09 June 2018

DÀI NGẮN, THẾ NÀO? - Bùi Bích Hà


Câu nói cửa miệng của mọi người thường nghe thốt lên mọi nơi, mọi lúc, là “đời người ngắn ngủi quá, vừa sáng sớm chớp mắt đã hoàng hôn.” Có vẻ cảm nhận không sai mấy nhưng biết vậy mà không nghĩ ra được cách nào để, nếu không thay đổi được lịch, thậm chí kim đồng hồ thì chí ít, có thể tận dụng sự ngắn ngủi ấy. Cứ ngồi nhìn thời gian hao mòn như cát lở ven sông thì có nên không?

Viết ra hay nói với nhau điều này tưởng như lý thuyết suông, triết lý vặt nhưng thiết nghĩ lý thuyết cũng rất cần. Bản thân kẻ viết bài này thậm dốt về môn Toán nói riêng và Khoa Học nói chung, thật lòng không dám ví von gì nhưng nhớ là có nghe ai nói đâu đó mấy chữ “Lý thuyết toán học” trước khi đi vào phần chứng minh.
Gần đây nhất, nhân cái tang nhà vật lý lỗi lạc của nhân loại Stephen Hawking vừa qua đời ngày 14 Tháng Ba, 2018, ở tuổi 76, sau hơn nửa thế kỷ vật lộn với bệnh tật trong những điều kiện gay gắt có một không hai, qua đó, cho thấy đời sống ngắn hay dài còn một cách đo đạc khác, hạnh phúc hay khổ đau còn một cách đón nhận khác, mọi người bảo nhau tìm xem cuốn phim Hollywood thể hiện một trong hai di sản to lớn ông để lại cho đời nay và đời sau: “Theory of Everything,” tôi càng thêm tin tưởng rằng Lý Thuyết rất quan trọng để bắt đầu một việc quan trọng, miễn là Lý Thuyết cần được Hành Ðộng thích hợp hỗ trợ.

Hành Động thiếu Lý Thuyết hướng dẫn, có thể đưa tới tình trạng thiếu tập trung, tản lạc, mất tác dụng; ngược lại, Lý Thuyết thiếu Hành Động dễ đưa tới huyễn mộng, “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây.” Làm một điều gì, dù lớn dù nhỏ, dù chỉ có ảnh hưởng tích cực tới bản thân vẫn hơn là không làm gì vì thời gian lạnh lùng trôi chảy, không hề ngừng.
Cũng giống như nhiều người khác, cuộc sống chịu ảnh hưởng của một ai đó xung quanh mình. Riêng tôi, ngoài cha mẹ dạy dỗ, có hai người đã trở thành bậc thầy vĩ đại của tôi trong một cơ duyên tuyệt diệu, giúp tôi cách đi tìm và khám phá những kho báu vô hạn của cuộc đời này.
Người thứ nhất là thầy giáo dạy kèm môn Toán cho tôi chỉ trong một mùa Hè của tuổi thơ tôi ở Huế. Thầy dạy chúng tôi: “Cuộc đời có những hương thơm và mùi xú uế, các em hãy chọn lấy hương thơm. Cuộc đời có những hạt ngọc và nhiều sạn sỏi, các em hãy chọn lấy những hạt ngọc.” Câu nói của thầy đi vào trí nhớ tôi, ở yên đấy cho tới khi tôi thấy mình đứng trước những lựa chọn thì ngộ ra sự khôn ngoan thầy truyền dạy.
Thời thơ ấu ở Huế, tôi cũng thuộc nhiều thơ của Hàn Mặc Tử, “Trời hỡi làm sao cho khỏi đói? Gió trăng sẵn có, làm sao ăn?” Hai câu thơ lặn sâu trong trí nhớ cho tới khi tôi bắt đầu chương trình đi bộ mỗi ngày 45 phút, vừa để thư giãn, tái tạo, bồi bổ năng lượng, cơ thể được hoạt động, vừa để có chút thời gian “thưởng thức hương thơm của cuộc đời” như lời thầy tôi dặn: hương thơm của những bụi hồng ngoài hiên, của bình trà gia đình hàng xóm vừa pha sau bữa cơm chiều; của gói mì ăn liền, một người cha, người mẹ hay người con đi làm về muộn nấu vội cho mình; của cái máy giặt đang nhả khói thơm mùi xà bông trong gara ngôi nhà bên đường; của mái tóc một thiếu nữ trẻ tuổi bước nhanh qua mặt tôi, có lẽ trên đường đi đến chỗ hẹn với người yêu…
Đến đây, tôi chợt có câu trả lời trễ tràng cho nhà thơ họ Hàn và cảm thấy xót xa ông hơn. Có hôm, con đường tôi đi dài theo bờ sông Santa Ana, dù nước không đầy lòng sông xi măng nhưng không gian trên đầu và xung quanh tôi thoáng đãng, gió mát lùa giữa hai kè đá thoải sạch sẽ và trăng non như một nét mày thanh tú hay trăng già tròn vo như cái đĩa ngọc treo ở chân trời, tha hồ cho tôi ngậm miệng hít vào những hơi dài, cảm thấy no nê bằng ngũ quan, không nhai nhưng nuốt đầy thần trí và căng buồng phổi nguồn sinh lực mới.
Người thầy thứ hai dạy tôi bài học khác là thân mẫu một người bạn thiết. Cụ thọ ngoài chín mươi, tướng mạo tươi tốt, dáng đứng thẳng băng. Cụ cười, nói với con cháu và bạn bè của chúng đến chơi nhà: “Chao ôi, cuộc đời biết bao nhiêu cái đẹp đẽ thế này mà bà phải đi, không được sống thêm để an hưởng, thật tiếc quá!” Tôi ngẩn người trước tinh thần lạc quan yêu đời của cụ.
Ngày còn bé, linh cảm về hạnh phúc của tôi ở tuổi lên bẩy, lên tám là vài khi thấy mẹ tôi buồn ngủ ríu cả mắt giữa trưa hè râm ran tiếng ve sầu trong khu vườn rộng vắng, bà vừa cầm cái quạt mo phủi quèn quẹt một chỗ trên sàn xi măng xám, đủ cho bà ngả lưng, vừa nói với tôi líu cả lưỡi: “Ui dào, được chợp mắt cái, thích quá!” Hạnh phúc và cách bộc lộ của mẹ tôi thật giản dị nhưng xem ra những giây phút ấy không nhiều. Dường như thảng hoặc những lần ngủ ngày chốc lát chỉ có hai mẹ con với nhau như thế, bà phải lấy trộm chúng từ gia nương bận rộn, bề thế của bố tôi, phải trả lại những giờ khuya khoắt để công việc vẫn đâu vào đấy trong một ngày, không có tâm trạng thảnh thơi và phong cách an nhàn như cụ thân mẫu bạn tôi.
Được biết cụ góa chồng sớm, một mình tần tảo gánh gia đình thời còn trẻ. Hai lần di tản, khi về già ở quê người, cụ cũng có lúc đau nhức mình mẩy nhưng không bao giờ nghe cụ thở than. Con cháu đứa nào rảnh rỗi, chở cụ đi chơi, vãn cảnh đó đây, cụ rất vui. Tiệm ăn nào mới mở, tiếng đồn có món ngon, cụ theo con cháu đến thưởng thức. Cụ luôn có nụ cười trên môi và lời nói ân cần với mọi người. Một hôm cụ bảo tôi: “Tôi làm món thịt bò xào cần ngon lắm, cô đến ăn cơm với các cháu nhé?” Tôi tới theo hẹn. Các thứ cần dùng để nấu nướng món ăn đã chuẩn bị tinh tươm sẵn trên mặt bàn. Cụ lăn xe gần vào bếp lò, hướng dẫn chị giúp việc từ lúc bắc chảo lên bếp, phi dầu với hành tỏi cho thơm, xào rau cần nhanh tay theo công thức “cần tái cải nhừ” rồi sau cùng xào thịt bò đã ướp sẵn. Chảo xào dậy mùi thơm lừng lẫy trong khi quạt hơi ở nhà bếp hoạt động hết công suất. Cơm dọn ra, có cả món thịt quay chọn rất khéo của ông trưởng nam gửi về để mẹ đãi khách và gia đình các em, các cháu. Cụ không ăn mà lăn xe đến, ngồi vào bàn, nhìn mọi người ăn uống với đôi mắt tinh anh, ấm áp tình cảm. Đĩa thịt quay tuy trông rất ngon nhưng vẫn y nguyên. Cụ cười tươi như hoa, nói đùa: “Món của tôi ngon hơn thịt quay, phải không? Mua phí tiền!”
Một tuần sau, tôi được tin cụ quy tiên. Các cháu kể lại: “Nửa đêm bà thức giấc và muốn uống nước. Bà chỉ trở mình vài lần rồi ngủ giấc nghìn thu. Nhẹ nhàng. Yên ả. Như chiếc lá cuối đông rời cành về với đất.”
Từ đấy, bên tai tôi thường văng vẳng tiếng cụ lẫn vào hình ảnh đôi môi mỉm cười: “Chao ôi, cuộc đời với bao nhiêu cái đẹp đẽ thế này mà mình không được sống để hưởng…” Ngay cả sự tiếc nuối, nếu quả thật là thế, đối với cụ cũng đượm nét an hòa. Ngay cả sự ra đi gần kề, cụ cũng bình tâm đón đợi, như người vừa nhẩn nha nhấm nháp tách cà phê thơm, vừa lắng nghe tiếng chim hót ngoài cửa sổ, tiếng trẻ thơ bi bô dưới mái nhà. Nhờ cụ, tôi thấm ngấm ca từ trong bản nhạc của Trịnh Công Sơn, có một lúc, tôi thấy nó vô duyên và nhà quê: “Tôi là ai mà yêu quá đời này?”
Bây giờ, có lúc tôi cảm thấy trong tôi rạt rào ý muốn kêu lên như ông khi tôi đã quen lắm với lời thầy tôi dặn dò: “Hãy nhặt lấy những hạt ngọc, hãy đón lấy những hương thơm.” Cuộc đời bỗng dưng đẹp ở những mắt nai bé thơ, ở những cung đàn muôn điệu ru hồn người, ở đôi tình nhân cầm tay nhau đi dưới hàng cây trong công viên, ở những cửa hàng hoa rực rỡ, thắm tươi bên hè phố, ở ngay cây chanh sau vườn nhà tôi bông nở trắng xóa, chi chít quả non vừa đậu, ở thương yêu có chút vụng về nơi ông bố trẻ cho con bú bình giữa một tiệm ăn đông khách, ở bàn tay người y tá cẩn thận nâng ly nước vừa tầm uống của một bệnh nhân không còn khả năng tự lo liệu cho mình…
Ôi, bút giấy nào kể hết vẻ đẹp của thế gian này? Tất nhiên cuộc đời cũng có những quy luật khắt khe, là cái giá phải trả cho nhiều điều khác. Biết thế và biết ứng xử, như thầy tôi, như cụ thân mẫu bạn tôi, để chân bước đi trong càn khôn nhẹ nhõm, để túi lúc nào cũng rủng rỉnh, leng keng mấy đồng xu hạnh phúc, để ly rượu uống chậm say đắm đến giọt cuối cùng. Vẫn hơn là cứ phải ép mình nghĩ đời là bể khổ.
Người tu khổ hạnh mong được niết bàn mà quên niết bàn không ở đâu khác, trái lại, sẵn có trong tâm lành. Thượng Đế tạo sinh con người với cả hai khả năng khổ đau và hạnh phúc, cho con người có tự do lựa chọn, vì sao con người tự đặt ra luật lệ, tự tìm kiếm cực hình để giam hãm, đày đọa mình trong ngục tù khổ đau (vô ích) thay vì chắp cánh cho mình bay cao, vượt thoát những giới hạn trầm luân ấy? Nỗi đau dài ba, bốn thập kỷ không còn là nỗi đau với cường độ ban đầu nữa mà chỉ còn là ý niệm, là cái vỏ rỗng đã khô ruột, là hồn ma bóng quế ám ảnh, là hình dung từ vẽ vời của ngôn ngữ như một món trang sức làm đẹp của văn chương. Đừng quạt mãi những hòn than đã lịm tắt trong nước mắt mình rỏ mãi vào đống tro tàn. Đừng chốc chốc quen tay châm ít giọt dầu nếu không thể gây nên đám cháy lớn cho phượng hoàng bước ra từ lửa đỏ.
Sau hết, di sản to lớn thứ hai của Stephen Hawking là “Theory of Love” được thể nghiệm qua cuộc đời dài của ông, bắt đầu từ tình yêu bản thân, nghe qua chừng như nghịch lý nhưng thực sự, từ đây, con người luận ra sự đền đáp là tố chất không thể thiếu để tình yêu được mãi xanh tươi.

Bùi Bích Hà