22 April 2017

TƯ ĐEN - Hồ Đình Nghiêm

Tư là tên gọi ở nhà. Bố mẹ anh chị em luôn miệng Tư ơi Tư à. Bạn bè chẳng mấy đứa kêu vậy bởi tên chính thức ghi trên giấy khai sinh: Nguyễn Văn Bốn. Bảng tên thêu chỉ xanh may trên túi áo không sai trật dấu.

Tư hay Bốn, thoạt nghe ngỡ giống nhau nhưng vẫn có chút khác biệt. Tư xà lỏn áo may dô đầu tắt mặt tối ở nhà trong khi Bốn thì đồng phục chỉnh chu chuyên cần việc học, chưa tính là có năng khiếu đá banh, vua làm bàn trong đội tuyển của trường. Giữ vai tiền đạo nhưng khoác áo số 4, huấn luyện viên bảo: Một công đôi chuyện, em cần làm sáng cái tên em luôn thể. Người luôn đeo cái còi tu huýt tòn teng trước ngực ngầm chứng minh: Tư hay Bốn hay 4 cũng đều một nghĩa như nhau, chớ lôi thôi định phận.
Mặt mày Bốn luôn đăm chiêu, coi bộ già trước tuổi. Đen đúa, rắn chắc và trời sinh hắn có cặp giò dài. Bốn ngồi bàn cuối, xóm nhà lá, được thầy cô giao khoán nhiệm vụ bảo vệ trị an giữ gìn trật tự trong lớp. Dần dà sĩ số 42 trò tinh nghịch ấy thôi còn xẩy ra cảnh lấy thịt đè người ức hiếp bắt nạt nhau. Bốn được đôn lên làm trưởng lớp, rất uy tín. Tiếng thơm toả lan đến tai ban giám hiệu, tuy việc học kém cuối năm Bốn vẫn có phần thưởng bọc giấy kiếng xanh đỏ. Ôm về nhà, mũi phình to, ngực nhô ra, hiu hiu tự đắc.

Bốn có người em gái học ở trường Nữ, đoan trang thuỳ mị trắng da dài tóc yểu điệu thục nữ khuôn trăng đầy đặn vào ra sương khói nghiêng một phố trưa làm đổ gục bao cây si ngấp nghé muốn gọi Bốn bằng anh. Nguyễn Thị Mộng Ngũ rất giỏi việc gia chánh nấu ăn. Giống như nấu cơm ta phải sàng lọc gạo, đãi trấu sạn trước khi đổ nước chụm củi thổi lửa, Mộng Ngũ cũng kén cá chọn canh nên lắm đứa lỡ phải lòng có khi gạt lệ, biết phận mỏng thôi làm vướng chân nàng. Nàng đã chấm được anh sinh viên học Khoa Học năm thứ ba. Anh đến dạy kèm cho hai đứa em, thiên thời địa lợi nhân hoà thảy đều thủ đắc, chỉ là “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Anh gia sư dạy kèm môn Toán ấy lớn hơn Bốn tới sáu bảy tuổi nhưng xem chừng biết phép tắc, lễ độ trước mặt Bốn bởi dầu gì thì Tư cũng anh nàng Ngũ, chứ Lục với Thất hả, giải sai phương trình ta nạt nộ rầy la là chuyện đương nhiên. Ban đầu, tuần chỉ có hai buổi gõ đầu trẻ, tháng này qua tháng nọ ảnh đắm đuối tơ tưởng người chị, lòng những muốn gửi gạo để có ngày được chung mâm.
Rồi Bốn thi hỏng tú tài buộc phải khoác chiến y. Mặt trận phía bắc ngày thêm ác liệt cuốn Trung sĩ Bốn nhập vào cảnh dầu sôi lửa bỏng. Từ chiến trường chẳng kiên cố việc phòng thủ, luôn lâm vào thế bị động buộc phải chống trả, Bốn được tin em vội lấy chồng, Ngũ theo chàng về dinh càng xa vùng địa đầu chút nào hay chút đó. Chàng sinh viên đại học Khoa học thuở nọ nay đã là kỹ sư làm việc lặn lội tận trong Sài Gòn ấm êm hay lục tỉnh an lành. Phương này, Bốn đụng trận lia chia đến ù tai quáng mắt, đầu bù tóc rối để rồi bị lãnh đạn lặt lìa được trực thăng bốc về quân y viện Nguyễn Tri Phương, ruột để ngoài da mà tim gan phèo phổi lạnh tanh chẳng còn ai viếng thăm kề cận, quặn lòng. Tất cả đều đã di tản lạc dấu. Nước mắt người lính trẻ chừng khô cạn. Ngay cả súng là vợ đạn là con cũng hơn một lần phụ rẫy, tay vụng về chỉ còn việc ôm ấp lấy vết cắt đau. Anh dũng bội tinh với chiến thương bội tinh mà ích gì cho buổi ấy. Người ta nương nhờ vào sức mạnh khi muốn cưỡng đoạt và vì vậy người ta không hiểu được điều quan trọng, chỉ cần tình yêu, nó giúp người ta hoàn thành những sứ mạng khó khăn. Bốn không có sức mạnh, Bốn cũng chẳng còn tình yêu và xã hội đang ngàn cân treo sợi tóc kia vừa đón nhận một đứa tật nguyền, ghẻ lạnh.
Tôi gặp Nguyễn Văn Bốn tình cờ trên xứ lạ. Một bài viết gần như tự truyện đăng khiêm tốn trên tờ báo Việt ngữ ở chốn dung thân mới. Chữ viết thật thà cũng đủ hấp lực kéo người ngồi lại. Bốn không biết tôi, kẻ làm thơ vụn vặt dệt vần điệu chừng thương vay khóc mướn. Tờ báo chỉ trả nhuận bút cho truyện ngắn hoặc đoản văn, do vậy khi kéo nhau vào quán cà phê, Bốn nghiêm chỉnh trong lời đùa: Tôi có nhiệm vụ phải là người xuất tiền chi trả hoá đơn. Ở con người Bốn hiển hiện ra thứ gì đó khiến tôi liên tưởng, thoáng nhớ người anh đã khuất. Qua chuyện trò trao đổi, dần dà như vạch lá tìm sâu mới hay ra ngày ấy Bốn luôn gọi anh tôi là ông thầy, để sáng tỏ Bốn nói: Ổng là đại đội trưởng của tôi, đánh đấm rất chì, gạt bỏ khoảng cách cấp bậc kiểu hệ thống quân giai, ổng vẫn đối xử với em út theo tinh thần huynh đệ chi binh, luôn quan ngại cho sinh mệnh đàn con mãi theo ông không rời. Ổng gục xuống ở trận đánh chót ngoài vòng đai thành phố và không ít thằng đệ tử đã mếu máo khóc than khi tẩm liệm ông thầy vào tấm poncho hoen ố bụi đất cùng máu và nước mắt.
Tôi nhớ lại cái quan tài có phủ lá cờ rủ liệt và dáng đứng xiêu đổ của má tôi. Tiểu đoàn thiệt hại nặng, biết bao người mẹ khác đã lạc hồn giống má tôi? Chôn anh không mấy lâu chúng tôi buộc phải chạy theo vết dầu loang, xa dần vùng đất cắm đầy mồ mả ông bà. Và Bốn, duy nhất là người đề cao cái chết của anh, nhân chứng sau cùng kể lại những sự hy sinh vô danh, vô ngôn và vô lý. Tôi trở nên thân với Bốn, lặp lại lời ai đó nói: Điều nguy hiểm nhất khiến trái tim phải nhuốm bệnh là khi bạn có một trí nhớ quá đậm sâu. Bốn cười nửa miệng: Tôi lại nghĩ khác, chúng ta đổ bệnh vì sống với kẻ vong ơn, những đứa muốn trốn chạy bi kịch ngày cũ.
Tờ báo có tổ chức đêm liên hoan trong một nhà hàng chuyên đăng quảng cáo, một trong các ân nhân nuôi sống để cái “món ăn tinh thần” nọ được cầm cự chớ tắt thở. Bốn uống rượu rất cừ. Giải thích, đời lính tráng quen nằm gai nếm mật buộc phải vậy. Khi có chất men đổ vào người, Bốn ngâm thơ xuất thần, chất ngất tâm sự. Vả chăng chút khinh mạn, chút hào sảng nằm trong thơ Tô Thuỳ Yên vô tình đã ăn với chất giọng ấy, kể lể với một tâm thế xót đau trong lạc lõng.

“ở chốn mệnh danh là chốn cũ
dân gian thay mới những truyền kỳ
đất trời ủ lứa chiêm bao khác
dâu biển làm mưa nắng lạ đi
bụi rác mỗi thời một dạng loại
chồng sâu thêm những địa tầng quên
người về không biết có đúng chỗ
lịch sử qua đường đã cải trang


bạn lứa ta nhiều người đã chết
bó mang đi phần mộng góp chung
chuyện thuở nào vừa tai người thuở ấy
mỗi sự tình một tuổi đời riêng
độc giả về già chỉ đọc lại
đôi khi ta lười biếng chuyện trò
đôi khi ta lẩm bẩm mình ta
nhà ta xưa nghe nói chẳng còn
di chỉ đời ta xưa mất theo…


thương quá chiều nay gió váng vất
xác diều vật vã ngọn tre cao
với bản thân ít nhiều ta có lỗi
lỗi chẳng ân cần cầm cộng những ngày vui”.

Bàn tiệc câm lặng như thể bị ngộ độc thực phẩm, như bị một sức nặng không dưng phủ chụp trong sát na. Sát na sau là hàng loạt tiếng vỗ tay tán thưởng, tỉnh thức sau cơn mê thiếp bởi nỗi buồn ùa tới, bởi cái đẹp va vấp vào. Hiện diện vây quanh bàn mười ghế đa phần là bạn của Bốn, những kẻ bỏ nhà đi phiêu bạt. Có người từng ngồi tù rừng sâu trong bốn năm, người ba năm người sáu tháng… Tựu trung nhân thân đều xấu mà muốn sống còn anh chỉ có duy con đường bỏ nước mà đi. Có người hỏi Bốn: Bề dày một cuốn lịch của dân Việt, ngày nào khiến người ta muốn xé bỏ nhất. Xé khác bóc. Chữ bóc lịch thường áp đặt vào thân phận một thằng tù. Bóc hai ba niên thì nhằm nhò gì, chưa đủ mòn tay. Chỉ có thành phần thiên thu tại ngoại mới dùng chữ xé, xé bỏ từng ngày vô vị, chẳng tiếc thương. Bốn nói: Thì tờ lịch 30 tháng 4 chứ còn tờ nào khác? Mày tên Tư, cúng cơm là Bốn, không ấy bọn này bầu mày làm chủ xị bữa đó. Hằng năm cứ vào cuối tháng Tư lá ngoài đường rụng nhiều và trên bàn chai lọ bàng bạc đổ vào mồm uống cho trôi cơn hạn.
Chuyện nhỏ! Bốn nói. Các vị nên lắng lòng mà cám ơn đất nước này, ngoài lòng hảo tâm việc cưu mang họ còn tôn trọng chúng ta, xem Ba mươi tháng Tư là nỗi đau của người Canadian gốc Việt. Tôi thực sự xúc động khi nhìn thấy phiên họp quốc hội với đông đảo dân biểu dùng lá cờ vàng ba sọc đỏ may thành khăn quàng cổ và ông thủ tướng Justin Trudeau phát âm chuẩn mực bốn chữ Chúc Mừng Năm Mới. Những ly rượu nâng lên: Oh Canada! Họ hát không vẹn toàn bản quốc ca, tiếng Anh tiếng Pháp lộm cộm hai phiên bản.
Bốn nói với tôi: Giấy tờ bảo lãnh có mòi thuận lợi, nếu trời thương hai tháng nữa con em Mộng Ngũ sẽ sang tới đoàn tụ cùng thằng Bốn tứ cố vô thân này. Chồng nó bị xe đụng, chết mất đất. Nó vẫn ở vậy, ra đi mình ên chắc không có gì trở ngại. Tôi hỏi: Vậy đã có chiến hữu nào rắp tâm chờ chực sửa giọng gọi Bốn bằng anh chưa? Bốn không trả lời. Vịn mặt bàn đứng dậy, đen đúa, yếu đuối: Đã khuya, tôi đọc bài thơ của Bùi Giáng rồi chúng ta chia tay:

“ta đứng lại bên này chờ đợi
ồ phải không? em đó phải không?
ta đếm lại từng ngón tay lẩy bẩy
đời chúng ta là mấy trăm tròn


ngày vui ngắn? lòng đã vơi mấy bận
ngày vui đi? mấy bận giữa lòng ta
đổ lây lất mưa về xuân lấm tấm
ô thiều quang tan biến vội sao mà


em có khóc? ta xin em đừng khóc
em nhìn ta? lệ chảy có vui gì
trang phượng mở giữa nguồn em hãy đọc
nước xuôi dòng ngàn thu hận tan đi”.

Cả bọn ngồi không cục cựa. Gió tháng Tư chạy luông tuồng ngoài cửa quán vừa lật lại tấm bảng open. Đèn đường vàng vọt, câm nín. Những dáng xiêu lạc rồi sẽ bị nó bẻ gập hình hài, cán mỏng xuống mặt lộ tối đen. Đèn đường chốn đó đã mọc được đôi chân khi vỉa hè bị dọn sạch? Mộng Ngũ bao giờ tới bến bờ Mộng lệ an?
Lần đầu, có lẽ vậy, Bốn say. Tôi ôm thân Bốn, quàng tay qua vai dìu đỡ người gọi tôi là “em ông thầy”. Tôi tự hỏi những bài thơ tôi viết, biết đến bao giờ được lọt vào mắt Bốn, thẩm thấu lòng Bốn để đệ tử của anh tôi cất giọng đọc, ngâm lên với tất cả những hoài niệm đớn đau về vết thương chẳng thể thành sẹo.

Hồ Đình Nghiêm