31 May 2018

CUỘC CHƠI - Hồ Đình Nghiêm



Phác họa Trần Vàng Sao
dinhcuong

Trong tác phẩm Le Petit Prince nổi tiếng, nhà văn Antoine de Saint-Exupéry (1900-1944) viết một câu giản dị mà lắm kẻ lỡ khuấy quên: “Tất cả những người lớn, trước tiên họ đều là những đứa bé”. Danh hoạ Pablo Picasso (1881-1973) từng nói: “Mọi đứa bé đều là nghệ sĩ, vấn đề là khi lớn lên, liệu chúng còn giữ được không”. Một thi sĩ (vô danh) khuyên: “Nếu bạn muốn làm giàu ý tưởng, hãy chịu khó đọc những gì con trẻ viết ra”.


Những trích dẫn trên, tự nghĩ, không sai vào đâu được. Và số đông người lớn chúng ta vẫn rộng lòng tôn vinh chúng, bọn đầu xanh ấy; tôi đọc thấy khối tác giả viết trong sách họ, trìu mến gọi: Những thiên thần bé nhỏ của tôi ơi! Nhà văn Mark Twain phát biểu: “Cái đáng yêu của con nít là chúng nói những gì chúng biết rồi thì ngậm miệng lại”. Hẳn không vô cớ khi người Việt vẫn thuỷ chung truyền miệng: Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ.

Đôi ba năm trước, cộng đồng mạng ở trong nước vẫn post lên, truyền gửi những bài luận văn “khởi sắc” của các “thiên thần” nhí, tôi còn nhớ một em giải thích về thành ngữ “Anh em như thể tay chân”: Anh em như thể tay chân có nghĩa là khi chân đổ máu thì tay băng bó cho chân mà tay đau thì chân mang tay vào bệnh viện. (Tác giả cuốn Hoàng Tử Bé chắc sẽ thích em này?). Một em khác viết lá thư tạ từ để lại cho bố mẹ: Con sẽ đi. Xa thật xa. Con tiếc là không trả được ơn cho bố mẹ. Con đi, rời khỏi chốn này… Nhưng con ngồi ở quán net nếu bố mẹ nghĩ lại. (Picasso còn sống e phải bảo, thằng bé này thật nghệ sĩ chứ không đùa đâu nhé!)

Mới đây tôi tình cờ đọc phải cách “trả bài” của một học trò lớp 6. Học tới lớp đó thì em được bao nhiêu tuổi? Có thể gọi em là trẻ con không? Ngô Tuấn Anh (tên hay và chắc em thông minh sáng dạ?) học lớp 6 trường PTCS Lê Văn Tám (trường ốc mang danh xưng nghe quá đỗi xa lạ, bần cố nông?). Trong bài kiểm tra 1 tiết (?) môn tập làm văn, thời gian 60 phút, với đề bài: “Em hãy tả hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam là Bác Hồ Chí Minh”. Sau đây là bài làm của Ngô Tuấn Anh (tôi tôn trọng bản quyền của tác giả, mạn phép chép lại đúng nguyên văn theo phóng ảnh mà cư dân mạng post lên):
Nhà em có treo 2 ảnh Bác Hồ. Một cái trên bàn thờ ông Địa và một cái dưới nhà bếp, cho nên mỗi khi em đốt nhang cho ông Địa hay đói bụng xuống bếp lục đồ ăn em đều nhìn thấy Bác. Chùm râu của Bác dài thòn và trắng như cô Ngọc Trinh, mỗi khi ba sai em đốt nhang cho ông Địa em để ý thấy Bác nhìn em chằm chằm cùng với nụ cười làm em dựng tóc gáy. Bác có cái trán thật to và bự nhưng không phải hói như ông nội của em.
Em rất yêu quí Bác, vì Bác Hồ là người sinh ra dân Việt mình, em nghe ông Sáu tổ trưởng tổ dân phố nói vậy. Vì yêu quí Bác nên mỗi khi em thắp nhang cho ông Địa em đều cho Bác ké một cây. (Hết).
Ngô Tuấn Anh được điểm 3. Lời phê của cô giáo (mực đỏ): “Trí tưởng tượng quá phong phú, không theo sát nhân vật”. (Chẳng rõ ban giám hiệu có họp chị bộ Đảng để bắt cô này quỳ trước lớp không?) Trí tưởng tượng của tôi nào có phong phú gì đâu, nhỉ?
Thú thật là tôi kém xa Ngô Tuấn Anh, tôi nhớ thời học lớp đệ Thất (năm đầu bậc Trung học) tôi rất dốt môn luận văn, luôn bị cô cho điểm thấp thua 3 mà Ngô Tuấn Anh có. Còn dây dưa trong trí bài luận tả cảnh mùa Đông ở Huế với cái kết “thần sầu”, lè lưỡi nắn nót viết: Nói chung thì mùa Đông rất lạnh, lạnh nhất là đêm ngủ mà em quên đắp mền.
Nhắc tới rét mướt của một Huế mưa cho thúi đất, lại hình dung tới Đập Đá qua Vỹ Dạ, mơ hồ dáng đứng ngây dại của ông Trần Vàng Sao, miệng móm, gương cận trầy trụa, ốm dơ xương, vừa thực sự nhắm mắt đôi ba hôm trước (1941-2018):

Bây giờ tôi đủ tuổi tôi
Nam Mô Di Phật một đời như không
Ra đường tôi đứng trời trồng
Ốm o xô bại tưởng chừng đứa điên.

Mấy em học trò cỡ như Ngô Tuấn Anh, giỏi môn văn là thế, lớn lên có “ma đưa lối quỷ dẫn đường” để bước theo dấu chân của cha chú Trần Vàng Sao từng quàng xiên trên đường mòn? Nhảy núi, lên xanh theo kháng chiến (1965) rồi bị trù dập, thanh trừng (tiếc cho bút hiệu Vàng Sao!). Sau 1975 về lại Huế, sống trong nghèo đói, trong lạc lõng, trong đơn độc, trong bạc tình, trong tất cả sự lãng quên mà đồng chí, bạn bè cùng thời đã lãnh đạm quay lưng. Cuối đời, nhà thơ say sưa vẽ, duy chỉ chân dung Sư tổ Bồ Đề Đạt Ma. Do đâu? Bài thơ “Tau Chưởi” có ghi năm tháng bên dưới (29.6.1997) có thể dùng để ký hoạ, rõ nét một chặng đời bất hạnh của Trần Vàng Sao:

tau tức quá rồi
tau chịu không nổi
tau nghẹn cuống họng
tau lộn ruột lộn gan
…..


tau phải câm miệng hến
không được nói
không được la hét
nghĩ có tức không
tau chưởi
tau phải chưởi
tau chưởi bây
tau chưởi thẳng vào mặt bây
không bóng không gió
không chó không mèo
…..


đêm bây mò
ngày bây rình
dưới giường
trên bàn thờ
trong xó bếp
bỏ tên bỏ họ cha mẹ sinh ra
bây mang bí danh
anh hùng dũng cảm vĩ đại kiên cường
lúc bây thật lúc bây giả
khi bây ẩn khi bây hiện
lúc người lúc ma
…..


tau chưởi cho bây chết hết
chết sạch hết
không còn một con
không còn một thằng
không còn một mống
chết tiệt hết
hết đời bây.

Trong tất cả các kịch bản phim ảnh, cường hào ác bá đều sống lâu, chỉ người hiền lương tử tế thì sớm thác. Đúng là trí tưởng tượng quá nghèo nàn, bởi đời sống thực bên ngoài đều vốn thế, căn cơ là thế, một mực ngoan cố là thế, băng rôn biểu ngữ đồng loạt nói thế: “Còn Đảng, còn mình”. Chửi bới, rủa xả là phương thức bày tỏ duy nhất nhằm tránh được sự điên loạn do cùng bần quẫn trí sinh ra. Trong bài thơ dài, nhiều tiểu đoạn, gây tiếng vang của nhà thơ Trần Vàng Sao làm vào năm 1984: Người Đàn Ông Bốn Mươi Ba Tuổi Nói Về Mình, có những câu:

tôi thấy tôi như người tù được thả rông
lang thang giữa đường giữa phố
…..


mả cha cuộc đời quá vô hậu
cơm không có mà ăn
ngó lui ngó tới không biết thù ai
những thằng có thịt ăn thì chẳng bao giờ ỉa vất.

Nhà “em” không có dựng bàn thờ ông Địa, nếu có chắc anh em sẽ treo ảnh bác Trần Vàng Sao. Anh sai em đi thắp nhang, như vậy ông Địa sẽ hưởng ké một cây… Hết đau khổ, thôi chưởi. Hết còn nghe gió thổi trong đám lá cây. Thôi nghe mưa làm rỗ mặt sông. Hết nhìn vết bùn khô đọng trên đá. Thôi thì xin bác hãy ngậm cười nơi chín suối. Em yêu bác, vì bác là người sinh ra những câu thơ nghe xốn lòng, đánh dấu một thời oan nghiệt và hơn nữa, bác không có chùm râu dài thòn. Chắc bác còn nhớ trong Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều có hai câu:

Lò cừ nung nấu sự đời
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương.

Mùa này, chẳng biết ở Vỹ Dạ trời có chịu đổ mưa? Đôi khi có người đắp mền mà vẫn nghe lạnh châu thân! Cuộc chơi đã buông màn. Cuộc lữ đã đi hết sạn đạo. Bài hát nào chợt lướt qua: “Thôi thì thôi nhé, chỉ ngần ấy thôi”.

Hồ Đình Nghiêm