23 May 2017

MỘT MẶT KHÔNG MANG VỀ - Hồ Đình Nghiêm

Tôi về thăm lại cố đô. Gạch đá, rêu phong, đền đài, miếu mạo… câm tiếng thế cô. Đọng im giữa thành quách trồi lên từ tốn câu thơ truyện Kiều: tưởng bây giờ là bao giờ, rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao.
Đi qua cổng Hiển Nhơn hơn trăm thước, phía bên tay phải là ngôi trường tôi theo học hồi đó. Hồi có cây bàng bông sứ gió rụng hương bay, lẩn trốn tà áo dài thiên thanh nhạt dấu khuất vào trường Âm nhạc láng giềng váng vất tiếng đàn piano nghẹn phím.


Có người trao thông tin, trường nớ đã đổi tên, đã di dời về nằm sau hồ Tịnh Tâm cô quạnh. Tôi cũng tự nhủ lòng chắc số mạng cây ngô đồng e không khỏi bị hạ đốn. Như vị quan lớn của triều đình đương đại đã sai thuộc hạ bứng cây sứ hơn trăm tuổi mang về trồng sau vườn nhà. Cây quýt đi xa, lạ đất nên hết ngọt, ắt bông sứ nọ nở hoa làm người hít phải bần thần, mơ mòng mùi thơm cổ xưa héo tàn.

Kín cổng cao tường, người ta bán vé vào tham quan. Chúng sinh bản địa họ thu lệ phí 120.000. Tôi Việt kiều thì 150.000. Con đường xưa tôi đi không đắp mô chêm cục gạch, bây chừ ưu việt bạn phải moi hầu bao nộp tiền mãi lộ, có thế thôi. Đừng nhiều lời, đây không ưa nghe bọn nói xấu chế độ. Chẳng thích vô thì làm ơn đi lộn ra. Chiêm bao rõ ràng, còn ngờ mở mắt? Bây giờ là hiện thực, tưởng tiếc mà làm chi! Không chỉ một gáo nước lạnh, tôi bị dội bị hắt bị tạt cả chục gáo. Vậy mà chưa chịu tỉnh thức, vậy mà học thói chảnh “ăn chơi hổng sợ mưa rơi”. Không có áo tơi, cứ đi khơi khơi, từ túi đến sớm mơi, dạ sầu ai khơi? Điếng hồn phải xơi, giỡn chơi chi nơi!

Tôi lộn ra. Từ khi về chốn xưa tôi lộn ra đã bao lần? Lộn hồn lộn vía và luôn lộn ra vì ngỡ chân bước nhầm nhà người ta. Đến thăm người bạn học cũ, chó chồm ra sủa khoe răng nhọn hai hàm, mạ hắn trấn an: Không có răng mô mà sợ! Dòm người lạ, biết lý do, mạ hắn nói: Rứa a! Người chi vô tâm quá, hắn phủi chân lên bàn thờ ngồi đã hai năm. Tôi hỏi: Hắn đau răng mà chết? Mạ hắn buồn, mạ hắn xác xơ: Răng rứa chi, hắn vô phước bị xe điên tông, thây bị kéo lê cả cây số đường dài, bầm dập hơn cả búa kềm đập, vắn số ở tuổi ngũ thập.
Tôi đi vô bàn thờ ám tối thắp một cây nhang, đốt cho hắn điếu thuốc sản xuất ở Canada coi thử hắn có được thơm râu chốn âm ti khuất mặt. Mọi thứ chết trân, chỉ có cọng khói ẻo lả, chỉ có con chó chăm vẫy đuôi siêng để mắt trông chừng kẻ lạ. Tôi lộn ra, trời ui ui, trời đứng gió. Con đường Hồ Xuân Hương ngày trước giờ ngó lộn tùng phèo chẳng ra đầu ra đuôi. Chớ tại vì răng cứ mãi ngược xuôi? Bao hối muộn dâng trào khôn nguôi!
Ở khách sạn cứ tựa cửa mà ngó xuống giòng Hương, cầu Trường Tiên không dưng mà hẹp té trên con nước mất mùi thơm thảo. Thượng nguồn trong xanh ngang chợ Đông Ba đã đổi màu trần lục đục, sông hao hụt dật dờ ở Bao Vinh rồi đổ thân ra biển mặn ngày nhọ mặt người chùng vụng mang tôi tả tơi lạc trôi sang xứ nhân đạo có thừa. Ờ, cuộc đời cứ thế mà ba chìm bảy nổi, chân cầu có mòn đi phân ly? Tình em có bèo dạt một đôi khi? Tôi chưa biết tính cách chi thì đứa con gái tới tìm chú rủ đi. Cháu tên Thuỷ, tôi nói cháu mang giữ tới tám mươi phần trăm diện mạo mẹ cháu ngày nọ. Thuỷ cười, chú quá khen! Cháu dữ chứ chẳng được hiền như mẹ. Thuỷ làm hướng dẫn viên du lịch thiện nguyện cho chú, mình đi lên đồi Thiên An chơi. Vì sao á? Vì cháu từng nhìn thấy bức ảnh chụp chú cùng mẹ đứng ở đồi thông chốn ấy. Tấm ảnh đen trắng ố vàng và trầy trụa. Tấm ảnh bỏ nhà ra đi chìm trôi trong trận lụt năm nào. Mưa liên miên trời khóc cho thúi đất, Huế mà chú, trời hành cơn lụt mỗi năm, mọi điều phải bị úng thuỷ.
Thuỷ đi xe máy, y như một người hành nghề xe ôm, Thuỷ mang theo một cái nón bảo vệ đầu, chú đội đi. Tôi từng bắt xe thồ lắm bận nhưng chưa đời nào ôm eo một o con gái. Hơn ba chục năm giã từ xe hai bánh, giờ ngồi lại cứ lóng cóng tựa leo lên con tuấn mã chuẩn bị quất ngựa truy phong. Choáng ngợp và thích thú, ngại ngần và đê mê. Vụng về và ngây dại. Trưa đổ nắng vàng, mồ hôi người Thuỷ như thứ nước hoa đặc thù vùng nhiệt đới. Coco Chanel mà thấm gì, tinh dầu ngàn hoa sao sánh được. Thuỷ là nước, nước trong người Thuỷ làm tôi ướt một nỗi niềm. Thứ lợn cợn khó phân chất. Sang số vặn tay ga, xe ngóc đầu tôi khó bình thân. Đừng sợ, Thuỷ nói chú cứ ôm ở nơi nào xét thuận tiện, ừ thì bất tiện chỉ khoanh vùng một hai. Ôm thì ôm, ôm để biết mọi vật không là ảo ảnh. Ôm trân trọng nhẹ nhàng như ôm một lọ gốm quý còn sót lại từ hồi vua Minh Mạng, cổ vật mong manh hình như chưa từng rạn nứt còn nguyên vẹn từng đường hoa văn.
Xe thong dong vì người điều khiển xe có tay lái “rất lụa”. Chữ này tôi mới thu hoạch được mà chưa thông tình đạt lí. Người Thuỷ mọi thứ mềm mại chứ đâu riêng gì đôi tay lụa là. Ngày xưa cuối tuần đèo chở nhau lên Thiên An đi picnic thấy đường dài, bây giờ bồi hồi chưa lặng sóng đã đến chốn có lắm cây thông đứng giữa trời mà reo. Tiền nhân mơ ước quá khiêm nhường nhưng muốn reo đôi lúc thường gặp trắc trở khó lường. Thông đứng trên đồi héo hon im tiếng mặc cho gió đùa, hỏi thăm em bé đi mót củi đi lượm rác mới hay có bọn người đi đục lỗ vào cây rồi nhẫn tâm đổ nhựa hoá chất vô. Cây sẽ chết và tới lúc đó có đốn hạ nó sẽ không làm bá tánh động lòng than van. Theo trình tự một ngọn đồi trọc đang lần hồi ló dạng. Mai sau xin chớ làm người, làm lâm tặc cất tiếng cười ngàn thu. Thuỷ lựa một cây thông xét còn sinh khí kéo tay tôi đứng gần nhờ đứa nhặt củi chụp cho cô chú một tấm hình. Đó, cái nút ấy, đè ngón trỏ xuống là xong. Phải bày vẽ, phải chỉ lối cho đứa ngu ngơ vụng dại. Chẳng biết tấm ảnh có đẹp không nhưng có nhiều lúc mang âm mưu đè xuống mà bất thành. Tình chỉ đẹp khi còn dang dở. Thơ kiểu gì lạ quá, tôi và mẹ của Thuỷ từng đi trên đường tình xấu mấp mô. Chỉ cầm tay nắm chân thì khó vẹn câu thề, yêu thì tự nguyện dâng hiến chớ chẳng phải trấn lột bằng vũ lực. Nâng như nâng trứng khác vô cùng với dập liễu vùi hoa. Đè mạnh tay xuống cái nút mà quang khẩu không chịu mở đóng. Thanh thiên bạch nhật răng cả gan bày trò bậy bạ cho chúng bạn cười. Ngày đó thông mọc nhiều, phồn thịnh trên đồi cỏ mượt và thông ngó xuống thằng người ngồi buồn xo mà reo tiếng chê bai.
Tôi biểu Thuỷ đèo chở đi ăn những nhà hàng đặc sản nức tiếng chốn thần kinh. Ăn để trả thù hơn tam thập niên nhịn đói nhịn khát, ăn cho bõ những ngày cơ cực chốn bơ thừa sữa cặn phồn vinh giả tạo phương kia giẫy chết. Thuỷ cười, chú nói quá đáng, cháu đâu thích đèo một ông chính trị viên sau lưng, liệu hồn mà ăn nói cho vừa lòng nhau. Tôi ra sức hối lộ Thuỷ, tôi tìm cách bôi trơn Thuỷ, sau cùng Thuỷ mới xiêu lòng: Việc chẳng đặng đừng bởi cháu sợ trực tiếp phá tan một hình ảnh đẹp, cháu sẽ có lỗi với mẹ cháu. Như thế này nhé, cháu sẽ sắp xếp hồi nào thấy ổn sẽ tới chở chú đi thăm.
Ngày ổn thoả như Thuỷ dự liệu cuối cùng cũng tới. “Kim Long có gái mỹ miều, Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi”. Địa danh có mỹ nữ khiến vua chết mê chết mệt ấy còn nổi tiếng món bánh ướt thịt nướng, hàng quán mọc dài với mùi thơm của từng vỉ kẹp thịt đặt trên lò than bốc khói làm mê muội chùm cây bụi cỏ xanh um sánh đôi. Quẹo trái bẻ phải một hồi thì nhìn ra tấm bảng lạnh lùng: Bệnh Viện Tâm Thần Kim Long. Heo hút, tịch lặng, thời gian đi ngang đây chừng như bị ngưng đọng, rơi xuống sân nỗi buồn tủi.
Thuỷ trình bày lý do với một ông bác sĩ cùng bà y tá có dáng dấp bề thế rồi quay sang tôi: Cháu đợi ở nhà khách, chú vào đi, có mặt cháu e không tiện. Tôi đi theo hai người mặc áo choàng trắng, họ dừng bước trước căn phòng kín cửa có chú thích hàng chữ “Khoa Điều Trị 1”. Người đàn ông nhìn tôi: Anh đã ổn định tinh thần chưa? Ở khoa tâm lý lâm sàng này chúng tôi phải tập huấn nâng cao kỹ năng giao tiếp vì thường gặp sự phản ứng của bệnh nhân. Họ nhiễm phải chất Amphetamine gây rối loạn tâm thần. Họ luôn ở giữa lằn ranh của tỉnh và mê, của tĩnh và động. Đôi lúc họ hiền lành dễ bảo, khi khác họ hung tợn chửi bới hoặc tấn công. Trường hợp chị Ngân chưa thấy có biểu hiện khả quan, tuy nhiên chị ấy là bệnh nhân mà chúng tôi để tâm, vì chị thích trầm tư trong thế giới riêng lẻ của chị ấy.
Ngân là mẹ Thuỷ, Ngân là người cùng tôi ngồi trên đồi Thiên An ngày xưa chỉ để nhìn mây bay gió thổi, cầm tay nhau mà chẳng biết nói năng chi, vụng dại như cây thông chưa biết reo cùng gió. Và hiện tại Ngân ngồi thu lu ở một góc giường, giường cá nhân bằng sắt có trải chiếc chiếu cũ, tiệp màu vôi ghi nhiều vết xước như từng bị cào bởi năm móng tay. Trên giường có chiếc gối, khi phát hiện ba người chúng tôi đến gần, Ngân vội ôm giữ lấy nó như sợ bị cướp đoạt hoặc Ngân đang tự trấn an. Chiếc gối như một hài chi đang được mẹ ra sức bảo vệ. Bà y tá nói: Bữa ni có người ở xa về thăm Ngân nè! Bất động, vô can, như lời thông báo đường đột đó không dành cho Ngân. Gương mặt xanh xao, lạc hồn nhưng Ngân chẳng già nua như tôi tưởng tượng. Khuôn mặt của một đứa bé dại khờ bị thời gian gội xoá lên số tuổi 50.
Ngân không nhận ra tôi, như vậy mà lại hơn. Tôi mong Ngân lên cơn để chẳng kềm chế lao vào người tôi cào xé chửi bới, giật tóc véo tai bức rời những hạt nút áo cho hả giận nhưng trước sau Ngân vẫn thu người, ngồi kiểu sợ nước lụt đang mấp mé dâng lên. Tôi cũng chẳng biết nói ra một lời nào xét cần thiết. Tôi sợ khi nó lọt vào thính giác sẽ gây cho Ngân sự xáo trộn, và chuyện ấy luôn không tốt cho một bệnh nhân mắc chứng bệnh tâm thần chẳng ổn định. Tôi chỉ biết nói với hai người phụ trách theo dõi bệnh lý Ngân khi ra khỏi phòng: Tôi xin gửi một ít hiện kim, mong quý vị vui lòng nhận lấy để thế một lời cám ơn. Công việc của quý vị quả có cam go và nặng nề. Họ siết bắt tay tôi thật lâu. Họ nói một câu “vô duyên”: Hình như anh là Việt kiều Canada, chỗ nớ lạnh chết người phải không anh? Tôi gật đầu: Dạ, chết người! Không tha một ai!
Thuỷ chở tôi về lại phố phường chộn rộn, chúng tôi làm thinh suốt. Từ xa tôi nhìn ra một đốm màu đỏ của chùm hoa phượng sớm ra hoa, nở lẻ loi giữa chập chùng sắc xanh của cây lá vườn tược. Hình như nó đơm bông để quảng cáo thầm lặng cho một quán cà phê. Tôi dụ Thuỷ vào, bộ Thuỷ không khát nước sao? Cả hai đều gọi cà phê sữa đá. Nước đá và rau sống là hai thứ luôn làm khó dễ bụng dạ Việt kiều nhưng gan ruột thằng tôi vẫn lì lợm trơ như đá vững như đồng. Pha tạp tiếng Anh thì kêu bằng tui đâu có ke, chớ nói Ai can du!
Cà phê cứt chồn hay sao mà thơm quá mạng. Liếm cho môi khỏi khô, cho ngọt xớt đường lưỡi tôi mới thưa cùng Thuỷ: Mẹ bị đã lâu mau? Khi Thuỷ đúng 17, khi ba bị lật xe rơi xuống khỏi đèo Hải Vân. Vốn yếu đuối sẵn nên suy sụp rất mau. Thảm lắm! Chú có tin tới số mạng không? Tôi chẳng trả lời, tôi ngó vạt nắng đâm xiên lên mái tóc Thuỷ, có những sợi nâu vàng nhạt phai. Sao người ta gọi những kẻ chưa trưởng thành là đầu xanh trong khi nó mãi đen mun? Sao khi không tóc tôi đâm phồn thịnh những sợi bạc lạc loài? Trong đầu tôi tự dưng vụt hiện câu của Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Gượng đến mừng nhau một mặt không”. Một mặt không. Một mặt không! Tôi nhai trệu trạo cục nước đá, ê răng. Vậy là xong, tôi nói cùng Thuỷ, chú chẳng còn gì vui thú để nán ở dài lâu. Mai chú vào Sài Gòn và mốt chú lại đi xa, biền biệt. Thuỷ có đơm một mộng ước nào không? Chú nguyện san sẻ trong khả năng.
Thuỷ cúi đầu, hứng đỡ trọn vẹn màu nắng nhuộm rối sắc. Tóc mai sợi vắn sợi dài… Tối nay Thuỷ tới ngủ đằng khách sạn với chú đêm cuối… chú từng bảo Thuỷ giống mẹ tới những tám mươi phần trăm. Tôi đưa cả hai tay với lấy bàn tay trái của Thuỷ, ấp ủ, vuốt ve: Đừng giết chú không gươm dao, Thuỷ đừng khiến chú phải mang bệnh điên, bởi sự hiện diện của Thuỷ vào đêm hôm sẽ xúi chú giết Thuỷ. Chú sợ Thuỷ phải chết sớm và lòng chú thì mãi cầu xin, ở đời sống này mong Thuỷ chỉ chết duy chỉ một lần.
Chúng tôi chia tay, rời ra trước cổng khách sạn. Tôi đứng như phổng đá, chẳng ôm lấy vóc dáng đáng yêu ấy trong đôi tay nặng trĩu, không luôn một môi hôn, một lời hứa hẹn, một câu chúc lành. Chiều về sẫm tối, nhoè mờ. Tôi vuốt mặt, tôi dụi mắt. Một mặt không…

Hồ Đình Nghiêm