cho. Tiểu đoàn đâu có biết mẹ gì về ngoài này, mình nói sao chẳng được.

Chợt nhớ ra một điều quan trọng là từ lúc đổ quân tới giờ chẳng thấy tiểu đoàn gọi cho lệnh lạc gì, thằng Nhiều vội vàng bỏ máy truyền tin trên vai xuống rồi kêu lên.

- Chết mẹ, từ nãy giờ máy im ru, chắc là lúc nhảy xuống vướng vào cành cây thành thử máy đóng luôn. Để tôi coi lại xem sao.

Nó vừa nói, vừa lấy tay rà qua lại trên hàng nút. Nhật thấy máy vẫn còn đang mở. Thằng Nhiều bật qua tần số khác. Thì ra tần số trên máy không phải là tần số đang làm việc với tiểu đoàn mà là một trong những tần số giải tỏa. Khi vừa bật qua là đã nghe tiếng gọi ơi ới của đại úy Nghĩa, chắc đang sốt ruột về chuyến đổ quân

- Trùng Dương, Trùng Dương, đây Thái Dương gọi.

Nhật toan chụp lấy ống liên hợp thì thằng Nhiều đã mau mắn trả lời:

- Thái Dương, Thái Dương, đây Trùng Dương nghe.

Có lẽ tức vì chờ đợi quá lâu, cộng thêm nỗi lo lắng, trông ngóng nên đầu dây bên kia đại úy Nghĩa xổ luôn một tràng:

- Đù má mày, làm gì mà để tao gọi muốn đứt hơi giờ mới trả lời. Mày đóng máy ngủ luôn rồi hả? Đù má! tình hình ra sao rồi. Đưa tao nói chuyện với thẩm quyền của mày coi.

Nhiều trả lời tỉnh bơ cho dù có Nhật đứng ngay bên cạnh. Chắc nó đã quen làm thế khi ông thiếu úy Kiên nào đó còn chỉ huy trung đội.

- Dạ dạ, tụi tui vừa băng qua thung lũng nên đâu có nghe gì, thẩm quyền tôi đang đi thăm mấy thằng con, chút nữa gọi về mặt trời ngay.

- Đù má mày, ổng đi đâu mà mày không theo ổng. Mày mà cà chớn tao lột da đầu mày nghe con.

- Dạ dạ, ổng kia rồi, để tôi đưa ổng nói chuyện với mặt trời.

Nói xong, Nhiều đưa ống liên hợp cho Nhật, nó nói khẽ vào tai chàng.

- Ông cứ phịa đại là đang đốt, đang phá, đang giăng hàng ngang dẫm nát mục tiêu. Mấy ổng ở nhà không biết mẹ gì đâu.

Nhật đành phải ấm ớ trả lời ông tiểu đòan phó những câu mà thằng Nhiều gà cho. Chàng mượn cớ đang cố gắng bắt tay với mấy thằng con đang đi lạc để mau chấm dứt câu chuyện. Nhưng đại úy Nghĩa vẫn chưa tha.

- Sao mà lạc được. Ba chiếc trực thăng đổ dồn vào một điểm mà?

- Nhưng lúc vừa mới đổ xuống, tụi nó bắn và pháo quá, ngóc đầu lên không nổi, tan tác luôn.

- Dữ vậy sao, chỉ có mấy con chuột nhắt thôi mà. Thế có đứa nào rách áo hay đi phép không?

- Thằng một với tôi thì chưa, nhưng không biết thằng hai với thằng ba ra sao. Tôi đang cố gắng bắt tay với tụi nó.

- Cố gắng lên, cần gì cho biết ngay, tao sẽ trực máy 24 cho chú mày. Nếu muốn, con gà cồ nó sẽ gáy cho vài chục tràng.

Sau khi nói chuyện xong là Nhật vội vàng đi ngay lên ngọn đồi theo lời giục giã của Nhiều dù rằng chàng chẳng biết hai tiểu đội kia lúc đó ở đâu. Tiếng súng vẫn dòn dã nổ, nỗi lo sợ bị chết hay tật nguyền cứ ám ảnh, chàng cẩn thận dặn trung sĩ Thế đi đầu, Nhật và mấy thằng tà lọt đi giữa, rồi mấy đứa theo sau. Đường đi lên sao mà vô cùng khó khăn, toàn là ruộng bậc thang cao, leo đến mệt nhoài cả người. Đã thế, tiếng súng cứ ầm ì bên tai , hình như có cả đạn súng cối địch quân pháo đâu đó bên phải, bên trái loạn xạ làm Nhật chẳng phân biệt được. Có lúc chàng phải trườn bò như rắn mối. Cuối cùng thì cả bọn cũng mò lên được ngọn đồi cao nhất, bóng cây cổ thụ với tàng cây trải dài hằng vài chục thước. 

Vừa lên tới nơi, Nhiều bỏ ngay ba lô đựng máy xuống, nó vươn vai cho thoải mái rồi nói với Nhật:

- Lên tới trên đây là an toàn rồi, chấp tụi nó có 130 ly cũng không bắn tới được. Nhưng mà ông thầy phải bảo trung sĩ Thế cho con cái bung rộng ra và đặt toán gác ngày, mấy thằng du kích dám mò lên đây lắm.

- Nói xong không đợi Nhật trả lời, nó sai luôn hai thằng tà lọt chuyên môn vác mùng mền và lương khô cho chàng.

- Thằng Kiệt, mày lo đi kiếm cây, mắc cái võng để ông thầy nghỉ lưng. Còn thằng Du, mày ra nói với trung sĩ Thế là lệnh của thiếu úy cho con cái bung rộng ra. Nhớ đặt toán gác ngày cho cẩn thận.

Thấy Nhật vẫn yên lặng. Nó ra lệnh cho chàng luôn.

- Còn ông thầy thì tạm nghỉ lưng trên tấm poncho này, tôi đi bảo tụi nó nấu cái gì ăn.

Nhật ngoan ngoãn đặt mình lên tấm poncho. Nỗi mệt nhọc và lo lắng làm chàng quên cả đói. Chàng bồn chồn không biết tình trạng của hai tiểu đội kia ra sao. Có đúng như là thằng Nhiều nói là họ sẽ tập trung ở đây sau khi thi hành xong công tác. Mà không biết đạn nổ kinh khiếp đến như thế thì có ai việc gì không. Họ cần gì và chàng làm được gì cho họ. Nhỡ có ai bị thương thì làm sao họ xin trực thăng tản thương khi cả trung đội chỉ có một máy để liên lạc thì chàng đang giữ trong tay. Nếu Nhật cứ ngồi nghỉ ở đây để chờ họ thi hành xong công tác rồi rút về thì trung đội cần gì có một sĩ quan như chàng để chỉ huy hành quân. Chao ôi sao mà nhức đầu quá thế này.

Tiếng máy lại vang lên, nhưng Nhật vẫn nằm yên suy nghĩ, mặc kệ cho thằng Nhiều trả lời thay chàng với người nào đó ở đầu máy bên kia. Chàng chợt nhận thấy một điều là từ lúc đổ quân cho đến giờ Nhật chỉ theo lệnh của thằng Nhiều. Chắc có lẽ nó đã quen thuộc điều động trung đội từ lúc còn ông thiếu úy Kiên trước đây. Bây giờ nó cũng muốn chàng sẽ là một ông Kiên thứ hai để mặc nó muốn làm gì thì làm.

Nhật mới bổ sung cho tiểu đoàn 70 Biệt Động Quân biên phòng vừa đúng được hai tháng. Chàng không rõ lắm về cái chết của ông thiếu úy hào hoa này, chàng chỉ nghe phong phanh như huyền thoại về cái chết của Kiên trong tay một người con gái rất đẹp, nửa người nửa ma, huyền bí âm u như núi rừng của đám dân thượng Hre này.

.. Nơi tiểu đoàn chàng đóng quân là một tiền đồn hoang vu giữa núi rừng Kontum, Quảng Ngãi. Trung đội chàng trú đóng lại cách xa hẳn tiểu đoàn cả năm sáu cây số đường chim bay. Nó là một tiền đồn phụ của một tiền đồn Biệt Động Quân biên phòng xa nhất của Quân Khu 1. Dân sống quanh vùng chỉ một số rất ít người kinh, họ là vợ con hoặc thân nhân của những người lính được đổi lên từ miền xuôi, còn lại toàn là người thiểu số Hre. 

Những buôn làng xa xa, cheo leo trên sườn đồi, lẩn khuất trong làn sương sớm, mây chiều cho Nhật cái cảm tưởng như đang sống trong một thời nào xa xưa lắm, chỉ thấy được trong những bức tranh cổ tích hay trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung mà chàng đã đọc trong thời gian còn đi học. Ở đây Nhật đã được nghe đủ thứ chuyện tưởng như không bao giờ là chuyện thật Chàng đã lạc vào một thế giới huyền bí với những phong tục, tập quán lạ lùng, vừa buồn cười vừa quyến rũ. Nhưng hấp dẫn nhất vẫn là những cô sơn nữ với làn da xạm nắng, mặn mà và đôi vú trần to tròn. Họ mặc váy dài kín đáo che ngang thân thể nhưng lại không mặc áo. Từng đoàn thản nhiên vác gùi đi trong nắng sớm lên nương, vừa đi vừa ríu rít cười nói như chim buổi sáng. Cái quyến rũ nhất ở nơi các nàng là đôi mắt to tròn và đen nháy. Nhật đã nghĩ đây là món quà quý báu mà thượng đế ban cho - không phải cho những nàng sơn nữ - mà là cho những gã trai trẻ trong buôn làng, nhưng tiếc thay họ không nhận thấy. Có lẽ vì những mưu sinh vất vả hàng ngày thì đôi mắt to tròn mộng ướt kia chẳng có giá trị gì hơn những trái bắp hay những củ khoai mà họ vừa đào được trên nương. Đối với họ, người con gái chỉ dùng để làm việc, để sinh đẻ và để mua bán. Ông thiếu úy Đại đội trưởng của chàng, người sinh ra và lớn lên ở đây có tất cả mười hai bà vợ, bà trẻ nhất chỉ vừa mười sáu. Hễ cứ thấy nhà ai có con gái lớn, vừa mắt là ông đem trâu tới cưới hỏi đàng hoàng. Cái giá của những nàng con gái ở đây được tính bằng giá những con trâu. Dĩ nhiên là cưới vợ được tính bằng trâu, nhưng mà muốn ngủ với vợ người khác thì cũng phải trả chồng họ bằng trâu, hay tệ nhất là heo, gà tùy theo nhiều hay ít. Bởi vì, chính người vợ khi trao ân đổi ái với người khác xong thì lại nói ngay với chồng mình để anh ta đòi nợ.Cho nên ngay chính trong đại đội của chàng mỗi khi có cuộc hành quân dài hạn là thể nào cũng có những vụ bắt đền, phân xử.

Quanh đi quẩn lại, chuyện mà Nhật để ý nhất vẫn là cái chết của thiếu úy Kiên, người đã ra đi vì... gái và để lại cho chàng cái trung đội đồn trú tại một nơi có lẽ là heo hút nhất quân khu. Chuyện của ông ấy chàng chỉ được nghe kể lại. Thoạt đầu bằng một vụ lẹo tẹo với vợ của một người lính thuộc cấp hồi ông còn làm đại đội phó cho một đại đội tiếp ứng ở miền xuôi. Không may cho ông, chuyện đổ bể tùm lum và người hùng... hục được lãnh ba mươi ngày trọng cấm rồi đổi lên miền núi làm trung đội trưởng. Lên đây giữa bầy sơn nữ thơ ngây, thiếu úy Kiên mừng hớn hở như gươm lạc giữa rừng... hoa. Ông được ông thiếu úy người địa phương có mười hai vợ dẫn lối chỉ đường trong thủa ban đầu nên như rồng mây gặp hội. Trong căn hầm của ông không ngày nào là không có bóng dáng những nàng phà ca thấp thoáng. Ông lại khéo xoay sở. Đôi khi dùng cả quyền uy và những lời dọa nạt nên chẳng phải mất trâu nào mà vẫn cứ cơm no... gái cởi. Cho đến một hôm trong chuyến hành quân truy kích dẫn trung đội trở về đi ngang qua đồi Trinh Nữ... 

Thật ra, đồi Trinh Nữ chỉ là cái tên mà ông nhà thơ quân đội, làm trưởng ban 5 của tiểu đoàn đặt cho vòng cao độ một trăm năm mươi bảy mét ở bên kia bờ sông Re, đối diện nơi đồn trú của trung đội Nhật. Phía sau lưng đồi là những ngọn núi cao ngất của dãy Trường Sơn âm u hoang dã.

Có phải cái vẻ bé bỏng xinh xinh giữa làn nước sông Re trong veo uốn khúc đó mà có cái tên thơ mộng kia chăng? Không hẳn vậy, vì tuy gọi là thế, nhưng đồi Trinh Nữ chẳng những không mượt mà, óng ả, mà nó gồ ghề lởm chởm, bởi nhưng tảng đá xù xì lớn nhỏ, đủ hình đủ cỡ. Rồi những cây to cao, những bờ bụi rậm rạp như chẳng bao giờ có bước chân người. Đây là một điều làm Nhật vô cùng thắc mắc vì tuy rất gần nơi trú đóng nhưng ai cũng mù mờ khi được hỏi về nó. Đôi khi người được hỏi lại có vẻ sợ sệt khi phải trả lời. Nhất là những ông lính người Hre thì lại càng tin chắc rằng đó là một nơi huyền bí linh thiêng. 

Những người dân thượng sống quanh vùng đã quả quyết rằng trong những đêm trăng sáng, họ thường thấy bóng dáng một người con gái, tóc xõa dài ngồi trên tảng đá lớn bên bờ sông Re, dưới chãn đồi Trinh Nữ, đối diện với tiền đồn của Nhật. Có lẽ nàng là một trong những hồn ma chết oan trong trận chiến hàng chục năm về trước. Ngày ấy nước sông Re đã đổi màu vì máu đỏ chan hòa. Những người lính Cộng sản miền Bắc đã giải phóng nhanh và gọn cả một đồn lính và gia đình của họ lúc ấy có nhiệm vụ bảo vệ con đường Quảng Ngãi Kontum vừa mới hoàn thành. Cộng sản mà đã ra tay thì không còn ai sống sót già trẻ, lớn bé, cha mẹ, con cái của những người lính Quốc Gia khi ấy như là những khóm chuối non cho các thanh mã tấu vung lên tha hồ mà chặt, trừ những người vợ thì họ cho sống thêm ít lâu để làm hộ lý rồi mới chặt sau. Đến nay, dấu vết man rợ xưa đã được nước sông Re cuốn rửa đi sạch sẽ, nhưng hằng đêm người dân thượng sống quanh vùng vẫn thường nghe thấy tiếng khóc than, tiếng gào thét, kêu xin .Mới đây họ còn được thấy cả hình bóng một người con gái thấp thoáng, ẩn hiện mập mờ trên sóng nước lung linh. Họ tin ngay nàng là một trong những nàng trinh nữ ngày xưa đã chết vì những lưỡi dao oan nghiệt, vẫn còn vấn vương cõi trần. Họ sợ sệt, họ kính cẩn mỗi khi nhắc tới đồi con Yêng. Con Yêng là tiếng họ chỉ người con gái chưa chồng, và trong tiểu đoàn có một ông thi sĩ thích thơ... thẩn, liền đặt tên cho cái vòng cao độ một trăm năm mươi bảy mét kia là đồi Trinh Nữ. Lâu dần mọi người trong tiểu đoàn đều quen gọi, và Trinh Nữ thành tên từ đó.

..Một hôm, dẫn quân đi tuần tiễu trở về, thiếu úy Kiên thấy thấp thoáng trên sông bóng dáng một chiếc thuyền nan. Lâu nay trên khúc sông khuỳnh ra, rộng như mặt hồ, thỉnh thoảng vẫn có những chiếc thuyền con của những người miền xuôi, lên đây buôn bán thổ sản bủa lưới, giăng câu kiếm cá. Đầu tiên họ được sự chấp thuận của Bộ Chỉ Huy tiểu đoàn chỉ được giăng câu trong những phạm vi giới hạn. Lâu dần cái giới hạn đó được co dãn bởi những người giăng câu có khi là lính đồn trú, hay vợ con của họ. Bởi thế khi thấy trên sông có con thuyền lững lờ trôi Kiên không lấy gì làm lạ. Ông ta chỉ giật mình, lạ lẫm vì người con gái đang nhẹ mái chèo kia sao mà đẹp quá. Chắc chắn nàng không phải là những nàng sơn nữ mà hằng đêm vẫn thường run rẩy trong vòng tay điệu nghệ của Kiên. Mái tóc dài xõa bay hờ hững bên chiếc nón lá đặt ngửa hững hờ. Chiếc áo bà ba màu hoa khế căng chật bó lấy hai bờ vai tròn trịa rồi nhô lên trên cồn ngực căng phồng nhắp nhô trong nhịp thở. Chao ôi, đây có phải là thiên thai và kia có phải là nàng tiên nữ. Trong một khoảng khắc Kiên tưởng mình là một trong hai chàng Lưu, Nguyễn ngày xưa rồi nhớ tới những câu hát trong bài Thiên Thai của Văn Cao tiền chiến ... Thiên thai, chốn đây hoa xuân đang gặp bướm trần gian. Thiếu úy Kiên liền cho hết thuộc cấp về doanh trại, cả mấy thằng tà lọt cũng cút đi cho khuất mắt. Rồi chỉ một mình, ông ra lệnh cho chiếc thuyền cập sát vào bờ để khám xét. 

Dĩ nhiên, lệnh của một ông thiếu úy trưởng đồn đưa ra ai nào dám cãi. Người con gái ngoan ngoãn cho thuyền cập bến, mời Kiên lên thi hành công vụ. Đầu tiên ông thiếu úy phải cảnh giác kỹ càng, chứ không phải thấy gái đẹp là bỏ qua mọi chuyện. Ông nhìn qua một lượt trong khoang thuyền vẫn chưa thấy có gì khả nghi. Không thấy vũ khí hay lương thực để có chút bằng cớ mời cô nàng về đồn nói khai thác. Hay là cô nàng có vũ khí dấu ở trong người. Biết đâu đấy, cứ nên cẩn thận là hơn. Nghĩ thế Kiên không còn ngần ngại, chàng ta khám xét rờ mó tận tình, cái công việc mà đáng lẽ để cho một người nữ quân nhân đảm trách. Nhưng Kiên vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ vì người con gái không có một chút gì phản kháng mà còn liếc mắt tình tứ nhìn chàng, miệng cười lẳng lơ làm chàng nghĩ ngay rằng mình có số đào hoa. Mà cứ nhìn cái mặt lưỡi cày của Kiên với những nàng sơn nữ vây quanh thì ai cũng phải công nhận rằng Kiên có số hoa đào.

Từ đó hai người như Ngưu Lang Chức Nữ xa cách cả năm mới gặp mặt nhau, họ quấn quýt không rời. Tuy vậy người con gái không bao giờ muốn chường mặt ra cho mọi người thấy. Có lẽ nàng nhút nhát, e thẹn, hay cần phải giữ giá để mai sau cuộc tình dang dở còn kiếm được tấm chồng. Bất cứ lý do nào Kiên không cần biết. Đâu cũng được, chỗ hẹn hò là gốc cây, bụi cỏ, hốc đá, lòng khe cũng tốt và nồng đậm như trên chiếc giường ngủ đóng bằng những két đạn pháo binh trong căn phòng ẩm thấp của Kiên. Đôi khi nàng cũng bằng lòng theo Kiên về doanh trại, nhưng thường là trong đêm khuya khoắt, không ai để ý và ít ai nhìn thấy. 

Rồi một hôm thiếu úy Kiên bảo mấy thằng tà lọt rằng hôm nay chính ông sẽ đi giăng câu. Cuộc sống ở tiền đồn sau những ngày đi hành quân thường buồn bã và nhàm chán, thành thử khi ông thiếu úy có thú vui tao nhã trên sông thì cũng là chuyện bình thường. Nhưng hôm ấy ông đi suốt cả đêm không về. Đó là chuyện lạ vì không bao giờ quân lệnh cho phép một người trưởng đồn trốn dù như lính. Chờ mãi đến trưa hôm sau trung sĩ Viện - trung đội phó - đành phải báo cáo lên tiểu đoàn . Đích thân thiếu úy Ruồi - đại đội trưởng - người sinh ra và lớn lên trong buôn làng này chỉ huy tìm kiếm nhưng cũng chẳng thấy đâu. Mấy ngày sau dân đi rừng về thấy xác ông thiếu úy trẻ tuổi đào hoa dập dờ trên sông Re, bên đồi Trinh Nữ. 

Từ đó về sau còn biết bao nhiêu chuyện được thêu dệt về ngọn đồi huyền bí kia, người con gái mà không một ai trông thấy mặt rõ ràng được dân Hre tin chắc rằng là cô gái ma trên đồi Trinh Nữ. Người ta lại càng ngại ngùng hơn khi phải nói đến ngọn đồi và càng lo sợ hơn khi phải đi ngang qua nó. Có những người kinh yếu bóng vía hơn thì hướng về đó mà cầu nguyện. Những người lính Hre lại càng sợ sệt hơn, khi phải đi hành quân họ cố tránh không bao giờ dám băng ngang qua đồi. Nỗi lo sợ của họ lây dần sang đám lính người kinh. Và như thế mặc nhiên đồi Trinh Nữ, lâu dần thành chỗ linh thiêng bất khả xâm phạm.

Nhật nhớ lại những ngày đầu tiên mới về đơn vị được chính ông Tiểu đoàn trưởng và sĩ quan hành quân ân cần chào đón. Nói chuyện cho Nhật hiểu rõ tình hình rồi đại úy Nghiã chở chàng trên chiếc xe Jeep không mui của tiểu đoàn chạy thẳng ra đây, ân cần dặn dò vì lúc ấy ông đại đội trưởng người Hre đang say rượu cần bên những bà vợ thơm như thịt nướng. Ba bốn ngày liền chẳng biết làm gì, không ai trò chuyện, Nhật chỉ biết đốt liền tay những điếu thuốc rồi nhìn xa xa bên kia bờ sông mà mơ về Sàigòn, thương nhớ vu vơ bóng dáng những nàng con gái thị thành kiêu sa và ác độc. Một lần chàng gọi đại mấy người lính thượng cầm súng đi theo giám sát dọc bờ sông, băng qua chỗ cạn tiến về ngọn đồi hoang trước mặt. Mải đi và suy nghĩ, một lúc sau Nhật nhận thấy chỉ còn một mình chàng tiến lên phía trước. Cả đám lính đã dừng lại xa ở đằng sau tự bao giờ. Ngạc nhiên và bực tức, chàng chạy lại hỏi cho ra lẽ. Thì ra, ngọn đồi mà chàng đang tiến tới kia là đồi Trinh Nữ. Rồi mấy người lính thi nhau kể cho chàng nghe với ngôn ngữ nửa kinh nửa thượng, những chuyện ghê sợ chung quanh ngọn đồi cao không đầy hai trăm thước ấy. Nhìn những cái miệng đỏ vì ăn trầu, răng cưa tới lợi sao mà ma quái, làm chàng cũng hơi chột dạ, ngại ngùng bưới chân đi tới, dù chàng vẫn nghĩ rằng chuyện ma mãnh làm gì có thực ở thế gian này.

Hôm ấy Nhật đã định một mình quay trở lại. Nhưng khi chàng đưa mắt nhìn lên ngọn đồi sửng sốt thấy hình như có bóng người. Nhật vội vã đưa ống nhòm lên để nhìn cho rõ ràng hơn. Đúng. Đúng thật là bóng người. Một người con gái với mái tóc dài bay thướt tha theo chiều gió cuốn. Nàng đứng trên một mỏm đá ven sông hình như đang chăm chú nhìn chàng. 

Chiều rơi xuống nhanh, màn đêm gần như đang xóa đi vạn vật. Nhật toát mồ hôi. Một cảm giác ớn lạnh, ghê sợ ùa vào thân thể. Chàng quay phắt lại gọi to mấy người lính đang dừng lại phía sau. Khi mọi người vừa tới Nhật chỉ cho họ về phía ngọn đồi nhưng chẳng ai thấy gì ngoài bóng đêm dày đặc.



(còn tiếp)

Nguyễn Bá Thuận