20 September 2017

MODAN GEISHAS - Vũ Quỳnh N.H.

Buổi tối, ngõ hẻm mù mờ trong ánh đèn đường, vài ba tiệm còn mở cửa. Ngồi mãi tận trong góc nhìn ra ngoài đợi chờ cái hẹn tình cờ sáng nay bây giờ tôi mới thấy hối tiếc. Tiệm ăn lèo tèo vài người khách ra vô, ban ngày bù đầu làm việc, ban đêm họ chui vào hộp đêm say sưa ngà ngà chén thù chén tạc, những người đàn ông công chức mệt mỏi. Không một cặp trai gái ngoài cô bồi bàn độ chừng mười sáu mười bảy tuổi đâu đó. Tóc ngắn ngang vai, mắt một mí húp chụp như người vừa mới thức giấc sau cơn ngủ.

– Cho xin tô Miso thịt và một chai biru!
Kể ra bia Nhật cũng không đến nỗi tệ, từ khi Đức viếng thăm Hokkaido vào năm 1880, họ đã thấy mầm triển vọng trong tương lai.

– Arigato gozaimazu!

Tôi bập bẹ lần nữa vài câu mới học được, đủ dùng cho những du khách mới qua đây lần đầu tiên.

– Hai!
Cô gái cúi thấp đầu lễ phép quay đi. Những bước chân ngắn dính chụm vào nhau không rời khỏi mặt đất. Dáng dấp quen thuộc của người đàn bà Nhật thời xa xưa, bó chặt trong bộ Kimono mà bây giờ gần như rất hiếm thấy. Chẳng lạ, áo Kimono mặc vào đã khó mà cởi ra cũng không dễ gì. Hai ba loại áo lót trong, mười bốn thứ phụ tùng khác nhau chưa kể cột thắt ba mươi loại nút. Mặc vào tốn ít nhất một tiếng chưa kể nếu là gấm thật thì cũng tốn trên dưới nửa triệu Yen. Dần dà ít người đủ sức mua, và nếu có thì họ cũng bỏ dần bớt những lần vải nặng nề che kín thân thể đi. Kimono thường thấy ở những tỉnh nhỏ, Kamakura – ngoại ô thành phố Tokyo, Kyoto – văn hoá với chùa chiền. Giỗ, Tết, đám cưới hay Kaburi – sân khấu. Quần áo văn hoá nước nào cũng có vẻ đẹp riêng. Việt Nam thì có áo dài tha thướt hằng năm vào mùa thi hoa hậu Long Beach khiến tôi đôi lúc phải ghen thầm với mấy cô gái Việt duyên dáng. Thì bảo là mặc cảm cũng đúng đi, vai thõng, ngực eo chẳng có, thì làm gì có nét đẹp thuần tuý gái Á Đông. Không tóc thề xõa vai, cream rinse, conditioner bao nhiêu tóc vẫn quăn chẳng mượt mà. Sarong hở rốn sợ lạnh bụng, muốn trùm veil như đàn bà Ả Rập chỉ hở được cặp mắt thì vẫn là một mí. Cho nên cứ quần bò với áo thun mặc mãi rồi cũng quen.
Cửa xịch mở, Seiko từ ngoài đi vào lịch sự chào tôi. Nó cúi khom đầu xuống, tôi đưa tay thừa thải quên hẳn phong tục. Cho đỡ ngượng, tôi vẫy tay ra dấu gọi thêm tô mì cho Seiko.
– Hôm nay mày đã quen giờ giấc bên này chưa? Seiko hỏi.
– Thật ra chỉ cần một ngày ngủ bù là bắt kịp. Tôi cười, nước mờ mắt vì vừa nuốt kịp cái ngáp dài. Tôi đưa tay ra dấu mời Seiko ngồi.
Quen biết Seiko Nagayama cũng chỉ là một cái duyên tình cờ. Mấy tháng trước đây Seiko được hãng gửi qua Mỹ. Thấy gái Á Đông một mình xa xứ nên tôi có thiện cảm rồi dần dà trở nên bạn thân. Dẫn Seiko đi thăm kỹ nghệ gắn máy xe ở thành phố Detroit không thua gì kỹ nghệ gắn máy xe bằng robot ở Fujisawa. Người Á Đông lịch sự, trầm trồ khen ngợi dù chỉ là một sự giả dối vô thưởng vô phạt. Xứ lạ quê người, tuy vậy Seiko vẫn có cái hãnh diện riêng về văn hoá của mình. Dù sao cũng là con cháu Izagani, Thần Mặt Trời và Hoàng Tộc.
Không hiểu biết thì thôi chứ một khi đã hiểu rồi thì tôi cũng phải so sánh. Ừ, thì đây cũng dòng giống Con Rồng Cháu Tiên, cũng Công Tằng Tôn Nữ chẳng thua ai. Hai văn hoá tuy có sự khác biệt, nhưng vẫn giống hơn những nước khác. Da vàng vẫn thấy gần gũi với da vàng. Dù đôi lúc máy kỳ thị trong người bộc phát, có lẽ tại sinh trưởng ở một nước chiến tranh nghèo đói, nên thấy ai hơn mình cũng đâm ra ghen ghét. Nhật Bản tụi bây chỉ toàn lũ ăn cá sống.
Có lần Seiko thắc mắc hỏi tôi.
– Phụ nữ Việt Nam tụi bay nghĩ gì về đàn bà Nhật?
– Biết cách chiều chuộng đàn ông. Tôi trả lời.
– Tại sao lại hạ thấp phụ nữ của nước tao như vậy?
– Không, ngược lại tao nghĩ đó là cái nhìn tốt ý. Tôi nói thành thật.
– Mày nghĩ như vậy à? Seiko vẫn không tin.
Người đàn bà biết tìm được sự khoái lạc cho chính bản thân mình dĩ nhiên phải là người biết cách chiều chuộng người khác. Phụ nữ Á Đông đa số đóng vai thụ động trên phương diện ân ái vì sợ bị coi là thứ dâm đãng, ngược lại đàn bà Nhật thì khác.
Mà thật vậy, các cụ khi xưa vẫn hay có câu ca tụng một lối sống lý tưởng ở đời. Đó là “Ở nhà Tây, ăn cơm Tàu, lấy vợ Nhật”. Đến như những mẫu đăng quảng cáo trên mấy tạp chí Việt ngữ cũng đề “Kỹ thuật làm tình xứ Anh Đào” sách cho mấy cô sắp bước chân vào ngưỡng cửa hôn nhân. Thì gái Nhật và thẩm mỹ viện không ai chỉ trích, chứ nếu là phụ nữ giới khác thì sẽ bị thiên hạ bàn tán con này sửa mắt cho thành hai mí, con kia bơm vú …
Tôi chăm chú nhìn Seiko, thì đây gái Nhật đang ngồi đối diện trước mặt bằng da bằng thịt. Exotic, tôi chưa thấy ở nó. Cũng chỉ là một đầu, hai tay hai chân như bất cứ ai. Nghĩ đến, tôi thấy bất công cho phụ nữ Việt Nam, giỏi lắm được đăng lên báo cho mấy anh Việt kiều về thăm nhà một công hai chuyện.

“Người con gái thuần tuý Việt Nam – no artificial.
Chiều chồng và thương con – bare foot and pregnant.
Đảm đang công việc nội trợ – household goods”.

Quảng cáo như quảng cáo một món đồ phụ tùng tay chân.
Nhưng, hiện giờ ở đây lèo tèo vài ba người khách, và bà Geisha già bằng tuổi mẹ tôi, tỏ ra hơi có chút thất vọng. Geisha, người phụ nữ đa tài, lâu lâu có người gọi là Geiko, nghĩa nôm na là giỏi. Những ưu điểm mà đa số đàn ông ít khi tìm thấy ở vợ mình.
Muốn làm Modan Geisha thật ra chẳng phải dễ. Họ khác những phụ nữ thường vì họ được dạy dỗ từ thuở nhỏ gọi là Maiko từ những Geisha nhiều năm kinh nghiệm đi trước truyền lại. Nhiều người không biết rõ, thường nghĩ Geisha thuộc vào hàng đĩ sang vì thật sự muốn gần họ không phải rẻ. Cầm kỳ thi họa không thua bất cứ ai, và ca hát họ cũng vượt trên thiên hạ. Nói cho đúng, ai cũng đều là một Geisha, chỉ khác nhau từ môi trường sinh trưởng. Từ nhỏ ai cũng đều bị huấn luyện vào khuôn khổ, phép tắc của gia đình. Một Geisha được dạy dỗ theo nhu cầu đời sống của xã hội và văn hoá.
Bởi thế bên Nhật, nghe đến chữ Geisha ít người vợ nào dám hé môi cấm cản chồng. Họ đâu đứng đường đeo túi đầm trong thủ sẵn bao phòng ngừa. Gần họ chẳng phải lo bị bệnh phong tình hay bị bệnh AIDS.
Cũng có loại Geisha tên Makura Geisha “Geisha chăn gối” hay tìm thấy ở những khách sạn sang trọng. Họ cũng bôi phấn trắng trên mặt, búi tóc cao mặc Kimono. Thay vì rót trà xanh thì lại thay thế bằng whisky hay sake, rồi cặp kè ngã nghiêng cười với khách đi xa, lâu lâu có dịp bỏ vợ con ở nhà.
Thì đây là Narita mù mờ chẳng phải Tokyo ánh sáng về đêm. Không thành phố hai tầng, xe điện ngầm chật chội đẩy nhau chen chúc vào những giờ làm việc hay tan sở. Về đêm lại càng buồn tẻ, những cô gái đứng đường cũng chả mấy ai. Chỉ vẫn là cô gái Nhật mắt một mí và tô mì Nhật nhạt nhẻo điểm vài lát thịt luộc. Tôi ráng nuốt cho qua cơn đói. Những món cá sống tập mãi không quen. Có phần thua người ngoại quốc, chịu khó ngồi cầm đũa gắp Sushi chấm mustard nhấm nháp sake cho bớt mùi tanh. Món ăn gì cũng phảng phất mùi rong biển tanh tanh nên tôi không thích. Dù rằng những món ăn được trưng bày trong cửa kính trước quán trông vào đều hấp dẫn. Một trong những kỹ nghệ làm bằng sáp đèn cầy mà Nhật nổi tiếng.
Seiko ăn mì trông ngon lành, húp nước đến gần cạn.
– Mày qua đây lần đầu thấy bên này ra sao? Seiko ngước mặt lên hỏi.
– Cảnh đẹp và thơ mộng, tao thích.
– Không, tao muốn hỏi sự khác biệt giữa nước mày và bên này như thế nào.
Seiko vẫn có tính tò mò. Thích so bì để cuối cùng hãnh diện coi nước mình là trên hết.
Tôi húp thêm tí nước dùng vào cho ấm bụng. Nhạt phèo! Tôi nhủ thầm. Ờ, nước mày sạch hơn nhiều.
Tôi đang tìm câu trả lời. Nước Việt Nam tôi không hình dung được, so bì lại càng khó hơn. Nhắm mắt, mở mắt, cây dừa nước nào cũng giống nhau. Nước biển nơi đâu cũng mặn.
Hiroshima nhà chọc trời, đèn néon về đêm như ngôi sao, sáng cả một thành phố. Xe cộ đua nhau chạy vùn vụt. Đâu ai nhìn vào đoán rằng cách đây bốn mươi lăm năm về trước thành phố này đã một lần bị xoá tên khỏi bản đồ thế giới. Nhưng khi bụi bom nguyên tử vừa phủ xuống thì công trình tái thiết đã bắt đầu. Bức tường ô nhục dựng lên để rồi hai mươi tám năm sau sụp đổ. Mười sáu năm, nước tôi có Việt kiều lũ lượt về thăm quê hương. Những cô gái bước chân vào nghề làm đĩ, những đứa trẻ bu quanh xin tiền, và thiên hạ vẫn xếp hàng chờ đợi giấy ra đi. Thì cũng chỉ mới mười sáu năm.
Ngày đầu tới đây tôi ngủ li bì. Món ăn Nhật tôi chưa quen và mọi thứ bày bán ngoài đường phố đều đắt ngoài sức tưởng tượng. Nhưng nước Nhật sạch, tối tân và lịch sự tương đối có phần hơn Âu châu. Cầu tiêu công cộng nơi nào cũng thế, đứng lên ngồi xuống nước giật tự động.
Seiko quay qua rủ tôi:
– Cuối tuần này mình lấy xe lửa lên Tokyo chơi đi. Narita nhỏ không có gì để giải trí.
– Lấy Shinkansen-bullet train và Tokyo by night?
Tôi nháy mắt hỏi lại. Một trong những loại xe lửa chạy nhanh nhất thế giới và thành phố ăn chơi chẳng thua bất cứ một nước nào.
– Ừ, Tokyo by night! Seiko mỉm cười.
Seiko Nagayama có dáng dấp trung bình gái Nhật. Mắt hơi xếch không thẩm mỹ viện. Sóng mũi thẳng và cặp môi hồng chúm chím có duyên. Chân nó ngắn, tướng đi hai hàng kết quả của lối bồng bế ngang eo từ lúc tấm bé. Seiko thuộc loại women lib, thích tranh đua vật lộn với cuộc sống mới của nền kỹ nghệ đang thời phát triển, qua bao năm dài tái thiết từ sau đệ nhị thế chiến. Về phần học thức, Seiko là mẫu người đàn bà Nhật hiếm có. Tại vậy nên tình duyên hơi lận đận, chữ tai với chữ tài đều cùng vần ở cuộc sống mà người đàn ông vẫn còn được coi là trên hết. Có lẽ vậy nên bản tính Seiko có phần hơi ngang ngược, bất cần đời của một người bị nhiều chuyện không may xảy ra mà vẫn thành công được.
Tuy vậy đôi lúc Seiko cũng hay tâm sự:
– Mày không biết nhiều lúc tao chán ngấy cuộc sống hiện tại. Phụ nữ bị chèn ép một cách bất công.
– Mày muốn ám chỉ bọn đàn ông?
– Không. Cả một văn hoá và cả một xã hội. Seiko thở dài.
Seiko Nagayama điển hình cho giới phụ nữ của thập niên 90 loại Modan Garu, mà nhiều người cho rằng bị mất đi bản chất của một phụ nữ Á Đông. Chữ nôm na mà những bà mẹ chồng thường dùng là thứ gái nổi loạn. Không phải chỉ riêng gì mình nó mà không biết bao nhiêu người bị xã hội kết án là thành phần mất gốc, dù hành động của họ không gì ngoài bù đắp thêm sự phong phú cho lịch sử loài người. Chính những phụ nữ như Seiko mới là người có tinh thần Yamato Damashii của một người Nhật thật là Nhật. Một loại “Esprit Gaulois” của giới trẻ biết tiến thân.
– Nếu tao mà ly dị vào khoảng thế kỷ 13 đâu đó thì chắc có nước lên chùa Tokeiji để sống.
– Tại sao? Tôi ngạc nhiên.
– Ừ, thì chùa đó chỉ toàn đàn bà bị chồng bỏ họ hàng không ai dám chứa, hay những nàng dâu bị mẹ chồng ngược đãi. Nếu sống trên đó đúng ba năm, một thứ legal separation đó mà. Seiko cười nói tiếp, thì họ có quyền được cho ly dị.
– Nước tao không có loại chùa như vậy hay có mà tao chưa bao giờ nghe đến. Cho nên cái cảnh mẹ chồng nàng dâu, cứ hết đời này đến đời sau vẫn còn mãi tái diễn như các chương trình “re-run” trên truyền hình.
Seiko thở dài.
– Tội nghiệp thằng chồng tao, nó không có chùa nào để tu. Tao ly dị nó, cả gia đình nhà nó và cả giòng họ bên tao đều mang tao lên án.
– Mày còn đỡ, bà chị tao bị chồng bỏ để theo gái vậy mà gia đình không bênh vực lại còn trách là không biết giữ chồng.
– Bởi vì con người vẫn chưa dám chấp nhận được sự đổi mới.
Seiko ngẫng mặt lên nhìn.
– Đúng không mày?
– Thời gian vẫn thắng con người. Tôi trả lời.
Chồng chúa vợ tôi cái đó cũ rồi. Narita vẫn có phần nghiêng về xưa. Niko Nagayama, anh Seiko ở chung cùng nhà, tôi tình cờ được gặp hôm bước chân xuống phi trường quốc tế Narita . Hôm đó có vợ chồng Niko đến cùng. Yoko, người mảnh mai, chỉ biết đứng sau chồng cười chào khách. Nguyên lộ trình từ phi trường về nhà, tôi không thấy Yoko nói câu nào. Nhà Niko thuộc thành phần trung lưu, chồng kỹ sư vợ giáo viên trường làng cũng dư dả sống. Nhà nhỏ nhưng gọn gàng ngăn nắp. Những cánh cửa gổ dán giấy shoji hình sông núi không loè loẹt trông mát mắt.
Dân Nhật sống tằn tiện mà Yoko đúng là một Geisha nội trợ. Người đàn bà Nhật của những cung phụng không đòi hỏi. Đón chồng về cũng lịch sự như chào khách qua đường. Không một cử chỉ âu yếm hoặc một đụng chạm nhẹ nhàng của những cặp vợ chồng thời nay dù tuổi họ chỉ trên dưới bốn mươi.
Tôi đứng quan sát cảnh Yoko treo áo cho chồng, cúi khom người xếp giày dép ngăn nắp đâu vào đấy như mường tượng thuở xa xưa, khi tôi chưa sinh ra đời.
Flashback – nghe đâu phụ nữ đa số như vậy. Đời ông tôi có vợ lẽ nàng hầu lôi thôi trăm chuyện. Qua đến đời cha có phần kính nể vợ. Mẹ tôi xoay sở làm ăn áp phe hụi hè nên tiền vào vẫn hơn đồng lương công chức của chồng. Đến đời tôi tương đối nhẹ thở, việc nội trợ không cần phải lo lắng. Bên này ai cũng đều đi làm mới có đủ tiền mua nhà tậu xe và trả nợ. Chồng vợ bận bịu ngang nhau, chồng rửa chén lo công việc nhà không gì lạ để phải cười. Đồ ăn hộp, tivi dinner và nút bấm microwave. Tình mẫu tử mang nặng đẻ đau, lâu lâu mấy bà mẹ thương xót con thì chỉ biết thở dài, rủa thầm trong bụng trách thời vận đổi thay. Than quá sợ cuối tuần con dâu nó không chở đi shopping thì phiền. Thân già lại không thạo tiếng, lấy xe bus nhỡ lộn đường biết đâu mò về nhà. “Ôi, thì cũng tại mất nước”.
– Tối nay chắc tao không về nhà ông anh đâu. Seiko nhìn đồng hồ đeo trên khuỷu tay. Về khuya hàng xóm dị nghị mất công.
– Thì mày ngủ lại với tao đâu có sao. Tôi rủ.
– Ngày mai sáng sớm tao về cũng còn kịp. Seiko lại tính toán giờ giấc cho tiện việc đi lại. Về sớm tao lo thu xếp quần áo để đi Tokyo. Có mày đi cùng thằng anh tao đỡ kỳ kèo mà hàng xóm cũng khỏi dị nghị. Mày cũng hiểu, Tokyo không phải là chốn cho phụ nữ đi chơi một mình.
– Thì tuỳ mày. Tôi nhún vai hơi khó chịu. Anh mày kỳ kèo thì đã sao. Vợ nó nó lo, chứ con em cũng ngoài ba mươi tuổi đầu, đã một lần ly dị cơ mà. Cha mẹ dạy dỗ, có trách nhiệm với con cái đến một tuổi nào thì hết. Tuổi đó chẳng lẽ thiên hạ nói vào mặt đồ con nhà vô giáo dục hay sao. Nếu có làm đĩ thì bất quá chửi mày con đĩ, chứ cha mẹ nào dạy con làm đĩ bao giờ.
– Phải chi mày ở nhà tao thì vui biết mấy. Tự dưng đòi dọn ra khách sạn ở chi cho tốn tiền. Seiko trách tôi.
– Ở ngoài tiện việc đi lại hơn. Vả lại mày đi nguyên ngày tao ngồi nhà nhìn mấy cây bonsai chán chết. Tôi phân trần. Tao ở Minsuku cũng rẻ. Gần ngay chợ, sáng dậy có người làm sẵn cơm cho ăn, tối ngủ sàn tatami, thế mới học hỏi được phong tục tập quán của nước mày. Tôi cười.
Ở nhà Seiko tôi ở được. Có điều cứ phải lo tự nhắc nhở mình tháo bỏ giày ra trước khi vào nhà. Phong tục người ta mình không theo cũng kỳ. Người ta sợ ma treo bùa trước cửa, kẻ sợ đất cát làm ô nhiễm hạnh phúc gia đình. Không tin thì ít ra tôn trọng. Đi chơi mà cứ phải bị vào khuôn khổ phép tắc thì tôi thấy khó chịu, thà dọn ra ngoài ở mà thoải mái và tự do hơn.
Có một điều tôi chưa quen là nhìn cảnh chồng người ngồi chồm hổm, trần truồng xối nước ào ào ở phòng tắm không cửa che. Nếu là bãi biển khỏa thân, hay soputando – hồ tắm công cộng hoặc Beppy – thị trấn của những suối nước nóng thiên nhiên. Thiên hạ ngồi trần truồng kỳ cọ cho nhau thì càng vui, tắm một ngày hai ba bốn lần chưa chắc gì đã đủ. Đằng này bàn thờ Shinto đối diện ngay cửa ra vào, ngoài nhà những vật dụng nhân tạo được chế biến theo cảnh thiên nhiên… Có những cầu Bắc ngang hồ nước nhỏ, rừng cây bonsai và đàn cá vàng lội xung quanh. Nhìn vào cảm giác của một sơn thủy rộng bao la. Tự nhiên đâu đó thập thò bộ mông trần truồng lấm tấm nước từ bể đá xối ào ào.
Mỗi lần nhìn Niko tắm là tôi liên tưởng ngay đến đô vật Sumo. Cột khăn lụa đằng trước che bộ phận sinh dục, như mấy anh thể thao baseball, đằng sau khăn lụa chạy dài vào kẻ hở như một loại quần tắm đang bị cấm mặc ở vài tiểu bang nước Mỹ như Florida chẳng hạn. Đôi khi làm tôi thắc mắc không biết nhà vẽ kiểu nào sáng tạo ra bộ quần áo tắm, đã lấy ý từ đâu.
Phòng tắm nhỏ như khán đài Dohyo, Niko đưa tay ra sau kỳ cọ lưng như nhà đô vật Sumo đang ném muối ra sau lưng trừ ma quỷ. Hai chân banh ra, họ ngồi xổm, nhìn nhau chờ đợi như hai con rắn đang thôi miên lẫn nhau. Đôi khi lâu đến gần năm phút, trước khi sửa soạn hất đối thủ ra khỏi khán đài. Môn thể thao này tôi hoàn mù tịt nên kiến thức non kém không đánh giá được cái hay của nó. Tôi chỉ phục lối ngồi xổm của họ. Người Việt Nam ngồi xổm cũng nhiều, nhưng nặng trên hai trăm pounds mà ngồi lâu được như vậy thì thật chẳng phải dễ làm. Tôi có cái tướng đi đứng như đàn ông, vậy mà ngồi xổm tôi không làm được. Cái thú “Joie de vivre” của tôi là đọc sách mỗi khi đi cầu. Khổ nỗi, cầu tiêu bên Nhật xây theo lối chôn sâu dưới đất. Lần đầu tiên dùng, tôi không biết mình nên ngồi xoay mặt vào trong hay xoay ra ngoài. Kế đến phải lo khỏi bị té ngửa ra đàng sau. Ngồi một phút thử, tôi ngồi được, qua đó phải dang tay áp vào tường cho có thế, tay chân nào để còn cầm sách báo.
Than thở với Seiko, nó lăn ra cười bảo:
– Mày ở Nhật lâu rồi sẽ hết bị bịnh trĩ. Càng thích có gì mà càu nhàu.
– Mình đi Tokyo, tao dẫn mày đến Kabuki-Cho, vào hộp đêm disco xem gái nhảy cởi truồng. Seiko hăng say rủ.
– Kabuki-Cho? Tôi chưa kịp hỏi hết câu Seiko đã vội giơ tay ra dấu khe khẽ.
– Mày muốn học cách chiều chuộng người yêu thì nên vào chỗ này xem. Đây không phải Chippe “N” Dales, nhưng đàn bà có mặt không phải là không có. Seiko giải thích, tôi thú vị ngồi nghe.
– Giá vào cửa hơi đắt nhưng tiền nào của nấy. Có ghế salon bằng da êm ái, một người một ghế, ánh đèn màu chớp nháy theo điệu nhạc. Những cô gái nhẩy rất đẹp, đa số độ chừng mười lăm mười sáu tuổi. Hai đầu vú chụp hai cái nón, giống như nón lá nước mày, lua tua vài sợi dây kim tuyến. Mỗi lần họ đi động, những sợi dây óng ánh từ đèn màu chiếu vào trông rất ngoạn mục.
Seiko kéo tôi lại gần thủ thỉ vào tai. Ở dưới tụi nó để trống, không có đến một sợi kim tuyến. Tụi nó nhảy múa theo những kiểu làm tình, hai ba chục kiểu gì đâu đó, hoà cùng điệu nhạc, trong lúc thiên hạ ngồi nhắm nháp rượu thưởng thức.
– Chắc mấy tên đực rựa tha hồ sờ mó. Tôi hỏi chơi, ai ngờ nó tưởng thật lắc đầu nguầy nguậy.
– Không được đâu. Đôi khi tụi nó đứng ngay trước mặt, lắc qua lắc lại, hai đầu vú nẩy lên như chong chóng, nhưng luật lệ cấm không cho đụng chạm nên chả ai dám. Đụng vào là có người mời ra cửa ngay. Họa may nếu họ tự động ngồi vào lòng khách thì may ra còn gỡ gạc được đôi chút.
– Nếu vậy mấy anh buồn chết. Tôi nghĩ đến những hộp đêm mù mịt khói thuốc với những bảng hiệu “Live girls- Nude Nude Nude”, và những tờ giấy một đồng được nhét vội vã vào quần lót.
– Buồn cái nỗi gì. Môi Seiko trề ra. Mày không biết, mấy tên đàn ông nước tao, nó càng mặc suit thắt cà vạt bao nhiêu, ban ngày dương oai la hét, đứng điều động công nhân, không lộ một tí tình cảm gì, ban đêm tụi nó bỏ vợ con ở nhà, chui đầu vào Kabuki-Cho. Tụm ba tụm năm cười nức nẻ, ôm gái vào lòng sờ soạng và nốc rượu không biết mệt.
– Bên tao không có Kabuki-Cho nhưng có karaoke bars. Tôi nói
Gái bia ôm đâu được luật lệ bảo vệ, nghĩ như vậy nên sự ghen tức làm tinh thần dân tộc bùng lên. Thì tính xấu, mùi kỳ thị như mùi dầu Nhị Thiên Đường da vàng, cà ri Ấn Độ của cả một nền văn hoá, làm sao một sáng một chiều gội bỏ được. Hơi đâu giải thích cho Seiko biết làm gì.
– Sao mày rành Kabuki-Cho vậy? Bộ hay đến đó lắm hay sao? Tôi tò mò.
– Đâu, chỉ đúng có một lần. Đi cùng với chồng. Thật buồn cười! Seiko đưa tay che miệng. Tao nhìn mấy cô tourist Mỹ, mặt hết đỏ rồi đổi qua xám như đèn đường, cạnh mấy ông chồng đang há hốc mồm xem.
– Nhưng đàn bà con gái vào một mình kỳ chết. Hay mình làm dân tourist, tôi cho Seiko ý kiến.
Chỉ cần mặc quần bò, áo T-shirt đề chữ “Born in the U.S.A.” đằng trước, hình Bruce Springsteen đằng sau. Vì dù sao, tôi với Seiko đều dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính. Tourist ở những chỗ như vậy đàn bà ra vô ít người để ý. Đường Pigale bên Tây xe tour bus đậu chật vỉa hè, thiên hạ đàn ông đàn bà dập dìu qua lại ngắm poster cởi truồng. Đến mãi tận Bois de Boulogne cũng vẫn có tour bus chạy ngang.
– Kỳ này cần gì phải làm tourist. Bên này có Lady’s Night, $1 dollar Margarita, có đàn ông mặc string bikini lủng lẳng dollars dính đầy quần. Vừa được đụng vào mà cũng được hôn. Vậy mình vào xem gái nhẩy không được hay sao? Seiko lý luận khiến tôi bật cười.
Người cuối cùng rời khỏi quán là hai chúng tôi. Cô bồi bàn đưa tay che miệng ngáp, cử chỉ đuổi khéo khách, đến giờ đóng cửa xin làm ơn trả tiền.
Trời về khuya, Seiko vội vàng theo tôi về Minshuku.
Giờ cũng trễ, ngày mai nó còn dậy sớm trước khi mọi người tỉnh giấc.
Narita vẫn có phần nghiêng về xưa.

Vũ Quỳnh N.H.
Trích VĂN số 117, tháng 3-1992