29 May 2018

CHÀ ĐỒ NHÔM - Hồ Đình Nghiêm



Giáo sư đạo văn Nguyễn Đức Tồn

Sau 1975, do hoàn cảnh khiến xui, người dân miền Nam vô tình mà làm giàu thêm bộ sưu tập trong sổ đoạn trường bằng những từ ngữ mới. Một cuốn tự điển hình thành, truyền khẩu với rất nhiều cái mới lạ, trong đó có chữ quen thuộc, mãi nghe: “Chà đồ nhôm”.

Thực thi việc chà đồ nhôm, ta gọi tên bằng chữ “mánh mung”. Chẳng rõ chữ mánh ấy có bà con chi với mánh lới? Do cực khổ quá, tìm đường binh để cầm cự sống qua ngày, gọi là “chạy mánh”. Thành công thì nói “trúng mánh”, mà thất bại mặt hớt hãi nói không ra hơi, y như rằng đã “bể mánh!”.

Riêng chữ chà đồ nhôm, nó chỉ là đảo ngữ, nói lái từ “chôm đồ nhà”. Chôm là chôm chỉa, ăn cắp vặt vãnh những đồ vật xét chẳng mấy cần thiết so với tình cảnh mới. Chà đồ nhôm, xuất thần ở chỗ, đồ nhà mang ra chợ trời bán đa số là thứ liên quan tới kim loại đồng sắt bạc chì… và nhôm. Thành ra tuy là nói lái mà chữ chà đồ nhôm quá đỗi “sát với hiện tình”, ăn với vật thể vừa “giũ áo” một đi không trở lại. Chà riết, thét trong nhà đâm rộng thênh. “Tiền nhà khó như gió vào nhà trống” là do vậy!

Chà đồ nhôm, thoạt kỳ thuỷ là thứ hành động khó thứ tha. Cắn rứt lương tâm dữ lắm, nhưng đói cho mờ mắt thì buộc phải phạm tội thôi. Cứ nghĩ là mình chôm đồ trong nhà mình thì hẳn còn “tử tế”, nào ai cả gan đi chôm đồ của bá tánh đâu? Nào phải Vân Tiên cho cam, thằng chả chờ cho trăng lặn đặng đi chôm cái đó của Nguyệt Nga. Chôm với bóp cũng một nghĩa như nhau. Chà đồ nhôm để bán lấy năm hào ba trự bạc, chứ bóp cái hang hùm nọ thì hổng chừng mà nghe Nguyệt Nga chê bai: Có ăn được không? Chấm mút thôi mà, bổ béo gì thức ấy mà đưa tay chôm chỉa? Đói cho rã họng thì sức vóc nhà ngươi đâu tá? Không có cơm no lấy đâu mà bò cỡi, cha nội! Vân Tiên mắc cở, sáng mắt sáng lòng: Khoan khoan ngồi đó chớ ra, nàng là phận gái ta là phận trai. (Cha nội này đạo đức cách mạng cùng mình!)

Sau kế hoạch 5 năm, thiên đường xã hội chủ nghĩa bắt đầu le lói chút ánh sáng cuối đường hầm, có nghĩa là chế độ chà đồ nhôm lần hồi cũng cáo chung, một bộ phận không nhỏ chuyển hướng làm kách mệnh: Chôm, ăn cắp, ăn trộm, đục khoét, mánh mung, cưỡng đoạt thành quả cũng như tài sản của thiên hạ. Ban ngày ban mặt, thanh thiên bạch nhật chớ khỏi mất công ngồi rình bên bụi môn chờ cho trăng lặn làm chi cho rách việc. Dân gian ngứa miệng phán: Chúng ăn không từ một thứ gì! Tất tần tật thì đẻ ra sạch sành sanh. Trước: Chà đồ nhôm. Nay: Bào láng cả rừng vàng biển bạc. Thu hoạch đất đai, khoanh vùng định vị rồi bán cho tập đoàn nước lạ. Có nơi trương biển cảnh báo: “Cấm người Việt vào”. Cũng mang thứ nội dung y như thế nhưng treo trước một quán ăn trong Tử Cấm Thành, ở Bắc Kinh (dễ thông cảm). Đằng này nó hiển thị ngược ngạo, nó phô trương cắm dùi, mọc ngay trên cuộc đất tự hào có bề dày 4.000 năm văn hiến. Hết Đà Nẵng tới Nha Trang. Xong Hà Tĩnh đến Bình Dương. Lai rai trên từng cây số.
Con số bốn ngàn năm ấy có đúng không? Đủ sức thuyết phục chăng? Đã tự hào có được một bề dày thâm hậu là thế, sao mãi tận giờ này người ta vẫn còn động viên nhau “hãy cố làm người tử tế”, khuyến khích và hô hào “xin hãy ráng thể hiện nếp sống có văn hoá”, đừng làm cả chục con sâu thay phiên rớt vào nồi canh… cho Tây ba-lô khỏi hãi sợ đặng chúng còn thốt lời hẹn thề có ngày moả sẽ trở lui.
Mới đây, vào ngày 15 tháng 5 năm 2018 (mới hôm qua hôm kia), báo điện tử VietnamNet nhắc lại trường hợp ông giáo sư Nguyễn Đức Tồn (nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học VN- 2007) đã đạo văn học trò của mình, (chà đồ nhôm?) sao chép luận án Phó Tiến sĩ của nghiên cứu sinh Nguyễn Thuý Khanh và sinh viên Cao Thị Thu. Đồng thời còn sử dụng toàn bộ bài báo của Nguyễn Thị Thanh Hà. Cuốn sách mà giáo sư Nguyễn Đức Tồn “bỏ công biên soạn” mang tên “Tìm hiểu đặc trưng văn hoá dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (trong sự so sánh với những dân tộc khác)” được cho là đã lấy gần như toàn bộ luận án phó tiến sĩ Nguyễn Thuý Khanh, có tên “Đặc điểm trường tự vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật” (chữ nghe rắc rối thật!).
Ông Nguyễn Đức Tồn vi phạm luật bản quyền một cách nghiêm trọng, khi tự tiện thu lượm, sao chép công trình của ba tác giả khác, đúng 4 chương, tổng cộng hơn 100 trang trong cuốn sách của ông. Kết quả là gì? Cũng báo ấy cho hay (nguyên văn): “Việc đạo văn đã khiến ông Tồn trải qua 7 năm hồ sơ xét giáo sư không được thông qua, tuy nhiên cuối cùng đến năm 2009 vẫn được chấp thuận vì tinh thần nhân văn và lòng vị tha”. Người mình tử tế thật đó nghen! Từ nay ông Tồn hết lo (cấm nói lái).
Giáo sư Nguyễn Đức Tồn có bao giờ nói cho học trò mình biết câu thành ngữ “Không thầy đố mầy làm nên”? Làm thầy như ông há lẽ lại đề bạt ra câu cực đoan “Nhất tự vi trò, bán tự cũng nhờ trò” đấy thôi!
Trước khi câu chuyện chôm chỉa lùm xùm của ông Nguyễn Đức Tồn bị lộ hàng “bể mánh”, những em chuyên mài đít ghế nhà trường đã rỉ tai một mẩu chuyện tếu: Có vị thầy khả kính nọ đứng trên bục ngó xuống đám đầu xanh vô tội đưa ra câu hỏi, trắc nghiệm thử xem trình độ chúng nó tới ngang đâu, ông sửa giọng:
Một thành ngữ gồm có 6 chữ, tôi cho các em biết 2 chữ “thầy làm”, xem các em có đoán ra nguyên câu không?
Cả lớp câm lặng.
Được rồi. Tôi hé mở thêm hai chữ nữa nhé: “mầy nên”.
Cả lớp êm ru bà rù. Thầy giận quá, quát: Sao chúng mầy tối dạ thế, chả nhẽ bắt tao nói ra hai chữ cuối.
Phút sau, có tiếng trả lời e dè của một em:
Thưa thầy đó chính là câu: “Làm thầy mầy không nên đố”.
Sau 1975, ở miền Nam, “thầy giáo từ nay chịu tháo giầy” và số đông thầy trò, lớn bé đều từng có khi mánh mung chà đồ nhôm hòng kinh qua cuộc lữ. Đói vẫn hoàn đói, đắp đỗi qua ngày, nhìn đồ vật gia dụng lần hồi cạn kiệt dần, như tim thoi thóp đập hy vọng về một ngày “hoà bình” tới trong rộn ràng giữa địa ngục trần ai. Nếu chẳng muốn ăn bánh vẽ thì sớm tìm đường cứu mạng, ba mươi sáu kế bỏ trốn là thượng sách. Trúng mánh thì bắt gặp khung trời tự do rộng mở, nhược bằng bể mánh thì thiên thu bóc lịch hoặc chôn thây vào lòng đại dương. Chất xám trong trí não loài người buổi ấy chỉ có duy một cách suy tính. Không riêng kẻ bại trận, phía bên thắng cuộc cũng có lắm đứa phụ bạc quê hương bằng cách đi chui, không mang phận vượt biên đường bộ thì cỡi sóng vượt biển. Từ điển tiếng Việt có thêm chữ lạ, phát sinh từ người ngoại quốc có lòng hảo tâm: “Thuyền nhân”. (Nhớ lại mà băn khoăn tự gẫm, sao lại có được một bọn Việt kiều yêu nước nhỉ? Chúng thoát ra ngoài bằng cách gì? Toàn bộ là du học sinh trước 75 chăng?)
Chà đồ nhôm là do cái khó nó bó cái khôn, của những người có lý lịch xấu, không hồng chẳng chuyên, nhân thân đen tối, có vấn đề dây dưa tới “nguỵ tặc” mà chế độ mới luôn thù hằn tìm cách loại bỏ. Chế độ chuyên chính vô sản kia luôn đẻ ra các đỉnh cao trí tuệ, đếm không xuể. Chỉ đơn cử một vài, ví như bà Châu Thị Thu Nga, 52 tuổi, doanh nhân ngành bất động sản ở Hà Nội. Bà nầy đã bỏ ra 1 triệu rưỡi đô la Mỹ (USD) để mua chức đại biểu Quốc Hội VN khoá 13, từ năm 2011 đến năm 2016. Thu Nga chôm của ai, chà đồ của ai, bằng cách gì mà thản nhiên vô tư “vứt đi nạm bạc lẻ” ấy? Nhắc lại: 1.500.000 tiền đế quốc Mỹ. Chuyện nhỏ!
Hết đồng chí gái thì hãy ngó sang đồng chí trai cho được đề huề: Phan Văn Anh Vũ, thường được biết là Vũ “nhôm”, sống ở quận Hải Châu thành phố Đà Nẵng, học lực chỉ ngang tới lớp 11 nhưng là doanh nhân lại mang quân hàm Thượng tá Công An (không có tao đố mày làm nên). Tài sản Vũ Nhôm chẳng thể kiểm kê hết, tiền lận lưng không dưới 1 ngàn rưỡi tỷ đồng. Vũ Nhôm chắc chắn không hành nghề chà đồ nhôm như hỗn danh, nhưng hô phong hoán vũ kiểu gì mà giấy bạc chen chúc ê hề như lá mùa Thu để người trong nước vui miệng kêu bằng tiền nhiều quân Nguyên?
Quân Nguyên là ma-dzê-in Trung Quốc? Liên hệ tới tính thời sự, là bản tin từ đài BBC mới đây cho hay, hãng thời trang Gap của Mỹ vừa bắn tiếng xin lỗi vì sản xuất loạt áo thun in hình bản đồ Trung Quốc đã thiếu sót đất Tây Tạng, Đài Loan; cũng như biển Đông đã quên vẽ đường lưỡi bò. Chưa hết, vào ngày 13 tháng 5, 2018 một nhóm du khách Trung Quốc khoảng 10 người bước xuống sân bay Cam Ranh, “thập diện mai phục” ấy ngang nhiên mặc áo thun trắng in hình bản đồ nước họ đầy đủ, kể cả ranh giới đường lưỡi bò được vẽ sơn đỏ. Trí thức, tiến sĩ và một bộ phận không nhỏ người có ăn học xứ Giao Chỉ phương Nam đều mần thinh, ngó cũng như chộ, chẳng biết nói năng chi. Thầy giáo từ nay chịu tháo giầy, sao không sẵn giày cầm tay mà ném một vài chiếc tới bọn bành trướng chướng tai gai mắt kia? Nhập gia tuỳ tục, bộ mày tính làm Quan Công, Triệu Tử Long ung dung như vào chỗ không người, há?
Một mai, đồ gia dụng tràn ngập toàn hàng Trung Quốc thì bà con lỡ kẹt tiền, muốn chà đồ nhôm, khi đó chẳng rõ ngoài chợ trời (và chợ đời) bọn quen mánh mung chúng có thèm đoái hoài mua cho?
Châu Thị Thu Nga (tên nghe dễ thương thuỳ mị) và Phan Văn Anh Vũ (danh xưng nghe có ăn có học) cả hai đang bị nhập kho ngồi đếm lịch rơi. Hai ông bà này có từng ngồi ôn lại thời hoàng kim để bợn lòng đâm tiếc nuối? Biết vậy ta chỉ cần bỏ ra bạc lẻ, chừng 500 tỷ đồng thôi, là đủ nuôi sống một binh đoàn xã hội đen toàn bọn có số má xăm trổ đầy mình. Chi dậy? Ờ, thì để dằn mặt mấy thằng Trung Quốc ngang ngược, hổng được sao? Đất nào có Thổ địa nấy, vào đã không nộp tiền mãi lộ mà còn hất mặt coi trời bằng vung thì coi sao đặng mấy cha! Không a-xít cường toan thì xăng dầu so duyên cùng thần hoả, hổng cháy nhà ra mặt chuột thì đao kiếm gậy gộc cứ thế vung lên. Phải dạy cho chúng biết thế nào là lễ độ chớ. Ngay cả hiệp sĩ đường phố cũng từng chịu dính chấn thương với bọn tớ đấy!
Đã là đại gia xứ Việt thường không ai đơm đặt ý nghĩ sai qui trình đến vậy. Họ chơi kiểu dễ nể hơn: Sắm nhà, xe toàn hàng khủng, độc. Và lựa gái cặp kè thì chí ít cũng ngang tầm Ngọc Trinh. Mấy em thông cảm cho thầy nhé, nếu tôi không đạo văn của mấy em thì khác gì biểu tôi cạp đất mà ăn? Hư cấu vậy thôi, sự thật thì thầy Nguyễn Đức Tồn đời nào mà nói thế. Cho tiền cũng không “phát ngôn linh tinh”.
Viết tới ngang đây, đầu nhức như búa bổ. Thằng em tôi vừa từ Huế gửi điện thư sang: Sống chi mà cực khổ ri hè! Cả năm ni sao anh im re không thèm ngó ngàng chi viện cho toàn gia tui? Con vợ tui noái, đợi thêm ba bữa mà chẳng nghe anh ư hử thì hắn mang chiếc xe gắn máy đi luộc, còn tui thì bổn cũ soạn lại: Chà đồ nhôm…
Chốn đây trời bắt đầu chan hoà nắng ấm, e là thứ bảy chủ nhật này lom khom (một chú tiều) vác đồ trong nhà ra bãi cỏ sát vệ đường, dựng la liệt bên tấm bảng garage sale! Nhăn răng cười với ông đi qua bà đi lại. Mại dô, rẻ như cho!

Hồ Đình Nghiêm