12 May 2018

BÊN LỀ CHUYỆN NHỚ VỀ THÁNG TƯ ĐEN (4.1975) - Nguyễn Nhật Huy


Kết thúc chiến tranh Việt Nam, sau 30/4/1975, cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt nói “có hàng triệu người vui nhưng cũng có hàng triệu người buồn”. Lời tuyên bố của một quan chức cao cấp cứ tưởng sẽ góp phần định hướng tương lai đất nước, đảng CSVN sẽ hoạch định chính sách từ nền tảng hòa hợp hòa giải dân tộc, hàn gắn vết thương chiến tranh để có hơn “hàng triệu người vui” và không còn “hàng triệu người buồn” nhưng không phải thế!

Bốn mươi ba năm qua, những gì diễn ra trên đất nước này đã làm lộ rõ bản chất gian manh và bịp bợm của những người cộng sản. Hận thù dân tộc ngày càng bị khơi sâu, những người quốc gia và viên chức, sĩ quan chế độ VNCH cùng gia đình họ bị trả thù tàn khốc từ các vùng kinh tế mới đến những nhà tù trá hình mang tên “trại cải tạo”. Điều này dẫn đến việc hàng triệu người bỏ nước ra đi, một số không ít trong số họ chết trên biển, số còn lại, rất may, nhập vào hàng ngũ “hàng triệu người vui” dù cuộc sống quê người không phải là thiên đường.
Càng về sau, kinh tế hoạch định ngày càng thất bại, của cải cướp được từ miền Nam sau 1975, tiền bạc kiếm chác từ thân nhân những người Việt ở ngoại quốc gửi về tập thói quen hưởng thụ cho những quan chức cộng sản. Khi kinh tế suy sụp, họ phải chuyển đổi sang kinh tế thị trường nhưng kèm cái đuôi xã hội chủ nghĩa để bảo đảm sự lãnh đạo của nhà nước.
Càng về sau, niềm tin của đảng viên và dân chúng càng suy sụp, họ bán cả Hồ Chí Minh để bảo vệ đảng. Khi internet vào tận các hang cùng ngỏ hẽm Việt Nam, bản chất gian manh và bịp bợm của họ càng rõ hơn, nguy cơ mất đảng ngày càng cao, họ bán nước cho Trung cộng, Việt Nam lệ thuộc vào phương Bắc ngày càng nhiều nhưng vẫn rêu rao trên các phương tiện truyền thông “mười sáu chữ vàng”. Nhờ internet, dân chúng biết rõ vụ Trường Sa 1988 Hải quân không được nổ súng trước quân xâm lăng Tàu cộng, nhờ internet, dân chúng biết rõ ngư dân bị tấn công, bị cướp nhưng không được quân đội và nhà nước bảo vệ khi chính họ không dám nói thẳng mà gọi là “tàu lạ”. Cũng không lạ gì khi dân chúng truyền tụng nhau câu “Ngư dân bám biển, hải quân bám bờ”.
Chưa hết, chưa có thời nào trong sử Việt đen tối như thời gian cộng sản cầm quyền, khi, để đàn áp tôn giáo, đàn áp phong trào đấu tranh cho dân chủ nhân quyền, họ đã dùng một lực lượng đông đảo quân đội, công an và cả bọn “xã hội đen” là những phường lưu manh, cặn bả xã hội! Chưa có thời nào mà công dân bị bắt vào đồn công an bị giết chết rồi vu cáo là tự tử.
Chưa có thời nào mọi nền tảng giá trị suy đồi một cách nghiệm trọng, con người đối xử nhau tệ hơn cả loài thú, bọn ăn cướp là đảng viên gộc, là sĩ quan cao cấp của công an và quân đội, nếu không cũng được chúng đỡ đầu, bảo kê, từ cướp đất đai đến việc làm ăn, kinh doanh, buôn bán.
Cũng chưa có thời nào mà thị trưởng một thành phố lớn là thủ đô lại muối mặt nuốt lời hứa trên giấy trằng mực đen (có cả lăn tay điềm chỉ) với hàng vạn dân làng Sềnh và trở mặt đàn áp.
Không có thời nào mà Bộ trưởng Giáo dục xào nấu kiến thức cũ, ăn cắp kiến thức người khác viết luận án để kiếm học hàm học vị cũng là chủ tịch Hội đồng xét duyệt công nhận danh hiệu Giáo sư, phó Giáo sư.
Những ngày cuối tháng tư này, lãnh tụ hai miền Nam Bắc bán đảo Triều Tiên đã gặp nhau tay bắt mặt mừng để ngồi lại với nhau. Chuyện thống nhất đất nước chưa biết có thực hiện được và lúc nào sẽ có kết quả nhưng hy vọng việc phi hạt nhân hóa đảo quốc này có hy vọng đang đến gần. Chúng ta mừng cho họ nhưng cũng những ngày này, các tầng lớp nhân dân Việt Nam hy vọng gì?
Dĩ nhiên, câu trả lời tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, địa vị xã hội, trình độ nhận thức mỗi người nhưng chắc chắn có một mẫu số chung không chối cãi được là, đông đảo mọi người mơ một cuộc sống khá hơn, môi trường, thực phẩm được bảo vệ an toàn, thiên tai (bão lũ, hạn hán), mất mùa được khống chế và giảm đáng kể thiệt hại. Quan trọng hơn là: chính quyền, công an thôi sách nhiễu dân chúng bằng thuế má, cướp đất làm dự án để chia nhau bán kiếm lời cho gia đình, phe nhóm.
Một bộ phận không nhỏ nhân dân thấy chuyện chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng lại nhìn thấy đây là cuộc chiến phe nhóm, xa hơn là cuộc chiến giữa phe miền Bắc và phe miền Nam trong đảng cộng sản mơ rằng chúng nó càng giết nhau thì lực lượng ngày càng suy yếu để mở ra một tương lai mới cho dân tộc. Có vậy, khuynh hướng thoát khỏi sự lệ thuộc Tàu ngày càng dễ thực hiện hơn.
Bốn mươi ba năm từ ngày Mỹ phản bội VNCH để Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam, những thanh niên ngày ấy đã trở thành những ông già. Những đứa trẻ sinh ra từ ngày ấy thành những trung niên, bị nhồi sọ, lừa gạt một thời gian quá dài, khi nhận ra đã trễ vì có một gánh gia đình nặng để chăm lo và nhiệt tình nhẹ để không còn quan tâm đến vận mệnh đất nước. Thế hệ kế thừa có lý tưởng, có trình độ nhưng không thể ngồi chung với nhau và mặc khác, chuyện áo cơm, chuyện an nguy của người thân là điều cộng sản dùng để dập tắt ý chí đấu tranh của họ.
Tháng tư, cầu mong cho đất nước thái bình, nhân dân an lạc, những kẻ gieo gió phải gặt bão. Luật nhân quả thể hiện ngay trên những con người đã và đang gây ra đau thương, mất mát cho đất nước này, dân tộc này. Cầu mong cho những cá nhân, những tổ chức đã, đang và sẽ đấu tranh cho một ngày mai tươi sáng của đất nước vượt qua khó khăn gian khổ, vượt qua những đàn áp của chính quyền, chân cứng đá mềm để mau đến thắng lợi.

Nguyễn Nhật Huy