25 May 2017

BÌNH ĐỊNH, DẤU ẤN LỊCH SỬ BUỒN - Đoàn Văn Khanh

Thông thường, ít ai thắc mắc về ý nghĩa của những cái tên được dùng làm địa danh cho từng địa phương. Do đó mà có lẽ đối với nhiều người, hai tiếng Bình Ðịnh cũng chỉ là một danh từ thông thường được dùng làm địa danh để gọi một vùng như bao nhiêu từ địa danh khác trên mảnh đất Việt nam. Thế nhưng, đối với tôi, hai tiếng “Bình Ðịnh” không những chỉ đơn thuần là một địa danh mà Bình Ðịnh còn gợi lên cho tôi một ý nghĩa lịch sử.

Thật ra Bình Ðịnh không phải là quê hương tôi, nhưng Bình định lại là nơi tôi đã sống suốt thời kỳ thơ ấu và niên thiếu với không biết bao kỷ niệm vui buồn in hằn lên tâm khảm tôi không bao giờ quên được. Do đó những gì là Bình Ðịnh hình như cũng có chút liên quan với tôi cũng như tôi hay nghĩ về xứ sở và con người Bình Ðịnh. Tuy nhiên, không phải đợi đến khi lớn lên, học lịch sử, biết suy nghĩ, tôi mới lẩn thẩn nghĩ quanh về hai tiếng “Bình Ðịnh” mà ngay từ thủa mới theo cha mẹ đặt chân vào vùng đất này, mỗi khi nghe hai tiếng “Bình Ðịnh”, mặc dù chưa hiểu được ý nghĩa của hai tiếng này, tôi cũng đã thấy có một ấn tượng không vui và hình như hai tiếng này lúc nào cũng gợi lên cho tôi những suy nghĩ vẩn vơ.
Cái hình ảnh đầu tiên của tôi về Bình định là hình ảnh một vùng đất có những ngôi tháp Chàm hoang phế với những câu chuyện về ma Hời đã ám ảnh tâm hồn thơ ấu của tôi với một nỗi buồn mông lung. Và cũng chính tại vùng đất này tôi đã sống và lớn lên trong cái nhiễu nhương ly loạn và đảo điên của một giai đoạn lịch sử đầy đau thương của dân tộc, đồng thời cũng đã đánh mất đi rất nhiều ước mơ trong sáng của mình.
Tuổi cắp sách đến trường, phải tụng những bài học lịch sử được người ta cố tình bóp méo để giảng dạy cho học sinh theo quan điểm chính trị mâu thuẫn nhau của từng giai đoạn, từng chế độ mà tôi phải sống trong đó, tôi đã nghiệm được bài học không phải lịch sử mà là cái ý nghĩa đằng sau bài học lịch sử. Và chính vì thế mà tôi cảm nhận ra một điều: “Bình Ðịnh” đây cũng là một điểm tiêu biểu cho những cái nghịch lý của con người và lịch sử dân tộc.
Khi mỗi địa phương được đặt cho một cái tên để gọi, người ta vẫn muốn cái tên ấy nói lên được một cái ý nghĩa nào đó, hoặc là để diễn tả một đặc trưng, đánh dấu một sự kiện, ghi nhớ một biến cố của địa phương đó, hoặc có khi nhằm biểu tượng cho một hoài vọng. Mà quả thế! Trước khi vùng Bình định được gọi là “Bình Ðịnh”, nó mang nhiều cái tên khác có một ý nghĩa nói lên cái ước vọng cao đẹp của con người. Cái tên “Bình Ðịnh” chỉ mới có từ sau khi nhà Nguyễn khôi phục lại cơ nghiệp đã bị mất về tay nhà Tây Sơn, và “Bình Ðịnh” chính là một dấu ấn chính trị của một triều đại đã in lên vùng đất này trong giòng lịch sử dân tộc mà người dân vùng này phải lãnh nhận đã từ hai thế kỷ nay.
Có thể nói lịch sử Việt Nam là một lịch sử của những nghịch lý. Một dân tộc có ý chí quật cường chống ngoại xâm, dù có trải qua một ngàn năm nô lệ vẫn không bị diệt vong mà còn giành lại được độc lập, lại còn tiêu diệt cả Chiêm Thành và xâm lấn luôn cả Chân Lạp. Nhưng lịch sử Việt nam cũng là lịch sử của không biết bao nhiêu cuộc nội chiến triền miên và thời cận đại là một giai đoạn điển hình cho tính chất mâu thuẫn và nghịch lý nhất của dân tộc Việt nam. Những cuộc phân tranh, những lần chạy chọt đi cầu viện nước ngoài để diệt kẻ thù là người trong cùng một nước, những sự giết hại nhau chỉ vì tự cho mình là chính nghĩa hoặc phò chính nghĩa, rốt cuộc chỉ toàn là cảnh “nồi da xáo thịt” và “gà nhà bôi mặt đá nhau”. Hoàn cảnh chinh chiến, phải giết chóc kẻ khác để mong mình được sống, khiến con người càng dễ bộc lộ cái bản chất của mình. Bên cạnh những sự hy sinh hỷ xả, gương dũng cảm, đức thương người thì cũng không thiếu gì những hình ảnh dã man độc ác của những hành động phát sinh từ cái thú tính còn sót lại và cái lòng thù hằn, nhỏ nhen, ích kỷ của con người chỉ vì ham quyền bính, mưu ích lợi riêng tư hay cho gia đình, bè phái.
Trở lại với Bình Ðịnh, trước thế kỷ 15, vùng đất này còn mang tên Ðồ Bàn và hãy còn là lãnh thổ của vương quốc Chàm, với một nền văn minh rực rỡ mà ngày nay vẫn còn lưu lại nhiều dấu tích. Kinh đô Ðồ Bàn đã từng có một thời lừng lẫy, và lịch sử dân Chiêm cũng đã có những thời kỳ huy hoàng với những chiến công oanh liệt: người Chiêm đã từng đánh phá kinh thành Thăng Long của nước Việt, đã từng đẩy lui mười vạn hùng binh của nhà Nguyên do Toa Ðô thống lĩnh từ Trung quốc theo đường thủy kéo sang xâm lăng, đã phá tan quân Việt và giết được cả vua nhà Trần định vào chiếm cứ.
Nhưng sự suy thoái của vua quan Chiêm Thành trong những thế kỷ sau đó dần dần đã làm cho vương quốc Chiêm suy yếu, do đó mà đến đời vua Lê Thánh Tôn, quân Việt đã chiếm được kinh đô Ðồ Bàn. Vua Lê Thánh Tôn cho sát nhập phần đất Ðồ Bàn này vào lãnh thổ Việt và đặt tên là Phủ Hoài nhơn, phủ lỵ đóng tại thành Ðồ Bàn cũ.
Một thế kỷ trôi qua trên vùng đất này với dân tộc Chiêm cứ suy vong lần còn người dân Việt thì hình như vẫn còn thích bám víu với quê hương cũ. Trong khi đó nhà Lê sau đời vua Lê Thánh tôn thì cũng không còn một ông vua anh minh nào kế vị lãnh đạo đất nước cho nên Mạc Ðăng Dung mới tiếm quyền và nhà Mạc có cơ hội dựng nghiệp. Nhờ công Nguyễn Kim và rể là Trịnh Kiểm cho nên nhà Lê lại trung hưng nhưng vua Lê bây giờ chỉ còn là cái bình phong để cho hai họ Trịnh Nguyễn xâu xé nhau.
Cảnh Nam Bắc Triều giữa Lê và Mạc chưa dứt thì đã xảy ra cái nạn Nam Bắc phân tranh. Sau khi Nguyễn Kim chết, con rể là Trịnh Kiểm vì muốn tranh quyền nên đã giết hại em vợ là Nguyễn Uông. Nguyễn Hoàng vì muốn tránh bị anh rể mưu hại, đã nghe theo lời dạy của Trạng Trình “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” mà xin vào trấn thủ vùng Thuận Hoá để tìm sự sống. Vì muốn thuận với chút chính nghĩa theo đạo lý Nho gia mà cả Trịnh lẫn Nguyễn chỉ xưng chúa nhưng lại cứ mượn danh nghĩa phò Lê để tiêu diệt nhau ngõ hầu tóm thâu quyền hành, do đó mà tạo nên cuộc Nam Bắc phân tranh trong hai thế kỷ.
Nguyễn Hoàng kể từ khi được vào trấn thủ đất Thuận Hoá đã cho mở mang các vùng phía Nam để củng cố tiềm năng cho mình. Ðất Ðồ Bàn kể từ ngày trở thành lãnh thổ Việt nam đến nay nhờ chúa Nguyễn Hoàng mà bắt đầu thay đổi bộ mặt. Thời gian này, những người Việt nam từ các tỉnh phía Bắc bị bắt, bị đày hay theo chân chúa Nguyễn đã lần lần vào đây lập nghiệp và biến đổi vùng đất này thành quê hương của mình. Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt đã xua đuổi người Chiêm Thành ra khỏi giang sơn của họ. Dân tộc Chiêm suy vong để cho dân tộc Việt hưng thịnh. Cái tên phủ Hoài Nhơn nay được Nguyễn Hoàng đổi ra Qui nhơn.
Qua hai trăm năm đổ mồ hôi, máu và nước mắt xây dựng vùng đất mới này, những người di dân Việt đã đối xử với người Chiêm Thành như thế nào sử ta không chép, còn người Chiêm thì cứ bị tiêu diệt dần và cũng không còn nước để ghi lại những trang sử oán hờn của mình.
Những cái tên Hoài Nhơn hay Qui Nhơn theo chữ Hán đều có vẻ biểu lộ một ý nghĩa nhân bản. Nhưng những người dân Việt đến định cư trên vùng đất mới này đã hành xử như thế nào? Nếu họ đã thành công trong việc làm cho mảnh đất này thành quê hương vĩnh viễn của chính mình thì trái lại hình như họ chưa bao giờ thành công trong việc tạo dựng nó thành một miền đất hoà bình và thịnh vượng cho con cháu.
Những con người lãnh đạo vùng đất mới này cũng vẫn quen cái nề nếp cũ: chúa thì dần dần suy nhược và triều thần thì sanh ra bè phái tranh giành quyền lợi, do đó mà tới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, gian thần Trương Phúc Loan mới chuyên quyền và lộng hành, Khi Phúc Khoát chết, Loan lại tự thay đổi di chiếu, lập Nguyễn Phúc Thuần mới 12 tuổi lên nối ngôi, thanh trừng nội bộ nhà Nguyễn, quan lại thì thối nát, xứ sở lại mất mùa sinh ra loạn lạc, nhân dân đồ thán.
Thấy cảnh bất công cùng cực, con cháu của những người di dân xưa đã nổi lên đi làm lịch sử. Ba anh em Tây Sơn dùng chiêu bài “diệt quyền thần Trương Phúc Loan”, và “phò hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương”, dấy nghĩa binh đánh Nguyễn, nhân dân nức lòng hưởng ứng, khí thế bùng lên khiến quan quân chúa Nguyễn không chống nổi, bỏ thành mà chạy. Nguyễn Nhạc lấy Qui nhơn làm căn cứ, rồi từ đó đánh vào Nam, đánh ra Bắc.
Trong lúc Tây Sơn nổi dậy ở Qui Nhơn thì Chúa Trịnh cũng muốn nhân lúc Ðàng Trong gặp rối ren để tiêu diệt chúa Nguyễn bèn sai Hoàng Ngũ Phúc đem quân vào chiếm Phú Xuân. Chúa Nguyễn phải chạy vào Quảng nam. Nguyễn Nhạc cũng thừa cơ hội vừa chiếm được Quảng Ngãi bèn tiến đánh luôn Quảng Nam. Chúa Nguyễn phải bỏ chạy vào Gia Ðịnh. Nguyễn Nhạc bắt được Hoàng tôn Dương đem về Qui Nhơn và gả con gái cho, nhưng Hoàng tôn Dương sau đó đã trốn vào Nam theo chúa Nguyễn.
Vì Tây Sơn chiếm được Quảng nam cho nên bây giờ Trịnh và Tây Sơn bắt đầu giáp mặt nhau. Nguyễn Nhạc thấy lực lượng của Tây Sơn chưa đủ để chống Trịnh bèn lập kế hoà hoãn, xin làm tiên phong đánh Nguyễn. Chúa Trịnh phong cho Nguyễn Nhạc trấn thủ Quảng Nam, lại sai Nguyễn Hữu Chỉnh đem ấn kiếm vào ban cho anh em Tây Sơn.
Hoà hoãn được với Trịnh ở mặt Bắc rồi, Nguyễn Nhạc liền sai Nguyễn Huệ đánh lấy Phú Yên, sau đó lại sai Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ vào Nam đánh chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn và hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương đều tử trận. Dòng họ chúa Nguyễn bị tiêu diệt chỉ còn sót lại Nguyễn Ánh nuôi chí phục thù. Diệt được chúa Nguyễn, Nguyễn Nhạc liền xưng vương, lấy hiệu là Thái Ðức, sửa sang thành Qui Nhơn làm kinh đô, phong cho Nguyễn Lữ là Ðông Ðịnh vương đóng giữ Gia Ðịnh và phong cho Nguyễn Huệ làm Phụ chính,
Vốn có biệt tài về quân sự nên Nguyễn Huệ xuất quân lần nào cũng thắng trận. Mỗi lần Nguyễn Huệ kéo quân vào Nam là Nguyễn Ánh thua chạy. Sau mấy phen phải trốn ra đảo Phú Quốc, Nguyễn Ánh bèn sang Xiêm cầu viện. Hai chục ngàn quân và ba trăm chiến thuyền cứu viện của quân Xiêm sang cứu viện cho chúa Nguyễn, bị Nguyễn Huệ dùng kế phục binh đánh cho một trận tan tành tại Soài Mút thuộc địa phận Mỹ Tho, chỉ còn vài ngàn tàn binh trốn chạy về nước. Tuy nhiên, vì không bắt được Nguyễn Ánh và quân Tây Sơn chỉ vào đánh rồi lại rút về nên Nguyễn Ánh vẫn tiếp tục chiêu binh chờ cơ phục hận.
Trong khi quân Tây Sơn dẹp Nguyễn ở trong Nam thì ngoài Bắc cũng rối ren với nạn Kiêu binh. Nguyễn Hữu Chỉnh là thuộc tướng của Hoàng Ðình Bảo. Vì muốn tôn Trịnh Cán lên ngôi chúa nên Hoàng Ðình Bảo bị quân Tam Phủ thuộc phe ủng hộ Trịnh Khải giết. Nguyễn Hữu Chỉnh vốn trước đã từng mang ấn kiếm của chúa Trịnh vào ban cho anh em Tây Sơn nên nay gặp lúc Kiêu binh làm loạn ở Kinh thành, Chỉnh sợ liên lụy bèn bỏ trốn vào Qui Nhơn thần phục Tây Sơn. Nguyễn Hữu Chỉnh đem tình hình Bắc Hà trình báo cho Tây Sơn và bày mưu cho Tây Sơn đánh Trịnh. Theo lời bàn của Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Huệ thống lĩnh đại binh và phong cho Chỉnh làm Hữu quân đem hai đạo thủy bộ đánh chiếm thành Phú Xuân. Thừa thắng Nguyễn Huệ cho quân đánh ra Quảng Bình, rồi vẫn theo kế hoạch của Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Huệ không đợi hỏi ý Nguyễn Nhạc mà tự mình cầm quân kéo thẳng ra Bắc với danh nghĩa phò Lê diệt Trịnh.
Quân Tây Sơn qua Nghệ An, Thanh Hoá không gặp sự kháng cự đáng kể nào. Sau đó, thắng thủy binh của Ðinh Tích Nhưỡng ở Lỗ giang, đánh tan đại binh của Trịnh Tự Quyền đóng giữ tại Kim Ðộng rồi chiếm luôn Sơn Nam, Nguyễn Huệ tiến thẳng ra Bắc, đánh úp được thủy binh Trịnh dưới quyền Quận Thạc tại cửa sông Thúy Ái, thắng Trịnh Khải ở Tây Luông. Trịnh Khải chạy trốn bị dân bắt đem nộp Tây Sơn bèn tự đâm cổ chết. Thế là quân Tây Sơn tiến thẳng vào Thăng Long.
Ðể tỏ ý phò Lê, Nguyễn Huệ dẫn đám tùy tướng vào làm lễ triều yết và đệ trình lên vua Lê Hiển Tông sổ quân dân của Tây Sơn. Vua Lê phong cho Nguyễn Huệ làm Ðại Nguyên Súy Phù Chính Dực Vận Uy Quốc Công. Sau đó cũng do sự mai mối của Nguyễn Hữu Chỉnh mà vua Lê đã đem con gái là Ngọc Hân Công chúa gả cho Nguyễn Huệ.
Thấy Nguyễn Huệ tự ý kéo quân ra Bắc và tạo được thanh thế cho riêng mình nên Nguyễn Nhạc sinh nghi bèn kéo quân ra Bắc để kiềm chế Huệ. Nguyễn Huệ dù có mộng lớn nhưng thấy đất Bắc hà vẫn nặng lòng với nhà Lê và tỏ vẻ coi Tây Sơn chỉ như là đám thổ hào, do đó mà sau khi vua Hiển Tông mất, Lê Chiêu Thống lên nối ngôi rồi thì Nguyễn Huệ cũng theo Nguyễn Nhạc rút quân về Nam. Nguyễn Nhạc phong cho Huệ là Bắc Bình Vương, cai quản các vùng từ Quảng nam ra đến Nghệ an và đóng đô ở Thuận hoá.
Sau khi Tây Sơn rút khỏi Bắc Hà rồi thì tình hình đất Bắc lại trở nên rối loạn như rắn không đầu. Lê Chiêu Thống lên ngôi nhưng nhà Lê với một đám văn quan quen ngồi chơi xơi nước đã bao đời nay, mọi việc do phủ chúa quyết định, nay Trịnh không còn mà Tây Sơn cũng bỏ đi nên không biết làm sao điều khiển được triều chính. Các võ tướng thì lại đua nhau đi tìm Trịnh để phò. Trịnh Lệ và Trịnh Bồng lại nhảy ra tranh giành nhau cái phủ chúa, ức hiếp vua Lê như cũ. Trịnh Bồng đuổi được Trịnh Lệ bèn tái lập ngôi chúa.
Khi Nguyễn Hữu Chỉnh thấy Tây Sơn âm thầm rút quân bỏ mình ở lại giữa chốn Bắc hà với một đám quần thần đang thù ghét Chỉnh thì sợ quá, vội chạy theo đến Nghệ An cho nên được Nguyễn Huệ thương tình cho ở lại trấn đất Nghệ An. Thấy mình ở vào cái thế Tây Sơn không tin mà Bắc hà không phục, Nguyễn Hữu Chỉnh nhân dịp được trấn thủ Nghệ An bèn giả danh phò Lê để chiêu binh mãi mã lập kế phòng thân. Còn Lê Chiêu Thống khi bị Trịnh Bồng ức hiếp mà nhìn quanh thấy không còn ai có thể giúp mình bèn mật chiếu nhờ Nguyễn Hữu Chỉnh ra giúp. Quân Nghệ An rầm rộ tiến ra. Trịnh Bồng chạy trốn và họ Trịnh cũng chấm dứt từ đó. Vua Chiêu Thống sai đốt tan phủ Chúa để xóa tan dấu vết của một uy quyền đã áp chế dòng họ mình trên hai thế kỷ.
Nguyễn Hữu Chỉnh nhờ phá tan quân Trịnh Bồng mà uy thanh nổi dậy. Sẵn cờ đến tay liền phất nên Nguyễn Hữu Chỉnh bèn lo củng cố thế lực cho mình và muốn nối ngôi chúa Trịnh. Chính sách hà khắc của Chỉnh làm cho dân chúng ta thán. Hay tin Nguyễn Hữu Chỉnh chuyên quyền ngoài Bắc, Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm ra trấn Nghệ an và cử binh ra Bắc hỏi tội Chỉnh. Nhậm góp nhặt ở Bố chính, Thanh Nghệ được hơn 30.000 quân, bắt đầu tiến ra Bắc đánh tan được các tướng của Chỉnh sai đi trấn giữ. Nguyễn Hữu Chỉnh phải tự cầm quân nhưng cũng không đương cự nổi bèn lẻn về kinh thành khóc với Chiêu Thống rồi cùng vua Lê đang đêm vượt sông trốn sang Kinh Bắc. Vũ Văn Nhậm vào thành Thăng Long cho quân đuổi theo bắt được Chỉnh đem về xử tử bêu đầu cho công chúng xem.
Trong khi Nhậm đang ở Thăng Long thì tại Qui Nhơn Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ lại xảy ra chuyện bất hoà. Vì nghi Nguyễn Huệ tranh phần với mình nên Nguyễn Nhạc giữ vợ con của Nguyễn Huệ ở Qui Nhơn không cho về Thuận Hoá. Nguyễn Huệ kéo quân vây thành Qui Nhơn. Nguyễn Nhạc phải leo lên mặt thành khóc rồi trả vợ con cho Nguyễn Huệ để giảng hoà. Vũ Văn Nhậm vốn là rể của Nguyễn Nhạc, thấy nội bộ nhà Tây Sơn lục đục nên sau khi giết được Chỉnh không chịu tuân theo lệnh của Nguyễn Huệ gọi về Phú xuân mà chỉ lo củng cố thế lực riêng cho mình. Sẵn cớ vua Chiêu Thống bỏ chạy khỏi kinh thành nên Nhậm nghe lời một Lê thần, đặt Sùng nhượng công Lê Duy Cẩn lên làm Giám quốc. Ngô Văn Sở vốn được Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ sai kềm cặp dò xét Nhậm, thấy Nhậm muốn noi gương Nguyễn Hữu Chỉnh nên mật báo về Phú Xuân.
Ðược tin này, Nguyễn Huệ bèn tức tốc kéo quân ra Bắc. Ðại binh Bắc Bình Vương có cả Ngọc Hân Công chúa cùng hộ giá tiến vào Thăng Long đầy uy thế khiến Vũ Văn Nhậm không dám chống cự. Nguyễn Huệ đến thẳng dinh của Nhậm tuyên đọc bản án rồi sai võ sĩ bắt Nhậm, sau đó Nhậm bị trói phơi nắng ngoài pháp trường một ngày cho công chúng xem rồi mới bị xử trảm. Sau khi xử xong Vũ Văn Nhậm, Nguyễn Huệ thấy lòng người Bắc Hà vẫn còn hướng về nhà Lê nên giao việc trấn giữ các trấn cho các tướng Tây Sơn còn về hành chánh thì giao cho Ngô Văn Sở và một số cựu thần nhà Lê ra quy phục trông coi rồi lại lui về Phú Xuân.
Về phần Lê Chiêu Thống sau khi bỏ trốn khỏi Thăng Long, lên nương náu tại đất Lạng Giang liền cử người sang cầu cứu nhà Thanh. Vua Càn Long lâu nay thấy tình hình nước Việt rối ren đã dòm ngó sẵn nay sẵn cớ vua Lê cầu viện bèn sai Tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị đem 200.000 quân thuộc bốn tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây, Qúy Châu và Vân Nam từ ba mặt Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn tràn xuống Thăng Long. Ngô Văn Sở và các tướng Tây Sơn thấy giặc đang mạnh, liệu thế chống không nổi nên đã theo lời bàn của Ngô Thì Nhậm lui về giữ Tam Ðiệp để bảo toàn lực lượng rồi cấp báo về Phú Xuân. Một lần nữa Nguyễn Huệ lại đem quân ra Bắc dẹp giặc.
Nếu Nguyễn Huệ lâu nay còn do dự chưa dám trực tiếp nắm lấy đất Bắc là vì thấy đám Nho thần ở Bắc Hà vẫn mang nặng lòng với nhà Lê, nhưng nay vua Lê lại đi rước quân Thanh sang, rồi lại chỉ lo trả thù những kẻ theo Tây Sơn và chầu chực qụy lụy trước trướng giặc, bất lực trước cảnh dân chúng bị giặc ức hiếp, nên Nguyễn Huệ đã có được chính nghĩa: cứu dân giành lại giang sơn. Do đó mà để chính danh, Nguyễn Huệ bèn làm lễ tế cáo Trời Ðất rồi lên ngôi Hoàng Ðế, đặt hiệu là Quang Trung, thống lĩnh thủy bộ đại binh Bắc phạt.
Ra đến Tam Ðiệp, vua Quang Trung trấn an Ngô Văn sở và Ngô thì Nhiệm, phủ dụ các tướng tá rồi cho quân ăn Tết trước và hẹn sẽ ăn Tết Khai hạ ở Thăng Long. Ngày 30 tháng Chạp, Vua Quang Trung kiểm điểm binh mã gồm một trăm ngàn quân và 300 thớt voi, phân binh thành năm đạo: giao cho Ngô Văn Sở chỉ huy Tiền quân, Hô hổ hầu lãnh Hậu quân, Ðô đốc Lộc và Ðô đốc Tuyết chỉ huy Hữu quân và thủy quân, Ðô đốc Bảo và Ðô đốc Mưu chỉ huy tả quân và tượng quân, còn tự mình điều khiển Trung quân trực chỉ Thăng Long.
Ðêm Mùng Ba Tết Kỷ Dậu vua Quang Trung dùng kế hư binh, không đánh mà hạ được đồn Hà Hồi. Sáng Mùng Năm Tết, quân Tây Sơn đánh chiếm đồn Ngọc Hồi. Ðề đốc Hứa Thế Hanh của nhà Thanh tử trận. Cùng lúc đó tại Khương Thượng, quân Tây sơn đồng loạt tấn công. Tướng Thanh là Sầm Nghi Ðống phải thắt cổ tự tử tại gò Ðống Ða. Ðại quân Tây Sơn tiến vào Thăng Long. Tôn Sĩ Nghị hoảng sợ chạy về mạn Bắc, đến địa phận huyện Phượng Nhãn phải vứt bỏ ấn tín để thoát lấy thân. Quan quân nhà Thanh tranh nhau qua cầu phao. Cầu sập, chết hại vô số.Vua Lê Chiêu Thống cũng theo gót Tôn Sĩ Nghị chạy sang Tàu. Chỉ trong vòng 5 ngày, vua Quang Trung đã tiêu diệt và quét sạch quân xâm lược nhà Thanh ra khỏi bờ cõi. Thật là một chiến công vĩ đại nhất, hiển hách nhất trong lịch sử của dân tộc. Ngày mùng Bảy Tết, đúng như lời đã hứa, vua Quang Trung truyền mở đại tiệc khao quân ăn Tết Khai hạ ở Thăng Long.
Sau khi đuổi quân Thanh ra khỏi bờ cõi nước nhà, vua Quang Trung bèn một mặt tỏ vẻ nhún nhường và nhờ tài ngoại giao của Ngô Thời Nhiệm vận động cầu hoà với vua Thanh để nối lại bang giao giữa nước ta và Trung Hoa, mặt khác lo cải tổ nội chính, thu dụng nhân tài và phát triển tiềm năng để mưu đồ việc lớn. Vua Càn Long thấy việc chiến tranh không lợi nên cũng nghe lời tấu của quần thần mà thuận cho hoà và phong cho Nguyễn Huệ làm An Nam Quốc Vương, lại còn thuận cho bãi bỏ lệ triều cống người bằng vàng đã có từ thời nhà Lê.
Khi những con người áo vải đất Tây Sơn vì cái tinh thần hào hiệp nổi lên làm lịch sử lập nên nhà Tây Sơn, tưởng rằng lịch sử sẽ mở ra một vận mệnh mới, nhưng lịch sử vẫn cứ là cái vòng luẩn quẩn. Hai trăm năm phân tranh đã làm cho lòng người dân Việt ly tán và với cái đầu óc sứ quân đã từng có từ thủa nhà Ðinh mới giành lại quyền tự chủ sau thời Bắc thuộc khiến cho cái tinh thần lãnh chúa vẫn ngự trị trong tâm khảm những kẻ muốn làm anh hùng.
Nếu khi mới khởi nghĩa, tinh thần nghĩa hiệp làm nô nức lòng người thì sau khi đuổi Nguyễn và diệt Trịnh, nhà Tây Sơn cũng lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn của quyền bính và quyền lợi. Nguyễn Hữu Chỉnh bỏ Trịnh theo phò nhà Tây Sơn chỉ vì muốn mượn tay nhà Tây Sơn để trả thù cho mình, rồi vì cơ hội lại muốn lên làm lãnh chúa nên bị Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm giết. Vũ Văn Nhậm được trấn thủ Bắc hà cũng manh tâm làm lãnh chúa nên Nguyễn Huệ cũng phải xuống tay. Nguyễn Huệ cũng đã từng đem quân vây thành Qui Nhơn chỉ vì Nguyễn Nhạc muốn kềm chân Huệ khiến cho Nguyễn Nhạc cũng đã phải lên đứng trên thành mà khóc kể tình nghĩa anh em với Nguyễn Huệ để giảng hoà.
Trong ba anh em nhà Tây Sơn thì Nguyễn Lữ có lẽ cũng an phận với phần đất Gia Ðịnh được anh phong cho nhưng lại không đủ tài tạo dựng nó thành một cơ sở vững chắc cho mình nên lại mất về tay Nguyễn Ánh. Một Nguyễn Nhạc chỉ có đầu óc của một lãnh chúa, thỏa mãn với những vật chất thừa hưởng của vua chúa Chiêm thành và những của cải khuân được từ những chuyến ra Bắc hà với danh nghĩa phò Lê diệt Trịnh nên cũng không dám nuôi tham vọng nào hơn là trông cậy vào sự trấn thủ vùng biên cương được giao cho hai em và cầu an với mảnh giang sơn nhỏ bé của mình. Chỉ có Nguyễn Huệ có tài và có mộng lớn nhưng lại ở vào thế kẹt còn vướng ông anh chỉ muốn làm lãnh chúa và lòng người còn rối rắm vì cái lẽ tôn phò chính nghĩa của nền luân lý Nho gia.
Nhà Tây Sơn dù có chấm dứt cuộc Trịnh Nguyễn phân tranh nhưng vì tính chất chia để trị nên vẫn không thực sự thống nhất được tổ quốc. Thêm vào đó mộng lớn chưa thành thì vua Quang Trung lại đột ngột mất sớm. Thái tử Quang Toản lên nối ngôi mới có 12 tuổi, quyền hành bị Thái sư Bùi Khắc Tuyên thao túng khiến cho nội bộ Tây Sơn bị phân hóa chém giết lẫn nhau mà suy yếu đi, do đó mà Nguyễn Ánh mới khôi phục lại được cơ nghiệp của nhà Nguyễn.
Cái đầu óc trung quân và tôn thờ chính thống theo Nho giáo Trung Hoa của đám sĩ phu Việt Nam đã làm cho một anh hùng Nguyễn Huệ dù đánh Nam dẹp Bắc chưa hề một lần thất bại, đã từng đánh tan quân Xiêm và quân Thanh cứu nước nhà khỏi rơi vào ách nô lệ ngoại bang, vẫn không tranh thủ được trọn vẹn nhân tâm. Một vài sĩ phu Bắc hà ra giúp Nguyễn Huệ như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Chú… vẫn không tránh khỏi những dèm pha chỉ trích và khi nhà Tây Sơn đổ thì cũng đành phải vạ lây. Ðiều này không phải chỉ có đối với đám sĩ phu Bắc Hà hay sĩ phu Gia Ðịnh mà ngay tại quê hương của nhà Tây Sơn vẫn có những người không thuần phục vị anh hùng áo vải. Bên cạnh bao nhiêu võ tướng tài danh theo phò nhà Tây sơn thì cũng có những nho sĩ danh tướng vẫn trung thành với chúa Nguyễn như Châu Văn Tiếp, Ngô Tùng Châu, Ðặng Trần Thường v.v… chỉ vì đất Qui Nhơn được coi như là đất của chúa Nguyễn. Chính vì thế mà Nguyễn Ánh vẫn tồn tại.
Sau khi Nguyễn Ánh cầu viện Xiêm không thành bèn xoay ra nhờ sự giúp đỡ của người Pháp nên lấy lại được đất Gia định. Nguyễn Lữ thua chạy rồi chết. Nguyễn Nhạc già nua và vua Quang Trung lại mất sớm, thái tử còn nhỏ không đủ tài nối nghiệp vua cha cho nên Nguyễn Ánh lại sai quân ra đánh Qui Nhơn. Vua Thái Ðức chống không nổi, phải cầu viện quân Phú xuân của vua Cảnh Thịnh giải cứu. Quân Phú Xuân vào thành Qui nhơn, chiếm giữ thành trì và tịch biên tất cả kho tàng. Vua Thái Ðức thấy vậy, tức giận thổ huyết mà thác. Cảnh Thịnh bèn phong cho con vua Thái Ðức là Nguyễn Bảo làm Hiến công, ăn lộc một huyện, gọi là Tiểu Triều và Qui Nhơn cũng không còn là kinh đô nữa.
Vào lúc nhà Tây Sơn có cơ hội để thống nhất giang sơn gom quyền hành về một mối thì vua Quang Trung lại không còn, vua Cảnh Thịnh không đủ tài đức để nối nghiệp vua cha, khí thế nhà Tây Sơn mỗi ngày một tan rã, nhân dân địa phương bị khốn khổ vì giặc giã và nạn tham quan ô lại. Chính vì thế mà chỉ vài năm sau Nguyễn Ánh đã chiếm được thành Qui nhơn. Nguyễn Ánh đem quân vào thành, phủ dụ dân chúng rồi đổi tên Qui nhơn ra Bình định. Sự đổi tên này hẳn nhiên là mang một ý nghĩa rõ rệt. Trong hơn hai chục năm qua thành này đã bị quân loạn tặc Tây Sơn chiếm cứ và nay chúa Nguyễn đã “bình định” được.
Qua năm sau, vua Cảnh Thịnh sai Trần Quang Diệu và Võ văn Dũng cử đại binh vào đánh Qui Nhơn, khí thế rất mạnh, quân Võ Tánh phải rút vào thành cố thủ. Nguyễn Ánh nghe tin thành Bình Ðịnh bị Tây Sơn vây khốn bèn thống suất đại binh ra cứu viện, nhưng không giải cứu nổi, bèn nghe theo lời Võ Tánh và Ngô Tùng Châu bỏ việc giải vây mà kéo ra đánh lấy Phú xuân. Quân tinh nhuệ của Tây Sơn dồn vào Qui nhơn nên Phú xuân không còn lực lượng chống giữ. Vua Cảnh Thịnh và triều thần phải bỏ chạy ra Bắc.
Trần Quang Diệu và Võ văn Dũng nghe tin Phú xuân thất thủ, liền sai tướng đem quân ra cứu. Quân ra tới Quảng nam thì bị quân nhà Nguyễn chận đường phải trở lui. Trần Quang Diệu nổi giận đốc quân ráo riết đánh thành. Võ Tánh liệu không còn có thể giữ được thành Bình Ðịnh nữa, bèn viết thư sai người đưa ra cho Trần Quang Diệu, yêu cầu đừng giết hại sĩ tốt khi chiếm thành, đoạn sai chất củi khô, đổ thuốc súng vào, tự đốt mà chết. Ngô Tùng Châu uống thuốc độc chết theo. Trần Quang Diệu vào thành, tha cho toàn thể tướng sĩ nhà Nguyễn và cho mai táng họ Võ, họ Ngô theo lễ. Nhưng nhà Tây Sơn kể từ khi vua Quang Trung mất thì cái hùng khí không còn cho nên đã mất Phú Xuân rồi thì cũng chẳng mấy chốc mất luôn tất cả.
Sự thống nhất giang sơn của Nguyễn Ánh không hẳn là do tài năng của Nguyễn Ánh hay lòng người dân Việt đều quy về với họ Nguyễn mà phần lớn là do cái thế của lịch sử và sự thừa hưởng công lao của nhà Tây Sơn. Nếu không có Tây Sơn dứt Trịnh, Nguyễn Huệ đánh tan quân Xiêm, đuổi sạch quân Thanh và vua Lê phải bỏ chạy sang Tàu thì Nguyễn Ánh cũng khó gom được trọn giang sơn về tay mình.
Nhà Tây sơn là một Triều đại thật ngắn ngủi tuy nhiên cũng là một triều đại có nhiều nghịch lý nhất trong một quốc gia vốn đầy nghịch lý. Có thể nói triều đại Tây Sơn là một triều đại của chinh chiến. Suốt hai mươi lăm năm lúc nào cũng phải chiến đấu với kẻ thù và máu người dân lành phải đổ để giữ nước hay tạo ra chiến công không phải là ít. Khi chúng ta đọc sử chúng ta chỉ nghe nói quân ta tiêu diệt mấy vạn quân Xiêm hay mấy chục vạn quân Thanh nên chúng ta chỉ nghĩ đến cái hào quang của chiến thắng mà quên đi bao nhiêu tử sĩ đã nằm xuống trong âm thầm để làm nên trang sử vẻ vang này. Và trong cái cảnh nhiễu nhương tranh chấp giữa phe này phe kia đã có bao nhiêu sinh mạng phải hy sinh một cách phi lý chỉ vì chút quyền lợi riêng tư của vài kẻ tranh quyền thống trị. Ngoài ra còn biết bao hy sinh đau khổ và thương vong trong dân chúng, bao nhiêu là tài nguyên và công trình mà con người đổ mồ hôi nước mắt để xây dựng bị hủy hoại.
Triều đại Tây Sơn đã làm vẻ vang dân Việt nhưng quân tướng nhà Tây Sơn qua hai mươi lăm năm chiến đấu tàn sát sinh linh hẳn là không ít. Tuy nhiên nếu nhìn lại đôi khi những người từng bị coi là thảo khấu thổ hào đôi khi vẫn tỏ ra có một chút nhân. Một Trần Quang Diệu tha cho quan quân nhà Nguyễn và tống táng theo lễ Võ Tánh và Ngô Tùng Châu đã nói lên được cái đức nhân trong khi Nguyễn Ánh nhân danh chính nghĩa và đạo lý thì lại đã tỏ ra có những hành động vô cùng dã man tàn ác không những khi xử tội vua tôi nhà Tây Sơn mà ngay cả với những kẻ đã có công phò tá mình.
Có thể nói cái bản chất thù hận của con người Việt nam được thể hiện rõ nét nhất giữa triều đại Tây Sơn với triều Nguyễn gia miêu. Chính vì tư thù mà quên đi nghĩa cả nên vua Quang Trung vốn là một vị vua đã từng làm khiếp đảm quân Xiêm và quân Thanh, từng là phò mã nhà Lê, từng được vua nhà Thanh trọng nể cũng như từng có mộng lấy công chúa Trung hoa và mở mang bờ cõi ngược lên phương Bắc đòi lại đất bên Tàu thì cũng là một vị vua nằm xuống vẫn không yên và theo truyền thuyết thì hài cốt còn bị khai quật, đầu lâu bị xích xiềng giam vào ngục tối, chỉ vì do cái lòng thù hận của Nguyễn Ánh.
Sau khi thống nhất lãnh thổ, Nguyễn Ánh lên ngôi cửu ngũ, lấy niên hiệu là Gia Long, chỉnh đốn mọi việc trong nước. Với cái niềm tin tự cho mình là chính nghĩa thì khi nắm được quyền hành trong tay việc trước tiên là muốn phá bỏ và xoá sạch những gì được coi là của kẻ nghịch tặc. Ðể cai trị địa hạt Ðồ Bàn cũ, nhà vua đổi phủ Qui Nhơn thành Bình Ðịnh dinh, sau đó đổi dinh làm Trấn, lỵ sở đóng tại thành Bình Ðịnh tức là thành Qui Nhơn cũ. Ðến đời vua Minh Mạng lại học đòi theo lối nhà Thanh bên Tàu, đổi Trấn làm Tỉnh. Bình định trấn đổi thành Bình định tỉnh từ đó.
Từ đời nhà Lê đến đời nhà Tây Sơn, lỵ sở hành chánh tối cao của địa phương đều đóng tại thành Ðồ Bàn cũ nhưng tới thời Gia Long, vì muốn xoá bỏ những gì được coi là di tích của Tây sơn nên nhà vua đã ra lệnh triệt hạ thành Ðồ Bàn rồi lấy vật liệu đem xây thành mới cách thành cũ khoảng 10 km về phía nam. Tuy thành mới nhưng vẫn giữ tên là thành Bình định. Thành Ðồ Bàn từ khi vào tay người Việt, trải qua bao triều đại với mấy lần đổi tên chỉ còn trơ lại một dãy gò sỏi với ngọn tháp Cánh Tiên và lầu Bát giác cùng di tích vài bờ đất sụp lở…
Khi Tây Sơn khởi nghiệp, người dân ở vùng đất này đã theo Tây Sơn làm lịch sử. Nhưng nhà Nguyễn đã khôi phục được cơ nghiệp cũ nên nhà Tây Sơn phải chịu kết án là ngụy triều.
Người dân ở vùng này do đó mà cũng bị coi như là một thứ ngụy dân vì sống trên quê hương của Tây Sơn hoặc đã đi theo Tây Sơn. Ðối với triều Nguyễn, đất Tây Sơn là nơi phát sinh ra những tên loạn tặc và là kẻ thù không đội trời chung của dòng họ chúa Nguyễn, cho nên khi diệt được nhà Tây Sơn, vua Gia long đã dùng hai tiếng Bình Ðịnh để gọi vùng đất Qui nhơn, và “bình định” hàm ý vùng đất này là vùng đất phản loạn mà nay triều đình đã dẹp yên được. Với bản án ngụy dân, người dân xứ này dù muốn dù không cũng thấy mình bị phân biệt, do đó mà lúc nào cũng phải lo lắng, sợ sệt và chỉ còn ao ước được sống yên thân bình thường như mọi người dân khác. Có lẽ vì thế mà ngôn từ Bình định có chữ “thàng” và ca dao Bình định cũng có câu “Bình Ðịnh hay lo”. “Thàng” có thể là âm đọc trại của chữ “thường”. Suốt một trăm năm mươi năm dưới triều nhà Nguyễn, người dân Bình Ðịnh phải chịu sự chế tài này của nhà Nguyễn nên lúc nào cũng lo và lúc nào cũng có một chút mặc cảm.
Vua Gia Long không những chỉ đối xử tàn ác với quân dân nhà Tây Sơn, mà ngay đối với các công thần đã giúp mình làm nên sự nghiệp cũng bị nhà vua sát hại vì cho là mưu phản và có người đã chết còn bị buộc tội, mồ mả bị xiềng như trường hợp Lê Văn Duyệt. Ðiều này khiến cho nội bộ vẫn tranh chấp, giặc giã vẫn nổi lên cho nên đất nước vẫn cứ là rối loạn.
Trong suốt quá trình lịch sử, biết bao lần những con người tự cho mình là chính nghĩa thì đã hành xử chẳng chính nghĩa tí nào cả. Chính vì quyền lợi tư riêng mà Chiêu Thống cầu viện Thanh, Nguyễn Ánh hết cầu viện Xiêm thì lại quay ra tìm sự giúp đỡ của người Pháp. Ðiều này đã mở đường cho Pháp dòm ngó Việt nam. Mặc dù đã bắt đầu tiếp xúc với văn minh Tây phương nhưng với cái đầu óc cổ hủ ảnh hưởng ngàn đời phong kiến của Trung hoa nên vua quan nhà Nguyễn vẫn khư khư với những quan niệm lỗi thời để mà bảo vệ cái ngôi của mình chứ không biết canh tân đất nước theo trào lưu tiến bộ của thời đại cho nên thống nhất chưa đầy một thế kỷ, Việt nam lại bị Pháp xâm lược và bị chia ra làm ba kỳ để trị. Người dân Việt lại phải rơi vào cảnh lầm than và phải nhìn nhau xa lạ.
Khi vua quan nhà Nguyễn nhu nhược đành chấp nhận nền đô hộ của Pháp thì tại nhiều nơi cũng có những sĩ phu theo hịch Cần Vương của vua Hàm Nghi chiêu mộ nghĩa quân chống lại sự xâm lăng của người Pháp. Người dân Bình Ðịnh với truyền thống chống ngoại xâm đã hăng hái gia nhập nghĩa quân của Mai Xuân Thưởng và Tăng Bạt Hổ tham gia kháng chiến chống ngoại thù. Dù cuộc kháng chiến không thành công và Mai Xuân Thưởng bị tử hình, nhưng điều đáng nói là Mai Xuân Thưởng không chết vì bị Pháp giết mà bằng mưu mô tàn nhẫn của một ông quan nhà Nguyễn muốn vinh thân phì gia và bản án phản tặc của Triều đình Huế.
Khi người Pháp diệt được nhóm Cần vương của Mai Xuân Thưởng đã lấy dải đất chạy dài ra cửa bể Thị nại nơi Pháp đã đổ bộ và dùng làm căn cứ quân sự trong thời gian chống cự với nghĩa binh Cần vương để thiết lập một lỵ sở mới cho chính quyền bảo hộ tại địa phương thì cái tên Qui nhơn cơ hồ mai một lại được người Pháp đem ra đặt tên cho thành phố này. Non nửa thế kỷ sau, cơ quan Tỉnh của Nam triều từ thành Bình định mới cũng dời về thành phố Qui nhơn, thành Bình định được giao cho phủ An nhơn làm lỵ sở. Ðối với người Pháp chắc không có sự cân nhắc ý nghĩa của từ dùng làm địa danh cho một địa phương mà có lẽ chỉ là lấy lại một cái tên cũ. Tuy nhiên đối với lịch sử thì sự đặt tên này có thể xem như một sự phục hồi cho một cái tên đã bị xóa bỏ.
Cuộc khởi nghĩa mùa thu 1945 lật đổ chiếc ngai vàng của nhà Nguyễn đã khôi phục lại cái hào khí của nhà Tây sơn. Nhưng người dân Việt qua một ngàn năm Bắc thuộc và một ngàn năm tự chủ nhưng vẫn lệ thuộc vào nền văn hóa Trung Hoa thì dù muốn dù không vẫn không thoát ly được cái đầu óc phong kiến chỉ thích mộng bá đồ vương hoặc là tôn phò minh chúa, khiến cho người Việt Nam dù miệng có hô hào cách mạng nhưng đầu óc thì vẫn rặc những ý tưởng cổ hủ để khoác cho mình cái tiếng chính nghĩa và gán cho kẻ khác là giặc để tiếp tục tàn sát nhau. Với chiêu bài “kháng chiến chống Pháp giành Ðộc lập”, người Cộng sản Việt nam đã nhân danh “vì an ninh Tổ quốc” để giết hại không biết bao nhiêu là đồng bào anh em của mình chỉ vì họ không đồng một quan điểm. Sau chín năm bắt người dân hy sinh và chịu đựng không biết bao gian khổ nhưng độc lập vẫn chỉ là một cái gì rất mù mờ, đất nước lại bị qua phân theo ý đồ của ngoại bang và người cùng một nước lại bắt đầu chụp cho nhau những cái nhãn hiệu này hay nhãn hiệu nọ để tiếp tục chém giết nhau không xa xót, rốt cuộc vẫn cứ là “gà nhà bôi mặt đá nhau” và rơi vào cảnh “trai cò tranh nhau, ngư ông đắc lợi”.
Tại miền đất Bình Ðịnh, sau cuộc khởi nghĩa 1945, nguời dân cũng đã mấy lần chứng kiến mảnh đất này sang tay cũng như đã lãnh nhận không biết bao là tang thương của chiến tranh. Chín năm kháng chiến chống Pháp người Bình Ðịnh đã tuân hành lệnh tiêu thổ kháng chiến của Việt minh san bằng thành phố Qui Nhơn và triệt hạ thành Bình định. Dù bị phá hoại san bằng, cái tên Qui Nhơn vẫn còn đó và thành Bình định vẫn còn là một địa danh được nhắc nhở.
Hiệp định Genève buộc người Cộng sản ra đi tập kết để cho người Quốc gia tiếp quản. Người Quốc gia đã xây dựng lại thành phố Qui Nhơn và cũng đã hỗ trợ cho nhân dân chung sức góp công góp của xây cất điện thờ Tây Sơn để khôi phục lại hào quang của một triều đại đã bị nhà Nguyễn bôi xóa dấu tích và một thế kỷ rưỡi người dân địa phương chỉ dám tưởng nhớ trong âm thầm. Người anh hùng chống Pháp thủa Cần vương cũng được dân chúng xây lăng tưởng niệm.
Người Quốc gia dù có cố gắng biện minh cho cái chính nghĩa của mình, nhưng với một nền độc lập chỉ có nửa giang sơn thừa hưởng từ sự ra đi của người Pháp với sự giúp đỡ của người Mỹ mà lại phải nhận cái di sản của chế độ thực dân thì chính nghĩa vẫn là một cái gì rất mập mờ. Do đó mà lòng người vẫn phân hóa và người Cộng sản với chiêu bài “giải phóng” vẫn tiếp tục huy động được những con người còn mê say với những quan niệm yêu nước thương nòi cổ hủ và hẹp hòi để phục vụ cho những mưu đồ xích hóa dân tộc của họ. Chiến tranh lại tiếp tục và riêng tại vùng đất của những người anh hùng đất Tây Sơn xưa, những du kích Cộng sản đã lợi dụng địa thế núi non thâm u của những nơi tôn kính này để núp bắn người Quốc gia.
Sau hai thập niên tương tàn, người Cộng sản cũng do thời cơ lịch sử mà chiếm trọn được miền Nam thống nhất đất nước. Chính quyền Miền Nam bị gọi là ngụy quyền và quân đội Miền Nam bị gọi là ngụy quân. Lại bắt bớ, giết chóc, tù đày, hành hạ để trả thù vì cái tội làm việc, đi lính cho kẻ không có chính nghĩa chỉ vì thua trận. Người dân Bình Ðịnh trong chín năm kháng chiến bị coi là Việt minh rồi qua hai mươi mốt năm sống dưới chế độ quốc gia nửa bên này, nửa bên kia để chém giết nhau, trả thù nhau, bây giờ trở lại với chế độ Cộng sản bỗng trở thành ngụy dân một lần nữa.
Người Cộng sản huyênh hoang với chính nghĩa và sự thành công của cuộc chiến tranh giải phóng để khai thác và bóc lột người dân, và dành đặc quyền đặc lợi cho một nhóm người được ưu đãi, trong khi người dân Bình Ðịnh cũng như những người dân miền Nam khác âm thầm tìm cách bỏ nước ra đi. Phải chăng họ là những kẻ phản bội Tổ quốc? Chính người Cộng sản đã trả lời thay cho họ. Qua bao nhiêu thất bại và đổ vỡ về kinh tế, người Cộng sản chợt nhìn thấy những kẻ mình xua đuổi ruồng bỏ trở nên khấm khá nơi quê người vẫn không nỡ dứt bỏ chút tình nghĩa ở quê nhà nên vẫn gửi tiền về giúp đỡ những người thân xấu số. Người Cộng sản được món bổng ngon nay quay lại gọi họ bằng “khúc ruột ngàn dặm”.
Từ khi người dân Việt vào đây xây dựng vùng đất này, biết bao mồ hôi nước mắt cùng xương máu đã đổ ra. Thành Ðồ bàn của Chiêm thành đã được Nguyễn Nhạc sửa sang thành kinh đô của mình rồi lại bị vua nhà Nguyễn cho phá hủy để xây thành Bình Ðịnh nhưng rồi cũng bị tàn phá bằng chính bàn tay người Việt, và đến nay thì không còn di tích. Người Pháp khi đặt cơ sở cho sự đô hộ vùng đất này đã xây dựng một thành phố bên cửa biển Thị Nại và gọi là Qui nhơn nhưng cũng chỉ nửa thế kỷ sau đã lại trở thành bình địa vì chính sách tiêu thổ kháng chiến của người Việt Nam theo Cộng sản. Qua bao nhiêu hưng phế của lịch sử, quá khứ còn lại có lẽ vẫn là mấy ngôi tháp Chàm như một niềm nhắc nhở một nỗi oán hờn nào đó.
Người di dân Việt từ miền ngoài vào vùng đất Ðồ Bàn đã xây dựng quê hương mình trên những chứng tích điêu tàn của một vương quốc bị diệt vong. Có một điều là cái nỗi buồn bị diệt vong này lại được nhiều người Việt đa cảm ta thán thay cho họ. Những bản nhạc như Tiếng Dân Chàm, Hận Ðồ Bàn là của người Việt làm ra và người Việt hát, cũng như những vần thơ than khóc nước non Chàm cũng lại là của những nhà thơ Việt. Không ai trong chúng ta xa lạ với nhà thơ Chế Lan Viên và tập thơ Ðiêu Tàn của ông ta. Những vần thơ ai oán như:

… Ðây, những tháp gầy mòn vì mong đợi
Những đền xưa đổ nát dưới thời gian
Những sông vắng lê mình trong bóng tối
Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than
Ðây, những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn
Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi
Những rừng thẳm bóng chiều lan hỗn độn
Lừng hương đưa, rộn rã tiếng từ qui!
Ðây, chiến địa nơi đôi bên giao trận
Muôn cô hồn tử sĩ hét gầm vang
Máu Chàm cuộn tháng ngày niềm oán hận
Xương Chàm luôn rào rạt nỗi căm hờn…
(Trích bài Trên Ðường Về trong tập thơ Ðiêu Tàn)

Khi nghe những lời thơ than vãn ai oán này, và nghe cái tên tác giả là họ Chế, chúng ta tưởng chừng như đấy là một kẻ thuộc dòng dõi của Chế Bồng Nga đang khóc cho dòng họ mình và dân tộc mình, nhưng sự thật thì đó lại là một người dân Việt chính tông, sống trên vùng đất của người Chiêm Thành cũ, nhìn những di tích đổ nát và một quá khứ vàng son đã đi qua mà than vãn cho một dân tộc bị chính dân tộc mình tiêu diệt. Nhưng có lẽ từ trong tiềm thức, những vần thơ thương cảm cho dân tộc Chàm này cũng đã phát xuất từ sự thương cảm cho thân phận của chính dân tộc mình, kẻ chiến thắng trên những đổ nát để rồi cũng đang đổ nát bằng bàn tay của mình vì những tranh chấp quyền lợi riêng tư.
Thời khởi nghĩa 1945 Tỉnh Bình định có lần đã được đổi thành tỉnh Tăng Bạt Hổ, tên một lãnh tụ Cần Vương chống Pháp của tỉnh nhà nhưng tên này chưa được ghi vào sử đã trở về với cái tên Bình định. Sau cuộc chiến tranh trường kỳ Quốc Cộng, người Cộng sản sau khi chiếm được Miền Nam cũng cho cải tổ nền hành chánh và tỉnh Bình định đã được sát nhập với tỉnh Quảng ngãi để thành tỉnh Nghĩa Bình. Cái tên Bình Ðịnh tưởng chừng phen này đi vào dĩ vãng nhưng cái tinh thần địa phương và quyền lợi của phe nhóm đã khiến cho sự kết hợp này cũng không được dài lâu để cuối cùng lại tách đôi trở lại: Bình Ðịnh trở về với Bình định và Quảng ngãi trở về với Quảng ngãi. Trong lòng người cùng một nguồn gốc với nhau vẫn chưa bao giờ chấm dứt ganh tị, chia rẽ, tị hiềm.
Cùng là con Rồng cháu Tiên nhưng vì tranh sống, vì quyền lợi, người ta đã không ngừng bôi mặt đá nhau và nhân danh những ý niệm mơ hồ nào đó để rồi tự cho mình là “chính” hay gọi kẻ khác là “ngụy” để mà hành tội nhau. Và trong cuộc chiến, hễ vùng nào không phải trong tay mình “trị an” tức là vùng “loạn lạc” nên cần phải được “bình định”. Có lẽ may ra thời Hùng Vương mới lập quốc con người chưa xâu xé nhau chứ còn kể từ thời Bắc thuộc, người dân Việt vì muốn được sống còn cũng đã phải học theo những thủ đoạn của người Trung hoa cai trị mình để mà tranh sống. Khi đã giành lại được quyền tự chủ rồi nhưng với một ngàn năm kinh nghiệm đau thương dưới chế độ hà khắc của người Trung hoa, cái tâm thức hận thù của kẻ nô lệ và ý chí muốn làm chủ nhân ông để giành quyền sống đó vẫn tiếp tục ảnh hưởng nếp suy nghĩ của những kẻ muốn vươn mình lên, cho nên khi không có giặc ngoại xâm để chống thì lại chỉ biết tranh giành quyền lợi riêng tư chứ chưa bao giờ thực sự đoàn kết theo nghĩa hợp tác để xây dựng cho dân tộc Việt Nam một cuộc sống phồn vinh hạnh phúc mà chỉ loanh quanh luẩn quẩn với “loạn lạc” và “bình định”.
Chính vì thế mà khi nghĩ về hai tiếng “Bình định”, tôi không phải chỉ là cho đó như là một từ chỉ địa danh, một sự nhắc nhở về một vùng đất nhiều tang thương trong quá trình lịch sử, mà còn xem đó như là một dấu ấn cho nỗi buồn của lịch sử dân tộc.

Đoàn Văn Khanh