19 July 2018

ĐƯỜNG BỘ - Phan Ni Tấn


Sau hai lần đưa người vượt biên thành công bằng đường bộ qua biên giới Thái Lan, tới lần thứ ba tôi và hai người bạn lính (trốn trình diện học tập) quyết định chọn giải pháp này để trốn khỏi nước. Hai lần trước đều do các thổ dân đưa đi… Lần này, lần thứ ba, lại do một cô gái trẻ dẫn đường. Cô tên Sam Srey, gốc Miên lai Thái.


Tôi nhớ hoài cái kỷ niệm về cô gái Miên lai này. Sự lanh lợi của cô làm tôi nhớ tới Vanh Som, cũng Miên lai, cô bạn hàng của tôi ở Phnôm Pênh. Như đã hẹn trước với tổ chức vượt biên, tôi và hai người bạn được chỉ định vào một quán nước cuối cùng ở hướng Tây bên bờ hồ Tonlé Sap chờ người tới đưa đi.
Đầu tuần quán thưa khách, ba anh em chúng tôi chọn bàn lộ thiên duy nhất đặt ngoài ban công nhô ra trên mặt nước, vừa hóng gió vừa tránh được sự dòm ngó. Ngồi nghe mùi cà phê nồng nàn quyện tiếng nhạc Dù Kê Khmer trong quán rộn rã trôi xuống mé nước tự nhiên lòng tôi dâng lên một mối cảm hoài. Trầm mình trong nỗi nhớ quê, tôi quên cả chiều xuống, hàng quán lên đèn từ lúc nào. Chợt một cô gái trẻ nhanh nhẹn bước vào quán xăm xăm đi tới bàn chúng tôi giơ tay đon đả chào. Nhìn ba cái bản mặt ngơ ngác ngó lên, cô cười, nói nhanh, “Je suis Sam Srey (Em là Sam Srey)”. Nói xong cô phá lên cười thật hồn nhiên rồi tự động kéo ghế ngồi cạnh tôi, búng tay rất điệu nghệ kêu một ly soda sữa hột gà. Cô tự nhiên thoải mái đến độ người ngoài nhìn vào đều nghĩ chúng tôi quen biết nhau từ bao giờ. Từ lúc vào quán cô mặc kệ tụi tôi bối rối ra sao cô vẫn tỉnh bơ ngồi uống nước rột rẹt qua ống hút. Rồi, chắc thấy tôi có râu quai nón, dáng dấp phong trần ra vẻ một tay anh chị ngầu ngầu nên cô kề sát tai tôi nói nhỏ: “Sam Srey, sucre mis soeur (Sam Srey, em gái dẫn đường)”. Lần này tụi tôi hết ngạc nhiên, biết chắc cô gái này nói tiếng Tây như một ám hiệu “phe nhà”.

Cái nghề “guy de la tour” đầy nguy hiểm này đòi hỏi kinh nghiệm, thể lực và… tính hóm hỉnh, nếu ở phái nữ. Thực vậy, từ lúc gặp ba anh em chúng tôi cô Sam Srey luôn luôn cười đùa hồn nhiên. Ánh lên mắt nhìn tươi thắm, Sam Srey cho biết cô là em cùng cha khác mẹ với cô chị Vanh Som, bạn hàng của tôi ở Phnôm Pênh. “Chị em bận nên nhờ em tới gặp các anh”, cô nói tiếng Pháp khá trôi chảy. Thì ra là vậy. Hèn gì mới nhìn thoáng qua tôi liên tưởng ngay đến Vanh Som
Mười phút sau, chúng tôi rời khỏi quán nước theo Sam Srey xuống xuồng neo sẵn dưới chân quán. Cô chèo thật nhẹ nhàng đẩy xuồng lướt trên mặt sóng. Gió đêm mát lạnh. Khoảng nửa tiếng sau Sam Srey lủi xuồng vào bụi cây kè, nhanh nhẹn nhảy lên bờ vừa cột xuồng vừa ngoắc tay hối tụi tôi lên. Theo ánh đen pin Sam Srey đưa chúng tôi tới một căn chòi nằm khuất trong lùm cây rậm rạp. Chòi trống trơn chỉ có rơm khô lót trên nền đất. Cô nói nhỏ chúng tôi cứ yên tâm nằm nghỉ, nửa khuya cô sẽ trở lại.
Mặc dù cố gắng chợp mắt dưỡng thần nhưng chúng tôi không tài nào ngủ được. Phần vì lạ nước lạ cái sợ bị bể nửa chừng, phần bị muỗi như vãi trấu tấn công. Lo nhất là không biết họ có y hẹn tiếp tế lương thực hay không. Qua nghề này tôi biết nhiều người bị gạt, bị bỏ rơi dọc đường, mười phần chết chín, hoặc bị nhóm dẫn đường ra tay cướp của giết người bỏ xác giữa rừng sâu, chưa kể đụng phải bọn Sumacum hay Khmer Đỏ là xong đời. Đây không phải là cuộc phiêu lưu kỳ thú nhưng sống chết có số mà.
Chúng tôi ngồi chịu trận tới khoảng canh ba thì cô Sam Srey tới dẫn thêm hai người khách đồng hành, được giới thiệu là vợ chồng son Khmer. Đúng lúc đó ba anh thanh niên quầy quả gánh lương thực, nước uống tới xong lặng lẽ rút lui ngay. Như thế chúng tôi có tất cả sáu người gồm bốn nam hai nữ kể cả cô Sam Srey làm người dẫn đường.
Đêm đầu tiên trăng lấp ló trong mây như đồng tình đưa chúng tôi lên đường. Im lặng tuyệt đối, mọi người bám theo cô Sam Srey đang thoăn thoắt bước nhanh trên một lối mòn dẫn vào hẻm núi. Giờ này chỉ có gió và ánh trăng soi đường. Chúng tôi đi suốt đêm vượt rừng vượt núi, lội suối qua khe, dốc lên dốc xuống, đạp lên từng vũng trăng khuya mà đi. Chúng tôi mải miết vừa đi vừa nghỉ trên con đường thiên lý. Khi lần xuống thung lũng có núi cao và rừng rậm bao quanh thì trời hừng sáng. Chúng tôi dừng chân trong khu rừng tre bạt ngàn. Ai nấy tuy mệt bở hơi tai nhưng cũng ráng lấy cơm vắt ra ăn sáng để lấy sức cho chuyến đi đầy gian nan bất trắc phía trước. Lúc bệu bạo nhai hột cơm trong miệng tôi lại thấy lòng mình bồi hồi khó tả. Hồi nhỏ tôi vẫn thích ngồi nhìn mẹ vắt cơm. Cơm vừa chín là xới ra. Từng nắm cơm được nhào vắt tròn tròn trắng tinh mẹ đặt trên mâm đồng. Những nắm cơm mịn màng thơm ngát ấy chấm với muối mè nhai chóp chép ngon nhớ đời.
Khoảng một giờ sau chúng tôi tiếp tục lên đường trời cũng vừa lắc rắc mưa rơi. Sam Srey, người dẫn đường là một cô gái có nhiều kinh nghiệm đường rừng, cô khôn ngoan không bao giờ băng qua đường cái, dễ bị lộ, cứ lối mòn trong rừng kè, rừng khộp mà đi. Thình thoàng trên con đường máu xương chết chóc chúng tôi bắt gặp một ngôi mộ hoang, chỗ khác vài ngôi mả lạnh, nằm trơ trụi bên lối mòn cỏ hoang mọc kín. Trước nỗi thê lương đó tôi nghe hính như có tiếng rên rỉ của ai đó còn váng vất mùi tử khí trong gió rừng khô khốc. Nhưng khi chứng kiến tận mắt một cảnh tượng mà chúng tôi không hiểu nổi, vì sao dưới khe suối rong rêu lều bều luồn vào lũng thăm u lại có cả một ngôi miếu nhỏ xiêu vẹo, mục nát đến rợn người. Một ai đó, vì thương tiếc người thân bỏ mạng tại đây đã đẽo gọt vội vàng miếng cây rừng thành cái miếu cô hồn ở chốn thâm sơn cùng cốc này. Người chết nằm lại đâu đó quanh ngôi miếu hoang, người sống vẫn cúi đầu lầm lũi bước đi. Mưa vẫn thầm rơi.
Đến ngày thứ năm, vừa lên tới đỉnh dốc trơn trợt, cỏ lau bạc đầu, bổng nhiên Sam Srey ngồi thụp xuống, ngoái cổ hối hả ngoắc tay xua mọi người rút lui. Không biết chuyện gì xẩy ra nhưng cảm thấy nguy hiểm chúng tôi cứ cắm đầu cắm cồ chạy thục mạng. Chạy ngược chừng hai trăm thước, mọi người lủi vô bụi cây nằm bẹp xuống núp sau một gò đất cao. Sam Srey ào tới lấp bấp qua hơi thở bọn Khmer Đỏ đang ở dưới thung lũng; may mà cô phát giác kịp thời. Quân Pôn Pốt khi chiếm được đất Phật, cả thế giới đều biết đến tội ác diệt chủng kinh hoàng của bọn ác quỷ này. Nằm im một hồi không nghe động tịnh gì cả bọn nhỏm dậy bám gót Sam Srey di chuyển theo hướng khác, tránh xa quân giết người.
Cô Sam Srey tỏ ra thông thạo vùng này. Len lỏi trong rừng rậm được già nửa đoạn đường chúng tôi gặp lại lối mòn. Để tới kịp chỗ nghỉ đêm trong rừng, Sam Srey xác định lại địa hình hướng đi lúc chiều dần tàn.
Đêm ở rừng im lặng đến rợn người. Trăng rừng cũng im lặng len lỏi trong vòm cây đổ những vũng sáng xuống chỗ chúng tôi nằm. Sự đồng lõa của trăng và rừng nín lặng đến không nghe cả tiếng lá rơi, ngoài hơi thở nhè nhẹ của Sam Srey ngồi cạnh tôi. Sương khuya lạnh nhưng ngồi cạnh Sam Srey tôi cảm thấy thân thể cô ấm đến nồng nàn. Thân gái dặm trường, dù sung sức cách mấy Sam Srey cũng phải thấm mệt. Cái mệt không phải ngay lúc này mà từ lúc khởi hành đến khi dừng chân cái mệt mới đọng lại vô tình dựa vào vai tôi cô ngủ thiếp đi. Sau năm ngày đêm, chúng tôi đã vượt qua hơn nửa đoạn đường và vẫn bình an vô sự, đến khi được nằm xuống nghỉ ngơi ai nấy đều ngủ ngon lành.
Lúc này tôi mới để ý tới Sam Srey. Người con gái, dù hoàn cảnh làm cho nhọc nhằn, vẫn toát ra sự yếu đuối, vẻ mềm mại, nét dịu dàng cố hữu của phụ nữ. Nhớ lại lần đầu gặp Sam Srey, tôi thấy cô cũng bình thường như những cô gái trẻ thành thị khác. Khuôn mặt chữ điền biểu lộ tính quyết đoán, nhưng ánh mắt như môi lúc nào cũng nờ một nụ cười duyên dáng.
Đang chập chờn trong giấc điệp chợt có tiếng la cầu cứu khiến mọi người giựt mình choàng tỉnh ngay. Phản ứng tự nhiên là cả bọn túa ra tìm đường thoát thân thì thấy anh chồng Khmer trần truồng đang hớt hải cõng vợ chạy về kêu cứu. Thì ra, chờ mọi người ngủ say, hai vợ chồng son lén dẫn nhau ra bìa rừng ân ái, không may cô vợ bị rắn cắn. Đáng lẽ anh chồng chữa trị ngay hoặc đưa vợ về nhờ người cứu chữa, đằng này anh như người mất hồn ngồi chết sững tại chỗ. Đến khi tỉnh hồn anh cõng vợ về thì đã muộn. Nọc độc lan đi làm toàn thân người vợ tím bầm. Cô tức thở, lắp bắp không thành tiếng, mắt trợn trừng, miệng xùi bọt mép, co giựt mấy cái rồi lịm luôn.
Vợ chết chồng hóa điên. Anh khóc lóc, kêu gào thảm thiết. Anh rủa sả chúng tôi cứ như vì chúng tôi vợ anh mới chết. Rồi anh hì hục đào hố bằng hai bàn tay. Chúng tôi can gián, anh hất ra, mắt long lên chửi rủa càng dữ dội. Chợt anh nín bặt, vái lạy xác vợ rồi quay lưng chạy như điên vào đêm đen như mực, bất kể chướng ngại vật.
Vượt qua ba ngọn đồi, năm con suối, chúng tôi tiếp tục đi về hướng tây bắc. Càng đi gần về phía biên giới Thái Lan chúng tôi càng cảnh giác cao độ. Bất trắc, hiểm nguy luôn luôn rình rập de dọa bất cứ lúc nào, ai biết được. Từ khi xảy ra biến cố thê lương của cặp vợ chồng Khmer chúng tôi cẩn thận hơn. Dù không nói ra nhưng ai cũng thương xót cho người vợ trẻ đã nằm yên dưới ba tấc đất, lo lắng cho số phận người chồng bất hạnh không biết sống chết ra sao. Lúc anh lao vào bóng đêm chúng tôi rượt theo cố níu anh lại nhưng không kịp; trong cơn điên anh chạy quá nhanh. Tội nghiệp Sam Srey la hoảng vì biết anh đang đâm đầu về phía vực sâu.
Sau bảy ngày đêm vượt biên bằng đường bộ, cuối cùng bốn người chúng tôi cũng tiến gần tới đích. Vừa nhìn thấy cột mốc của biên giới Thái Lan – Campuchia cách chúng tôi khoảng năm trăm thước ai cũng la lên mừng rỡ. Bao nhiêu nhọc nhằn, khốn khổ sau bảy ngày đêm vượt thoát làm kiệt quệ thân xác bổng chóc tan biến tất cả. Rồi mạnh ai nấy chồm lên, ra sức lao tới. Lúc đó khoảng mười giờ, nắng chói chang. Khi biết chắc mình đặt chân lên mảnh đất tự do, chúng tôi ôm chầm lấy nhau, thật chặt. Vừa ôm nhau, nhảy nhót vừa la hét và cảm tạ Trời Phật cho chúng tôi sống sót. Đúng lúc đó một tràng tiếng súng vang lên.
Chẳng biết phía bên nào bắn, nhưng khi nằm rạp xuống tôi thấy rõ ràng cả hai người bạn lính của tôi đều bật ngửa ra sau, đầu đập mạnh xuống đất nằm bất động. Đúng lúc đó tôi nghe tiếng rên của cô Sam Srey đang nằm đè lên người tôi. Và cũng lúc đó tôi mới thấy người tôi ướt đẫm. Cứ tưởng mồ hôi, hóa ra là máu.
Bốn mươi năm nay, trải qua những giông bão cuộc đời, thỉnh thoảng tôi vẫn đáp chuyến xe quay về miền quá khứ để tìm lại hình bóng Sam Srey và bốn người bạn đồng hành của tôi trên bước đường tìm tự do. Dù tôi biết rằng họ không còn ở trên cõi đời đầy khổ đau này nhưng tôi vẫn tin rằng thuở xa xưa đó đến tận bây giờ có một người tên Sam Srey và bốn linh hồn oan khuất kia vẫn âm thầm đến với tôi trong một giấc mơ kỳ lạ để rồi sáng ra họ hoàn toàn biến mất, không để lại một dấu vết nào.

Phan Ni Tấn