25 July 2017

VỀ MỘT CUỘC RA ĐI - Nguyễn Văn Sâm

Trịnh Quang Vinh (1935-2009).
Sáng nay trong không khí lành lạnh của trời chớm đông, tự dưng tôi thoáng nghĩ, trời nầy thì buồn chết, ai có chuyện buồn càng dễ hiu hắt nao nao hơn. 

Không hiểu sao tôi thấy mình như nôn nóng trong bụng. Tôi lái xe đến tiệm bánh mì Nguyễn Ngọ, nơi thường gặp nhóm bạn mình dầu nhiều khi không hẹn hò. Có thể nơi đây người chủ nhân có khuôn mặt xương xương dễ thân thiện; có thể nơi đây bánh mì nóng dòn ngon mang khí vị quê nhà của bánh mì Bưu Điện, Thanh Bạch trước ngày mất nước, và cũng có thể tôi đang đợi ai đó ở chỗ này. 
Ông Nguyễn Văn Nam, (người hùng của đồng hương hải ngoại, dám tranh đấu chống KKK ở một vùng biển đầy người đánh cá da trắng cách đây 30 năm) bước ùa vào. Khuôn mặt ông không vui như bình thường. Bộ quần áo đặc biệt của quân nhân làm việc chung sự…

Vậy là có người nào đó đã ra đi, lá quốc kỳ đã phủ kín quan tài, tuy ấm chút lòng người quá cố nhưng không đủ phủ những đau buồn mất mát của người ở lại. Tôi nghĩ mau trong trí. 

“Mới đi đưa đám Bác sĩ Trịnh Quang Vinh về!” 

Tôi thốt lên tiếng lớn, không kềm thúc sự thảng thốt giữa nơi đông người, Trời ơi! 

Chúng tôi ngó nhau, im lặng thẫn thờ gần một phút. “Phải! Bác Sĩ Trịnh Quang Vinh!” 

“Tội nghiệp quá bạn của tôi mà, bây giờ quàn ở đâu, tôi phải đến thăm mới được.” 

“Xong hết rồi, mới thiêu xác xong, nhà quàn Vĩnh Phước, chúng tôi đã làm lễ phủ quốc kỳ cho ông ấy theo nghi lễ của một sĩ quan QLVNCH.” 

Vậy là hết, người bạn của tôi ngày xưa đã ra đi, thật sự ra đi. Thiêu rồi thì còn gì nữa đâu. Cát bụi đã hoàn toàn trở về với cát bụi. Chậm chân, tin trễ tôi không được đến chào tiễn biệt anh. Xin hương hồn anh thông cảm cho người ở xa. 

Tôi nói với ông Nam như nói với mình, “Vinh nó dễ thương lắm, hiền lành và tử tế. Tôi không biết nói sao cho hết nỗi buồn mất bạn nầy.” 

Tôi trở về chỗ ngồi của mình mà nghe lòng trĩu nặng mối sầu thương cảm, cái lạnh chớm đông càng khiến lòng tôi thêm tê tái. Sự linh cảm thật kỳ dị trong buổi sáng này. 1966. Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia do Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ Tịch và Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương do Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ Tịch, tổ chức bầu cử Quốc Hội Lập Hiến để viết hiến pháp cho chế độ Đệ Nhị Cộng Hòa. Người bạn đồng viện cùng đơn vị với tôi, đơn vị 2 đô thành Sài Gòn là Bác Sĩ Trịnh Quang Vinh. Cùng đơn vị nên ngồi cùng chung dãy ghế. Tôi còn nhớ, bên phải tôi là ông Trần Văn Văn; ông nầy ngồi kế bên cụ Phan Khắc Sửu. Bên trái tôi là Lý Quí Chung, kế đến là Trịnh Quang Vinh. Vinh gây ấn tượng với tôi ngay từ những buổi họp đầu tiên vì dáng người của anh, hơi thấp, chắc nịch và đen, nói giọng Bắc, trong khi tất cả năm người cùng đơn vị đều là người Nam – Triệu Sên(h) Hoạch, người Viêt gốc Hoa, nói giọng Nam. Vinh ít phát biểu, nhưng khi cần lên diễn đàn thì anh từ tốn. Sinh hoạt giao tế anh chiếm cảm tình của người trước mặt bằng nụ cười thân thiện. Là Bác Sĩ quân y, ra trường cũng độ 5, 6 năm gì rồi cho nên đời sống anh đã ổn định. Anh đi họp bằng cái xe hơi loại nhỏ đẹp, có hình dáng như xe đua, màu thật bắt mắt, tôi đi họp trên chiếc Solex cà tàng. Vậy mà chúng tôi thân nhau ngay, tuy không cùng chung nhóm. 

Rồi Quốc Hội Lập Hiến hết nhiệm kỳ, những người đắc cử vào Thượng Viện hay Hạ Viện tiếp tục con đường chánh trị của mình, những người không ứng cử nữa, như Vinh, hay thất cử như tôi, trở về với nghề nghiệp mình. Tôi về dạy ở trường Petrus Ký, rồi lên Đại Học Văn Khoa, Vinh làm Giám Đốc cơ quan nghiên cứu bịnh nhiệt đới, trụ sở ở góc Trần Hưng Đạo và Nguyễn Biểu Sàigòn. Nhớ một hai lần ghé thăm Vinh ở văn phòng, hỏi sao không ứng cử nữa, Vinh cười hiền, moi chỉ muốn giải ngũ thôi, cho nên ứng cử kỳ rồi. 

Vậy đó, Vinh thiệt thà nói hết ý mình, không có nhiều tham vọng để bị cuốn hút vào dòng thác chính trường. Tôi ôm hoài bão ngất trời nhưng cánh tay ngắn nên đành bỏ ý định vói trời cao ứng cử sau hai lần thất bại. 1980. sau mấy tháng chân ướt tới Mỹ, tình cờ tôi thấy phòng mạch Bác Sĩ Trịnh Quang Vinh trên đường Milam, Houston. Tôi tự hỏi mình có nên ghé vào không. Trước kia là bạn đồng viện, mỗi lần lên diễn đàn đều có câu kính thưa các bạn đồng viện sau khi kính thưa ông chủ tịch. Bây giờ người bạn đồng viện cũ là bác sĩ, còn mình áo quần lang thang mới ra khỏi trại tỵ nạn một vài tháng, nét phong trần nghèo khổ của những năm ăn bo-bo còn hằn ghi trên gương mặt. Câu hỏi nên không quện trong trí.. 

Cô thư ký văn phòng nhìn tôi lơ đảng, trong ánh mắt cô không có sự hiện diện của tôi, cô nói vì thói quen nghề nghiệp hằng ngày, “Thưa bác ghi tên vào sổ.” Thế thôi. 

Tôi ngập ngừng, “Tôi không khám bịnh, tôi đến thăm Bác Sĩ Trịnh Quang Vinh. Chúng tôi từng là bạn với nhau.” 

“Xin bác cho tên, tôi vào báo Bác sĩ.” 

Vậy là tôi vào gặp người bạn đồng viện ngày xưa trong khi ở phòng đợi còn nhiều người bệnh đang chờ. Anh mập hơn, vui hơn, bệ vệ sau cái bàn giấy thiệt lớn, tràn ngập hồ sơ bịnh lý và vài dụng cụ y khoa. 

Chúng tôi phá tan được cái băng lạnh ngăn cách của thời gian và của vị thế hai người khi Vinh bước ra khỏi bàn giấy hăm hở bắt tay chào: “Sâm đấy à, khỏe không toi, đến Mỹ lâu chưa? Bây giờ ở đâu?” Những câu hỏi quan tâm đến hoàn cảnh làm tôi cảm động và bắt nhịp được ngay. Tôi quan sát căn phòng và thấy bạn đồng viện xưa của mình vẫn vui vẻ dầu bận rộn với công việc của phòng mạch. Qua câu chuyện, tôi được biết cùng trong Quốc Hội Lập Hiến ở đây hiện giờ còn có Vũ Ban, của đơn vị Gia Định, giờ là Bác sĩ Giám Đốc thẩm mỹ viện Bích Ngọc, Nguyễn Duy Cung, cũng của đơn vị Gia Định, đang học lại để thi lấy bằng hành nghề bác sĩ, Nguyễn Văn Ngãi, của đơn vị … đang làm thương mãi gì đó cũng khá. 

Tôi nhìn lại mình, 4 đứa con nhỏ dại, người vợ còn phải đi học lại một thời gian dài, chân thầy giáo của mình chỉ là tạm bợ vì còn cần phải qua nhiều bước nữa mới được lầy bằng hành nghề. Hình như Vinh thấy sự ái ngại của tôi, anh nhắc đi nhắc lại rằng đừng nghĩ gì cả, khi nào rảnh cứ ghé chơi, bây giờ để moi khám sức khỏe cho toi coi có bị bịnh gì không. 

Và Vinh đã khám tận tình, như một bác sĩ yêu nghề, có lương tâm. Đưa tôi ra về, Vinh dẫn đến giới thiệu với vợ anh. Chị Vinh cũng thân thiện, nụ cười tươi và hiền hậu như hơn ba mươi năm trước khi chào người bạn đồng viện của chồng mình. Tôi hỏi chị, cô con gái sanh thời Quốc Hội Lập Hiến bây giờ ra sao. Tôi cười, “Lúc đó chúng tôi cũng sanh một đứa con trai, định đặt tên là Nguyễn văn Lập Hiến nhưng gia đình không đồng ý.” Thời đó có vài lần hai bà bầu đã gặp nhau. 

Tôi ở xa, không liên lạc nhiều với Vinh, thỉnh thoảng ghé thăm phòng mạch của bạn, rủ nhau đi ăn, cười vui chuyện nay, ngậm ngùi chuyện xưa, bâng khuâng kẻ mất người còn. Quốc Hội Lập Hiến 117 đồng viện giờ liên lạc được không đầy chục người mà quá khứ chênh lệch, hiện tại thì chân trời góc biển, tương lai ước vọng khác biệt, không thể thân tình. Ai lo chuyện nấy, gặp lại chăng chỉ còn là chào hỏi xã giao qua loa. Có lần Vinh trầm ngâm nói với tôi: “Toa đi trúng đường, toa sướng lắm.” Tôi ngạc nhiên, “gì mà sướng, ông hái ra tiền, tôi dạy học chỉ đủ ăn qua ngày, không đói là may.” Vinh cười gật gù, “Toa biết đi đúng đường là sao không? Là viết lách theo kiểu của toa lâu nay. Làm theo sở thích của mình mà cảm thấy có ích lợi về lâu về dài. Tiền thì rồi cũng hết, tác phẩm lúc nào nó cũng ở đó, là của mình.” 

Cái ông bác sĩ nầy! Lại nói chuyện văn chương. 

Rồi cuộc sống bôn ba khiến tôi rời Houston, chuyện nầy nọ của đã bó chân mình ở lì nơi làm việc, ít liên lạc với bạn bè, kể cả Vinh. Lần gặp nhau cuối cùng nghe Vinh hăm hở cười vui khoe: “Moa lúc nầy khỏe lắm, mổ tim xong rồi cả năm nay, lại tập ca hát theo máy Karaoke, lấy hơi dài nên càng khỏe hơn.” Tôi chúc mừng bạn mình, vui với cái vui của bạn. Chắc là trước khi mổ Vinh đã băn khoăn nhiều về căn bệnh nên sau khi mổ mới vui như vậy. Cũng đúng thôi, đó là cuộc đời, mười người như một. Tôi an ủi bạn, “Luật Tạo Hóa khiến cho ai cũng có tuổi già. Càng già thân thể mình càng ‘chướng’ (Tôi bắt chước từ nầy của nhà văn Mai Thảo) sanh ra đủ thứ. Mình trị từ từ cái chướng của nó. Nếu không trị được thì làm quen với nó để cả hai cùng sinh tồn.” 

Lần đó là lần tôi nhìn bạn đồng viện của tôi vui thiệt vui, khuôn mặt anh trông rạng rỡ, phấn chấn…Và lần đó cũng là lần chia tay mãi mãi của chúng tôi. 

Thời gian như mây bay mau, ba bốn năm qua cái vèo. Người bạn đồng viện dễ thương của tôi đã không còn nữa. Tôi trách mình vô tình, có thể đến thăm hay gọi điện thoại cho bạn được mà bấy lâu nay đã không làm, bây giờ thì quá trễ… 

Thôi chào anh bạn:

Hơn bảy mươi năm thoáng trôi qua,
Vết chân để lại la đà hư không,
Cuộc trần huyễn mộng trăng-sông
sống đời đáng sống chạm long nhân sinh

Bạn đã chạm lòng tôi bằng nụ cười của bạn và những đối xử chí tình dầu rằng mình gặp nhau cũng chẳng nhiều nhỏi gì. Nhưng nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó: Quân tử tương giao mà!

Nguyễn Văn Sâm
(Mùa Đông Texas, 2009)