23 November 2017

QUẾ LÀ AI? - Trân Sa

Bạch Hồng. Sáng hôm nay tôi ngồi mãi để nghe tiếng chim hót. Không biết chúng nói cái gì với nhau hay với ai mà cứ huyên thuyên mãi như vậy từ sớm. Hình như những con chim sẻ màu xám nâu này không hề biết buồn. Âm thanh của chúng khi nào cũng trong trẻo, vui vẻ và ngây thơ. Giữa những tiếng hót ngắn của se sẻ, tôi có nghe được một tiếng chim lạ. Nó hót, “chuýt-chìu, chuýt chuýt chuýt chuýt.” Tiếng hót như đi vút qua theo đường bay, mạnh mẽ, lã lướt. Tôi chồm người ra tìm nhìn con chim lạ. Nó đã bay mất. Tôi chúm môi, bắt chước huýt theo tiếng chim rồi cười một mình.


Nhìn từ cửa sổ, cây hồng trắng của tôi đã nở ra vài đóa hoa. Tí nữa tôi sẽ ra vun đất và tưới nước cho hoa, trước khi mặt trời lên quá cao. Yêu một đóa hoa, là yêu cả đất, nước và ánh nắng đã nuôi dưỡng cho hoa. Cũng như yêu một người là yêu tất cả những gì người ấy yêu thương.

Mấy hôm nay trời nóng bức không chịu nổi. Mỗi ngày tắm một lần mà mình mẩy vẫn cứ rít rát khó chịu. Chiều đi làm về phải nhớ ghé mua thêm phấn thơm. Lại sẽ đi làm trễ nữa rồi. Sáng nay dậy trễ, nhất định là không đủ thì giờ để tắm gội. Năm bảy năm về trước sao tôi dậy sớm tài thế. Sáu giờ sáng đã nhảy vào phòng tắm vặn vòi sen xối ào ào. Đến sở khi nào cũng sạch sẻ thơm tho và tóc mới gội sấy bềnh bồng. Lúc ấy áo quần lúc nào cũng thẳng thớm lượt là. Hai ba tuần lại đi mua sắm đồ mới ở các boutique sang trọng. Bạn Canadian trong sở vừa khen tặng vừa có phần ganh tỵ, “Bồ chẳng phải là một trong những boat people, phải không?”. Thời ấy qua rồi. Bây giờ tôi chẳng còn muốn chứng minh một điều gì hết. Bây giờ tôi chỉ chưng diện theo hứng.

Tôi đánh răng. Nhúng khăn trong nước ấm để lau mặt. Không có thì giờ tắm, tôi lấy khăn ướt lau khắp mình cho sạch mát. Rồi rửa ráy phía dưới. Đàn bà con gái phải rửa ráy dưới đó trung bình mỗi ngày hai lần. Một đứa bạn gái có dạy khơi khơi, “Trước và sau khi làm tình, đều phải tắm rửa cho sạch sẽ”. Nó không biết hai năm nay tôi chưa gần đàn ông. Bảy tám năm nay tôi chỉ gần có hai người. Mỗi người chỉ vài ba lần và người này cách người kia đến ba bốn năm. Hôm trước bà bác sĩ J. hỏi tôi có muốn dùng thuốc ngừa thai không. Tôi nói, “không cần, có gần đàn ông đâu mà dùng thuốc.” Bà ta trợn mắt. Bà bác sĩ ơi, đối với Tây Mỹ, tôi là đứa đàn bà cù lần thiếu sex, nhưng đối với một số người thích bảo tồn văn hoá Việt Nam kiểu cực đoan tôi lại thuộc loại cà chớn rồi. Vì tôi độc thân mà đã biết dăm ba người đàn ông, có ăn ở với họ mà không cưới hỏi đàng hoàng.
Khi cởi áo ngủ để thay vào chiếc váy ngắn màu trắng và áo sơ mi lụa màu tím nhạt, tôi ngắm mình trong gương. Phần mặt và cổ rám nắng nhưng từ ngực trở xuống trắng nõn. Ngực còn tròn đầy, chưa đến nỗi nào cả. Hai núm ngực nhô ra khiêu khích, chưa từng cho con bú. Tôi nhớ một đứa bạn khác than van, “cho bú đau thấy mồ. Mình thiếu sữa, thằng con thì cứ nhai nhai muốn nát hai cái vú. Mỗi ngày nó nhai hai ba tiếng đồng hồ, chết luôn !” “Nhưng mà có con thì thương lắm”. Tôi chưa biết được cái cảm giác thương dịu dàng đó. Có lúc tôi cũng thèm có đứa con. Tôi thích cái bụng mình phẳng thật phẳng. Thế nào cũng phải sit up, bơi lội, chơi bóng bàn nhiều hơn. Những ý nghĩ lung tung ấy xẹt qua xẹt lại trong đầu tôi trong vòng mấy phút của khoảng thời gian vệ sinh thân thể và thay đổi quần áo.
Bạch Hồng thân yêu. Hôm nay tôi nhớ cái nốt ruồi son trên ngón tay út của Bạch Hồng. Đừng có cười tại sao tôi vẫn còn nhớ cái điểm son nhỏ xíu ấy dù đã rất lâu rồi mình chưa hề gặp lại nhau. Tôi nhớ một buổi trưa chúng ta ngồi dưới cây hoàng hậu. Bạch Hồng mặc áo bà ba màu trắng dịu và hoa hoàng hậu màu tím ngát xung quanh. Tôi cầm tay Bạch Hồng lên và nhìn thấy một nốt ruồi son đỏ thắm ở ngón tay út xinh xắn của Bạch Hồng. Tôi muốn hôn nhẹ cái ngón tay út ấy nhưng lại sợ làm Bạch Hồng giận. Nên tôi chỉ dám úp mặt mình lên lòng bàn tay của Bạch Hồng thôi.
Vậy mà Bạch Hồng cũng giận và từ chối không gặp tôi bao giờ nữa. Mười lăm năm rồi, có lẽ Bạch Hồng không còn nhớ?
Tôi thì vẫn nhớ rất rõ. Những buổi chiều liên tiếp đến tìm Bạch Hồng. Mẹ luôn luôn trả lời Bạch Hồng không có nhà. Có chiều tôi vừa nghe mẹ nói thế vừa ngước lên nhìn thấy bóng Bạch Hồng đứng lấp ló nửa mặt sau cánh cửa sổ màu nâu viền bóng tối trong màu chiều xam xám, buồn buồn. Có chiều tôi đi ra cổng, đứng yên lặng dưới vòm bông giấy xum xuê và nhìn lên phòng Bạch Hồng. Tôi đứng đó từ chiều tối đến đêm khuya. Cái bóng Bạch Hồng mảnh mai nhẹ nhàng đi qua lại dưới ánh sáng trắng của đèn néon và ánh trăng, đẹp như một điệu múa chầm chậm không nhạc đệm. Có lúc tôi cảm thấy muốn khóc vì cái đẹp ấy. Có lúc tôi run rẩy đưa tay lên như là xin. Rồi Bạch Hồng biến mất. Chỉ còn màu trăng bạc lấp lánh trên những chiếc lá im lặng và bất động.
Tôi lái xe chầm chậm phía sau chiếc vận tải có vẽ hình ba chai sữa. Phía bên phải xe vùn vụt chạy tới, không đổi lane được. Tôi tháo giày ra, vừa mát chân vừa tránh khỏi bị mùi. Có một anh bạn ưa bàn chuyện văn hoá nghệ thuật nhưng ít thích rửa chân thay vớ. Một buổi tối tôi và đám bạn đang ngồi nói chuyện, anh đến chơi, tháo giày để ở cửa đàng hoàng và vào bàn nhập bọn uống trà với tụi tôi. Anh kể chuyện rất hay, nhưng tôi phải rời bàn tới một góc phòng ngồi chơi với đám con nít đang trang hoàng vẽ vời cho mấy con vịt sành, vì không thể nào chịu nổi mùi hôi rất nặng nề từ gầm bàn bốc lên.
Chiếc vận tải chạy rù rì. Tôi chợt nhớ lại giấc mơ quái đản đêm qua. Trong giấc mơ, tôi bị V. đè xuống, ghì chặc hai cánh tay tôi bằng hai cánh tay lực lưỡng của hắn. Mặt mũi hắn thô xấu, da cứng sần, miệng cười rất gợi dục. Hắn chiếm đoạt tôi dễ dàng. Tôi không chống cự gì hết, lúc sau lại hưởng ứng nữa là khác. Tôi đã có cảm giác thỏa mãn. Tinh thần không bị tổn thương gì cả. Chuyện xảy ra rất nhanh. Nhanh đến độ buồn cười. Không ai vuốt ve âu yếm ai. Không tình yêu. Và V. tan biến ngay lập tức trong giấc ngủ tối đen. Kỳ cục thật, tôi và V. không hề có quan hệ gì, chỉ thuần tuý bạn làm ăn buôn bán. Tôi không bao giờ nghĩ ngợi mơ tưởng gì đến V. Hắn bình thường . Về mọi mặt không có gì thu hút, hấp dẫn. Chỉ vì chiều hôm qua đến văn phòng hắn ký hợp đồng cho một vụ hùn hạp, tôi nhìn thấy tấm ảnh V. và vợ hắn đứng ôm nhau cười sặc sụa trên bãi biển ? Tấm ảnh treo trên một góc tường, gần đống giấy tờ bừa bãi. Tôi chỉ nhìn thoáng qua, nghĩ thầm cái mặt V. sao mà thô tục, môi hắn dày và chu ra làm như đang hôn, kiểu cách nham nhở. Có vậy thôi ?
Rồi tôi nghĩ đến Quế. Đến buổi trưa ngày xưa dưới cây hoàng hậu. Anh dịu dàng nâng tay tôi lên, ngắm như ngắm một viên ngọc quý. Anh mỉm cười nhìn cái nốt ruồi son rồi nhẹ nhàng lật ngữa bàn tay tôi, chạm mặt lên đó. Những cọng râu lún phún của Quế đụng xót lòng tay tôi. Cảm giác kỳ lạ ấy làm tôi sợ hãi. Tôi giật tay lại. Quế ngạc nhiên, bối rối. Anh hỏi :
“Sao vậy ?”
“Hồng không thích như vậy. Hồng không thích anh làm như vậy tí nào !” tôi đáp, không nhìn anh.
“Giận hở ?”
“Không có giận. Nhưng từ nay về sau đừng có như vậy”.
“Xin lỗi nghe”.
“Không lỗi phải gì hết.”
Tôi ngồi im không nói gì nữa cho tới khi Quế ra về. Mặt Quế buồn thiu. Mặt Quế, tôi chỉ còn nhớ mang máng. Mắt đen, mũi cao, miệng rộng, khi cười rất tươi. Nét thanh tú, nghệ sĩ. Chỉ có nước da hơi xanh như người thường phải thức quá khuya.
Từ đó tôi trốn Quế. Bởi vì sau bữa trưa ấy, tôi bắt gặp mình thỉnh thoảng cứ nhìn xuống bàn tay và cứ bị ám ảnh bởi cái cảm giác xót và ấm mà môi cằm của Quế đã tạo ra. Tôi bị xáo trộn giữa sợ và thích. Tôi chỉ mới mười tám tuổi mà. Tôi chưa từng đụng chạm như thế với đàn ông. Quế thì đã là đàn ông, đã có những kinh nghiệm với đàn bà, thế nào Quế cũng đưa tôi vào chuyện “tội lỗi” ấy. Tôi phải tránh như thế, nếu không tôi sẽ sa ngã mất. Tôi biết tôi sẽ rất yếu đuối trước Quế. Tôi chưa sẵn sàng mà. Mẹ thì cứ dặn lui dặn tới, “cẩn thận nghe con. Đừng có nghĩ đến những chuyện bậy bạ. Phải học cho xong đại học đã”.

Không gặp Quế nữa nhưng tôi có nhớ Quế nhiều lắm. Có đêm tôi để môi lên lòng bàn tay và ôn lại những ngày tháng của tôi và Quế. Tôi nhớ giọng ấm dịu của anh. Tôi không biết giải thích thế nào cho anh hiểu tại sao tôi phải tránh. Và chưa kịp giải thích thì Quế đã đi mất. Từ trưa hôm ấy đến ngày 28 tháng tư 1975, chỉ có một trăm ngày.
Bạn trai cùng phòng của Quế đưa lại cho tôi những gì Quế dặn. Cái dù Quế mượn tôi một ngày mưa, mấy cuốn sách, một bức tranh vẽ thật mềm mại thơ mộng hình ảnh cô gái tóc dài đứng trên lầu, tóc và áo nhuộm màu trăng bạc lạnh trong trời đêm xanh đen thăm thẳm, một bức vẽ chân dung Dostoyevsky, một bức vẽ mắt và râu của Nietzsche. Hai bức sau Quế dùng màu đen, đỏ thật nóng, thật dữ dội.

Tôi khóc lặng lẽ. Tôi trách Quế, trách tôi.
Bạch Hồng yêu dấu. Chiều hôm nay tôi đi bộ trong nắng chiều nhàn nhạt suy nghĩ về nụ cười. Có khi tôi ước chi mình chỉ cười chứ không biết khóc và không cần nói ; và nụ cười kia có khả năng diễn đạt hết tất cả mọi tâm tình của tôi đối với nhân loại và vũ trụ. Có khi tôi lại biết rằng mình chỉ là một hạt bụi và hạt bụi thì không muốn tỏ bày gì hơn ngoài hành động làm hạt bụi thế thôi.
Và có khi, như bây giờ đây, tôi thấy mình có phần điên rồ khi giữ mãi một tình yêu chứa đựng quá nhiều ảo giác. Tôi vẫn giữ mãi nụ cười dịu dàng trong sáng hồn nhiên của Bạch Hồng trong trí nhớ, dù tóc tôi bây giờ đã bắt đầu sợi bạc. Không, tôi chẳng còn trẻ nữa như ngày nào đã đạp xe chở Bạch Hồng đi loanh quanh những con đường lá xanh, nghe gió và Bạch Hồng ca hát những nốt Tristesse lãng mạn. Nhưng mà sao chiều hôm nay, những chiều hôm nay, hồn tôi vẫn còn rung lên những cảm giác yêu nhớ mơ màng như thuở còn thơ trẻ. Những cảm giác làm tôi tự càu nhàu xấu hổ. Tôi đâu có còn trẻ. Tôi đâu có còn…
Tôi có còn không ? Một mùa hè cuối cùng ? Tôi có được nhìn thấy lần nữa không, sự mầu nhiệm của mùa Hạ ? Có được tặng không, màu sắc rực rỡ em, sự quyến rũ em, chất men em, sự sống ? Có được nhắp lần cuối không, cái vị cay nồng của ly rượu tôi tưởng chỉ hề có trong tưởng tượng.
Cái xe vận tải ba bình sửa rốt cuộc cũng quẹo trái trả đường lại cho tôi. Tôi nhấn ga phóng vút. Tôi cảm thấy giận dữ vô cớ.
Quế đi rồi. Gia đình tôi dọn về một chỗ ở khác khi ba tôi đã vào tù cải tạo. Tôi không biết gì về Quế cả. Tôi quên dần Quế đi. Đời tôi bắt đầu xảy ra nhiều chuyện tôi không bao giờ ngờ tới.
Thí dụ như chuyện tôi bị tù cả năm vì tội vượt biên. Ở tù tôi bị ghẻ lở khắp người. Tôi dơ dáy xấu xí ốm o như một con cá ươn đem làm mắm. Tôi lượm từng hạt cơm dưới đất để ăn kẻo uổng. Tôi không có cả giấy vệ sinh để thế băng lót khi có kinh nguyệt. Tôi lầm lì nghi ngờ mọi bạn tù. Tôi khám phá xác một người đàn bà treo cổ – bằng vải xé từ quần sa tanh nối lại- trong cầu tiêu. Tôi giận dữ oán ghét con người. Ra tù tôi bị quản thúc kỹ. Gã công an khu vực theo dõi đường đi lối về của tôi. Một đêm, hắn cưỡng hiếp tôi ở vườn sau của nhà tôi khi mẹ tôi vừa đi vắng. Hắn vùi dập đôi môi chưa từng biết hôn ai. Hắn bóp nát đôi vú chưa ai từng chạm đến. Hắn kéo xoạc đôi chân và làm rách toạc tiết trinh của tôi mà không chút thương xót. Rồi hắn cười hà hà, “Em thành đàn bà rồi đó. Em đã biết mùi đời. Nhưng đừng có hé môi, nếu không muốn vào tù ở tiếp.”
Tôi không hé môi. Tôi kinh khiếp nhà tù. Tôi vào phòng trùm chăn run bần bật như kẻ bị sốt rét. Sáng hôm sau tôi ra vườn nhìn lại dấu trầy trụa còn hằn trên đất. Tôi cố tìm những giọt máu thấm trên đất nhưng không còn thấy. Có lẽ chúng không là gì đối với đất.
Thí dụ như tôi bắt đầu đi bán chợ trời. Tôi hiền lành yếu đuối quá so sánh làm sao với dân buôn thứ thiệt. Tôi bị bắt chẹt, lấn áp, lừa đảo. Giọng tôi nhẹ nhàng, êm ái quá. Tôi bị nạt nộ, hâm dọa, chửi rủa. Tôi tập “ngầu” dần. Tôi cũng to tiếng được dần. Tôi cũng biết xăn tay áo chửi thề. Tôi mua bán quần áo cũ, thuốc lá sợi, đồng hồ, thuốc tây…Bất cứ cái gì. Mua một bán hai, ba. Không để ai giựt mối. Tôi cũng có đàn em đàn chị như ai. Tôi cũng lên xe đò liếc mắt đưa tình với tài xế nhờ họ dấu hàng. Tôi cũng biết đưa đẩy hẹn hò với những đòi hỏi trao đổi của công an, tài xế lẫn lơ xe.
Mẹ tôi rơi nước mắt. Bạch Hồng không còn là cô bé lãng mạn mơ mộng hiền lành xưa. Hai mươi mốt tuổi, Bạch Hồng vừa nuôi mẹ, nuôi ba, vừa để dành từng chỉ vàng cất kỹ. Mỗi chỉ vàng là bao nhiêu mồ hôi nước mắt của tôi. Cả ngàn vạn giọt mồ hôi nước mắt thầm lặng ấy vẫn không đủ cho một chỗ ngồi bó gối trên ghe. Cuối cùng tôi phải cầu cứu đến một gã đàn ông từ Pháp về. Gã giàu có, tôi hỏi mượn hai lượng vàng gã không ngần ngại gì hết. Có điều tôi phải giúp vui cho gã suốt hai tháng về thăm quê hương của gã. Tên công an khu vực đã hái chiếc hoa đầu tiên của cành tôi. Tôi nhắm mắt trao gã đàn ông lai Pháp đóa hoa kế tiếp. Gã này mê say ân cần đối với tôi. Tôi có khóc tủi thân nhưng không đau đớn như lần đầu. Tôi làm được hết những việc đó khi nghĩ đến tương lai của tôi và ba mẹ tôi. Tôi cần đưa ba mẹ tôi ra khỏi chốn đày ải này. Lần thăm nuôi cuối cùng, ba tôi nói, “Đi được thì đi đi. Con khác xưa nhiều lắm rồi. Ba đau lòng thấy con càng lúc càng phải phong trần dày dạn như thế này”. Tôi cười, “Bắt phong trần phải phong trần”…mà ba. Ba cũng cười. Miệng chẳng còn bao nhiêu răng. Lúc ấy ba cũng đang bị phù thủng và kiết lỵ.
Nụ cười buồn rầu của ba nhìn mà xót ruột. Ngày xưa ba nâng niu bảo vệ tôi từng ly từng tí. Không ai dám cợt nhã xúc phạm tôi trước đôi mắt lừ đừ nghiêm khắc của ba. Tôi muốn gì được nấy. Tôi hắt hơi một tiếng ba cũng giật mình. Ba chọn từng cuốn sách cho tôi đọc. Ba không để cho bất cứ điều gì có thể làm vẫn đục linh hồn tôi. Ngày xưa, ba thường nhìn tôi lắc đầu cười thật âu yếm, “Cô công chúa của ba ! Ồ, cô công chúa của ba !”
Tôi đi. Hai môi mím chặt không khóc. Mẹ tôi thì khóc suốt ngày. Tôi cởi sợi chuyền vàng trên cổ để lại cho mẹ. Tôi nói, “Mẹ đừng khóc nữa. Ít năm nữa con sẽ đón ba mẹ qua. Con sẽ không sao cả đâu. Mẹ tin con đi !” Tôi sắp đặt ngày mai của chúng tôi chắc chắn, rõ ràng như thế.
Tôi không có ngờ ba năm sau mẹ tôi chết vì bệnh ung thư. Tôi nhận thư báo tin của ba tôi sau một ngày vừa học vừa làm việc mệt nhoài. “Thôi, ba già rồi, già rồi, già quá rồi. Ba mệt mỏi quá, không còn muốn đi đâu, không còn muốn làm gì nữa. Ba ở lại trông mộ cho mẹ con thôi. Con phải hứa với ba là tìm một người vừa ý, lập gia đình, sống hạnh phúc ở bên đó.”
Nước mắt tôi rơi đầy trang thư. Đọc xong tôi đưa lá thư lên trời và hét khan cả tiếng. Tôi đập đầu vào tường khóc la thảm thiết. Tôi chẳng còn gì để đợi. Tôi chẳng còn gì để tin. Tôi chẳng còn cái đếch gì trên cõi đời này cả. Ngay bây giờ tôi cũng có thể chết đi mà không có gì nuối tiếc.
Bạch Hồng. Tôi đang đắm chìm trong một thế giới riêng với một hình ảnh hầu như chiếm trọn. Hình ảnh đó, tôi không muốn cho phép bất cứ một thực tế nào làm lung linh nhoà nhạt đi. 
Hôm nay tôi nghe một tiếng nói âm hao mường tượng tiếng nói của Bạch Hồng, hồn tôi xôn xao rộn ràng cảm động. Ôi tôi yêu tôi yêu bất cứ những gì gợi nhớ tới em.
Tại sao khi yêu thương một người, tôi lại có cảm giác yêu hết cả loài người trên trái đất ? Bạch Hồng, có phải em là người đại diện đáng yêu nhất của trần gian đã chọn gửi đến cho tôi ?
Ôi nhớ ! Nỗi nhớ hạnh phúc. Sao mà hạnh phúc gặp lại Bạch Hồng. Có lẽ đây là khoảng thời gian hạnh phúc nhất đời tôi. Tôi có từng mất em đâu. Chúng ta có hề xa nhau đâu. Chúng ta chỉ mới vắng nhau trong một cái chớp mắt. A, một cái chớp mắt đủ làm bạc tóc xanh.

Tôi đậu xe dưới một gốc cây cuối bãi đậu xe. Như thế thì trưa nay ra xe tôi đỡ phải nhổm người lên vì nắng nóng.
Tôi ngước lên tìm xem có nhiều chim trên tàng cây không. Không có gì thơ mộng ở cái hành động này hết. Tôi chỉ ghét những bãi phân chim đủ màu rơi rớt đầy trên xe tôi mỗi ngày. Có bãi phân chim màu trắng trắng hồng hồng, có bãi phân chim màu vàng vàng nâu nâu. Có con không biết ăn cái gì mà lại thải ra phân màu tím ! Tôi đã gọi người cưa bớt mấy cành lớn trên cây nhưng chẳng ăn thua gì. Cứ vài ngày lại phải rửa xe. Bực mình !

Tôi vào sở. Nhân viên đều có mặt đầy đủ. Tất cả vui vẻ chào hỏi tôi. Tôi đã sửa lưng những người quên chào hỏi nhau đầu ngày ở sở. Tôi nói tôi muốn thấy một không khí làm việc nghiêm chỉnh nhưng vui vẻ ở tại đây. Không ai phản đối cả.
Tôi lấy message và đi vào phòng làm việc riêng sau khi rót cho mình một tách càfé đen. Tôi lật calender xem qua những việc cần thiết phải làm trong ngày và những cuộc hẹn. Tôi điện thoại trả lời messages. Tôi biết tôi có một giọng nói vui tươi, tự tin, cứng cỏi.
Khách hàng đến đúng hẹn. Tôi bắt tay, mời họ ngồi. Tôi nói chuyện với khách hàng ngoại quốc một cách vững chãi, đầy sức thuyết phục. Họ ký tên. Tôi khen chữ ký đẹp. Họ cười sung sướng. Tôi bắt tay họ, tiễn họ ra đến cửa, nụ cười trên môi.
Rồi tôi trở lại bàn, nhắp những ngụm càfé đã nguội. Tôi lắc lắc cây bút máy trên tay, đùa với nó một vài giây. Rồi đột nhiên tôi thấy trống rỗng. Trống rỗng tàn bạo. Tôi cầm bút viết nguệch ngoạc trên tờ giấy trắng tinh: Tôi là ai? Và Quế? Quế là ai? Tôi là thực? Quế là mơ? Hay ngược lại? 
Cây bút bỗng nặng khiếp đảm trên những ngón tay. Cả con người tôi bỗng nhiên như chẳng còn chút sức lực nào hết.

Trân Sa
Trích VĂN, Giai phẩm xuân Nhâm Thân, số 114-115 tháng 12-1991 và tháng 1-1992