17 May 2018

HEO TAI XANH - Nguyễn Trí


Bẩy tuổi mới biết mặt ba. Thời chiến tranh nó vậy. Ba lên Xanh dẫn theo chú và anh biền biệt cho đến ngày thống nhất. Về, ba lại tiếp tục công việc đâu đó trên phố lớn. Tuy con quan, cháu quan, em quan nhưng mà quan cách mạng, vô sản gộc nên Hạnh – đi học về – cũng ống cao ống thấp phụ mẹ từ đồng áng, bếp núc… mác con quan chỉ giúp Hạnh được thầy cô ưu ái khoản trường lớp, nghĩa là học lực dù trung bình yêu yếu vẫn được cất nhắc lên hàng tiên tiến. Thời bao cấp và cấm vận quan cho chí dân ai cũng thắt lưng buộc bụng nên Hạnh mảnh như giấy là tất yếu. Mẹ còn mảnh hơn vì chồng năm thì mười một hoạ mới tạt qua nhà, dạo dạo đôi vòng là lên xe đi tiếp. Cả ông chú cũng nằm riệt đâu đó. Lâu lâu anh Tâm về. Chỉ lúc ấy Hạnh mới cảm nhận được mình có anh. Lúc đầu Hạnh có thắc mắc về ba, nhưng câu trả lời của mẹ muôn đời là ba bận việc cơ quan, bận lắm. Về sau Hạnh không hỏi, ba về cũng không quấn, ba đi Hạnh cũng ừ thì đi. Hạnh biết rõ vì sao ba không về nhà, vì sao ba nhạt.

Nếu không về giữa chừng buổi học vì cô giáo bệnh, Hạnh đã không hề biết. Vậy ra Hạnh là con của trưởng ấp Tám Phát. Nghe qua là cô bé chín tuổi lạnh sống lưng. Cứ đứng bên ngoài cửa nghe cho bằng hết chuyện người lớn. Bằng một giọng lạnh tanh có cả tiếng “hức” của một cái cười khẩy:
– Thằng Tám Phát hiếp hay bà cho chỉ bà và nó biết.
– Đã không tin thì ông đừng về làm chi. Loạn lạc, ông còn phải đi để giữ cái thân, tôi một mình làm sao giữ? Mà thôi ông đã khinh tôi thì nên bỏ chuyện đó đi. Và đã như vầy thì không nên gặp nhau để làm gì.
– …
–  Sao không bỏ nó đi hả? Thằng Tâm mới mười tuổi đã theo ông lên Xanh không một tin tức. Tôi phải giữ để có cái mà sống. Ông không hiểu sao? Và huỷ giọt máu trong bụng mình là điều tôi không thể làm. Không có nó chắc gì ông đã ở với tôi… Mà thôi, đã không thể là vợ chồng, cũng không là bạn thì xin để cho tôi yên, đừng để cho con Hạnh biết chuyện nầy, tội nghiệp nó.
Một tiếng hừ khô vang lên, cửa nhà bật thô bạo bởi cú đá. Ba bước ra, tất nhiên là cả hai nhìn thấy cô bé nhỏ nhắn. Sựng một giây, người mà Hạnh gọi ba bước ra xe. Ù ù, xe nổ máy và mất dạng.
Má ôm Hạnh vào lòng. Vậy là Hạnh biết hết rồi nghe, rằng cái ông mà toàn thể cư dân nơi Hạnh cư ngụ kính trọng không phải ba ruột. Thì cũng có sao đâu, từ nhỏ cho đến giờ Hạnh vẫn ở với má mà. Có  hay không có ba cũng chả sao trăng gì. Mà Tám Phát là cái ông bên ấp Bốn mới cãi tạo về phải không? Gì thì không chứ chuyện nầy Hạnh phải tìm cho ra lẽ mới được. Ra cái cha nội đen đen xám xám, mặt mày khắc khổ là người đã đẩy má và Hạnh vào sự ghẻ lạnh đây. Hạnh là con riêng của má nên chi, ba và cả ông chú nhạt tình với Hạnh là phải lắm.
***
Ấp Bốn của Hạnh và Ấp Một – nơi ngụ cư của nguỵ quyền cấp ấp Tám Phát – cách nhau bốn mét đường be, đủ cho hai xe bò tránh nhau. Nhà Tám Phát là nhà đúc. Nhà nầy có đâu từ thời cố lũy cô lai  rồi. Nó bề thế và rêu phong lắm, tường cao và cổng kín nên có vẻ bí ẩn. Đồn rằng cho đến đời Tám làm trưởng ấp thì dòng họ nầy là tổ sư chống cộng. Tám là trưởng ban dân vệ thời nhà Ngô, thiên hạ  kể rằng Tám ta đội mũ đen rộng vành vai khoác súng cạc-bin, tay cầm cái loa phát thanh hết làng trên đến xóm dưới, nhà nào có thân nhân nhảy núi là chết bà với Tám. Đến kì các Nguyễn từ Khánh Râu đến Tông tông Thiệu Tám là Ấp trưởng, lại tiếp tục lôi nhân dân tự vệ với Ar15 lục tìm vixi. Bà mẹ nó – Thiên hạ chửi – Việt cộng ở trong rừng chứ đâu ở nhà mẹ goá con mồ côi mà mò vô.
Lúc đầu thiên hạ tin Việt cộng không dám về cái xóm bị rào bởi kẽm xẹctinai đâu. Trên dưới ngang dọc đâu đâu cũng lính cộng hoà mò về để ngủm sao? Đùng một cái, con Hậu vợ thằng Huy lớn bụng. Thằng nầy dẫn con lên xanh đâu hồi xa lắc. Vậy là cái tin Việt cộng đã về nằm vùng đâu trong lòng… đất được thổi lên. Và Hạnh đã ra đời mà không có cha là vậy đó. Và tất nhiên sau thống nhất hùng bá một thời như Tám đi cãi tạo cũng phải thôi. Có cha, chú và anh từng nằm gai nếm mật cả mười năm trên cao xanh thì Hạnh là con, cháu và là em cách mạng gộc. Tưởng bảnh ngờ đâu không hề vậy.
Quá rõ về mình. Hanh vờ đi chơi qua ấp một, ngang qua cổng nhà Tám Phát, Hạnh thấy y đang ngồi ở xích đu. Cô bé đứng lại nhìn vào, mấy con chó nghe mùi lạ xồ ra inh ỏi. Cao cao, đen và xám pha nhau, má hóp nên gò má nhô cao, Tám Phát đi ra cổng:
– Cháu tìm ai?
– Có bạn Phương ở nhà không chú? – Hạnh nhìn vào mặt Tám Phát hỏi.
– Ai kêu con nè Phương ơi.
Từ trong nhà chạy ra Phương mở cửa và nắm tay Hạnh:
– Hạnh bạn con đó ba. Con cô Hậu bên ấp Một.
Tám Phát chăm chú nhìn. Hạnh biết cái nhìn ấy bao hàm điều gì.
Đó là lần duy nhất suốt bốn mươi năm Hạnh đối diện cùng Tám Phát.
Về muộn nên má hỏi:
– Sao về muộn vậy con?
– Con qua nhà nhỏ bạn bên ấp một.
– Nhà ai vậy?
– Nhỏ Phương con Tám Phát.
Má nhìn Hạnh. Hạnh cũng nhìn má.
Rồi thôi.
Mọi chuyện trôi như dòng suối sau nhà Hạnh vẫn chảy. Về sau suối chậm lại vì một con đập được chận lại thành hồ chứa nước. Hồ chứa nầy đưa nước phân bổ cho hai cánh đồng của hai xã liền kề. Tuy dòng chảy có chậm nhưng nó không ảnh hưởng chi đến việc chăn nuôi của những hộ sống bên con suối. Như nhà Hạnh chẳng hạn. Một năm má cô xuất chuồng đôi ba lứa heo đủ tiền sách vở và áo quần cho Hạnh hết cấp một cấp hai rồi cấp ba. Cuối mười hai Hạnh chia tay trường lớp vì cô yêu.
Chàng của Hạnh tên Hùng. Để được Hạnh, Hùng phải qua mặt cả mươi anh con nhà gia thế. Thực vậy,  gò gẩm một em con cháu nhà quan lại xinh mơ đâu phải đùa. Cỡ Hùng đừng có mà mộng hão. Đã nghèo thì chớ anh còn chẳng có tí quyền lợi chính trị chi, ngoại trừ cái xuất ngũ sau ba năm bốn tháng trong quân đội. Còn trong quân Hùng cũng chỉ là một anh hoả đầu tầm thường, thường đến độ chẳng được nấu ăn mà ở vị trí chăn nuôi và trồng trọt để cãi thiện bữa ăn cho chiến sĩ. Thuở Hùng đi lính thì chiến tranh đã tàn, Pôn pốt và Bành trường đều đã được dẹp yên. Hùng chỉ vác súng mà chơi còn chích heo là chính. Về đời thường anh sống với nghề thú y.
Cã xã duy nhất Hùng sành điệu nghiệp này, ai có heo gà chi trái gió là kêu anh. Hùng đến nhà Hạnh theo lời mời của bà Hậu. Anh chả dám mơ chi con gái nhà quan, kẹt cái mới gặp Hùng, Hạnh đã đem tâm tình con gái mới lớn mà đắm cái đẹp trai, phong thái của chàng. Vậy là cô quăng cục lơ với tất cả các anh đang đeo đuổi. Hùng đúng mèo mù vớ cá rán. Người ta yêu mình tội chi không yêu lại. Vậy là cả hai tần tấn nên duyên. Thời thắt lưng buộc bụng, con em cán bộ bự thì phải thắt đến siết để làm gương cho quần chúng. Đám cưới cả hai chỉ tiệc trà đơn sơ, thậm chí ông cha và chú vợ chỉ tạt qua dăm phút rồi lên xe dông tuốt. Kệ đi, thời nào cũng vậy đời ai nấy lo, có câu đời cua thì cua máy, đúng không?
Nhà Hùng những sáu anh chị em nên anh làm rể nhà Hạnh là phải quá. Vậy là ung dung trở thành ông chủ của lô đất tròm trèm hecta. Gia đình Hùng chuyên sản xuất giống cây trồng. Vậy là Hùng chuyển đổi ba cái màu mè hoa lá cành của nhà vợ thành khu ươm cây. Trong nghiệp chăn nuôi, Hùng chiến nhất vì văn minh hơn bà con cô bác xứ ruộng. Thêm cái thương khó của kẻ xuất thân là nông dân Hùng xây thêm chuồng, đào ao chăn cá thả vịt. Với tay nghề thú y kèm thợ hồ, Hùng cho tất cả chất thải của heo qué xuống một hầm chứa, còn gọi bao tử. Ở đó chất thải sẽ tự huỷ rồi cho ra cái gọi Bioga. Thuở mà chưa có thức ăn gia súc, bao nhiêu thừa thải của thực khách ở những quán ăn của thị trấn kề bên Hùng thầu tất và chúng được sôi lên bởi bioga… Nhìn Hùng nên và ra thiên hạ  cũng muốn lắm nhưng để làm được như anh thì còn khuya. Rất phóng khoáng, các hộ liền bên ai cần bioga Hùng sẵn sàng phân bổ mà chả cần một xu, hộ nào bi quá Hùng cho không luôn ống dẫn, xóm giềng giúp nhau vậy là quá quý.
Thiên hạ cho phân xuống suối. Hùng thì không, bao nhiêu được tống xuống hầm ngầm để tạo bioga, còn dư Hùng tập trung lại cho hoai mà chăm cho cây giống. Dư nữa anh bán cho mấy tay trồng rau… về sau bà con cũng ủ phân lại và nhờ Hùng bán giúp. Ai cũng cám ơn vợ chồng Hùng, không phải ba cái vặt vảnh đó đâu nghe, họ còn cám ơn cái khác lớn hơn nhiều.
Cái khác đó là nguồn cá ở hồ chứa nước. Hùng đã thắng trọn gói thầu toàn quyền sử dụng mặt nước  cho việc nuôi cá. Dân trong ấp ai muốn cứ việc câu. Câu thôi đừng có tung chài nghe mấy bạn, để cho em có cái thu hoạch. Lổ lã tội nghiệp lắm. Hùng nói với bà con vậy. Trời ơi, đâu có ai bỏ tiền ra thầu, bỏ cá xuống nuôi rồi mình câu mà ăn? Vậy nên ai cũng có bổn phận trông coi giúp cho Hùng. Trộm đạo nào lèng phèng vác chài lang thang trên mặt đập là có người đạp xuồng ra hỏi thăm sức khoẻ liền. Xóm giềng bảo vệ nhau cỡ vầy là hết phép.
Chỉ có cái hơi phiền một tí, một tí thôi. Đó là cái mùi đặc trưng của phân heo và ruồi. Nhưng rồi tất cả cũng quen, thời chiến người ta còn sống chung với bom đạn và kẻ thù, những thứ mùi khác, ghê gớm hơn còn chịu được nói chi ăm-mô-nhắc. Còn ruồi thì đâu mà chả có, người ta giải quyết cái sự bực bằng cách chui vô mùng ăn cơm. Biết làm sao bây giờ? Ở đây ai chả nuôi heo? Phàn nàn ai?
Đời cứ vậy mà tới cho đến kì của nền chăn nuôi công nghiệp.
***
Hùng bỏ vốn ra để tiếp cận văn minh chăn nuôi. Trước tiên là phải có giấy phép chuyển đổi hình thức sản xuất. Chuyện đó đối với một con, cháu, em rể quan thì có chi lớn? Có cả kiến trúc dạng sư tư vấn cho Hùng mô hình mới. Phải hội đủ mọi điều kiện thì mới được sự quan tâm hổ trợ vốn của nhà nước. Nghĩa là anh có quyền đưa chủ quyền đất đai để vay vốn. Vợ chồng Hùng chả cần vay ai. Nhiều năm sau thu hoạch cá từ hồ chứa nước, thêm heo xuất một năm đôi ba lứa… Cặp đôi rất ư hoàn hảo nầy dư sức làm mọi việc.
Hecta đất được vây bọc một tường gạch cao hai mét, bên trên cắm miểng chai phòng trộm đạo. Chuồng trại phân bổ cực kì khoa học. Heo được nuôi trong môi trường sạch đến không ngờ. Chất thải  được dồn về hầm chứa tạo bioga. Phân sau hoai sẽ chảy về một ao chứa khác cách xa khu vực chăn nuôi cả trăm mét. Từ ao chứa nầy những công nhân loại vai u thịt bắp sẽ kéo phân lên bằng cuốc, dồn đống, phơi khô, đóng bao để cung cấp cho các nông gia chuyên trồng rau củ quả. Nước trong hầm chứa sẽ đi vào một cống ngầm và tuôn ra suối. Nước trong dòng chảy sẽ bò ra đập, tràn vào các con mương rồi lững lờ ra cánh đồng. Chắc chắn là mầu xanh của lúa nhờ rất nhiều vào chất thải của trại chăn nuôi mà Hùng là chủ nhân.
Không phải sao? Đợt đầu tiên Hùng thả một trăm con heo giống. Mẹ ơi. Chăm chúng còn hơn chăm con mới đẻ. Công nhân phải đồng phục. Bước vào khu vực chăn phải mang giày ống đi qua một bể chứa thuốc sát trùng. Chả nấu nướng chi để phục vụ cho con cháu lão Trư. Cám gia súc được kéo về hàng xe tải, trút vào thùng, nước uống cũng vào thùng. Bầy được gọi ngu như lợn khôn trời sợ, chúng biết dùng mõm hất nắp thùng chứa để ăn và uống, lại biết thải xuống mương, phe ta chỉ việc cầm vòi xịt cho  xuống hầm. Nói thì nghe nhanh gọn và yên ả lắm, nhưng để lo cho một trăm chú trư thì năm người là bở hơi tai. Chúng còn ăn khuya nữa đó nghe. Lợn mà, chỉ biết ăn và ngủ, và đó là mục đích của bất kì kẻ chăn nuôi nào từ sơ đến cao cấp. Có vậy mới hai tháng rưởi là xuất chuồng. Vậy anh mới có lãi, bằng ba tháng heo mới đạt một tạ một em thì anh chết chắc. Đã nói ra biển lớn thì thuyền to chừng nào sóng to theo chừng đó. Thuyền trưởng không khéo là chết chìm, đã biết bao anh hùng thò tay chơi với nghiệp nầy đã bị công quyền đến thanh lý đất đai, nhà cửa bán đấu giá để trừ cái nợ đã vay. Hùng thì khác, dân thú y sành đến độ chỉ nhìn qua là biết bệnh. Hùng ung dung lái thuyền qua các cửa. Từ một trăm chú ỉn lứa đầu, lên hai trăm rồi ba trăm và hơn nữa… Rõ ràng, với kẻ có tài, biết nắm bắt thời cơ thì  thành công buộc phải đến. Hùng có tất cả. Vợ đẹp, con ngoan. Hai đứa con Hùng rất tuyệt, một trai đầu, một gái út. Chúng được ăn học ngon lành, chả phải nhờ vào uy iếc chi của ai. Giống lợn mà nuôi trong môi trường tốt còn đẹp như mơ nói chi con người. Được học với trường lớp tốt và thầy giỏi, học trò phải giỏi đó là tất yếu. Hùng dư tất cả mọi thứ. Hạnh còn sành điệu cả xế hộp, cô lái chiếc bốn bánh đưa con đi học, đi giao dịch, vợ chồng cùng đi nhà hàng vân vân và vân vân. Sự dư thừa luôn làm con người thoải mái và hạnh phúc.
Thật vậy không?
Không. Cũng có cái dư làm người ta âu lo và mệt mỏi.
Cái gì vậy?
Xin thưa, đó là phân heo.
***
Chả có cái hầm chứa nào nuốt nổi lượng chất thải lúc cao điểm. Heo mà bắt đầu từ năm mươi kí đi lên, chúng ăn, ngủ và vệ sinh thôi thì khỏi nói. Cái bao tử tạo bioga không thể nào tiếp nhận được, và cũng đừng nghĩ mở rộng nó cho tốn tiền. Phải tìm cách khác. Hùng tậu năm chiếc xe đẩy cầm tay, lượng dư thừa được tập trung vào một góc của thửa đất. Nhân công sẽ đóng vào bao khi đã được nắng làm cho khô, những mối lái rau củ quả sẽ cho chúng làm mầu mỡ đất đai của họ.
Điều kiện nầy cũng chỉ giúp vào những tháng mặt trời làm chủ. Mùa mưa đến, bên phân tươi, bên tuôn ra từ bờ tràn hầm bioga. Vấn nạn nầy khiến ông chủ phải giảm lượng heo nuôi. Từ năm trăm cho mùa nắng gió còn lại một trăm cho bão bùng. Hùng phải mở cống cho tất cả từ tươi đến hoai tuôn ra suối. Tất nhiên nước sẽ cuốn, dù chậm nhưng vẫn trôi. Nhìn phân heo lờ đờ chảy cư dân sống nhờ vào con suối mệt mỏi gấp tám lần Hùng. Cái mà ai cũng hãi không phải phân đâu nghe, nó sẽ trôi, chắc chắn vậy, nhưng có cái đứng lại, đó là ruồi và cái mùi đặc trưng của nó.
Khi hồ chứa hình thành, nước tích lại tạo một cảnh quan tạm gọi là. Mấy tay có đất kề bên hồ lợi dụng thời cơ dựng nên những quán cà phê sân vườn đẹp không thể chê. Thử hỏi ngồi trong một cái phum lợp lá, ngắm người đẹp đạp xuồng trên hồ hái rau muống thì còn chi thơ mộng hơn hỡi trời đất? Khách đến thôi thì nườm nượp, để lôi kéo, quý ông bà chủ liền trí trang cho quán mình những hòn giả sơn có róc rách nước chảy, có tiên ông chơi cờ, lại thêm vài chậu chiếu thuỷ, mai vàng cho thêm phần thanh nhã. Có vậy mới lột tiền của khách tham quan.
Đặc sản của miền hồ nước nầy là bánh tráng me.  Ngoại trừ chăn nuôi và đồng áng, nông nhàn người ta còn tráng bánh  bỏ mối kiếm thêm. Mấy cái quán bên bờ hồ còn sáng chế ra nước mắm me chua ngọt tuyệt hảo. Nam thanh nữ tú và tụi trẻ trẻ vừa nhai bánh vừa đấu láo cũng thú vị lắm. Nhưng những cái quán ấy đã không một phương kế nào kéo được khách bởi ruồi và trìu trịu mùi ămmôniắc. Tất cả đều phá sản, đành phải cho mái lá lụi tàn theo năm tháng. Và ai cũng bực bội vì cái trang trại heo công nghiệp của vợ chồng Hùng Hạnh. Bực thì bực vậy chứ ai làm gì được ai? Bởi một lẽ rất giản đơn tôi chăn nuôi thì có tội chi? Còn ruồi hay cái mùi của nó thì phải chấp nhận. Đúng không? Đúng hay không thì trại heo đã yên vị rồi, và ông chủ của nó đang nên và ra nhờ nghiệp nầy. Có ai đang hưng thịnh mà chuyển đổi sang hình thức khác không? Chắn chắn không.

Hùng có nghe những ta thán của xung quanh về mình không? Sinh hoạt của gia đình anh có bị ảnh hưởng như bọn dân đen không? Sao lại không. Nhưng phải biết khắc phục chứ. Ông nhà nước kéo điện cho ta làm chi vậy kìa? Hùng xây dựng căn nhà hai tấm bê tông của mình kín bưng, muốn ấm lạnh đã có máy điều hoà. Và ai cũng biết rằng những căn phòng có máy lạnh chả một mùi vị nào xen vô được nói chi ruồi. Còn thiên hạ ta thán ư? Kệ họ chứ, nói thì chả làm ai chết cả.
Và ngữ dân đen thấp cổ bé họng nghèo mướt vài mươi hộ liền kề bên trại heo chả ai không dính dấp ân oán nghĩa nhân với Hùng, không cá thì heo, mười thì hết chín đã nấu ăn bằng bioga. Thì họ cũng có ong ve đôi câu trong những quán cà phê, cũng bàn về ô nhiễm. Có thằng phê ba xi đế vô cũng văng tục chửi thề rằng:
– Nó ỷ thế cha chú anh trai là cán bộ bự… Bà cha nó…
– Thôi mày ơi… Cả cái uỷ ban xã nầy còn điếc không nghe, đui không thấy bọn mình nghĩa địa gì?
– Mấy ông xã tuốt ngoài nầy làm chi biết ruồi hay mùi kít heo?
– Mẹ… mày không biết những lúc gió mạnh hay xả chuồng, mùi của nó bay tuốt ra tận đây luôn đó con… thúi cự kì. Tao cũng không hiểu vậy rồi vợ chồng thằng Hùng có bị ảnh hưởng không? Hay là ngửi riết rồi ghiền luôn.
– Vợ chồng con cái nó trong phòng lạnh thì biết cái khỉ khô gì?
Vậy là thôi. Vậy là hết. Và tất cả cứ theo cái guồng đã có mà chạy, việc của Hùng Hùng làm, ai nói chi cứ nói. Dân đây kể cũng hiền, gặp xứ khác họ kiến nghị lên trên chứ không chơi. Đâu có thể vì quyền lợi cá nhân mà anh làm ảnh hưởng đến môi trường sống của kẻ khác được. Đúng không?
Thực ra đời chả ai hiền hậu hay dữ dằn chi. Cái gì phải thì thôi, không phải dễ gì yên. Sao lại không đơn từ và kiến nghị. Mấy tay già từng thụ ơn Hùng, không ra mặt nhưng cũng xúi bầy trẻ. Kẹt cái đơn lên tới xã là đứng lại. Bực quá đơn vượt cấp bay lên huyện, huyện đưa về cho xã giải quyết. Ba cái vặt vảnh heo qué thì có gì mà mấy anh không làm được? Xã cũng cho người vào tận trại chăn nuôi, vào rồi ra… Riết rồi mệt quá xá vụ đơn từ. Người ta con quan, cháu quan, em quan. Lại quan bự tuốt ở trển. Dân đen gật gù và cười rằng con kiến kiện củ khoai, không phải khùng mà là ngu. Ngu tợn.
Nhưng sự đời đâu đơn giản. Nếu ông cha vì nể nang ân ngãi và kém hiểu biết mà cho qua. Bầy trẻ lớn lên thì khác. Cái thời mong cơm no áo ấm qua rồi. Bây giờ ăn ngon mặc đẹp, đẹp phải thơm. Em yêu anh thiệt mà về nhà anh nghe mùi cứt heo là em ói. Ói anh luôn. Bầy trẻ có học cùng bầy ăn nên làm ra ở những công ty thời hội nhập, sành lắm văn minh tin học. Chúng lên gu gồ và biết mình phải làm chi. Vậy là đơn từ có quy cũ được ký bởi gần trăm chủ hộ được tống lên trên chỉ một yêu cầu duy nhất làm trong sạch môi trường. Cái đơn ấy – như bao lần đã qua – cũng quay về xã cũng lọt vào tay vợ chồng Hùng Hạnh, nhưng lần nầy nghiêm trọng hơn. Nếu Hùng không khắc phục thì chả một bàn tay nào che được. Khắc phục ư? Cũng có chi đâu khó. Một là Hùng phải dời trại vào thâm sơn, tách biệt hẳn với dân cư. Nhưng sơn đâu nữa mà thâm với sâu. Hai là dẹp trại.
Dẹp ư?
Hạnh đọc lá đơn rồi lên chiếc Liberty chạy đến nhà thằng chủ xị lá đơn.
Thằng kể cũng yêng hùng, nó kí và ghi rõ họ tên: Nguyễn Văn Tài.
***
Nguyễn Văn Tài là con trai út của Tám Phát. Gia đình nầy chỉ duy Tài tạm gọi có chút đỉnh hiểu biết. Nguyên nhân là cả chục năm sau thống nhất hắn mới ra đời. Tài không hề bị cái phốt cha nguỵ quyền mà ảnh hưởng. Kẹt cái học hành dỡ ẹc, kiểu lên lớp do chỉ tiêu nên đâu có tốt nghiệp nổi mười hai. Tuy nhiên với đời Tài nhanh như tép. Nếu thiên hạ lấy câu nhất thân nhì thế để lên hương thì Tài có hai chữ mánh mung để xài. Thoắt ẩn thoắt hiện như ma, Tài dư sức nuôi cha già ăn ngon mặc đẹp. Tài yêu cha lắm. Sau bẩy năm cãi tạo, thêm một năm mới lại hồn người, phải chi thôi thì bà Tám đâu có mất mạng. Sanh Tài thì bà má bị băng huyết nên đi luôn. Tám Phát và bầy con gái xúm vô cho Tài bú thép. Vậy nên Tài quý cha lắm. Ranh ma đâu với đời chứ về nhà thì Tài đúng là đệ nhất hiếu tử.
Lúc Hạnh đến. Cổng mở nên cô cho Liberty chạy một mạch vô sân. Tài cùng với một trai trẻ khác đang chén bạn bè bên một bàn trà. Thấy Hạnh, Tài hơi ngạc nhiên:
– A… Chào chị Hạnh… Ô… đúng là rồng đến nhà tôm. Mời chị ngồi.
Hạnh hỏi sau khi yên vị:
– Có chú Tám ở nhà không em?
– Có chị ạ. Ba tôi đang sau vườn. Để em gọi. Chị uống nước… Giới thiệu với chị đây là Hoàng, bạn tôi, anh ấy là phóng viên của báo X.
Tài nhấn mạnh hai từ phóng viên ra cái vẻ liệu đấy mà đối phó:
– Có chi chị nói với tôi cũng được vậy.
– Chị có chuyện riêng muốn gặp chú Tám.
Có chi khó chuyện gặp. Vậy là Hạnh được mời vào nhà. Tám Phát đích thân tiếp khách, cả hai trò chuyện đâu chừng nửa tiếng rồi với một gương mặt lành lạnh bà chủ trại heo ra về.
Việc Hạnh đến nhà Tài, đâu thoát mắt dân tình. Họ thầm thì trong cà phê cóc rằng:
– Tao biết mà… Thằng Tài mánh mung ghê lắm, nó đi thu thập chữ kí của bọn mình chẳng qua để làm tiền vợ chồng Hùng Hạnh thôi. Chắc chắn là mụ Hạnh sẽ nhét tiền vào họng cha con Tám Phát, nếu không sao lá đơn đã hai tháng mà không tăm dạng, đúng không?
Nghe qua cũng có lý lắm nghe. Nếu không tại sao mọi chuyện lại đi vào yên lặng? Rõ ràng nén bạc ném toạc tờ giấy. Xưa nay ai chẳng lấy tiền làm trọng và cha con Tám Phát đâu phải thánh mà không cần tiền. Có tiền Tám cũng chơi phòng máy lạnh xịt nước hoa chứ sợ gì ai. Và cái thằng đó – thiên hạ nói – bộ tưởng sau bảy năm cãi tạo là xong hả? Không dám đâu nó còn phải học bài dài dài. Còn dân đen như mình hả? Ráng chịu đi con, chừng nào… chết là hết thôi.
Và rồi thiên hạ thở dài khi thầy trại heo vẫn bình chân như vại.
***
Nhưng Hùng cũng thở dài không kém dân đen. Như bao lần khác anh thả vào mùa mưa lũ một trăm chú. Nhưng dịch tụ huyết trùng đã chén sạch bầy heo. Để giải quyết hàng trăm con heo một lần không phải chuyện đơn giãn, Không một loại thuốc nào ngăn chận sự lây lan của bệnh.  Hùng phải thuê một xáng cạp móc một hố sâu như địa ngục thả bọn tử vì tụ huyết rồi lấp lại sau khi đã đổ cả tấn vôi bột để sát trùng và phòng lây lan.
Mùa nắng lên Hùng lại thả cả năm trăm chú sau năm tháng cho chuồng ngơi nghĩ. Sau một tháng rưởi bầy lợn bình yên, tròn lẵn, mỗi chú tròm trèm năm mươi cân chứ không ít. Vậy mà trời không dung Hùng nữa rồi, cái đại hoạ tai xanh cũng cấp kì không kém tụ huyệt trùng. Cả bầy lây lan đến chóng mặt. Chúng ngã ra mà chết hằng loạt. Lần nầy buộc phải đốt. Đốt ở đâu?  Hùng phải vào tận trong sâu, nơi khu vự khai thác đá xây dựng, thuê một địa điểm thật xa rồi thả xuống mà đốt. Xong phải thuê máy cày lấp đất lại, và đất để lấp cũng phải mua mới có.
Hùng hoảng hốt thật sự.
Dân đen bất chiến tự nhiên thành. Ở cà phê cóc lại tiếp tục đấu láo: Cám ơn cái tụ huyết trùng và heo tai xanh, không có nó bọn mình xanh cỏ sớm.

Nguyễn Trí