25 May 2017

KHI MẸ ỐM - Trần Diệu Hằng


Rồi thì tuần lễ thi cuối khoá cũng xong. Hai con đã khỏi cúm nhưng bài thi của mẹ thì chắc “cúm” nặng; kết quả của mấy đêm liền không chợp mắt trằn trọc nghe hơi thở khò khè của các con. Sức cố gắng tiêu tan, mẹ cho phép mình rũ xuống như kẻ chạy đua đã về đến lằn ranh cuối cùng. Sáng nay thức dậy, mũi mẹ cay xè, cổ họng đau buốt. Mẹ chập choạng ra khỏi giường trong lúc các con còn say ngủ. Mẹ vào phòng vệ sinh rửa mặt, thay quần áo, tô qua một lớp phấn mỏng, quệt sơ chút má hồng. Mẹ đi làm vì muốn để dành ngày nghỉ cho những kỳ thi tới, cho những lần khác, lỡ các con ốm đau.
Mẹ lái xe trên đường, đầu óc đặc sệt những ý nghĩ tối tăm. Bài thi xong rồi. Các con khỏe rồi. Mẹ ốm. Và cơn mệt mỏi rã rời của thân xác giật sập luôn sức chống đỡ tinh thần của mẹ. Mẹ muốn nằm hấp hối trên một bờ biển yên lặng nhìn ra ngoài khơi xa. Mẹ muốn cuộc đời chậm dần, như trái tim sắp ngưng đập, và không còn điều gì quan trọng nữa cả. Không đau khổ. Không hạnh phúc, không phản bội, không yêu thương, không làm việc, không ước mơ. Tất cả sẽ chỉ còn là sự yên lặng dần dà phủ xuống. Sóng biển ào ạt vỗ tới nuốt êm cuộc đời đớn đau. Nhưng bỏ cuộc đâu dễ vậy các con? Sữa và tã cho Bòn Bon sắp hết, cần mua. Chôm Chôm thiếu vài bộ đồ ấm mặc trong nhà vì trời sắp lạnh gắt. Ở nơi mẹ đang đi tới gọi là sở làm, có cái terminal điện tử chờ đợi. Trong ví mẹ có nhiều hoá đơn phải trả. Cuộc đời không hết được. Chưa hết được. Thế là mẹ lừ đừ lái xe tới sở.

Tới nơi, mẹ phờ phạc gieo người xuống ghế. Mẹ nốc cà phê nóng với cream, không đường, và chào buổi sáng lia lịa với những người cùng sở. Mẹ cố dùng thói quen hằng ngày lấn lướt cơn buồn, căn bệnh. Jim nói trông mặt mẹ xanh lè. Mẹ hỏi: – Vậy sao? Đêm qua tôi mất ngủ, nhưng sáng nay có trang điểm đàng hoàng mà. Người bạn đồng nghiệp hóm hỉnh hỏi tiếp: – Tại sao bà mất ngủ? Làm chi mà mất ngủ? Rồi hắn cười hà hà.
Mẹ nhếch miệng cười theo, dù là một nụ…nhạt phèo. Mẹ tính kể rằng hai con đau mấy đêm liền, nhưng mẹ thấy lười, lại thôi. Hơn nữa, để ông bạn đồng nghiệp vui thú chút đỉnh với cách pha trò của hắn cũng không hại gì. Khi viết những giòng này, mẹ chợt nhận ra một điều ngồ ngộ. Chữ “you” tiếng Anh cũng như chữ “nị ” của tiếng Tàu, chữ “toa” của tiếng Pháp đơn giản quá trời đi. Bất luận người trước mặt tuổi tác liên hệ ra sao, cũng xử dụng có một chữ đó để xưng hô. Jim gọi mẹ là “you”. Khi mẹ kể lại cho các con thì dịch đại là “bà”, có đúng không nhỉ? Đoán đoán vậy chứ biết chữ nào chính xác hơn? Mẹ đâu phải là “cô”, vì có tới hai đứa con lận. Ờ, nhưng mà theo lề lối xã hội ở đây, mười con vẫn có thể là cô như thường. Rồi mai mốt các con có gọi mẹ bằng “you” đôi khi? Tiếng Việt mình thật là rắc rối, nên đời sống tình cảm cũng nghìn nẻo trăm đường. Người Việt mình trữ tình, tha thiết, nhưng mà thiết tha quá thành tật …nói quanh. Nghĩ thế này nói thế khác, nói một đường làm một nẻo, rồi biện minh bằng rất nhiều thì, là, mà, bởi vì, nhưng nhị. Nói quanh cho đến nỗi một đám dẫn nhau lếch thếch đi tha phương cầu thực mà vẫn chứng nào tật đó. Hễ thẳng thắn thì than bạc bẽo, mà nếu quanh co thì lừa dối nhau chết ngắc lúc nào không hay. Mai sau, mẹ làm sao để đưa các con đi giữa đường biển, sống phong phú trong tình cảm mà vẫn ngay thẳng, nói những điều phức tạp mà chẳng quanh co. Hỡi ơi, sống kiểu gì lúc nào cũng lăm le nghĩ ngợi vậy trời?
Mẹ thờ thẩn cầm cốc cà phê trở về chỗ ngồi. Xếp có giao một program để sửa. Mẹ trố mắt nhìn nó. Nó trố mắt nhìn mẹ. Nó nhìn mẹ. Thân xác mẹ lừ đừ vì mệt, nhưng tư tưởng chạy ríu rít trong đầu nhanh như điện. Đáng lẽ mẹ phải nghĩ cách tìm ra con “bug” trong những giòng thảo chương điện tử đó, nhưng mà những tư tưởng chạy vèo vèo trong đầu mẹ không có liên can chi với bổn phận này. Mẹ là cái máy hỏng hôm nay. Cuộc sống hàng ngày ngưng trệ. Đời sống tâm linh khốc liệt tung hoành. Hôm nay mẹ ốm.
Và khi ốm, mẹ buồn, buồn thảm thiết. Mẹ hết hơi sức để chiến đấu với đời sống này, với cơn đau dai dẳng ngu xuẩn này, liên lạc từ thuở mẹ bắt đầu lớn khôn. Sống kiểu gì lúc nào cũng chiến đấu rồi ngã, rồi lồm cồm bò dậy chiến đấu tiếp vậy này trời?

Nhưng mẹ không thể để mẹ thua. Mẹ không bao giờ thua. Mẹ nghiến răng bất khuất không thua.
Mẹ muốn mê thiếp đi vì mệt. Cổ họng bỏng rất. Mẹ ngồi lả người trên chiếc ghế xoay. Điệu này có lẽ phải bỏ việc, đi về. Có làm được gì đâu mà bỏ?

Mẹ gục đầu xuống bàn, nghỉ tạm. Đợi chút xem sao.
Mẹ thấy mẹ teo lại, nhỏ bé chút xíu, quỳ dưới chân các con đang trở thành rất to lớn. Mẹ nghiêm trang cầu khẩn các con cho mẹ sinh lực để chiến đấu tiếp. Ôi những thiên thần bé nhỏ, hãy lên tiếng hát trong veo như chuông bên cổ bầy hươu kéo xe cho ông già Noel bay vút vào đêm thánh vô cùng, tiếng hát hãy vang vang lay tỉnh hồn ta mê mệt. Hãy dùng sự thánh thiện trong các con tẩy uế sự dơ bẩn lòng ta. Ta thường khinh bỉ sự trá, sự trá rơi vào ta. Ta thường khinh bỉ sự hèn, sự hèn rơi vào ta. Ta thường khinh bỉ sự ngụy, sự ngụy chiếm hữu hồn ta. Ta thường căm sự hẹp, sự hẹp cười ha hả xiết ta. Ta thường căm phẫn sự lầm, sự lầm ngạo ta hoài.
Những lầm lẫn trong cuộc đời của con người thật là mông mênh. Càng tha thiết với cuộc đời, càng dễ bị lầm lẫn và thất vọng. Nhưng sự tha thiết là một viên ngọc bích sáng lóng lánh trong đám sỏi đá ù lì. Mẹ yêu quý những viên ngọc đó, rồi trả bằng những giá rất đắt.
Mẹ nhớ hồi nhỏ, một lần theo ông ngoại đi cầu nguyện ở một am tự nghe đồn có ông Phật sống mới ra đời. Mẹ lúc thúc đi với lòng ngưỡng mộ. Tới nơi, mẹ đứng trong rừng người chen chúc nghe ông Phật sống mắng mỏ bầy đệ tử để lòng ngu muội nghe vài kẻ có ma tính dèm xiểm về sự Phật sống có vài bà vợ và hơn chục đứa con. Mẹ tức thở chen ra khỏi đám đông đứng hít khí trời. Một lúc, ông ngoại đi tìm, hỏi mẹ sao trốn mất không nghe giảng. Mẹ gân cổ nói con nhất định không tin Phật sống. Ông ngoại chắc cũng không tin gì mấy, nhưng tức vì sự bướng đầu của mẹ nên giáng mẹ một bạt tai. Mẹ khóc hoài hủy, nước mắt nước mũi chàm ngoàm; khóc không phải vì cái tát tai mà vì cảm giác bị lường gạt.
Ông Phật sống nói muốn cứu nhân độ thế phải có nhiều vợ để sinh ra nhiều con, và các Phật con sẽ chia nhau đi khắp nơi mà reo rắc đạo lành trên chúng sanh. Hỡi ơi, một cách nói quanh, một sự biện minh nhưng nhị như thế cũng vẫn có nhiều người cúi đầu kính cẩn. Có lẽ vì họ cần niềm tin, và niềm tin làm họ sung sướng. Nếu vậy, không chừng ông Phật sống giả vờ thành Phật thiệt, vì ít ra cũng đem được sự sung sướng cho nhiều người. Điều khổ ải là không mấy ai có được hạnh phúc của sự khù khờ và may mắn của sự khôn ngoan không giới hạn. Cho nên người ta sống thảm trong sự cần tin mà không tin được, thiết tha mà vẫn nghi ngờ.
Mẹ nhớ hồi mười tám tuổi, có một người bạn rất thân, người này thường tỏ ra rất yêu quý mẹ. Ngày kia, có một người khác nói cho mẹ biết những điều người ấy nói về mẹ, khi mẹ không có mặt. Mẹ rụng rời. Thật ghê khiếp khi thấy cái biên giới của sự thật và trá.
Rồi từ đó mẹ gặp nhiều sự thất vọng và phản bội khác, hoài hoài. Mỗi lần gặp, cái cảm giác đau đớn cũ lại rùng rùng trở về, tăng thêm cường độ. Mẹ thường tự hỏi tại sao có sự trá? Người trá bởi vì người sợ. Sợ kẻ khác sẽ không cho người điều người hằng muốn. Nay nếu ta luôn cho kẻ khác điều họ muốn, điều đó đồng nghĩa với chấp nhận sự khánh tận và mọi kẻ sẽ đều hiển thánh.
Nhưng những bậc thánh rất ít, nhưng những tình yêu tuyệt đối rất hiếm hoi, và loài người cần sống, ăn, thở, được thương yêu, vỗ về, an ủi, tôn trọng. Cho nên ai cũng tìm cách lấn áp kẻ khác để có được những điều họ cần. Cho nên sống luôn luôn là chiến đấu với cuộc đời và với chính mình, làm sao để sống đầy đủ mà không mất tiệt cái nhân bản trong ta. Điều này không dễ, nếu lơ mơ, có thể biến thành ngụy giả. Đây là chỗ cho những sự gọi là bất toàn của cuộc đời chổi dậy la hét. Đây là nguồn của những sự rắc rối quanh co. Đây là biên giới rất mong manh của sự xấu đẹp và thiện ác.
Ôi những vũng đầm lầy ghê gớm này còn ở xa tầm tay bé nhỏ của các con. Mẹ sống, chới với hụp lặn, quần quật mỗi ngày trong đó. Khi sống sót trở về, mẹ mừng vui ngắm nghía sự thơ ngây của các con. Cũng có lúc mẹ tả tơi, có lúc mẹ ốm. Và mẹ đang ốm, từ thể xác tới tâm thần, từ kẻ tóc tới móng chân.
Khi những bức tường bất toàn của cuộc đời sừng sững mọc lên vây khốn, mẹ của các con phải quay về trẻ thơ là nguyên ủy tinh khôi của tạo hoá cầu xin niềm an ủi và sức mạnh.
Mẹ đang ốm và mẹ trở về trong các con. Cầu xin cho thế hệ sau của các con, những máy điện tử dần thay thế mọi thứ, để may ra thất tình lục dục bớt đi chút đỉnh, con người biết đâu bớt phải cầu kinh sám hối, bớt tốn tiền mua giấy Kleenex xỉ mũi. Sẽ bớt đi những người thường đau đầu nghĩ ngợi, phân vân về sự khác biệt giữa tiếng “you” và tiếng “mẹ”, giữa những điều đúng và sai, thật và trá, thương yêu và thù hận, tin tưởng và nghi ngờ. Sẽ cảm bớt, sẽ nghĩ nhiều. Sẽ bớt rung động, sẽ nhiều suy luận. Thế giới sẽ khô đi một chút, trơ tráo đi một chút. Sự việc bấm nút là có tất cả, hoặc phần lớn mọi thứ, tuy có thể thể thảm ở phương diện nhân bản, nhưng mà rồi tiện việc.
Mẹ lệt bệt tới trưa thì xách ví về nhà. May là xếp của mẹ đi nghỉ hè, không có ai để ý kiểm soát, cuộc sống hằng ngày đôi lúc cũng có những khe hở dễ thương cho người ta thở ngáp ngáp. Mẹ tính đi thẳng tới phòng mạch bác sĩ, tám viên Comtrex mẹ uống từ hôm qua tới nay chẳng ăn thua gì, chắc phải cần trụ sinh. Nhưng mẹ mệt quá, về nhà luôn.
Chôm Chôm đón mẹ bằng tiếng reo trong vắt và nụ cười xinh tươi mỗi ngày. Bòn Bon đang ngồi chồm chỗm trên bàn cũng đứng dậy, hò là chí choé, hai bàn tay nhỏ xíu vỗ vào nhau nghe tạch tạch. Sao mẹ không là nghệ sĩ trình diễn mà cũng được hoan hô quá xá mỗi ngày vậy ta?
Dù mệt hết hơi, mẹ cũng ráng cười, ôm mỗi đứa một chút. Bà vú hỏi mẹ sao về sớm. Mẹ nói bị đau, cần nằm nghỉ.
Mẹ vào phòng thay quần áo. Chôm Chôm đi theo sát một bên. Chôm Chôm nói luôn một lèo:
– Mẹ đau đầu hả? Mẹ nằm nghỉ hả? Mẹ thay đồ đi.
Mẹ nhớ lại ngày Chôm mới biết bập bẹ, mừng sao là mừng. Bây giờ Chôm đã hơn ba tuổi, lý luận nhiều câu nghe ghê gớm lắm rồi.
Mẹ vừa nằm xuống giường là Chôm Chôm đã leo tót lên nằm cạnh, khoan khoái bỏ ngón tay cái vào miệng mút chùn chụt, mắt lim dim “thưởng thức”. Mẹ thều thào:
– Chôm buông tay ra, không được mút.
Chôm ậm ừ không chịu. Một tay mẹ vắt lên trán theo thói quen khi ngủ, tay kia mẹ với sang dựt bàn tay xinh xinh của Chôm ra. Chôm ngồi nhổm dậy, tay vung lên phản đối, miệng là ỏm tỏi:
– Không dựt tay con. Không dựt tay con.
Mẹ mệt lữ, chịu thua, mặc kệ Chôm, nhắm mắt. Chôm đập đập vào người mẹ, kêu gọi sự…chú ý. Mẹ làm thinh. Một lúc, mẹ nghe tiếng Chôm thỏ thẻ:
– Bỏ tay ra rồi.
Mẹ hí mắt nhìn thấy quả đúng vậy. Chôm ỏn ẻn cười theo, dù là cười gượng, rồi khen Chôm ngoan. Chôm ba tuổi ba tháng rưỡi, thật bướng bỉnh, mà cũng dễ yêu làm sao. Bố con lúc tức tối vẫn mắng Chôm bướng bỉnh như mẹ mày. ( Chỉ khác là mẹ không đáng yêu như con ) .
Mẹ muốn nằm nghỉ nhưng Chôm không cho, Chôm ngọ ngoậy, ngó ngoáy như con sâu bé. Chôm bí ba bí bô. Chôm hát, rồi Chôm “ra lệnh”:
– Mẹ cười đi.
Trời thần ơi ! Con thật là một chú hề khôi hài xong thì thọc lét khán giả. Mẹ mệt lắm rồi. Đầu mẹ nóng, cơn sốt không cao, chỉ đủ để làm môi khô ran.
Bòn Bon chạy lạch bạch vô phòng, nó cũng biết nóng ruột chứ. Bà vú vừa cho ăn xong là nó chuồn ngay. Bòn Bon cũng leo tót lên giường, tuy có ì ạch khó khăn đôi chút nhưng mà cũng tới nơi. Nó gieo thân hình tí hon hai mươi bốn pounds xuống ngực mẹ nghe một cái ạch, đưa cái miệng đầy rãi rớt tới ngoạm vô mặt mẹ, chút nữa thì vào miệng mẹ, nếu mẹ không kịp ngoảnh đi vì sợ con lây bệnh. Chôm ghen tức đẩy em ra. Hai đứa hét lên chí choé, vừa kịp lúc bà vú chạy vào. Mẹ rên hừ hừ:
– Bà cho hai đứa ra ngoài chơi chút đi.
Bà vú chỉ thành công trong sự lôi kéo anh tí hon, còn cô chị Chôm thì khóc mếu máo, vừa đánh tay bà vú vừa xô lia lịa để được ở lại với mẹ. Mẹ đầu hàng:
– Thôi được, Chôm ở đây ! Nhưng nằm xuống, mà nằm yên nghe chưa.
Mẹ thò tay vặn nút chiếc máy cassette ở đầu giường, không phải để được nghe một khúc nhạc êm dịu mẹ thích, mà để Chôm nghe băng Việt nhi. Ánh trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già, ôm một giấc mơ…
Giấc mơ. Giấc mơ. Có những điều không muốn nhớ bỗng dưng biến thành giấc mơ thì cuộc đời sẽ giản dị hơn nhiều, và cơn bệnh của mẹ sẽ hết.
4 giờ chiều. Mẹ vẫn không được nghỉ và chưa đi bác sĩ.
5 giờ. Một người bạn, người chị thì đúng hơn, đến chơi, tình nguyện đưa mẹ đến một bác sĩ quen của bà. ( Mẹ có những người bạn thân kỳ lạ, hoặc lớn hơn mẹ trên mười tuổi, hoặc nhỏ hơn mẹ dưới mười tuổi. Tình cờ hay duyên nghiệp? Tài xế là con của bác ấy, trọ học ở xa về chơi. Cậu nhỏ muốn gặp mẹ vì nghe mẹ của cậu nói nhiều về người bạn mới của bà.)
Mẹ ghét đi bác sĩ. Nhưng phải đi. Đi bác sĩ rồi mẹ sợ chích. Nhưng phải chích. Mẹ còn nhát khỉ hơn các con về khoản này. Rồi mẹ ghét chờ mua thuốc. Nhưng mà phải mua thuốc.
Mẹ về nhà trời đã tối. Bác T. đang trông dùm các con vì bà vú đã về. Mẹ lại vội vã thay quần áo, vội vã rửa mặt, vội vã trở ra phòng khách.
Một tay mẹ dắt Chôm Chôm vì Chôm không chịu rời mẹ, một tay mẹ múc cháo, bỏ đậu kho vào hâm nóng. Đem bát cháo trở lại bàn, Chôm ngồi trên lòng mẹ. Mẹ ăn với một tay. Chốc chốc, mẹ phải ngửng lên thăm hỏi Bòn Bon vài tiếng vì nó ngồi ở xa, trên lòng bác T. Biết thân phận vẫn bị chị Chôm đẩy ngã bắn ra ngoài để độc quyền chiếm hữu mẹ. Chôm rất hư, nhưng sự hư hỏng này, mẹ sao đành lòng đánh con? Mẹ cứ hẹn dần, sẽ cho con một roi, vài roi khi con lớn hơn chút nữa, chút nữa. Đây là một vấn đề thế hệ điện tử của các con nên đem ra nghiên cứu. Chẳng hạn, chế ra một rô bô, tự động phát vào mông những đứa trẻ nhõng nhẽo ghen tuông quá độ, các bà mẹ sẽ không phải làm quyết định này ( cũng cần lưu tâm rằng chỉ có những bà mẹ lẩm cẩm chậm tiến như mẹ cùng các con mới cần thứ rô bô này thôi, chớ sản xuất thặng dư mà lỗ vốn.)
Mẹ vội vã ăn, như đã vội vã cả ngày. Mẹ còn phải uống thuốc, cho các con uống thuốc, thay tã cho Bòn Bon, thay nước trong máy phun hơi ẩm trong phòng ngủ để Bòn Bon dễ thở, xúc mũi cho nó trước khi đi ngủ, cho Chôm viên thuốc bổ…còn gì nữa không nhỉ? Thế nào cũng còn nhiều việc lặt vặt khác, làm tới đâu nhớ tới đó.
Mẹ mong tới lúc ngã lưng xuống giường, dù biết rằng các con sẽ bò ngang dọc, nghịch ngợm phá phách rất lâu trước khi chịu nhắm mắt ngủ khò.
Chín giờ tối, mọi việc tạm xong. Mẹ bật tivi để ” lường gạt ” các con vài phút cho mẹ có thời giờ vào phòng tắm đánh răng. Khi trở ra, mẹ chứng kiến một hoạt cảnh khá “vui”. Bòn Bon, tự lúc nào, đã bê chiếc ghế tí hơn của nó tới sát cạnh tủ gương, dùng làm thang để leo lên với tới túi thuốc của mẹ ( dù trong lúc vội vã, mẹ cũng đã cẩn thận để vào tận phía trong, sát tường, ngoài tầm với của các con). Bòn Bon đã mở được chai thuốc ho của mẹ và dốc tuột xuống thảm. Nó bị bắt gặp quả tang lúc còn đứng trên ghế và cái mông đầy tã đang rung rung thích chí, cánh tay tí hơn còn cầm chai thuốc cạn sạch giơ lên giơ xuống biểu dương lực lượng. Chôm Chôm bận mút tay và trố mắt xem tivi bây giờ mới hồn nhiên nhìn ra.
– Bòn Bon đổ thuốc của mẹ rồi. Thôi chết. Hư.
Rồi tỏ ra là một bà chị gương mẫu và có trách nhiệm. Chôm xông tới tát tai Bòn Bon. Cái tát dù nhẹ hều cũng đủ làm chú nhỏ ngoạc mồm, ngưỡng cổ lên trời khóc chu chéo.
Mẹ kêu trời. Mẹ mệt. Cơn sốt chưa lui.
Lại loay hoay lau chùi dọn dẹp, tiếng khóc Bòn Bon làm nền thay cho âm nhạc êm dịu.
Cuối cùng thì chúng ta cũng lên giường. Chôm gối đầu lên cánh tay phải. Bon gối đầu lên cánh tay trái của mẹ. Các con ngúc ngoắc, ngọ nguậy, ngo ngoe, ấm oé. Băng Việt Nhi mở lên gặp bài Chim Chích Choè. Chim Chích Choè, nó kêu chích choè. Chim chích choè, nó kêu chích choè. Tôi ném hòn sành lăn cổ xuống áo. Nó kêu chích choè.
Con chích choè mẹ đã lăn cổ xuống ao, muốn can cường ngóng cổ hót nhưng chỉ thở ra những hơi khò khè vì mũi nghẹt đặc.
Các con im tiếng khi băng nhạc Việt Nhi hát tới bài Thằng Cuội. Mong rằng trong những tháng năm thơ ấu ngắn ngủi này, Mẹ cho các con đủ chút vốn liếng về thứ ngôn ngữ như tiếng hát của dân tộc ta. Kể từ khi Cuội ra đi, làng xóm không ngờ cũng nhớ Cuội ghê, ố tang tình tang, ố tang tình tình…
Đời sống có khi được diễn tả một cách rất vắn tắt và hàm xúc, rằng: ố tang tình tang, ố tang…không tình tình.
Một ngày ốm đau vừa hết, cũng chấm dứt, bài luận văn ngao du của mẹ gửi tới các con, và cuộc đời.

Trần Diệu Hằng
Trích VĂN số 57, tháng 03-1987