19 May 2018

“LỜI MẸ DẶN” - Hồ Sĩ Duy


TỪ “LỜI MẸ DẶN’’ ĐẾN “CHỐNG THAM Ô LÃNG PHÍ’’, PHÙNG QUÁN, CON NGƯỜI BẤT HẠNH ẤY!
Một chút tiểu sử: Phùng Quán, một hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam Thế Hệ Đầu 1956, sau đó không lâu, khoảng 1958 ông bị khép vào vụ “Nhân Văn Giai Phẩm” trên đất Bắc rồi bị khai trừ khỏi Hội Nhà Văn Việt Nam. Đến năm 1988, ông được phục hồi hội tịch Hội Nhà văn cùng lúc với Trần Dần, Lê Đạt và Hoàng Cầm.

Phùng Quán sinh tháng 1 năm 1932 tại làng Thanh Thủy Thượng, tổng Dạ Lê, nay là xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Ông tham gia vệ quốc đoàn vào tháng 1 năm 1946 tại trung đoàn 101 Trần Cao Vân tỉnh Thừa Thiên, làm liên lạc, trinh sát. Sau đó gia nhập Thiếu Sinh Quân liên khu 4, rồi đoàn văn công liên khu 4, giữ chân kéo màn và đọc thơ diễn tấu cho bộ đội nghe. Năm 1954 được điều về cơ quan sinh hoạt văn nghệ quân đội, thuộc Tổng cục Chính trị, tiền thân của tạp chí văn nghệ quân đội.
Sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm, ông rời Tạp chí Văn nghệ quân đội, đi lao động cải tạo cải các nông và công trường ở Thái Bình, Thanh Hóa, Việt Trì v.v…Ông được trợ cấp 27đ mỗi tháng. Sau khi hoàn thành lao động cải tạo, được chuyển về công tác tại vụ Văn hóa quần chúng thuộc Bộ Văn hóa và nhiều năm ông được phân công đi tăng gia sản xuất tại vùng núi Bắc Thái. Về hưu năm 1985 và mất lúc 16:50 ngày 22 tháng 1 năm 1995 tại Hà Nội thọ 64 tuổi.
– Bối cảnh sinh thành của “Lời Mẹ Dặn” và “Chống Tham Ô Lãng Phí”: Hiệp định Genève năm 1954, chấm dứt chiến tranh kháng chiến chống Pháp tại Việt Nam và vĩ tuyến 17 chia đôi Việt Nam qua hai miền Nam, Bắc. Ở miền Bắc chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa đang đi vào con đường xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Để thực hiện một chế độ xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế chỉ huy, đảng Lao động, (tiền thân của đảng Cộng sản) và chính quyền miền Bắc tiếp tục phát động phong trào cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ và cải tạo công thương nghiệp ở thành thị… Riêng chủ trương “Phóng tay phát động quần chúng, đấu tố địa chủ cường hào và bọn phản động’’ đã trở thành một phong trào khốc liệt, lan tỏa khắp nông thôn miền Bắc và đã gây ra không ít tai họa, không ít thảm khốc kể cả người và của cải vật chất mặc dù sau này Bộ chính trị đã ra lệnh sửa sai….
Trong cái không khí đấu tố địa chủ, bọn phản động (mà ở đây là Quốc Dân Đảng) một không khí đầy sắt máu, uy quyền và thủ đoạn, kích động, căm thù, gieo oan giáng họa, chụp mũ và vu khống….. Do một đám cán bộ vô học hoặc kém văn hóa, hoặc quan liêu mệnh lệnh, hủ hóa, dối gian, đứng ra làm mưa làm gió: “Trưởng thôn Cối làm tổ trưởng tịch, trưng mua, nhưng lại là mù chữ, lúc đội sục sạo đến báo cáo, tôi phải ghi ngoáy con số vào sổ tay”… (Tô Hoài “Ba người khác” nhà xuất bản Đà Nẵng trang 148). Còn có những mẫu người cán bộ đầy quyền uy như: “…. một người dáng như tổ trưởng, xách cây gậy, lảng vảng đến. Đây không phải cái chợ. Ai xì xào nữa người ta cắt lưỡi đấy”…
Phong trào cải cách ruộng đất ngày một lan rộng, ngày một cuốn cuồng như thác lũ: “Giải phóng Nhân dân lao động khỏi ách địa chủ phong kiến, mọi người đều có nhiệm vụ tham gia…” (Tô Hoài, sđd trang 19). “Bấy giờ phóng tay phát động quần chúng công tác cải cách ruộng đất là quan trọng nhất. Mọi người công tác ở cơ quan, từ cấp dưỡng đến cán bộ chuyên, có biết đồng ruộng hay không, nhất loạt đều phải đi làm “thổ cải” (Tô Hoài, sđd trang 18). Hồi này từ người già đến trẻ con, tối đến phải đóng cửa đi tập trung để ôn nghèo kể khổ, đấu tố địa chủ, phát giác các hoạt động của bọn Quốc Dân Đảng.Và đây là lời dặn dò của Cự, đội trưởng đội cải cách: “…Các đồng chí xem bản đồ, rồi tự tìm đường về xóm. Không được hỏi han lung tung. Coi chừng tay sai địa chủ và tổ chức cũ sẽ đưa người nó bố trí sẵn. Kể từ bây giờ các đồng chí về vị trí chiến đấu dưới thôn cẩn thận, cảnh giác, không được liên lạc với tổ chức cũ, cứ chọn nhà thăm nghèo, hỏi khổ, bắt rê xâu chuỗi.” (Tô Hoài “Ba người khác” trang 21)
Họ lý luận rằng: “Ở đâu có nông dân, là ở đấy có địa chủ. Chỗ nào có nông dân, có ruộng đât, tất có bóc lột”. Còn cán bộ cải cách ruộng đất là những mẫu người như đội trưởng Cự vừa nói trên, hoặc như Nguyễn Vạn chẳng hạn: “Nguyễn Vạn xốc lại ba lô, phanh ngực áo, đứng trên con đê nhìn về làng Đông. Cây quéo trước cửa đình tàn lá xanh thẩm cao lừng lững giữa khoảng trời chiều. Người của làng Đông không còn nhận ra Nguyễn Vạn. Thằng Vạn mắt toét bỏ làng đi, bây giờ về đây, đố ai còn coi thường Nguyễn Vạn: Hãy cứ nhìn những tấm Huân chương rung rinh lấp lánh trên ngực Vạn”. (Dương Hướng “Bến không chồng” NXB Hội Nhà Văn, trang 5).
Những mẫu người như Cự, Vạn, họ làm việc như những lãnh đạo, với kỷ luật là ba cùng (cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm) với bà con nông dân ở thôn xóm: “Vẻ mặt người nào cũng ra chiều đăm chiêu, quan trọng. Chúng tôi đang làm thay đổi cái làng, cái xã này. Cả nước đứng lên, các tổ chức sẽ bị đánh đổ, bao nhiêu địa chủ và bọn bóc lột phải đạp xuống đất đen, chúng tôi phóng tay đưa bần cố nông lên vị trí và địa vị người chủ thực sự của đồng ruộng. Tôi đương làm thế, tôi đã làm thế, tôi đương làm từng ngày, từng ngày theo kế hoạch” (Tô Hoài, sđd trang 50 – 51). Họ nói rất hay, tuyên bố rất lý tưởng, nhưng việc làm của họ thì đầy tội lỗi, đầy uy quyền và thiếu sáng suốt, công minh, nên việc gây ra oan khiên là không tránh khỏi, chưa kể đến cái hủ hóa của họ nữa. Chẳng hạn như việc Nguyễn Vạn đã vu oan cho ông Xung, người cùng họ với Vạn:
“Dưới ánh trăng Nguyễn Vạn nhận ra có bóng người ngoài vườn chuối, Vạn định quay vào nhà lấy súng, nhưng sợ mất thời cơ. Chắc là tay chân lão Hào định giở trò gì đó…. Thoắt cái, Vạn đã bám sát theo cái bóng đang tìm kiếm gì ngoài vườn chuối. Nhanh như sóc, Vạn dùng hết sức lực, lao vào siết chặt hai tay kẻ gian.

– Thằng Vạn đấy à?
Thì ra ông Xung
– Ông làm gì ở đây vậy?
– À, chả…. Chả là. Lão Xung ẫm ờ…..Sáng mai tao đi chợ Quầy sớm, kiếm mấy tàu chuối, dây chuối về trói lợn – mày biết thừa tao là Xung lái lợn.
– Mời ông lên Ủy ban Xã – Vạn nghiêm giọng, tôi thấy ông đào bới gì đó.
Ông đã bị bắt quả tang về hành động lén lút giấu giếm chính quyền. Lẽ ra hôm qua, ông phải tố giác khai báo, biết đâu lão địa chủ Hào còn có vàng giấu ở đó.
– Hử? Tao có biết nó giấu con mẹ nó ở chỗ nào mà tao khai báo, tao chỉ nghi nghi.
– Ông phải báo cả những gì ông nghi.
– Đấy là tội thứ nhất, Vạn tiếp; tội thứ hai ông đã vi phạm lệnh giời nghiêm. Đúng giờ, ai không nhiệm vụ, không được thắp đèn, không được đi lại tụ vạ trong làng, Nhân danh đội trưởng, tôi mời ông đi lên xã” – Khi nghe ông Xung nhấn mạnh tiếng “Nguyễn” để nhắc Vạn nhớ đến ông và Vạn cùng bà con, tộc họ với nhau: “Mày quên cả lời răn của tổ là người trong họ phải thương yêu đùm bọc lẫn nhau?”
– “Tôi không quên lời răn của tổ! Vạn gắt, tôi còn nhớ cả lời thề danh dự của người chiến sĩ cách mạng, phải tuyệt đối trung thành với Đảng – Ông nên nhớ, bố Nguyễn Vạn còn sống, nếu có tội, Nguyễn Vạn cũng không dung thứ – Mời ông đi!”
(Dương Hướng “Bến không chồng” NXB Hội Nhà văn, trang 36 -37).


– Với giọng điệu khoát lác như thế, sau này tên Nguyễn Vạn đã làm nhiều điều tội ác vì cố tình vu khống, gieo oan, giáng họa cho bao người trong đó có ông Xung, chú Hinh, chú Xình, chú Xèng và cả mấy người của làng Hội nữa. Vạn nói: “…..Tay Xình, tay Xèng thì dân quân bắt quả tang đặt mìn phá hoại cống Linh” (sđd, trang 38). Nhưng đó chỉ là sự vu khống cho hai người này, khi họ dùng mìn để đánh cá trong cống Linh và cống không hề hấn gì, ngoài ra còn trường hợp như Hinh, Vạn cho rằng :…. “ Theo điều tra cho biết, bọn Quốc Dân đảng hoạt động từ nhà thờ Thượng. Chúng có đường dây bí mật liên lạc với cơ sở quanh vùng này. Cuộc họp xóm ba tối qua bắt quả tang tay Hinh thổi kèn phát tín hiệu báo cho bọn Quốc Dân đảng.
– Khiếp thật! Chị Nhân thốt lên, thế mà từ trước đến này ai cũng bảo anh ta hiền lành! Thế mới biết bụng dạ con người….
– Những kẻ thâm ngầm đều gớm thế đấy – Vạn nói – Tay Hinh bao biện khôn ranh – Hắn bảo: do sợ muộn họp nên trước khi đi không kịp hút thuốc lào. Trên đường đi hắn tiện tay xé miếng lá chuối làm điếu theo kiểu loa kèn. Vừa đến cổng nhà xóm trưởng, hắn vô tình đưa cái điếu lên miệng thổi. Chẳng may cái điếu nó lại kêu đánh toe một tiếng – Thế là dân quân đứng gác ập đến tóm cổ hắn luôn. Chị thấy hắn ta bao biện giỏi không?” (Dương Hướng, sđd, trang 38).

Thế là những con người vô tội, bị oan uổng kia bị trói vào những chiếc cột chôn dựng đứng thành một hàng ngang.

– Đả đảo bọn địa chủ cường hào gian ác!
– Đảo đảo, đả đảo!
– Đả đảo bọn Việt gian Quốc Dân Đảng!
– Đả đảo, đả đảo!
– Bịt mắt – một mệnh lệnh từ đâu đó phát ra.
Một loạt súng nổ dậy lên
(Dương Hướng, Sđd _ trang 53)

Và còn nữa, còn nhiều vụ ra đấu trường thảm khốc và chết chóc như thế. Cả xóm làng miền Bắc vào những năm phát động phong trào đấu tố từ năm 1955 đến 1958, người ta không thể ghi hết những vụ oan khiên! Rõ ràng là: “Mọi nhà hoảng hốt ngẩn ngơ. Tiếng oan dậy đất, án ngờ loà mây!” (Kiều). Tuy nhiên, bọn cán bộ đi đấu tố thì tha hồ dối gian, mà hủ hóa:

….“Mãi để ý những người đang bị trói, lúc này cái Hạnh mới nhìn lên những người ngồi oai nghiêm trên đài cao ngất, còn có cả cô tý Hin, em gái chủ tịch Đột. Ôi! Sao lúc này cô Hin đẹp thế, đôi má cô cứ đỏ hồng hồng.
– Cô Hin trông oách nhỉ, cái Hạnh thốt lên – Oách đéo gì – Cậu trưởng nam buộc miệng.
– Sao anh nói bậy thế? Cái Hạnh sững sờ nhìn Nghĩa.
– Tao bắt quả tang cô ấy ngủ lang với tay đội trưởng đội cải cách sau từ đường.
– Chết! Anh nói thế mà không sợ cố ấy bắt à!”
(Dương Hướng, Sđd trang 46) – Và đây nữa, một cán bộ hủ hóa khác:

“…Trong đợt 4, đồng chí Bốn đã phạm lỗi nghiêm trọng: Vì hủ hóa mà phải đổi đi 4 xóm. Đến xóm nào cũng lại hủ hóa ở xóm đó, hủ hóa với vợ bộ đội, vợ tử sĩ… Điên cuồng hơn nữa, ngay trong Đại hội nông dân, đồng chí Bốn đã công nhiên cắn vào vú, vào mặt một chị chuỗi tích cực – Tổng cộng trong đợt 4, đồng chí Bốn đã thông dâm với 8 người và có hoạt động chọc ghẹo nhiều người khác….. Về xã Đào Khê mới 3 ngày, đồng chí Bốn đã liên lạc với con Ái, con địa chỉ cường hào gian ác. Cho con Ái vào dân quân, đêm đến nấu chè đậu đen cho nó ăn rồi hủ hóa với nó. Lại cho mẹ nó đi họp nông dân khiến không ai dám tố bố nó là địa chủ cường hào gian ác.
Đồng chí Bốn lại đưa con Hạnh thành phần công thương vào dân quân, đem con Hạnh về hủ hóa ở nhà rễ. Bố Thị Hạnh có tội đánh chết người, đã bị quần chúng tố, nhưng đồng chí Bốn che giấu không báo cáo với đội. Đồng chí Bốn lại hủ hoa với chị Chắt, thiếu nhi trong xóm đã bắt được bốn lần trong bụi cây.

Chồng chị ấy đi dân công vắng, mẹ chồng bị lòa, tối nào đồng chí Bổn cũng vào nhà chị ấy để hủ hóa…”
(Tô Hoài “Ba người khác” trang 82, 83).

Thế mà người ta vẫn say sưa đấu tố: “Hoan hô giai cấp nông dân, kiên quyết tử hình Việt gian và đả đảo bọn địa chủ cường hào gian ác…” Bài hát “Nông dân là quân chủ lực” vẫn vang vang…
Tô Hoài viết: “Ấy là quang cảnh những hôm các thôn rộn rịch lần lượt mitting tuyên bố xóa giai cấp địa chủ. Công tác lại tuần tự chiều gọi loa, hô khẩu hiệu, tối họp xóm xong, từng nhà còn mạm đàm trao đổi, ngày mai là ngày sung sướng nhất của nông dân, ngày mai giai cấp địa chủ bị tiêu diệt hoàn toàn ở xã ta và trên cả nước nữa.” (Tô Hoài, sđd trang 145)
Người ta đã thổi phồng cuộc đời rằng “Ngày mai là ngày sung sướng nhất của nông dân, ngày mai giai cấp địa chủ bị tiêu diệt hoàn toàn …” Cũng giống như khi đấu tố, người ta đã thổi phồng: “Ba đời cùng đinh, mà nó đấu nâng lên ba đời Cai tổng, ba đời Mật Thám toàn những bố láo bố láo tất.” (Tô Hoài, sđd trang 113)
Nhưng thực tế thì bức tranh của cuộc sống bây giờ ra sao? Đây ta hãy nghe Tô Hoài tả: “nhớ lại quang cảnh thôn chợ huyện. Chúng tôi húc đầu vào hàng bánh đúc, thì xung quanh mênh mông đói khát. Trong chợ những cánh tay cẳng chân đi lại như những cảnh que. Một người đàn bà ở đâu đến ngồi xập xuống, bồng đứa con gái nhỏ trên tay, thằng con trai khoảng bốn năm tuổi, mặt già cấc, bò bên chân. Mỗi lần người mẹ giơ đứa bé cho người hỏi mua, đứa anh lại oà khóc. Người mẹ mếu máo: “Nó khóc quá tôi không dám cho” chốc lại nói lại câu ấy. Một bà nói: “Để tôi đi mua cái kẹo nhử thằng bé thì nó mới nhãng em nó được” Người đàn bà vỗ vỗ lưng con, lặng im. Xung quanh đổ đến mỗi lúc mỗi đông, cái người tần ngần đứng hỏi mua trẻ con, người ấy cụt một tay. Có người đòi xem thẻ Thương Binh của anh ta. Tiếng ai kêu lên: “ối giời ơi! cái lúc lung tung này thằng Ngô Đình Diệm ở trong Nam cho người đi mua trẻ con rồi ném vào bụi cây, đổ cho ta giết. Đã tìm ra đã tìm ra khói đấy, phải cẩn thận cái thằng địch đồng bào ạ!” (Tô Hoài, sđd trang 124,125) Cuộc sống đã cơ cực đến thế, nhưng người ta vẫn luôn luôn gắn chặt nó vào một ý thức hệ chính trị, một thứ chủ nghĩa tuyên truyền vẫn quanh co, lắc léo, đổ lỗi đổ vạ cho kẻ khác, mà chẳng bao giờ những con người ấy dám chân thật với mình và dám nhìn thẳng vào mình. Phải chăng trong cái bối cảnh dối gian, rách nát và đầy oan khiên ấy nên Phùng Quán đã động lòng cảm xúc thành “Lời mẹ dặn” và ông cũng đã không chịu được cái cảnh tham ô, lãng phí và nhức nhối trước đói nghèo, nên ông đã lớn tiếng tố cáo “tham ô lãng phí”.
Đó là hai bài thơ độc đáo nhất của Phùng Quán và cũng là “những bài thơ đầu tiên trong lịch sử văn học cách mạng chống tệ nạn tham nhũng, lãng phí” như có người đã nói thế.
PHÙNG QUÁN VỚI NÉT HIỆN THỰC CỦA LỜI MẸ DẶN VÀ CHỐNG THAM Ô LÃNG PHÍ

Tôi mồ côi cha năm 2 tuổi
Mẹ tôi thương con không lấy chồng 
Trồng dâu nuôi tằm dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn

Đó là những lời tự sự của chính tác giả, một cậu bé “mồ côi cha từ năm 2 tuổi”. Tuy nhiên thân phận của cậu bé mồ côi ấy vẫn còn được cái diễm phúc là được tình thương của người mẹ, một người Mẹ tần tảo “trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải” để nuôi tác giả đến ngày lớn khôn. Người Mẹ ấy không những chỉ biết nuôi con, trái lại còn có công dạy bảo con của mình nữa

Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
Ngày ấy tôi mới lớn lên năm
Có lần tôi nói dối mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn
Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn
Ôm tôi, hôn lên mái tóc
– Con ơi!
Trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật

Thật tuyệt vời trước những cử chỉ điềm đạm, ân cần âu yếm của người mẹ khi thấy con mình có lỗi, không phải giận dữ và trừng phạt con bằng “đòn roi” mà chỉ lộ nét buồn trên mặt, rồi âu yếm con mình “ôm con”, “hôn lên mái tóc”. Nét buồn hòa với sự im lặng đã trở thành một mối truyền thông giữa hai tâm hồn mẹ con, và lời dạy bảo của người mẹ tiếp theo đó, đã là một làn sóng của âm vang rung động vào tận tâm hồn của người con ấy;

Mẹ ơi chân thật là gì?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu

“Hôn lên mái tóc” rồi lại “Hôn lên đôi mắt”. Một nụ hôn vào hai vị trí khác nhau, nhưng bản chất của nụ hôn vẫn là một, vẫn là sự biểu tỏ tình cảm đơn sơ và dịu dàng của người mẹ đối với đứa con thơ dại. Tuy nhiên, xuyên qua nụ hôn ấy vẫn là sự thẩm thụ từ một tâm hồn đến một tâm hồn, từ một trái tim bao dung nồng thắm đến một trái tim non dại thơ ngây, nhưng không kém dạt dào thương mến. Đó là tình mẹ con, tình yêu thương bao la như biển rộng, sông dài, một thứ tình thiêng liêng và hằng cửu, tưởng rằng con người không bao giờ thiếu thứ tình ấy được! Nhưng tình ấy dù bao la nhưng vẫn đơn giản, dù mênh mông nhưng vẫn tinh tế. Tinh tế và đơn giản như lời mẹ dặn: “Thấy vui muốn cười cứ cười, thấy buồn muốn khóc là khóc” …. Nói thế, chứ đâu phải dễ làm! V ì trong cuộc đời đã có bao nhiêu chuyện vui chuyện buồn, mà con người đã không được cười khi vui, và cũng không được khóc khi buồn! Chẳng hạn như trong những trường hợp “phóng tay phát động quần chúng” đấu tố địa chủ … có bao nhiêu chuyện khóc cười mà con người vẫn không được cười được khóc thật sự….! Ngược lại, có lúc “Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười” nói như cụ Nguyễn Công Trứ đã nói. Lời giáo huấn của người mẹ tưởng chừng giản dị và tự nhiên như ta đang hít thở không khí hàng ngày “Yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét, dù ai ngon ngọt nuông chiều, cũng không nói yêu thành ghét, dù ai cầm dao dọa giết, cũng không nói ghét thành yêu”. Sự giản dị và chân phương ấy, không thể làm cho đứa con phải suy nghĩ khi nó đi vào đời, một cuộc đời thường “đổi trắng thay đen”, một cuộc đời có lắm “khẩu phật mà tâm xà” và hơn thế nữa, một cuộc đời có lắm quyền uy, áp đặt độc đoán với một xã hội, chẳng có gì gọi là “công bằng dân chủ và văn minh”… Xã hội như thế, nên đã có kẻ “vào đời bằng hai đầu gối” bằng uốn ba tấc lưỡi: “ngon ngọt nuông chiều” để chạy theo quyền chức, danh vọng, bổng lộc, sang giàu. Cuộc đời “nhầy nhụa” và “âm u” như thế, nếu ai thực hiện được sự chân thật trong cuộc đời, dù phải quyết liệt đấu tranh chống bọn cường quyền đang “cầm dao dọa giết” để bảo vệ chân lý bảo vệ sinh mệnh cho chính mình và cho mọi người, thì người ấy quả là kẻ có nhân cách lớn! Ở đây, Phùng Quán hẳn đã nghe theo lời mẹ dặn và chắc chắn rằng ông không thể không suy nghĩ sâu sắc về việc thực thi “lời mẹ dặn” khi ông đi vào đời:

Từ đấy người lớn hỏi tôi:
Bé ơi, bé yêu ai nhất?
Nhớ lời mẹ, tôi trả lời
Bé yêu những người chân thật
Người lớn nhìn tôi không tin
Cho tôi là con vẹt nhỏ
Nhưng không, những lời dặn đó
In vào trí óc của tôi
Như trang giấy trắng tuyệt vời
In lên vết son đỏ chói
Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ

Phùng Quán đã thẩm thụ được “lời mẹ dặn” ông đã biến giáo đều thành tín điều!…. Nói đến tín điều là nói đến lòng tin.
Nhưng khi nói đến có lòng tin vào thánh thần hay một đấng vô hình nào đó, thì con người của niềm tin sẽ gặp phải một trở lực của con người không có niềm tin. Chẳng hạn khi ta nói đến hữu thần, thì cũng có kẻ nói đến vô thần. Hữu và Vô chỉ là hai mặt của một vấn đề, hay cũng có thể là một biện chứng phản diện…
Vì vậy cho nên khi Phùng Quán bảo: “bé yêu những người chân thật” thì đã bị người lớn “nhìn tôi không tin cho tôi là con vẹt nhỏ”. “Con vẹt” chỉ là một loài chim, loài chim chỉ biết nhại theo tiếng nói con người, chứ tự nó không có ý thức gì về lời nói của nó.
Nhưng ở đây tác giả đã phủ nhận vai trò con vẹt, và tự xác nhận rằng: “những lời dặn đó, in vào trí óc tác giả như vết son đỏ chói in lên trang giấy trắng tuyệt vời!” Thế là đã có sự tranh chấp xảy ra trong tâm thức của tác giả. Mà nói đến tranh chấp là nói đến sự chọn lựa và ý thức về sự chọn lựa. Qua đó ta thấy, Phùng Quán đã ý thức về sự chọn lựa “yêu những gì chân thật”. Trong bất cứ một sự tranh chấp nào, cũng luôn xảy ra những hiện tượng thắng thua, sai đúng, phải trái, vui buồn, v.v… Thái độ của sự tranh chấp là thái độ của sự lựa chọn, của dấn thân.
Ở đây ta thấy Phùng Quán đã lựa chọn một dấn thân “Đi trọn đời trên con đường chân thật” với sứ mệnh của một nhà văn, một sứ mệnh của nhà văn đi trên con đường chân thật. Con đường ấy rất khó “khó hơn người làm xiếc đi trên dây”.

Người làm xiếc đi trên dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét anh cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều 
Cũng cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
Chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu, không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá

Đấy đến đây ta thấy tác giả của bài thơ đã trở thành một tín đồ trung thành với Đạo. Đạo ở đây là Đạo chân thật. Phùng Quán muốn làm nhà văn chân thật trọn đời, như một con chiên trọn đời dâng mình cho Chúa, như một tín đồ hiến trọn cuộc đời cho một lý tưởng thánh thiện, cao xa. Phùng Quán, cũng như họ, không là những kẻ mê tín, mà là những kẻ được mặc khải hoặc là được thăng hoa bởi những ý thức cao đẹp của chân, thiện, mỹ. Phùng Quán đã quyết tâm như một tín đồ chân chính, không chịu nghe theo lời cám dỗ của quỷ Satăng , ông quyết không để cho lưỡi mình bị làm ngọt bởi “đường mật công danh”, ông quả cảm đi trọn đời trên con đường chân thật, suốt đời nhớ mãi lời mẹ dặn, dù “sét nổ trên đầu” vẫn không xô ngã ông , dù gian nguy vất vả đến đâu vẫn không làm sờn lòng ông. Con người ấy phải chăng đã tìm ra được ánh chân lý và quyết lòng tử sinh với nó, dù cho:

“Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá”

Có thể nói: Trọn cuộc đời Phùng Quán đã vác cây Thánh giá của chân thật “lời mẹ dặn” đi khắp nẻo đường chông gai và hóc hiểm của con đường hay của lòng người, của xã hội, của chế độ hay của cả lịch sử đã đổ xuống cuộc đời ông, là kẻ vác Thánh giá của chân thật, vinh danh cho một nhà văn chân thật trọn đời.
Bài thơ “Lời mẹ dặn” trên đây vào cuối năm 1957 có tên Trúc Chi (tức Hoàng Văn Hoan) làm bài thơ “Chân thật” đăng trên báo Nhân Dân và lên tiếng lập trường chính trị để đã kích Phùng Quán và chửi rủa Quán với cái “giọng hạ cấp” (1). Đó là một trong hiện tượng mở đầu cho việc Phùng Quán đã bị ghép vào tội “Nhân văn giai phẩm” rồi đi tù cải tạo sau này. Dù sao, bài thơ “Nhớ lời mẹ dặn” của Phùng Quán cũng như một số bài thơ khác của ông ngày nay vẫn có nhiều người nhắc nhớ và có kẻ đã nghĩ rằng… “Thơ Phùng Quán là một chuỗi tình ca lớn về cuộc đời. Dù chỉ là hình bóng thoáng qua, hoặc chỉ cho mà không nhận, tất cả trong thơ Phùng Quán đều là hình ảnh của cuộc đời úp mặt, và tất cả cũng là trái tim tươi đỏ của ông trước một kiếp người bị đời phụ. Tình ca của Phùng Quán bao giờ cũng là tiếng kêu đoạn trường của một con người tự cảm thấy bị xúc phạm và kêu đòi quyền được sống có nhân phẩm của nó” (H. P. N. T, Huế 22-6-2002)
Sống trong một thời đại chuyên chế, (Totalitaire), hơn bao giờ hết người văn nghệ sĩ cảm thấy sâu sắc về nỗi cô đơn của mỗi cá nhân, đồng thời cũng cảm thấy mãnh liệt tính cách liên đới về thân phận làm người. Do đó, ở thời đại này, quan niệm đi tìm hạnh phúc bằng một lối sống lẩn trốn cuộc đời, ẩn dật, nhàn hạ, sung sướng, suy niệm thảnh thơi như các cụ ngày xưa…. Điều đó, bây giờ chỉ còn là kỉ niệm đẹp, một hình ảnh xa mờ… Ngày nay, mọi văn nghệ sĩ đều bị đẩy xuống cái thuyền thời đại của họ. “Họ phải bấm bụng mà chịu vậy, dù họ có cho rằng con thuyền ấy tanh ngòm mùi cá, rằng bọn cai tù trên thuyền quá nhiều, và tệ hơn nữa, con thuyền bị lạc hướng”. (A. Camus, “Sứ mệnh văn nghệ hiện đại”, bản dịch của Trần Phong Giao, trang 28). Trong hoàn cảnh hiện đại, nhà thơ không còn là một thi sĩ chỉ biết: “Ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” hoặc là cái hình ảnh của “một chàng trai hiền hậu và say mê, tóc như mây vương dài trên trán thơ ngây…. Chàng đi trên đường thơ hái những bông hoa…” như Thế Lữ đã giới thiệu Xuân Diệu trong tập “Thơ Thơ” trước đây. Đã xa rồi cái hình ảnh mộng mơ của thời Xuân Diệu trước! Bây giờ, làm sao còn cái hình ảnh thoát ly hiện tại ấy nữa! Nhà thơ hôm nay, khó thoát khỏi cái thực tế cuộc đời phải chui rúc trong ngõ hẻm sình lầy, khi phải đi giữa gió mưa lạnh lẽo, khi phải chứng kiến những cảnh cơ hàn, phải nghe những tiếng khóc than của kẻ đói cơm, thiếu thuốc, phải nhìn những hình ảnh cơ cực của người nông dân lao động nhọc nhằn, vất vả mà vẫn thiếu áo, đói cơm, những “bà mẹ già thân quấn giẻ rách”, những “Em thơ đói khát” v.v… Nếu hiểu nghệ thuật thi văn như một thứ mơ màng, nhớ nhung vẩn vơ, một thứ tình cảm ủy mị và lãng mạn, mơ hồ và hờ hững, vô tình trước thực tế đắng cay chua xót của cuộc đời, thì làm sao cái xã hội đau khổ kia không căm thù thứ nghệ thuật xa cách thoát ly đó? Quần chúng không thể chịu đựng được thứ nghệ thuật lãnh đạm trước số phận của họ nhất là thứ nghệ thuật ngồi trên sự đau khổ của quần chúng để ca hát cho mình và giai cấp thống trị của mình. Nghệ thuật văn chương của lớp người ấy quả thật xa hoa, hơn nữa còn là một thù địch của lớp người thống khổ. A Camus đã nhận định qua một văn ảnh như sau:
“Khi được ngồi trên vọng lâu của những chiếc cổ thuyền thì bất cứ ở đâu và lúc nào, người ta cũng có thể ca ngợi các vì sao, trong khi đó thì dưới hầm thuyền, bọn tù tội vẫn còng lưng ra sức mà chèo, chèo cho đến kiệt lực.” (Sứ mệnh văn nghệ hiện đại trang 33-34). Do đó, ngày nay nhà văn, nhà thơ không được quyền sống lẻ loi với những mộng mơ riêng của mình mà họ phải hòa mình vào cuộc sống thực tế chung cho cả mọi người. Nhà thơ, nhà văn ở giữa lòng cuộc đời tha thiết tham dự vào sự tranh đấu chống áp bức, bạo tàn và chống bất công đang đè nặng trên lớp người bị áp bức, bị chà đạp và khổ nghèo. Nhà văn, nhà thơ quyết tâm dùng ngòi bút c ủa mình để phản ánh những khát vọng của quần chúng cùng tố cáo cường quyền bạo lực, tham tàn. Đó là sứ mệnh của nhà văn trong cộng đồng xã hội và đó cũng là ngòi bút của Phùng Quán trong bài “Chống tham ô lãng phí”

Tôi đã đi qua
Những xóm làng chiến tranh vừa chấm dứt
Tôi đã gặp
Những bà mẹ già quấn giẻ rách
Da đen như củi cháy giữa rừng
Kéo dây thép gai, tay máu chảy ròng
Bới đồn giặc trồng ngô tỉa lúa
Những cô gái trồng bông
Hai mươi? Ba mươi?
Tôi không nhìn ra nữa
Mồ hôi sôi trên lưng
Mặt trời như mỏ hàn xì lửa
Đốt đôi vai cháy hồng
Tôi đã đi qua
Nhiều xóm làng vùng Kiến An, Hồng Quảng
Nước biển dâng cao, ướp muối các cánh đồng
Hai mùa rồi lúa không có một bông
Phân người toàn vỏ khoai tím đỏ
Tôi đã gặp
Những em thơ còm cõi
Lên năm lên sáu tuổi đầu
Cơm thòm thèm độn cám và rau
Mới tháng ba đã ngóng mong đến Tết!
Để được ăn cơm no có thịt
Một bữa một ngày 
Tôi đã đi giữa Hà Nội
Giữa Hà Nội những đêm mưa lất phất
Đường mùa đông nước nhọn tựa dao găm
Tôi đã gặp những chị em công nhân đổ thùng
Yếm rách, chân trần, quần xăng quá gối
Run lẩy bẩy chui vào hầm xia tối
Vác những thùng phân
Ta thuê một vạn thùng
Mấy ai dám vác?
Chị em suốt ngày đêm quần quật
Sáng ngày chỉ vừa đủ nuôi con…

Trên dây là những hình ảnh của một bức tranh sống thực mà Phùng Quai đã thực hiện dưới ngòi bút của ông. Không là một địa ngục trần gian mà là một cảnh đời thực tế. Cuộc sống đã được dàn trải trước mắt, một cuộc sống cơ cực của những con người cơ cực! Họ đã sống như thế, con người Việt Nam đã sống như thế sau cuộc kháng chiến chống Pháp. Chiến tranh đã gieo bao nhiêu tang tóc và còn để lại bao đau thương và cuộc sống vẫn phải diễn ra từ hình ảnh: “Những bà mẹ già mặc giẻ rách, da đen như củi cháy, đang lao động” kéo dây thép gai “Tay chảy máu ròng” – “Bới đồn giặc để trồng ngô tỉa lúa”. Đến những hình ảnh cô gái trồng bông, kham khổ, nhọc nhằn và ruộng đồng thì không canh tác được, sự đói ăn đang đe dọa trầm trọng và những bé thơ còm cõi thiếu cơm, “ăn độn rau và cám”. Đó không là hình ảnh thơ mộng nữa, mà là một thực tế, một thực tế của con người bằng xương bằng thịt, đang sống trong một thảm trạng của xã hội đói nghèo! Nhìn vào cuộc sống ấy, không ai không ray rứt, không xót xa cho cảnh đời lao động của những hình ảnh con người lao động từ nông thôn đến thành thị, từ ngày nắng như: “mỏ hàn xì lửa” cho đến đêm đông “mưa lất phất nước nhọn tựa dao găm”! Ở Hà Nội có những chị em công nhân đổ thùng: “yếm rách, chân trần, quần xăng qúa gối, run lẩy bẩy chui vào hầm xia tối, vác những thùng phân,…” thế mà công lao động của chị em “suốt đêm quần quật, sáng ngày chỉ vừa đủ nuôi con”. Lời thơ của Phùng Quán đây, chẳng khác nào những lời tâm huyết trong cái nhìn chia sẻ đau thương, làm cho ta không khỏi liên tưởng đến Cao Bá Quát ngày xưa, con người đất Thăng Long ấy, đã có lần đi giữa đường gặp một người đói, ông lân la hỏi chuyện rồi mời người ấy vào nhà ông ăn cơm và tìm cách an ủi “Ôi thôi! Bác ngừng lệ – Cùng ta dùng bữa chơi – Trăm năm, đời người ấy – Như Quán Trọ mà thôi. Ung dung nào mấy kẻ -Được sung sướng trọn đời – Bác hãy ăn thông thả. Đừng nuốt vội làm gì. No vội dễ hại người.” Qua những vần thơ của Phùng Quán cũng như của Cao Chu Thuần (Bá Quát) như đã nhìn thấy những vấn đề của xã hội đang hiện thấp thoáng đằng sau tấn bi kịch của con người khốn cùng:

Một triệu bài thơ không nói hết nhọc nhằn
Của quần chúng anh hùng lao động
Phải buộc bụng, thắt lưng để sống
Để xây dựng kiến thiết nước nhà
Để thương yêu nuôi nấng chúng ta….
Vì lẽ đó
Tôi quyết tâm rời bỏ
Những vần thơ đầy bướm hoa
Những vần thơ trang kim vàng mã
Dán lên quân trang đẫm mồ hôi và máu tươi của cách mạng
Như công nhân
Tôi quyết đúc thơ thành đạn
Bắn vào tim những kẻ làm càn
Vào lũ người tiêu máu của dân
Như tiêu giấy bạc giả.

Đó là thái độ dấn thân của Phùng Quán. Thái độ ấy xuất phát từ một nhận thức trước thực tế cuộc sống, trướ c tấn bi kịch của những con người khốn cùng và tác giả đã lớn tiếng tố cáo:

“Một triệu bài thơ không nói hết nhọc nhằn
Của quần chúng anh hùng lao động
Phải buộc bụng thắt lưng để sống”….

Thái độ trước tiên của tác giả là quyết tâm rời bỏ những gì gọi là hào nhoáng của cuộc đời, những gì mà thứ văn nghệ thoát ly cuộc đời đã ru ngủ, đã tô vẽ đầy bướm hoa với “Những vần thơ trang kim vàng mã” hay đúng hơn là cái sống sung sướng xa hoa trên đau thương, chết chóc của mọi người “Đẫm mồ hôi và máu tươi của cách mạng”. Đó là nét tương phản trỗi bậc nhất của Phùng Quán đã thấy được, để rồi có một thái độ chọn lựa đứng hẳn về phía người cùng khổ để tuyên chiến với bạo quyền: “Những kẻ làm càn” với lũ quan liêu, tham ô, lãng phí: “Tiêu máu của dân như tiêu giấy bạc giả” Và Phùng Quán lần lượt tố cáo:

Các đồng chí ơi,
Tôi không nói quá
Về Nam Định mà xem
“Đài xem lễ” họ cao hứng dựng lên
Nửa chừng bỏ dở
Mười một triệu đồng dầm mưa giãi gió
Mồ hôi máu đỏ mốc rêu
Những con chó sói quan liêu
Nhe răng cắn rứt thịt da cách mạng!
Thật là tai hại cho “cao hứng” của những ai sống theo bản năng nhiều hơn là sống theo lí trí. Bản năng ấy vùng lên “cao hứng” lên, để rồi đem lại những hậu quả tai hại cho mọi người! Phùng Quán đã ray rứt đã đau xót trước những gì gọi là “mồ hôi, máu đỏ, mốc rêu” ấy và ông đã không nén được bầu nhiệt huyết, lòng căm thù sẵn có của người chiến sĩ trong ông. Ông như gầm thét:


“Những con chó sói quan liêu
Nhe răng cắn rứt thịt da cách mạng”
Thế rồi ông thao thức bồi hồi và xót xa:
Nghe gió mùa đông thâu đêm suốt sáng
Nhớ “Đài xem lễ” tôi xót bao nhiêu
Đất nước đêm nay không đếm hết người nghèo
Thiếu cơm thiếu áo…”

Nói đến đây, ta không thể không nghĩ đến những câu thơ của Trần Dần trong bài “Nhất định thắng” Trần Dần viết:

Tôi đã sống rã rời cân não.
Quảng thời gian nhưng nhức chuyện đi Nam.
Những cơn mưa rơi mãi tối sầm.
Họ lếch thếch, ôm nhau đi từng mảng…
Họ kêu những thiếu tiền, thiếu gạo, thiếu cha thiếu chúa v.v…
Có cả anh nam chị nữ kêu buồn
– Ở đây: khát gió thèm mây…
Mưa đổ mãi lên người xa đất Bắc
Dẫn đi đâu mà họ khóc mãi thôi.
Trời vẫn quật muôn vàn tảng gió.
Bắc Nam ơi, đứt ruột chia đôi.
Tôi cúi xuống, quì xin mưa bão
– Chớ đổ thêm lên đầu họ
– Khổ nhiều rồi!
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót.
Tôi bước đi không thấy phố, không thấy nhà.
Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ”.
(Trần Dần – Nhất Định Thắng )

Hai bài thơ (của Phùng Quán và Trần Dần) trong hai bối cảnh khác nhau, nhưng ta thấy có một cái gì vương vấn bi thương trong đó.
Trở về với Phùng Quán, ta vẫn thấy ông băn khoăn ray rứt:

Bọn tham ô lãng phí quan liêu
Đảng đã phê bình trên báo
Còn bao nhiêu tên chưa ai biết ai hay
Lớn, bé, nhỏ, to, cao, thấp, béo, gầy…
Chúng nảy nòi sinh sôi như dòi bọ
Khắp đất nước, đâu đâu chẳng có!
Đến một ngày Đảng muốn phê bình tất cả
E phải vạn nghìn số báo Nhân Dân!
Tôi đã đến thăm nhiều hố xí cầu tiêu
Giấy trắng nữa mặt sẽ toan chùi đít
Những người này không bao giờ biết
làng quê con cái nhân dân ta
Rọc lá chuối non, đóng vở học i tờ
Tôi đã dự những phiên tòa
Họp suốt ngày luận bàn xử tội
Những con chuột mặc áo quần bộ đội
Đục cơm, khoác áo chúng ta
Ăn cắp máu dân,
Đổi chác đồng hồ
Kim phút kim giờ lép gầy như bụng đói
Những mẹ già, em trai, chị gái…
Còng lưng, rỏ máu, lấn vành đai!
Trung ương Đảng ơi!
Lũ chuột mặt người chưa hết
Đảng cần phải lập những đội quân trừ diệt
Có tôi
Trong hàng ngũ Tiên phong
(Phùng Quán)

Bài thơ trên đây như một bản cáo trạng hùng hồn, như những lời tuyên chiến gắt gao với bọn tham ô lãng phí. Phùng Quán đã đi vào một cảnh đời rất thực, một cảnh đời rất tương phản giữa lớp người lao động khổ đau và lớp người quan liêu tham ô lãng phí. Nét bi đát nhất là sự đói khổ, nghèo nàn của quần chúng nhân dân lao động, phải đổ ra cả mồ hôi và máu, phải đói khổ “Để xây dựng kiến thiết nước nhà’’… Thế mà lại có một “Lũ người” “Tiêu máu của dân như tiêu giấy bạc giả” – Bài thơ thật sâu sắc thật nồng nàn tính nhân văn và tình yêu tổ quốc, yêu nhân dân lao động!
Người ta tưởng chừng như tác giả của bài thơ là kẻ có công hàng đầu, nào ai ngờ lại là kẻ có tội, cái tội dám tố cáo sự thật dám chống tham ô chăng? Phùng Quán đã bị khép vào nhóm “Nhân văn giai phẩm” và phải đi “Lao cải” (lao động cải tạo) ngót 30 năm.
Và đây, ta hãy nghe nhà văn Tô Hoài kể lại một trong vô vàn mẫu chuyện mà Phùng Quán đã làm trong lúc đi lao cải.
…”Các đường ngoắt ngoéo trong xóm trổ ra cổng đồng còn tối đất. Những con trâu, con bò ra ruộng làm sớm, thói quen tự nhiên tới vệ cỏ bên hào nước thì dừng lại ỉa. Đến khi sáng hẳn, thì trẻ con trong xóm mắt nhắm mắt mở, lốc nhốc kéo ra, ngồi bĩnh đấy. Hai thanh tre của Quán mở ra gấp lên sọt tuốt cả phân trâu, phân người” (Tô Hoài, Hồi ký Chiều chiều, NXB Hà Nội năm 1999)
Khi nhận xét về bài “Chống tham ô lãng phí”, sau này có người đã viết: “Bài thơ đã cảnh báo một tai họa của đất nước thế mà tiếc thay, đến đầu thế kỷ 21 này, 45 năm sau Đảng Cộng Sản trong cuộc chỉnh đốn Đảng, lại phải ráo riết kêu gọi “chống tham nhũng lãng phí”. Tham nhũng còn nặng hơn tham ô! năm 1958 tôi còn dạy học ở Vĩnh Phúc ngày dạy ở trường phổ thông, một tuần 4 tối dạy bổ túc văn hóa cho cán bộ các cơ quan tỉnh. Năm ấy, Quán bị… rồi. Một hôm phấn khích một cách dại dột tôi đọc hùng hồn bài thơ “Chống tham ô lãng phí” cho học viên nghe, im phăng phắc không khí trong lớp ngột ngạt như trước bão. Tôi nhìn rõ cả nét giật trên mặt một ông Trưởng Ty ngồi bàn đầu. Từ bàn thứ 3, một học viên mặt mũi phương phi, tóc hoa râm đứng dậy: – “Tôi hỏi thầy giáo: Phùng Quán lấy tư cách gì mà phê phán xã hội như thế?”. Tôi điềm tĩnh: “Thưa anh trước hết tác giả lấy tư cách công dân, rồi mới lấy tư cách nhà thơ. Phùng Quán không phê phán xã hội mà phê phán tệ nạn xã hội: Đó là tệ nạn tham ô lãng phí” (Nguyễn Bùi Vợi – Đọc thơ Phùng Quán).
Cuộc đời rồi cũng qua đi, thời gian không bao giờ quay trở lại, con người ngày một mỏi mòn, và có ai đó đã bảo rằng: “Đời như giấy mỏng hồn người như cờ lau” mong manh và dễ tan biến: “Đi đâu về đâu? Đò em đò lỡ nghiên cầu. Bờ mi trĩu nặng vương màu trầm luân”. Ta xin nhớ về Phùng Quán bằng những câu thơ của Nguyễn Đỗ Lưu ấy… “Bờ mi trĩu nặng” với bao nhiêu khổ đau đã trút xuống cuộc đời “trầm luân” của bao nhiêu thân phận người dân khốn cùng , bao nhiêu thân phận bị đọa đày của những con người văn nghệ sĩ, trí thức miền Bắc, những con người như Thụy An, Phùng Quán, Lê Đạt, Trần Dần, Phan Khôi, Đào Duy Anh, Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, v. v… và v. v… Cái cuộc đời “trầm luân’’ ấy, đã đổ xuống những kiếp người muốn sống cho ra con người, nhưng đã không muốn được! Ngày nay, tham ô lãng phí vẫn còn hoành hành, “màu trầm luân” vẫn chưa xóa hết … Một thời mà nhóm Nhân văn giai phẩm đã từng trầm luân vì nói lên khát vọng đích thực của con người: “Bao giờ nghe được bản tình ca. Bao giờ bình yên xem một tranh tĩnh vật … – Bao giờ, bao giờ ….” (Văn Cao – Anh nghe thấy gì không) Và cuộc sống vẫn còn ngột ngạt vì chung quanh còn những người khôn ngoan, không có mồm, mắt không bao giờ nhìn thẳng: “Những kiếp người sống lâu trăm tuổi, y như một chiếc bình vôi. Càng sống, càng tồi. Càng sống càng bé lại.’’ (Lê Đạt). Một kiếp sống hèn nhát, chỉ biết ngậm miệng cúi đầu, hoặc chỉ biết a dua theo danh lợi, quyền chức … Do vậy, đã không tránh khỏi những ý thức phản kháng của lớp người trẻ trung tiến bộ, vì họ không thể chịu được “bao cuộc đời mệt mỏi” và cuộc sống cứng nhắc như một công thức…: “Tôi mới 25 tuổi. Chung quanh tôi bao cuộc đời mệt mỏi Thất bại cúi đầu. Công thức xỏ giày vào mũi.” (Lê Đạt.). Cuộc sống ấy, mỗi ngày bao nhiêu bụi bặm rơi xuống đầu người, bao nhiêu gông xiềng, tập quán … cột lấy bước chân! “Tôi đã sống rất nhiều ngày thảm bại. Khôn ngoan, không dám làm người. Bao nhiêu lần tôi không thực là tôi. Tim chết cứng trong lề thói.’’ Một cuộc sống bị áp đặt, bị khép vào khuôn kh ổ toàn trị và đói nghèo, họ kêu: “Thiếu tiền, thiếu gạo, thiếu cha, thiếu Chúa. Thiếu v. v… Họ cảm thấy: Ở đây khát gió, thèm mây. Thiếu cả quả tim, bộ óc” (Trần Dần) … Và có kẻ đã kêu lên:

“Tôi đã sống rất nhiều ngày thảm bại. Khôn ngoan không dám làm người. Bao nhiêu lần tôi không thực là tôi. Tim chết cứng trong lề thói… Bao nhiêu khao khát làm người. Nhưng lại đẩy tôi về bến cũ. Những ao ước trong đầu ấp ủ. Chết dần như những chiếc thai non. Tôi ngập chân đi trong những lối mòn. Mong đổi lấy một cuộc đời yên ổn. Nếp cũ cay chua và trắng trợn. Đè trên vận mênh con người. Đời đời nối đời đời …Trao lại cho nhau một lời nóng hổi …’’ Những vần thơ ấy của Lê Đạt, của Trần Dần đã ghi từ thời Nhân văn giai phẩm của thế kỷ; nhưng hôm nay đọc lại, ta vẫn thấy như đâu đấy còn bao nhiêu khao khát làm người … và người ta vẫn không khỏi lo ngại: “Những ao ước trong đầu ấp ủ. Chết dần như những chiếc thai non.’’ … Hôm nay Trần Dần, Lê Đạt, Văn Cao, Phùng Quán …đã đi vào cõi vĩnh hằng, dù rằng tham ô lãng phí đã trở thành quốc nạn và “Lời mẹ dặn’’ đã trở thành tiếng vọng trùng dương… Nhưng những vần thơ của Phùng Quán và các văn nghệ sĩ ấy, vẫn không bao giờ chết sau khi nó đã sống. Nó được tạo nên, chính là để sống và trở thành mãi mãi cái mà nó vừa trở thành.


Hồ Sĩ Duy