05 May 2018

CHÚ TÂY CON - Diệu Tần



Tôi đã gặp hắn ở Thủ Dầu Một trong một trường dạy chuyên môn binh chủng, năm đó. Trong vai trò một sĩ quan huấn luyện viên và một người có nhiệm vụ chăm sóc đến khoá sinh, tôi có nhiều dịp chuyện trò với hắn. Hắn khoảng hai mươi bốn, hai mươi lăm, cao lớn, khá điển trai, lấp lánh kính trắng gọng vàng. Là một chuyên viên mới tốt nghiệp ở Pháp về, vẻ kiêu hãnh còn đậm trên nét mặt hắn. Tôi không nhớ rõ lý do tại sao hắn về nước, và tại sao lại đeo “con cá” để vào học ở đây. Chỉ nhớ là hắn không hài lòng khi phải về quê hương và phải vào quân đội. Hắn chê nền văn hoá và chê luôn nền kỹ thuật của Mỹ. Dĩ nhiên hắn dè bĩu thứ kỹ thuật chậm tiến ở Việt Nam dạo đó, chê luôn tất cả các cấp chỉ huy ngành của hắn cả bên dân sự lẫn quân sự.
Chàng kỹ sư cầu cống này được nhà trường giao cho việc dạy môn Résistance materielle nên càng đầy vẻ tự kiêu. Hắn có một cô vợ sắp cưới có hai dòng máu Việt Pháp rất kiều diễm. Tôi được hắn dẫn vợ đến giới thiệu nhân dịp tôi làm sĩ quan trực. Cô vị hôn thê này có độ bốn mươi phần trăm nét Giao Chỉ nhưng tuyệt nhiên không nói được tiếng của mẹ. Hắn được du học sau khi đậu tú tài Pháp. Hắn và cô gái kia biểu diễn tiếng của De Gaulle liến láu, khiến nhiều người không hài lòng, khi họ ngồi giải khát trong câu lạc bộ quân trường.

***
Bây giờ tôi lại gặp hắn ở trại Suối Máu này. Hắn vẫn ngây thơ vô số tội như trong lễ mãn khoá được đeo lon chuẩn uý ở Bình Dương. Tôi nghĩ hắn chưa kịp hết lạ với miền Nam đất nước, vào trại cải tạo của cộng sản, đối với hắn lại là một chuyện không thể nào tưởng tượng nổi. Thoáng thấy tôi hắn mừng quá.
– Anh…trời ơi, lại gặp anh!
Hắn quên là hắn đang đứng cạnh một tên cán bộ lo kiểm soát đồ đạc của hắn.
– Yêu cầu nghiêm túc – Giọng Nghệ Tĩnh nặng chịch – các anh trở về đội, khối, mau!
Hắn giữ nguyên được phong cách Sài Gòn, và hơi hướm của Versailles nữa. Vẫn giữ được nước da trắng trẻo, hơi gầy đi một chút, nhưng vẫn còn cặp kính gọng vàng óng ánh. Bẵng đi mấy năm, chàng kỹ sư vẫn không có gì thay đổi. Lúc đó vào khoảng tháng ba, tháng tư năm bảy mươi sáu. Trời nắng gắt, những tia nắng nhảy múa trên những mái tôn, ném cái nóng đổ lửa xuống bọn tù. Thời gian đó chúng tôi đã tụng xong “Mười bài học chính trị cơ bản” từ Hốc Môn. Chỉ học ôn, lai rai, thảo luận qua bình luận tin tức trên tờ Nhân Dân. Rồi khai lý lịch, lao động cầm chừng quanh khu đồi thấp gần trại.
Hắn được đưa về đội của chúng tôi, rồi nằm cùng một nền đất trong dãy nhà tôn, khung sắt kiếng Eiffel. Suối Máu trước kia dùng để nhốt tù phiến cộng. Cá ăn kiến, kiến ăn cá, trước nhốt chúng nó, bây giờ chúng nó nhốt mình, thế là huề… Chúng tôi không đau bằng một chàng hoa mai bạc quân cảnh, trưởng trại này trước năm bảy lăm. Tên trung uý trưởng K1 này là tù binh của chàng quân cảnh. Hắn đảo qua chỗ chúng tôi đang chia thức ăn, rồi cười khẩy:
– Anh còn nhớ tôi không?
– Xin lỗi…tôi không nhớ ra.

– Trước anh làm to ở đây, tôi là tù phiến cộng của anh.
Chàng mai bạc hơi tái mặt, nhưng cũng không có chuyện gì xảy ra. Chàng quay lại phân trần với các bạn, khi tên kia đã lững thững bỏ đi.

– Tao chỉ huy toàn trại này, chứ có phải một K này đâu. Thằng đó vô danh tiểu tốt, làm sao nhớ nó được.
***
Câu đầu tiên cậu kỹ sư bên Tây về, vất ba lô xuống, hỏi:
– Phòng tắm ở đâu các anh?
Câu hỏi đượm mùi “tư sản” của hắn làm cả bọn cười ầm lên.
– Bộ cậu mới nếm mùi cải tạo à?
Câu hỏi chơi mà hoá thật. Chúng tôi xúm lại nghe hắn kể tại sao giờ này mới chịu chui vào đây. Thì ra công an thành gửi hắn tới đây.
“Moa” làm việc cho họ mà, hắn vẫn còn thói quen toa moa như ở bên… Tây – Moa là kỹ sư cầu cống ở Sở Giao Thông Vận Tải ngay tại thành phố mà.
– Rồi sao lại khăn gói quả mướp lạc vô đây. Tại toa tham ô nhũng lạm chứ gì?
– Đâu có, họ tin dùng tôi lắm chứ. Tôi là một expert về cầu đường.
– Rồi sao nữa?
– Tụi Deuxième Bureau, ủa… Sở Công An khép tội làm việc cho CIA.
– Thế cậu là CIA thật à, trông cậu cũng có mác CIA lắm!
– Đâu có! Mais non. Tôi mà là CIA à, tôi ghét Mỹ nhất.
– Chắc tại cậu không chịu lấy nữ cán bộ từ trong bưng ra, cùng làm trong sở chứ gì?
– Đâu có, moa có vợ rồi. Vợ moa đẹp lắm. Moa là công dân Pháp mà.
Chỉ ba hôm sau, hỗn danh của chàng kỹ sư Versailles gắn chặt vào ba chữ “Chú Tây con”. Tác phong của hắn là tác phong Tây, và nói tiếng Tây. Đến lúc đó, hắn vẫn còn chưa hiểu tại sao hắn đang được tin dùng như là một chuyên gia cầu đường, bỗng chốc trở nên một tên tù cải tạo.
– Thế tụi nó không báo cho cậu biết là cậu đi tù cải tạo à?
– Đâu có – Chú Tây con còn thói quen trả lời đầu câu bằng hai chữ “đâu có” nên nhận thêm hỗn danh “Đâu Có” – Trước khi tôi đến trình diện công an thành thì anh chủ sự của phòng chỉ nói: “Chúng tôi đánh giá cao sự đóng góp của anh. Chúng tôi rất cần đến chất xám khoa học kỹ thuật của anh. Bây giờ theo lệnh trên, muốn giúp đỡ anh trở nên một chuyên gia xã hội chủ nghĩa, anh tạm ‘đi vào thực tế’. Sau đó, chúng tôi sẽ mời anh về tiếp tục phục vụ”. Bữa tôi đi, các anh ấy có tiệc trà tiễn đưa đàng hoàng mà.
– Thế là cậu đi vào thực tế Suối Máu với chúng tớ đấy. Hân hạnh quá nhỉ?
– Việc này chắc là có sự hiểu lầm, tôi sẽ nhờ toà đại sứ Pháp can thiệp.
Ông thiếu tá già hiến binh giải ngũ “xì” một tiếng.
– Can thiệp cái con khỉ. Kiện củ khoai. Sức mấy. Mầy ngây thơ lắm!
– Để rồi mấy người coi. Vợ tôi đang lo chuyện đó.
***
Hắn là một nhân vật lạ, đặc biệt trong K1 này. Không những đám tù cải tạo chú ý đến hắn mà cả lũ quản giáo cũng có vẻ chiếu cố đến hắn khá nhiều.
Sơ khởi là chuyện tắm giặt. Không có nước máy đối với hắn là một cực hình rồi. Đến khi chỉ cho hắn mấy cái giếng để kéo nước lên mà tắm rửa, giặt giũ, nấu ăn thì hắn trợn tròn mắt ngạc nhiên tột độ – “Uống nước này thì chết, nhiều vi trùng lắm, chung quanh cống rãnh không à…” Gã hiến binh thản nhiên bảo: “Mấy tháng nay rồi tụi tao đã chết đâu. Mình sơi vi trùng luôn, sợ gì?”
Hắn than phiền: Trong đời “moa” từ khi lớn lên, ngày nào ít nhất cũng phải rửa c…một lần, không thì chịu không nổi, nó quen đi rồi”. Phải xử dụng gầu kéo nước, chế biến bằng nón sắt, giây kéo bằng từng mắt giây kẽm gai nối lại để lấy nước từ dưới sâu lên, đối với hắn khổ sở quá. Hắn bị tay lính thủy đánh bộ trề môi chê:
– Ngữ này chỉ có nước chết sớm. Tớ nghi nó là kỹ sư dỏm quá.
“Chú Tây con” tắm táp rất kỹ, lại còn tắm bằng xà bông Lux chính cống Mỹ nữa thì tư sản quá đáng. Về cái chỗ để đặt lưng xuống sống cho qua ngày, hắn cũng không biết xoay sở cách sao. Mỗi người, lấy thước đo đàng hoàng, được 85 phân tây chiều rộng, hàng xóm láng giềng phụ giúp hắn giải chiếu treo màn, họ thương tình kẻ mới nhập tịch. Hắn mới “đi vào thực tế” nên quần áo, giày dép, chăn màn còn mới tinh. Chẳng bù với lũ chúng tôi, chỉ mới chuyển trại có một lần mà đã rách tả tơi. Hắn lạ chỗ lạ người, không ngủ nỗi, kêu không có nệm, than bị muỗi đốt.
Tay lính thủy đánh bộ: Chưa thấm vào đâu chú nhỏ. Còn khổ dài dài, chờ xem kỳ sau sẽ rõ. Ly kỳ, rùng rợn lắm chú ạ.
Hắn phàn nàn không có đèn để học chính trị. Chúng tôi gồm có già hiến binh, tay lính thủy đánh bộ, tay lính dù và tôi phải giải thích cho hắn, nhưng hắn chưa chịu tin là những trò của bọn chúng chỉ là bịp hết. Hắn cho biết, hắn vào trình diện công an thành ở đường Trần Hưng Đạo có mệnh lệnh sự vụ hẳn hoi: “Nay cấp cho đồng chí…cán bộ kỹ thuật trình diện Sở Công An thành phố để được đi điều vào thực tế. Yêu cầu các cơ quan đơn vị giúp đỡ để đồng chí…làm tròn nhiệm vụ trên giao”. Ở dưới có chữ ký và con dấu đỏ choé đàng hoàng.
– Họ nói bao giờ thì được về?
– Những anh ở Sở Giao Thông nói độ ba tháng thôi.
– Còn ở Sở Công An nó nói thẳng chú là CIA?
– Đâu có, các anh ấy đâu có nói thẳng, tôi chỉ nghe nói me mé.
– Còn ở đây họ bảo sao, bao giờ thì học thành tài?
– Họ không trả lời rõ, chỉ nói điều đó tuỳ ở sự tiến bộ của tôi. Tôi phải học và lao động tốt để tiến bộ.
Những giờ học ôn các bài “kệ” chính trị, hắn là người hay hỏi nghĩa từng chữ. Bảy tám năm ở Pháp, những chữ Hán Việt hắn chưa quen, khi gặp những khẩn trương, kiệt xuất, ba dòng thác cách mạng, nghiêm túc liên tục…thì hắn chới với thật sự, mặt hắn cứ thộn ra. Những lúc đó cái mác đi Tây về và cái bằng kỹ sư Pont et Chaussées của hắn vô dụng quá.
Đã biết tác phong tư sản và vụng về kiểu Phú Lang Sa của hắn, không bao giờ chúng tôi dám cắt việc nấu cơm cho hắn cả. Chỉ có việc kéo nước từ giếng lên để rửa rau, vo gạo, rửa chảo, kỹ sư nhà ta loay hoay mãi kéo không đầy chảo nước. Rửa rau thì hắn ngắm nghía mãi như một nhà thảo mộc học đang nghiên cứu cây cỏ. Với óc tò mò và sẵn sàng làm việc nhưng hắn làm quá kỹ, quá chậm. Giao cho việc giữ lửa ở bếp, hắn lúng túng bị bỏng tay chân tùm lum. Bây giờ phải giải quyết cách sao, không lẽ để sức trai ngồi không? Phải, tại sao không giao cho hắn chức vụ cao quý là đi vác gạo. Chú Tây con mới vào tù còn sung sức lắm, chú tỏ ra xứng đáng lòng tin của đội. Bao gạo “năm mươi pao” hắn vác lên vai, bước đi rất anh dũng, rất thơ thới hân hoan.
Từ đó chàng kỹ sư “Bông sốt” được thêm một bí danh nữa là “phu bát tê” nổi tiếng vác gạo đẹp trong K. Thêm một nhiệm vụ cao đẹp, kiểu cỡ tay cầy vai bừa nữa được giao cho Tây con. Vác củi. Một chàng kỹ sư trẻ tuổi, từ Véc-Sây trở về giúp “nước” cao lớn, đẹp trai, có cặp kính trắng gọng vàng, không hiểu sao mình lại có tội, lại bị bỏ tù. Hai vai vác hai khúc củi bự, thong dong đi đứng thì quả thực xã hội chủ nghĩa đã có tài biến đổi con người.
Điều tra, tổng hợp, phân tích mãi rồi người ta cũng tìm được nguyên do tại sao chú Tây con bị đẩy vào đây. Chỉ sau một thời gian ngắn trong quân đội hắn được biệt phái về một cơ quan xây cất, rồi nhờ tài vận động của nhà vợ, hắn vào làm trong một hãng tư, giải ngũ. Sau ngày 30 tháng 4, hắn được vào làm trong Sở Giao Thông Vận Tải thành phố. Con đường sự nghiệp của hắn chỉ có đi lên, nhiều may mắn. Hắn bị tống vào trại cải tạo không phải vì chê nữ cán bộ nhà quê, hôi hám, cũng không phải vì hắn tham ô. Tên chủ sự của hắn tham ô nhũng lạm, chứ không phải hắn. Chủ sự phòng móc ngoặc với công trường kinh tế mới ăn bớt xi măng, hắn phổi bò, ngây thơ, trong một buổi họp vô tình đưa ra những con số sai biệt về xi măng. Hắn chỉ muốn chứng tỏ tài học và lòng phục vụ tốt với “cách mạng”. Việc chưa vỡ lỡ, nhưng tên chù sự tìm cách triệt hắn. Lục tìm trong hồ sơ lý lịch, nó bắt được chữ “chuẩn uý biệt phái” của kỹ sư Véc Sây. Hắn ngầm đưa chi tiết này cho công an Thành, thế là đồng chí kỹ sư thương mến được “đi vào thực tế” và trong hồ sơ có thể còn nghi là CIA gài lại nữa…
Hắn tiếp tục thắp nến đọc báo Nhân Dân, vẫn chăm vác gạo vác củi huỳnh huỵch. Tây con ăn cơm rất lâu, nhai thực kỹ. Hắn luôn luôn giữ lời khuyên là một ngày phải uống đủ ba lít nước. Vì thế hắn mất rất nhiều thì giờ để đun nước sôi. Hắn đã bị vệ binh ốp và anh em tù kiểm thảo nhiều lần, hắn phải rút xuống hai lít rưỡi rồi hai lít nước một ngày.
Hắn bảo tôi: Rồi ông thầy coi, chỉ ba tháng thôi, thằng em này sẽ về với vợ. Chắc ông còn nhớ “en” chứ. C’est magnifique!
– Đẹp quá đi chứ, có ảnh của cô ấy đây không?
– Đâu có. Ẻn đang xin cho đàn em ra. Tức thật!
– Tức cái gì, bị tù là đáng rồi, tức tối gì nữa?
– Đâu có, em muốn nói tấm ảnh của Isabelle. Hôm mới vào trại, tụi nó giữ mất rồi.
Già hiến binh chêm vào: Tao là tao không chịu cái vụ đó à. Ai đời ảnh vợ đẹp, vợ cưng của mình mà đêm đêm tụi nó chuyền tay nhau ngắm nghía thì tức chết đi được.
– Bây giờ phải làm sao xin lại được, các anh?
– Xin cái gì, của mình mà xin xỏ gì. Tao cũng nhất định không chịu. Kỳ quá mà. Lính dù châm ngòi.
Đến lượt lính thủy đánh bộ xúi dại:
– Thì cứ gặp thằng quản giáo nói trả lại. Cái đó có hại gì đâu, hình ảnh người thân của mình có phải tài liệu quốc cấm đâu.
Tưởng nghe qua rồi bỏ, không ngờ chú Tây con anh dũng đi đòi ảnh lại thật. Hai cố vấn dù và lính thủy đánh bộ hơi hối hận.
Trưa hôm sau tên Chòi trung uý trưởng K., được đặt tên là “lơ xe đò” vì hắn chính là lơ xe đò thứ thiệt của xe Sài Gòn-Biên Hoà đang chấp tay sau đít – một kiểu đi rất cán bộ – lững thững kiểm tra nhà bếp. Tây con cà rà lại gần:
– Thưa anh, tôi có một chuyện muốn thưa với anh…
Thằng Chòi trợn mắt: Chuyện gì? Thế rồi hắn cứ lẳng nhẳng …rồi cả hai ra khỏi cổng K. trước sự ngạc nhiên của mọi người.
Tin đồn lan ra rất nhanh chóng toàn K.
– Thằng Tây con chắc được về rồi, chính anh Chòi vào gọi nó ra.
– Thằng “Đâu có” phen này bị nhốt unex vì dám đòi ảnh vợ.
– Thằng “Phu bát tê” kỳ này chắc bị chỉnh tơi bời hoa lá.
Đến chập tối, chú Tây con bơ phờ trở về. Hắn im lặng ngồi nhai cơm với canh bí đỏ nấu với muối, không nói một câu. Hàng xóm láng giềng hỏi chuyện, hắn lắc đầu. Ăn xong cũng không thèm ra giếng rửa chén đủa, bỏ cả học ôn chính trị. Hắn nằm vắt tay lên trán suy nghĩ sự đời. Đợi khuya, hắn dựng tôi dậy, tậm sự.
– Em giận quá, ông thầy. Họ thay nhau hỏi em hai tiếng đồng hồ liền.
– Rồi bắt đầu viết tờ kiểm điểm phải không?
– Ủa, sao ông thầy biết. Viết rồi, họ bảo chưa thành khẩn, bắt viết lại. Họ nói nhiều câu em nghe không hiểu nghĩa ra sao nữa. Nào là tư tưởng còn chưa dứt khoát, nặng đầu óc gia đình, còn rơi rớt óc tiểu tư sản, chưa nhận thức được chân lý cách mạng.
– Rồi chú viết tờ kiểm điểm đó ra sao?
– Thì ông biết đó, phải hứa là yên tâm học tập, vợ con ở Sài Gòn đã có họ lo, học tập lao động nhiều để cỏ tiến bộ… Hỏi thật ông, mấy người Việt Cộng này – giờ phút này, trong trại cải tạo mà vẫn còn thói quen gọi kẻ chiến thắng là Việt Cộng thì can đảm có thừa – mấy người Việt Cộng không biết vợ con đàn bà con gái là gì à?
Tôi cười trừ – chú mày hỏi khó trả lời quá, thôi về ngủ đi. Cứ tiếp tục vác gạo vác củi, rồi nghiên cứu báo Nhân Dân là sẽ tiến bộ, sớm trở về với vợ. Chớ hỏi nhiều.
Kể từ đó niềm tin của hắn bắt đầu lung lay. Bọn kia trước được gọi là “các anh ấy”, bây giờ chỉ là “họ” khô khan. Hắn không tốn tiền gửi mua nến để học chính trị nữa, hắn thôi không lẩm cẩm hỏi: Anh ơi tọa độ là gì… Đây là non hay verbe…” Máy bay chiến đấu con ma đã tọa độ lán của bộ đội ta” tại sao lại dùng chữ tọa độ, tọa độ có phải là bombarder đâu? Thắc mắc của hắn chỉ có Văn Tiến Dũng trả lời được thôi. Cách dùng chữ của xã hội chủ nghĩa tiên tiến, biến hoá vô lường, bố ai mà hiểu nổi.
***
Hắn luôn luôn nhắc đến vợ, luôn luôn khoe vợ đẹp. Hắn xoay sang ngồi cắm cúi viết thư cho vợ. Viết thì viết, nhưng đợt thư đầu của hắn, sau khi bị kiểm duyệt, không được gửi đi. Lý do rất dễ hiểu là hắn viết bằng tiếng Pháp. Rồi lại bị gọi ra bộ chỉ huy trại để “làm việc” một buổi chiều nữa, nghĩa là bị sỉ vả đe dọa một lần nữa. Anh nặng đầu óc thực dân phong kiến. Anh còn luyến tiếc đế quốc Pháp. Anh dùng tiếng nước ngoài để định làm mật thám cho thực dân cũ nữa hả? Anh tưởng chúng tôi ngu dốt không đọc được tiếng Pháp à? Chúng tôi gửi về thành phố Hồ Chí Minh rồi anh sẽ biết. Anh muốn mật báo những tin tức bí mật ở đây cho địch hả? Khổ nỗi là vợ hắn, Isabelle không biết đọc chữ Việt. Già hiến binh hiến kế: Có mẹ gì đâu, mày cứ viết câu tiếng Pháp dặn “ẻn” là nhờ một người bạn Việt giỏi tiếng Pháp dịch ra cho “ẻn”, dễ quá mà.
Chú Tây con lại ra sức viết thư bằng ngôn ngữ bố mẹ đẻ. Cố vấn về ngôn ngữ bất đắc dĩ là già hiến binh và tôi. Hắn tiếc không đem vào được quyển Pháp Việt tự điển. Sincère là gì bố – Affectueux là sao ông thầy? Dịch là thành thật và âu yếm được không? Già hiến binh dẫy lên: mày phải đọc cả câu chứ cứ hỏi vocabulaire, bố tao cũng chịu luôn. Câu đó thì chữ ấy phải viết là chân thành chứ viết cho vợ mà “thành thật” cái nỗi gì? Nói về anh em trong này thì chú viết là “thương mến” chứ chú “âu yếm” chúng tôi, chúng tôi cũng chạy luôn. Hai tay lính thủy đánh bộ và lính dù thì làm mặt nghiêm.
– À mấy anh giúp nó tiết lộ bí mật của đảng ta ở Suối Máu nhé! Mấy anh còn muốn đế quốc Pháp trở lại đây nhé! Tôi đi báo cáo a.
Thấy vẻ mặt e dè của Tây con, họ cười hô hố. Hắn viết khá nhiều, nhưng mỗi tháng một lá được phép gửi đi, mỗi kỳ một tờ thôi. Thư của hắn sau này có thể xuất bản được.
***
Bị chửi bới nhiều phen, Tây con trở nên ít nói, ít thắc mắc. Hắn không trưởng thành trong khói lửa qua cuộc chiến đã tàn, nhưng trưởng thành trong cảnh tù đày. Sau thời gian quan sát, nghiên cứu kỹ càng những toán bổ củi, hắn quyết định xin đổi nghề. Từ nghề phu bát tê sang nghề bổ củi. Do đó hắn lại có thêm biệt hiệu nữa là “Thợ Bổ”, thợ bổ củi. Mấy ngày đầu kỹ sư “Bông Sốt” mới vào nghề, cũng lạng quạng sứt sẹo tay chân. Nhưng rồi “lớn lên trong mồ hôi và máu” hắn bổ củi rất khéo, rất đẹp. Hắn nghiên cứu kỹ lưỡng từng loại củi, củi rừng, thứ thớ xoắn khó nhá nhất, củi thông dễ bổ, củi cao su thì dễ nhất, mềm và thẳng. Khúc củi nào là khúc chạc ba tuy khó nhá, nhưng hắn cũng tìm được cách thanh toán nhẹ nhàng. Củi vác từ bãi về phải được bổ ngay, phơi nắng thêm vài ngày, thớ củi khô đi, nhựa quánh lại, khó làm thịt nó. Nếu không phải thật khô. Phải biết cách nắm chiếc búa, chiếc rìu ra sao, dơ cao hạ thấp thế nào cho đúng kiểu. Hắn còn vẽ trên giấy để chứng minh, áp dụng toán học về sức nặng. Làm sao giảm cường độ lao động mà kết quả lại tăng thêm mới là giỏi. Nhà bếp đặt hàng ra sao sẽ có cùi đúng cở như vậy. Củi nấu cơm bổ lớn. Củi nấu canh nhỏ hơn, củi nấu cháo cho người ốm, nhỏ nữa. Khi đã thành thạo “nghiệp vụ”, hắn đứng giảng cho anh em nghe kỹ thuật bổ củi. Hắn nói “Mình ở tù ăn ít, làm nhiều, phải làm sao tiết kiệm được càng nhiều calorie càng tốt”. Hắn chỉ phải đứng cách sao để lưỡi búa không sơi tái ngón chân. Phải kê khúc củi ra sao, phải chèn miếng chêm miếng đệm thế nào cho củi tự động tách ra mà không tốn sức lao động. Có lần tên Chòi “lơ xe đò” quản giáo, tình cờ đi qua cũng phải gật gù khen Tây con “lao động có kỹ thuật”.
Ông lính thủy đánh bộ chọc “thợ bổ”: ở ngoài các em nó làm thợ bổ, khỏe phây phây, tiền vô đều đều. Còn chú mày ở đây làm thợ bổ, anh thấy vất vả quá! Tây con ngây thơ hỏi lại:
– Vậy hả? Ở Sài Gòn bây giờ cũng có các cô, các bà biết bổ củi à?
Khán giả đứng vây quanh xem hắn biểu diễn dùng búa, được một trận cười thoải mái giữa sự ngơ ngác đáng yêu của Tây con. Riêng tôi, tôi thấy cái bằng Bông Sốt của hắn vào đây chỉ để ứng dụng được toán học để…bổ củi thôi, thì xót xa quá!
Một “sự cố” khác xảy ra càng làm hắn mất tin tưởng vào lũ quản giáo. Hắn đã gọi là “tụi nó” chứ không là “họ” chung chung nữa. Hắn nhận được thư của vợ hắn gửi vào. Lá thư ngắn nhưng chan chứa tình yêu thương kèm theo là một bức ảnh 9×12 đen trắng mà mãi sau này chúng tôi mới được chiêm ngưỡng. Bức ảnh chụp rất nghệ thuật, đó là một nàng có hai dòng máu Âu Á với mái tóc buông lơi như sóng Đại Tây Dương. Mũi cao thanh tú, cặp mắt tây phương với hàng mi cong vút. Bức ảnh này là đầu mối rắc rối cuộc đời cho chú Tây con. Chỉ vì mặt sau nàng đề tặng chàng bằng dòng chữ Pháp: “Với tất cả trái tim em, vợ yêu của anh” , lại thêm cách đề ngày cắc cớ theo lối La Mã 12/V LIXVIIVI. Dòng số này có vẻ đáng nghi thực.
Lá thư bằng tiếng Giao Chỉ, bị mang ra bình trước hội trường cho toàn K nghe. Quản giáo Chòi, “lơ xe đò” bữa đó trở thành một diễn viên hài kịch được khán giả tù tán thưởng nồng nhiệt. Sau khi đã giáo đầu bằng những câu “chưa nói tù đã biết quản giáo định nói gì”. Chòi lôi lá thư của Isabelle ra đọc (chắc chắn cô nàng đã phải nhờ một người bạn có trình độ học thức khá, viết hộ).
“Anh yêu dấu!”
Chàng lơ xe đò, đọc từng đoạn để gián tiếp dạy cô đầm lai sống từ nhỏ bên Pháp, cách viết thư.
– Thế là thế nào, chỉ cần viết Anh hay Anh thân thương là hay lắm rồi.
“Em muốn viết nhiều, thật nhiều để anh đọc, nhưng em nghẹn lời không viết ra đây được.”
– Thế là thế nào? Viết thì cứ viết chứ, tại sao lại nói không viết ra được. Bây giờ tự do thống nhất rồi, muốn tâm tư tình cảm gì cứ viết ra chứ. Nếu nghẹn cổ thì viết thành chữ làm sao được. Các anh nghe tôi nói có chí lý không?
Toàn hội trường ồn ào. Chí lý! Chí lý!

Tên Chòi đắc ý: Chí lý quá đi chứ – hắn luôn có câu “chí lý quá đi chứ” nên có hỗn danh “chí lý” ngoài
“lơ xe đò”.

“Lời đầu tiên là em phải hỏi ngay là dạo này anh có được khỏe không, anh ăn uống ra sao, anh có ngủ được không? ”
– Tại sao lại hỏi thế. Mỹ cút ngụy nhào rồi, ta phải ăn no ngủ kỹ chứ. Tại sao lại không khỏe? Nhân dân và nhà nước cho các anh vào đây là đã lo đầy đủ cho các anh rồi. Không cần phải lo đến chuyện ăn uống. Vào đây các anh nào có bị đói đâu. Anh nào đói, dơ tay cho tôi biết nào. À, không ai đói cả, anh nào cũng no, cũng khỏe cả. Trả lời tôi nào: “Cỏ được ăn no không?” .
Toàn hội trường cười lớn. “No lắm! No quá đi chứ!”.
Vào đây để được học tập, có chúng tôi, có các bạn giúp đỡ là phải khỏe chứ. Hỏi như thế là còn lấn cấn trong lòng đấy. Chưa tin vào cách mạng, chưa tin vào nhân dân đấy!
“Em nghe nói là trong đó các anh học tập chính trị khó lắm phải không? Nhất là anh chưa quen những chữ của xã hội chủ nghĩa…”
– À cái này thì chị ấy chí lý lắm. Học tập chính trị có phải đơn giản đâu, phải đào sâu suy nghĩ, phải động não thì mới nhận thức nỗi tư tưởng ưu việt của cách mạng chứ, có phải là dễ đâu? Đấy các anh thấy không, anh này theo lý lịch khai báo là kỹ sư gì học tận bên Pháp mà đã thấu hiểu chính trị xã hội của ta đâu. Thế mới biết Đảng ta lãnh đạo thật là tài tình. Các anh nghe có chí lý không?
“Chí lý! Chí lý!”
Chí lý quá đi chứ lại… Tiếng vỗ tay nổi lên từng chập sau mỗi lời bình thư – không phải bình THƠ – của đồng chí quản giáo, thứ người chỉ đáng xách dép cho Tây con và vợ Tây con – không phải để cười cợt Tây con – Tiếng vỗ tay không phải để đùa rỡn trên sự nhớ thương của một thiếu phụ mà đó là những tràng đạn vô hình, tiêu cực chế riễu sự ngu dốt, vô học, xuẩn động về hành vi đọc thư người khác để công khai nhạo báng. Đó là một điều không thể chấp nhận được, không thể tha thứ được đối với một thanh niên được nuôi dưỡng trong môi trường tự do phóng khoáng với bảy năm học ở nước ngoài. Đó là một xúc phạm thô bạo đến tự ái, đến quyền tự do của chú Tây con.
Tôi ngồi sát cánh với hắn lúc đó. Mặt hắn đỏ bừng, lắc lắc cái đầu nhăn nhó. Hàm răng nghiến chặc, tôi thấy rõ bắp thịt hàm chuyển động, những gân ở thái dương nổi lên. Giận lắm, nhưng trong hoàn cảnh này hắn không biết phản ứng cách sao được.
Đoạn cuối bức thư có câu:
“Chúng ta hẹn gặp nhau, ngày hội ngộ không phải tại đây mà ở một phương trời khác, yên lành hơn, tốt đẹp hơn”.
– Thế là thế nào. Đất nước này của mình, mình ở chứ. Chỉ năm năm nữa thôi, nước ta sẽ giàu đẹp mười lần hơn đúng như Hồ chủ tịch đã dạy. Có hoà bình rồi ở quê hương mình yên lành hơn chứ. Đất nước mình là cái nôi của nhân loại thì mình cứ ở chứ. Chỗ này chị ấy bị lấn cấn rồi đấy, cần phải được giáo dục thêm.
“Ôm anh và hôn anh ngàn lần”
– Ối giời ơi! Hôn gì mà hôn lắm thế! Như thế là có tư tưởng đồi trụy rồi. Người văn minh và có văn hoá không bao giờ phát ngôn tục tĩu như thế. Ôm và hôn là chỉ có bác Hồ, bác Tôn kính yêu ôm các cháu nhi đồng thắm thiết thôi chứ. Với lại để các bác ôm hôn các anh hùng lao động, các khách quý ngoại quốc thôi chứ. Tôi nói thế các anh có đồng ý không, có chí lý không?
Hội trường vừa vỗ tay vừa la lớn “Chí lý, chí lý, đồng ý, đồng ý”. Chưa bao giờ ở đây lại có một buổi “lên lớp” hào hứng mà trật tự vượt khỏi sự kiểm soát của tụi quản giáo vệ binh. Khí thế của đám đông rất sôi nổi. Khí thế này là để chống đối ngầm, như muốn hét to vào mặt tên “lơ xe đò” kia đừng có dạy Tây Đầm thế nào là văn mình văn hoá, qua vòng tay ôm và những nụ hôn.
Vụ lên lớp hội trường còn dư âm, nhưng chưa hết chuyện rắc rối. Dùng chữ Pháp đề tặng mặt sau bức ảnh và dòng chữ đề ngày bằng chữ số la mã cũng đã khiến Tây con mất nửa ngày “làm việc” với tên thiếu tá phó trưởng trại kiêm phụ trách an ninh toàn các K. Sau mấy vụ này “thợ bổ” biếng ăn, biếng bổ củi, hoàn toàn mất niềm tin và trở nên căm hờn dữ. Hắn gọi bọn kia là lũ giặc cướp, lũ mọi rợ, lũ bán khai.
Tôi với hắn, trước kia cùng ngành, tôi đã có dịp nói chuyện với vợ chồng hắn ở Bình Dương, hắn thích tâm sự với tôi. Ông già hiến binh và hai ông lính dù và lính thủy đánh bộ kia hắn vẫn mến, nhưng người thì lớn tuổi quá, người thì hay trêu chọc hắn, nên hắn vẫn thích thố lộ với tôi hơn.
Hắn kể, hôm đó có tên Chòi, trưởng K. tên Chách chuẩn uý an ninh K., anh chàng này còn trẻ mặt trắng xanh, nhưng vô cùng sắt máu và lão thiếu tá kia. Vẫn trò bắt chờ đợi, khai lý lịch viết tờ kiểm điểm sai lầm, rồi đến trò thẩm vấn mà chúng gọi là “trà đàm”. Có lẽ nhờ nhãn hiệu công dân Pháp mà được dự trà đàm chăng. Sau này chúng tôi đổi lại là “trào đờm”, anh nào mà lên đến cấp toàn trại để hỏi cung là sắp trào đờm! Ba kẻ chiến thắng thay phiên nhau cật vấn hắn đủ điều, hỏi từ đời tam đại của Isabelle làm sao hắn biết được, nhất là bên ông bố ở tận bên Bretagne xa lắc.
– Em đã cãi nhau với chúng nó một trận.
– Chú nói gì, chú dám… tôi ngạc nhiên quá sức.
– Tại sao không, đáng lẽ em không nổi nóng, nhưng đến khi nó lên mặt dạy em là tại sao lại để vợ chụp ảnh hở vai hở cổ lãng mạng, khêu gợi vậy… thì em chịu không nổi. Em vặn thằng thiếu tá: Nếu anh nói đọc được dòng chữ Pháp đề sau ảnh thì anh nói tiếng Pháp với tôi đi.
– Tôi có thể nói tiếng Pháp với anh được, nhưng có các đồng chí ở đây, không tiện.
– Nếu vậy, các anh nên trả lại tấm ảnh cho tôi.
– Đâu được, còn phải chờ lệnh ở Thành- Thằng chuẩn uý Chách phát biểu – vụ này do tôi phát hiện, tôi chịu trách nhiệm. Yêu cầu đồng chí thiếu tá không nên tự quyền giải quyết.
– Đồng ý, phải chờ chính đồng chí giám đốc sở kiêm phó chủ tịch thành phố giải quyết – tên thiếu tá gật gù.
– Nếu anh đã hiểu nội dung và những chữ số đó vô hại, tôi tưởng anh nên quyết định. Chuyện này nhỏ, anh là người cấp to chức nhất ở đây. Tôi hứa là lần sau sẽ không có chuyện này nữa, tôi sẽ dặn vợ tôi. Ngoài ra tôi muốn phản đối các anh một việc.
– Phản đối là phản động. Anh để tôi nhốt nó vào thùng sắt (conex), tên Chách (mà chúng tôi đặt tên là “thằng chăn trâu”) sừng sộ tay để vào bao súng lục.
– Đồng chí đừng vội, yêu cầu cứ để anh ta nói. Tên thiếu tá can.
– Tôi phản đối việc đem thư từ của tôi ra đọc công khai trước mọi người. Các anh không có quyền làm thế. Tôi là một cán bộ kỹ thuật từ Sở Giao Thông Vận tải thành phố.
– Bây giờ anh là tội phạm. Chúng tôi có quyền, chúng tôi đang điều tra về anh, anh đã mất quyền công dân. Chúng tôi đại diện cho nhà nước, bảo đảm an ninh tổ quốc. Chúng tôi muốn làm gì chúng tôi làm.
– Không có một chính quyền nào lại đem thư riêng của người dân để phỉ báng, làm trò cười. Các anh coi thường nhân quyền, các anh coi thường công pháp quốc tế.
– Kẻ tù tội không có quyền làm người. Chúng tôi không cần công pháp quốc tế.
– Nếu vậy tôi không cần nói chuyện với các anh nữa – Lão thiếu tá tím mặt lại, tên “chăn trâu” xô ghế định hành hung hắn, nhưng lão thiếu tá và Chòi “lơ xe đò” ngăn kịp.
Tôi tin hắn không bịa chuyện. Từ ngày đó trở đi, ánh mắt nể sợ, tin tưởng bọn kia đã đổi thành tia nhìn khinh bỉ. Dưới mắt hắn, bọn kia chỉ là một lũ bán khai, mọi rợ. Cũng từ đó tên thủ trương “lơ xe đò” và an ninh “chăn trâu” kiềng hắn ra mặt. Chúng đặt thêm “ăng ten” lấy thêm tin tức về Tây con. Nhất là tên Chách “chăn trâu” cứ theo tia mắt căm thù của nó, có thể ăn tươi nuốt sống chú Tây con của tôi ngay tại chỗ được.
***
Chuyến thăm nuôi đầu tiên là ngày trọng đại của tù cải tạo. Đó cũng là những ngày quan trọng đối với bọn cai tù. Trăm thương ngàn nhớ dồn lại ngày hôm đó. Cụ thể hơn là những gói quà, thùng quà và gánh quà gói ghém bao tình, bao nghĩa. Bọn cai tù tuy đã bố trí, chuẩn bị kỹ, nhưng vẫn còn sơ hở, vẫn có những vấn đề xảy ra, nhưng chúng không lường trước được. Chúng cho cất những dãy nhà lá mới, kiểu như một khu tiếp tân ở các quân trường bên ngoài vòng rào trại.

Tôi ra để được gặp nhà tôi và ba trong sáu đứa con tôi, cùng một giờ một nhóm với chàng kỹ sư này. Trước đó hắn chuẩn bị kỹ lưỡng, quá kỹ lưỡng, có lẽ kỹ nhất trong K. này. Hắn làm buổi sáng, đánh răng nhiều lần, chải đầu nhiều lần và soi vào mãnh gương vỡ của người bạn, nhiều lần.
Hắn diện một sơ mi và một quần tây mới nhất, chưa mặc đến bao giờ, để được gặp vợ. Hắn vuốt vuốt mãi mái tóc mới nhờ người bạn hành nghề cắt tóc ngang xương ở đây, làm đẹp lại.

– Ông ngó coi em có preosentable không?
– Beau lắm rồi. Vẫn y nguyên là một kỹ sư Bông Sốt như xưa.
– Thực hả ông? Ủa, để em đi kiếm bó hoa tặng “ẻn” mới được.
– !!!
Tôi tưởng hắn nói chơi, nhưng hắn làm thật. Ở trại tù đào đâu ra hồng, lay ơn như ở Sài Gòn, Paris để tặng vợ yêu theo cách thế tây phương. Cộng sản đã bảo dân và bảo tù là phải khắc phục, phải tự túc. Hắn thực hành ngay lối dạy bảo đó. Không cần hỏi ai, hắn đi hái được một bó hoa, thứ hoa không tên, như bông thọ nhỏ, cùng với ít hoa tím hoa trắng mọc dại, bó lại cẩn thận bao giấy bên ngoài, rồi để sẵn ở chỗ nằm. Khi hắn đứng xếp hàng, vai vác đòn gánh với hai bao bố ở đầu đòn thì không ai để ý hắn đã dấu bó hồng trong đó.
Chuyện đầu tiên mới trông thấy nhau trong căn nhà mới cất còn thơm mùi tranh, tre, hai kẻ trẻ tuổi yêu nhau xáp lại và ôm nhau hôn rất tự nhiên. Đó là một cách thể biểu tỏ tình thương yêu rất bình thường, rất “người”. Dân Liên Xô, dân Đông Âu cũng biểu lộ tình thương yêu như vậy thôi. Rồi cộng sản Á châu cũng học mót. Ôm nhau, hôn nhau sau mấy tháng xa cách chẳng có gì là tội lỗi. Ôm nhau chưa đủ, chú Tây con, cậu “đâu có”, phu bát tê, thợ bổ, còn vô tình ngang nhiên và anh dũng thò ra một bó hoa. Bó hoa nhỏ, nhưng vẫn còn tươi, có màu vàng, trắng, tím và lá xanh. Bó hoa không đáng giá một đồng bạc, nhưng vào thời gian đó, không gian đó, giây phút đó thực là vô giá.
Tôi liếc mắt thấy Isabelle bừng lên một nét cám ơn, trong khoé mắt tây phương đó tôi thấy long lanh giọt nước mắt hạnh phúc, dù chỉ là hạnh phúc trong cảnh khổ đau, tù ngục. Vợ tôi cũng ngó màn kịch đó, tuy thời gian cho gặp nhau ít oi, nhưng vợ tôi cũng khen cô đó đẹp quá, mấy người bộ đội ở đây ai cũng ngó cô ấy.
Thời gian đầu, bên kia có thể là chưa ra tay, có thể là chưa rút kinh nghiệm việc tổ chức thăm nuôi, chúng chưa trắng trợn đặt công an ngồi ngay cạnh để nghe ngóng. Mấy vệ binh và quản giáo chỉ đi rảo bên ngoài. Khi thấy mọi người đều có vẻ hướng về mái tóc nâu sẫm trong này thì, chúng cử một tên nhóc đeo AK bước vào trong. Hôm trùng phùng đó, cô vợ chàng kỹ sư, vừa có máu Bretagne vừa có máu Hậu Giang luân lưu trong huyết quản, chắc đã được phường khóm chỉ dẫn, Isabelle chỉ dám trang điểm kín đáo – móng tay đã tẩy hết màu sơn đỏ, nhưng bàn tay búp măng vẫn nuột nà. Cô nàng chỉ dám mặc một bộ bà ba kiểu, bằng lụa nâu nhưng có thêu những bông hoa nhỏ rất công phu. Khuôn mặt đẹp như Elizabeth Taylor thời còn thanh xuân. Tóc nâu, mắt nâu, mi nâu dài và cong càng làm nổi bật làn da trứng gà bóc.
Tên vệ binh đứng phía cửa nghe ngóng. Chú Tây con trông thấy, bèn xổ ra một tràng tiếng Pháp như để chọc tức. Dĩ nhiên cô vợ phải trả lời bằng tiếng của bố đẻ. Tên lính nhỏ đó, không biết xử trí ra sao, nhưng rõ ràng nó cũng phải nhận thấy vẻ đẹp rất nổi của Isabelle. Nó đứng thộn ra ngó người đẹp. Chú Tây con làm tới, hắn choàng vai vợ và đặt một nụ hôn vào má nàng. Đến “thời điểm” này thì đã có chỉ thị, hắn sấn lại trước mặt cặp vợ chồng trẻ, giở giọng: “Yêu cầu các anh chị nghiêm túc. Phải giữ đúng “lội” qui thăm “lom”. Nghe rõ!”. Chú Tây con lặng lẽ gật đầu nhưng không rời vòng tay. Người đẹp Bretagne mở to đôi mắt phượng ngơ ngác hỏi chồng, cặp môi hé mở ngạc nhiên.
Thằng nhóc Thái Bình thấy lẻ loi, có lẽ nó chưa bao giờ thấy một người đẹp như vậy trong đời nó, trong khi chung quanh không khí thật là nặng nề, lạ lùng với nó. Chỉ nghe tiếng rì rầm thăm hỏi, chỉ thấy những khoé mắt ác cảm của những ông bà già, những ngấn lệ của người mẹ, của đứa con… Hắn xách súng lặng lẽ rút lui ra ngoài sân.
Trở về K. chú Tây con phải vất vả lắm mới chuyển hết số lương thực thực phẩm khổng lồ về. Chiếc đòn gánh đem theo, không bao giờ được dùng đến vì có bao giờ kỹ sư bên Tây biết gánh? Sức hắn khỏe lắm, nhưng cũng phải hai chuyến đi hắn mới vác hết về được.
Cả ngày hôm đó là ngày hội lớn, ngày cưới thứ nhì của hắn. Hắn tuyên bố như thế. Hắn không thiết, không cần ăn uống gì, tuy bò gà heo cá ê hề, ở trên đầu, ở dưới chân, ở chỗ nằm. Hắn gối tay ngữa mặt nhìn lên mái tôn và lũ chuột đang rình tấn công thực phẩm thăm nuôi thơm phưng phức. Khuôn mặt hắn rạng rỡ, luôn luôn cười một mình.
Ông già hiến binh gật gù: tao biết chú mày sướng rồi!
– Thì bố coi, con chơi cho thằng vệ binh một vố, nó thua luôn.
– Nhưng tao hồi còn trẻ đó, tù thì tù, tao cũng bị Tây bỏ tù rồi chứ bộ, vợ tao không đẹp như vợ mày bây giờ, lâu ngày đến thăm, chết sống gì tao cũng phải làm một cái đã. Muốn ra sao thì ra.
Tay lính dù bồi thêm một đòn:
– Đ.M. nó, gặp vợ trẻ đẹp mà không… ấy được, chết sướng hơn.
Tay lính thủy đánh bộ bỏ bom tiếp:
– Phải mà, chế độ gì kỳ cục. Hôn hít sơ sịt ăn thua mẹ gì. Tớ mà có vợ đẹp như vậy, tớ đâu có chịu nằm đây nữa, tớ “dọc” từ khuya rồi.

Chú Tây con vẫn giữ nụ cười, nhưng nghe các cố vấn tình yêu nói cũng chí lý lắm. Hắn lẩm bẩm:
C’est ca, c’est ca, Oui, oui!

Nhưng hắn không giữ được nụ cười lâu dài.
Trước khi đi lao động sáng hôm sau, chúng tôi nhận được lệnh phải trở về buổi trưa, để ăn uống xong sẽ chịu một cuộc nói chuyện của “các anh ở trên” nữa. Buổi sáng hôm đó trong toán chúng tôi, vắng mặt “chú Tây con”.
Đúng hai giờ trưa, thì tên thiếu tá phó trại trưởng mới đến, nghĩ là chúng đã hành chúng tôi, bắt phơi nắng hơn tiếng đồng hồ. Vẫn tác phong khề khà, sâu hiểm như những tên cán bộ khác. Mở đầu hắn ngõ lời chào (!) chúng tôi. Rồi cà kê dê ngỗng kể chuyện đại thắng, chuyện đảng ta, nhân dân kiên cường, bây giờ đã sạch bóng quân thù, thống nhất đất nước. Các anh học tập để trở thành con người mới trong xã hội chủ nghĩa … Mục đích chính của hắn là nhận xét phê bình về chuyện thăm nuôi vừa qua. Đảng và nhà nước vô cùng nhân đạo, không có tắm máu, ngày xưa ta còn cấp thuyền bè cho Trung quốc phong kiến trở về nước, ngày nay vẫn cho các anh gặp vợ con. Nhưng trong số các anh vẫn còn những hành động không tôn trọng nội qui, thiếu văn minh, không có văn hoá. Điển hình là anh… ở K. này. Anh ấy đâu?
Tên chuẩn uý Chách mặt xanh, Bí danh “chăn trâu” dẫn thủ phạm kỹ sư “Bông Sốt” ra trước đám đông.
– Như anh này đây, xem ra cũng là người có trình độ khoa học kỹ thuật đấy, được bố mẹ có tiền cho đi học nước ngoài cơ đấy. Sau mấy tháng học tập, mới lao động sơ khởi, nhưng qua chuyến thăm nom vừa rồi thấy rõ còn nhiều khuyết điểm lắm. Còn nhiều đầu óc ủy mị, nặng gia đình, có tư tưởng hưởng lạc, đồi trụy xuyên qua hành động thân mật với vợ.
Đứng bên dưới, tôi nghĩ thầm, đây là dịp hắn đáp lễ lại chú Tây con đã cả gan phản đối hắn trong bữa trà đàm. Trong cái nắng chói loá tháng sáu ghê người, trên những cánh đồi thấp ở gần Biên Hoà, cái chói chang của những mái tôn phản chiếu mặt trời, trong giọng chát chúa qua máy phóng thanh, tai tôi ù, mắt hoa nhưng vẫn thấy chú Tây con nhẫn nhục đứng nghiêm trước bọn quản giáo.
– Lại còn hành động trao hoa nữa. Hoa đó đâu phải là hoa do sức lao động anh ấy làm ra, hoa đó là của tập thể. Chỉ các đồng chí cấp cao, các khách quý nước ngoài mới được nhận hoa thôi chứ…
Tôi không thấy nước mắt của Tây con, chỉ thấy những giọt mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt đẹp trai và đỏ bừng vì căm hờn, vì nắng hè mà thôi. Phải, dưới lớp mũ vải xấu xí và bộ quần áo tồi tàn, hắn đứng như tượng gỗ. Nét mặt bình thản như trước mặt không có bóng người. Tôi hiểu Tây con khinh bọn kia vô tả, tôi hiểu hắn đứng đó nhưng không thèm nhìn ai hết, đứng đó mà không thèm nghe gì hết, mặc cho tên kia đang ông ổng tuôn ra những lời chói tai. Hắn đứng đó nhưng hồn hắn đang bay về Sài Gòn, về bên người vợ thân yêu xinh đẹp với mái tóc biển Manche, với làn da nõn như mây trời Bretagne.
Khi được hỏi : “Anh có gì phát biểu không?”
Hắn suy nghĩ vài giây, rồi mạnh bạo trả lời: tôi không có gì nói cả.
Tên thiếu tá hỏi gặng: anh sẽ xứng đáng để lần sau gặp vợ nữa chứ?
Hắn làm như không nghe thấy câu hỏi đó. Tên thiếu tá phải xoay qua nói thêm với đám đông một chập nữa… Tôi hiểu Tây con đã trưởng thành, hắn biết rằng nói gì nữa cũng bằng thừa, cũng vô ích. Vì hắn đã nói hết, đã nói thẳng vào mặt bọn kia rồi. Đây là lúc nín thở qua sông thôi. Tôi biết, lát nữa đây, sau khi về chỗ ngủ để tiếp tục triển khai “lời dạy dỗ của đồng chí thiếu tá”, thế nào chú Tây con cũng bị nhiều kẻ trách móc vì lo sợ sẽ bị làm khó khăn cho kỳ thăm nuôi sắp tới, nhưng chúng tôi, già hiến binh, lính dù, lính thủy đánh bộ và tôi sẽ bênh vực hắn.
***
Sau ba năm khổ sai, tôi trở về. Hỏi thăm, được biết Isabelle đã kịp thời cứu được chồng ra khỏi nanh vuốt, qua sự can thiệp mạnh của toà đại sứ Pháp tại Sài Gòn. Tôi tạm quên thân phận hẫm hiu của mình để mừng cho cặp vợ chồng trẻ đã qua được đất Pháp. Ít nhiều gì con người của Tây con và vợ đã thẩm nhập được những tư tưởng tự do phóng khoáng dân chủ lãng mạn của Montesquieu, Rousseau, Voltaire, Hugo, Verlaine… nếu còn ở lại Sài Gòn sẽ không chịu đựng nỗi với cái tư tưởng lỗi thời, lạc hậu sai lầm, già nua của Marx, Lenine, Mao, Hồ.
Ở bên trời Tây, có một lúc nào đó, Tây con còn nhớ đến chúng tôi? Và Isabelle, cô còn nhớ đến quê mẹ chăng?

Diệu Tần
Nguồn: Trích VĂN, số 60, tháng 6-1987