24 November 2015

KỊCH LIỆT MIÊN MAN - Hồ Đình Nghiêm



1.
Muốn sống còn phải đấu tranh. Một đứa ăn không ngồi rồi đã buồn tay viết hàng chữ ấy lên bờ tường. Tường được quét vôi làm mới hôm trước Tết, nhưng không vì thế mà chôn lấp đi thứ tuyên ngôn kia. Như cô gái mặc vào người chiếc áo mỏng, vô tình hay hữu ý, màu sắc của nội y vẫn chực đòi giải phóng khỏi thứ che đậy thậm khói sương.


Cô Ba từng đấu tranh trường kỳ, và cuối cùng cô đã đạt thành tựu. Lao động là vinh quang, kỳ tích nọ trao cho cô Ba danh hiệu: “Cà-phê-bụi-em-ba”. Cô Ba rất bụi đời? Tuyệt chẳng chính xác để nói vậy. Bụi, vì cô Ba hổng có quán xá hẳn hòi, cô mưu sinh ngay bên vệ đường. Khách ưa ngồi dựa lưng vào tường vôi, khách không phàn nàn vì những chiếc ghế nhựa xanh đỏ, nhỏ nhắn tựa sản xuất nó ra chỉ dành cho một nhà giữ trẻ có đông hội viên nhi đồng. Khách không màng từng vạt nắng đâm loang lỗ trên thân, ngoại trừ trời đổ mưa, giang sơn cô Ba lúc nào cũng chứa đủ trên dưới hai mươi cảm tình viên. Những thằng đàn ông không cách gì thống nhất được một cách gọi, chúng rất tuỳ tiện, khi thì cô Ba cho qua cái cà phê đá, khi thì chị cho em, khi thì cưng cho anh, khi thì thím cho tui… Duy một điều chúng ngầm đồng tình: Cà phê đạt, giá mềm, chỗ ngồi thông thoáng cạnh một ngã tư sầm uất. Ngồi nửa ngày, đôi tai thừa mứa những lượng thông tin có thể vá trời lấp biển.

Đẹp xấu tuỳ người đối diện là câu nói của đứa thiếu tự tin, hãy tới nhâm nhi ly cà phê bụi em ba do chính tay chủ nhân mang lại mới đực mặt tự mọc nghi vấn: Ủa, con nhà ai mà nhan sắc mặn mòi thế kia? Một cánh hoa dại mọc thầm lặng ở bên lề đường. Bụi, chẳng đủ sức làm cho dung mạo kia đôi phần bị lấm lem. Đã có đứa dại khờ mang điện thoại thông minh ra chụp lén khuôn mặt cô Ba, nó post lên facebook và hệ quả… cà phê bụi em ba danh trấn giang hồ. Câu cổ văn có cớ hiện hình: Hữu xạ tự nhiên hương.

Khi mùi thơm toả lan đi ra ngoài dự kiến, cô Ba buộc lòng phải kiếm thêm nhân lực bởi sức người có hạn, chẳng ai tả xung hữu đột giữa trận tiền mà không run tay mỏi gối chồn chân đổ mồ hôi xuất hạn đầm đìa. Cô nhắm tới lão Tư chạy xe ôm sau khi đánh giá thực chất lương thiện phủ kín người đàn ông ngoài năm chục. Tư nói, động cơ máy nổ luôn cần xăng đổ vào bình, mỗi sáng tôi phải ghé cô Ba đổ cà phê vào bao tử, hai chuyện đó nào có gì khác biệt. Một đàng cho máy một đàng cho người, muốn chạy việc ta phải vin vô hai thứ chất lỏng kia. Cô Ba yêu tất thảy những gì liên quan tới chung tình. Nắng mưa gió giật lụt lội triều cường, ba cái lẻ tẻ đó chẳng khiến ông Tư quản ngại. Ông vẫn hiện hữu, không sớm thì muộn. Nếu thời gian khấu trừ bắt ông đi giật lùi ba mươi năm thì có lẽ bàng dân thiên hạ đã gọi ông là một cây si. Yêu một người, chỉ có duy cớ ấy ta mới cắm đất riêng một chỗ, không dời đổi.
Cô Ba gọi ông Tư bằng chú. Chú xem liệu nhắm ai tử tế cần công ăn việc làm thì giới thiệu lại phụ đỡ tui một tay. Thỏ thẻ hôm trước, hôm sau Tư đã thồ tới cà phê Ba bụi một thằng con trai mặt mày coi bộ cũng sáng láng. Tư làm một bản nháp thế đơn xin việc: Thằng Niệm tuổi mười sáu, gia cảnh có vấn đề nên buộc phải thôi học, nó tính đi Bình Dương làm công nhân nhưng má nó thương con cứ thậm thụt lòng chưa quyết. Nó gọi tui bằng cậu, nay cậu dắt cháu tới cho cô Ba sai việc. Tư này kỳ vọng nó không khiến cô Ba phải thất vọng chê bai. Sức trai tráng, chuyện phục vụ cà phê cà pháo thì nên xem là chuyện nhỏ.
Thưa chuyện cùng chủ quán mà ông Tư dường như muốn nói cho thằng cháu nghe, ông ngó lên hàng chữ bị vôi che, thiếu đường bạch hoá: Muốn sống còn phải đấu tranh. Cô Ba mát ruột đi pha hai ly cà phê không tính tiền dùng để đãi đằng. Cô hỏi thằng Niệm: Thấy sao, nhắm chạy việc hôn?
Niệm ngồi yên trên ghế nhựa, thân nhấp nhô: Dạ, xin sẵn lòng nghe cô chỉ bảo. Quyết không làm cậu Tư mất uy tín. Ông Tư vỗ vai: Tạm thời tao làm xe ôm không công để đưa đón mày. Cố gắng lên, sau này tự dành dụm mà sắm riêng cho mình chiếc xe để đi mây về gió. Mày được làm việc với cô Ba, má mày nghe thế cũng an tâm đôi phần.
Nếu Niệm còn cơ may cắp sách đến trường chẳng hiểu học lực nó có được mấy phần hoả hầu, chứ nay mang thân đi phục vụ quán cà phê bụi thì y như cá gặp nước vậy. Xoăn xoắt, nhậm lẹ, vẫy vùng, nhanh trí đáp ứng hết thảy những yêu sách người ta đòi hỏi. Cô Ba được rảnh tay rảnh chân và rảnh đôi mắt quan sát. Cô chịu đèn trong bụng, bụng chẳng hẹp hòi để chi trả tiền công xứng đáng. Nói nào ngay, chỉ 16, Niệm đã mang đủ tính khí một thằng đàn ông, chẳng kỳ kèo bớt một thêm hai chuyện lương bổng bạc tiền. Nó từng hào phóng băng qua hai ngã đường đi mua cơm bụi đãi cô Ba ăn, từng che chắn cô Ba khi bị một tên nát rượu đâm lời trêu chọc quá lố. Khi thu dọn hàng quán một chiều tà nực nội, cô Ba lau mồ hôi trán, giọng chở ít nhiều chân thành: Từ khi có em phụ việc, người chị mất dần những âu lo không rõ nguồn cơn. Chị tiếp xúc đủ mọi hạng người nhưng thú thật, chị chưa từng thấy ai đáng yêu như em. Chỉ sợ một chuyện, mất bao lâu nữa thì em sẽ biến đổi thành một kẻ khác?

2.
Hôm ấy có hai người khách lạ ghé quán cô Ba. Niệm săn đón, thưa hai chú uống gì? Con Ba đâu? Nhắn nó có chú Út dưới quê lên thăm. Người tên Út ngó láo liên, đọng tia nhìn đầy ngờ vực tới cô Ba. Nếu đúng là chú dưới quê vừa lên tới thì thời gian cách biệt giữa đôi đàng đã bộn bề năm tháng khiến bao đổi thay đã đánh lừa nhãn quang ít nhiều. Hoặc chú ấy hơi bị già nên mắt yếu, chứ bản thân cô Ba vẫn nhìn nhận ra ngay diện mạo người khách không mời kia. Ủa, chú! Chú Út! Cô Ba la lên, chỉ ngạc nhiên chứ chẳng oà vỡ niềm vui khi gióng tiếng. Một người lặn lội đường xa đến tìm thì y như rằng người ấy sẽ trao cho mình không ít phiền muộn. Một nguồn thông tin, thời buổi này thường chẳng mấy dịp đón nhận hân hoan. Đời bất thường, đời luôn chôn sâu niềm vui. Cô Ba ngồi xuống ghế, giao nhiệm vụ cho Niệm mần ngay hai ly cà phê đá để làm quà khơi mào câu chuyện. Ủa, sao chú biết tui đóng đô ở đây mà lại tìm? Mày ngon cơm quá mà, tiếng đồn lan xa, ngay cả chú mày cũng phải sửng sốt phút đầu tao ngộ. Nói thiệt chớ dung mạo mày ăn đứt con hoa khôi dưới quê vừa được hội phụ nữ bình bầu.

Thuỷ chung, người đàn ông ngang trang lứa chú Út, bạn đồng hành của chú vẫn ngồi bó gối mần thinh. Ông bận đắm đuối nhìn ngó cô Ba một mực chăm bẳm kiểu ưa ăn tươi nuốt sống. Vừa đẹp ở thể hình, nước da bầng quân mặn mòi, má lúm đồng tiền, ngực hăm hở tha hồ thừa sữa cho con măm. Eo thon mông nở. Tựu trung dù bán cà phê bụi, em Ba đã lột bỏ hoàn toàn cốt cách của một em đồng quê cày cuốc lấm bùn đầy mùi phèn chua. Ông khuấy liên hồi kỳ trận chiếc muỗng trong ly cà phê đá, tiếng động kéo chú Út trở lại hiện trường, thức tỉnh. Ba à, chú Mạnh đây là đại gia miệt dưới mình, vợ chú vắn số qua đời, tính đi bước nữa và một hai quyết dòm cho được mặt mày. Kinh doanh cà phê bụi một nắng hai sương có vất vả khổ cực thì mày có thể buông bỏ mà về dưới ngồi mát ăn bát vàng. Đi đâu thì có xe đưa rước, hất mặt lên trời nghe kẻ hầu người hạ thưa bẩm: Dạ thưa bà Mạnh có gì sai bảo.
Tự động, mặt cô Ba thoáng đỏ, cô yếu đuối không dám ngó vào tướng mạo chú Mạnh. Hình như ông ấy ưa khuấy động ly cà phê chỉ với một dụng ý, muốn người bàng quang thị thực hai chiếc nhẫn vàng to khủng có nạm mặt ngọc tròng nơi mấy ngón tay chuối mắn thô nần. Bán cà phê mãn đời cũng chẳng tài nào dành dụm được một chỉ vàng, trong khi vật trang sức của chú ấy giá trị chí ít cũng hơn mười lượng. Trời, người dưới quê thiếu vốn kiến thức về chốn thành đô gió bụi, chảnh kiểu đó không khéo mà rụng ngón bởi đao kiếm vô tình của mấy anh đi lại trên giang hồ có số má. Rõ là chú Mạnh ra đường đúng vào giờ hoàng đạo, xuất phát đúng hướng chứ không thì đã lọt vào tầm ngắm của mấy ảnh xã hội đen. Vật đi thay người mà cũng hổng chừng tiền mất tật mang, xui tận mạng thì lấy thế chó nào mà sắm vợ. Túm lợi là mất mịa nó hết chơn.
Hơi đột xuất, làm sao con có ngay câu trả lời đây. Ngày dài tháng rộng cho con tĩnh tâm tìm ra một sách lược vẹn toàn. Cô Ba nói, lời lẽ đôi phần học lóm ở phim bộ Hàn quốc mỗi tối lạc hồn dõi theo. Con vẫn kinh doanh bám trụ chốn này, có gì lại tới tìm gặp con trao đổi tin vui. Cô Ba đuổi khéo, phần vì phải lu bu lao động, phần khác cô chẳng mấy ưa ngồi hầu chuyện với mấy khứa lão. Cái đạo mạo mang nặng phần trình diễn tôn ti trật tự giữa các hạng tuổi kính trên nhường dưới phép tắc của họ dễ khiến cô Ba oải. Cô thích tính năng động ưa pha trò nói bóng nói gió dễ làm mát ruột có nơi đám trẻ hơn. Niệm chẳng hạn, cu cậu thường biểu lộ những hành vi mà chỉ có kẻ mê mệt mình mới chân tình bày biện, dẫu câm tiếng. Thứ “tử vì đạo” ấy e sắc son hơn vạn lần của cải sang giàu mang ra để đổi chác nhau.
Đến bất ngờ mà đi cũng đường đột, chỉ hơn tiếng cà kê dê ngỗng, đủ để chú Mạnh xiêu hồn lạc vía trước mộng tưởng có ngày em Ba sẽ là người nựng nịu nâng khăn sửa túi một tiếng mình ơi hai tiếng ơi mình. Dốt làm phép tính trừ, Mạnh cũng truy được đáp án: Nàng thua ta hơn hai con giáp, ta lấy vợ sớm thì đẻ con cũng xấp xỉ cỡ tuổi nàng. Xưa nay, đại gia đều duy một kế sách, vợ càng non tuổi thơ ngây chừng nào tốt chừng đó, âm thịnh để bồi đắp cho dương khỏi suy. Mạnh nói trước phút tạ từ: Những gì anh Út đã mào đầu tui không có chi cần bổ túc, chỉ mong cô Ba hiểu cho tui lúc nào cũng nguyện làm bến nước trong đợi ngày cô Ba về lại neo thuyền. Tạm thời trong thời gian tới, có gì nan giải khó khăn xin cô Ba đừng ngại ngần dốc lòng thổ lộ, Mạnh này quyết chẳng hẹp bụng lơ là. Tui lên đây trước là diện kiến cô Ba, sau là giỏi chân đi lo một thương vụ, ký hợp đồng phát huy thế mạnh cây trái đặc sản quê mình.
Mạnh đưa tay ra vồ vập lấy bàn tay cô Ba bóp nhẹ, ve vuốt như tuồng gửi thầm bao tâm sự trước lúc quay lưng. Vui không vui, buồn chẳng buồn nhưng diễn tiến vừa xảy ra đã khiến cô Ba ngầy ngật như bị luồng gió độc thổi trúng người làm quên bén lời hỏi thăm chú Út về tình hình sức khoẻ mẹ già dưới quê. Nếu biết con làm vợ chú Mạnh, trời ơi chẳng rõ má có vui không? Hay má cạy mặt, thằng chả bằng tuổi tao mà gọi tao là má vợ, thôi, hổng dám đâu!
Niệm không rời mắt trước hoạt cảnh nọ, ai xui khiến mà hắn cũng rụt rè nắm lấy bàn tay cô Ba, lật lòng bàn tay ra, cúi mặt ngó xuống những đường chỉ tâm đạo trí đạo. Cô Ba không phản ứng, bồi hồi đợi chờ ông thầy bói nói thánh nói tướng. Giọng Niệm ba phần lạc đi: Đôi bàn tay này sẽ thôi đếm bạc lẻ, thôi pha chế cà phê, lẽ nào đó là sự thật. Đời vắng cô Ba rồi chắc tui đi Bình Dương làm công nhân hay nương thân cửa Phật quét lá sân chùa. Những ngày êm đẹp thường chóng tàn, vẫn biết thế và vẫn tin đó là định luật. Cô Ba dù có đi về chốn chim kêu vượn hú thì cũng xin nói ra địa phận, dẫu sơn cùng thuỷ tận tui cũng vác xác lại thăm nom. Sinh ra tui là tía má tui, mà người tui thương chính là cô Ba vậy!
Cô Ba đứng xiêu đổ thân xác, nếu không có ngoại cảnh là hàng quán rậm rật giữa thanh thiên bạch nhật e ta đã mượn vòng tay ngươi nâng đỡ ôm siết để chan hoà cảm xúc. Ta cho bàn tay ngươi sờ vào ngực ta vun đầy để đón nhận bao tiếng lòng quờ quạng đập nhịp theo con tim thúc hối. Tiếng là mưu sinh giữa chốn gió bụi đầu đường xó chợ nhưng thuỷ chung người ngợm này vẫn y sì chữ trinh bạch. Nó có đáng ngàn vàng không, có thiệt thòi không nếu mang đổi lấy cái mối tình mê muội của ngươi trao.

3.
Vì quán cà-phê-bụi-em-Ba nép mình ở ngã tư đường, địa điểm thuận lợi ấy vô tình làm chốn hẹn hò tập trung của bà con già trẻ lớn bé không dưng lần lượt đến quây quần. Bảnh mắt ra đã có hai mươi nhân mạng mở hàng cà phê, khách đa phần đều không ngồi, họ đứng vì tay họ bận nắm giữ những băng rôn cờ quạt giấy bìa lủ khủ. Chẳng cần hỏi họ đang “âm miu” chuyện gì, chỉ nhìn những hàng chữ họ viết trên mấy tấm bìa cứng là đã rõ: Họ chuẩn bị đi biểu tình. Niệm rất hứng khởi khi phục vụ bưng bê cà phê cho họ, thậm chí hắn còn lén cô Ba để dúi vào tay họ những chai nước suối cho khỏi khô họng khi hét toáng: Đá đảo bọn xâm lược! Niệm thù oán những đứa mất dạy từng tuyên bố “tự do cái con kẹt” rồi mang dép chà đạp lên mặt kẻ thế cô. Nghe xuống đường lòng Niệm những nghe hân hoan như có sóng vỗ bên trong, tiếc cái tình cảnh này hắn không thể bỏ mặc cô Ba mình ên xoay trở giữa chốn xô bồ, chứ nếu được hắn sẽ gia nhập đi hò hét một lần cho thoả sức trai. Bất hạnh lớn nhất của con người là chẳng thể nói được điều ngay lẽ phải và thù một kẻ mà bị uốn lưỡi nói yêu.

Họ vừa lập xong đội hình có thứ lớp, chuẩn bị xuất phát tới đằng công viên để gia nhập đám đông đến từ bốn hướng thì bị một đám người có hung khí chẳng rõ ở đâu lộ hình, nhảy tràn vào loạn đả. Những tiếng hét la, những bàn chân dẫm đạp, những xô đẩy hỗn loạn. Và Niệm, chỉ cảm tình viên lơ ngơ oan khiên bị dính chấn thương. Hắn ngó lui, đón nhận khuôn mặt thất thần của cô Ba trước khi có tấm màn đen phủ chụp. Tiếng động mơ hồ chìm trôi, bằng bặt, mê thiếp.

4.
Tư xe ôm chở cô Ba tới cổng bệnh viện: Nó nằm trên lầu hai, tui chờ cô ở đây hay sao? Thôi khỏi, có gì tôi gọi chú sau. Cô Ba đi loanh quanh một hồi thì tìm ra chỗ Niệm nằm dưỡng thương. Căn phòng không lớn, kê bốn cái giường sắt nhỏ có trải chiếu lát, có chăn bông hoa hoè thứ hàng quen thuộc sản xuất từ Trung quốc. Cô Ba đi tới, ghé mông đặt đít xuống chiếc giường có hình nhân đầu quấn băng trắng đang nằm thẳng cẳng. Mặt hắn xanh mét, một mắt nhắm một mắt mở. Mắt nhắm sưng húp có dấu vết đường kim mũi chỉ, mắt mở loáng ướt thu đọng khuôn mặt kiều diễm đẹp hơn cả từ mẫu hơn cả mẹ hiền hơn cả lương y. Thiên thần nắm lấy bàn tay dấu trong chăn, lôi ra ấp ủ: Niệm thấy sao rồi? Thằng con trai nhăn nhở cười: Đã hết thấy sao, giờ thì đang phẻ lần. Cô Ba mắng yêu: Đồ con quỉ.

Quỉ nói với bà tiên: Tình hình bên ngoài ra sao? Biểu tình thất bại, chúng hốt gọn dẹp tan. Và chúng ra chỉ thị, không được kinh doanh bán buôn trên địa hình ấy nữa. Cà-phê-bụi-em-Ba làm mất vẻ mỹ quan thành phố, chưa kể là nơi chốn thuận lợi để bọn phản động tụ họp phá rối trật tự xã hội.
Mặt bà tiên dửng dưng khi thuật chuyện. Thằng quỉ bóp nhẹ mấy ngón tay mềm mại: Cô Ba tính sao? Tìm một nơi khác cắm dùi? Không, chắc phải giải nghệ. Cực thân quá, mình lao động mà chẳng vinh quang, mình trong sạch mà nhà nước cho là âm mưu bất chính. Mình đếm bạc lẻ nên chưa tìm ra cơ hội báo đáp chữ hiếu cùng song thân. Vắn tắt là cuộc đời này luôn bày ra chốn đoạn trường, hoàn cảnh xúi mình lên đường, không cho lựa chọn. Muốn nói thêm nhưng ngập ngừng kiểu kiếm chưa ra ngôn từ biểu cảm. Miệng ngậm lại nhưng tay lục soạn từ túi xách ra gói giấy: Đây là quà mọn trước cuộc phân ly. Mong vui lòng thu cất và nhớ cho giữa đôi đứa vẫn còn đó một thứ tình khó biện bạch những éo le.
Thiên thần chuẩn bị xa rời trần gian hoang lạnh, để lại một giọt nước mặn rơi xuống chiếu chăn con bệnh. Con bệnh bị du côn chém sạt đầu nhưng chấn thương buốt nhức vẫn là con tim bắt đầu đập sai nhịp. Khuôn mặt một người nữ dấu cất trong đó đang vụn rã trăm ngàn mảnh vỡ. Hắn nhăn nhó gượng đau để mở quà người trao: Năm triệu để trả viện phí. Năm triệu để bồi dưỡng sức lực hòng kiếm ra việc làm vững chắc. Duyên phận mình chỉ có bấy nhiêu. Thương.

5.
Phiên toà cuối cùng đi tới hồi buông màn: Bị cáo Lê văn Niệm, mười năm tù do tội cố ý đả thương, gây cho nạn nhân Trần văn Mạnh bị dính 58 phần trăm thương tật. Vợ nạn nhân, bà Nguyễn thị Hồng Ba khai trước toà rằng Lê văn Niệm từng bị thương ở đầu nên có đôi phần rối loạn dây thần kinh, hành động thiếu suy nghĩ, xin toà hãy giảm nhẹ bản án cho đương sự. Việc làm đầy tính nhân văn của bà Nguyễn thị Hồng Ba khiến toà đưa ra biểu quyết, rút ngắn thời gian ngồi tù của bị cáo Niệm là năm năm. Cần nói thêm là đại gia Trần văn Mạnh từng bày tỏ thái độ vũ phu đối với vợ mình đến nỗi làm hài nhi trong bụng của cô Ba phải chịu bức tử…

Niệm đứng ở vành móng ngựa, mắt mờ hoen lệ nhìn xuống dáng ngồi co ro của cô Ba. Hắn hằng tin, hắn mãi tin hắn là đứa vô tội. Kẻ tội đồ không ai khác hơn là tên Mạnh cục súc kia, kẻ dám giết đi giọt máu vừa tượng hình của hắn. Một ý nghĩ vụt thoáng trong trí, ý nghĩ chẳng thể biến thành lời. Hắn không thể nói rằng: Thưa quý toà, chưa bao giờ như lúc này tôi mong có chiến tranh xảy ra giữa ta và người anh em láng giềng hữu hảo.
Điều đó giúp quý vị hiểu: Đời là gì? Là thứ mà muôn năm quý vị không tài nào phá án nổi với một bộ luật có cũng như không.

Hồ Đình Nghiêm