26 June 2018

THỨC DẬY, BỖNG NHỚ - Vũ Thành Sơn


chảy đi
Tình cờ tôi gặp chồng của người yêu cũ của mình trong một cuộc họp mặt.
Đó là vào dịp Hoàng chuyển đến một căn hộ mới và ra mắt cuốn sách thứ bảy, Sự bất toàn từ Himalaya.
Cần nói ngay ở đây là Hoàng không phải là nhà khoa học hay thám hiểm gì cả, anh ta chỉ là một nhà văn chuyên viết truyện giả tưởng, pha một chút kinh dị, mạo hiểm. Hoàng đã thành công với sáu cuốn tiểu thuyết đầu và đang là một tác giả ăn khách. Tuần lễ trước, Hoàng đã có một buổi gặp gỡ độc giả, ký tặng sách và trả lời phỏng vấn của báo chí, đài truyền hình. Tôi cũng được mời đến dự, nhưng không đi. Hoàng đang ở vào độ tuổi chín mùi trong sự nghiệp viết lách của mình và có lẽ, thành công sẽ còn tiếp tục mỉm cười với anh.

Buổi gặp mặt hôm đó Hoàng chỉ mời một số bạn bè thân thích, tất cả gần chục người kể cả chủ nhà. Không hiểu sao khách đến dự đều là đàn ông.
Khi tôi đến, họ đã có mặt ở đó. Căn hộ của Hoàng ở tầng thứ ba mươi lăm một tòa cao ốc mới xây, ở một vị trí được mô tả là vị trí vàng. Ở độ cao này người ta có thể bao quát thành phố trong một cái nhìn.
Hoàng đang hướng dẫn mọi người đi xem qua căn hộ của mình. Tất cả đèn đều bật sáng. Tiếng nhạc nhè nhẹ phát ra từ một một nơi nào đó. Sau màn bắt tay, chào hỏi, tôi nhập vào nhóm, theo họ đi nghe Hoàng giới thiệu căn hộ.

Màn tham quan kết thúc, tiệc rượu bắt đầu. Thức ăn Hoàng đã đặt người làm sẵn mang đến, phần lớn là thức ăn nguội, bày ra hết cái bàn mặt kính đặt giữa phòng khách. Chúng tôi đứng ngồi rải rác. Nhìn bên ngoài, hình như chẳng ai quen biết ai. Vì thế, Hoàng phải đi khắp lượt giới thiệu từng người một để họ bắt chuyện với nhau. Tuy nhiên, chỉ có phút đầu là còn hơi bỡ ngỡ, câu chuyện giữa chúng tôi nhanh chóng trở nên thân mật, hào hứng ngay tức thì, nhất là sau một lượt Scotch.
Giống như một cái tiệc buffet, người ta đứng thành từng nhóm nói chuyện với nhau và bạn sẽ di chuyển từ nhóm này sang nhóm khác, tùy thích; không biết là vào một thời điểm nào trong buổi tối đó, bỗng nhiên tôi thấy mình đứng với anh ta và một người mà tôi còn nhớ trước đó được giới thiệu là đang làm việc cho một chi nhánh của hãng hàng không Qatar. Họ đang nói chuyện về xứ Bhutan, những vị sư lạt ma và những núi tuyết đang tan chảy thì tôi đến. Người đàn ông làm cho Qatar mang kính sát tròng màu xám xanh, tóc nhuộm vàng, lúc đó ca tụng hết lời về một cái Dzong đẹp nhất Bhutan xây dựng từ thế kỷ mười tám, nơi hợp lưu của hai con sông Po và Mo. Từ lâu tôi đã ấp ủ dự định du lịch đến Bhutan, được đặt chân lên những con đường mà các vị hành giả từng đi qua trên mảnh đất đầy ắp huyền thoại này.
Bất thình lình tôi nghe tiếng Hoàng reo lên từ phía sau:
- Đây rồi. Hai ông đây rồi. Thật là hy hữu.
Cả ba bỏ dở câu chuyện quay ra.
Hoàng tiến đến nắm lấy cánh tay tôi và anh ta, nhanh nhẩu giới thiệu hai chúng tôi với nhau. Chỉ đến khi ấy tôi mới biết tên anh ta là Nguyễn Ninh Thọ và có lẽ với anh ta, cũng như vậy.
Chúng tôi đã uống khá nhiều rượu. Những cái vỏ chai ngổn ngang trên bàn nói lên điều đó. Rượu đã giúp chúng tôi vượt qua những khoảng cách và dễ dàng kết bạn với nhau, thế nhưng lời giới thiệu và giải thích không cần thiết của Hoàng vừa rồi vô hình trung lại làm cho anh ta và tôi cảm thấy lúng túng, mất đi sự tự nhiên ban đầu. Bỗng chốc bây giờ giữa hai chúng tôi dường như có một bức tường vô hình được dựng lên.
Nàng với tôi chia tay nhau đã hơn bốn năm nay và chúng tôi không có tin tức gì của nhau. Những tưởng ký ức vì thế mà chôn vùi theo thời gian, buổi tối nay bất ngờ chúng trỗi dậy và làm sống lại trong lòng tôi biết bao những kỷ niệm ngọt ngào lẫn cay đắng.
Trong một phút tôi hoàn toàn bất động, đông cứng bởi cảm xúc dồn dập tuôn trào. Đứng đối diện, Thọ có vẻ cũng không khá gì hơn. Anh ta xoay xoay ly rượu trong tay rồi liên tục chuyển nó hết từ tay này sang tay khác như một cái máy. Một lúc sau, tôi mới buột miệng hỏi:
- Chị và các cháu có khoẻ không?
- Chúng tôi không có con.
Câu trả lời bất ngờ của Thọ làm cho tôi đứng chết lặng vì sượng. Có phải tôi đang vô tình chạm vào nỗi đau của anh ta?
Sự im lặng giữa chúng tôi mỗi lúc càng nặng nề. Anh chàng tóc vàng làm cho hãng hàng không đã bỏ đi, Hoàng cũng đã quay trở vào lấy thêm rượu. Có một nhóm đứng nói chuyện ngoài ban công. Ở dưới đó, ngay dưới chân họ, tôi biết con sông Sài Gòn đang chảy đi lặng lẽ.
A! Đây rồi. Hoàng đã trở ra, hai tay cầm hai chai rượu. Trông thấy Hoàng, tôi mừng như bắt gặp một cái phao cứu nạn. Tôi ra dấu cho Hoàng đi đến. Câu chuyện giữa chúng tôi có thể sẽ dễ dàng hơn với sự hiện diện của anh ta vào lúc này.
Tôi về đến nhà khi đường phố đã ngủ yên. Tôi vào phòng khách, lấy rượu ra và tiếp tục ngồi uống một mình. Tôi chưa muốn ngủ. Bên ngoài cửa sổ, một con mèo hoang đang bước đi chậm rãi, bóng của nó đổ dài trên bờ tường. Tôi muốn nhốt cơn bão đang gào thét trong lòng tôi vào một góc nào đó của trái tim.
Buổi sáng thức dậy, tôi thấy mình vẫn còn nguyên quần áo và giày trên người. Không hiểu bằng cách nào mà đêm qua tôi đã vào được tận giường nằm.
trở lại
Cuộc họp mặt ở nhà Hoàng cách nay đã mấy năm. Tôi trải qua một cảm xúc tương tự một lần nữa khi đứng bên cạnh giường của bà cô tôi.
Một cú điện thoại nửa đêm báo tin bà bị ốm nặng đã đưa tôi trở về đây, một huyện lỵ nhỏ, một thời trù phú nhưng bây giờ đang xơ xác và khô dòn như một cái bánh tráng nướng quá lửa vì gần qua hết mùa mưa mà không có nổi một hạt nước mưa. Những khu vườn ngày xưa trĩu nặng bưởi, cam quýt bây giờ bị bỏ hoang khô cằn. Đứng ở ngưỡng cửa nhìn ra lòng sông cạn phơi hết bùn và rác thải; chợt nhớ những năm trước, chiều chiều tôi cùng với mấy đứa cháu bơi với nhau giữa những tiếng máy nổ xình xịch của ghe thuyền chạy qua. Cả một vùng bị nhiễm mặn nặng, nghe nói người ta đang định đốn bỏ vườn trái cây.
Nghe đứa nhỏ kề miệng vào tai nói tôi về thăm, bà he hé mắt nhìn ra đằng trước mặt rồi nhắm nghiền ngay lại. Từ khi bệnh trở nặng, bà được đưa ra nằm ở gian ngoài để tiện cho con cháu chăm sóc. Tôi ngó quanh. Căn phòng tối, khăng khẳng mùi quần áo cũ và mùi nước đái chuột. Trên mặt tủ thờ đặt ở giữa nhà bày bình hoa, mâm ngũ quả bằng nhựa và bức ảnh của ông chú dượng, chồng bà. Phía bên kia tường treo ảnh chân dung của bà trong chiếc áo bà ba trắng. Tấm ảnh nhỏ được phóng to, nay đã quá cũ, mờ mịt và ố vàng vì được chụp vào những năm năm mươi. Tuy vậy tôi vẫn nhận ra vì đã quá quen thuộc với nó từ khi tôi còn bé.
Có cả một câu chuyện dài chung quanh chiếc áo này: Ông bà có đứa con đầu lòng khi chiến tranh Pháp Việt chưa kết thúc hoàn toàn. Nơi ông bà sống là một vùng tranh chấp, khi thì thuộc quyền kiểm soát của Việt Minh, lúc thì vào tay của quốc gia. Cuộc sống còn đầy dẫy khó khăn và nguy hiểm. Quanh năm bà thường mặc chiếc áo bà ba trắng tần tảo nuôi con và đứa bé từ lúc lọt lòng đã quen mắt với màu áo ấy. Trong một lần bị bố ráp, ông bà với đứa bé bỏ chạy theo Việt Minh. Trong đêm tối bà mặc áo bà ba đen để tránh bị phát hiện. Nhưng màu đen của chiếc áo lại làm cho đứa bé sợ, nó khóc thét không làm sao dỗ cho nín. Máy bay quần trên đầu và lính quốc gia đuổi rát ở sau lưng. Người chỉ huy cuộc tháo chạy ra lệnh cho bà phải làm cho đứa bé ngưng khóc. Trước những cặp mắt đồng tình, chờ đợi của bao con người trong đoàn đang hướng hết về phía mình, bà như cảm thấy cả trọng trách về sự sống chết của những con người xa lạ đó bỗng chốc đè nặng lên đôi vai. Trong một tích tắc, ý nghĩ phải bịt miệng, bóp mũi đứa con của mình vụt thoáng qua trong đầu bà. Nhưng may mắn thay, có lẽ nhờ ơn Trời, ngay lúc đó đứa bé bất chợt nín bặt.
Bây giờ đứng bên cạnh giường, nhìn bà nằm thiêm thiếp, sự sống chỉ còn đếm bằng những đốt tay, tôi tự hỏi nếu lúc đó đứa bé vẫn cứ tiếp tục khóc thì bà sẽ làm gì. Trong khoảnh khắc, Thượng Đế đã cứu vớt lấy đứa nhỏ và cứu lấy bà khỏi phải mang tội ác giết con mình. Nhưng còn cái cỗ máy sát nhân chạy hết công suất trong mấy chục năm ròng kia thì sao? Chiến tranh, dù có giành được chiến thắng to lớn hay chính nghĩa đến đâu, cũng không thể rửa sạch tội ác của nó trước cái chết của hàng triệu người cũng như nỗi khổ đau của hàng triệu người khác.
Tôi chợt hiểu vì sao bà vẫn treo tấm ảnh cũ đó ở trên tường.
Bất chợt tôi nghe có tiếng chân người từ bên ngoài đi vào. Đó là người cô họ, con gái út của bà. Đi theo sau cô là một nhà sư. Hôm nay là buổi đọc kinh cầu an cho bà.
Tôi bước ra ngoài sân. Ngồi trên một khúc thân cây dừa được cưa ra làm ghế, tôi ngó hàng cây hoàng anh mà chính quyền xã giao cho các hộ trồng dọc theo con lộ để làm đẹp cho khu phố văn hoá. Màu hoa bây giờ cũng không thể vàng võ buồn thiu hơn. Một người đàn ông từ bên trong vựa thu mua cam đi ra chiếc xe gắn máy dựng trước cửa, nhìn thấy tôi, liền giơ tay chào:
- Mới về tới hả chú Hai?
Tiếng tụng kinh lẫn với tiếng gõ mõ từ trong nhà vọng ra cùng với mùi nhang đèn thoang thoảng.
- Dạo này làm ăn ra sao anh Tư?
- Bết bát quá chú ơi.
Khi người đàn ông đi khỏi, tôi thả bộ ra con sông. Một cái cầu gỗ xiêu vẹo đứng trơ trọi giữa đất bùn nứt nẻ. Ngay cả mấy con nòng nọc bây giờ cũng không thể sống nổi.
Đêm tôi nghe thấy tiếng sấm rền xa xa. Có lẽ đang có một cơn mưa đâu đó. Nhưng hôm sau và cho đến lúc tôi đi trời vẫn xanh ngăn ngắt, nóng như thiêu cháy hết cả đất đai, ruộng vườn.
Tôi trở về thành phố được hai ngày thì bà mất. Không có một đứa con nào bên cạnh vào giây phút cuối. Không một ai.
những quyển sổ
Trên một chuyến bay đường dài, tình cờ tôi bắt gặp người đàn ông ngồi ở hàng ghế trước mặt lấy chiếc muỗng ăn bằng bạc có chạm logo của hãng hàng không dấu vào trong cái túi du lịch của mình để ở dưới chân. Bữa ăn chỉ mới bắt đầu, có lẽ đó là chiếc muỗng nhỏ để uống cà phê. Lúc đó trong khoang máy bay, trẻ con khóc, người lớn thì ăn, nói chuyện hoặc mải mê dán mắt vào cái màn hình nhỏ trước mặt; các cô tiếp viên thì bận rộn đi lại phục vụ bữa ăn tối cho hành khách; trong không khí chộn rộn như thế chẳng biết có còn ai nữa, ngoài tôi, chứng kiến hành vi của người đàn ông ấy không. Sự việc xảy ra khá bất ngờ khiến tôi phải giả vờ quay mặt đi nơi khác như thể không nhìn thấy gì, nhưng ngay tức thì tôi nhận ra việc làm của mình hoàn toàn không cần thiết bởi vì người đàn ông có vẻ như hành động một cách đường hoàng, không hề có ý lén lút giấu diếm.
Tôi biết có những người như vậy. Chẳng phải họ thiếu thốn hay tham lam gì mấy thứ lặt vặt, đơn giản có khi họ chỉ muốn giữ một cái gì đó để làm kỷ niệm cho một chuyến đi.
Giống như An.
Người đàn ông làm tôi nhớ đến An trong suốt chuyến bay.
Nàng cũng có thói quen mỗi lần đến ở một khách sạn hay khu nghỉ mát nào bao giờ cũng lấy đi cái quyển sổ với cây bút mà khách sạn, khu nghỉ mát để sẵn cho khách trong phòng ngủ. Trong những quyển sổ đó, An ghi chép đủ thứ: từ những món ăn ngon của địa phương, một ít nhận xét, cảm tưởng, địa chỉ của một nhà hàng hay một vài số điện thoại cần thiết ở nơi đó cho đến mấy cái hình vẽ nghuệch ngoạc vô nghĩa.
Tôi không hề biết đến sở thích khác thường ấy của An (cũng như nhiều thứ khác nơi nàng mà mãi đến khi chia tay nhau, bây giờ tôi mới nhận ra mình chưa biết hết), cho đến một lần tận mắt nhìn thấy trong phòng nàng cả một ngăn kệ bày đầy những quyển sổ và bút. An làm việc cho một công ty truyền thông, thường xuyên đi lại ở trong nước và nước ngoài. Cho nên dễ hiểu là trong phòng nàng có khá nhiều sổ được cất giữ. Chúng có đủ các màu, đủ hình dáng, kích thước và logo thiết kế một cách khác nhau. Có thể nói đó là một bộ sưu tập, hay đúng hơn một thư viện bỏ túi tí hon.
An giải thích với tôi thay vì tìm kiếm những hòn đá hay vỏ sò, vỏ ốc đẹp để làm kỷ niệm như nhiều người đi chơi biển thường làm, nàng thích sưu tầm những quyển sổ.
Nhưng có khi nào em đọc lại những ghi chép của mình trong những quyển sổ đó không? tôi hỏi.
Sao không? Nhất là mỗi khi muốn tìm một thông tin ở nơi đã từng đến hay nhiều khi rảnh, đọc lại chơi cũng thấy thú vị như một quyển du ký.
Du ký? Tôi thực lòng tin vào sự kỳ thú của những quyển du ký như thế. Như một cuốn album ảnh bằng chữ, mỗi một quyển sổ chứa trong mình một câu chuyện. Ở đó, bạn sẽ không bị thời gian vô tình bỏ quên; sẽ thấy mình chẳng khác gì những nhân vật hư cấu, được đánh thức dậy từ những con chữ để kể lại câu chuyện của chính mình.
Blue Wave là nơi chúng tôi trải qua một mùa hè cuối cùng với nhau. Còn nhớ lần đó, trước khi trả phòng, đảo mắt quanh một lượt để xem còn bỏ sót gì không, tôi thấy trên bàn đã biến mất cuốn sổ cùng với cây bút.
Bây giờ ngồi đây tôi lẩn thẩn tự hỏi không biết trong cuốn sổ đó An ghi chép những gì. Nàng có nhớ đến buổi tối hai đứa dạo chơi trên bãi biển, trăng sáng như dát vàng trên mặt nước, hay về những rắc rối nho nhỏ trong chuyến đi như tôi bỏ quên cái điện thoại ở hồ bơi và cơn đau nửa đầu làm cho nàng khóc rấm rứt mãi lúc nửa đêm không? Tôi tin là có và tôi cũng chắc chắn là nàng sẽ không thể không ghi lại một dòng nào đó về chuyện cãi cọ giữa hai chúng tôi ở sân bay để sau đó, cả hai cắt đứt liên lạc với nhau gần cả tháng.
nguyên mẫu
Đám tang của T. khá lặng lẽ. Bạn bè, thân quyến khoảng hơn mươi người. Khi quan tài được đưa xuống lỗ huyệt còn xâm xấp nước dưới đáy, Hoàng và tôi mỗi người lần lượt ném xuống một nắm đất để khép lại vĩnh viễn một huyền thoại. Sau đó, thay mặt bằng hữu, Hoàng đọc mấy lời ai điếu ngắn viết sẵn; thế mà vẫn không nén nổi xúc động, thỉnh thoảng phải dừng ngang, im lặng, mắt ngó trừng trừng vào tờ giấy trước mặt.
Có thể nói T. , theo một nghĩa nào đó, là một nguyên mẫu của cuốn tiểu thuyết đang ăn khách của Hoàng. Cuộc đời sóng gió và chuyến phiêu lưu của T. trên dãy Hy Mã Lạp Sơn quanh năm tuyết phủ đã là nguồn cảm hứng cho Hoàng xây dựng nên vóc dáng của nhân vật chính trong tác phẩm của mình. Trong truyện, nhân vật đó trên đường đi tìm lại tiền thân của mình mà trong một giấc mộng anh được báo là đang khoác dưới hình hài của một vị lạt ma bị lưu đày, đã suýt chết trong một trận bão tuyết, được cứu sống rồi để lại rơi vào một thế giới của bóng tối và cái ác đang bao phủ lên đời sống của Tây Tạng.
Sau đám tang hai tuần, một buổi họp mặt tưởng niệm T. được bạn bè tổ chức trong vòng thân mật. Địa điểm là một cái studio vốn được dùng cho triển lãm tranh, ảnh. Mọi người ngồi thành một vòng tròn. Phía sau lưng, sát tường, kê một cái bàn có mấy chai nước uống.
Dường như trong số người tham dự hôm đó ai cũng bất ngờ về sự ra đi của T., không biết vì sao T. lại tìm đến cái chết khác thường như vậy. Thuê phòng khách sạn, uống thuốc ngủ, không để lại một mảnh giấy, một lời nhắn nhủ hay giải thích cho hành động của mình. Cơ quan điều tra chỉ tìm thấy trong phòng của T. một vỉ thuốc ngủ đã uống, mấy cái áo ngực của phụ nữ với cái bật lửa zippo.
Tôi không biết nhiều về đời riêng của T. Chỉ biết anh tốt nghiệp đại học trước năm 1975, nhiều lần vượt biên thất bại, bị bắt, bị bỏ tù rồi sống lang thang nhiều nơi, sinh sống với nhiều nghề. Lần sau cùng, T. xuống tóc vô chùa, nhưng chỉ một thời gian rồi lại đi ra, lại dính líu vào vài cuộc phiêu lưu tình ái.
Một người phụ nữ khoảng ngoài bốn mươi, khuôn mặt nhiều nét gẫy, mà tôi mới gặp lần đầu, kể sáng sớm hôm đó T. còn rủ chị đi uống cà phê. T. nói đủ thứ chuyện, chẳng có dấu hiệu gì bất thường. Người phụ nữ có mái tóc dày, trong lúc nói hai bàn tay thường xuyên đưa ra đằng trước mặt như thể đang chụp bắt trong không khí lời nói của chính mình.
Tiếp theo, một người đàn ông khác nói hôm T. chết không hiểu sao trong năm con chim T. nuôi thì có bốn con bỗng cùng lăn ra chết một lúc, chỉ một con sống sót sổng chuồng bay lên cành cây khế trước sân, mãi không chịu bay đi nơi khác.
Sau những lận đận trong chuyện tình ái, một người cô độc như T. chỉ còn có chim làm bạn.
Bỗng dưng tôi muốn hỏi ông ta có nghe con chim đó còn hót như mọi ngày không nhưng nghĩ có lẽ không phải lúc, lại thôi.

Vũ Thành Sơn