15 May 2018

NHÀ THƠ TRẦN VÀNG SAO VÀ “BÀI THƠ CỦA MỘT NGƯỜI YÊU NƯỚC MÌNH” - Mặc Lâm



Nhà thơ Trần Vàng Sao (1941-2018)


Nhà thơ Trần Vàng Sao tên thật Nguyễn Đính, sinh năm 1941, quê quán làng Đông Xuyên, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế. Cả cuộc đời ông gắn liền với phường Vỹ Dạ, thành phố Huế. Năm 1962, ông đậu tú tài ở Huế và dạy học ở Truồi. Năm 1965 ông thoát ly lên rừng cho đến năm 1970 ông bị thương, được đưa ra miền Bắc chữa bệnh và an dưỡng. Theo lời kể lại của nhà thơ Thái Ngọc San – người cũng thoát ly ra Bắc và đã gặp nhà thơ Trần Vàng Sao, thì đây là quãng thời gian khổ ải nhất của nhà thơ vì gặp nhiều đố kỵ ghen ghét từ những người cùng chiến tuyến với ông.
Tháng 5 năm 1975, ông trở về Huế được phân công làm liên lạc viên tức đưa thư, rồi công tác ở ban Văn Hóa Thông Tin xã và nghỉ hưu năm 1984. Theo Nguyễn Miên Thảo, người viết lời tựa cho tập thơ thì vào thời điểm này, bài thơ “Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình” của ông được đăng trên Sông Hương, số kỷ niệm 5 năm ngày tạp chí ra đời. Bài thơ lập tức gặp phản ứng dữ dội của một số chức sắc địa phương, nhà thơ Thái Ngọc San lúc ấy là thư kí tòa soạn, người chịu trách nhiệm chọn đăng bài thơ phải rời khỏi tờ báo, và nhà thơ Trần Vàng Sao tiếp tục sống với những khó khăn của riêng mình.

Bài Thơ của Một Người Yêu Nước Mình
Cũng theo Nguyễn Miên Thảo thì giới chức văn nghệ trong Đảng có thể nghĩ khác về Trần Vàng Sao, cho thơ ông là có vấn đề, nhưng nhà thơ vẫn tự tại. Tự tại sống, tự tại làm thơ, và bạn bè muôn nơi vẫn đến với ông. Bởi vì ông là nhà thơ biết yêu nước mình, thật sự yêu nước mình.

buổi sáng tôi mặc áo đi giầy ra đứng ngoài đường
gió thổi những bông mía trắng bên sông
mùi tóc khô còn thơm lúa mùa qua
bầy chim sẻ đậu trước sân nhà
những đứa trẻ đứng nhìn ngấp nghé
tôi yêu đất nước này như thế
mỗi buổi mai
bầy chim sẻ ngoài sân
gió mát và trong
đường đi đầy cỏ may và muộng chuộng
tôi vẫn sống
vẫn ăn
vẫn thở
như mọi người
đôi khi chợt nhớ một tiếng cười lạ
một câu ca dao buồn có hoa bưởi hoa ngâu
một vết bùn khô trên mặt đá
không có ai chia tay
cũng nhớ một tiếng còi tàu

Những câu thơ đầu tiên trong bài thơ mang tên “Bài thơ của một người yêu nước mình” mà chúng ta vừa nghe đã vẽ lại một hình ảnh quê nhà mà bất cứ ai cũng có. Trần Vàng Sao yêu hình ảnh quê hương của ông bằng gợi nhớ những “bông mía trắng” bên sông khiến người nghe ông kể dễ dàng liên tưởng đến hương vị ngọt ngào của mật, cộng với hơi nước phả lên mát mặt trong những ngày oi bức. Dòng sông trong bài thơ không phải là Thu Bồn, hay Cửu Long hoặc sông Hồng sông Đáy…. không một địa danh cụ thể nào được tác giả nhắc tới nhưng sao ta vẫn thấy chính mình trong đó. Trong chúng ta mấy ai không có một dòng sông ký ức để mà nhớ mà thương? Cho dù hiện sống ở quê nhà hay đang bôn ba mọi nẻo thì dòng sông của riêng ta vẫn chảy thao thiết trong trí nhớ hàng ngày.
Từ những hình ảnh nhẹ nhàng thơ ấu, Trần Vàng Sao xuống hàng với những chi tiết khác, một chút gập ghềnh, một chút dằn sốc nhưng nghe chừng như tiếc nuối và đậm dần lên chất thơ…thơ của buồn bã và đầy hình tượng

một vết bùn khô trên mặt đá
không có ai chia tay
cũng nhớ một tiếng còi tàu

Trần Vàng Sao sử dụng kỹ thuật của hội họa khi viết “một vết bùn khô trên mặt đá”. Trong câu này ẩn ngữ khó nhận ra. Phía sau của bùn khô là gì và mặt đá khi nhận vết bùn có gì thay đổi trong cấu trúc của nó hay không. Ngưng một chút ở đây. Hãy liên tưởng tới nét sù sì của đá. Vết rạn nứt của bùn khô và vì bùn khô chỉ là một vết nên rất mơ hồ rất mảnh mai. Nhưng lạ chưa, sao mà ám ảnh như một vết cắt, một nhát chém, một đứt lìa?
Cảnh báo đứt lìa này bắt đầu cho những câu sau:

tôi yêu đất nước này xót xa
mẹ tôi nuôi tôi mười mấy năm không lấy chồng
thương tôi nên ở góa nuôi tôi
những đứa bà con hằng ngày chửi bới
chúng cho mẹ con tôi áo quần tiền bạc như cho một đứa hủi
ngày kỵ cha họ hàng thân thích không ai tới


thắp ba cây hương
với mấy cái bông hải đường
mẹ tôi khóc thút thít
cầu cha tôi phù hộ tôi nên người
con nó còn nhỏ dại
trí chưa khôn chân chưa vững bước đi
tôi một mình nuôi nó có kể chi mưa nắng

Bắt đầu từ đây, Trần Vàng Sao vén bức màn của mình để dẫn người đọc len lỏi vào đời riêng của ông. Mà lạ, tiếng là riêng nhưng sao chúng ta thấy ẩn hiện hình bóng chính mình trong đó?

tôi yêu đất nước này cay đắng
những năm dài thắp đuốc đi đêm
quen thân rồi không ai còn nhớ tên
dĩ vãng đè trên lưng thấm nặng
áo mồ hôi những buổi chợ về
đời cúi thấp giành từng lon gạo mốc
từng cọng rau hột muối


vui sao khi còn bữa đói bữa no
mẹ thương con nên cách trở sông đò
hàng gánh nặng phải qua cầu xuống dốc
đêm nào mẹ cũng khóc

Thì ra chúng ta quen thuộc với câu chuyện mà Trần Vàng Sao đang kể chẳng qua là do hình ảnh một bà mẹ Việt Nam. Mà có bà mẹ nào lại không có hình ảnh tảo tần thương khó. Chỉ khác chi tiết trong đời bà mẹ của Trần Vàng Sao đó là “đêm nào bà cũng khóc”

tôi yêu đất nước này và tôi yêu em
thuở tóc kẹp tuổi ngoan học trò
áo trắng và chùm hoa phượng đỏ
trong bước chân chim sẻ
ngồi học bài và gọi nhỏ tên tôi
hay nói chuyện huyên thuyên
chuyện trên trời dưới đất rất lạ
chuyện bông hoa mọc một mình trên đá
cứ hay cười mà không biết có người buồn

Trần Vàng Sao rất tiện tặn trong khi nói về bóng dáng người yêu của mình. Ông nhắc tới em như người chồng nhắc tới vợ. Đằm thắm, nhẹ nhàng và quen thuộc. Thế nhưng có quen thuộc lắm thì cũng ẩn hiện đâu đó khó khăn, cách trở. Ông ngập ngừng đưa ra hình ảnh: “chuyện bông hoa mọc một mình trên đá” như một dự báo. Một lần nữa ông đem cái lạnh lẽo sù sì của đá vào chuyện vợ chồng. Và nỗi ám ảnh này có trước khi bài thơ thành hình. Ám ảnh chia ly đó ló dạng vào một sớm mai:

sáng hôm nay gió lạnh vẫn còn
khi xa nhà vẫn muốn ngoái lại
ngó cây cam cây cải
thương mẹ già như chuối ba hương
em chưa buồn vì chưa rách áo

Đâu phải cứ rách áo rồi em mới buồn. Em đã biết buồn từ khi bắt đầu yêu anh. Định mệnh của nhà thơ được tiên tri chỉ qua hai từ “rách áo”. Rách áo chứ không phải áo rách. Rách áo diễn đạt sự thống khổ. Áo rách minh họa sự nghèo nàn. Nghèo và thống khổ khác nhau rất xa. Có nhiều người nghèo nhưng nỗi thống khổ không màng ghé tới. Có người đủ ăn nhưng phiền muộn nhiều nỗi đã làm họ rách áo. Rách áo ở đây rất gần với “rách lòng”.
Bài Thơ Không Đề
“Bài thơ của một người yêu nước mình” bắt đầu từ những thân thiết, vui buồn gói ghém trong một cõi riêng đã mở đầu cho những bài thơ khác nói đến những cái chung của thế hệ nhà thơ mà ông nhặt ra từ những thao thức rất đời thường. Nhưng trong đời thường của Trần Vàng Sao lại bắt đầu bằng những nhận thức và phán xét. Phán xét cái ác xuất hiện trong hoàn cảnh rất bình thường. Ông viết trong “Bài thơ không đề” sau đây:

câu chuyện bắt đầu bằng một chuyện rất tàn ác
kẻ giết con gà con bằng cách thắt một sợi dây chuối treo lên cành cây
và sau đó chẳng có ai nhắc lại
đứa bé lớn lên làm nghề đào huyệt chôn người chết


con ngựa hoang không ăn cỏ ngoài đồng xa nữa
con ngựa hoang đứng ngủ trên đống cát đầu biển
tôi đi dắt con ngựa hoang về
rồi lang thang qua hết những cánh đồng những cánh rừng
đi lạc không biết lối ra

Tính chất trừu tượng của bài thơ dẫn người đọc gần như vào rừng thẳm. Bắt đầu từ cái chết của chú gà con, kéo theo sự xuất hiện của con ngựa trắng. Con ngựa hoang một màu lông trắng ẩn dụ hình ảnh của chú ngựa một sừng Unicorn trong thần thoại và Unicorn là một trong những bí ẩn nhất của tất cả các loài động vật. Nó đã được tôn vinh trong cổ tích dân gian, bài hát, bài thơ, và câu chuyện trong nhiều thế kỷ, tuy nhiên cho đến nay nó vẫn là một trong những “bí ẩn lớn chưa giải được” của thế giới.
Bí ẩn đó liên thông với hình ảnh Trần Vàng Sao đi dắt con ngựa trắng về nhấn mạnh đến tính chất trừu tượng của câu chuyện. Con ngựa trắng khi chịu sự dẫn dắt của Trần Vàng Sao bỗng trở thành chú ngựa hoang tội nghiệp. Và tội nghiệp hơn nữa số mệnh của nó và của nhà thơ trở nên làm một. Mệnh đề con ngựa-nhà thơ bắt đầu gắn bó từ đây.
Bài Kính Tặng Mình
Trong bài thơ mang tên “bài kính tặng mình” Trần Vàng Sao bỗng thoát thai thành một người khác. Tự gọi mất trí nhớ trong trạng thái tỉnh bừng nhận thức. Mất trí nhớ nên khi nghe tiếng con người hàng xóm khóc nhà thơ lồm cồm ngồi dậy thắp nhang đọc bài kính tặng mình. Đây có phải một loại mất trí nhớ có điều kiện mà nhà thơ ao ước? Chỉ có ao ước một cách sâu nặng mới có khả năng làm cho giác quan nhận thức của ông bừng nở, đón nhận những dữ liệu phía sau sự việc và từ đó mở ra cánh cửa phạm trù khác của lý trí. Sâu và tối hơn nên chỉ khi nào mất hẳn khả năng suy tưởng mới có thể tiếp cận được.

nửa đêm
người làm thơ mất trí nhớ nghe tiếng ru con bên hàng xóm thức dậy thắp ba cây hương đọc bài kính tặng mình


tôi xin mở hết các cửa
kính chào toàn thể mọi người
tôi không còn biết ngày biết tháng nữa
ba ngày trời mưa luôn nước đen không tạnh
sau đó trời nắng châu chấu nhảy trong cỏ
chim bay hết ra đồng ăn lúa rụng
ban đêm ếch nhái kêu đầy ao
cuộc đời có gì vui
người làm xiếc đâm con dao vào bụng
sau đó không nhớ mình phải làm gì nữa
tôi nhìn lên bàn thờ
mệt đắng cuống họng
có người gọi to tên tôi ngoài đường
gió thổi rất nhiều trong lá cây
không thấy mặt trời ở đâu
tôi hút thêm một điếu thuốc
rồi bỏ miếng giấy đang cầm trong tay vào miệng nhai
tôi thấy mình không còn muốn một cái gì hết
thôi tôi đi ngủ cho khỏe

Nhưng nào ông có ngủ được đâu. Tự nhận một lần nữa mình là người điên, nhà thơ chúc mừng chính mình một cách buồn bã, nhà thơ loay hoay với cảm giác chóng mặt tự tìm kiếm lấy mình, hay nói đúng hơn tìm kiếm cái bản ngã mà ông tưởng rằng đã đánh mất.

tôi chúc mừng tôi buồn bã khô héo
như thằng điên soi gương thấy mình người lạ
tôi nhìn lại sau lưng


không còn có ai khác tôi
một thời chiến tranh đã đi qua
người lính nhớ tiếng súng nổ và tiếng máy bay ngang đầu
mọi người bây giờ có khi ôm nhau nhảy múa ngoài ngã ba đường
lũ trẻ hoảng hốt la hét bỏ chạy
tôi cười không được
muôn năm những người anh hùng được đúc tượng
muôn năm tôi đã chết
tôi chúc mừng tôi anh hùng không được thờ phụng trong am miếu
tôi lang thang trên các cồn mã
tiếng người tình gọi tôi bốn bề trong cây cỏ
lúc đó tình cờ tôi đã hôn em rất lâu ngoài đồng trống
rồi em xỏa tóc chạy như bay về phía mặt trời đỏ rực


bây giờ em hãy ngồi lại đây
tôi xin em thôi đừng nói nữa
bởi vì tôi không còn nhớ gì hết

Chúng tôi vừa giới thiệu một vài nét trong tập thơ mới nhất của Trần Vàng Sao được nhà xuất bản Giấy Vụn xuất bản vào tháng 11 năm 2009. Tập thơ mang tên “Bài thơ của một người yêu nước mình” được ra mắt lần đầu tiên tại Sài Gòn sau nhiều chục năm nằm im ắng trong ngăn kéo của tác giả. Tuy nói là ra mắt nhưng chính bản thân nhà xuất bản Giấy Vụn cũng chỉ là một nhà xuất bản chui không được thừa nhận chính thức của nhà nước cho nên số phận của tập thơ không thua gì số phận của người sinh ra nó. Theo lời giới thiệu của Nguyễn Miên Thảo thì Trần Vàng Sao đã trải qua hơn nửa đời người trong khốn khó đơn độc và bị hắt hủi bởi chính những người đồng chí của mình. Số phận của ông không lạ nhưng tài năng thơ của ông thì không nghi ngờ gì nữa: Vừa đẹp, buồn lại vừa bi tráng, phẩn uất…tất cả tạo nên một Trần Vàng Sao cô đơn và lạnh lẽo, run rẩy trong tài thơ lấp lánh của mình.

Mặc Lâm