12 May 2018

ĐÊM NẰM NGHE - Lê Minh Hà


Gửi N. C
Bác như là bố tôi.
Hôm nay tôi làm giỗ bác. Ở Mỹ. Ở cái thành phố đại học bé nhỏ từng sôi sục với phong trào phản chiến từ giữa thập niên 60 đến tận 1973.
Bill giúp tôi làm cơm cúng. Bill dân sử. Mối quan tâm lớn nhất của Bill là Đông dương, là Việt Nam thời tôi và Bill sinh ra, lớn lên, nơi đặc sản lịch sử là chiến tranh – thứ ngẫu nhiên một cách đắng đót và may mắn đã đưa chúng tôi tới với nhau. Bill tường tận nguyên ủy làm nảy nòi cuộc chiến và hậu hoạn sau đó, tường tận về các phe phái, những tiếp xúc bí mật chỉ các phe biết với nhau và các cuộc hội đàm công khai khiến thế giới nín thở theo dõi. Có lần tôi đùa Bill là thiếu đất nước chúng ta và vài ba xứ nhỏ bé nghèo khó khác chưa chắc đất nước của Bill oai quyền đến vậy trong thế giới này. Đêm đêm chúng tôi nằm bên nhau và tôi đã biết, đã quen nhìn lịch sử của dân tộc mình bằng con mắt Bill. Nhưng đôi khi tôi vẫn tự hỏi Bill thật sự hiểu gì về dân tộc mình, về chúng ta, ví dụ như Bill có biết vì sao năm từng năm tôi làm giỗ bác ở đây, nước Mỹ?

Bill giúp tôi dọn bếp. Còn tôi bày đồ ăn lên bàn, sửa lại cành hoa hạnh nhân cắm trong bình, thắp một nén hương, khấn. Bao giờ tôi cũng khấn „bố với bác cùng về với con“.
Hoa hạnh nhân đẹp như đào phai xứ bắc chúng ta.
Tôi làm giỗ bác dù tôi biết mẹ và em tôi ở Việt Nam cũng sẽ thắp hương cho bác. Ở Mỹ cũng thế, trong ngôi nhà của những chị em ruột rà mà mà bác một lần chia tay là không bao giờ gặp lại. Đâu ai ngờ. Cả nhà tôi, ông bà, bác và bố, các cô chú. Không ai ngờ. Bao nhiêu nhà nữa cũng thế.

Bác như là bố tôi. Bill không biết bác. Bác mất sớm, trạc tuổi tôi và Bill bây giờ, khi tôi mới là một đứa bé gái bắt đầu có kí ức nhưng chưa hề biết rằng mang vác kí ức lại nhọc nhằn đến thế. Hôm nay tôi làm giỗ bác. Tôi biết mình phải làm điều ấy, khi cầm tay bố, phút cuối cùng. Bố tỉnh tới tận phút cuối cùng và bố con tôi trước đó còn có nhiều phút vui nữa khi cùng nhau nhắc bao câu chuyện buồn. Phút cuối cùng bố nhìn tôi. Tôi nhớ lời bố mấy hôm trước và tôi hiểu bố muốn dặn dò gì qua hơi thở nhẹ cùng mấy ngón tay gắng động. 

Bác như là bố tôi.

Anh dừng phắt lại, nép vào gốc cây nhội nơi góc phố. Phía trước anh, cũng dưới một gốc cây, một chàng trai khác đứng. Chàng trai ấy không biết anh cũng đang ngước nhìn. Một khung cửa sổ, cánh chớp, lá sách, tay nắm quả bàng. Đấy là căn phòng chung của họ, thẳng từ cầu thang lên. Đấy là nơi giữ của họ mùi nước giải lúc còn bé bỏng, nơi nồng sực mùi mồ hôi tuổi bắt đầu động dục. Nhắm mắt lại anh vẫn mường tượng được đến cả màu sắc của những viên đá hoa lát sàn nhà, ở mỗi góc của căn phòng lại lát những viên đá trang trí bằng những đường nét tạo thành một hình kỉ hà khác. Ngày còn bé mùa hè họ hay nằm nghiêng ngắm những mảng sàn lát đá, bốn viên một tạo thành một khối ma thuật, rồi nói cho nhau biết mình tưởng tượng ra cái gì. Một cái gì cứ mở rộng dần từ những đường nét chắp nối ấy, như là chân trời hoang dại và vững chãi sẽ tới, phải tới. Bố mẹ và cả nhà thú vị và yên tâm khi hai thằng bé rù rì với nhau cả ngày, dành cho nhau từ miếng mình thấy ngon tới quyển sách mình thích đọc, gắn bó với nhau như trẻ em sinh đôi dù sinh năm trước năm sau. Không ai biết họ nghĩ gì, càng không thể biết ước ao „khi nào lớn lên sẽ“ của họ lại bắt đầu từ hình thù của mấy viên đá lát sàn ấy.

Bố kể bác với bố ai ép thế nào cũng chỉ xưng tên với nhau. Như bạn. Bố bảo tình anh em bè bạn đầy linh cảm của bố với bác có khi còn sâu nặng hơn giữa nhiều đứa trẻ sinh đôi. Bao nhiêu năm sau này, bố dường như vẫn không thể nào thoát ra khỏi nỗi áy náy vì một câu hỏi giá như! Giá như bố với bác không thương nhau thế không thân nhau thế thì đời bác có trĩu một nỗi buồn dằng dặc vậy không?

Buổi chiều ba mươi tết người nọ kìm bước lại đứng nhìn lưng người kia rồi cùng ngước tìm một ô cửa sổ ấy là một chiều buồn không ai dám chia sẻ cho ai cả. Gốc nhội nơi bố nép mình gần cái máy nước công cộng của cả phố. Nơi ấy mấy năm trước là nơi các chị sen tụ tập thường ngày. Có người sợ và tránh chủ khi ra đó, nhưng có người lại thân tình với chủ, như chị ở nhà anh. Đi học về lớ xớ với nhau trên phố mãi chưa chịu về nhà mà lọt vào mắt chị là thể nào chị cũng đánh tiếng thật to hai cậu nhảu chân lên mợ chờ cơm trưa đấy. Bây giờ, quanh máy nước có rất nhiều đàn bà con gái cũng áo ngắn như chị ở nhà anh, nói giọng không giống giọng cậu mợ anh và anh em anh, cũng không giống giọng chị ở. „Chị ở nói giọng người miền nào?“ Thật lạ lùng, một ý nghĩ vu vơ như thế lại nhói lên trong trí anh đúng vào lúc ấy. Những người đàn bà đang ngồi xổm chổng mông bên máy nước công cộng không biết anh, nghi ngại nhìn chàng trai lạ mặt. Họ không phải người của phố. Họ mặc những chiếc áo không chiết eo, có túi kiểu đại cán, tóc tết hoặc để dài sau lưng hoặc cuộn hai dải thành vòng sau gáy. Anh biết, họ là chủ nhân mới của thành phố này, những người mà chỉ mới mấy năm trước ở vùng kháng chiến anh còn được chọn để làm thầy xoá nhạn mù chữ cho họ. Chỉ không biết trong số đàn bà ấy có ai đang sống trong ngôi nhà của hai anh em. Chắc giỏi lắm mỗi người cùng gia đình chỉ được ở một phòng thôi. Vậy thì ngôi nhà xưa của hai anh em giờ có bao nhiêu người ở những vùng miền nào đang sống?

Tôi không sống những ngày tháng Hà Nội đó nhưng hình dung được kĩ càng, tưởng chừng như đó cũng là kí ức của mình. Suốt cả tuần trước đó giời nồm. Hoa và rau ê hề. Phố ẩm xì mệt mỏi. Dãy bàng chìa những cành những gộc chưa ra lá nhìn như những cánh tay khô khẳng không thể nào nâng lên được. Gió bấc về đột ngột lúc non trưa. Phố khô đi, xám lại, co rút trong gió lạnh. Nhưng hoa và rau giăng giăng. Chiều ba mươi đi dần vào hoàng hôn. Bố nhìn bóng người anh phía trước mảnh khảnh trong bộ quần áo thợ chẳng biết xin của ai, thấy gió cào qua khoé mắt mình. Bác vẫn đứng dõi nhìn khung cửa cũ. Không còn ai nữa. Cả nhà đã ra đi độ ấy rồi. Không có cách nào bước vào đó, dù cánh cổng từ ngày nhà trở thành nhà tập thể luôn luôn mở. Không có cách nào cảm lại được độ tròn tròn mát rượi của thành cầu thang gỗ trong lòng bàn tay khi lên gác, nghe tiếng guốc mợ gõ khẽ khàng ngoài cửa. Khi cả nhà còn cùng nhau, những ngày gió trở thế này mợ hay nhắc hai anh em mở toang cửa kính cửa chớp cho hơi nồm bay rồi sau đó đóng cửa kính để không thông gió lạnh. Từ lúc giọng họ bắt đầu đổ xuống khàn khàn, bà nội tôi không để chị ở dọn phòng cho họ mà bắt tự làm hết. Bà làm sao biết giờ hai đứa con trai của bà còn tự làm được bao nhiêu việc nữa trong căn phòng tí hin họ cùng ở đậu. Nhỏ chỉ bằng một góc căn phòng có cửa sổ mở ra phố họ đang ngước nhìn. Là phòng của anh bếp với anh xe nhà bà Cả Tần bạn với cha mẹ họ. Hồi đó, ông bà tôi chỉ kịp dặn vội bác tìm tới ông bà Cả, là nơi bố tôi được gửi gắm lại để theo họ vào Nam sau.
Anh đứng mãi dõi về phía ngôi nhà cũ, dõi bóng lưng người anh, ngạc nhiên sao không ai nhận ra họ. Phố không thể toàn người mới. Nhưng từ lúc đứng ở đây dường như anh chưa thấy một gương mặt quen nào. Cứ như độ cũ, những ngày này chỗ này thường đông đúc nhưng chỉ có người ăn kẻ ở các nhà tranh thủ làm nốt việc quanh sự bếp núc rồi quảy thêm đôi nước về. Còn ở từng nhà người lớn đã chuẩn bị ngồi vào bàn ăn bữa cơm chiều, xong thì lo mâm cỗ cúng đêm trừ tịch. Giai gái tuổi như anh em anh bây giờ thì đang náo nức áo quần, khấp khởi chờ phút ra Bờ Hồ nguy nga một bầu mây nước và mong mỏi. Trong lòng anh dậy dần một cảm giác kì cục, buồn buồn, lại mừng mừng. Không ai biết mình là ai ở đây, cũng may.

Anh không biết có một mái đầu cúi thấp giữa đám đàn bà con gái quây quanh máy nước công cộng. Người con gái nom sao mà cô độc. Cạp quần lụa không trễ xuống để thòi lòi ra cả cái mảng quần lót trắng nhờ nhờ, thứ làm hai anh em họ nhiều năm sau này khi chen chúc nơi bể nước khu tập thể toàn phải tìm cách tránh sao không để lọt mắt. Tóc lượn sóng hình vỏ trai trước trán cặp trễ ngang lưng. Cô ngồi lặng lẽ trong đám đàn bà lao xao, thỉnh thoảng lén ngước nhìn hai chàng trai đứng mỗi người dưới một gốc cây cùng nhìn về một hướng. Cô là con ông bà Ký ở ngôi nhà một tầng nhỏ nhỏ cách nhà họ mấy căn, cửa gỗ lùa ngày ngày mở ra thành hiệu tạp hóa. Chỉ mấy năm trước thôi chính cô cũng không lai vãng ra chỗ máy nước này. Nhưng Hà Nội giờ không còn người gánh nước thuê, bà vú ở với nhà cô mười mấy năm cũng đã nước mắt ngắn dài chào cha mẹ cô về quê làm ruộng. Cô nhận ra ngay người cùng phố. Nhà họ bị coi là nhà vô chủ, bị trưng thu ngay rồi. Cứ tưởng cả nhà đã vào Nam hết.

Cả hai anh em không biết lúc mình rời chân đi người con gái ấy buông cái chậu đồng vụt đứng lên, rồi lại ngồi xuống cúi mặt, vì biết mình không thể mời họ về nhà. Người anh cũng không biết vẫn còn có những điều người em giấu riêng cho mình không nói, không biết buổi chiều ấy sau lưng anh, dưới gốc cây nhội đã ra lá kịp xanh giêng hai đứa em cúi đầu, quay lưng, lặng lẽ đi qua đám đàn bà Hà Nội mới đang ỏm tỏi quanh máy nước đầu phố. Gặp lại nhau lúc chập tối, người anh hân hoan đưa cho người em cặp bánh chưng, mấy đòn giò chả vừa mua ở cửa chợ Hôm. Người em cũng hân hoan chỉ vào góc phòng „mình còn có cả hoa đào“, và nói thêm: „bác Cả Tần vừa xuống bảo anh em mình mấy ngày tết lên ăn cùng với nhà bác, nhưng Viễn thưa với bác rồi…“

Lên, không xa, chỉ là leo mấy mấy bậc cầu thang gác. Nhà ông bà Cả Tần mà bố mẹ nhờ cậy chăm nom đưa họ vào Nam sau không đi kịp, đã bị trưng thu, chỉ còn lại có hai phòng ở tầng trên. Hai anh em may, lúc về ở nhờ nơi đó, sẵn có cái phòng gầm cầu thang của anh bếp anh xe mới được tiễn về quê, lúc bị trưng thu nhà, ông bà Cả Tần nói khó thế nào đó thành được ở lại, thành người thuê nhà chính thức của nhà nước, cùng với mấy gia đình cán bộ khác được phân về.

Bác và bố đi qua một cái tết lạnh theo đúng nghĩa, chỉ ăn đồ nguội, bánh chưng, giò, chả, có thêm hũ hành muối bà Cả Tần đưa xuống. Căn phòng có hoa đào, nhưng không hương khói. Bánh chưng, giò, chả xếp hết vào cái chạn hai anh em tự đóng. Không có bàn thờ.
„Sao lại bàn thờ cháu. Ông bà mới là người hương khói cho các cụ những dịp tết nhất giỗ chạp. Bác với bố lúc đó mới hai mươi hai mốt. Ông bà còn sống mà. Chỉ là không gặp được nhau.“

Đấy là người đàn ông giống hệt bố tôi từ trên bàn thờ nói với tôi. Tấm ảnh rửa trên giấy lụa nhóng nhánh mỗi bận cây đèn dầu trên bàn thờ được thắp. Khi còn bé nghe chuyện bố kể về bác, nhiều khi tự nhốt mình trong nhà lúc bố mẹ có giờ dạy ở trường, tôi vừa khoanh chân với bát cơm nguội trên giường vừa nhìn bác, cảm giác bố ở nhà, bố nói chuyện với mình, bố cười trong ánh nắng chiều xuyên qua cánh cửa sổ gỗ tạp bị vênh, bố khóc đầm đìa trong tấm ảnh nhấp nhoáng nước lúc chạng vạng, thành phố mất điện và tôi phải tự châm ngọn đèn dầu. Như thể là bác biết hết mọi chuyện của tôi, cùng giữ hộ tôi những bí mật con con của tuổi bé. Đấy là lí do khi lớn lên tôi hay thắp hương cho bác, nhiều khi chẳng vì cơn cớ gì, chỉ là vô tình thấy trong mẹt của bà hàng hoa có mấy bông hoàng lan nở sớm nằm ẻo lả. Bố bảo bác rất thích hoàng lan thơm sau mưa.

„…Trong nam có hoàng lan không cậu mợ? Cậu mợ với các em đi thế là được hai tháng rồi. Viễn vẫn đang dạy bổ túc công nông, nhắn tin mới về lại Hạc Trì. Nghe nói trường sắp về Hà Nội. Giá Viễn xuôi được từ hai tháng trước thì cả nhà đã… Đêm hôm kia con về lại Hàng Bồ nhìn nhà mình, rồi con lên Cổ Ngư, qua Quán Thánh, Carnot. Phố này đổi tên rồi cậu mợ ạ. Hoàng lan phố đó chín rồi….“ 

Bao nhiêu đêm chàng trai hai mốt tuổi một mình lang thang phố khuya. Những đêm thật là dài. Bố mẹ với em đi rồi. Nhà bị mất mất rồi – điều người cha đã tiên đoán ngay khi Hà Nội được tiếp quản. Anh chỉ còn người em trên Thái đang chờ ngày về lại. Đêm đêm sau bữa cơm chiều ăn nhờ, anh ra phố, thầm thì nói chuyện với những người đi xa. Cậu mợ và các em nghĩ gì về chuyện anh đã lên tàu cùng cả nhà rồi mà phút cuối cùng lại nhảy xuống, chỉ kịp nói vội một câu „Con ở lại chờ em Viễn!“ Người cha cũng chỉ kịp dặn vội một câu „đến nhờ nhà bác Cả… anh em đi cùng…“ Lúc đó đã vào thu. Tháng tám bức bối. Ga Hàng Cỏ lũ lượt người. Rất nhiều người đi. Rất nhiều người tiễn. Anh kịp nhìn thấy gương mặt mẹ nhợt đi. Bà hoảng loạn, hai bàn tay chới với „em về… vào ngay… vào ngay…“ Mẹ chưa từng thế bao giờ. Anh không kịp nói với cha mẹ mình. Linh cảm như một tia hồ quang xuyên ngọt vào ý nghĩ, đẩy anh lao ra cửa toa tàu, nhảy xuống sân ga, ở lại. „Không bao giờ!“ Tại sao một niềm tiên cảm lịch sử lạ lùng như thế lại có thể có trong ý nghĩ của một chàng trai hai mốt tuổi, người chỉ biết học, đọc sách, cùng cậu em sinh hai năm đôi đi học tây ban cầm và tiếng Anh tiếng Nhật lúc giao thời. Những ngày đó thật là kì quặc. Những dự định đi và ở được thầm thào to nhỏ khắp nơi, nhưng chẳng có gì cụ thể. Viễn chưa về được Hà Nội… 

„Bác phải ở lại cháu ạ. Bác không dám nghĩ bố cháu sẽ phải một mình. Những điều bác và bố cháu phải chịu quả thật lúc đó chẳng ai hình dung được hết. Ý nghĩ đó ập vào đầu bác đúng lúc đó. Không biết tại sao. Chứ chỉ hôm trước cả nhà vẫn nghĩ rồi vài ba hôm sau bố cháu từ trên Thái về là đi cùng nhà bà Cả Tần vào thôi“. Người trong ảnh trên bàn thờ kể với tôi, mắt nhìn buồn buồn. „Nếu ý nghĩ đó không đến với bác vào lúc đó, hoặc giả ông bà ngăn kịp bác nhảy xuống sân ga Hàng Cỏ chiều hôm đó thì bố sẽ sống thế nào? Bố có học được không, có gặp mẹ rồi cưới mẹ, đẻ mình không?“ Người trong ảnh nhìn tôi im lặng.

Bố tôi không thể đi cùng cả nhà. Chẳng có cách nào gửi thư báo kịp dù dự tính đó ông bà đã tìm cách bóng gió cho con cái ở xa biết. Ông biết phải làm điều đó ngay trong buổi chiều mùa đông 1951 ấy, lúc vừa ở cơ quan về và người bạn cũ tốt tính nhưng không thân lắm đột ngột hiện ra trước sân ngôi nhà mái cọ cả nhà đang ở nhờ đồng bào. Ông ngồi thẫn thờ. Bà cuống quýt thu vén tay nải khoác lên vai mấy cô tôi, rồi cả nhà theo chân người bạn của ông ra đi ngay trong đêm, rồi lại theo chân mấy người buôn chuyến về Hà Nội. Để trốn một cái chết được báo trước. Của ông tôi.
Mang gia đình đi kháng chiến, ông tôi một lòng tin tưởng vốn kinh nghiệm hành chính của mình vẫn là cần thiết như đã từng qua bao nhiêu chính quyền. Ông đâu biết đường kháng chiến của mình đứt nửa chừng theo cái cách hãi hùng như thế. Bác và bố ra tới vùng kháng chiến thì thôi học, thành cán bộ, theo cơ quan xa nhà. Bác may mắn có mặt ở Hà Nội trong đoàn người đầu tiên về tiếp quản Thủ đô, nhưng bố thì còn dạy bổ túc công nông cấp tốc ở mạn ngược và mới chỉ sắp được về xuôi. Sau này khi đã lớn, tôi hỏi bố. Bố bảo ngày ấy ông bà đưa cả nhà đi bố tuy buồn vì không đi được cùng song không nghĩ sẽ xa luôn mấy chục năm ròng. Nhưng bác. Hoàn toàn không bốc đồng khi lao ra khỏi toa tàu sắp chuyển bánh xuống Phòng đưa cả nhà vào Nam, người anh hãi hùng khi nghĩ tới chuyện nhỡ ra, và hiểu là sẽ không thể nào yên nếu đứa em phải một mình ở lại với thành phố. 

Vì bố, vì người em trai, vì tình bạn giữa hai anh em, bác đã chọn chia xa gia đình, ở lại sống cùng nhau, chịu đựng sẻ chia với nhau những gieo neo không hình dung ra nổi vào lúc đó. Không khi nào bác tôi gặp lại ông bà và chị em trong nhà. Ngay cả khi bác không mất sớm, vào đúng lúc chiến tranh hào hển nốt bước cuối cùng. Bố tôi, người ở lại cũng phải mười ba năm sau mới gặp lại bà tôi. Mà không phải ở Việt Nam. Phải hẹn nhau qua những đường thư riêng để đoàn tụ ở một đất nước khác mà bố được phép tới.

Lần đầu tiên anh lập bàn thờ. Không phải bàn thờ gia tiên hay bàn thờ ông bà cha mẹ khuất bóng. Em thờ anh. Chỉ có bát hương và tấm ảnh một người con trai nhìn xuống. Người trong ảnh y hệt anh, đã làm cho bao nhiêu người qua lại nhà anh giật mình kìm một câu hỏi. Lần đầu tiên anh thắp hương trong nhà mình. Chỉ độc một căn phòng lủng củng giường, tủ, chạn, giá sách, bếp dầu, mắc quần áo, thùng đồ chơi trẻ con, bàn làm việc Khói hương len lách vào từng góc nhỏ, át hết mọi thứ mùi của lỏng chỏng đồ đạc trong phòng và lẩn quẩn rất lâu sau đó. Đêm đầu tiên, chờ hương tàn, anh leo lên cái giường đơn người anh đã nằm trước khi mất, mắc màn, nằm ngửa mặt, hai tay xuôi dọc thân mình như tự liệm, cảm giác mình đang được khói hương nâng lên, đưa đi, xa mãi. Hay đấy là linh hồn người anh còn lưu luyến cõi đời này lẩn quẩn an ủi người em? Vợ anh khẽ khàng vạch màn, nằm xuống, ôm lấy chồng. Nếu mà con bé con hai tuổi không bị con muỗi châm qua màn làm tỉnh giấc chòi đạp khiến mẹ nó đành phải dậy sang với con thì anh muốn được như thế mãi. Có hơi ấm cánh tay vợ vòng ngang hông. Và bay lên. Đi. Đi thật xa. „Vĩnh! Bao nhiêu năm hai anh em mình… Giờ còn mỗi Viễn…“ Nước mắt bấy giờ mới ứa ra. Ròng ròng. Lặng lẽ. Chảy vào trong chân tóc. Lần đầu tiên thắp hương cũng là lần đầu tiên anh khóc, kể từ ngày hai anh em xa gia đình nương vào nhau. Sức mạnh vô hình vừa đưa anh bay lên cùng linh hồn người vừa mất đột ngột rã nát và anh thấy mình rơi xuống, rất sâu, rất sâu, không thể nào động cựa được. Chỉ còn một chuyển động duy nhất: của nước mắt.

Bố bảo bố có mẹ, có tôi, nhưng khi bác đi, bố cảm giác mình chết theo bác được. Bác là anh bố, bác là bạn bố, bố và bác là sợi dây duy nhất níu nhau vào với gia đình, với cha mẹ, với chị em hai mươi năm hơn rồi không gặp. Lúc đó tháng giêng. Vừa qua cái tết thứ hai mốt chỉ có hai anh em với nhau thì bác không gượng được nữa. Chỉ còn bốn tháng nữa là hết chiến tranh. 
Nhưng hai người đàn ông không biết. Không một ai đang sống đời thường như họ lúc đó biết. Chỉ còn bốn tháng nữa là cuộc ly biệt đằng đẵng nhất lịch sử hiện đại Việt kết thúc. Nhưng rất nhiều người không chờ đợi, không hy vọng gặp lại gia đình nữa. Không phải là quen với ly biệt. Song thời gian. Ai vĩnh hằng được cùng thời gian? Bố và bác cũng không chờ đợi.

Hai anh em nhìn nhau. Những tháng cuối bệnh người anh trở nặng không còn tự cất nhắc được họ lại chung nhau một mái nhà. Như những ngày bé thơ. Người ốm nằm lặng lẽ, cơ thể héo quắt mà mắt vẫn nhoi nhói một ánh nhìn. Buổi sáng tháng giêng ẩm ướt từ nhà ra phố. Người em tháo màn cho anh, bê tới bên giường anh bát cháo vợ mình dậy sớm nấu trước khi lên lớp.
„Vĩnh đầy bụng lắm không ăn được. Viễn đừng cố nữa. Đừng để Quyên thêm vất vả.“
„Vĩnh phải cố…Anh em mình mới qua tuổi bốn mươi…“
Giọng người đàn ông khản khản. Anh không gắng được nữa. Anh nghĩ tới đoạn đời dằng dặc phải sống khi người anh đi. Văn Điển. Bến cuối của một đời người Hà Nội một thời. Người ốm mỉm cười:
„Viễn phải cố. Còn vợ còn con. Vĩnh là dân y biết bệnh mình. Chỉ muốn…“
Từ khi bệnh trở phải thường xuyên nằm một chỗ được vợ chồng người em đón về sống trong căn phòng tập thể này, anh thường chỉ mỉm cười. Buổi sớm nay có điều gì khác thường. Người bệnh bỗng dưng dễ thở, trò chuyện với em bằng giọng điềm đạm cũ. Người em rùng mình:
„Cậu mợ… Vĩnh muốn nói gì với cậu mợ khi nhà mình gặp lại nhau không?“
„Viễn tin là nhà mình có thể gặp lại nhau ư? Chỉ mong sao con bé con lớn lên thì được biết một chút gì của hòa bình. Như chúng mình.“
Cảm giác bàn tay người bệnh nóng lên khi nói câu đó. Người em nắn từng đốt ngón tay của người anh. Vĩnh nhìn em, nụ cười nhè nhẹ bừng lên trên gương mặt hốc hác.
„Viễn biết không… Viễn nói với cậu mợ… Đã có nhiều ngày Vĩnh mong đạn bom dồn hết lại nơi này, chỗ hai anh em mình. Chiến tranh nhũng nhẵng suốt bao nhiêu đời người rồi. Bây giờ thì… Đã lại sắp mùa hoa dâu da xoan.“
Người anh đi ngay trong đêm. Giá mà chờ được mùa hoa dâu da xoan mấp mé ngoài khung cửa thì anh đã có thể hi vọng vào hòa bình thật. Giống mà khác, rồi lại giống ở Hà Nội hai mốt năm về trước, nơi gia đình họ từng sống trong một căn nhà lớn, nhưng rồi phải bỏ ra đi ngày lập lại hòa bình.
Lời anh dặn nói lại với cha mẹ, người em phải chờ mười ba năm sau nữa để nói.



Nhưng bố cũng chỉ nói được với bà. Cuộc đại đoàn viên của gia đình tôi được bài binh bố trận kĩ lưỡng và gia cố bằng bao nhiêu thấp thỏm. Không có bác tôi, người con trai cả của ông bà. Không có cả ông tôi. Ông tôi đi trong chiến tranh. Nhưng mà ông tôi chết già, mất đúng tuổi. „Ông nội mất ngay sau hôm anh Vĩnh đi mẹ nó ạ. Chẳng biết có thần giao cách cảm qua cả ngàn cây số được không?“ Bố kể lúc trở về sau cuộc gặp lại bà và các cô ở một nước Đông Âu. Bà với các cô từ Mỹ qua, phấp phỏng chờ bố bay qua nước này rồi bay qua nước kia, cứ tưởng phải về không. Tôi mười sáu sắp sửa vào đại học, nghe bố kể chuyện cứ ngỡ như cả nhà làm tình báo. Bác trên bàn thờ, giống hệt bố và trẻ hơn bố nhìn xuống. Mẹ và tôi đã chuẩn bị hương hoa để bố thắp hương cho bác khi bố từ nơi đó trở về. Tôi đếm. 1954. 1975. 1988. Hai mốt năm chiến tranh kẻ Bắc người Nam. Mười ba năm hết chiến tranh trong nước ngoài nước. Tổng cộng mất tới ba mươi ba năm bà tôi mới gặp lại được một người con. Ở tuổi tôi mười sáu, thành danh với thơ, rồi lấy ông là công chức, sống cuộc đời trưởng giả trong ngôi nhà phố cổ, bà có hình dung được cuộc đời mình như một cuốn sách bị xé từng trang phũ thế này? Bao nhiêu nhà như nhà tôi?


Mẹ nghe bố và im lặng. Bố kể xong cũng im lặng. Còn tôi nghe chuyện bố gặp bà nội thì lại nghĩ sang bà ngoại. Từ bé tới giờ tôi chỉ thực sự biết có một bà ngoại. Bà ngoại tôi và cả nhà theo ông ngoại về miền Nam ngay sau ngày thống nhất. Ở đó ông và bà thay nhau đi thăm dượng Hai tôi ở nơi dượng phải đi học tập, nơi có rừng có suối, mà lại tận ngoài Bắc, miền trung du. Dượng anh mẹ, là con trai lớn của ông bà, mười bốn tuổi ngày ông bà tôi mang mẹ tôi còn đang lẫm chẫm xuống tàu tập kết. Mẹ bảo hình như là lúc đi hoạt động ông bà gửi dượng về quê, dượng phải chờ liên lạc đón đi thành bị nhỡ tàu tập kết. Dượng may hơn bác và bố, những năm chiến tranh học hành suôn sẻ ở Sài Gòn và gặp lại ông bà tôi ngay sau 1975. Nhưng lại không may. Dượng mất sáu năm học tập. Vì dượng đã là bác sỹ quân y phía Việt Nam Cộng hòa lại còn đi làm thơ. Thơ dượng toàn kiểu kiểu „Rừng núi hoang vu anh nhớ em nhớ em chiều nắng giãi bên thềm bao giờ trở lại cho anh nếm một chút môi em rất ngọt mềm“. 

Dượng khác mà giống bác, toàn làm thơ tình. Tôi chỉ gặp dượng đôi ba lần khi theo mẹ vào thăm ông bà, trong ngôi nhà ông được phân thật là to ở quận 3. Dượng và đứa con trai ít hơn tôi mấy tuổi sống ở căn nhà lợp tôn trong cái hẻm gần bùng binh từ Từ Dũ xuôi về đường Hùng Vương. Dượng hiền, nói chuyện rất nhỏ nhẹ, giọng Sài Gòn pha giọng Quảng – vùng đất dượng sống nhiều năm khi phải xa ông bà trước khi theo gia đình cha mẹ nuôi vào sinh sống ở Sài Gòn – trong khi mẹ tôi thì giọng Hà Nội hệt như tôi. Ông bảo mẹ „Thằng hai ba má bảo nó học tập về rồi thì về đây sống cùng ba má mà nó lắc. Hình như giờ nó đang làm hồ sơ đi HO. Má con buồn…“ Hình như dượng cũng buồn. Ai hình như cũng buồn dù những ngày mẹ con tôi ở Sài Gòn nhà lúc nào cũng có tiếng cười. Nhưng tôi có cảm giác cười đấy mà ai cũng như vẫn đang dè giữ. Ai cũng lịch sự với nhau. Bà ngoại ngồi với mẹ tôi cũng nói chuyện đó, bảo „ba mày buồn“, lại bảo „thắng với chả thua, toàn hão cả, bao nhiêu năm qua má chỉ mong cả nhà lại được sống cùng nhau“. 

Được sống! Nhưng nhà ngoại tôi không cùng nhau. Dượng tôi mang con đi Mỹ theo diện HO. Tới tận năm 1995 tôi và Bill cưới nhau thì tôi mới gặp lại dượng. Khi đó Mỹ vừa bỏ cấm vận Việt Nam, người ra đi đã có thể trở về, nhưng ông bà ngoại tôi đã mất. Ông bà tôi có thể gả con gái là mẹ tôi cho một người lí lịch toàn màu xám ở miền đất mới, nhưng ông bà tôi lại không thể rửa sạch lí lịch cho dượng tôi, cũng như không thể rửa sạch những ý nghĩ khác trong đầu con trai mình. Khi gặp cả nhà ngoại ở Sài Gòn, tôi luôn có một cảm giác kì cục. Rằng chẳng ai, ông bà tôi hay bác tôi thật sự là chủ nhà. Nếu không phải là ông bà ngoại tôi trở về được quê nhà mà là ông bà nội tôi về lại được Hà Nội thì nhà tôi sẽ thế nào? Có lần tôi đã thử hỏi Bill, thử như một sinh viên của anh tra vấn ông thầy. Nhưng Bill là nhà sử học nghiên cứu lịch sử đất nước chúng ta. Bill không nghĩ như chúng ta, những người dân bình thường của đất nước mình, rằng lịch sử cuối cùng chỉ là phận người, trong mỗi nhà. Bao nhiêu nhà như nhà tôi?

Ông bà ngoại tôi ở phía người mạnh hơn nơi miền đất mới khi đi tập kết cũng như khi trở về. Còn bác tôi, bố tôi, dượng tôi lại là người của phía yếu. Để sống còn trong tư thế ấy, dượng tôi đã lặng im sáu năm trời khi đi học tập, rồi lặng im tiếp cho tới tận ngày qua Mỹ, và tiếp tục lặng im. Nói gì, khi người phía bên kia lại là người thân yêu của mình? Bác và bố thì như bố nói để đạt được những gì người bình thường đạt được những ngày tháng đó mình phải cố gắng một cách khác thường. Tôi thấy bất thường. Ví dụ như bác và bố im lặng không xin lại một mét vuông nào trong ngôi nhà ông bà để lại, để nó bị trưng thu như là nhà vô chủ, của người bỏ vào Nam. Nhiều năm tháng bác với bố đi ở nhờ, đầu tiên là trong căn phòng dưới gầm cầu thang của nhà bà Cả Tần, sau là ở những căn phòng tập thể mái tôn mái ngói mái giấy dầu. Tôi chỉ biết căn phòng cuối cùng gần bốt Hàng Đậu cả nhà từng sống. Từ đây về căn nhà xưa của ông bà tôi đi chỉ mất mấy bước. Nhưng tôi chưa bao giờ đặt chân vào đó. Ngày ấy làm cách nào bố và bác lại được học đại học trong khi nhà mình ông bà với các cô di cư vào Nam? Tôi hỏi. „Thì phải có cách nói chứ. Không chịu di cư theo gia đình là một thành tích của người kháng chiến, bố lại còn là con rể của một gia đình cán bộ tập kết. Bác là anh của con rể của một gia đình tập kết. Thế không oai à?“ Bố vuốt phím ghi ta, nói tỉnh queo. Bác trên bàn thờ nháy mắt. 

Tôi luôn có cảm giác bác tham dự vào mọi câu chuyện ở nhà tôi. Nhưng chưa khi nào tôi nói cho bố biết điều đó. Nhất là vào những lúc ông ngồi với cây ghi ta. Cửa sổ nhìn xuống phố mẹ tôi đã ý tứ đóng chặt và tôi nghe „dịu lòng đàn dẫn phím ý thơ trào dâng viết gửi về Nam“. Sài Gòn giải phóng cả mười năm rồi, bà tôi và các cô tôi đi khỏi miền Nam từ cả mười năm rồi. Thế mà bố vẫn hát bài ấy. Nghe mãi tiếng đàn nhỏ nhỏ và giọng hát bố kìm xuống hết mức, tôi phát nản. Chỉ mãi đến ngày bố ốm nặng sắp đi, ngồi bên bố, cầm bàn tay bố, tôi mới hiểu thế nào là tình trong lá thiếp, „một người trên đất Bắc chờ em.“ Nhà tôi có hẳn hai người trên đất Bắc. Chờ nhau.

Lúc người đàn ông nhân viên đại sứ quán của cái nước có đàn ông mặc váy ấy bước vào căn phòng nhỏ của hai anh em, Hà Nội đã lên đèn. Bóng đèn điện đỏ đòng đọc rọi thẳng xuống cái bàn gỗ tạp hai anh em vừa bày cơm nước ra chưa kịp ăn. Người đàn ông có cách nói năng nhỏ nhẹ và nụ cười thân thiện se sẽ gạt đống sách vở cạnh đó, đặt chiếc phong bì xuống, thì thầm dặn đôi điều.

Đấy là con nuôi của ông bà tôi, đứa con nuôi ông bà tôi một lòng chịu ơn, một lòng tin tưởng, chưa bao giờ gặp, không bao giờ gặp. Bác đến đưa thư ông bà cho bố và bác. Ông bà tôi và bao nhiêu gia đình Bắc di cư đã tìm ra cách liên lạc bằng con đường ngoại giao vừa hở vừa kín đó sau khi việc gửi thiếp thăm nom giữa kẻ Bắc người Nam bị gián đoạn vì chiến tranh. Tấm thiếp với những chỉ dẫn điền thông tin cá nhân theo công thức bác và bố gửi cho ông bà trước khi chiến tranh lan rộng mới đây thôi tôi vừa nhận được từ hai bà cô. Bố viết, nét chữ ngay ngắn, lời lẽ đầy cân nhắc. Chẳng có gì nhiều: chúng con khoẻ, sắp ra trường, mong cậu mợ và các em bình an. Phải cân nhắc, vì chỉ có thể viết đôi ba dòng. Người ta đã in sẵn trước cả những thông tin nhất thiết phải thông tin rồi, cùng một chỉ dẫn, cũng là mệnh lệnh: “thiếp nào lời lẽ không có tính cách thông tin gia đình sẽ không chuyển đi”

Gần nửa thế kỉ sau, tôi ngồi nhìn tấm thiếp bác vào bố gửi vào Nam, ố vàng mờ mịt, nhưng vẫn còn đọc được những chữ mớm sẵn cộc lốc như “mạnh khỏe” “đã từ trần” “không có tin tức của”. Và tôi hiểu vì sao bác tôi đã phẫn đến nỗi không muốn gửi thiếp cho ông bà. Người con trai Hà Nội nhạy cảm, đi hết đường kháng chiến trường kì vẫn chỉ quen với kiểu tự tình nhã nhặn và trang trọng làm sao có thể chịu đựng nổi sự kiểm duyệt, lại còn kiểm duyệt yêu thương.

Nhưng thư ông bà gửi nhờ qua đường ngoại giao công khai để bí mật đến được với hai người con bị tắc lại ở Hà Nội thì dài và lá thư vừa nhận được lúc chập tối còn kẹp cả tấm ảnh bên trong. Ảnh chụp ba người con gái tóc phi dê mặc áo dài hoa, kiểu dáng và màu sắc trẻ trung hơn kiểu dáng áo dài của phụ nữ Hà Nội bác và bố từng quen, cũng như đã quen với sự những tà áo ấy dần dần biến mất trên phố. Ba người con gái như đang có chuyện gì vui lắm, nghiêng bước bên nhau trên một con đường giữa Sài Gòn, tà áo ríu vào nhau đầy gió. Đấy là ảnh các cô tôi. Tấm ảnh ấy khi đến thăm mấy bà cô tôi cũng mới thấy. „Đường Catinat. Giờ gọi là gì con? Hồi đó nhà mình vừa vào Sài Gòn, ở rất gần đấy. Mình đi học về cũng hay đi ngang đấy nhỉ? Ảnh này mình mặc áo dài hoa thế này là chụp lúc đã sắp đi làm rồi nhỉ?“ Giữa nước Mỹ, hai bà cô gần bảy mươi hỏi tôi rồi hỏi nhau, trôi lạc cùng nhau vào hồi ức. Tôi cũng trôi lạc vào hồi ức. Của bố. 

Những đứa con thất lạc ngồi lặng lẽ bên mâm cơm nguội tanh nguội ngắt. Họ đã thuộc lòng cả lá thư dài. Đến lúc rồi. Người em đứng dậy khép cửa sổ, xách cái chậu men sứt ở góc phòng vào, người anh sờ sờ cái túi tìm bao diêm. Hai anh em nhìn nhau. Mùi diêm cháy. Những tờ giấy pơ luya quăn lại, những yêu thương lụi từng dòng. Thứ bị đốt cuối cùng là tấm ảnh. Lửa liếm chậm. Tà áo của những người con gái lẹm dần. Lửa liếm ngang ngực người, rồi tới nụ cười. Rồi. Không còn gì nữa cả. Bác con nuôi của ông bà lần nào đưa thư cũng dặn đi dặn lại: đốt, đọc xong đốt ngay. Khói. Tức ngực.Tất cả những lá thư ông bà tôi gửi cho bố và bác đều ở lại trong kí ức theo cách ấy: bị hoả táng.

Vậy thì câu thơ ấy bố viết vào lúc nào? „Đêm nằm nghe lịch sử nghiến qua đầu.“ „Thì vào lúc ấy.“ Dẫu là khổ vì lí lịch, nhưng bác và bố cũng lại may mắn nhờ thế. Cả hai đều không bị động viên. „Không phải vì tránh được súng đạn đâu con. Cứ thử hình dung mà xem: nếu may không hi sinh, bác và bố ôm súng tiến vào Sài Gòn, gặp được ông bà và các cô. Thì sao? Mà không gặp được… Thì sao?
Câu thơ của bố tôi đọc được trong một cuốn sổ. Cả thơ bác cũng vậy. Ngày bố ốm, tôi từ Mỹ trở về, mẹ ôm cả mớ sổ đưa tôi. Những cuốn sổ mẹ giữ gìn cẩn thận đến mấy vẫn bị ố vàng, có chỗ mực còn hoen lem nha lem nhem. Vì gì hay chỉ vì những nắng mưa Hà Nội? Của bố, còn có thời khóa biểu lớp bố chủ nhiệm, lịch dạy những niên khoá từ những năm củ tỉ nào tôi còn chưa ra đời. Của bác: lịch trực cấp cứu, y lệnh dự định, và lạ lùng: bên cạnh những lo toan cụ thể về số phận con người là những câu chẳng biết bác trích dẫn từ đâu toàn một giọng chán đời. Chán đời nhất là câu của ông nhà thơ Nga nổi tiếng vì tài thơ và vì chẳng biết có chuyện gì lại đi đấu súng rồi bị đòm cho một phát vào lúc hai bảy tuổi. Tôi nhìn con số năm tháng bác ghi dưới câu trích dẫn của Lermontov: năm ấy bác cũng hai bảy tuổi. Chẳng có gì giống giữa hai người đàn ông khác nhau từ chủng tộc tới đất nước, châu lục và cả thế kỉ họ sống. Nhưng lần tìm thơ của bác giữa những đoạn ghi chép về công việc, những ghi chú vặt vãnh hàng ngày, kể cả tự nhắc nhờ cô y tá nào đi mua đậu phụ với mỡ trước khi tem phiếu hết hạn, tôi bỗng dưng hiểu vì sao bác bị ám bởi ông nhà thơ Nga gốc gác tít tận đất nước của sương mù và những hồn ma lẩn quẩn trong các lâu đài cổ. Nỗi trống rỗng kinh hoàng giữa hai khoảng đời, hai cách sống, hai phương trời trong bác tôi hiểu nhưng làm cách nào cũng không hình dung nổi. Những con người ấy chỉ có thể tìm thấy sức mạnh để sống từ trong thăm thẳm nỗi buồn chăng? Rồi đến lúc ngay cả nỗi buồn cũng kiệt vì đời sống ngặt nghèo, đơn điệu?
Bác miệt mài lấp những khoảng trống rỗng đó bằng tình yêu. Mẹ bảo bác đào hoa lắm lãng mạn lắm. Bố cười ngâm nga „Nhất phiến u hoài“… chỉ vị anh, có người gửi cho bác nhà mình đấy.“ Tôi tuổi hai mươi kinh ngạc, thấy tuổi mình yêu cuồng điên mà hời hợt, chẳng giống gì những tình yêu của bác tôi. Thế mà vẫn là quẩn quanh trong phố, vẫn gió ấy nắng ấy. Bác làm bao nhiêu thơ gửi cho bao nhiêu phụ nữ. Những tình thơ ý nhị, trang trọng, ân cần, nhã nhặn. Những người phụ nữ nhận thơ yêu bác tôi cuồng nhiệt. Bố cười buồn buồn: „bác đi tìm tri âm chứ đâu hẳn chỉ tình yêu, bác giống bà, bà cũng có những tình thơ như thế.“ Nhưng bà tôi yên ổn và được kính trọng với tình thơ ấy, kiểu rau sắng chùa Hương, trong tình thương yêu của ông tôi. Ông bà tôi có thể, ấy là vì thế thời của ông bà nghiệt ngã nhưng vẫn còn hơn bố và bác ở đất bắc sau này. Bác và bố thì không có nhu cầu lãng mạn để cho đời thi vị. Lãng mạn với họ hình như là để sống sót.

Bố có mẹ, rồi có tôi. Cả nhà tôi là người thân duy nhất của bác lúc bác còn sống. Nhưng khi lớn lên thỉnh thoảng tôi vẫn gặp những người đàn bà ấy, những người bác tôi đã đi qua đời. Một người đàn bà rất đẹp, rất kín đáo, ngày giỗ bác tôi thường tới đặt hoa chân mộ và bố tôi cực kì qúy bác ấy. „Ơn người trước tiên là ơn tình con ạ. Có những thời con người chỉ có thể bám víu vào đó mà sống. Với lại bác ấy còn là người cùng phố nhà mình.“
Người cùng phố? Người con gái nhà ông bà Ký chiều năm tận xa xôi ấy kín đáo nhìn hai chàng trai hàng phố về ngóng lại ngôi nhà xưa. Liệu có phải là…?

Bill có hiểu vì sao năm từng năm tôi làm giỗ bác ở nước Mỹ này không? Những năm cô cháu tôi không gặp được nhau vào đúng ngày này, lúc hương tàn, tôi sẽ gọi nói chuyện lần lượt với các cô. Tôi biết, có lẽ chỉ có bố, có thể là mẹ nữa, hiểu vì sao như thế.
Hơn hai mươi năm, trong bom đạn, trong đói nghèo giữa miền Bắc, nơi vừa là mặt trận vừa là hậu phương của cuộc chiến những người Việt loay hoay với nhau, bác và bố chỉ có nhau. Nỗi nhớ cha mẹ, nhớ chị nhớ em như huyết tương chảy ngầm trong cơ thể, nuôi cơ thể, nhưng không mong được thấy. Bác và bố sẻ chia với nhau tất cả. Tem phiếu thực phẩm, gạo sổ, bìa gia đình, những chiếc nan hoa xe đạp được phân phối, cân tem gạo, lạng đường được bồi dưỡng thêm, những lo lắng vì bị ngờ vực nghi kị, những bức bối không thể xả, và khát khao. Bố bảo lạ lắm, ngay cả những năm về sau, khi không còn nhận được thư ông bà nữa, bố không nhớ ông bà nhiều. Bố với bác ngồi với nhau cũng ít khi nhắc nhớ cả nhà ở trong Nam. Chỉ đang tự dưng lại lo lo và đó là những lúc cuộc chiến ngoặt qua bước mới. Hay đấy không phải là thôi không nhớ nữa? Nhớ thương đã tự chưng cất thành giao cảm như là nỗi lo.

Tại sao về sau nhà mình ngoài này mất liên lạc với nhà mình trong Nam, có lần tôi hỏi bố và bố im lặng. Rất lâu sau, khi tôi đã quên mình từng hỏi thì bố lại kể. Người đàn ông nho nhã có giọng nói nhỏ nhẹ làm ở đại sứ quán của cái nước đàn ông thường mặc váy quấn một nùi quanh bụng thôi không làm ở đó nữa. Bác là cầu nối ông bà tôi ở trong Nam với bác và bố ở ngoài Bắc, cầu nối duy nhất. Cả nhà tôi ơn bác đã liều thân, đến mức ông bà tôi còn xin gọi bác là con. Hôm bố dắt cái xe đạp đi đưa tang bác ấy về, mặt bố bàng hoàng làm cả mẹ và tôi tưởng bố bị tụt huyết áp. Mẹ pha vội cho bố cốc nước chanh, còn tôi ý tứ tráng thêm hai quả trứng vịt cho bữa cơm chiều. Bố chống đũa nhìn mẹ đang trong tư thế đón cái bát để xới cơm: 
„Mẹ nó có hình dung nổi không! Ông ấy là đại tá an ninh. Chắc là tình báo. Khi nghe tới khúc điếu văn ấy, anh tưởng trời sập.“

May mà khi đó bác tôi đã mất. Bác, người đã định từ bỏ cơ hội cuối cùng để thư từ với ông bà những ngày sau khi hết hạn đình chiến vì uất ức và ghê tởm việc viết thiếp thăm hỏi gia đình theo mẫu in sẵn, người đàn ông chán đời mà một đời ngông nghênh, nếu biết những yêu thương mình phấp phỏng gửi đi nhận lại trong bí mật ngày đang chiến bị kiểm duyệt và lợi dụng, chắc bác phát khùng, chắc bác sụp đổ hoàn toàn. 

May mà bác mất và không biết. Hay nếu bác còn sống, biết, rồi bác cũng sẽ như bố tôi, sau kinh hoảng là phẫn nộ, rồi sau đó lại cố nghĩ rằng ừ thì người ta chẳng phải liều thân như mình tưởng, nhưng người ta có nhiệm vụ của người ta, rằng có thể ở một góc sâu khuất nào đó người ta cũng như mình, cũng có một phần đời khác, nên cảm thông và tìm cách giúp đỡ mình khi công tác không bị ảnh hưởng, rằng thì… Bao nhiêu gia đình được nhân thể giúp đỡ khi bị theo dõi thế như nhà tôi? Có bao nhiêu câu hỏi thì cũng có bấy nhiêu câu trả lời. Chỉ có điều, cứ nghe giọng bố thì biết bố cũng chẳng tin hoàn toàn vào câu trả lời nào cả.

Trong nhà tôi, chỉ có bố mẹ và tôi biết chuyện này. Bố không kể cho bà ngày cả nhà vượt châu Á châu Mỹ để tìm gặp lại nhau ở châu Âu. Bố chỉ thưa lại với bà lời bác dặn. Ở Sài Gòn những năm tháng đó ông bà cũng hệt bác tôi, chỉ mong bom đạn rơi hết xuống đầu mình. Tấm ảnh cả nhà chụp chung lần đoàn viên đó thiếu hai người vì ông tôi và bác đã theo nhau khuất rồi, nhưng ai cũng cười, tươi nhất là hai cô tôi. Nước mắt khóc cho nhau kết tủa ngày gặp mặt. 

Thế nhưng hai mươi năm sau chiến tranh, hơn nửa thế kỉ chia li Hà Nội, lần đầu tiên trở về, ba bà cô tôi đều khóc. Hà Nội giữa những năm 90 thế kỉ trước đang vặn mình đổi thay. Nhưng cũng chưa khác Hà Nội khi tôi bé là bao nhiêu, vẫn nghèo, vẫn làm người ta xao xác. Tôi và bố đón các cô từ khách sạn rồi cùng nhau đi thăm nhà của ông bà. Các cô đã ý tứ rời cái xích lô mui đỏ riềm vàng từ tít tận đầu Hàng Gà, đi quanh một hồi mới tới được phố nhà, nhưng hàng phố nhìn là lao xao rõ to: „Kiều về!“ Quả ba bà cô Việt kiều lúc đó dễ tự phân biệt thật, vì mái tóc cắt ngắn, vì cái áo rộng và quần lửng, vì đôi giày dưới chân. Nhưng không một ai đang hiếu kì nhìn ngó nhận ra bố và các cô tôi. Bốn anh em đứng dưới gốc bàng nhìn hóng sang căn nhà ông bà tôi đã xây từ gần một thế kỉ trước. 

Y như bao ngôi nhà có ở bao nhiêu phố xá ở Hà Nội. Như thể từ muôn năm cũ. Vẫn bao lơn chấn song con tiện. Vẫn những cánh cửa chớp. Vẫn hàng rào và cánh cổng sắt. Chỉ có điều nứt nẻ, bạc phếch, mốc thếch. Giàn phơi quần áo chìa ra từ một khung cửa sổ trên gác phấp phới mảnh vỏ chăn con công và mấy cái quần lót đàn bà cũng xanh cũng đỏ. Mảnh sân nhỏ từ cổng vào bố với hai nhắc nhớ với nhau trước ông để một dãy bồn nhỏ nhỏ trồng hoa giờ thành nơi cho cả số nhà tụ tập cơm nước giặt giũ. Cây dâu sát cửa sổ bếp ở tầng dưới có cửa sổ rộng nhìn ra phố đã bị chặt và hình như căn bếp giờ là nơi ở của gia đình nào. Ba người chị em gái của bố bà bác nước mắt đầm đìa. Bố đứng sau lưng các cô tôi, lặng lẽ. Phố se sắt, hững hờ. Không hiểu sao trong đầu tôi lại vọt ra câu hỏi. Rằng cái gốc cây chúng tôi đang túm tụm lại đây có phải là gốc cây bác tôi một năm nào rất xa đã đứng nhìn nhà mình sau khi ông bà tôi đưa các cô tôi vào Nam? Buổi chiều ấy cuối năm. Bố đứng dưới một gốc cây khác, cây nhội, dõi theo cái nhìn của bác. Từ ngày ấy còn có bao nhiêu lần bác và bố một mình về đây và không nói với nhau về nỗi nhớ nhà?

„Đêm nằm nghe lịch sử nghiến qua đầu“- ông giáo dạy toán – bố tôi đã viết câu thơ lạc điệu tráng ca này vào lúc nào? Ngày bố sắp theo bác đi, tôi lại cầm tay bố hỏi. Tôi đã muốn biết điều này bao nhiêu năm, từ ngày tôi gặp Bill – sử gia nhà tôi. Bố viết hồi ông bà ra đi rồi chăng? Hay những năm đạn bom cả bố và bác lại phải rời Hà Nội ai theo cơ quan người ấy đi sơ tán? Hay là khi bác mất? Hay là khi bố biết người anh nuôi vẫn chuyển thư gia đình cho mình thật ra là ai? 

Không, không phải. Tất cả những tự hỏi và tự giải đáp của tôi đều không phải. Bố không làm thơ, chỉ là câu đó đột ngột đến với bố một buổi chiều. Bố mới đi họp hội đồng nhà trường về nằm trên giường. Mẹ chạy sang nhà hàng xóm nhờ sáng mai 1. 5 được nghỉ có đi mua thịt phiếu thì đặt hộ viên gạch xếp hàng. Con ngồi chơi bên cạnh bố. Con đã hỏi vì sao bố khóc.

Khi ấy tôi lên bốn. Đã qua trăm ngày của bác và tôi đã kịp quen nhìn bác lúc nào cũng ngồi trên bàn thờ. Hà Nội đi qua mùa xuân ẩm ướt ào ạt tin thắng trận. Thần tốc thần tốc đại thần tốc. Thành công thành công đại thành công. 
Buổi chiều hôm ấy đài Hà Nội vang vang bài ca Việt Nam trên đường chúng ta đi, rồi Như có Bác Hồ trong niềm vui đại thắng. Tôi xoè hai cẳng ngắn tủn trên giường bên cạnh bố lắp bắp theo „như có Bác Hồ“. Bố bảo tôi đã hỏi vì sao bố khóc.
Tôi biết bố khổ, khổ vì biết mình khổ. Bố lại còn tính ngông, chưa ngông bằng ông anh nhưng cũng đủ ngông để ít nhất làm ông bố vợ dân miền Nam tập kết sững sờ vì cái thiếp mời bố tự làm sau khi ông gật cho mẹ lấy bố. Thật chẳng khác gì một văn bản ông thường phải kí, cũng v/ v, về việc, cũng chiểu theo gì gì, lại còn được sự đồng ý của… Đâu như bác còn xúi bố đánh máy đủ câu „được sự đồng ý của hai cơ thể“, đúng theo ngôn ngữ dân y nhà bác, đã ngông thì ngông cho hết, mà bố không dám. Nhưng tôi chưa bao giờ biết bố sợ, ai, điều gì.

Bố cầm tay tôi thì thào „chưa bao giờ bố sợ thế.“

Người em nằm vật ra giường. Đứa con đang chơi đồ hàng một mình ở góc giường bỗng quay lại nhìn rồi toài qua với bố, bi ba bi bô vì sao bố khóc. Nước mắt người cha ứa ra qua hàng mi khép, chảy vào chân tóc. Chiều mùa hạ lồng lộng gió và tiếng hát. Việt Nam trên đường chúng ta đi. Đi đâu? Chiến tranh hết. Nhà mình đi đâu? Hai mốt năm về trước anh còn một người anh ruột rà tâm giao cùng chống chọi chịu đựng. Giờ người anh mất rồi, chỉ hơn một trăm ngày trước, không còn phải biết thế nào là thắng bại, không hy vọng đợi chờ gì. Cậu mợ và các em còn không? Hai mươi mốt năm đã sống rùng rùng trở về. Gần tám ngàn đêm. Choáng váng. „Đêm nằm nghe lịch sử nghiến qua đầu.“ Bố cũng không hiểu vì sao câu thơ ấy đến với bố đúng lúc ấy.“
Tôi nhớ giọng bố bình tĩnh và yếu yếu vào những phút hồi quang. Mỗi ngày một chút. Rồi hết. Bố tự chọn cho mình cách chết khi biết bệnh trọng, y như bác ngày xưa.
Nhiều năm sau ngày bác mất, bố vẫn nói về bác như thể bác vẫn loanh quanh đâu đó trong nhà. Nhưng hôm đó, hôm câu “đêm nằm nghe lịch sử nghiến qua đầu” vụt hiện, bố đã cầu xin bác sống khôn chết thiêng phù hộ cho ông bà và các cô tôi nếu ông bà và các cô còn sống. Bố kể lúc đó đầu bố cứ âm u có mỗi hai câu, câu thơ ấy và câu bố khấn bác „Vĩnh sống khôn chết thiêng phù hộ cho cậu mợ với các em kịp ra đi.” Ra đi. Như ngày xưa. Bố cũng như bác, không dám mong ngày gặp mặt. 
Ở đầu kia thành phố, bà ngoại tôi cũng vừa khóc vừa lầm thầm cầu xin dượng tôi sống qua được khúc nhôi này.

Hôm đó là ngày 30. 4.
                                       *
Bác như là bố tôi.

Bố đã dặn tôi ở bất kì đâu cũng phải thay bố hương khói cho bác.
Tôi sống ở Mỹ.
Hôm nay tôi lại làm giỗ bác. 
Ngày bác ra đi, chỉ còn bốn tháng nữa là Việt Nam mình hết chiến tranh.

Chú thích: „Đêm nằm nghe lịch sử nghiến qua đầu“ – thơ Nguyễn Công Minh – nguyên giáo viên toán trường trung học phổ thông Xã Đàn (nay là trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn) – Hà Nội.

Lê Minh Hà

Berlin 29. 4. 2018