03 July 2018

CHỊ - Lê Đại Lãng


cho Ôm

Thời nhỏ, chúng tôi học ở ngôi trường nằm men theo sông. Có vẻ ở nhiều nơi khác có nhiều ngôi trường tiểu học như thế, nằm ven theo một con sông hay con lạch, hoặc có khi kề một bờ ao. Chúng tôi coi ngôi trường nằm bên bờ sông cũng tự nhiên như những tháng gần cuối năm, nước dâng cao hơn thường lệ, nước mấp mé bờ tường ngăn sân trường và dòng sông, mặt sông căng ra cho tới lút ngút bờ đất phía bên kia, nơi đó có nhiều cây bắp nhấp nhô, thỉnh thoảng có vài con đò chèo ngang tấp khuất đâu đó bên kia, hay từ tốn trôi về phía cuối dòng không biết rồi tới đâu. Mưa nhiều hơn, sân trường bằng đất nhiều khi lầy nhầy và nhiều ổ nước đọng, những buổi học chợt buồn trong bầu khí ẩm ướt, nhìn qua cửa sổ lớn thấy bầu trời xám với những hạt mưa lót nhót. Lúc ấy biết rằng sắp có nhiều ngày nghỉ nhờ lụt, nước sẽ tràn qua hàng rào, bò tận sân trường cho tới bậc thềm bước lên lớp học.

Có khi nhớ lại, tôi không nhớ những năm học nơi trường tiểu học ấy có bao nhiêu kỷ niệm về chị. Chị học trên tôi hai lớp vì chị hơn tôi hai tuổi. Tôi ngồi ở lớp Năm, lớp đầu tiên của bậc tiểu học, sát bên cái trống trường treo lơ lửng bên ngoài cửa sổ. Trường được xây theo thứ tự của mỗi lớp, hay dãy lớp dài được xếp theo cách xây của ngôi trường, lớp năm ngồi sát bên cái trống trường và nhà ông cai, kế tiếp là lớp Tư, cứ vậy cho đến lớp Nhất nằm sát ngoài cổng. Như vậy khi tôi ngồi sát bên cái trống trường thì chị đã ngồi ở khoảng giữa của ngôi trường, chị sẽ nghe tiếng trống trường không rõ bằng lũ lớp Năm chúng tôi, bù lại chúng tôi là những đứa đầu tiên trong trường hàng ngày biết trước giờ ra chơi và giờ tan học, từ lúc ông cai già ló đầu ra khỏi cửa nhà của ông sát bên lớp học, cho đến khi ông rút cài dùi trống dắt trên hai sợi dây dừa, cho đến khi ông bắt đấu nhịp nhịp ba cái ngay tâm trống, và rồi, ông sẽ dang tay ra, nện ba tiếng thật lớn vào mặt trống. Khi tiếng trống cuối cùng còn rung một âm thanh vơ vẩn trong không khí, chúng tôi đã có mặt trên sân trường, các phe phái đánh nhau đã chia sẵn đứa nào về phe nào, và rượt đuổi. Dăm ba lần trong khi rượt nhau, tôi mới thấy chị từ lớp học nằm ở giữa trường bước ra, đứng dựa vô tường một mình, không tụ tập với ai cả vì chị xấu hổ với hai cái chân nhiều mụn  ghẻ. Tôi chỉ biết thoáng một chút vậy thôi vì không thì giờ đâu để ý, chuyện chị tôi ngồi ở cái lớp nằm giữa, anh tôi ngồi ở cái lớp sát cổng ra vào không có gì phải để ý, nó tự nhiên như chân chị thì phải có ghẻ, tự nhiên như vào những tháng gần cuối năm, nước mấp mé dọa dẫm, lóp ngóp bò từ mép sông lên sân trường.
Các năm kế tuổi thơ qua đi. Tôi lên một lớp thì chị tiến tới các lớp nằm gần cổng ra vào. Khi tôi lên tới cái lớp nằm ngay giữa trường thì chị đã ở cái lớp cuối cùng của tiểu học. Và khi tôi bước vào cái lớp kế với căn phòng nằm sát cổng thì chị đã đi ra khỏi trường. Như vậy tôi và chị có được ba năm học chung một ngôi trường tiểu học bên dòng sông hay lụt mỗi năm. Và tôi hoàn toàn không nhớ chị đã làm gì trong suốt ba năm ấy trong giờ ra chơi. Tôi cũng không nhớ chị có kể gì không về nhũng năm học nơi ấy, có thể là có những tôi không để ý. Có một điều tôi nhớ chắc là trong suốt ba năm với không biết bao nhiêu lần cùng một giờ đi học và cùng một giờ ra về, tôi chưa lần nào đi chung với chị cả. Tôi luôn có mặt ở sân trường rất sớm trước giờ học, còn giờ ra về thì chạy thẳng một mạch về nhà thằng bạn hàng xóm để tiếp tục chia phe đánh nhau. Có một lần, lần đó tôi còn nhớ kỹ, trời đổ mưa lớn vào giờ tan học chiều. hạt mưa từ mái trường rơi xuống sân làm nổi lên những hột bong bóng to, vỡ toang ra, bắn một ít đất vào hàng hiên. Tôi phải đứng chờ dưới mái hiên chờ mưa ngớt, nhờ vậy tôi cũng thấy chị đứng chen trên hàng hiên, nét mặt ái ngại. Tôi chỉ chực chờ cho mưa hơi ngưng là chạy băng về. Nhưng mưa vẫn rơi mạnh, nước trên sân bắn vào hàng hiên một lúc một nhiều, cái quần sọt của tôi đã thấm nước mưa, còn chị đứng co ro phía gần cổng, nước mưa cũng thấm ướt cả cái quần nhạt nhạt của chị. Tôi đứng chờ mưa như thế lâu lắm, và chán lắm, bụng đói cồn cào, tất nhiên là chị cũng không khá hơn gì, tôi thấy mặt chị tái mét, cả hai chị em đều đói, đều ngóng mưa tạnh hạt để về ăn một chén cơm thật nóng với thật nhiều ớt bột trộn nước mắm. Vào lúc đó cha tôi đến đón. Ong chống dù đen, quần sắn cao khỏi đầu gối, đứng ở cổng ngó dáo dác tìm. Hai chị em tôi chạy ra, ông biểu tôi đi sát vào người ông để che chung dù, còn chị lót ngót đi  sau. Phố chợ ướt át, nước mưa lấp đầy những ổ gà trên đường, gió từng cơn thổi từ phía sông lên. Chúng tôi lúp xúp đi dưới trời mưa, cha tôi nghiêng cái dù về phía tôi, gió tạt hướng nào thì ông điều chỉnh dù về hướng đó, chiếc dù quá nhỏ dường như chỉ đủ che cho tôi, và tôi mặc nhiên coi đó là chuyện đương nhiên, đương nhiên là cha tôi phải che dù cho tôi, đương nhiên dòng sông  đều lụt vào những tháng gần cuối năm. Tôi đi sát với người ông cho đỡ lạnh, nghe tiếng dép của chị loạt xoạt dẫm nước phía sau. Khi bước lên mái hiên nhà, cha tôi xếp dù dựng ở cửa, tôi nhìn lui thấy người chị ướt từ trên xuống dưới.
Tôi không biết chị học trung học ở đâu từ khi chị ra khỏi ngôi trường tiểu học. Tôi vẫn tiếp tục chơi đùa, học vừa đủ lên lớp, chỉ cảm thấy mình hơi lớn lên vì lớp tôi học đã mấp mé nằm gần sát cổng trường và đã cách cái trống trường ba gian phòng học, và nôn nóng chờ ngày tháng qua để được ngồi vào gian phòng học oai nhất trường, cái lớp nằm sát cổng trường. Những chiều mưa cha tôi vẫn tiếp tục chống dù đến đón, tất nhiên giờ đây chỉ một mình tôi đi bên cạnh ông, và nhà tôi chỉ có một cây dù, cha tôi không thể phân thân đi đón hai chị em học ở hai nơi cùng một lúc, có lẽ chị cũng sẽ về tới nhà trong những chiều mưa sau giờ tan lớp.
Nhưng tôi chẳng bao giờ được ngồi vào cái lớp sát cổng ra vào. Trước khi tôi kịp lên cái lớp cuối cùng của tiểu học, chiến trận lan tới trường, tôi thấy người ta chôn nhau, người ta khiêng người bị thương, súng nổ làm tốc một nửa mái trường, đạn trổ nhiều lỗ xuyên qua lớp học và làm sụp một góc bức tường ngăn dòng sông với sân trường, lúc đó là vào mùa xuân, tôi vừa được một bộ áo quần trắng có sọc xanh để ăn tết, còn chị được mẹ may cho một bộ đồ hồng còn thơm mùi vải, chúng tôi chỉ mặc được bộ đồ mới có một ngày đầu xuân, mấy ngày sau, cả gia đình chạy đạn lang bang trong thành phố. Đạn bay véo von bên tai, tiếng nổ lớn nổ nhỏ, mẹ tôi dắt một đàn con nhỏ chạy tản cư, còn cha tôi ở lại trong ngôi nhà, sau này tôi mới biết ông đã quá tuyệt vọng và bằng lòng nằm chờ chết trong căn nhà ông nội tôi để lại. Nhưng đó là chuyện của ông, tôi không mấy thắc mắc về điều đó, tôi chỉ biết chạy theo mẹ, luôn luôn theo sát bên người chị lúc tản cư vì bỗng nhiên tôi phát hiện chị là một cái mộc đỡ đạn rất tốt trên những con đường đầy tiếng đạn bay trong thành phố. Chị mặc bộ đồ mới, mỗi khi nghe tiếng đạn và theo tiếng hô ‘nằm xuống’ của mẹ thì chị cũng nằm, nhưng nằm úp mặt lên hai tay còn mông chị lại chổng cao lên. Sau này tôi mới biết chị sợ làm bẩn bộ đồ mới nên không chịu nằm sát xuống đất, nhưng lúc đó tôi chỉ thấy cái mông chị như một mô đất che cho tôi nằm sát phía sau. Chúng tôi cứ chạy loanh quanh từ vườn nhà này qua vườn nhà khác, từ con đường này qua con đường khác, nhưng cuối cùng không thể nào tiến tới được nhà cô tôi ở cách đó đâu chừng vài cây số (nghe nói nhà cô bằng bê tông rất kiên cố). Cuối cùng mẹ tôi dắt cả đoàn trở về nhà, ai nấy đều ướt sủng và dơ bẩn, chỉ riêng chị là sạch sẽ, chỉ dính chút đất ở hai đầu gối và cổ tay.
Lần chạy giặc đó là mùa xuân cuối cùng của tôi nơi ngôi trường tiểu học bé nhỏ, và như nhiều người khác, sau trận giặc gia đình tôi di tản vào phía Nam, tôi vui vẻ đi theo cha mẹ tôi, và chị, trên một chiếc máy bay chạy bằng chong chóng. Tôi không có mấy kỷ niệm với ngôi trường bên dòng sông, cũng không nhớ bao nhiêu chuyện đã xảy ra nơi ngôi nhà rộng có sân vườn xum xuê. Chỉ thi thoảng trong một lúc nào đó mới hiện ra thật nhanh những buổi cơm chiều và tầm tã những cơn mưa. Tôi là đứa trẻ được sinh ra trong ưu đãi, dù là ưu đãi trong những tháng năm cùng cực nhất của cả nhà. Trong các bữa ăn tôi luôn được ngồi chung mâm với cha mẹ tôi, còn chị và những người khác ngồi ở mâm dưới. Hai mâm đồ ăn tuy đều có chung món, nhưng mâm của tôi luôn có phần trội hơn, tô canh tôm nấu cải sẽ có nhiều tôm hơn, bát canh mướp ngọt nấu bún sẽ có nhiều bún hơn. Còn chị tuy ngồi sát bên tôi và cùng lặng lẽ ăn, nhưng mâm của chị không đầy đặn, chị phải thọc đũa ‘lặn’ thật sâu xuống đáy bát để tìm một con tôm nhỏ mà người miền Nam gọi là tép. Như thế, tôi đã lớn lên và chị đã lớn lên nhưng không ai thắc mắc. Cũng như không ai thắc mắc khi chúng tôi leo lên máy bay chong chóng vào Nam, chị xách một giỏ đồ còn tôi đi tay không.
Và chúng tôi lại tiếp tục học ở một tỉnh phía Nam. Lần này chị học bên trường nữ, chúng tôi đã lên bậc trung học. Hình như đó là những năm vui vẻ nhất đời người. Cho đến một ngày dữ dằn hơn lần trước, khốc liệt hơn lần trước, cả gia đình tôi lại tiếp tục chạy sâu vô phía Nam. Như một định mệnh trong chiến tranh, tôi và chị cũng được theo cha mẹ di tản trước, cũng đi máy may nhưng là động cơ phản lực. Bây giờ tôi đã lớn để có thể giúp chị khiên một giỏ đồ, và đã biết buồn phiền khi từ giã nơi chốn của những năm trung học. Lần này chúng tôi mất nhiều thứ, trong đó có những năm học dở dang, trong đó có nhiều năm tháng lặn lội mưu sinh, trong đó có ngày vĩnh biệt cha tôi. Chị làm công nhân, tôi làm công nhân, chúng tôi mơ hồ nghe mình thuộc một giai cấp xã hội nào đó mà trước nay chưa biết đến. Điều đó hẳn không mấy quan trọng vì tôi bận với đời sống của riêng mình và chị bận mưu sinh cho chính chị và mẹ tôi. Tôi trở thành một đứa lang bạt trong tuổi trưởng thành, thỉnh thoảng về nhà vào lúc gần nửa đêm, đứng ở một góc tối quan sát, cho đến khi thấy chị thậm thụt  ở một góc phía bên kia con hẻm tối và đưa tay lên ra dấu, dăm khi được chị lặng lẽ dúi cho một ít tiền, cuộc sống lặng lẽ trôi như thế và cũng không biết sẽ trôi về đâu. Bây giờ đã là thời bình nhưng tôi không mấy dịp gần chị, và cũng như thời nhỏ, thời mới lớn và trong thời chiến tranh, tôi không mấy để ý đến cuộc sống của chị, chỉ mơ hồ biết trong nhiều năm, chị đi làm trong một xí nghiệp từ bốn giờ sáng và về nhà lúc gần nửa đêm. Điều đó cũng bình thường vì nhiều người cũng phải sống như thế, đời sống trở nên đơn giản hơn vì người ta không có bao nhiêu chọn lựa. Có lẽ tôi đã là một cái bóng đối với chị trong một đời sống như thế, cũng như chị chỉ là một cái bóng trong tâm tưởng tôi trong một đời sống như thế. Tôi mãi miết ra đi, chị lặng lẽ sống sao đó, đi làm sao đó, ăn uống sao đó. Ngày trở nên rất dài. Và một hôm nào đó, tôi có gửi một xấp vải để chị may áo cưới, rồi chị có một đứa con.
Rồi chị ra đi. Lặng lẽ nhưng nhanh chóng trong một ngày tôi trở về. Chị nằm lặng yên trên chiếc giường trắng giữa tiếng cãi cọ của các y tá. Tôi đứng bên xác chị, không biết chị chết vì bịnh gì, không ai giải thích, họ chỉ nói chị chết rồi, họ nói tôi phải viết một giấy cam kết không truy cứu trách nhiệm của nhà thương trước khi được mang xác chị về. Bàn chân chị rất lạnh, bàn tay chị rất lạnh, làn da chị tái đi thê thiết. Khuôn mặt chị ráo hoảnh, dường như đó là tất cả những gì chị có thể trả lại cho thế giới này, cho cuộc đời đã quá lạnh lùng với chị. Tôi chép lại tờ cam kết dựa trên một mẫu đơn mà họ đưa, ký tên mình dưới hàng chữ có câu ‘cám ơn nhà thương đã tận tình chăm sóc và quan tâm’. Ngày tháng thì lúc này cũng đi, nhưng tôi biết phút khắc ấy chẳng bao giờ đi qua trong những ngày còn lại của đời, tôi cũng như nhiều người khác hẳn buồn khi có một người thân yêu ra đi, nhưng cũng an ủi bởi rằng, cuối cùng rồi tất cả chúng ta sẽ gặp nhau ở một nơi nào đó. Tôi chỉ không thể nào quên được cái cách mà người ta đã đối xử với người đã chết, tôi chỉ không quên được tờ cam kết viết trên tấm ra giường trắng nhạt, bên xác một người thân lạnh lẽo, và cũng lúc ấy tôi mới biết rõ hơn, sau khi đã sống hơn nửa đời, sự khác nhau giữa nỗi buồn và sự đau đớn. Nỗi buồn khiến ta có thể câm lặng mà cũng có thể gào khóc, nhưng sự đau đớn là một thứ thuốc tê làm đắng lưỡi, tê mồm, dòng máu ngừng chuyển động, và trí óc trống vắng tất cả không biết hỏi từ ai.
Tôi ôm tro chị vào gửi trong một ngôi chùa. Chúng tôi đã đi học về dưới trời mưa ở một nơi xa xôi. Chúng tôi đã lên cùng chiếc máy bay chong chóng, lên cùng một máy bay phản lực. Chị đã đón tôi về thăm nhà nơi con hẻm tối trong nhiều đêm khuya. Những tiếng động ồn trong từng ấy tháng năm đã trở thành lặng lẽ. Tôi đã ra đi nhiều lần nhưng luôn nương náu đợi chờ thôi thúc được trở về, nhưng lần này, chẳng bao giờ còn sợ một cuộc ra đi không trở lại. 

Lê Đại Lãng