31 May 2018

LỤY TÌNH - W. Somerset Maugham | Yên Nhiên chuyển ngữ.


W. Somerset Maugham (1874—1965)
Yên Nhiên chuyển ngữ từ nguyên tác: The Force of Circumstance (1924)
Nàng ngồi ở hàng hiên đợi chồng về ăn cơm. Người hầu Mã Lai đã buông những tấm mành lúc khí trời ban mai không còn tươi mát, song nàng cuốn một tấm mành lên nửa chừng để ngắm nhìn dòng sông. Dưới ánh nắng ngột ngạt ban trưa nó mang dung mạo tái nhợt của tử vong. Một người bản xứ chèo chiếc xuồng độc mộc nhỏ đến nỗi hầu như khó trồi lên khỏi mặt nước. Những sắc màu của ngày xám tro và mệt mỏi. Chúng không gì khác hơn những cung bậc của thời tiết nóng bức. (Tựa như một giai khúc đông phương, cung thứ đơn điệu mơ hồ làm căng thẳng thần kinh; và tai đang ngóng chờ một hòa âm, nhưng chỉ hoài công.) Bầy ve sầu cuồng nhiệt ngâm inh ỏi, âm thanh râm ran và miên man như suối chảy qua đá tảng, nhưng đột nhiên bị nhấn chìm bởi tiếng hót lảnh lót của một con chim, du dương và mãnh liệt; và tức thời, hồn chới với, nàng liên tưởng đến loài hắc điểu xứ Anh quốc.
Rồi nàng nghe tiếng bước chân của chồng trên lối đi trải sỏi phía sau nhà sàn, lối ngõ dẫn tới tòa án nơi chàng làm việc, và từ lòng ghế nàng đứng dậy chào đón chàng. Chàng chạy lên đoạn cầu thang ngắn, bởi nhà sàn dựng trên những chiếc cọc gỗ, và người hầu đợi bên cửa để đón nhận chiếc mũ của chàng. Chàng bước vào căn buồng vừa là phòng ăn vừa là phòng khách, và ánh mắt chàng mừng rỡ khi nhìn thấy nàng.

“Doris ơi, em đói bụng chưa?”
“Đói lắm rồi.”
“Chỉ trong chốc lát anh tắm xong là sẵn sàng ngay.”
“Lè lẹ lên,” nàng mỉm cười.
Chàng mất hút vào phòng riêng và đương khi nàng nghe tiếng huýt sáo ríu rít, với cái vẻ bất cẩn mà nàng thường hay quở trách, chàng cởi tung quần áo và ném chúng xuống sàn. Chàng đã hai mươi chín tuổi, nhưng vẫn là cậu thư sinh; chàng sẽ chẳng bao giờ chững chạc. Đó là lý do nàng phải lòng chàng, không chừng, bởi cho dù lòng ưu ái có bao nhiêu chăng nữa cũng không thể thuyết phục là chàng điển trai. Chàng là người đàn ông có vóc dáng thấp béo, với khuôn mặt đỏ bầu bĩnh như trăng rằm, và mắt màu xanh biếc. Mặt chàng lấm tấm mụn. Nàng đã săm soi chàng kỹ lưỡng và buộc lòng thú nhận rằng chàng không có lấy một nét độc đáo nào đáng để ca ngợi. Nàng đã thường nói với chàng rằng chàng chẳng phải là ý trung nhân của nàng.
“Thì có bao giờ anh tự nhận mình điển trai đâu,” chàng cười.
“Em không thể nghĩ ra được cái gì hấp dẫn nơi anh cả.”
Nhưng dĩ nhiên nàng thừa biết. Chàng là người đàn ông vui tính, vô tư lự, chẳng câu nệ, và thường hay cười. Chàng cũng khiến nàng cười. Chàng thấy cuộc đời ngộ nghĩnh hơn là nghiêm cẩn, và chàng có nụ cười dễ thương. Khi ở bên chàng nàng cảm thấy hạnh phúc và dễ chịu. Và sự sủng ái mà nàng nhìn thấy trong đôi mắt xanh vui tươi kia khiến nàng mềm lòng. Thật mãn nguyện khi được yêu như thế. Một lần trong tuần trăng mật, ngồi trên đùi chàng, ủ mặt chàng trong đôi bàn tay nàng nói với chàng:
“Anh là người đàn ông mập lùn và xấu xí, Guy, nhưng anh có duyên. Em không thể cưỡng lại mà không yêu anh.”
Một làn sóng xúc cảm trào dâng và mắt nàng rưng rưng ngấn lệ. Nàng thấy mặt chàng méo xệch trong khoảnh khắc cảm động tuyệt đỉnh và giọng chàng run run khi trả lời:
“Thật rủi cho anh lấy phải một người đàn bà khờ dại,” chàng nói.
Nàng cười khúc khích. Đúng là câu trả lời tiêu biểu mà nàng ưa thích nghe từ chàng.
Khó mà tưởng tượng được chín tháng trước đây nàng chẳng mảy may biết gì về chàng. Nàng gặp chàng ở một quán trọ nhỏ ven biển, nơi nàng cùng với mẹ nghỉ mát trong một tháng. Doris là thư ký cho một Thành viên Quốc Hội. Guy về thăm nhà. Họ ở trọ chung một khách sạn, và chàng vội vã kể lể cho nàng nghe hết thảy về mình. Chàng sinh quán ở Sembulu, nơi thân phụ chàng đã từng phục vụ ba mươi năm dưới triều Quốc Vương đệ nhị, và sau khi tốt nghiệp học vấn chàng đã nối nghiệp cha. Chàng trung thành với xứ sở.
“Trước sau, Anh quốc xa lạ đối với anh,” chàng bảo nàng. “Quê nhà anh ở Sembulu.”
Và giờ đây nơi đó cũng là quê nhà của nàng. Chàng ngỏ lời cầu hôn vào cuối tháng nghỉ mát. Nàng biết chàng ngấp nghé, và định bụng sẽ thoái thác chàng. Là con gái độc nhất của người mẹ góa, nàng không thể nào lìa mẹ mà bỏ đi xa, nhưng khi thời khắc đến nàng không biết tại vì sao, nàng như được chắp cánh bởi cảm xúc hốt nhiên, và nàng ưng thuận. Họ đã chung xây tổ ấm được bốn tháng nay, ở một biên trấn heo hút nơi chàng đảm nhiệm. Nàng rất đỗi hạnh phúc.
Có một lần nàng nói với chàng là nàng đã từng quyết khước từ chàng.
“Em có hối tiếc không?” chàng hỏi, với nụ cười trong đôi mắt biếc long lanh.
“Có điên khùng mới làm thế. Âu cũng là cơ duyên mà định mệnh hay điều ngẫu nhiên hay cái gì đấy can dự và rồi thì hoàn toàn bất khả kháng.”
Bây giờ nàng nghe Guy rổn rảng bước trên những bậc thang dẫn xuống nhà tắm. Chàng là người ồn ào và cho dù đi chân trần chàng vẫn không thể nhẹ nhàng. Nhưng chàng kêu thảng thốt. Chàng nói hai hay ba tiếng thổ ngữ và nàng chẳng thể nào hiểu được. Rồi nàng nghe ai đó nói gì với chàng, không cao giọng mà thì thào. Người ta quả là tệ làm phiền khi chàng sắp sửa đi tắm. Chàng lại nói và cho dù giọng chàng hạ thấp nàng đoán được là chàng đang bị quấy rầy. Giờ thì giọng nói kia lớn tiếng; giọng của một người đàn bà. Doris ngờ rằng ai đó có chuyện muốn thưa trình. Dường như là một người đàn bà Mã Lai vào một cách lén lút, nhưng hiển nhiên không đạt được gì từ Guy, bởi nàng nghe chàng nói: Đi đi. Nàng chỉ hiểu được có bấy nhiêu, và rồi nàng nghe tiếng chàng cài then cửa. Có tiếng nước giội lên người (chuyện tắm gội hãy còn khiến nàng buồn cười, buồng tắm nằm ở tầng dưới phòng ngủ, trên nền đất; chiếc bồn tắm to lớn chứa nước và xô nhỏ bằng thiếc dùng để xối nước) và trong vài phút chàng trở lại phòng ăn. Tóc chàng còn đẫm ướt. Họ ngồi vào bàn dùng bữa trưa.
“May là em không phải người đa nghi hay ghen tương,” nàng cười khanh khách. “Em không biết có nên tán thành việc anh tắm táp mà trò chuyện rôm rả với những phụ nữ.”
Nét mặt chàng bình thường thật vui tươi, khi bước vào phụng phịu, nhưng giờ thì rạng rỡ.
“Anh không thích thú gì khi thấy bà ấy.”
“Nghe giọng nói của anh em cũng đoán thế. Quả thực, em nghĩ rằng anh có hơi cáu kỉnh với người trẻ.”
“Thật lỗ mãng, dám quấy rầy anh như thế!”
“Bà ấy muốn gì hở anh?”
“Ồ, anh đâu biết. Người đàn bà trong xóm. Bà ấy có chuyện cãi vã với chồng hay điều gì đấy.”
“Không biết đấy có phải là người đàn bà lảng vảng hồi sáng nay.”
Chàng hơi cau mày.
“Có ai lảng vảng à?”
“Vâng, em vào phòng anh để xem xét đồ đạc cho ngăn nắp, và rồi em xuống nhà tắm. Em thấy có người nào đó lẻn ra khỏi cửa lúc em bước xuống cầu thang và khi nhìn ra ngoài em thấy người đàn bà đứng ở đấy.”
“Em có nói chuyện với bà ấy không?”
“Em hỏi bà ấy cần gì và bà nói gì đó, mà em không hiểu.”
“Anh sẽ không để cho mọi hạng người lang thang rình rập quanh đây,” chàng nói. “Họ không được phép bén mảng nơi này.”
Chàng mỉm cười, nhưng Doris, với trực giác bén nhạy của người đàn bà đang yêu, thấy chỉ có môi chàng mỉm cười, không như lúc bình thường với cả ánh mắt, và nghĩ ngợi không biết chuyện gì phiền lụy chàng.
“Em làm gì buổi sáng nay?”
“Ồ, chẳng làm gì nhiều. Em đi dạo.”
“Trong xóm?”
“Vâng. Em thấy một người đàn ông thả một con khỉ có buộc dây lên cây dừa hái quả, ngộ thiệt.”
“Như thể trò đùa vậy, phải không?”
“Ồ, Guy, có hai thằng bé xem ông ta, chúng nó trắng hơn những đứa khác. Em thắc mắc không biết chúng có phải là những đứa trẻ lai. Em hỏi chuyện, mà chúng chẳng hiểu gì cả.”
“Có hai hay ba đứa trẻ lai trong xóm,” chàng trả lời. “Chúng là con nhà ai vậy?”
“Mẹ của chúng là một trong những cô gái làng.”
“Vậy chứ ai là cha của chúng?”
“Cô mình ơi, đó là thứ câu hỏi khá cấm kỵ ở nơi này.” Chàng ngần ngừ. “Có khối đàn ông lấy vợ bản xứ, và rồi khi về nước hay lập gia đình họ chu cấp một số tiền và sa thải mấy người đàn bà đó về làng.”
Doris im lặng. Vẻ điềm nhiên lúc chàng nói hơi bất nhẫn đối với nàng. Trên khuôn mặt xinh xắn, vô tư của nàng đôi mày thoáng nhíu lại khi nàng trả lời.
“Thế còn những đứa trẻ thì tính sao?”
“Anh chắc rằng chúng nó được nuôi dưỡng tử tế. Tùy khả năng, người đàn ông lo cho chúng được học hành đến nơi đến chốn. Chúng sẽ làm nhân viên trong công sở, em biết đó; rồi sẽ ổn thôi.”
Nàng gượng cười.
“Đừng tưởng rằng em cho phương cách đó là ổn thỏa đâu nhé.”
“Em đừng quá khó tánh chứ,” chàng cười đáp trả.
“Em không khó tánh. Nhưng tạ ơn trời anh đã không từng lấy vợ Mã Lai. Em sẽ không thể chịu nổi đâu, nếu ngộ nhỡ hai thằng bé đó là con của anh.”
Người hầu thay đĩa cho họ. Thực đơn của họ đạm bạc.
Bắt đầu bữa trưa họ dùng món cá nước ngọt, nhạt thếch, bởi thế phải nêm thật nhiều sốt cà chua mới nuốt trôi, và rồi tiếp theo với món tựa như thịt hầm, Guy rưới sốt Worcester lên.
“Vị quốc vương cũ không nghĩ đây là nơi của phụ nữ da trắng,” chàng nói. “Ông ta khuyến khích mọi người sống chung với những thiếu nữ bản xứ. Tất nhiên bây giờ mọi thứ đã đổi thay. Xứ sở thanh bình và chúng mình sẽ liệu chừng mà theo thời thế.”
“Nhưng mà, anh à, thằng bé lớn nhất trong hai đứa đó không đầy bảy hay tám tuổi và đứa kia chỉ trạc năm tuổi.”
“Ở chốn heo hút thật là cô đơn. Này nhé, người ta thường chẳng gặp một mống da trắng nào suốt cả sáu tháng trời. Có người khi đến đây khi mới chỉ là một thiếu niên.” Chàng nhoẻn cười với nàng, nụ cười dễ thương kia làm thăng hoa khuôn mặt thô bầu bĩnh của chàng. “Có những nguồn cơn, em biết đấy.”
Nàng luôn mềm lòng với nụ cười ấy. Nó là thứ lý lẽ tuyệt vời nhất của chàng. Ánh mắt nàng lại dịu dàng và âu yếm.
“Chắc vậy.” Nàng vươn tay qua mặt bàn nhỏ và đặt bàn tay lên tay chàng. “Em thật may mắn gặp anh còn trẻ như vầy. Thú thực, em sẽ buồn khổ vô cùng nếu có ai đó bảo với em rằng anh đã từng sống như thế.”
Chàng cầm bàn tay nàng và siết chặt.
“Em có hạnh phúc ở đây không, cưng?”
“Rất ư.”
Nàng nhìn tươi tắn trong xiêm áo bằng vải linen. Cái nóng không làm nàng khó chịu. Ngoài đôi mắt nâu đẹp, nàng chỉ có nét duyên dáng của tuổi thanh xuân; nhưng phong thái nàng đoan trang khả ái, và mái tóc ngắn thẫm màu của nàng gọn và mượt mà. Nàng gợi ấn tượng về một thiếu nữ đảm đương và nơi nhiệm sở nàng đã từng là một nhân viên mẫn tiệp.
“Em yêu miền đất ngay lập tức,” nàng nói. “Mặc dầu em thường ở một mình em không hề cảm thấy cô đơn.”
Dĩ nhiên nàng đã đọc truyện về xứ sở Mã Lai và nàng hình dung miền đất thâm trầm với những dòng sông mênh mông và cánh rừng u tịch không thể xâm nhập. Khi chiếc tàu nhỏ chạy bằng hơi nước đưa họ vào đến cửa sông, nơi một chiếc ghe lớn, chèo bởi mười hai người thổ dân đang đợi đưa họ vào bến, nàng đã choáng ngợp bởi nét đẹp thân thiện hơn là gây kinh ngạc của phong cảnh. Nó mang nét hưng phấn, tựa như tiếng chim hót líu lo trên cây, điều mà nàng chưa hề dự tưởng. Hai bên bờ sông là rừng ngập mặn và cây thốt nốt, và phía sau là màu xanh dày đặc của rừng. Ở xa xa những rặng núi xanh biếc trùng điệp ngút ngàn. Nàng không có cảm giác bị giam hãm hay sầu muộn, mà là không gian khoáng đãng, nơi mà mộng tưởng hân hoan có thể bay bổng thỏa thích. Màu lục diệp lấp lánh trong ánh nắng mặt trời và bầu trời thanh thản vui tươi. Miền đất duyên dáng dường như nhoẻn nụ cười chào đón nàng.
Họ tiếp tục chèo thuyền men dọc theo bờ sông, và trên cao một đôi chim bồ câu bay lượn. Một tia sáng đầy màu sắc, lung linh như một viên ngọc, lao vút qua. Đó là một con cá voi trắng. Hai con khỉ với đuôi đung đưa ngồi cạnh nhau trên một cành cây. Nơi chân trời, ở phía bên kia con sông rộng và đục, bên ngoài cánh rừng, là một dãy mây trắng nhỏ, những đám mây duy nhất trong bầu trời, và chúng trông giống như một đàn vũ công ballet trong xiêm y trắng, ở phía sau sân khấu, linh hoạt và vui tươi, đang chờ đợi bức màn nhung được kéo lên. Tâm hồn nàng chan chứa niềm vui; và bây giờ, hồi tưởng tất cả, đôi mắt nàng dừng lại nơi chồng với lòng trìu mến biết ơn và ký thác.
Và thú vị thay khi họ bày biện phòng khách! Căn phòng thật rộng rãi. Trên sàn nhà, khi nàng mới đến, là những tấm thảm rách nát và bẩn thỉu; cao tít tắp trên các vách tường bằng gỗ không sơn phết treo những bức ảnh của Học viện, khiên Dyak, và những mặt nạ. Những chiếc bàn phủ khăn vải thẫm màu, và trên đó bày những mảnh đồ bằng đồng xứ Brunei, cần được chùi rửa, những hộp thuốc lá rỗng, và những món linh tinh bằng bạc. Có một kệ gỗ thô sơ đựng các phiên bản tiểu thuyết rẻ tiền và một mớ sách du lịch cũ với bìa da xơ xác; và một kệ khác chất đầy những chai lọ rỗng. Đó là một căn phòng của một chàng độc thân, bừa bộn nhưng cứng cỏi; và mặc dù nó làm nàng buồn cười nàng thấy nó thật thảm thương. Đó là một cuộc sống buồn tẻ và thiếu tiện nghi mà Guy đã trải qua, và nàng quàng tay bá cổ chàng và hôn chàng.
“Tội nghiệp cưng,” nàng cười khanh khách.
Nàng vén khéo nhanh chóng dọn dẹp căn phòng. Nàng sắp xếp lại đồ đạc và quăng đi những gì không thể dùng được. Những món quà cưới của nàng phù hợp để trưng bày. Bây giờ căn phòng tiện nghi và thoải mái. Trong bình thủy tinh là phong lan mỹ miều và trong chậu những khóm cây trổ hoa. Nàng cảm thấy một niềm tự hào vô biên vì đó là căn nhà của nàng (nàng chưa bao giờ cư ngụ ở bất cứ nơi nào ngoại trừ căn hộ nhỏ) và vì chàng, nàng đã làm cho nó quyến rũ.
“Có vừa ý anh không?” nàng hỏi khi đã bày biện xong xuôi.
“Rất ư,” chàng mỉm cười.
Lời lẽ khiêm tốn làm toại lòng nàng. Thật thú vị khi họ thấu hiểu ý tứ của nhau! Cả hai đều xấu hổ khi bày tỏ cảm xúc, và họ hiếm khi bỡn cợt cười đùa.
Họ ăn trưa xong và chàng lăn vào tràng kỷ để ngủ. Nàng đi vào phòng nàng. Nàng hơi ngạc nhiên khi chàng níu nàng lại gần lúc nàng bước ngang qua, vói nàng xuống và hôn môi nàng. Họ không có thói quen ôm hôn nhau vào những giờ giấc bất thường trong ngày.
“Cái bụng no khiến anh nhạy cảm, chú cừu bé nhỏ của em,” nàng trêu. “Đi đi và đừng cho anh gặp mặt trong ít nhất hai tiếng nữa.”
“Đừng ngáy nhé.”
Nàng rời chàng. Họ thức dậy lúc bình minh và chỉ nội năm phút đã thiếp đi. Doris thức giấc bởi tiếng giội nước của chồng trong nhà tắm. Các bức tường của căn nhà sàn giống như bảng khuếch thanh lẫn nhau mà không thứ gì thoát khỏi. Nàng cảm thấy biếng lười chẳng buồn động đậy, rồi khi nghe thấy người hầu bưng vào những món trà cụ nàng bật dậy và chạy xuống nhà tắm của riêng nàng. Nước không lạnh nhưng mát mẻ làm sảng khoái. Khi nàng vào phòng khách Guy đã lấy những chiếc vợt ra khỏi tủ, bởi họ chơi quần vợt vào lúc trời mát mẻ, trong khoảng thời gian ngắn ngủi của buổi chiều. Bóng đêm về lúc sáu giờ.
Sân quần vợt cách xa nhà sàn khoảng hai hay ba trăm thước và ngay sau khi uống trà, vội vàng kẻo lãng phí thời giờ, họ tản bộ xuống đó.
“Ô kìa, anh” Doris nói, “cô gái mà em nhìn thấy sáng nay.” Guy vội quay nhìn. Mắt chàng dừng lại trong giây lát nơi người phụ nữ bản xứ, nhưng chàng không nói năng gì.
“Cái váy sarong của cô ấy đẹp quá,” Doris nói. “Không biết cô ấy có được từ đâu ấy nhỉ.”
Họ đã vượt qua cô gái. Cô mảnh mai và nhỏ nhắn, với đôi mắt to đen láy đặc thù của người bản xứ và mái tóc huyền. Cô không cử động khi họ đi ngang qua, nhưng nhìn chằm chằm vào họ một cách kỳ lạ. Doris nhận ra rằng cô không còn quá trẻ như ban đầu nàng tưởng. Dung nhan hơi thô và nước da sẫm, nhưng cô rất đẹp. Cô bồng một đứa bé. Doris khẽ mỉm cười khi nàng nhìn thấy nó, nhưng môi người phụ nữ không cười đáp trả. Vẻ mặt cô lãnh đạm. Cô không nhìn Guy mà chỉ nhìn Doris, và chàng bước đi như thể không hề nhìn thấy cô. Doris quay sang chàng.
“Đứa bé kháu khỉnh quá hở anh?”
“Anh không để ý.”
Nàng bối rối bởi vẻ mặt của chàng. Nó trắng bệch, và những nốt mụn mà nàng không lấy làm điều ửng đỏ hơn mọi khi.
“Anh có thấy bàn tay và bàn chân của cô ấy không? Dám chừng cô ấy là một công nương.”
“Hết thảy những người bản xứ đều có bàn tay và bàn chân thanh tú,” chàng trả lời, nhưng không vui vẻ như thường lệ; như thể bất đắc dĩ chàng phải nói. Nhưng Doris đã bị lôi cuốn.
“Cô ấy là ai, anh có biết?”
“Một trong những cô gái trong làng.”
Họ đã đến sân banh. Khi Guy tiến tới để kiểm soát độ căng của tấm lưới chàng ngoái đầu nhìn. Cô gái vẫn đứng tại chỗ như lúc họ đi ngang qua. Mắt họ chạm nhau.
“Em giao banh nhé?” Doris hỏi.
“Ừ, banh ở bên phía em đấy.”
Chàng chơi rất tồi. Thông thường chàng chấp nàng mười lăm điểm và thắng nàng, nhưng hôm nay nàng thắng một cách dễ dàng. Và chàng lẳng lặng chơi. Thông thường chàng là người chơi banh nhộn nhịp, buột miệng chửi thề khi chàng đỡ hụt và trêu nàng khi chàng đánh banh quá tầm đón của nàng.
“Tệ quá,” nàng kêu lên.
“Chưa chắc,” chàng nói.
Chàng bắt đầu đánh loạn xạ, cố đánh bại nàng, và liên tiếp tung banh vào lưới. Nàng chưa bao giờ nhìn thấy mặt chàng đanh lại như thế. Liệu chàng có hơi nóng nảy vì chơi không khéo? Ánh sáng đã nhạt, và họ ngừng chơi. Người phụ nữ họ đã gặp vẫn đứng tư thế y nguyên như khi họ đến và một lần nữa, với vẻ mặt lãnh đạm nhìn theo khi họ đi qua.
Giờ đây những tấm mành bên hiên đã được cuốn lên, và trên bàn giữa hai chiếc ghế dài bày những chai rượu và nước khoáng. Đây là giờ giải lao đầu tiên trong ngày và Guy pha một vài cốc gin. Dòng sông trải rộng trước mắt họ, và phía bờ bên kia, khu rừng được bao trùm trong vẻ huyền bí của đêm sắp đến. Một người bản xứ đứng trước mũi ghe với hai mái giầm lặng lẽ chèo ngược dòng.
“Anh chơi tồi quá,” Guy nói, phá vỡ sự yên lặng. “Anh không cảm thấy khoẻ lắm.”
“Cơ khổ. Anh không sắp sửa bị cảm sốt đấy chứ?”
“Ồ, không sao đâu. Mai anh sẽ khoẻ lại thôi.”
Bóng tối khép lại gần họ. Ếch nhái kêu ầm ĩ, và hiện thời họ nghe thấy một vài tiếng hót ngắn ngủi của loài chim đêm nào đó. Đom đóm bay chập chờn trước hiên và những cây cối chung quanh trông giống như những cây thông Giáng Sinh thắp sáng với những ngọn nến nhỏ bé. Chúng nhấp nháy nhẹ nhàng. Doris ngỡ mình nghe tiếng thở dài. Nó mơ hồ quấy rầy nàng. Guy thường luôn vui nhộn.
“Cái gì thế, cưng?” nàng nói khẽ. “Nói em nghe nào.”
“Có gì đâu. Đã tới lúc nốc một cốc nữa,” chàng bông đùa.
Ngày hôm sau chàng vui vẻ như thường lệ và bưu phẩm đến. Tàu chạy bằng hơi nước ngang qua cửa sông hai lần mỗi tháng, một lần trên đường tới các mỏ than và một lần quay trở lại. Trong chuyến trở ra, nó mang theo bưu phẩm, Guy gửi một chiếc xuồng để nhận thư. Sự xuất hiện của nó là sự phấn khích cho cuộc sống tẻ nhạt của họ. Trong một hay hai ngày đầu tiên, họ nhanh chóng đọc lướt tất cả những gì đã đến, thư tín, báo chí từ Anh quốc và Singapore, các tạp chí và sách, để dành lại những tuần sau nhẩn nha nghiền ngẫm tiếp. Họ giành giựt nhau những tờ báo minh họa. Nếu Doris không bị thu hút nàng đã có thể nhận ra rằng có một sự thay đổi nơi Guy. Nàng sẽ cảm thấy khó diễn đạt và càng khó giải thích hơn. Trong ánh mắt chàng có một thứ cảnh giác và miệng chàng thoáng trĩu lo âu.
Rồi có lẽ một tuần sau đó, một buổi sáng khi đang ngồi trong phòng mành buông để học ngữ pháp Mã Lai (vì nàng đã chuyên cần học ngôn ngữ này), nàng nghe thấy tiếng huyên náo ngoài sân. Nàng nghe thấy giọng của người hầu, hắn đang nói một cách giận dữ, giọng của một người khác, có lẽ người gánh nước, và sau đó là giọng đàn bà, lanh lảnh và thóa mạ. Có hỗn loạn. Nàng đến bên cửa sổ và vén tấm mành. Người gánh nước nắm cánh tay của người đàn bà và lôi kéo bà đi, trong khi người hầu đang xô đẩy bà từ phía sau bằng cả hai tay. Doris nhận ra ngay người đàn bà mà nàng đã thấy buổi sáng lởn vởn trong sân nhà và sau đó trong ngày ngoài sân quần vợt. Bà đang ôm một đứa bé trước ngực. Cả ba người đều la hét giận dữ.
“Dừng lại,” Doris la lên. “Các người làm gì vậy?”
Nghe tiếng nàng người gánh nước thình lình buông tay và người đàn bà, vẫn bị xô đẩy từ phía sau, bổ nhào xuống đất. Bỗng nhiên có một sự im lặng và người hầu hậm hực ngó mông lung vào khoảng không. Người gánh nước do dự trong chốc lát rồi lỉnh đi. Người đàn bà chậm rãi trỗi dậy, xốc lại đứa bé đang ôm trên tay, và đứng sững nhìn Doris. Người hầu nói gì đó với người đàn bà mà Doris không nghe được cho dù giả thử nàng có thể hiểu: người đàn bà không thay đổi nét mặt chứng tỏ những lời người hầu nói chẳng có tác dụng gì đối với bà; nhưng bà từ từ lui bước. Người hầu theo sát gót bà đến cổng. Doris lên tiếng gọi khi người hầu trở về, song hắn giả tảng không nghe. Giờ thì nàng bực tức và nàng gọi với giọng gắt hơn.
“Lại đây ngay,” nàng kêu.
Lập tức, tránh ánh mắt liếc nhìn phẫn nộ của nàng, người hầu đến gần nhà sàn. Người hầu bước vào và đứng bên cửa, nhìn nàng hờn dỗi.
“Ông làm gì với người đàn bà đó?” nàng hỏi bất chợt.
“Ông chủ nói bà ấy không được đến đây.”
“Ông không được đối xử với phụ nữ như thế. Tôi sẽ không chấp nhận. Tôi sẽ mách với ông chủ chính xác những gì tôi nhìn thấy.”
Người hầu không trả lời. Hắn nhìn lảng, nhưng nàng cảm thấy hắn đang nhìn nàng qua riềm mi dài. Nàng cho phép hắn lui ra.
“Thôi được.”
Người hầu lẳng lặng quay lưng và trở về chỗ ở của gia nhân. Nàng bực bội và thấy không thể nào chú tâm học bài được nữa. Một lát sau người hầu bước vào để trải khăn bàn cho bữa ăn trưa. Đột nhiên hắn tiến ra cửa.
“Chuyện gì thế?” nàng hỏi.
“Ông chủ đã về.”
Người hầu đi ra ngoài đón lấy mũ của Guy. Đôi tai thính của hắn đã nghe được trước nàng những bước chân chàng. Guy đã không bước ngay lên bậc cấp như mọi khi; chàng dừng lại, và Doris liền đoán chừng người hầu đã xuống gặp chàng để kể lại với chàng về sự kiện sáng hôm đó. Nàng nhún vai. Rõ là người hầu muốn mách chuyện trước tiên. Nhưng nàng ngạc nhiên khi Guy bước vào. Sắc mặt chàng nhợt nhạt.
“Guy, có chuyện gì vậy?”
Mặt chàng bỗng đỏ bừng.
“Không có gì. Tại sao?”
Nàng rất đỗi ngạc nhiên đến nỗi nàng để chàng đi thẳng vào phòng mà không nói những gì nàng nôn nóng muốn nói. Chàng tắm và thay quần áo lâu hơn thường lệ và khi chàng bước vào thức ăn trưa đã được bày trên bàn.
“Guy, người đàn bà ấy,” nàng nói, khi họ ngồi vào bàn, “người mà chúng mình gặp hôm nọ đã hiện diện ở đây vào sáng nay.”
“Anh nghe rồi,” chàng trả lời.
“Những người hầu đã ngược đãi bà ấy. Em phải ngăn cản họ. Anh phải thực sự nói chuyện với họ về vụ đó.”
Mặc dù người hầu Mã Lai hiểu rõ những gì nàng nói, nhưng không tỏ dấu hiệu nào rằng hắn đã nghe. Hắn đưa cho nàng lát bánh mì nướng.
“Bà ấy đã được cảnh báo không được bén mảng đến đây. Anh đã ra lệnh nếu còn tự tiện lần nữa, bà ấy sẽ bị đuổi cổ.”
“Họ có buộc phải thô bạo như thế?”
“Bà ấy từ chối ra đi. Anh không nghĩ thô bạo mà là trợ giúp.” “Thật kinh hãi khi nhìn thấy một người phụ nữ bị đối xử như thế. Bà ấy ẵm một đứa bé trên tay.” “Bé bỏng gì. Nó đã ba tuổi.”
“Sao anh biết?”
“Anh biết hết thảy về bà ấy. Bà ấy không có quyền hạn tối thiểu nào để đến đây làm phiền mọi người.”
“Bà ấy muốn gì?”
“Bà ấy muốn làm chính xác những gì bà ấy đã làm. Bà ấy muốn quấy rối.”
Trong một lát Doris không nói gì. Nàng ngạc nhiên bởi giọng nói của chồng. Chàng nói nhát gừng. Chàng nói như thể tất cả những điều này không liên can đến nàng. Nàng nghĩ chàng hơi tàn nhẫn. Chàng nóng nảy và cáu kỉnh.
“Anh nghĩ chúng mình khó có thể chơi quần vợt chiều nay,” chàng nói.
“Có vẻ như trời sắp bão.”
Mưa còn rơi khi nàng tỉnh dậy và không thể ra ngoài. Trong lúc uống trà Guy lặng lẽ và lơ đãng. Nàng soạn đồ may vá và bắt tay vào việc. Guy ngồi đọc nốt những trang báo tiếng Anh mà chàng chưa xem hết; nhưng chàng bứt rứt; chàng rảo bước qua lại trong căn phòng rộng rồi bước ra ngoài hiên. Chàng ngắm nhìn cơn mưa rả rích. Chàng đang nghĩ ngợi gì? Doris mơ hồ cảm thấy hoang mang.
Mãi sau bữa tối chàng mới trò chuyện. Trong suốt bữa ăn thanh đạm chàng đã cố gắng tỏ vẻ vui như bình thường, nhưng sự nỗ lực đã hiển nhiên. Mưa đã ngớt hạt và đêm đầy sao. Họ ngồi bên hiên nhà. Để không thu hút côn trùng họ tắt ngọn đèn trong phòng khách. Dưới chân họ, dòng sông trôi với một vẻ tàn khốc, lừ thừ đáng sợ, lặng lẽ, bí hiểm, và gây thương vong. Nó mang dáng vẻ quyết liệt và khắc nghiệt của định mệnh.
“Doris à, anh có chuyện muốn nói với em,” chàng thốt nhiên nói.
Giọng nói của chàng rất lạ. Có phải nàng tưởng tượng chàng phải khó khăn giữ cho giọng nói được bình thản? Nàng cảm thấy chạnh lòng vì chàng đang phiền muộn, và nàng nhẹ nhàng đặt tay vào tay chàng. Chàng rụt tay lại.
“Câu chuyện khá dài dòng. Anh e rằng nó không dễ nghe và anh không biết phải ăn nói làm sao với em đây. Anh yêu cầu em đừng ngắt lời anh, hoặc nói bất cứ điều gì, cho đến khi anh nói hết.”
Trong bóng tối nàng không thể nhìn thấy khuôn mặt của chàng, nhưng nàng cảm thấy nó tiều tụy. Nàng không trả lời. Chàng nói bằng một giọng quá trầm hầu như khó mà phá vỡ được sự tĩnh lặng của đêm.
“Khi mới chân ướt chân ráo đến đây anh chỉ mới mười tám, và vừa rời ghế nhà trường. Anh đã ở Kuala Solor ba tháng, và sau đó anh được đưa đến một nhiệm sở trên sông Sembulu. Tất nhiên có một viên chức ở tại đó và vợ ông ta. Anh đã cư trú tại tòa án, nhưng anh thường dùng bữa và nán lại chơi buổi tối với họ. Anh đã vui hưởng được một thời gian. Rồi người bạn ngã bệnh và phải trở về nước. Do thời buổi chiến tranh thiếu đàn ông, anh đã được bổ nhiệm trông nom nơi này. Tất nhiên anh còn rất trẻ, nhưng anh đã thông thạo ngôn ngữ như người bản địa, và họ biết thân danh cha anh. Anh cảm thấy an nhiên tự tại.”
Chàng im lặng gõ tro ra khỏi ống vố và nhồi thuốc. Khi chàng bật que diêm, tuy không nhìn nhưng Doris cảm thấy bàn tay chàng run rẩy.
“Anh chưa bao giờ sống một mình. Dĩ nhiên ở nhà có cha mẹ và thường có người giúp việc. Và sau đó ở trường đương nhiên luôn có bạn bè cùng trang lứa vây quanh. Trên thuyền lúc nào cũng có người, và tại K.S., và cũng như nơi đồn trú đầu tiên của anh. Những người ở đó gần giống như người đồng hương. Anh dường như luôn sống giữa đám đông. Anh thích mọi người. Anh là một tiểu quỉ ồn ào. Anh thích vui đùa. Mọi thứ làm anh khuây khỏa và anh cần phải có ai đó để cùng đùa vui. Nhưng ở đây khác biệt. Tất nhiên ban ngày thì không sao; anh bận rộn với công việc và anh có thể trò chuyện với Dyaks. Mặc dù trong những ngày ấy họ là thợ săn đầu người và thỉnh thoảng anh gặp rắc rối với họ, họ là những đồng nghiệp tử tế. Anh với họ hạp ý nhau. Dĩ nhiên là anh thích nói chuyện phiếm với một người đàn ông da trắng, nhưng có họ còn hơn không, và dễ dàng hơn cho anh vì họ không xem anh như người xa lạ. Anh cũng thích công việc. Thật là cô đơn vào buổi chiều tối ngồi bên hiên nhà và uống gin và rượu đắng một mình, nhưng anh có thể đọc sách. Và mấy người hầu quanh quẩn gần đấy. Người hầu của riêng anh tên là Abdul. Hắn đã từng biết thân phụ anh. Khi anh chán đọc sách anh có thể gọi hắn đến tán gẫu.
Những đêm đó đã làm khổ anh. Sau bữa tối, mấy người hầu lẳng lặng rút về ngủ trong bản làng. Anh trơ trọi một mình. Không có tiếng động nào trong nhà ngoại trừ âm thanh của chik-chak. Nó thường vang lên từ cõi tịch mịch, đột ngột, làm anh giật nẩy cả mình. Anh nghe tiếng chiêng cồng hoặc tiếng pháo trong xóm. Họ đang hội họp, không xa lắm, nhưng anh phải ở lại đây. Anh ngán ngẩm không muốn đọc sách nữa. Không khác gì hơn một tù nhân, cầm như anh đang bị ở tù. Đêm nào cũng như đêm nấy. Anh đã thử uống ba hoặc bốn cốc whisky, nhưng uống rượu mà thiếu bạn mất vui, và chẳng tiêu sầu; nó chỉ làm anh cảm thấy khá bẳn gắt vào ngày hôm sau. Anh cố đi ngủ ngay sau bữa tối, nhưng anh không thể ngủ. Anh thường nằm trên giường, người càng nóng ran, và càng thêm trằn trọc, cho đến khi anh không biết phải làm gì với chính mình nữa. Trời hỡi, những đêm đó dài vô tận. Em biết không, anh đã quá hèn, anh cảm thấy tủi thân đến nỗi đôi khi — bây giờ nghĩ lại thấy buồn cười, nhưng thuở ấy mới mười chín tuổi rưỡi — anh thường hay khóc.
Rồi một buổi tối nọ, sau bữa ăn tối, Abdul đã dọn dẹp xong và sắp đi khỏi, hắn khẽ tằng hắng. Hắn hỏi anh không cô đơn sao khi ở một mình suốt đêm? “Ồ, không, có sao đâu,” anh nói. Anh không muốn hắn biết anh là một gã khờ, nhưng anh nghĩ hắn đã tỏ tường. Hắn đứng đó im lìm, và anh biết hắn muốn nói điều gì đó. “Cái gì thế?” Anh bảo. “Nói đi.” Hắn nói nếu anh muốn có một cô gái đến ở chung với anh, hắn biết một người sẵn sàng. Một cô gái tử tế và hắn có thể giới thiệu cho anh. Cô ấy sẽ không phiền nhiễu mà sẽ là người bầu bạn trong nhà. Cô ấy sẽ khâu vá mọi thứ cho anh…. Anh cảm thấy rất buồn nản. Trời mưa suốt cả ngày và anh đã không tập thể dục được. Anh biết mình không nên ngủ nướng. Sẽ không tốn nhiều tiền lắm đâu, hắn nói, nhà cô ấy nghèo và họ khá hài lòng với chút quà mọn. Hai trăm đồng. “Ông xem,” hắn nói. “Nếu ông không thích thì gửi trả cô ấy về.” Anh hỏi cô ấy ở đâu. “Cô ấy ở ngay đây,” hắn nói. “Để tôi gọi cô.” Hắn đi ra cửa. Cô đã chờ đợi trên bậc tam cấp với người mẹ. Họ bước vào và ngồi xuống sàn. Anh chiêu đãi họ đồ ngọt. Cô nhút nhát, tất nhiên, nhưng trầm tĩnh, và khi anh nói điều gì đó với cô, cô đã cho anh một nụ cười. Cô còn rất trẻ, chỉ nhỉnh hơn một đứa trẻ, họ nói cô mười lăm tuổi. Cô thật xinh xắn, và cô mặc bộ quần áo tươm tất. Bọn anh bắt đầu hỏi han. Cô không nói nhiều, nhưng hay cười khi anh đùa giỡn với cô. Abdul nói anh sẽ thấy cô có rất nhiều điều để chuyện trò khi thân thiết hơn với anh. Hắn bảo cô lại ngồi cạnh anh. Cô cười khúc khích và từ chối, nhưng người mẹ bảo cô đến, và anh nhích qua nhường chỗ trên ghế cho cô. Cô đỏ mặt cười, nhưng rồi cô đến sà vào lòng anh. Người hầu cũng cười. “Kìa, cô ấy đã thích ông rồi đó,” hắn nói. “Ông có muốn cô ở lại không?” Hắn hỏi. “Cô có muốn không?” Anh nói với cô. Cô giấu mặt trên vai anh, rúc rích cười. Cô rất mềm mại và nhỏ nhắn. “Tốt lắm,” anh nói, “hãy để cô ấy ở lại.”
Guy nghiêng người về phía trước và nhắp rượu whisky pha soda.
“Em có thể nói bây giờ được chưa?” Doris hỏi.
“Gượm hẵng, anh chưa nói hết. Anh đâu có phải lòng cô ấy, thậm chí ngay từ ban đầu. Anh chỉ để cô ấy ở lại cho có bầu bạn trong nhà. Nếu không, anh nghĩ dám chừng anh sẽ nổi điên, hoặc sẽ uống rượu như hủ chìm để giải khuây. Anh đã ở bước đường cùng. Anh còn quá trẻ để sống cô độc. Anh chưa bao giờ yêu ai ngoại trừ em.” Chàng lưỡng lự một lát. “Cô ấy sống ở đây cho đến khi anh về thăm nhà hồi năm ngoái. Đó là người đàn bà mà em đã nhìn thấy lảng vảng quanh đây.”
“Vâng, em đoán chừng thế. Bà ấy ẵm một đứa nhỏ. Đó là con của anh?”
“Đúng thế. Đó là một bé gái.”
“Nó là đứa duy nhất?”
“Em đã nhìn thấy hai thằng nhóc hôm nọ trong xóm. Em đã nhắc về chúng.”
“Vậy bà ấy có ba đứa con?”
“Đúng vậy.”
“Thì ra anh đã bầu đoàn một gánh.”
Nàng cảm thấy nơi chàng cử chỉ bất ngờ nảy từ lời phát biểu của nàng, nhưng nàng không nói gì.
“Bà ấy không biết anh đã lập gia đình cho đến khi anh đột nhiên trở về đây với vợ?” Doris hỏi.
“Bà ấy biết anh sắp sửa kết hôn.”
“Hồi nào?”
“Anh đã gửi trả bà ấy về làng trước khi rời khỏi nơi này. Anh nói với bà ấy rằng đã tới lúc chấm dứt mọi quan hệ. Anh đã cho bà ấy những gì anh hứa. Bà ấy luôn biết đó chỉ là sự sắp xếp tạm thời. Anh đã chán ngán. Anh nói với bà ấy rằng anh sẽ lấy một người phụ nữ da trắng.”
“Nhưng lúc đó anh đâu đã gặp em.”
“Không, anh biết. Nhưng anh đã quyết định kết hôn khi anh ở nhà.” Chàng cười khúc khích như thường lệ. “Anh không ngại nói với em rằng anh khá tuyệt vọng khi gặp em. Anh đã yêu em ngay từ giây phút đầu tiên và rồi anh biết đó là em hoặc không ai cả.”
“Tại sao anh đã không bày tỏ với em? Anh không nghĩ rằng phải nên công bằng cho em một cơ hội để tự mình cân nhắc? Có thể anh đã ngờ rằng một cô gái sẽ kinh hãi khi biết rằng chồng mình đã từng mười năm ăn ở và có ba mặt con với một cô gái khác.”
“Anh không trông mong em hiểu. Tình huống ở đây đặc biệt. Chuyện bình thường thôi em ạ. Năm trong sáu người đàn ông làm điều đó. Anh nghĩ có thể em sẽ kinh hãi và anh không muốn mất em. Em thấy không, anh đã yêu em say đắm. Giờ đây, cưng ơi, anh si mê em. Không có lý do gì mà em cần phải bận tâm. Anh đã không dự trù quay về đây. Người ta hiếm khi trở lại nhiệm sở cũ sau khi về thăm nhà. Khi chúng mình đến đây anh hứa cho bà ấy tiền để dọn qua một làng khác. Ban đầu bà ấy bằng lòng và sau đó lại đổi ý.”
“Tại sao bây giờ anh lại nói với em?”
“Bà ấy quấy nhiễu bấy lâu nay. Anh không biết sao mà bà ấy khám phá rằng em hoàn toàn không hay biết gì. Ngay lập tức bà ấy bắt đầu tống tiền anh. Anh đã phải cho bà ấy khá bộn tiền. Anh ra lệnh cấm bà ấy không được phép lai vãng khu vực này. Sáng nay, bà ấy gây náo động cốt để thu hút sự chú ý của em. Bà ấy muốn dọa nạt anh. Không thể nào tiếp tục như thế mãi. Anh nghĩ điều duy nhất là phải bạch hóa vấn đề.”
Có một sự im lặng kéo dài khi chàng dứt lời. Cuối cùng chàng đặt tay lên bàn tay nàng. “Em hiểu chứ, Doris, phải không? Anh biết anh có lỗi.”
Bàn tay nàng bất động. Nàng cảm thấy nó lạnh ngắt dưới tay chàng.
“Bà ấy có ghen không?”
“Anh dám nói rằng khi sống ở đây bà ấy được nhiều bổng lộc, và anh nghĩ rằng bà ấy chẳng mấy vui khi không còn thừa hưởng nữa. Nhưng bà ấy không bao giờ yêu anh cũng như anh đã không yêu bà ấy. Phụ nữ bản xứ không bao giờ thực sự yêu qúy đàn ông da trắng, em biết đấy.”
“Và bầy trẻ thì sao?”
“Ồ, bầy trẻ đều ổn thỏa cả. Anh vẫn chu cấp cho chúng. Ngay khi các cậu bé đến tuổi, anh sẽ gửi chúng qua Singapore du học.”
“Anh không có tình nghĩa gì với chúng sao?”
Chàng ngập ngừng.
“Anh muốn bộc bạch với em. Anh sẽ buồn nếu có chuyện gì xảy ra cho chúng. Khi hoài thai đứa đầu anh nghĩ sẽ thích nó nhiều hơn cả mẹ nó. Anh tưởng rằng anh sẽ thích nếu nó da trắng. Tất nhiên, khi nó còn bé, nó khá ngộ nghĩnh và làm anh động lòng, nhưng anh không có cảm giác đặc biệt nó là con anh. Đó là những gì anh nghĩ; em à, anh không có cảm giác chúng thuộc về mình. Đôi khi anh tự trách, bởi vì điều đó có vẻ không tự nhiên, nhưng thật sự đối với anh chúng chẳng khác gì con của người dưng. Tất nhiên những người chưa từng cưu mang nói nhiều tình cảm ủy mị về trẻ nhỏ.”
Bây giờ nàng đã nghe tất thảy. Chàng đợi nàng nói, nhưng nàng không nói gì. Nàng ngồi lặng thinh.
“Em muốn hỏi điều gì không, Doris?” cuối cùng chàng nói.
“Không, em hơi nhức đầu. Em nghĩ em sẽ đi ngủ.” Giọng nàng vẫn bình thản như thường lệ. “Em không biết phải nói gì. Tất nhiên mọi sự quá bất ngờ. Anh phải cho em chút ít thời gian để suy nghĩ.”
“Em có giận anh không?’
‘Không. Không hề. Chỉ là — chỉ là em phải ở một mình trong chốc lát. Đừng cử động. Em đi ngủ đây.”
Nàng trỗi dậy từ tràng kỷ và đặt tay lên vai chàng.
“Tối nay nóng nực quá. Em muốn anh ngủ trong phòng riêng của anh. Chúc anh ngủ ngon.”
Nàng đã rời khỏi. Chàng nghe tiếng nàng khóa cửa phòng ngủ.
Ngày hôm sau nàng trông xanh xao và chàng nhận ra rằng nàng đã bị mất ngủ. Cung cách đối xử của nàng không gay gắt, nàng trò chuyện bình thường, nhưng không tự nhiên; nàng nói về điều này điều nọ như thể đang tiếp chuyện với một người lạ. Họ chưa từng xích mích, nhưng đối với Guy nàng nói năng như thể họ đã có chuyện bất đồng và sau khi giải hòa nàng vẫn còn bị tổn thương. Ánh mắt của nàng khiến chàng ngỡ ngàng; chàng dường như nhìn thấy từ đó nỗi âu lo kỳ dị. Ngay sau bữa ăn tối nàng nói:
“Hôm nay em không cảm thấy được khoẻ. Em nghĩ em sẽ đi ngủ ngay đây.”
“Ồ, tội nghiệp cưng của anh, anh rất tiếc,” chàng kêu lên.
“Không sao cả. Trong nay mai em sẽ khoẻ lại.”
“Lát nữa anh sẽ vào thăm em.”
“Không, đừng làm thế. Em sẽ ráng ngủ ngay.”
“Vậy thì hôn anh đi.”
Anh thấy mặt nàng đỏ bừng. Trong khoảnh khắc, nàng có vẻ ngần ngại; sau đó, lảng tránh ánh mắt, nàng nghiêng về phía chàng. Chàng ôm nàng vào lòng và tìm môi nàng, nhưng nàng ngoảnh mặt đi và chàng hôn lên má nàng. Nàng vội rời chàng và một lần nữa chàng nghe thấy tiếng khóa cửa khẽ khàng. Chàng ngồi phịch xuống ghế. Chàng cố gắng đọc, song tai chàng lắng nghe âm thanh nhỏ nhất trong phòng của vợ. Nàng nói rằng nàng sẽ đi ngủ, nhưng chàng không nghe động tĩnh gì. Sự yên lặng làm chàng bứt rứt một cách dị thường. Đưa bàn tay che ánh đèn, chàng thấy ánh sáng le lói dưới khe cửa phòng nàng; nàng chưa tắt đèn. Nàng đang làm gì thế? Chàng đặt cuốn sách xuống. Chàng sẽ không ngạc nhiên nếu nàng nổi giận, hoặc giả nàng khóc; chàng có thể đối phó với điều đó; nhưng sự điềm tĩnh của nàng khiến chàng hoảng sợ. Và rồi nỗi âu lo hiển lộ trong mắt nàng có ý nghĩa gì? Chàng hồi tưởng những gì chàng nói với nàng vào đêm hôm trước. Chàng không biết cách nào khác hơn để trình bày. Tựu trung chàng hành xử như mọi người khác, và tất cả đã qua lâu rồi trước khi gặp nàng. Hóa ra lâu nay chàng là kẻ bị phỉnh lừa, nhưng rồi bất kỳ ai cũng có thể học khôn. Chàng đặt tay lên tim. Kỳ quái thay chỗ đó làm chàng nhức nhối.
“Đấy phải chăng là cái điều người ta ám chỉ khi bảo khổ lụy vì tình,” chàng tự nhủ. “Sẽ cứ như thế này trong bao lâu nữa nhỉ?”
Liệu chàng có nên gõ cửa và cho nàng hay rằng chàng phải bàn chuyện với nàng? Tốt hơn nên giãi bày cùng nhau. Chàng phải làm cho nàng hiểu. Nhưng sự yên lặng khiến chàng lo ngại. Không một âm thanh! Có lẽ tốt hơn cứ để cho nàng yên một mình. Tất nhiên nó đã là một cú sốc. Chàng phải cho nàng đầy đủ thời gian cần thiết. Rốt cuộc, nàng biết rằng chàng hết lòng yêu nàng nhường nào. Sự kiên nhẫn, đó là điều nhất thiết; có lẽ nàng đang chống chọi với chính mình; chàng phải cho nàng thời gian; chàng phải kiên nhẫn. Sáng hôm sau, chàng hỏi nàng có ngủ ngon hơn không.
“Vâng, rất ư,” nàng nói.
“Em có giận anh nhiều lắm không?” chàng sầu thảm hỏi. Nàng nhìn chàng, mắt ngây tròn.
“Không hề.”
“Cưng ơi, anh mừng lắm. Anh là con thú hoang đàng. Thật phiền lụy cho em. Nhưng hãy tha thứ cho anh. Anh đau khổ lắm.”
“Em tha thứ cho anh. Em không hề oán trách anh.”
Chàng cười ủ ê, và trong mắt chàng là ánh nhìn của một con chó bị ốm đòn.
“Hai đêm qua anh chẳng thích ngủ một mình chút nào cả.”
Nàng ngó lơ. Sắc mặt nàng trở nên nhợt nhạt hơn.
“Em đã dẹp chiếc giường trong phòng. Nó choáng chỗ lắm. Em đã kê một cái chõng thế vào chỗ đó.”
“Cưng à, em nói gì vậy?”
Bây giờ nàng trân trối nhìn chàng.
“Em sẽ không chung sống với anh như vợ anh nữa.”
“Không bao giờ nữa ư?”
Nàng lắc đầu. Chàng ngỡ ngàng nhìn nàng. Khó có thể tin rằng chàng đã nghe rõ và tim chàng bắt đầu đập mạnh.
“Nhưng vậy thì bất công cho anh quá, Doris.”
“Sao anh không nghĩ điều hơi không công bằng khi đặt để em vào tình huống này?”
“Nhưng em vừa nói em không oán trách anh cơ mà.”
“Điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng điều kia thì khác. Đó là điều bất khả.”
“Nhưng chúng mình sống cùng nhau cứ như vầy sao đành?”
Nàng ngó trân sàn nhà, dường suy nghĩ lung lắm.
“Tối hôm qua, khi anh muốn hôn môi em — khiến cho em muốn bệnh luôn.”
“Doris.”
Nàng bất ngờ nhìn chàng và ánh mắt nàng lạnh và sắc.
“Cái giường em ngủ trước đây, đó là cái giường mà bà ấy đã có con với anh?”
Nàng thấy chàng đỏ bừng mặt. “Ồ, khiếp thật. Sao anh nỡ lòng nào?” Nàng xoắn hai bàn tay vào nhau, và những ngón tay bị tra tấn vặn vẹo trông như những con rắn nhỏ quằn quại. Nhưng nàng gắng tự trấn tĩnh. “Em đã nhất quyết. Em không muốn xử sự tệ bạc với anh, nhưng có những điều mà anh không thể yêu cầu em làm. Em đã suy ngẫm. Em đã không nghĩ gì khác hơn kể từ khi anh nói với em, đêm ngày, cho đến khi em kiệt sức. Bản năng nguyên thủy là phải rũ áo ra đi. Ngay tức khắc. Chuyến tàu sẽ đến đây trong hai hoặc ba ngày nữa.”
“Anh yêu em; điều đó không có nghĩa lý gì đối với em sao?”
“Vâng, em biết anh yêu em. Em thật không cam lòng. Em muốn cho cả hai chúng mình một cơ hội. Em đã yêu anh biết bao nhiêu, Guy. Giọng nàng lạc đi, nhưng nàng không khóc. “Em không muốn là người vô lối. Có trời chứng giám, em không muốn là người vô tâm. Guy, anh sẽ cho em thời gian chứ?”
“Anh không hiểu ý em muốn gì.”
“Em chỉ muốn anh để mặc em. Em sợ hãi bởi những cảm xúc của em.”
Chàng đoán đúng; Nàng sợ hãi. “Cảm xúc gì?”
“Xin anh đừng hỏi. Em không muốn nói bất cứ điều gì xúc phạm anh. Có lẽ em sẽ vượt qua được. Có trời chứng giám, em muốn. Em sẽ cố gắng, em hứa với anh. Em sẽ cố gắng. Hãy cho em sáu tháng. Em sẽ làm tất cả mọi thứ trên đời vì anh, duy chỉ một điều đó thôi.” Dáng điệu nàng khẩn khoản. “Không có lý do gì mà chúng ta không thể đắp bồi hạnh phúc cho nhau. Nếu anh thực tình yêu em, anh sẽ kiên nhẫn.”
Chàng thở dài.
“Vậy thôi,” chàng nói. “Đương nhiên anh không muốn buộc em phải làm bất cứ điều gì mình không thích. Anh sẽ chìu theo ý em.”
Chàng ngồi gắng gượng trong khoảnh khắc, như thể bỗng chốc già cỗi, phải ráng hết sức để cử động; rồi chàng đứng dậy.
“Anh đi làm đây.”
Chàng cầm lấy nón và bước ra ngoài.
Một tháng trôi qua. Đàn bà che giấu cảm xúc của họ khéo léo hơn đàn ông và một người lạ đến thăm sẽ không hề ngờ rằng Doris đang buồn phiền. Nhưng nơi Guy, sự căng thẳng hiển hiện; khuôn mặt tròn đầy vui tươi nay bơ phờ, và ánh nhìn bồn chồn, thờ thẫn. Chàng nhìn Doris. Nàng hồn nhiên và trêu ghẹo chàng như bình thường; họ chơi quần vợt với nhau; họ nói chuyện này chuyện nọ. Nhưng rõ ràng là nàng chỉ nhập vai diễn, và cuối cùng, không thể kiềm chế, chàng cố gắng nhắc lại mối quan hệ với người đàn bà Mã Lai.
“Ồ, Guy, không việc gì phải nhắc lại,” nàng vui vẻ đáp. “Chúng mình đã nói hết những gì cần phải nói về chuyện ấy và em không mảy may oán trách anh.”
“Vậy cớ sao em lại trừng phạt anh?”
“Cơ khổ, em nào muốn trừng phạt anh. Đó không phải lỗi của em nếu…” nàng nhún vai. “Bản chất con người rất kỳ quặc.”
“Anh không hiểu.”
“Đừng cố.”
Lời nói có thể chua chát, nhưng trở nên êm ái với nụ cười dịu dàng, thân thiết của nàng. Mỗi đêm khi đi ngủ, nàng nghiêng người và nhẹ nhàng hôn lên má Guy. Môi nàng chỉ chạm phớt vào má chàng, tựa hồ như một cánh bướm đêm vừa khẽ lướt qua mặt chàng rồi vút bay đi mất.
Tháng thứ hai trôi qua, rồi tháng thứ ba, và đột nhiên sáu tháng tưởng chừng như vô tận đã kết thúc. Guy tự hỏi liệu nàng có còn nhớ không. Bây giờ chàng hồi hộp để ý đến từng lời nói, từng nét mặt và nhất cử nhất động của nàng. Nàng vẫn thâm u bí ẩn. Nàng yêu cầu chàng cho nàng sáu tháng; thì thế, chàng đã cho nàng.
Tàu chạy bằng hơi nước vượt qua cửa sông, giao bưu thiếp và tiếp tục lộ trình. Guy bận rộn thảo những lá thư để kịp gửi đi khi chuyến tàu trở lại. Hai hoặc ba ngày trôi qua. Đó là ngày thứ Ba trong tuần và chiếc ghe được khởi hành vào tảng sáng thứ Năm để chờ tàu. Ngoại trừ vào bữa ăn Doris gắng gượng chuyện trò, lâu nay họ đã không còn hàn huyên; và sau bữa tối như thường lệ họ đọc sách; nhưng khi người hầu dọn dẹp xong và đã rời khỏi Doris buông sách.
“Guy, em có chuyện muốn nói với anh,” nàng thì thầm.
Tim chàng bấn loạn và chàng cảm thấy mình biến sắc.
“Ồ, anh yêu, đừng thế chứ, không khủng khiếp lắm đâu,” nàng cười. Nhưng chàng nghĩ giọng nàng hơi run.
“Chuyện gì vậy em?”
“Em muốn xin anh một điều.”
“Cưng ơi, anh sẽ làm bất cứ điều gì trên đời cho em.”
Chàng chìa bàn tay đón lấy tay nàng, nhưng nàng rụt tay lại.
“Em muốn anh để em về nhà.”
“Sao em?” chàng kêu lên, kinh ngạc. “Chừng nào? Tại sao?”
“Em đã ráng hết sức chịu đựng. Em đang ở bước đường cùng.”
“Em muốn về trong bao lâu? Về hẳn ư?”
“Em không biết. Em nghĩ vậy.” Nàng quả quyết. “Vâng, về hẳn.”
“Ôi, trời hỡi!”
Giọng chàng oà vỡ và nàng nghĩ chàng sắp khóc.
“Ồ, Guy, đừng đổ lỗi cho em. Đó thực sự không phải lỗi tại em. Em không thể cưỡng lại được.”
“Em xin anh sáu tháng. Anh chấp nhận điều kiện của em. Em không thể nói rằng anh đã làm phiền lòng em.”
“Ồ, không.”
“Anh ráng không để cho em thấy thời gian qua anh đã phải khốn đốn thế nào.”
“Em biết. Em mang ơn anh. Anh đã quá tử tế với em. Này anh, em muốn nói với anh một lần nữa rằng em không mảy may quy lỗi cho anh. Rốt cuộc, anh chỉ là một thanh niên, và anh đã hành xử không khác hơn mọi người; em biết ở đây cô đơn. Ồ, anh yêu, em rất tiếc cho anh. Em biết tất cả những điều đó ngay từ đầu. Đó là lý do em xin anh sáu tháng. Lẽ thường tình thì em đang chuyện bé xé ra to. Em không hợp lý; em không công bằng với anh. Nhưng, anh biết đấy, không có gì liên quan đến lẽ thường tình cả; tâm hồn em nổi loạn. Khi nhìn thấy người đàn bà và con cái của bà ấy trong làng, em chỉ cảm thấy chân run lẩy bẩy. Mọi thứ trong ngôi nhà này; khi nghĩ tới cái giường ấy mà em đã nằm ngủ, em rợn cả người…. Anh không biết những gì em đã chịu đựng.”
“Anh nghĩ rằng anh đã thuyết phục bà ấy đi khỏi. Và anh đã nộp đơn xin thuyên chuyển.”
“Điều đó không cứu vãn được gì. Bà ấy sẽ luôn hiện diện ở đấy. Anh thuộc về họ, anh không thuộc về em. Em nghĩ em có thể cam chịu nếu giả thử chỉ có một đứa trẻ, nhưng đằng này có đến ba đứa; và các cậu bé khá lớn. Trong mười năm anh đã chung sống với bà ấy.” Và bây giờ nàng thổ lộ những nỗi niềm chất chứa trong lòng. Nàng tuyệt vọng. “Đó là vấn đề thể chất, em không thể làm gì khác hơn được, lực bất tòng tâm. Em mường tượng những nhánh tay đen mỏng mảnh ấy của người đàn bà quấn quýt anh và điều đó làm em nghẹn ứ với cảm giác buồn nôn. Em mường tượng anh ôm những đứa bé da đen trong vòng tay. Ồ, thật ghê rợn. Sự đụng chạm của anh khiến em nhờm tởm. Mỗi đêm, khi em hôn anh, em đã phải ráng gồng mình. Em đã phải siết chặt nắm tay và buộc mình chạm vào má anh.” Hiện thời những ngón tay nàng xoắn và buông trong thống khổ, và giọng nàng lạc đi. “Em biết rằng bây giờ em là người đáng trách. Em là người đàn bà mông muội, loạn trí. Em tưởng có thể khắc phục, nhưng em không thể, và sẽ không bao giờ. Em đã tự chuốc vạ vào thân; em sẵn sàng chấp nhận hậu quả; nếu anh bảo em phải ở lại đây, em sẽ ở lại, nhưng nếu em ở lại em sẽ chết mất. Em van anh hãy để em về.”
Giờ đây những giọt nước mắt mà nàng cố kìm nén đã lâu dâng trào và nàng òa khóc nức nở. Chàng chưa bao giờ thấy nàng khóc.
“Tất nhiên là anh không muốn giữ em ở đây ngược lại ý em,” chàng khàn giọng.
Mệt lả, nàng dựa lưng vào ghế. Khuôn mặt của nàng lệch lạc và biến dạng. Thật não lòng khi nhìn thấy sự buông thả của khổ đau trên khuôn mặt vốn dĩ trầm tĩnh đó.
“Em xin lỗi, Guy. Em đã làm dang dở đời anh, nhưng em cũng đã làm dang dở đời em. Đáng lý chúng mình đã rất hạnh phúc.”
“Chừng nào em muốn về? Vào thứ Năm?”
“Vâng.”
Nàng nhìn chàng sầu thảm. Chàng vùi mặt trong tay. Cuối cùng chàng ngước nhìn lên.
“Anh mệt nhoài,” chàng lẩm bẩm. “Anh đi nghỉ nhé?”
“Vâng.”
Trong hai phút có lẽ họ ngồi đó mà không thốt một lời nào. Nàng kinh ngạc khi chik-chak kêu chói tai, khàn và lạ lùng giống như tiếng người than khóc. Guy đứng dậy và bước ra hàng hiên. Chàng tựa vào thành lan can và nhìn dòng nước nhẹ nhàng trôi. Chàng nghe Doris đi vào phòng nàng.
Sáng hôm sau, dậy sớm hơn mọi khi, chàng đến gõ cửa phòng nàng.
“Vâng?”
“Anh phải lên thượng nguồn hôm nay. Anh sẽ về trễ.”
“Vâng.”
Nàng hiểu. Chàng mượn cớ vắng nhà suốt ngày để khỏi phải lẩn quẩn khi nàng sửa soạn hành lý. Đó là việc làm xốn xang lòng. Khi thu xếp quần áo, nàng lướt quanh căn phòng khách nhìn những món đồ thuộc về nàng. Dường kinh hãi khi phải mang chúng theo, nàng để lại tất cả mọi thứ trừ tranh ảnh mẹ nàng. Mãi đến mười giờ đêm Guy mới về.
“Anh xin lỗi đã không thể về ăn tối,” chàng nói. “Người trưởng làng mà anh đến gặp có khối việc để anh phải lo liệu.”
Nàng nhìn thấy mắt chàng dạo quanh phòng và nhận thấy tranh ảnh của mẹ nàng không còn ở vị trí cũ nữa.
“Mọi thứ đã sẵn sàng chưa?” chàng hỏi. “Anh đã ra lệnh cho người lái đò đến đón ở bậc thềm vào lúc bình minh.”
“Em đã dặn người hầu đánh thức em vào lúc năm giờ.”
“Anh sẽ đưa em một số tiền.” Chàng đến thư án và viết một tấm ngân phiếu. Chàng lấy một ít tờ giấy bạc từ ngăn kéo. “Đây là tiền lộ phí đến Singapore và ở Singapore em sẽ có thể đổi ngân phiếu.”
“Cám ơn anh.”
“Em có muốn anh tiễn em đến cửa sông?”
“Ồ, em nghĩ tốt hơn nếu chúng mình chào từ biệt ở đây.”
“Được thôi. Anh nghĩ anh sẽ đi ngủ đây. Anh đã có một ngày dài và anh mệt nhừ tử.”
Chàng thậm chí đã không chạm tay nàng. Chàng vào phòng. Chỉ nội vài phút nàng nghe thấy chàng vật mình lên giường. Trong khoảnh khắc nàng ngồi nhìn lần cuối cùng căn phòng mà nàng đã nếm mùi hạnh phúc và tân khổ. Nàng thở dài. Nàng đứng dậy và đi vào phòng riêng. Hành trang đã được gói ghém, ngoại trừ một hoặc hai thứ nàng cần vào ban đêm.
Trời còn tối khi người hầu đánh thức họ. Họ vội vã thay quần áo và khi chuẩn bị xong bữa điểm tâm đã bày sẵn chờ họ. Hiện giờ, họ nghe tiếng mái chèo khua bên bến sông dưới căn nhà sàn, rồi những người hầu khiêng hành lý xuống. Họ giả bộ ăn uống qua loa. Bóng tối tan dần và dòng sông ảm đạm. Ngày chưa đến, nhưng đêm không còn nữa. Trong thanh vắng tiếng nói của người bản xứ nghe rõ mồn một nơi bến sông. Guy liếc nhìn đĩa thức ăn của vợ còn nguyên chưa chạm đến.
“Nếu em đã dùng xong bữa mình có thể đi bộ xuống. Anh nghĩ em nên khởi hành.”
Nàng không trả lời. Nàng đứng dậy rời khỏi bàn. Nàng vào phòng để xem xét không có gì bỏ sót lại và sau đó cùng chàng bước xuống bậc thang. Lối ngõ nhỏ quanh co đưa họ ra bờ sông. Nơi bến sông, một đội ngũ cận vệ người bản xứ sắc phục chỉnh tề đã xếp hàng và họ đưa tay nghiêm chào khi Guy và Doris đi qua. Người trưởng đội chèo đưa tay đón nàng bước xuống thuyền. Nàng quay lại nhìn Guy. Nàng tuyệt vọng muốn nói một lời an ủi cuối cùng, một lần nữa để xin chàng tha thứ, nhưng nàng dường nghẹn lời.
Chàng chìa tay.
“Thôi, chào em, chúc em thượng lộ bình an.” Họ bắt tay nhau.
Guy gật đầu ra hiệu cho người trưởng đội chèo và thuyền rời bến. Hừng đông mập mờ trườn theo dòng sông, nhưng đêm vẫn còn lẩn trốn trong những lùm cây rừng âm u. Chàng đứng ở bến sông cho đến khi thuyền nhòa khuất vào bóng tối của buổi sáng. Với một tiếng thở dài chàng quay bước. Chàng hờ hững gật đầu đáp lễ khi đoàn cận vệ đưa tay nghiêm chào một lần nữa. Khi về đến nhà chàng gọi người hầu. Chàng đi quanh căn phòng để gom nhặt các món đồ thuộc về Doris.
“Gói hết lại những thứ này,” chàng nói. “Phô bày mà chi.”
Rồi chàng ra ngoài hiên ngồi nhìn ngày trôi qua như một nỗi buồn chất ngất, vô vị và cay đắng. Cuối cùng chàng nhìn đồng hồ. Đã đến lúc chàng vào sở.
Vào buổi chiều đầu chàng đau nhức không sao ngủ được, chàng bèn xách súng đi lang thang trong rừng. Chàng không bắn gì cả, nhưng chàng bước đi cốt để thân mình thấm mệt. Khi bóng chiều ngả hoàng hôn chàng trở về và uống hai hoặc ba cốc rượu, và rồi đó là lúc thay y phục cho bữa ăn tối. Bây giờ việc phục sức tươm tất không còn cần thiết; chàng có thể thoải mái; chàng mặc áo khoác rộng và váy sarong. Đó là những gì chàng vẫn thường mặc trước khi Doris đến. Chàng đi chân trần. Chàng thờ ơ dùng bữa và người hầu dọn dẹp và đã rời khỏi. Chàng ngồi đọc báo Tatler. Căn nhà lặng ngắt. Chàng không thể đọc và để rơi tờ báo trên đầu gối. Chàng mệt rã rượi. Chàng không thể nghĩ ngợi gì và tâm trí của chàng trống rỗng một cách kỳ lạ. Đêm đó chik-chak kêu ầm ĩ và tiếng khàn khàn và đột ngột của nó dường như nhạo báng chàng. Khó có thể tin rằng âm thanh vang dội này xuất phát từ một cổ họng nhỏ xíu. Hiện thời chàng nghe một tiếng ho khan.
“Ai đó?” chàng kêu lên.
Có một khoảng thời gian ngưng đọng. Chàng nhìn ra cửa. Chik-chak bật cười rộ lên. Một cậu bé rón rén vào và đứng nơi ngưỡng cửa. Cậu bé lai nhếch nhác trong chiếc áo rách và sarong. Đó là đứa lớn trong hai con trai của chàng.
“Mày muốn gì?” Guy nói.
Thằng bé bước vào phòng và ngồi bệt xuống, co cẳng dưới váy.
“Ai khiến mày đến đây?”
“Mẹ sai con. Mẹ hỏi bố có cần gì không?”
Guy chăm chú nhìn thằng bé. Nó không nói gì thêm. Nó ngồi và chờ đợi, hạ thấp ánh mắt. Đương khi ấy Guy chìm đắm trong hồi tưởng cay đắng vùi mặt vào lòng bàn tay. Còn gì nữa đâu? Thôi đã hết.
Đã kết thúc! Chàng đầu hàng. Chàng ngồi xuống ghế và thở dài.
“Bảo mẹ mày khăn gói về đây.” “Chừng nào?” thằng bé hỏi, thản nhiên.
Những giọt lệ nóng lăn trên khuôn mặt bầu bĩnh, lấm tấm mụn và khôi hài của Guy.
“Tối nay.”

W. Somerset Maugham (1874—1965)
Yên Nhiên chuyển ngữ.