21 July 2018

NGÀY THÁNG CUỐI ĐỜI - Ý Ngôn



Thiếu nữ bên hoa huệ
Tô Ngọc Vân

Thuở mới lớn, chị tôi được nhiều người khen đẹp. Đẹp cỡ như chị thì còn ước mong gì hơn. Nhưng nếu gương mặt của chị sửa đổi một chút, vóc mình chị liền lạc hơn một chút, chị sẽ đẹp như một người mẫu.
Kể về tài năng thì chị cũng không đến đỗi tầm thường. Dầu chị học không giỏi, nhưng bù lại chị có một giọng hát rất truyền cảm, đôi lúc quấn quít một âm hưởng man mác buồn. Ngày xưa, cứ mỗi lần sắp đến tết, thế nào chị cũng được bạn học cùng lớp yêu cầu hát một bài.


Chị hát cổ nhạc cũng được, giọng trầm buồn tờ tợ nghệ sĩ Mỹ Châu. Tiếc thay người nghệ sĩ hát càng lâu càng hay. Màn một hay ít ít, càng về khuya, càng mệt, diễn xuất tài tình, tiếng hát vang lộng. Còn chị tôi, mới cất giọng chẳng khác chi một nghệ sĩ chuyên nghiệp, nhưng đến bài thứ nhì hơi như muốn hết. Cái truyền cảm ban đầu trốn đâu mất tiêu.
Đành là vậy. Nhưng có được giọng hát như chị cũng còn hơn không. Hát giúp vui trong những dịp hội hè đình đám. Hát lúc buồn hát khi vui. Hát cho bồ mình nghe, hát cho riêng mình.

Tôi có hơi dài dòng quá chăng. Ý tôi muốn nói, chị tôi đẹp thì cũng là người đẹp, tài năng cũng có chớ không đến nỗi tầm thường. Nhưng cớ sao cuộc đời của chị không được suôn sẻ, không được xứng ý toại lòng. Tôi thường nghĩ, đáng ra chị phải có chồng con bình thường như mọi người. Nhưng cớ sao, cho đến cuối cuộc đời, chị vẫn phải chịu một đời sống hẫm hiu.
Tôi không có câu trả lời. Nhiều lúc nghĩ rằng tại chị hơi xui xẻo. Một chút thôi. Chỉ một chút mà ảnh hưởng đến cả cuộc đời.
Chị tôi lớn hơn tôi bốn tuổi. Tánh tình hai chị em không giống nhau mấy. Lúc còn nhỏ, đôi khi chơi với nhau thuận thảo, đôi lúc cãi lẫy khóc la. Chị tôi chơi với tôi nhiều nhất là khoảng thời gian cha tôi đổi về làm việc tại thành phố Long Xuyên. Thuở ấy tôi lên chín và học lớp ba tiểu học.
Nhà tôi ở vùng nửa chợ nửa quê. Nghĩa là bước ra phố chợ không xa mấy, mà đến ruộng nương đồng án cũng gần. Dạo ấy, tôi không ham học, mà chỉ ham mò cua bắt ốc. Tôi thường trốn cha mẹ theo lũ trẻ hàng xóm ra mấy con rạch nhỏ gần bờ ruộng bắt cá bắt cua. Thỉnh thoảng chị cũng ham vui đòi đi theo. Hai chị em lội xuống ruộng mình mẩy quần áo dính đầy bùn. Tôi thường không thích chị đi theo, vì hay bị cha mẹ la rầy. Một mình tôi dễ hơn, chị theo năn nỉ, cho chị đi với em, cho chị đi với em.
Cha tôi có sắm một cái chài, hôm nào rãnh rỗi, người đi dọc theo con rạch nhỏ gần nhà, thảy chài kiếm thêm ít cá lụn vụn. Hai chị em tôi thường đi theo. Cha tôi ngụp lặn dưới sông, chị và tôi ôm cái thùng nhỏ chạy lăng xăng trên bờ.
Cũng như mấy đứa con nít cùng xóm, đứa nào cũng thích tắm sông, đùa nghịch lội như ráy. Khoảng mười tuổi là tôi đã biết lội giỏi. Thỉnh thoảng chị tôi đi theo tắm sông…để tập lội. Không có phao, chị tôi vịn chân cây cầu gỗ nhỏ bên bờ sông hai chân đập nước bì bõm. Tôi còn nhớ, có một hôm chị vuột tay chìm xuống nước. Tôi không biết, mãi lo đùa với lũ bạn, chừng ngó lại, thấy chị đang quơ quào chới với. May thay, chị trồi lên được, nắm thành cầu chị cố gắng bước lên bờ. Chắc chị đã uống một bụng nước sông. Chị ngồi cú rũ trên bờ, quần áo ướt nhem, tóc tai ướt nhem. Gương mặt phảng phất buồn, chứa một ít hờn dỗi.
Vài năm sau, chị tôi trổ mã, đã là một cô thiếu nữ, không còn theo tôi chơi đùa với lũ trẻ cùng xóm.
Chị rất thích hát, ngay cả lúc tắm. Chị cũng rất mê thơ. Chị dùng giấy pelure màu xanh, màu hồng kết thành tập để chép thơ.
Một hôm lúc chị đứng tựa cửa sổ, tôi bèn biểu diễn hai câu thơ mới vừa học được từ một đứa bạn cùng lớp:

“Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói.
Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì.”

Chị tôi kinh ngạc, em học hai câu thơ đó ở đâu. Làm sao em biết được hai câu thơ đó. Tôi khoái chí cười vang. Làm như mình cũng chứa cả một bồ thơ trong bụng. Vì thật ra lúc đó tôi cũng còn trẻ lắm, chỉ khoảng mười hai mười ba.

Tôi không biết nhiều về đời sống tình cảm của chị. Đại khái tôi biết người yêu đầu tiên của chị là anh Tuấn. Chị quen anh khi học lớp đệ tứ. Sau này khi gia đình chúng tôi dọn về thành phố khác, hai người cũng còn liên lạc. Thư từ qua lại, chị cất kỹ, để dành đựng đầy hộp bánh biscuit.
Mỗi hè, anh Tuấn đều đến thăm chị. Hai người quấn quít không rời, có lúc tôi tưởng đám cưới sắp đến nơi. Nhưng sau này, anh Tuấn đi cưới một người khác. Tôi không hiểu tại sao mà cũng không nghe chị nhắc tới. Nhưng tôi biết chị buồn, rất buồn, dù chị dấu nỗi buồn ấy tận đáy lòng.

Chị tôi học không giỏi, thi tú tài ba keo mới đậu. Sau đó chị thi vào trường sư phạm, làm cô giáo dạy con nít cấp một.
Chị tôi có tánh hơi lo. Ngày nào cũng dạy học trò có bao nhiêu đó, vậy mà lúc nào cũng thấy chị soạn bài, chấm bài. Đi dạy học mấy năm, mà chị cũng còn nhát. Một hôm, nhà trường có tổ chức một buổi hội thảo giáo dục, chị được đề cử dạy mẫu. Phải dạy học trò trước sự quan sát của các đồng nghiệp từ nhiều trường khác tụ về, chị tôi lo sốt vó.
Hôm ấy chị dạy về đề tài cái trứng vịt. Để có một thí dụ cụ thể, chị nhờ tôi mua một quả trứng. Khi dạy, chị sẽ đập quả trứng ra để chỉ học trò lòng trắng lòng đỏ. Tôi hư quá, mua nhằm trứng vịt thúi.

Học trò cười rần rần cả lớp. Chị tôi ngượng ngùng, tay chân lóng cóng không nói nên lời.
Tôi nghĩ thế nào cũng bị chị trách móc. Nhưng không, lúc kể lại chị cười hồn nhiên.

Có một hôm, nhân lúc rãnh rỗi, tôi nói chị để tôi chấm luận văn dùm cho. Dưới mắt tôi, tụi học trò nhỏ làm luận dở quá. Bài nào cũng dở, tôi đều cho điểm dưới trung bình. Có bao nhiêu chữ nghĩa, ngày xưa thầy cô gán cho tôi, giờ tôi đem học trò của chị trả lại.

Nào là ý tạm được, nhưng lời văn không suôn. Nào là, nên để ý chấm phết. Hoặc là ý nghèo nàn, sai lỗi chánh tả nhiều quá. Thậm chí, đứa nào viết chữ hơi dối, cũng bị tôi chê viết chữ xấu quá.
Mấy tuần sau, tôi mon men lại gần nói chị để em chấm luận văn dùm cho.

Chị tôi nói: “Thôi, học trò nhỏ nó ham điểm, em cho đứa nào cũng dưới trung bình. Toàn là chê, chẳng thấy khen để khuyến khích. Em chấm bài, mắc công chị sửa lại, cũng như không”.
Tôi cười dòn. À ra thế.
Năm chị tôi hai mươi bốn tuổi, có một đám đến dạm hỏi. Cha mẹ tôi bằng lòng chỗ này. Và chắc thấy chị cũng khá lớn tuổi, cha mẹ khuyên chị nên lập gia đình. Cha tôi dùng lời lẽ hơn thiệt phân tách. Mẹ dùng lời ngon, tiếng ngọt khuyên chị nên thuận lòng. Lời lẽ ông bà rất tha thiết. Chị làm thinh không nói, hai giọt nước mắt từ từ rơi xuống má. Chị khóc. Cha mẹ tôi thôi, không nỡ ép duyên.
Năm 1974 chị có thương anh Hoàng, một bạn đồng nghiệp dạy cùng trường. Hai người chuẩn bị làm đám cưới. Đùng một cái, cộng sản chiếm miền nam. Những ngày sau cùng của tháng tư năm 75, chị và gia đình anh Hoàng ở Saigon chờ di tản ra ngoại quốc. Định mệnh có hơi ác nghiệt, chị vừa về quê lấy thêm một ít giấy tờ và sẵn dịp từ giã cha mẹ, thì đúng lúc cộng sản ùa vào. Anh Hoàng buộc lòng ra đi một mình. Chị ở lại với niềm hối tiếc. Lâu lâu, nghe chị tự an ủi, chắc tại số phần như vậy.
Lúc mới sang Mỹ, anh Hoàng có liên lạc với chị bằng thư từ. Lâu lâu có gởi một ít quà. Nhưng sau đó thư từ thưa dần mà quà cáp cũng chẳng thấy. Rồi biệt tin. Mọi người đều nghĩ anh Hoàng đã lấy vợ. Chị tôi có hơi buồn nhưng không trách.
Chắc rồi chị cũng lại tự an ủi, tại phần số như vậy.
Mùa hè năm 1995 chị và mẹ tôi đến Mỹ theo diện di dân. Chị trông già hơn nhiều so với tuổi năm mươi. Tóc bạc lấm tấm. Cha tôi qua đời mấy năm trước đó.
Mẹ tôi kể như an phận, vui hưởng tuổi già với con cháu thêm một thời gian. Chỉ tội cho chị, ở vào cái tuổi lỡ cỡ này, không chồng con, hội nhập vào đời sống mới…chắc phải cần thời gian.
Có lẽ do đời sống khó khăn kéo dài, chị nay có tánh hơi lo. Nắng thì sợ hạn, mưa nhiều sợ lụt. Không dám ăn tiêu phung phí vì sợ mai mốt không có gì mà ăn. Thậm chí không dám mở nhạc lớn tiếng vì sợ làm phiền hàng xóm. Chị lại hơi nhát, ra đường xe cộ dập dìu…chị sợ. Để lái xe đi đây đi đó, chắc còn hơi lâu. Tôi tập chị đi xe bus.

Tôi nghĩ rồi từ từ mọi việc cũng đâu vào đó. Ở xứ này, ai cũng có việc làm, ai cũng lái xe được.
Phải sống nhờ vào em út, hình như chị có vẻ hơi ngại ngùng. Đôi lúc nhìn chị ăn không dám ăn, nói không dám nói, cũng tội.

Một buổi chiều trên đường từ sở làm về nhà, tôi thấy mẹ và chị từ trên xe bus bước xuống. Có lẽ họ đi chợ ở một siêu thị á đông gần đó. Khi bắt gặp hai bóng dáng gầy gầy của hai mẹ con đang dắt díu nhau băng qua đường đầy xe cộ, lòng tôi chợt buồn man mác.
Tôi nhớ có lần đọc trên báo, một người cha đã bắt đứa con trai của mình, hứa với ông ta rằng, sẽ nuôi người em gái mù loà của ông một mai khi ông qua đời.
Bất chợt, tôi bắt gặp một nỗi buồn phảng phất trên gương mặt của chị tôi. Một nỗi buồn từ đời não đời nao xa lơ xa lắc.
Tôi chợt ứa nước mắt thương cho chị. Cho đến những ngày tháng cuối đời, có một ước mơ hết sức nhỏ bé, hết sức tầm thường, mà vẫn không có được.

Ý Ngôn