– Chú Trứ có tin con người ta sống hay chết đều do số mạng không?
Tiếng gió rít từng hồi trên ngọn dương liễu bên ngoài cùng với cơn mưa rả
rích giữa khuya, trong biệt giam tối và lạnh làm cho câu hỏi của Tưởng như có
gì huyễn hoặc xa vời.
Tưởng lớn hơn Trứ chừng sáu tuổi, bị tội buôn, trộm và mổ bò lậu, lãnh án ba
năm, ở trong Trại giam Phan Thiết hai năm nay rồi. Gần đây, bắt được một vụ
trộm bò ở Ninh Thuận, khai ra có liên can với Tưởng trong những vụ trước. Anh
lại bị đưa về Ninh Thuận để làm việc.
Tưởng không hề trộm bò, anh chỉ chuyên mổ bò và là bò của Hợp Tác Xã. Trong căn
phòng nhỏ cỡ bốn mét vuông, một đêm anh có thể mổ sáu con, các mối chở xương và
thịt đi, sáng ra là đã được dọn sạch phi tang. Tưởng ở chung phòng biệt giam
với Trứ cả tháng nay.
– Ý anh là sao?
– Nghĩa là khi cái số mình chưa tận, thì cho dù có bỏ trong lu, lấy búa tạ
mà đập thì cũng không chết!
Trứ cười, anh cũng thường nghe nói đến số mệnh, không riêng gì chuyện sống,
chết, mà giàu nghèo, sang hèn, sướng khổ…đều có số định sẵn. Nghe thì nghe thế
nhưng do tuổi tác còn trẻ, anh ít quan tâm. Giờ đột nhiên nghe hỏi, chẳng biết
sao mà trả lời:
– Tôi có nghe nói nhiều nhưng vu vơ, mơ mơ hồ hồ, bản thân thì mới hai sáu
tuổi đầu chưa có gì gọi là kinh nghiệm về chuyện này nên nói không tin thì
không phải, mà tin một cách chắc chắn cũng không!
– Tôi thì tôi tin vì ngay chính bản thân tôi, mấy lần tưởng tiêu đời rồi
nhưng cuối cùng vẫn cứ sống nhăn!
– Có ai đó bỏ anh vô lu mà đập bằng búa tạ à?!
– Hà hà, bỏ vô lu thì chưa, nhưng bắn và bỏ cho chết đói thì có rồi!
– Anh Tưởng kể đi.
– Ừ, thì kể.
oOo
– Chừng hai mươi ngày sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi mới hai mươi hai
tuổi. Hồi tới tuổi lính, tôi vào Địa Phương Quân, binh nhì, bốn năm lính, tôi
trình diện ủy ban quân quản với cấp bậc hạ sĩ. Không biết chọn lựa theo công
tội thế nào mà có một sồ cho học tập tại nhà, một số phải đi tới trại.
Hôm tập trung trình diện, cán bộ quân quản thông báo đi cải tạo, học tập
chính sách và đi ngay, ai cũng hoảng là lo. Cán bộ nói là trại gần, thân nhân
sẽ đem đồ dùng đến sau. Hai bộ đội chính quy cùng hai thằng du kích, người
trong xã, dẫn đám ngụy quân, ngụy quyền chúng tôi chừng ba mươi lăm người lên
trại, cách nhà chừng mười cây số, đi hàng một. Lính gồm những thằng tre trẻ như
tôi, một vài người hơi lớn chừng bốn mươi, bốn lăm. Các bác được gọi là ngụy
quyền thì lớn hơn, già không hà, gồm trưởng thôn, mấy ông trong ban đại diện
xã…
Đi được chừng năm cây số thì bác trưởng thôn quay lại xin nước uống. Anh
lính đi sau bác không có, tôi may có cái bình hai lít mẹ tôi đưa cho hồi sáng,
tôi đưa cho anh lính chuyền cho bác. Uống thì phải dừng lại, bác ấy đang dốc
cái bình lên miệng thì thằng du kích, nó cũng là người trong xã nhưng thoát ly
đâu từ lâu nên lạ, tống một báng súng ngay bụng làm bác ấy gập người xuống, cái
bình rơi ra xa, tôi bước tới cúi xuống định nhặt thì bị nó cho một đá ngay mông
chúi người tới trước. Tuy là lính Địa Phương Quân, một binh chủng thuộc loại
hiền nhưng tôi ba gai cũng chẳng thua ai. Máu bốc lên đầu, định chụp cây súng của
nó nhưng Bác trưởng thôn và mấy anh em ôm tôi lại…Tụi tôi đi tiếp nhưng nó cứ
hầm hè, còn tôi thì chẳng ngán, lườm lại nó. Một bộ đội chính quy đi lên ngang
nó rồi bảo nó đi lùi ra sau, anh ta đi vào vị trí của nó. Chiều thì đến trại.
Rất đông người đến trước đã dựng lều lán lúc nào rồi, vùng này mất an ninh từ
lâu, thỉnh thoảng đơn vị tôi có vào hành quân và choảng nhau nơi này.
Chúng tôi được chia ra, chiều tối, khi các tổ đến trước đi lao động về, sắp
hàng điểm danh rồi chúng tôi cùng theo họ vào lán trại, tôi cùng hai người nữa,
vào một tổ mới mà tổ trưởng là một người cao to, da đen, có vẻ là sĩ quan chế
độ cũ. Mấy người mới chúng tôi được nằm gần nhau, Bác thôn trưởng cũng được
chia ở cùng tôi. Lán vẫn còn rộng rinh, chắc là còn nhiều người sẽ đến.
Sáng ra, tôi cùng những người mới đi làm việc với những anh em đến trước.
Chiều về, lúc sắp hàng điểm danh trước khi vào lán, tôi thấy thằng du kích hôm
trước đi nhìn từng người, hắn thấy tôi và bác trưởng thôn đúng gần nhau, mắt
hắn trừng trừng nhìn tôi rồi lặng lẽ đi về cuối trại.
Tối lại, nằm bên tôi, bác thôn trưởng, lúc này tôi đã biết tên bác vì khi
điểm danh nghe hô Trương Quang Cần, nghiêng qua thì thầm:
– Cháu nên tách xa bác ra, bác sợ cháu bị liên lụy!
– Sao vậy bác?
– Thằng du kích đó, nó thù bác, sẽ kiếm cách trả thù.
– Vì sao nó thù bác?
– Nó là cháu bên vợ bác, cha nó chết sớm, lêu lỏng ăn chơi chẳng chịu học
hành làm ăn gì. Cách nay chừng hai năm, cảnh sát bắt nó vì tội đánh lộn, phá
phách trong quán bida. Mẹ nó đến khóc lóc nhờ bác, bác đến Cuộc cảnh sát khuyên
lơn nó, cũng hăm he cho nó sợ rồi bảo lãnh cho nó về. Mấy ngày sau, nó cùng hai
thằng bạn giữa đêm vào nhà đánh bác rồi phá phách lung tung. Bác chưa làm gì
thì cả ba thằng biến mất. Nó nghi là bác đã cho cảnh sát bắt nó!
Cuộc cảnh sát cho biết là chúng vào rừng theo Việt Cộng.
Tính tôi ngang, đã vậy tôi cũng không ngán, cứ ở gần bác Cần. Gia đình thăm
nuôi có gì chúng tôi gom lại ăn chung. Bác nhắc lại hoài chuyện tách xa bác
nhưng tôi gạt ngang:
– Ngán gì bác, chẳng lẽ nó bắn chết mình!
Tưởng đâu chừng một tháng hay tháng rưỡi chi là được về, ai dè hơn hai tháng
vẫn chưa nghe động tĩnh gì. Vài ngày lại có một số lên xe đi đâu đó, phần nhiều
là sĩ quan, công chức cấp cao. Bác Cần nghe nói là những người đó bị đưa ra
Bắc.
Một hôm đi lao động về, bác Cần ham hái rau sam nên tụt lại sau, tôi ngờ ngợ
có chuyện nên quay lại tìm, đúng lúc thằng du kích chận bác lại, nó ngó trước
ngó sau rồi thoi vào bụng bác làm bác gập người xuống, mớ rau văng tung tóe.
Tôi chạy nhanh đến, không thấy nó cầm súng nên lao vào đạp nó một đạp từ sau
lưng, nó ngã chúi lên người bác Cần, thì ra nó bỏ cây súng xuống gần đó để đánh
bác Cần bằng tay, nó lăn qua chụp cây súng nhưng bác Cần kịp ôm chân nó hét:
– Chạy lên ban chỉ huy trại đi.
Tôi chạy nhưng nó vùng dậy được, vừa bắn nó vừa hô:
– Trốn trại, trốn trại…
Chỉ cách không đầy mười lăm mét, nó vừa chạy vừa nhắm thẳng vào tôi mà bắn,
tôi cắm đầu chạy về phía trại chỉ huy. Cả tràng đạn AK đi đâu mất tiêu, tôi
chẳng bị gì cả. Trong lán chỉ huy chạy ra mấy bộ đội chính quy, gọi là cán bộ
quản giáo, người có súng, người tay không. Tôi đưa hai tay lên trời, dừng lại
trước họ. Bác Cần cũng vừa chạy đến, bác cũng đưa hai tay lên đầu. Thằng Du
kích chạy đến chỉ vào tôi.
– Báo cáo thằng này trốn trại.
Trại trưởng, một bộ đội lớn tuổi, lệnh đưa hai chúng tôi và cả thằng du kích
vào trại chỉ huy.
Mấy bản tường thuật, kiểm điểm của tôi và bác Cần giống nhau. Chúng tôi được
cho về trại. Nhưng ba ngày sau, tôi được gọi lên rồi bị dẫn ra ruộng dưa. Ở đó
có một cái chòi trơ trọi. Tôi hơi lo, không biết họ định làm gì!
Một thằng du kích và một bộ đội, cả hai đều có súng, không có thằng du kích
thù tôi nên cũng hơi yên tâm.
Chờ một lúc lâu, có hai thằng du kích nữa, vác đến một cái gì bằng gỗ, lần
này thì có thằng du kích đó. Tôi được đưa vào lều, bên trong tối om. Một tên du
kích bảo tôi nằm xuống, tôi nằm sấp úp mặt xuống thì nghe bảo nằm ngửa ra. Tôi
nằm ngửa ra, một thằng kéo khúc gỗ tới bỏ hai chân tôi vào hai lỗ hai bên,
thằng kia bỏ một khúc gỗ khác chồng lên hai chân tôi khít vào hai lỗ, một thanh
sắt thọc ngang bên trên rồi khóa lại bằng ổ khóa to. Tôi đoán đây là cái mà các
anh em ở trại thường gọi là cùm.
Trước khi đi, tên bộ đội nói:
-Anh bị kỷ luật, bỏ ý định trốn trại đi, cứ chấp hành cho tốt sẽ được tha.
Tôi hoang mang, băn khoăn, lo đủ điều. Tôi không mang theo được gì kể cả tấm
chăn!
Tôi thử uốn người ngồi dậy nhưng hai lỗ cùm cao quá, hổng hai chân lên nên
chỉ gồng người được một lát là phải nằm lại. Sau này tôi biết là cái cùm, mới
được toán thợ mộc làm và tôi là người đầu tiên bị cùm!
Trưa hôm đó, không có ai cho tôi cơm nước gì, chiều tối, có người đem một
túm cơm gói trong bịch nilon, miếng cá khô và một chai đựng nước đến. Tôi đói,
ăn hết túm cơm mà vẫn còn đói. Ngày sau, khoảng trưa thì người đó mang cơm đến,
anh ta bỏ túi nilon cơm và một can chừng hai lít nước xuống sát bên hông tôi
rồi nói:
– Ông Cần chuyển trại đi nơi khác rồi!
– Đi đâu?
– Không biết!
Vốc cơm ăn, lòng băn khoăn không biết bác Cần chuyển đi đâu, có bị như mình
không?!
Ngày sau, không có ai đem cơm đến cho tôi và những ngày sau nữa, tôi đói lả
người. mắt tôi hoa lên, chập chờn nhiều ý nghĩ và hình ảnh trong đầu. Tôi thấy
mẹ tôi, chị tôi vừa chạy vừa la “Tưởng ơi Tưởng, con đâu rồi, con đâu rồi!!!”.
Thỉnh thoảng tôi tỉnh lại, với lấy cái chai nước dốc vào miệng, cái chai
không còn giọt nào, cái can nhựa còn một ít, tôi uống cầm chừng, không nhớ được
là mấy ngày như thế. Đến khi cái can cũng hết nước, tôi đái vào can rồi uống
từng ngụm nhỏ, không hề thấy khai, cứ ngậm cho thấm từ từ…
Tôi không còn phân biệt được ngày hay đêm và không ăn mấy ngày rồi. Có lần
tôi tỉnh dậy vì như có ai cào vào chân tôi, ngay giữa háng. Nằm một lát tôi
nghe tiếng gà gáy rồi tục tác. Trong đầu tôi thoáng qua ý nghỉ là con gà hoang
nào vào đẻ?!
Con gà bươi một hồi rồi nằm im, đúng là con gà đẻ, ngay giũa háng tôi. Khi
nó bay đi rồi, tôi sờ xuống, một cái trứng mềm còn nóng. Muốn lấy ăn ngay nhưng
tôi nhớ lại, người ta nói là con gà khi vào đẻ lại, thấy trong ổ không có trứng
thì đi tìm ổ khác hoặc không đẻ nữa. Người nuôi gà khi nào cũng chừa một hoặc
hai cái trong ổ, tôi cố nhịn không dám ăn, rồi mê đi…
Con gà lại vào đẻ, khi sờ xuống thấy hai cái trứng tôi biết mình mê đi một
ngày. Tôi thò tay lấy một cái trứng đưa lên miệng, gõ vào răng rồi hút, cả cái
trứng tót vào họng, chỉ còn chút nhầy nhầy tanh tanh ở lưỡi!
Con gà đều đặn đẻ như thế, tôi không đếm được là bao nhiêu ngày.
Cho đến một hôm, tôi mơ hồ nghe tiếng người xôn xao, hình như nhiều người,
đỡ tôi dậy, tháo cùm rồi khiêng tôi đi… Tôi phải vào trạm xá vì lưng tôi đã bị
lầy, da tróc từng đám!
– Anh có biết vì sao họ bỏ đói anh không?
– Họ không bỏ đói mà là họ quên!
Tôi bị kỷ luật, phần cơm của tôi vẫn chia về toán, bác Cần lấy cơm rồi nhờ
người đưa đến cho tôi, khi bác chuyển đi, không còn ai nhớ đến tôi! Lúc mẹ và
chị tôi lên thăm, trại mới nhớ lại. Nếu mẹ và chị tôi không lên thăm hoặc thăm
trễ đi vài ngày, chắc là tôi tiêu rồi vì con gà đã ngưng đẻ hai ba ngày trước!
Sau này mới biết tôi không ăn cơm mười một ngày, trong thời gian đó, con gà cho
tôi tám cái trứng!
Tôi tin vào số mạng là vậy, nếu con gà không vào đẻ, hay đẻ xa tôi chừng mét
rưỡi thì tôi không sống nổi tới ngày mẹ tôi vào thăm. Số tôi chưa tận!
Ngoài biệt giam vẫn mưa, gió vẫn thổi, thỉnh thoảng lùa vào phòng từ ô cửa
trên cao, tôi nằm ngẫm nghỉ về sự trùng hợp lạ kỳ của chuyện con gà đẻ.
Anh Tưởng lên tiếng hỏi:
– Chú ngủ rồi à?
– Chưa!
Sài Gòn, tháng 9 năm 2015.
Trạch An – Trần Hữu Hội