Đầu tuần này, lớp học tình thương
của một nhóm thiện nguyện tại quận 3, Sài Gòn, bắt đầu ngày học của mình bằng
giờ tập vẽ, làm thiệp chúc mừng ngày thầy cô giáo 20-11.
Lớp học loi nhoi tiếng hỏi han cách
thức, đòi thêm giấy, viết màu của nhau. Khó khăn lớn nhất của những đứa trẻ đó
là viết được lời chúc đàng hoàng để tặng cho người dạy mình. Một đứa khều khều,
hỏi nhỏ “con chúc cô giáo ăn nhiều có kỳ không?”.
Hầu hết những đứa nhỏ học lớp vẽ đó
đến từ những gia đình rất nghèo. Còn lại thì là những những đứa không biết một
mái nhà là gì, từ lúc ra đời đến giờ. Cô giáo Sa, một trong những thiện nguyên
giáo dục đường phố nói rằng nhiều đứa trẻ như vậy đã thân thuộc với vỉa hè, gầm
cầu… vì khi ra đời cho đến khi lớn lên, bầu trời là mái nhà. “Nhà” đôi khi rất
khủng khiếp, vì đó là những nơi chúng bị bắt về, bị buộc đóng các loại tiền gì
gì đó theo chính sách… sau những đợt thu gom của chính quyền để làm “sạch đường
phố”.
Nhưng với thầy cô là một chuyện rất
khác. Những gương mặt đầy giận dữ, tinh ranh… ngày thường trên vỉa hè của chúng
tức thì dịu lại, khi thấy thấp thoáng bóng dáng thầy hay cô xuất hiện. Có cái
gì đó rất kỳ diệu trong nghĩa thầy trò vừa mong manh, vừa vĩ đại này. Những đứa
trẻ Việt Nam dù ở hoàn cảnh nào, vẫn thầm lặng mang trong lòng mình một không
gian kính ngưỡng dành cho người dạy dỗ mình, thậm chí còn đậm sâu hơn nhiều đứa
trẻ đeo khăn quàng và được giáo dục trong mái trường xã hội chủ nghĩa.
Rất nhiều người đau đớn nói rằng thế
hệ trẻ hôm nay đã hỏng tất cả, khi mỗi ngày nhìn thấy chuyện trò đánh thầy, trò
vây đánh trò… mỗi lúc càng ghê sợ. Nhưng phải đi và đến những điểm tận cùng của
cuộc sống, nhìn thấy của những đứa trẻ chơ vơ ấy, chứng kiến chúng khao khát
được gọi tiếng “thầy-cô”, khao khát được nhìn nhận như một học trò, có thể mới
hiểu rằng mọi vấn nạn đều sinh ra từ nhà trường, từ chính sách, từ xã hội…
Chúng chỉ là những nạn nhân. Những nạn nhân mỏng manh của người lớn.
Một thằng bé không chịu nói tên,
chăm chút vẽ ngôi trường của nó và tô toàn bộ là một màu đen. Mấy đứa bạn cười
ngặt nghẽo, nói nhìn là biết ngay là trường bị cúp điện. Đứa khác nói vì hết
màu nên nó tô đại màu đen. Nhưng có thể tác giả của cái thiệp thì biết rõ hơn
ai hết, trường của nó chỉ là tưởng tượng, đêm đến, hết làm việc thì nó được học
ở ngoài trời, khi các thầy cô thiện nguyện đến.
Những năm cuối thập niên 70, cái đói
hoành hành toàn miền Nam. Nơi nơi người ta phải nấu hạt bo bo dành cho ngựa và
bò, được viện trợ từ Liên Xô, để ăn ngày hai bữa. Cô giáo tiểu học của tôi, lúc
đó đi dạy luôn mang theo chuối nấu và bánh kẹo để bán chịu cho học trò, nhằm có
thêm chút tiền sinh sống. Cuối năm, tặng quà tết cho cô, mẹ tôi cứ đắn đo giữa
việc tặng quà hay đưa tiền mặt. Cuối cùng nắm chặt bì thư nhét vào tay cô giáo
kèm một lời xin lỗi, mẹ tôi về kể lại với ánh mắt buồn buồn rằng cô giáo đã ôm
mẹ tôi, nói rằng cô cám ơn vì mẹ tôi đã rất thực tế giữa buổi khốn khó đó. Hôm
nay thì chuyện nhét ít tiền vào túi thầy cô đã không còn lạ, rất thông tục –
thậm chí không có là không xong. Nhưng tôi thì nhớ mãi phút giây mẹ tôi cứ đau
đáu vì sợ làm tổn thương người dạy học, thành phần được vô cùng kính trọng
trong nền văn hoá giáo dục của miền Nam cũ.
Trong tập truyện kể Những tâm hồn
cao thượng (Les Grands Coeurs) của Edmond De Amicis mà mẹ tôi tặng cho tôi khi
vào lớp 3, như một cẩm nang sống, câu chuyện vị tướng quân quay lại ngôi trường
cũ, cúi đầu trước người thầy già luôn làm tôi cảm động rơi nước mắt. Tình người
và nghĩa thầy trò mới cao đẹp làm sao.
Bơi lặn trong cuộc đời, nhìn thấy
những điều quặn lòng trong đời Việt, tôi luôn nhớ câu chuyện nhỏ đó như để ủi
an cho mình. Tôi đọc những câu chuyện có thật về trò giết thầy rồi nhơn nhơn tự
đắc như chuyện của Vũ Quang Hùng, chuyện hiệu trưởng dụ dỗ học trò vào đường
cùng như Sầm Đức Xương… cho đến nhan nhản những chuyện trò nghèo không có kịp
tiền đóng học phí, bị thầy cho bêu tên làm nhục dưới cột cờ, cô giáo thẳng tay
đuổi học trò vì bị mẹ phê bình… Tôi hiểu cuộc sống hôm nay không đẹp như ngày
xưa nữa, nghĩa thầy trò cũng phai nhạt theo thời gian. Tôi luôn nhớ câu chuyện
của Edmond De Amicis mà dặn lòng, rồi sẽ có một ngày, người Việt sẽ dựng
xây lại đất nước này với những điều tốt đẹp nhất – như thế hệ tôi từng biết.
Trong học vấn kém cõi của mình, tôi
chỉ có hai người thầy hiếm hoi, bao dung nổi tính cách ngang ngược của mình.
Một là người thầy trong Nhạc Viện, và người thầy môn Anh Văn. Thầy dạy Anh Văn
là một người uyên bác lạ kỳ, ông biết năm thứ tiếng và đặc biệt là tiếng Latin,
nên thường được chính quyền cậy nhờ làm việc mỗi khi đối thoại, thư từ với Vatican
trong thời cố tổng thống Ngô Đình Diệm. Người thầy dạy nhạc với hơn 30 năm tuổi
đảng thì dặn tôi phải lớn khôn và đừng bao giờ trở thành người cộng sản. Người
thầy dạy chữ thì khó tính và lặng lẽ, nhưng lại dạy cho tôi hiểu biết rất nhiều
về thế giới không cộng sản.
Tôi nhớ hoài một cánh tay của ông bị
liệt, nên khi dạy luôn phải dùng tay này đỡ tay kia. Sức khoẻ ông yếu nên mỗi
ngày cần phải uống một viên multivitamin. Nhưng loại thuốc đó thì rất khó tìm
trong thời tôi đi học. Nhiều năm sau khi ra đời, chuyến đầu tiên ra nước ngoài,
tôi đã chạy tìm mua mấy hộp multivitamin để mang về cho thầy. Nhưng về, thì
thầy đã mất. Sức ông yếu, lại trãi qua nhiều năm trong trại tù – gọi là trại
học tập cải tạo nên đột quỵ, gượng phục hồi sau khi bị liệt nửa người, nhưng
rồi suy nhược dần.
Ngày 20/11 luôn nhắc tôi nhiều điều.
Dịp đến thăm lớp học tình thương của những đứa trẻ nghèo lại càng gợi lên trong
tôi nhiều kỷ niệm. Tôi không đo được nghĩa thầy cô trong lòng những đứa trẻ
được giáo dục trong mái trường xã hội chủ nghĩa hôm nay như thế nào, nhưng với
thế hệ tôi, đó là điều thiêng liêng khôn tả, nó giống như sự kính trọng và
thương mến thầy cô mà tôi nhìn thấy ở những lớp học tình thương đó.
Nhìn tấm thiệp tô mái trường đen
ngòm của đứa trẻ, tôi chợt nhận ra rằng đời khốn khó không bao giờ có thể giết
chết được nghĩa thầy cô. Mà chỉ khi nghĩa thầy cô cao cả ấy bị bóp chết trong
một xã hội nhiễu nhương, trong một chính quyền với nền giáo dục nhiễu nhương,
ấy mới chính là lúc tất cả chúng ta và mai sau đang có một cuộc sống rất đỗi
đen ngòm.