20 September 2017

CÒN NHỚ HAY ĐÃ QUÊN, HAI CHỮ CHUNG TÌNH - Giao Chỉ, Vũ Văn Lộc

Trong câu chuyện 35 năm nhìn lại, chúng tôi ghi được biết bao nhiêu sự kiện và nhân vật. Tài liệu thì nhiều, với một chút chủ quan và tình cảm riêng tư, chỉ có thể viết lại một số hết sức hạn chế. Tuy nhiên cũng đủ thể hiện được những câu chuyện tiêu biểu qua nhiều lãnh vực. Những sinh hoạt cộng đồng, gương hy sinh, những giây phút bên nhau trong tình quê hương, trong tình bằng hữu và tình nghĩa đấu tranh.

Nhưng xem đi xem lại, chúng tôi còn thiếu một đề tài rất quan trọng của cả một đoạn trường.  Một đề tài vượt thời gian, vượt không gian, vượt biên giới của thù nghịch, ra ngoài khuôn khổ của chính trị.  Đó là chuyện tình.
Vì vậy xin kể một chuyện tình rất bình dị, bắt đầu từ sân trường trung học Vũng Tàu qua đến đại học của một thành phố Sài Gòn đổi tên.  Chuyện vượt biên bất thành, rồi 10 năm đợi chờ ODP.  Câu chuyện một thanh niên xây dựng lại sự nghiệp bằng công việc bán vé số đầu đường ở Việt Nam cho đến lúc đi bỏ báo tại San Jose. Sau cùng, trở thành một chuyên gia có chút công danh và sự nghiệp trên quê hương mới.  Nhưng điều quan trọng nhất là trước sau anh chỉ có một mối tình.  Một gia đình biết bao nhiêu nghịch cảnh.  Một gia đình bất toàn vẫn còn mang nặng khó khăn có thể cho đến lúc mãn chiều xế bóng.  Một mối tình học trò đầy thử thách nhưng luôn luôn lạc quan và sau cùng phải được gọi là hết sức chung thủy. Phải chăng trong suốt cuộc chiến Việt Nam hơn 20 năm cộng với 30 năm hậu chiến tù đày, di tản, tỵ nạn, chúng ta thường quên trong văn tự Việt Nam vẫn còn hai chữ Chung tình.
Sau 35 nhìn lại, xin gởi đến quý vị câu chuyện tình:
Em còn nhớ hay em đã quên. Luôn luôn anh vẫn là kẻ chung tình.
Đôi mắt huyền diệu
Chuyện rất giản dị và gần gũi với cuộc sống của chúng ta.  Mở trang quảng cáo của một văn phòng nha sĩ trên Việt Tribune chúng ta thường thấy hình màu của một phụ nữ với hàm răng xinh đẹp.  Nhưng ai cũng cho rằng đôi mắt của cô mới thật huyền diệu.  Chính người chồng bác sĩ nha khoa đã đem hết tài nghề của một thời chụp hình dạo trên bãi biển Vũng Tàu để tô điểm bức hình quảng cáo cho văn phòng của mình.  Đôi mắt đẹp đẽ và huyền diệu của người vợ bây giờ thực sự chỉ nhìn thấy những hình ảnh rất mờ nhạt của cuộc đời.  Mãi mãi cô chỉ còn ghi nhận được chân dung lần cuối của người chồng vào đầu thập niên 90.
Suốt bao năm qua, từ lúc gia đình đến San Jose, cô chỉ còn nghe mỗi ngày tiếng nói của anh với hình ảnh của người yêu lờ mờ sương khói.  Cô không phải là người khiếm thị từ lúc sơ sinh.  Phải sau 2 năm đại học, sống với tình yêu rồi mắt cô mờ dần và trong tim không còn hình ảnh của ai khác nữa.  Chỉ còn hình ảnh một người.  Khi mới bước chân vào đại học, Mai đã cảm thấy đôi mắt mang mầm bệnh, nhưng vẫn còn hy vọng ở nền y khoa tiến bộ.  Vẫn cố gắng theo học đồng thời tìm hết cách chữa bệnh.  Cô sống trong hy vọng và sống với tình yêu.
Mối tình học trò, mối tình sinh viên
Sinh trưởng ở Vũng Tàu và cùng học một trường trung học, thời kỳ 60-70 lúc đó là trường công duy nhất. Công Huyền Tôn Nữ Quỳnh Mai là nữ sinh xuất sắc nhất trường.  Trong khi đó cậu Nguyễn Hoàng Tuấn, trong tuổi thiếu niên suốt ngày ham vui với biển xanh và sân cỏ nhưng vẫn nổi tiếng học giỏi trong phía nam sinh.
Khi lên lớp 10 cho đến lớp 12 thì nam nữ học chung.  Tuấn bắt đầu để ý đến Quỳnh Mai. Cô Mai có chiếc xe đạp để đi học.  Bài ca tình yêu học trò thường hát ngày nay đã rất hợp với câu chuyện tình ngày xưa.  Hoa Phượng nở đầy trời Vũng Tàu. “Chiếc giỏ xe chở đầy hoa Phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu”.  Một tấm hình cô học trò bé nhỏ dừng xe trò chuyện với bạn trai ốm yếu tong teo, ngày nay đã trở thành di sản quý báu của tình yêu.
Khi cả hai trưởng thành, qua thời trung học 75 là lúc miền Nam đổi đời.
Năm 1979 là khúc quanh của cuộc đời đôi bạn.  Con đường vào đại học Sài Gòn hết sức chông gai, cả miền Nam ai cũng biết câu chuyện học tài, thi lý lịch.  Quỳnh Mai thi vào đại học tổng hợp.  Tuấn thi vào y khoa.  Đối với Tuấn đây là kỳ thi sống chết, vì anh đã có giấy gọi đi nghĩa vụ.  Con đường khổ nạn qua Campuchia đã mở rộng.  Cả 2 gia đình đều không có liên hệ cách mạng nhưng cũng chỉ là thường dân nên lý lịch vẫn được coi là nhẹ.  Vấn đề là bài thi phải hết sức xuất sắc.  May mắn, cả hai đều được tuyển.
Trước ngày đôi trẻ lên đường vào đại học, anh Tuấn chính thức tỏ tình với Quỳnh Mai. Dưới mây trời Vũng Tàu 1979, lời hẹn ước đưa ra.  Đôi ta thề yêu nhau trọn đời. “Yêu ai, yêu cả một đời.”
Tiếp theo 2 năm đại học, so với tuổi trẻ khác cuộc sống của Quỳnh Mai và Tuấn vẫn còn có thể vượt qua những khó khăn về vật chất và tinh thần trong chế độ mới.  Tuy có vất vả nhưng vẫn chưa phải là nỗi đau thương chính của câu chuyện tình.
Khi đôi mắt của Quỳnh Mai cứ mờ dần và cô không còn khả năng học tiếp.  Mai không nhìn thấy chữ trên bảng và đi xe đạp thường bị tai nạn.  Cặp mắt trong sáng linh động, nhưng thực sự cô không còn nhìn thấy gì nữa, nhất là vào buổi tối.  Cuộc sống bắt đầu đi vào con đường chỉ thấy đêm dài một đời.
Cả nhà tìm hết cách chữa bệnh nhưng tại Việt Nam vào thời đó kết quả vô phương.  Sau cùng chỉ còn một con đường duy nhất.  Tuấn dẫn Quỳnh Mai bỏ học để vượt biên.  Mục đích thực sự của chuyến đi không phải là tìm tự do mà là đi tìm ánh sáng cho người yêu. Hy vọng vào nền y khoa tại Hoa Kỳ.
Chuyến vượt biên thất bại.  Tất cả đều bị bắt.  Quỳnh Mai vì khiếm thị nên được thả. Tuấn bị tù 6 tháng.  Cả hai chấm dứt cuộc đời sinh viên.  Đặc biệt đối với Tuấn, giấc mơ tốt nghiệp y khoa tan tành.  Hai người trở lại Vũng Tàu chật vật với cuộc sống ngày càng khó khăn. Quỳnh Mai cố gắng kèm trẻ học Anh văn với cặp mắt khi tỏ khi mờ.  Tuấn bắt đầu đi bán vé số qua ngày.
Mọi người vẫn còn nhớ năm 79 cả Vũng Tàu chỉ có hai người đậu vào y khoa Sài Gòn. Radio đọc tên cậu Tuấn khắp xóm, gia đình hết sức tự hào.  Vì vậy khi có tin Tuấn bị tù, gia đình và bạn bè ai cũng cho rằng bỏ trường y khoa đầy hứa hẹn để đưa người yêu khiếm thị vượt biên là một quyết định nhầm lẫn.
Nhưng làm sao cắt nghĩa được tình yêu.
 

Ông Trời ngó lại
Nhưng Tuấn không phải bán vé số suốt đời. Với số tiền dành dụm, anh mua chịu được 1 máy ảnh và trở thành anh chàng chụp hình dạo ở bãi biển cho các du khách bắt đầu trở lại Việt Nam.
Nghề lại dạy nghề, Tuấn tìm cách làm phòng tối rửa hình và cuộc sống vươn lên từ đó. Khi bắt đầu có đồng ra đồng vào, Tuấn vẫn còn nhớ đến lời hẹn ước với cô Quỳnh Mai và cả hai bắt đầu xây dựng gia đình.  Lễ hỏi và lễ cưới của anh chàng chụp hình với bộ hình kỷ niệm còn đầy đủ.  Rồi đứa con trai đầu tiên ra đời.  Cô vợ trẻ sống bên chồng, nương tựa vào anh đủ cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Vì quá thất vọng với chuyện vượt biên nên cả 2 phía gia đình đều trông cậy vào hồ sơ đoàn tụ do các anh chị bảo lãnh.  Sau 10 năm chờ đợi, 1990 anh thợ chụp hình Vũng Tàu đem vợ con qua Mỹ và định cư tại San Jose.  Bà con ODP ai mà chẳng biết, diện này là diện mồ côi, chính phủ dứt khoát bắt phải 5 năm tự túc.  Gia đình chỉ có thẻ Medicare, bông sữa và một phần Food stamp.
Anh chàng Tuấn lúc đó đã 30 tuổi, Anh ngữ vẫn ở trình độ ESL, giấc mơ học bác sĩ vẫn còn khi ẩn khi hiện.  Nhưng đối diện thực tế nên vẫn phải tìm đường lao động nuôi gia đình.  Một mặt vẫn tìm cách cho vợ đi chữa bệnh, mặt khác phải tìm cách sinh tồn.
Những ngày đầu tại Cali, Tuấn làm đủ mọi nghề, từ Taco Bell cho đến Assembly.  Có những buổi sáng sớm lại còn chạy thêm 1 “Rao” báo Mercury News.  Quỳnh Mai vẫn còn nhớ rằng nửa khuya Tuấn đi bỏ báo rồi về ngủ lại một lát, tiếp theo là một ngày dài vừa đi học, vừa đi làm.  Cô rất buồn là không giúp gì được cho chồng.
Đứa con gái thứ nhì ra đời, nhưng cháu lại có bệnh chậm phát triển, không được như đứa con trai đầu lòng, hết sức thông minh và chăm chỉ.  Với hoàn cảnh khó khăn đủ mọi bề, anh Tuấn cố chịu đựng để tìm đường vươn lên.  Sau những năm đầu vất vả, gia đình được chính phủ cho trợ cấp.  Các cán sự Việt Nam thông cảm, Nguyễn Hoàng Tuấn quyết tâm theo đuổi con đường đại học.  Nhưng biết giới hạn của cá nhân và gia đình, Tuấn theo học nha khoa dù sao cũng đỡ vất vả hơn ngành y.
Vào đại học là anh phải bỏ lại “Rao” báo, từ giã Taco Bell và rất hân hoan khi được tin bị lay off từ hãng điện.  Khó khăn mấy rồi cũng xong. Trong thời gian sinh viên, Tuấn vẫn còn sức sinh hoạt với cộng đồng.  Anh là chủ tịch hội sinh viên Việt Nam tại Mission nhiệm kỳ 92-94 và đồng chủ tịch sinh viên liên trường 1994.  Trong nhiệm vụ này anh đã phối hợp sinh viên tham gia Đi bộ cho thuyền nhân và gây quỹ cho trẻ em khuyết tật.  Tuấn rất quen thuộc với sinh hoạt của Liên hội người Việt tại San Jose.
Năm 2001 sinh viên Nguyễn Hoàng Tuấn tốt nghiệp nha khoa bác sĩ tại UCLA và bắt đầu đi tìm việc làm.  Xem lại cuộc đời của chàng trai Vũng Tàu, vất vả nhất là kỳ bán vé số ở Việt Nam cùng với những ngày mưa đi bỏ báo ở Hoa Kỳ.  Trong đời anh trải qua bao nhiêu dâu bể, nhưng người yêu mãi mãi vẫn tình xưa nghĩa cũ.
 
Kẻ lông mày cho Triệu Minh

Thuở xưa, đọc chuyện Kim Dung nói đến tình yêu, bao nhiêu độc giả xúc động vì anh chàng Trương vô Kỵ nói rằng, phen nầy ta từ giã chốn giang hồ, về kẻ lông mày cho người yêu bé bỏng Triệu Minh.
Xem ra, đó chỉ là chuyện lãng mạn tô điểm cho tiểu thuyết thêm hương vị.  Nhưng ở đây, nha sĩ Tuấn từ lúc đưa vợ qua Mỹ, anh vẫn là người chọn áo cho vợ, và thực sự lo trang điểm cho đến ngày nay.  Không cần văn sĩ Kim Dung nhắc nhở, cậu Tuấn vẫn hằng ngày đóng vai Vô Kỵ để kẻ lông mày cho cô Triệu Minh gốc Huế, Công Huyền Tôn Nữ Quỳnh Mai. Sau khi y khoa Mỹ cũng bó tay không giúp được Quỳnh Mai, gia đình có cô con gái trưởng thành, xinh đẹp nhưng sao suốt ngày bi bô nh trẻ thơ, người mẹ buồn cho phần số hẩm hiu nên thương khóc ngày đêm đã làm cho bệnh của đôi mắt càng thêm khép kín.
Đôi khi bà con ta gặp anh chị trong những lần hội họp, nhìn người vợ vẫn tưởng chị thấy được mọi chuyện tinh tường.  Nhưng sự thực thế giới đối với chị bây giờ luôn luôn mờ mờ nhân ảnh.  Người ngoài không biết, ngạc nhiên khi thấy anh chị luôn luôn cặp kè sát bên nhau.  Đâu biết rằng anh mãi mãi là đôi mắt của em.  Luôn phải bên nhau từng bước một.  Khi Quỳnh Mai mất thị giác, trí nhớ bắt đầu phát triển nên anh giúp cô tiếp tục sống cuộc đời hữu dụng.  Bằng một thái độ rất lạc quan, chấp nhận mọi nghịch cảnh, cùng với sự yểm trợ của đại gia đình, và tình sâu nghĩa nặng, Tuấn đã giúp Mai vượt qua mọi thử thách.  Cô lên Radio đóng vai quảng bá cho văn phòng nha sĩ.  Tiếng nói dịu dàng và thông quán các công việc của nha khoa đã lôi cuốn nhiều thính giả.  Tuy nhiên đôi khi cũng có người không biết thấy cô có vẻ lạnh lùng. Quỳnh Mai nói rằng, con có thấy gì đâu mà cười với người ta.
Câu chuyện tình thầm lặng ở San Jose nhưng đã bắt đầu từ sân trường trung học Vũng Tầu, khi đôi bạn cùng chung ban toán.  Anh làm lớp trưởng, em làm lớp phó.  Mắt em vẫn trong như hồ thu, ghi mãi hình ảnh anh Tuấn gầy gò ốm yếu.  Trong khi tâm sự chuyện gia đình, Tuấn luôn luôn nói rằng niềm hạnh phúc là lấy được Quỳnh Mai.  Vợ cháu đã giúp chồng vươn tới ý nghĩa Chân Thiện Mỹ của con Người.  Khổ hạnh bất toàn của một người là niềm đau chung của cả gia đình.  Gia đình phải trở thành một đơn vị để cùng đứng bên nhau trong mọi hoàn cảnh.
Tuy vậy, chính tinh thần lạc quan, pha với tính vui đùa nha sĩ Tuấn đã phàn nàn rằng: “Bác thấy không, ngày nay con đã khác thuở xưa.  Không còn tang thương như lúc mới ở tù ra, đi bán vé số. Nhưng tiếc thay cô vợ không bao giờ thấy con đẹp trai.”
Bác xin nói với anh chị rằng. Chị không cần nhìn thấy rõ cuộc đời. Xin hãy giữ lại mãi mãi hình ảnh của tuổi 18 ở sân trường trung học. Có cậu học trò tên Nguyễn Hoàng Tuấn, ngập ngừng tỏ mối tình đầu. Trải qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, mối tình vẫn còn giữ mãi đến hôm nay. Không có điều gì trên thế gian này có thể so sánh được.  Đẹp trai hay đẹp lão rồi cũng qua đi.  Danh vọng tiền tài cũng không phải là vĩnh cửu.  Tình nghĩa chung thủy sẽ ở lại muôn đời. Suốt 35 năm qua, cộng đồng của chúng ta đã có biết bao nhiêu danh từ đao to búa lớn đem ra sử dụng.  Nhưng có hai chữ chẳng ai đụng tới.  Bây giờ bác đem ra tặng hai cháu. Hai chữ Chung Tình.


Giao Chỉ, Vũ Văn Lộc