12 July 2018

CHUYỆN CŨ - Đỗ Duy Ngọc


Trưa nay vào pharmacie mua thuốc, bỗng chứng kiến nỗi hốt hoảng và buồn rầu của một cậu thanh niên vừa mới bị móc túi hết số tiền đang có ở trong túi quần. Hình ảnh đó làm tôi nhớ lại tôi cách đây hơn 30 năm .

Tôi bị đày về Củ Chi dạy học sau năm 1975. Lý lịch xấu quá nên cũng đành, có việc là may rồi. Thời đó cả nước rất khó khăn, trường tôi dạy là một trường học sinh cấp ba nội trú. Nhiều lớp toàn là học trò của nội thành đa số có cha đi học tập cải tạo hoặc do nhiều hoàn cảnh phải đi học ở đây, vì học ở trường này sẽ được tiêu chuẩn gạo mỗi tháng 13 kg.

Phương tiện đi lại rất khó khăn, thường đón xe từ ngã tư Bảy Hiền hay là góc Bà Qụeo. Những chiếc xe chạy bằng than và lúc nào cũng đầy nghẹt người và mùi mồ hôi nồng nặc.
Thông thường khi thấy xe đến, chẳng phân biệt thầy trò, tất cả cùng nháo nhào kiếm chỗ để leo lên, có khi phải leo qua cửa sổ. Ăn thì toàn cơm độn với bột mì hoặc bo bo và thức ăn chỉ là cá ươn sình với canh lỏng bỏng nước. Mỗi tháng chỉ được mua giá phân phối vài lạng thịt. Do vậy thời ấy lúc nào cũng thèm ăn và chẳng có ai mập mạp và có bụng bự như bây giờ. Dù vậy, cuộc sống hồi ấy lại rất vui vì ai cũng khổ như ai và cũng chẳng có nhiều nhu cầu lắm cho cuộc sống. Và vì ít nhu cầu nên cũng chẳng có nhiều tham vọng. Mỗi tháng chỉ mong ngày lãnh lương và mua nhu yếu phẩm gồm mấy gói thuốc lá đen, ki lô đường, vài ba nhúm bột ngọt. Lâu lâu lại bốc thăm mua được thước vải hay chiếc quần đùi hoặc cái vỏ xe đạp.

Có một lần cuối tháng lãnh lương, sau khi trừ tiền nhu yếu phẩm, còn lại hơn 30 đồng. Tôi dự trù nhiều việc cho số tiền này và dự định sẽ ăn một bát phở ở ngã tư Bảy Hiền khi xuống trạm. Đã gần cả năm nay không được ăn phở, chỉ nghĩ đến là nước bọt đã trào ra đầy miệng. Lên xe ở ngã tư Tân Qui xuôi về Hóc Môn. Tôi cẩn thận để số tiền lương còm cõi vào túi áo với suy nghĩ rằng vị trí đó ở ngang tầm mắt dễ kiểm soát.
Xuống xe lam ở chợ Hóc Môn, lên xe búyt chật chội về Bảy Hiền, xe đông ứ người, chen lấn nhau kiếm một chỗ đứng. Tôi dùng một tay nắm lấy cây đà ngang trên xe, tay còn lại nắm chặt túi áo. Dù bị đẩy qua lại và bị xốc nhiều lần trên đường đi, tôi vẫn cố giữ tư thế này cho đến trạm cuối. Xuống xe, tôi bước băng qua đường định vào ngay tiệm phở, cơn thèm đã lên đến đỉnh rồi, mùi mỡ bò đã thấy ngất ngây ở đầu mũi, đã thấy những cây hành xanh biếc nổi trên máng mỡ vàng và những miếng thịt tái đo đỏ, đã nghĩ đến cảm giác húp một muỗng nước lèo, lùa một dây sợi phở trắng tinh vào miệng. Đã bắt gặp cảm giác khoan khoái ngọt ngào, beo béo. Nhưng rồi tôi lại lưỡng lự. Ăn tô phở này sẽ mất mấy ngày tiền chợ. Hay là về nhà ra chợ mua lạng thịt về nấu ở nhà cùng ăn. Nghĩ vậy nên tôi bước qua tiệm phở không vào. Nhưng cơn thèm lại dấy lên, mùi vị miếng thịt bò ngấm trên đầu lưỡi, vị ngọt của nước lèo ngào ngạt lại kéo tôi quay trở lại. Nhưng đến cửa quán lại lưỡng lự. Tôi qua lại mấy lần như vậy và cuối cùng tôi đã thắng, tôi hít một hơi mùi thơm của phở đầy lồng ngực và dứt khoát băng qua đường đi thẳng bỏ lại sau lưng mùi thơm sực nức của bát phở bốc khói.
Tôi đến trạm xe lam nằm bên hông trường Nguyễn Thượng Hiền, có chiếc xe đang chờ khách. Tôi leo lên và đợi. Chưa thấy thêm người khách nào. Tôi lại nghĩ chờ chắc phải còn lâu mới đầy xe, sao ta không đi bộ đến Lăng cha Cả, tiết kiệm thêm một ít tiền rồi từ đó đi xe buýt về nhà. Nghĩ là nhảy xuống, tôi kiểm tra lại túi áo, số tiền vẫn còn và đi bộ về Lăng. Tự nhủ với mình chiều nay mình đã thắng những cám dỗ và tiết kiệm được mấy đồng.
Lên xe búyt ở Lăng Cha Cả, chiếc xe đầy người và người, ai cũng cố len cho mình một chỗ và ngóng mặt ra chỗ trống để hớp một chút không khí. Tôi chỉ đứng được một chân ở tam cấp lên xuống nơi cửa.Nhìn bên cạnh thấy có một khuôn mặt có vẻ khả nghi, tay này hình như cứ nhìn vào túi áo mình. Tôi hơi chột dạ. Phải cảnh giác. Phía sau tôi, một bà mẹ trẻ tay dắt một em bé, túi xách lỉnh kỉnh. Nhìn cũng có vẻ đáng ngờ. Cũng phải cảnh giác. Tôi len lén thò tay vào túi áo, lấy mấy chục bạc ra và bỏ ngay vào túi quần, tay thọc vào đó giữ lại. Chắc ăn. Xe đến bệnh viện tai mũi họng ở đường Yên Đổ, thời ấy bệnh viện này chưa dời qua vị trí bây giờ. Tôi định bước xuống, chỉ còn đi bộ một đoạn đường nữa là về đến nhà ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Bà mẹ trẻ luống cuống dắt đứa bé chen tôi bước xuống, túi xách lòng thòng, đứa bé bước đi chông chênh muốn ngã, tôi đưa tay ra đỡ em bé, dìu xuống đường. Bà mẹ lí nhí cám ơn, xe chạy sau một tiếng vỗ vào thùng xe của anh chàng lơ. Tôi định bước đi bỗng sực nhớ số tiền lương trong túi. Thọc tay vào túi quần, số tiền đã không còn ở đó. Ruột tôi thắt lại. Tim tôi đập loạn xạ.. đầu tôi choáng váng. Một cảm giác hụt hẫng như đang ngã xuống một vực sâu. Thăm thẳm. Tôi đưa tay một cách vô thức vẫy gọi chiếc xe đứng lại nhưng họng tôi bỗng khô cứng, không thốt ra được âm thanh nào ngoài tiếng ú ớ của người câm. Chiếc xe rồ ga để lại đám bụi mù. Tôi thẫn ngồi thờ sụp xuống bên vệ đường, lục lại các túi, túi áo, túi quần, túi sau túi trước. Mất thật rồi. Không còn đồng nào nữa rồi.
Những ngày tới gia đình tôi phải sống làm sao? Tôi phải nói sao với vợ với con đây? Những người thân của tôi đang chờ tôi, đang ngóng đợi tôi cùng số lương hàng tháng mang về. Tôi thất thểu bước như kẻ mất hồn. Tôi lại nhủ phải chi hồi nãy vào ăn bát phở, có mất cũng được ăn còn hơn phải nhịn thèm. Giá như hồi nãy ngồi chờ đi xe lam, chưa chắc đã phải bị mất tiền. Khốn nạn, đã cảnh giác suốt cả đoạn đường dài mà cuối cùng cũng bị mất. Chúng nó gian ngoa thật. Nếu lúc đó không bỏ tay ra khỏi túi để đỡ đứa bé thì chắc là không bị mất. Biết bao cái giá như, biết bao cái tiếc nuối…
Chắc là khuôn mặt tôi lúc đó cũng giống như khuôn mặt của chàng thanh niên bị mất tiền hôm nay tôi đã gặp. Khốn nạn cuộc đời, đã nghèo lại gặp cái eo.
Chuyện xảy ra đã hơn 30 năm, những khốn khó rồi cũng qua đi, nhưng nỗi xót xa của anh nhà giáo nghèo mất tiền của 30 năm trước vẫn còn đắng trong buồng ngực

Đỗ Duy Ngọc
Tháng 6.2007