20 January 2018

ĐÙA BỠN - Anton Chekov | Lê Duy Linh dịch

Anton Chekov (1860-1904) bắt đầu viết văn khi còn là sinh viên đại học. Tập truyện ngắn đầu tiên của ông được xuất bản năm 1884, cũng là năm ông tốt nghiệp y khoa ở đại học Moscow. Chekov viết rất nhiều, rất nhanh với nhiều bút hiệu khác nhau trước khi ký tên thật. Bút hiệu đầu tiên là Thầy Thuốc Không Bệnh Nhân. Truyện ngắn của Chekov thường kết hợp – phức tạp và đơn giản – bi với hài. Bằng kỹ thuật này ông có thể nhìn nhân vật của mình một cách khách quan nhưng với lòng tương cảm. Ngoài một số lượng lớn truyện ngắn ông viết trong cuộc sống ngắn ngủi, Chekov còn để lại cho nền văn học chung nhiều kịch bản, quan trọng nhất là (bản anh ngữ): The Sea Gull, Uncle Vanya, The Three Sisters, và The Cherry Orchard.
Đùa Bỡn (1886) là cách tác giả cho ta thấy một nhu cầu của thường nhân qua nhân vật Nadyenka và biến đổi trong nội tâm nhân vật lo thôi thúc của nhu cầu ấy. Độc giả có thể thấy cái nhìn và suy diễn của người kể chuyện nhiều phần chủ quan. Nhưng đừng quên người kể chuyện cũng là kẻ trong cuộc. Và biến cố cuối cùng của câu truyện cho thấy cái nhìn và suy diễn ấy là đúng.
oOo


Một buổi trưa mùa đông sáng trời, tuyết cứng vỡ lạo xạo dưới chân. Nadyenka sát bên tôi, những sợi tóc mai mềm cong và dốc môi trên phủ một lớp tuyết bạc mỏng. Chúng tôi đang đứng trên một ngọn đồi cao. Mặt trời soi gương vào sườn đồi láng dốc chạy dài từ chân xuống tận bên dưới. Những chiếc xe trượt tuyết nhỏ bọc vải màu tươi thắm nằm rải rác đó đây.

“Nào, Nadyenka, mình đi xuống.” Tôi nài, “Một lần thôi, tôi bảo đảm là không sao cả.”
Nhưng Nadyenka sợ. Cô rùng mình trước đoạn đường trơn dốc từ đôi giày nhỏ bé xuống tận chân núi mất hút dưới kia. Tôi chỉ mới nói cô ngồi vào xe trượt tuyết, cô đã kinh hoảng nín thở nhìn xuống sườn núi. Giả như cô liều lao xuống thật! Chắc cô sẽ mất tinh thần, sẽ chết vì sợ.
“Xuống đi mà.” Tôi bảo. “Có gì đâu mà phải sợ! Đừng nhát quá như vậy chứ!”
Cuối cùng Nadyenka nghe theo tôi, vẻ mặt cô cho thấy cô liều chết mà nghe theo. Tôi đỡ cô gái run và xanh mét ngồi vào xe, quàng một tay qua lưng cô và ngồi chen vào bên cạnh.
Chiếc xe lao đi như một viên đạn, không khí sắc lẻm cứa vào mặt; ào ào, vi vút bên tai. Chúng tôi tưởng như bị cấu xé, bầm dập, đầu muốn rớt khỏi cổ. Gió chận đứng hơi thở lại. Dường như chúng tôi đang bị móng vuốt của một con quái vật túm lấy kéo tuột xuống lòng đất. Cảnh vật xung quanh theo nhau đổ xô xuống. Có lẽ chỉ trong khoảnh khắc nữa chúng tôi sẽ bị hủy diệt. Tôi thấp giọng nói: “Nadya, anh yêu em.”
Chiếc xe bắt đầu chạy chậm lại, tiếng gió rít và sức tuyết tạt vào mặt đỡ ghê sợ hơn, chúng tôi đã có thể thở được và cuối cùng xuống đến nơi. Nadyenka như người đang hấp hối. Cô nàng tái xanh, hơi thở đứt đoạn. Tôi đỡ cô đứng dậy.
“Có được cái gì tôi cũng không đi xuống nữa.” Cô nhìn tôi sợ hãi. “Nhất định không xuống nữa. Sợ muốn chết được!”
Chỉ vài phút sau cô tỉnh táo trở lại và bắt đầu nhìn vào mắt tôi dò xét. Có thực tôi đã nói bốn tiếng đó hay cô chỉ mơ hồ nghe thấy trong tiếng gió lộng? Tôi đứng bên cạnh, hút thuốc và chăm chú xem lại găng tay.
Chúng tôi nắm tay nhau trượt vòng quanh đồi một lúc lâu. Rõ ràng câu hỏi làm cô bồn chồn. Có ai nói mấy tiếng đó không? Có hay không? Câu hỏi cho lòng tự hào và danh dự, cho cuộc đời và hạnh phúc. Một câu hỏi quan trọng nhất. Nadyenka đang bất an nhìn thẳng vào mặt tôi dò xét, trả lời ra ngoài những câu tôi hỏi. Cô đang đợi xem tôi có nói gì không. Chà! Một vở kịch câm trên khuôn mặt khả ái! Tôi thấy Nadyenka đang xung khắc với chính Nadyenka. Cô có điều phải hỏi, phải nói với tôi nhưng không tìm ra lời. Cô bất an, hoảng hốt và xao động vì sung sướng.
“Anh biết gì không?” Cô hỏi, mắt nhìn ra chỗ khác.
“Biết gì?”
“Mình …đi xuống lần nữa đi.”
Chúng tôi leo lên những bậc thang. Tôi lại đặt Nadyenka run và xanh rờn ngồi vào xe. Chúng tôi lại phóng xuống vực sâu kinh hoàng, gió lại rú lên và tuyết lại cứa vào mặt. Và đúng vào lúc chiếc xe lao vào chỗ nguy hiểm nhất, ồn lộng nhất tôi lại thấp giọng nói: “Nadya, anh yêu em.”
Khi xe ngừng lại, Nadyenka liếc ngược lại sườn núi vừa đi qua, rồi đôi mắt dò xét trên mặt tôi, chăm chú nghe tôi thản nhiên nói những câu chuyện phím; và mọi cái trên người cô, mọi cái, đôi găng tay và mũ, cả dáng người nhỏ bé cùng để lộ một nỗi hoang mang. Tôi đọc được trên mặt cô những câu hỏi: Cái gì vậy? Ai đã nói những tiếng ấy? Anh ấy nói hay là mình chỉ tưởng tượng?
Những câu hỏi đeo riết lấy Nadyenka và thử thách lòng kiên nhẫn của cô. Cô gái tội nghiệp không trả lời những câu tôi hỏi và sẽ kêu lên bất cứ lúc nào.
“Về thôi chứ?” Tôi hỏi.
“Tôi…tôi thích trượt tuyết.” Cô nói, hai má ửng lên. “Mình trượt thêm lần nữa đi.”
Cô “thích” trượt tuyết. Vậy mà lúc ngồi vào xe, cũng như những lần khác, cô xanh mét, sợ run lên.
Chúng tôi phóng xuống chân núi lần thứ ba, cô nàng đang nhìn vào miệng tôi. Nhưng tôi rút khăn che miệng ra, ho. Và khi xuống đến giữa sườn núi tôi chỉ có đủ thì giờ để nói:
“Nadya, anh yêu em.”
Vậy là bí mật vẫn còn là bí mật! Nadyenka yên lặng, cô đang có điều gì suy nghĩ…Cô bước những bước ngắn trên đường về với tôi và đang đợi xem tôi có nói những tiếng đó không. Rõ ràng cô đang cố gắng để khỏi thốt ra: “Không! lẽ nào gió lại nói thế! Mà mình cũng không muốn nghe gió nói những điều ấy.”
Sáng hôm sau tôi nhận được mấy chữ: “Nếu hôm nay anh đi trượt tuyết, xin gọi tôi. N.”. Bắt đầu từ hôm ấy ngày nào tôi cũng cùng trượt tuyết với Nadyenka, và trong lúc chiếc xe đang lao xuống, lần nào tôi cũng thấp giọng nói cùng một câu:
“Nadya, anh yêu em. ”
Không bao lâu Nadyenka thành say mê mấy tiếng đó như người ta say mê rượu hay nha phiến . Cô không thể sống mà không nghe nói: “Nadya, anh yêu em.” Từ sườn đồi lao xuống bên dưới vẫn dễ sợ như bao giờ, nhưng bây giờ sợ hãi và nguy hiểm mang sức quyến rũ đặc biệt của những tiếng nói tình ái, những tiếng nói – như vẫn từ trước – gây cho cô hoang mang và ray rứt… Vẫn là hai nghi can: gió và tôi. Trong hai, ai đang tỏ tình? Cô không biết. Nhưng bây giờ điều đó thật không quan trọng với cô. Nếu chỉ để say thôi thì cô uống chén nào cũng vậy.
Một buổi trưa tôi lấy xe đi trượt tuyết một mình. Trong đám đông Nadyenka đang đi về phía đồi vừa nhìn quanh tìm tôi. Rồi cô dè đặt leo lên từng bậc thang nhỏ… Trượt xuống một mình quả là dễ sợ! Mặt cô trắng nhợt như tuyết, cô run lên và bước đi như đang bước lên giảo đài, nhưng không ngoái nhìn lại, cương quyết. Rõ ràng cô quyết định thử nghiệm lần cuối cùng: Nếu không có tôi thì cô có nghe thấy những tiếng ngọt ngào tuyệt vời kia không. Tôi thấy Nadyenka xanh xao, miệng há ra vì sợ hãi, ngồi vào xe, hai mắt nhắm lại, nói vĩnh biệt với trái đất, lao vút đi… Không biết Nadyenka có nghe thấy những tiếng đó không? Chỉ thấy cô đứng lên khỏi xe trượt tuyết, mệt mỏi và yếu đuối. Nhìn vào mặt cô người ta có thể biết chính cô cũng không chắc mình có nghe thấy gì không. Khi chiếc xe đang lao xuống dọc theo sườn đồi cô đã sợ hãi đến không còn tỉnh trí phân biệt được âm thanh nào với âm thanh nào.
Rồi tháng Ba của mùa xuân lại đến…Mặt trời gay gắt hơn. Đồi tuyết của chúng tôi nhú lên một màu xậm, màu sáng bóng tan dần và cuối cùng tuyết không còn nữa. Chúng tôi không còn đi trượt tuyết. Không còn chỗ nào để Nadyenka đáng thương nghe những lời đó, cũng không còn ai nói nữa, gió đã ngừng thổi và tôi sẽ đi Petersburg – ở đó một thời gian lâu, không chừng mãi mãi.
Một hoặc hai ngày trước hôm khởi hành, buổi chiều tôi ra ngồi trong khoảnh vườn cách sân nhà Nadyenka một hàng rào gỗ cao…Trời còn khá lạnh, một chút tuyết còn đọng dưới lớp phân bón, cây cối khô trụi nhưng đã bắt đầu toát ra hơi hướng của mùa xuân, và lũ quạ ồn ào với nhau khi đậu xuống để nghỉ qua đêm. Tôi đứng dậy đi lại chỗ hàng rào nhìn qua khe gỗ một hồi lâu. Kìa, Nadyenka trong nhà đi ra cổng và buồn bã nhìn lên trời…Gió Xuân hướng đến khuôn mặt xanh xao…Cô nhớ đến tiếng gió lộng tạt vào chúng tôi trên núi lúc cô nghe thấy bốn tiếng ấy, và bây giờ trên khuôn mặt buồn một giọt nước mắt lăn xuống má…Cô gái đáng thương giang rộng hai tay như xin gió hãy mang lại những tiếng nói đó một lần nữa. Và, khi gió vừa bắt đầu thổi, tôi thấp giọng nói theo:
“Nadya, anh yêu em.”
Trời, Nadyenka làm sao thế kia! Cô reo lên, cả khuôn mặt mĩm cười, hai cánh tay giang rộng đón lấy gió – rạng rỡ, hạnh phúc và tươi đẹp.
Tôi về nhà sửa soạn hành lý.
Chuyện đó lâu rồi. Bây giờ Nadyenka đã có chồng. Cha mẹ gả nàng – hay nàng tự chọn lấy chồng thì cũng chả có gì khác – cho một thư ký ở Bộ Tài Chánh Quý Tộc, và nàng có ba đứa con.
Nàng không quên những lần chúng tôi đi trượt tuyết với nhau, không quên gió đã đem lại cho nàng những tiếng “Nadya, anh yêu em.” Bây giờ đó là kỷ niệm hạnh phúc nhất, cảm động nhất và đẹp nhất của nàng.
Nhưng bây giờ, nhiều tuổi hơn, tôi không còn hiểu được tại sao mình đã nói những tiếng đó, không hiểu tại sao mình đã đùa.

Anton Chekov
Lê Duy Linh dịch

Trích VĂN số 88, tháng 10-1989