10 April 2018

CHIẾN HỮU - Cao Hoàng


Tôi quay lại nhìn vào trong lán một lần nữa. Trên cái sạp nằm bằng gỗ thùng đạn và ống tre, Hùng Mập nằm im như một  xác chết.  Hùng ốm và anh xanh như một cái lá tre, chỉ có cái chân phải là còn mập, rất mập vì nó sưng to và đầy ắp những mủ.  Một sợi dây vải bẩn thỉu - từ một đòn tay trên mái tranh - treo cái chân nó cao hơn một chút.  Những con ruồi đang lăn xả vào vết thương to  lớn đó mà Hùng không còn sức để đuổi nữa.  Tôi định quay vào  lấy một cái gì đó để  đắp  lên chân nó nhưng một bàn tay đã giữ tôi lại.  Thành đưa mắt bảo tôi là phải gấp lên, không còn thì giờ nữa.   Thêm một cái nhún vai của nó như thầm bảo: “Trong chân Hùng Mập đã có vài tỷ con vi trùng rồi , có thêm vài triệu con nữa thì có nhầm nhò gì!

Tôi lặng lẽ đi theo Thành.  Trong nắng sớm mai, ngàn lá cây rừng rung lên trong mắt tôi.  Đó là một ngày tuyệt đẹp của rừng.  Cây gõ  mật cao lớn với những lá nhỏ run run trong gió.  Cây bằng lăng với những chấm xanh hồng rất lạt của xà cừ óng ánh ngoài lớp vỏ.  Nơi bìa rừng này còn sót lại vài cây giá tỵ non, gốc chưa được một vòng ôm, chen lẫn với những bụi nhãn lồng và lá tàu bay.  Gíó tháng giêng thổi nhẹ đưa những đám mây bầu bĩnh, từng cụm phiêu du trên những cánh rừng ngoạn mục.


Một ngày đẹp như thế này mà thiếu mất tiếng cười của nó, tiếng cười hệch hạc dễ chịu, trẻ thơ và yêu đời.  Tối hôm qua nằm nghe tiếng rên rỉ của nó hòa lẫn với tiếng côn trùng kêu ran xung quanh lán mà tôi xởn gai ốc.  Tôi nghĩ đến cái lúc chính tay tôi đi xin mỗi người một miếng ván nằm mà đóng cho thằng Hùng Mập một cái hòm, y hệt như tôi đã đóng cho ông già Bức.  Chúng tôi chôn chuẩn úy Bức ở dưới một tàn cây lồng mứt vào một ngày mưa tầm tã.  Hòm bằng gỗ thông rất nhẹ, ghép bởi nhiều miếng  ván nhỏ, mà ông cũng rất nhẹ nữa.  Nước mưa ngập quá nửa cái huyệt đào vội.  Nhấn đầu áo quan xuống thì đầu kia nổi lên.  Có lúc nghiêng ngửa, lúc lắc, không làm sao mà đè xuống được, thật ghê rợn quá.  Một đứa trong bốn đứa phụ trách mai táng nói: “Thôi đừng dỡn nữa ông già!  Nằm êm xuống đi chiều nay tôi sẽ cúng thuốc lào cho ông.”


Trong những ngày bịnh hoạn, ông hay ngồi lê ở ngạch cửa, đôi môi xám xịt mỉm cười mỗi khi tôi xách cái búa đẽo đi qua.
- Cho anh một bi ba số tám đi cưng, anh sẽ kể chuyện thủ trưởng đi nghỉ mát ở “Đà Nạt” cho nghe!
Mưa vẫn rơi đều trên nền bầu trời đục với sấm chớp liên miên, chúng tôi đã lạnh run rẩy.  Một con chim nhỏ ở đâu bay tạt vào đậu trên cành lồng mứt, mình ướt sũng, nó nhìn chúng tôi ngơ ngác rồi rùng mình, chao đảo đôi cánh bay vụt đi trong mưa.  Tôi cũng nói:
- Ông già.  Ý quên! Thiếu uý! Tôi còn nửa gói Hoa Mai, ngày mai khi đi lao động qua đây tôi cũng sẽ mang cho ông một khẩu “Súng cối” nữa, tha hồ mà hút!  Thôi đừng dỡn nữa mà!  Ớn xương sống lắm.
Thế mà mưa tạnh và ông già chịu chìm êm cho chúng tôi lấp đất lên.

Bẵng đi hai hôm tôi mới nhớ tới lời hứa và đi tìm cái điếu cày của ông.  Cái gì của ông cũng xấu xí lôi thôi, nhưng cái điếu cày thì tuyệt hảo.  Không biết ông đã dùng miệng lưỡi năn nỉ cách nào mà một thằng thật khéo đã làm cho ông cái điếu hết sẩy!  Hút vào nó nó kêu réo lên ro ro như tiếng còi.  Một dòng chữ rất mờ, cạo xóa lem nhem mà tôi cố đoán ra được: "Khi đi mái tóc còn xanh”.  Câu này có lẽ ông tặng lũ trẻ tuổi chúng tôi, thật là một câu đặc biệt phản động!  Còn một câu nữa rất rõ khắc gần nõ điếu: “Đẹp vô cùng tổ quốc ta ơi!”. Chắc là để tặng cái anh chỉ làm thơ mà leo tới ghế phó thủ tướng.



Thỉnh thoảng tôi bắt gặp ông Bức ở trong rừng khoai mì.  Những cây khoai mì do chúng tôi trồng lên liên tiếp hàng mấy chục mẫu đất.  Đất mới, mì mọc nhanh cao vút, cành lá đan kín trời.  Đi ở trong đó mát như được vào phòng có máy điều hòa không khí.  Một màu xanh thẳm như ngọc bích, xâu hút như địa ngục.
Mồi lần vào đây là Hùng Mập hậm hực: "Tổ cha nó, nó bắt mình đốn cây hàng mấy chục mẫu đất.  Cho cây ngả về hướng gió rồi đốt, rồi cuốc, rồi đi xin hom về cắm xuống.  Mẹ!  đến khi thành củ mì rồi, mình đi đào về nộp; nó chặt, nó cân, rồi nó bán cho mình mới tức chứ!  Tôi nói:
-Nó không chặt cái thân mập của  mày ra làm ba khúc đem cân bán cho tao đã là may rồi, còn tức gì nữa?”



Ở trong cái rừng mì xanh ngắt đó, lão già vừa uể oải vun gốc mì với người khác, vừa ồ ề bắt chước giọng nàng ca sĩ Sơn Ca hát rất to: “Anh theo em đi về.  Về quê hương yêu dấu.  Anh theo em đi về.  Về quê hương đầy mì-ì.”  Ở cuối câu hát ngay cái chữ mì, lão láy giọng rất nặng mùi.  Hát xong là ngửa mặt lên trời cười ha-ha-hê-hê nghe rất đểu.



Thành và tôi đã đi gần hết khu canh tác rồi.  Nơi đây có rất nhiều chuối do chúng tôi trồng.  Tôi bỗng chợt nhận thấy là thằng bạn này cũng ốm quá rồi, cái cổ ngẳng và hai cái tai vêu ra trông thấy mà thảm.  Nhưng tôi biết rất rõ nó: dù ở hoàn cảnh nào, nó cũng sẽ làm một cái gì đẹp.  Mấy hôm rồi nó có vẻ bí mật và “ra lệnh” cho tôi hôm nay hộ tống nó nguyên ngày.



Thành đội một cái nón “kết” rất đẹp may bằng vải áo giáp, bộ quần áo trận mới tinh vừa bắt thăm được hôm nào.  Anh phi công rất đẹp trai của ngày xưa không thể nào lôi thôi lếch thếch được.  Ngược lại là Hùng Mập, nó thường đeo một cái áo trận cũ, rách tả tơi, sau lưng có những vệt dài màu trắng lợn cợn chất muối; đó là dấu tích của những ngày lao động khổ sai.  Thiếu úy biệt động quân Lưu Tấn Hùng tự Hùng Mập hay Hùng cá mập mắt lúc nào cũng liếc ngang, liếc dọc tìm cái ăn.  Một bụi rau càng cua?  Một con thằn lằn đen bóng ẩn mình dưới tấm ván mục?  Hay một trái bắp non còn sót lại trong khu canh tác đều không thể thoát được bàn tay nó.



Mặt trời đã lên cao khi  chúng tôi tới ngã ba cầu dây.  Vài dây leo to lớn bằng bắp chân người, vắt từ đại thụ này sang đại thụ khác, đan xéo vào nhau như một cái võng khổng lồ.  Không ai bảo ai, chúng tôi tự động ngồi xuống những sợi dây rừng vĩ đại này.  Trên cao hàng đàn chim rừng đông đảo đang la hét dữ dội.  Tôi hiểu rằng nếu những con chim bự này mà nổi hứng xà xuống tấn công  thì chắc là hai thằng phải tan xác.



Cũng ở chồ này mấy tháng trước, Thái ngậm ngùi chia tay tôi.  Nó đi vào rừng chỉ với một ná cao su và một lon gô nước.  Trước đó, nó có bảo tôi kiếm cho nó một mớ sỏi, nhưng ở rừng này chỉ có đá ong lởm chởm.  Tôi đi tới khu thợ rèn, nhặt được một cây sắt đúc bê tông, rồi nhẩn nha cưa thành những viên đạn cho nó.  Thái cảm động cầm khư khư mấy chục viên sắt đều đặn đó, mà tôi biết với tài bắn ná thun thần sầu của nó, mỗi một viên là một con mồi rụng xuống - có thể là chim, dơi, chồn, sóc …Không biết bây giờ Thái đã qua biên giới chưa hay đã ngã gục trong một xó rừng quạnh hiu nào.


Có lần Thái nói: "Từ ngã ba cầu dây, nếu đi thêm chừng hai giờ nữa, có thể sẽ nghe thấy tiếng động của xe lửa chạy trên đường sắt, đôi khi nghe được tiếng còi tàu.  Cứ việc áp tai xuống đất sẽ nghe được tiếng động này từ rất xa.  Riêng tao thuở bé nhà ở cạnh đường rày xe lửa, nên có một giác quan thứ sáu về loại này.” Thái cười: "Nếu mày muốn thử thời vận thì mò ra gần đường tàu mà chờ.  Chỗ đó con tàu ì ạch leo lên một cái dốc dài, nên mày dư sức đuổi kịp. Thử đi!  Có điều tao không biết con tàu sẽ đến ga nào.”
Tôi hỏi Thành:
- Mình phải đi bao lâu nữa?
- Chừng tiếng rưỡi.

Tôi thở ra, làm như mình vừa bỏ lỡ một cơ hội thử thách.  Thế rồi tôi lại lẽo đẽo đi theo nó, ráng ngậm miệng lại không hỏi nữa.  Bao giờ mới tớỉ. Tới rồi làm cái gì?  Có hỏi nữa thì nó cũng làm cái bộ bí mật, lắc đầu quầy quậy.  Hồi còn ở thành phố, bạn bè đi chơi với nhau bao giờ tụi tôi cũng dàn hàng ngang, bất kể là hai hay ba bốn đứa; nhưng từ ngày sống ở rừng, chúng tôi đã có thói quen đi hàng một và chẳng đứa nào hé răng nói một lời - y hệt như mấy người rừng.


Bây giờ chúng tôi đã tới khu rừng tre.  Ở đây tre mọc mênh mông bát ngát thành từng bụi khổng lồ.  Phần dưới gốc toàn là gai chằng chịt và sắc bén; nếu đang lúc chặt tre ở trên cao mà rớt vào giữa bụi, thì kết quả ra sao, thât tôi khó có thể tưởng tượng được.  Mà xem ra, bụi nào cũng y hệt bụi nấy, nếu không có khả năng định hướng thì đúng là lạc vào một trận đồ không lối ra.  Tuy thế lúc này trời sáng hơn vì ánh nắng xuyên qua được những cành tre đan thưa ở trên cao. Dù thế nào đi nữa tôi cũng ưa cảnh tre trúc hơn. Lá tre rụng xuống lối mòn một lớp dày làm cho con đường trở nên êm và sạch.  Chúng tôi chưa bao giờ đi tới khu rừng này để chặt tre hay lấy măng.  Có lần ở một khu rừng tre khác, chúng tôi nghe thấy tiếng gà gáy. Mới đầu tưởng là đến gần một thôn xóm nào rồi, nhưng thật ra chỉ là một con gà rừng. Thành lần theo tiếng gà, không bắt được con nào hết, nhưng sau một hồi lục lạo, nó tìm được một ổ trứng năm quả còn nóng hổi.  Năm con gà rừng xậm màu, bộ mã rất đẹp đã nguồn vui của chúng tôi trong ít lâu.  Chúng bay vù vù nhiều hơn chạy mồi khi gà mẹ-nuôi gọi.  Nhưng rồi không hiểu sao cứ từng con lăn đùng ra chết.



Chúng tôi đã ra khỏi rừng tre, tai tôi không còn âm u với tiếng gà rừng tưởng tượng nữa, nhưng bây giờ lại âm vang tiếng còi tàu.  Tiếng còi tàu ở một sân ga của một thành phố nhỏ nào đó trong thời cũ, gợi nhớ người tình phố chợ! buổi chia ly não nề, nỗi buồn chia hai, kẻ ở người đi!  Hay đó chỉ là tiếng còi tàu ngạo nghễ của Thái nhắc tôi hãy thử lửa.

     
Mùa xuân đang về, không phải chỉ ở trong cây rừng, muôn hoa, cành tre, mây núi mà còn ở cả trong mạch đất, dòng suối đang róc rách bên lối đi.  Hai chúng tôi, hai mái đầu xanh bước đi trong cái hoang mang tuyệt vời của mùa xuân đang chuyển mình rực rỡ. Thành bỗng nói: “Mày có thấy cái núi ở đằng xa kia không?”  Theo ngón tay trỏ, tôi thấy lấp lánh trên đầu đám cỏ tranh là một cái núi dài và thấp, đỉnh dẹp không có gì là hùng vĩ cả.  Thành lại nói: “Đó là núi Chứa Chan. Tao nhận ra nó vì đã nhiều lần oanh kích ở vùng này.  Mày nghĩ các cụ nhà mình khi Nam tiến vào đây đặt tên hay đó chứ.”


Tôi nói: “Tao có thấy chứa chan cái con khỉ gì đâu! Chắc là các cụ nói lái.

Đường mòn chúng tôi đang đi song song với một con suối.  Suối dẫn chúng tôi xa rừng một lát để thấy cảnh bao la với hoa cỏ mây núi bây giờ nó lại dẫn vào một cánh rừng khác.  Rừng bên suối, xanh tươi hơn với nhiều dây mây và dây leo khác, rừng như trôi đi theo bước chân chúng tôi.  Ngay giữa dòng suối cỏ lác mọc dựng lên, lá khô rơi phủ đầy, thỉnh thoảng qua chỗ có đá sỏi, suối reo lên vui vẻ.  Ký ức dẫn tôi về một quyển sách quốc văn lớp nhất với cái hình vẽ con cọp đang uống nước bên dòng suối: bài thơ Hổ nhớ rừng.  Nhưng chẳng có con hổ nào ở đây, cũng chẳng nghe tiếng gầm chuyển động sơn lâm;  mà trời đất thiên địa ơi!  Tôi nghe thấy tiếng người!  Lại là một giọng con gái trong trẻo, tiếng miền Nam làm tôi tỉnh cả người: “Mấy ảnh tới rồi đó má.”



Từ nhiều năm nay tôi không  được trông thấy đàn bà con gái hoặc một đứa trẻ con nào cả. Vì thế chỉ mới cái âm thanh thoang thoảng của người thiếu nữ đã làm trí não tôi bật lên nhanh như một dòng điện cao thế được nối lại.
Thỉnh thoảng có đứa trong tổ nói với tôi là nó trông thấy những người đàn ông Thượng đi lấy dầu chai.  Những cây dầu chai to lớn trong rừng được họ đục vào thân cây một lỗ vuông, mỗi bề chừng gang tay. Mặt đáy lỗ vuông đó trũng sâu để hứng dầu chảy ra từ trong thân cây. Người ta đốt một chút lửa trong lỗ vuông đó để kích thích cho dầu tiết ra rồi bỏ đi; vài hôm sau họ mới trở lại lấy dầu.  Có lúc tôi cũng múc trộm ít dầu bỏ vào cái ống tre, đem về lán đốt chơi, nhưng chưa bao giờ tôi trông thấy dù là cái mặt đen đủi, tay chân sần sượng hay cái miệng nín thinh của những con người lặng lẽ này.  Vậy mà lại có cả một nàng ngồi đỏng đảnh bên bờ suối, trên cái rễ bự của một thân cây mọc nghiêng ra dòng nước, cái chân trắng bóc thò ra từ ống quần đen nhánh, tay cầm nón quạt nhẹ; gió đưa đẩy mấy sợi tóc mai vướng mồ hôi, phất qua phất lại trên gương mặt rám nắng, hồng lên và xinh đẹp vô tả.



Phía sau, ẩn trong vài cái lá cọ là một bà già người gầy nhom, cố hữu với cái khăn rằn và môi trầu đỏ quạch.
Tôi đứng chết trân ra đó xem cuộc mặc cả kỳ lạ bắt đầu.
- Hai chục là cao rồi.
- Không được đâu em, còn mới tinh của người ta đó.
Nàng bắt đầu xô đẩy Thành nhè nhẹ, dựt chỗ này, kéo chỗ kia.  Có lúc hai tay nàng nắm lấy vai Thành quay đi một nửa vòng.
- Hai mươi hai là hết mức rồi đó.
Thành vẫn khăng khăng:
- Ba chục là ba chục.
Nàng bĩu môi trông mới dễ thương làm sao:
- Thứ này khó khăn lắm anh Hai à, xưa rồi, đâu ai thèm nó nữa đâu!
Bỗng có tiếng bà già gắt nhỏ:
- Vừa vừa thôi Út! Giúp đỡ người ta đi.
- Nhưng con đâu có đủ tiền đâu má. Chỉ có ít viên Tê-tra anh có chịu không?
Thành bỗng nhẩy dựng lên:
- Ờ cũng được! Mấy viên cũng được mà!

Nàng ngó Thành như ngó một cái gì kỳ cục nhất, rồi quay đi.  Lúc nàng đem thuốc từ bà mẹ tới thì Thành cũng vừa cởi xong cái áo nhà binh bốn túi quý hóa của nó cuộn ở trong tay.
Tôi thấy rõ là nó khựng lại trước mặt người đẹp, không biết làm gì tiếp theo nữa. Nàng quay mặt đi chỗ khác để cho Thành được tự nhiên; nhưng một phút trôi qua rồi mà Thành vẫn ì ra như gỗ. Bồng nàng hét lớn
- Cởi quần ra đi ông nội.

Cùng lúc với cái giật mình thảng thốt của tôi là câu nói hồi nẫy của bà già, nhưng nhanh và lớn hơn:
- Vừa vừa thôi Út!  Cái áo là đủ rồi.
Nàng cười khoe hàm răng ngọc, đôi mắt reo vui với tất cả cái rực rỡ mà lại hiền hòa của một cô gái xuân thì:
- Em dỡn đó mà anh, đừng có vội giận nghe!
Khi nàng và bà mẹ đã đi rồi.  Thành vẫn tần ngần đứng đó, hai tay mân mê những viên trụ sinh óng ả, mắt đăm chiêu xa vắng.
Hôm qua thằng bác sĩ Khánh nói: “Nếu có chừng năm bảy viên thì chắc khỏi, mà phải uống liều mạnh, nều uống từng viên một thì cũng đem cưa thôi; tụi nó cưa bằng cưa thợ mộc, không có thuốc sát trùng, thuốc mê thì cũng tiêu mẹ nó cái đời thằng nhỏ lì!”

Mà nó lì thiệt! Nhiều lần Hùng Mập kể cho tôi những trận đánh nó tham dự.  Nó vẫn còn mơ màng với tiếng hô xung phong, tiếng quân hò reo tràn qua các giao thông hào.

Một đêm trung thu trăng sáng vằng vặc, nó bảo: “Cả một đêm tuyệt vời đó, tao phải săn đuổi bắn giết trên một cánh đồng bát ngát ánh sáng.  Không biết bao nhiêu thằng ngã xấp, nhưng cũng có nhiều thằng nằm ngửa nhìn trăng thơ ấu lần chót.”

Lần khác nó kể: “Trong một trận xáp-lá-cà mà súng đã trở thành vô dụng, tao vật nhau với thằng cỡ tuổi mình.  Tao thấy có cố gắng hết sức tranh đấu, tao cũng vậy.  Mồ hôi nhỏ từng giọt trên trán nó, cũng y hệt như hồi nhỏ mình vật nhau với mấy thằng bạn cùng lớp.  Có lúc tao với nó bị dây kẽm gai cuốn vào đau đớn, rách nát; có lúc đè lên tử thi còn nóng hổi bê bết máu.  Cuối cùng tao rút được lưỡi lê từ một tử thi khác và lụi mạnh vào ba sườn nó.  Mày biết sao không? Hai  tay nó từ từ buông tao ra, đôi mắt nó nhìn tao ngạc nhiên, rồi nó mỉm cười!  Đau khổ cho tao, đó là nụ cười của một đứa trẻ rất hiền lành, như mày hay là thằng Thành; rồi mặt nó tái nhợt đi, đôi mắt nó cụp xuống đau buồn …”


Một lần nữa nó nói: “Trong một tuyến phòng thủ không đường rút, tứ bề thọ địch. Lúc địch chỉnh đốn hàng ngũ để làm thịt tụi tao một mẻ chót, mày biết không, tao còn chưa đủ mười viên đạn với một quả lựu đạn. Trong cái yên lặng ghê sợ đó, có một thằng trong đại đội mình bị thương nặng.  Nó cứ thỉnh thoảng rên lên gọi cha, gọi mẹ, gọi em gái nhỏ của nó.  Tiếng kêu cứ thoi thóp rồi nhỏ dần.  Cái tiếng kêu này quái ác, nó ám ảnh tao có lẽ đến suốt đời …
Rồi mày biết không, quân ta đến kịp, máy bay cũng đến nữa. Tao cầm mấy viên đạn mà nước mắt rưng rưng, tai nghe tiếng đại liên gầm rú từ trên cao, tiếng bom nổ như trời xập ngay bên chiến hào.  Tay tao lóng cóng không thể nào nhét mấy viên đạn vào băng đạn được. Cứ tưởng rằng mấy viên đạn này phải dùng để kết liều cuộc đời mình.”
Bây giờ Hùng nằm ở lán tỉnh táo và chờ chết, y như cái thời khắc yên lặng trên trận tuyến, kinh hoàng với tiếng kêu nhỏ từng chặp gọi ngưòi thân yêu của một mái đầu xanh tội nghiệp sắp lìa đời.  Hùng chưa biết ở cuối khu rừng này còn có người chiến hữu, tay nắm chặt mấy viên “đạn thuốc”, mắt đăm đăm xa vắng, chân bước vội về. Ánh chiều bắt đầu nhạt nhòa trên những cánh rừng âm u.

Cao Hoàng