28 June 2018

TÙY MÌNH NÂNG NIU NHƯ THẾ NÀO THÔI! - Phạm Diễm Hương



Thiếu phụ quàng khăn xanh
Lê Phổ

Hình ảnh người phụ nữ sang cả, áo dài thướt tha với mái tóc búi gọn ghẽ phiá sau, vẫn in đậm trong tâm trí tôi. Đó là bác Thiện gái của thập niên 60 ở Đà Nẵng.
Hai bác là bạn của cha mẹ tôi, tôi biết cả bác trai lẫn bác gái, nhưng hình như chỉ có bác gái và mẹ tôi thường đến thăm nhau. Tôi không thể nhớ có lần nào gặp bác trai và cha tôi chuyện trò hàn huyên. Có thể đàn ông họ có cách liên lạc khác!


Mối thâm giao giữa bác Thiện gái và mẹ tôi đã tạo vòng thân ái cho đám con của hai gia đình. Hai bên đều có sáu đứa con, cũng hai trai bốn gái. Hồi đó, chị em chúng tôi học trường Việt, các con của bác Thiện cũng trạc tuổi chúng tôi, học trường Tây, nên dù quen nhau, nhưng không thân nhau lắm.
Sau khi tốt nghiệp Tú Tài II, vào Saigòn học đại học, tôi chỉ gặp bác Thiện mỗi khi về nhà nghỉ hè. Khi gia đình tôi di chuyển vào Saigòn năm 73, tôi không gặp bác nữa.

Tháng Ba năm 75, cộng sản chiếm Đà Nẵng, gia đình bác Thiện chạy vào Saigòn. Lúc ấy Saigòn chật chội và hỗn loạn, không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi không nhớ thời gian đó bác Thiện và mẹ tôi có gặp nhau không, nhưng một năm sau khi cộng sản chiếm miền Nam, bác Thiện ghé thăm mẹ tôi, lúc ấy cha tôi đã đi tù cải tạo. Tôi đã khóc hu hu khi thấy bác và mẹ tôi ôm nhau nước mắt ràn rụa.
Tôi nhớ mẹ tôi nức nở báo tin cha tôi bị bắt đi tù, bác Thiện kể căn nhà bác mướn khi chạy từ Đà Nẵng vào đã bị chiếm và gia đình bác bị đuổi ra đường, vì chủ nhà đi ngoại quốc. Hai bác vất vả lắm mới tìm đưọc một nơi khác ở tạm và đang lo chạy hộ khẩu ở thành phố. Bác trai làm hành chánh nên chưa biết ra sao, bây giờ thì đi bán chợ trời.
Bác Thiện hôm ấy mặc chiếc quần đen bằng vải bạc màu, áo bà ba cũng bằng vải thô màu đậm, đầu đội chiếc nón lá cũ. Da bác đen sạm. Mẹ tôi cũng xanh xao gầy yếu, tóc bạc rối bời, áo quần xốc xếch. Hai người hàn huyên một lát, bác Thiện đi về. Từ đó, thỉnh thoảng tôi gặp bác ở chợ trời, lúc thì mua bán vàng, đô la, khi thì bán thuốc tây, bác đen và gầy hơn…bác hay kể vội với tôi những vui buồn của gia đình bác như: đưá con này thế này, đưá con nọ thế kia, bác trai thế này, bác trai thế kia. Tôi đứng nghe, an ủi bác vài câu. Bác gật đầu và chúng tôi chia tay.
Bẵng một thời gian, tôi không gặp bác, cũng không nhớ đến thăm bác trước khi vượt biên. Tôi đi được vài năm, mẹ tôi cho biết bác Thiện trai không được khoẻ, sợ không qua khỏi. Tôi không buồn nhiều khi nghe tin này, nhưng lo bác Thiện gái sẽ chèo chống gia đình thế nào nếu bác trai có mệnh hệ gì.
Thời gian trôi, đời sống của tôi bận rộn, nhiều thử thách đã khiến những người thân quen lui vào quá khứ, trong đó có bác Thiện.
oOo
Hôm ấy, tôi đang bù đầu với tờ báo Tết, nếu có điện thoại reng, tôi thường mặc kệ, nó reng đủ số giây số phút, tức khắc sẽ ngưng, nhưng không hiểu sao hôm đó, tôi lại bấm nhận cú gọi. Tôi alô, đầu dây bên kia chỉ có tiếng o o, tôi alô lần nữa giọng hơi to, chợt có tiếng nói nhẹ và nhỏ rí: “Con đó hả?’ Tôi ngừng làm việc, hỏi nhanh: “Dạ thưa ai gọi đó ạ?”, có tiếng reo vui: “Phải con đó không, phải Hương đó không, bác Thiện đây?”
Thật bất ngờ, tôi cũng hối hả hỏi: “Trời, bác Thiện, con đây, bác đang ở đâu?”; “Ờ, bác mới sang Mỹ, các em bảo lãnh cho bác sang chơi mấy tháng, bác đang ở San José nì, con ở mô?”; “Dạ con ở cách San José tới gần 3 tiếng lái xe lận, nhưng bác cho con địa chỉ, con lên thăm bác”
Cuộc hội ngộ với bác Thiện qua điện thoại sau hàng chục năm xa cách, khiến tôi hào hứng. Giọng nói của Bác còn khoẻ lắm, lại tươi nữa. Nhưng tôi lại thót tim, khi nghĩ đến người bạn cùng lớp, bị ung thư thời kỳ cuối, gia đình đã thu xếp cho nó sang Mỹ một lần để gặp đám bạn thời trung học cho thỏa lòng. Giọng nói của nó qua điện thoại cũng tràn đầy sinh lực, thế mà nó đã mất khi trở về, sau hai tháng đi một vòng thăm bạn.
Tối hôm ấy, theo số điện thoại lưu lại trên máy, tôi gọi bác Thiện, hàn huyên thêm, giọng bác đều đều cam chịu, bác kể đứa con thứ tư, cũng là thằng con trai đầu tiên, bị bệnh đột ngột chết, bác trai buồn khổ, sinh bệnh, nằm liệt, mới qua đời năm ngoái; con gái thứ hai và thứ ba đang ở Mỹ, con gái thứ năm theo chồng sang Bỉ. Mấy đưá còn lại vẫn ở Việt Nam với bác.
Tôi hẹn cuối tuần sẽ lên thăm bác.
Chuyến xe đò từ Sacramento lên San José hôm ấy đi chậm rì. Kim chỉ giây của đồng hồ cũng không chịu nhúc nhích. Tôi nóng ruột muốn gặp bác Thiện. Tôi đã biết tất cả những chuyện xảy ra cho gia đình bác, nhưng tôi muốn nhìn bác bằng xương bằng thịt. Tôi đã biết bác lam lũ cực khổ sau năm 75, tôi cũng biết bác đã lớn tuổi, nhưng trong không gian của tự do hạnh phúc ở xứ người. hình ảnh quý phái xen chút lãng mạn tình tứ của bác Thiện bất chợt đầy ắp trong trí nhớ của tôi. Tôi cũng bắt gặp hình bóng của tôi 15, 20 năm về trước, ẩn hiện bên bác, cũng tóc dài búi phiá sau, áo dài lụa, quần đen tuyền, trang điểm kín đáo. Tôi không nhớ đã bắt chước cách phục sức của bác Thiện từ lúc nào.
Tôi đợi bác ở quán bún bò Phương Nam, San José, nước mắt tôi chảy dài khi thấy một phụ nữ lớn tuổi gầy gò, mặc bộ âu phục đậm màu, tóc bạc cột túm phía sau, đi nhanh về phía tôi. Bác Thiện, chỉ có nụ cười tươi và đôi mắt biết cười là của bác. Không có hình dáng mềm mại tươi trẻ của mấy chục năm trước, không có mái tóc đen nhánh búi phiá sau, không có áo dài lụa quấn quýt. Bác Thiện của thời sau 75, chứ không phải của ngày xưa.
Vào tiệm ăn, tôi gọi hai tô bún bò nhỏ, tôi nghĩ chúng tôi sẽ có rất nhiều điều để nói, nhưng suốt nửa tiếng đồng hồ, chúng tôi chỉ nhìn nhau. Bác Thiện nói tôi khác xưa, khen tôi đẹp và chững chạc hơn ngày trước. Tôi nói tôi chỉ nhớ hình ảnh của bác trong chiếc áo dài, nhưng hôm nay, tự nhiên lại nhớ đôi mắt và nụ cười của bác và chúng vẫn như xưa.
Bác nói nhỏ: “Ai cũng nói mắt bác cười, nhưng thực sự là khóc đó con nợ!”
Tôi nhìn bác lo âu, chờ đợi. Bác không nói gì thêm. Tôi cũng lảng sang chuyện khác.
Sau lần đó, tôi không gặp bác Thiện nữa, vì bác đi thăm bà con ở các tiểu bang khác và về lại Việt Nam.
Cách nay ba năm, bác Thiện sang Mỹ một lần nữa. Lần này bác có nhiều thì giờ hơn, nên tôi đón bác về nhà nghỉ ngơi. Tối hôm ấy, bác đòi xem ảnh mẹ tôi lúc bị đau, lúc lâm chung và lúc hạ huyệt. Bác kể bác khóc nhiều khi nghe tin mẹ tôi mất. Bác kể về những ngày ở Đà Nẵng, nhưng không phải là chuyện giữa bác và mẹ tôi mà là chuyện riêng của bác.
“…Con biết không, khi nớ bác còn trẻ lắm, bác lãng mạn và yêu rất sớm. Bác trai vừa xấu vừa không bằng ai, rưá mà bác yêu, và đòi bà ngoại phải cho bác lấy bác trai. Sau này cuộc đời dàn trải an bài với nhiều trắc trở, bác mới thấy thương bà ngoại…Khi nớ bác không biết bác trai là người nghiện rượu, đa tình. Tới khi có mấy đưá con thì đã trễ rồi con nợ. Bác trai thường đi nhậu về rất khuya, và ói từ ngoài đường vô tới nhà. Một bữa bác trai say quá không đi nổi, phải nhờ người bạn đưa về, bác vừa mở cửa, bác trai ói tràn lên tóc của bác. Suốt đêm đó bác buồn, bác khóc, và biết cuộc đời mình sẽ rất khổ và rất cô độc.
Con biết không, người bạn đưa bác trai về, đêm đó đã điện thoại cho bác, khuyên bác nên ngủ, không nên suy nghĩ nhiều, hại sức khoẻ.
Từ đó, thỉnh thoảng bác nhận được điện thoại thăm hỏi của người đó. Tình cảm kính mến từ từ trở nên thân thiết, đến nỗi có lúc bác thấy mình chờ điện thoại của người ta, không để làm chi hết, chỉ để nghe câu hỏi: “Đêm qua chị ngủ được không? bác trả lời: dạ được. Rồi người ta hưá: tôi sẽ ngăn không cho anh ấy uống nhiều, tôi chỉ muốn mái tóc của chị thật thơm!” Rứa đó!
Con biết không, có những lúc tuyệt vọng, cô quạnh, câu nói: tôi chỉ muốn mái tóc của chị thật thơm! đã giúp bác tiếp tục sống. Nhiều lúc bác nghĩ mình đa cảm như rưá không được, nhưng bác không cưỡng lại được. Hình như người ta cũng biết như rứa là sai, nên thỉnh thoảng mới điện thoại cho bác.
Khoảng cách mỗi ngày mỗi xa, cho đến một ngày bác đi chợ về, gặp người ta đứng chờ ngoài cửa, lúc nớ nhà không có ai, bác trai đi làm, mấy đứa đi học. Không hiểu tại răng lúc nớ bác lại bình tĩnh vui vẻ tự nhiên, bác mời người ta vô nhà. Bác rót nước, và ngồi nói chuyện. Bác hỏi: Anh tới thăm hay có chuyện chi. Người ta nói: Tôi đến thăm chị, và chào chị ngày mai tôi vô Saigòn. Bác hỏi: rứa anh vô trong nớ luôn hay răng? Người ta nhìn bác gật đầu. Lúc nớ bác không biết nói chi, bác có cảm giác mất mát. Một chút sau, người ta nói: nếu không có chi phiền, xin chị cho tôi nhìn mái tóc của chị. Con biết không, bác như người bị thôi miên, bác không chờ người ta nói tiếng thứ hai, bác gỡ vội mấy cây kẹp tăm, mái tóc xổ ra. Người ta nói bác quay lưng lại, bác làm theo…Bác cảm thấy có bàn tay đang vuốt mái tóc…bác nghe hơi thở áp sát vào mớ tóc…Bác cứ ngồi như rứa cho tới khi ngưòi ta nói: Cảm ơn chị, tôi sẽ nhớ mãi ngày hôm nay. Bác mới quay lại. Khi nớ người ta đã đứng dậy chào đi về. Bác không biết nói chi, tự nhiên nước mắt bác trào ra, bác thấy mình răng mà dị hợm, nhưng người ta nắm tay bác, nói nhỏ: Không bao giờ tôi quên chị. Rứa rồi người ta đi, để bác đứng lại ở cửa.
Sau đó, người ta đi mất hút, bác nhớ nhung một thời gian, rồi cũng phải thôi. Mấy chục năm trôi qua, bác nghĩ mình đã quên. Mọi chuyện xảy ra vật đổi sao dời, hơn 10 năm săn sóc bác trai, tới lúc bác trai ra đi, bác cảm thấy nhẹ nhàng, bác thương nhớ, nhưng không buồn nhiều. Đời sống thật bình thản.
Trong lúc không ngờ nhất, bác nhận được thư của người ta ở Pháp gửi về, qua địa chỉ của My, con gái thứ năm của bác ở Bỉ đó. Người ta gặp My và nhờ chuyển thư về cho bác. Con ơi, ngày xưa ra răng, ngày ni người ta vẫn vậy. Vẫn nhớ mái tóc của bác. Nhưng bác không liên lạc vì chừ mình già rồi, tóc đã bạc, đã rụng, đã thưa, đã khô. Chuyện chi cũng chỉ có một thời.
Rưá mà cứ viết cho bác hoài. Như hồi nớ mà viết cho bác, thì không biết cuộc đời sẽ ra răng.
Bác Thiện chắc lưõi, vắt tay lên trán. Tôi nói: “Tình yêu không có tuổi phải không bác, thời nào tình yêu cũng nồng nàn tình tứ và đẹp. Tùy mình nâng niu như thế nào thôi.”
Bác Thiện nói nhẹ: “Đúng đó con, tùy mình nâng niu như thế nào thôi!”
Cả hai chúng tôi yên lặng. Đêm đã sâu.

Phạm Diễm Hương
(PDH 11/2013)