26 May 2018

NGƯỜI KHUẤT BÓNG - Hồ Đình Nghiêm



Nhạn bay
dinhcuong


Đã có bao giờ bạn ngồi như thế này, mắt phóng nhìn qua bên kia sông để rồi bạn chẳng thấy gì cả. Đã có phút giây nào bạn bỗng trở nên mù loà. Đôi mắt bạn không chịu làm việc, hoặc có chăng bạn chỉ thấy những hình bóng cũ chập chùng hiện ra. Bạn ngồi sững người và đầu óc bạn mê muội lịm dần giữa những hình ảnh hoang mang đó. Coi kìa, chiếc bus voyageur đầy bùn lầy kia đang chạy qua cầu để chở khách đường xa vào thành phố. Bạn có tưởng được rằng có khi dưới mắt mình nó là một chiếc xe đò chạy suốt Huế-Nha Trang-Saigon. Bùn lầy bám nơi thân kia là dấu tích của một cơn mưa rơi dầm dề ngoài miền Trung vào hong khô bằng những trận nắng choáng váng đường lộ dẫn đến Hòn Ngọc Viễn Đông. Những mưa ướt sũng kỷ niệm. Và những nắng bồi hồi làm chín vàng tình yêu.
Tôi định hỏi bạn để có chuyện mà nói. Chúng ta ngồi im đã lâu. Nhưng bạn đã hỏi tôi với một tiếng thở dài đi trước.

– Cho Gia một điếu thuốc đi.
– Đã uống bia, bây giờ còn giở trò hút thuốc nữa?
– Thì đã sao. Ai đẻ ra lề luật để trói buộc vậy?
– Không ai cả. Vì ngày xưa có thấy Gia làm vậy đâu.
– Ngày xưa!
Đóm lửa gas cháy ngọn xanh. Bóng tối vây lấy chúng tôi bị nó đẩy đi một vũng lung linh. Qua đó, thấy mặt Gia hồng. Đôi mắt ướt đen cúi nhìn điếu thuốc miệng ngậm. Và đầu lửa đỏ. Mùi thuốc gội đầu thơm nhẹ một loài hoa rồi hoà với khói cháy nồng đậm Marlboro. Tôi tắt lửa. Gia ho khan.
– Hồi nãy anh đi đâu?
– Có đi hồi nào. Suốt một ngày ở cấm cung.
– Gia phone lần thứ ba mới có trả lời.
– Có thể hai lần trước nhằm lúc đang tắm. Hoặc giả vì cái cassette Walkman, nằm lim dim nghe nhạc nên hồn lạc vía.
– Anh nghe nhạc gì vậy?
– Băng để lung tung, bạ gì nghe đó. Anh có, Pháp có, Việt có. Có những bản mình tưởng dở không đoái hoài tới, ai dè tình cờ nghe lại thấy lạnh cả người.
Tôi định nói thêm với Gia đó là những bản nhạc mà Gia đã từng nghe qua, với tôi, trong một quán nước đâu đó ở bên nhà. Đường Nguyễn Du. Đường Gia Long. Đường Hai Bà Trưng. Hay Nguyễn Huệ, Tự Do. Một tình khúc trắc trở. Một thứ định mệnh dành cho nhân vật chính và ngôi thứ hai. Just me and you. Dạo đó tôi yêu Gia. Bây giờ tôi vẫn còn giữ, dầu tôi biết đã có thực sự thứ định mệnh trắc trở xen vào ngay từ buổi đầu như lời bài hát. Một tháng Tư năm nào. Một hận thù khởi đi. Đọa đày chất ngất. Ly tán đầy rẫy. Bần cùng đẻ sinh… Làm sao nói đủ một vòng đời lật ngữa? Có chăng chỉ là những hoài niệm để thấy rằng quá khứ vẫn luôn tiềm ẩn những cái thơ mộng mà trước đây ta không nhìn thấy, ta coi thường. Và tôi hiểu ra, những bản nhạc kia dù lời có cải lương, sến sịa, cù lần, cụ trâu… đi chăng nữa, nó vẫn thừa những xúc động bởi nó gợi nhớ đến tôi cái hình ảnh ngày nào kề bên Gia.
– Mở cho Gia một chai bia khác.
– Không có ai cấm Gia uống thêm, nhưng tửu lượng mỗi người đều có giới hạn.
– Gia đang thử cái giới hạn của mình tới ngang đâu. Cũng như hạnh phúc, Gia đã lỡ khám phá ra nó chỉ là một đường hạn hẹp.
– Đừng tưởng uống bia vô rồi là giải sầu được đâu. Vả lại, hơn lúc nào hết đây là lúc mà Gia cần tỉnh táo nhất.
– Nếu không tỉnh táo, Gia đã không tìm đến anh. Gia đã không biểu anh chở ra đây nói chuyện.
Tôi yêu Gia. Điều ấy tôi đã nói rồi. Khi bạn yêu một người bạn có ngăn cản ý muốn của người ấy không? Dầu đôi khi ý tưởng họ có hơi nông nổi. Sự nông nổi phát xuất từ một hoàn cảnh sống không như ý. Tôi mò tay trong bao giấy in ở ngoài tên một siêu thị có vẽ miệng cười lấy ra cho Gia chai bia thứ hai.
Tôi ít khi để tâm đến đời sống tôi. Tôi chẳng can đảm làm khác đi và xem như mình đã bằng lòng chấp nhận nó. Chấp nhận những thiệt thòi luôn đến làm mình trở nên chai lì trong cái nghĩa chịu đựng. Sẽ quen đi. Tôi viết thư về nhà “khoe” đã tìm được “job” tốt, ổn định với lương năm đồng một giờ, điều này có nghĩa từ nay con gởi quà về đều đặn hơn. Tôi đôn đáo tìm thuê được một phòng trọ xập xệ với giá một phần tư tháng lương. Làm chủ một chiếc xe đời 82 vừa trả nợ xong và vừa khám phá nó bị tuyết mưa sương gió ăn thủng nhiều lổ quanh thân. Tôi thản nhiên không buồn lo với ý nghĩ có gì bền được với thời gian. Chiếc xe cũng như tôi, đời 57 tới giờ dĩ nhiên có nhiều hục hặc ở bên trong. “Nó” chạy qua đến đây là đã khá rồi. Dừng chân ở trại Kai-Tak bên Hồng Kông khám tổng quát một lần để cho phép “máy” chịu được xứ gió tuyết đìu hiu này. Đưa vô “garage” Linda một lần để thử “xăng nhớt”, cô nàng chê tụi mày khó hiểu “cấu trúc cầu kỳ” nên “de” xe ra ê ẩm. Vác xe không chạy sật sừ loanh quanh. Chiều mưa biên giới anh đi về đâu? Tôi viết thư về nhà than thở.
Sinh ta ra là cha mẹ ta, mà người hiểu ta cũng chính là mẹ cha ta vậy. Ôi! Nghìn trùng xa xăm. Cớ sao đoạn nghĩa lạc loài phiêu diêu tới đây?
Tờ thư vàng úa nhận trong tay ám ảnh màu hoàng hôn quê nhà:  “…Má về Huế thăm lại mộ phần anh con. Má nghe tin hình như con Gia cũng ở cùng một vùng với con, sao không tìm gặp nó mà bầu bạn…”
Tôi đã gặp Gia. Tình cờ chớ không mất công dọ hỏi. Place des Arts đông người, những “Cháu Tiên” lạc loài tụ lại đón mừng năm mới trên đất khách, một năm Con Rồng. Tôi nhớ mang máng đó là ngày chúa nhật, hai mươi tám ta. Chưa ai được tấn phong tuổi mới và hầu như ai cũng đang tươi trẻ rộn ràng.
Ngoại trừ Gia. Nàng đi vào, thật huyễn mộng. Mắt nàng cười có những đường nhăn sau đuôi, quần thâm quanh viền, mỏi mệt. Nụ cười mở lưng chừng, không tươi, như thể cười vì tiễn đưa một người sẽ lìa xa chứ chẳng phải để đón gặp người từ một cách biệt đằng đẵng bỗng hội ngộ. Còn tôi? Khói thuốc xông lên đôi mắt. “Đôi mắt ướt, tuổi vàng , khung trời hội cũ”. Và tôi thì thầm. Là Gia ? Gia, Gia ơi!
Tôi là người rất vụng về trong sự biểu lộ tình cảm, và cũng rất trẻ con để cho niềm vui vật vã trong tôi biến thành sự lúng túng lộ diện không thể đè nén, giấu che. Y như ngày còn thơ nhận được phong bì màu đỏ, lì xì mừng tuổi từ tay ông bà cha mẹ cứ vui đứng lặng người cho đến khi có tiếng giục của anh chị. Cám ơn và chúc mừng năm mới đi. Cái thằng. Nói đi, năm mới phải cho mau lẹ…
Tôi đã nói những gì, tôi quên khuấy. Hình như chỉ nói bằng mắt nhiều hơn bằng lời. Và ích kỷ chỉ thích đón nhận những gì Gia sẽ thố lộ lúc đó. Tôi nhớ đại để những câu:  Anh ốm quá sức. Qua tới một mình? Hay đã lập gia đình rồi? Thấy cuốn Bell có in tên anh mà chỉ sợ gọi lầm người.
Tôi vẫn quan sát Gia, vẫn thì thầm. Phải, như thế mà hay. Chẳng có gì thất vọng bằng nỗi lòng háo hức chờ đón tiếng nói người thân để rồi trong ống nghe giọng ai xa lạ, không phải. Tiếng xin lỗi tiếp lời rồi gác máy.
Tôi nhìn bàn tay vuốt tóc của Gia, những bông tuyết trắng chưa tan trên nền đen những sợi mượt mà. Mấy ngón không mang găng, cắt trụi móng và xốn xang chiếc nhẫn màu vàng. Tôi cũng có một cái khâu tương tự nhưng không nằm trên tay đen. Má tôi giấu may trong lưng quần hôm vượt biên. Có đổ bể thì lấy ra xoay trở, còn êm xuôi thì giữ bên mình đặng qua xứ người phòng khi đau yếu. Chuyến đi trót lọt. Tôi đây có cảm mạo xâm xoàng nhưng chưa đến nỗi ngặt nghèo phải bán nó đi. Tôi luôn giữ nó, suốt đời. Một kỷ vật. Để nhớ và hiểu thế nào là tình thương của một người mẹ tất tả xuôi ngược đến bạc tóc…
Còn Gia? Có phải vì nó làm Gia cười không tròn nụ, làm Gia già đi dưới mắt tôi một Gia đã yên bề gia thất, nhẫn nhịn bên chồng? Nhân sẵn có không khí Tết cộng đồng mình tạo dựng ra, tôi dằn lòng không xong để nói Gia có cháu nào chưa? Có thì chúc mạnh giỏi. Chưa thì mong mẹ tròn con vuông ở năm Mậu Thìn này. Lần đầu tiên trong tình bạn, tôi chúc Gia một câu không ổn đó.
Tuyết còn đổ âm thầm bên ngoài và hàn khí còn dâng trong tôi. Trí nhớ tôi còn nguyên vẹn hình ảnh một cái Tết năm xưa. Rất xưa. Tôi chở Gia về từ một rạp chiếu bóng thưa người coi phim “Vũ điệu Trong Bóng Mờ”, tôi đã đọc khẽ câu thơ một thi sĩ nổi tiếng cho Gia nghe giữa con đường tối tăm và nhiều sương khói trong Thành Nội trầm mặc. “Còn đêm nào vui hơn đêm Ba Mươi. Anh nói với người phu quét đường. Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em…” Gia ôm bụng tôi. Mùi hoa phượng rũ trên đầu phả xuống lòng đường hay mùi nước bồ kết Gia gội tóc làm ngây ngất không khí, làm tôi hít thở say nồng.
– Cái nhà hình cầu bên kia sông là gì vậy anh?
– Hình như là một Câu Lạc Bộ Thể Thao. Những cuối tuần, với một hai chai bia, anh thích ra ngồi đây. Gia có nhớ sông Hương không?
Gia không trả lời. Ngậm cổ chai bia Bud Light và thu hai chân trên ghế xe. Tôi nghe tiếng nuốt ực.
– Có một dạo, tình cờ Gia đọc truyện ngắn viết về Huế tả người con trai xuống ngủ đò. Sao ngu quá, lúc đó không tưởng được là anh viết.
– Tưởng được thì đã sao?
– Chuyện ấy có thật không? Hay là bịa đặt?
Tôi nhìn ra dòng sông màu đen. Nhấp nháy những đóm sáng ở trên dải đất chiếu đọng xuống bề mặt nhăn nhó gió và nước. Những cao ốc xám. Mấy ngọn đèn màu. Lung linh. Ở trong xe nhìn qua tấm gương đóng khung trông nó như một cái tivi đã mãn giờ nửa đêm. Thức dậy sau một cơn mộng ngủ quên, màn ảnh còn sáng chưa tắt.
– Có thật.
– Khi xưa anh cũng hoang đàng như vậy đa.
Tôi tu một hơi bia. Tôi uống bia cũng dở, thường chếnh choáng sau bốn năm chai. Tôi không thích cơn say lạm dụng bởi hơi men. Nhưng nghĩ cho cùng, nó sẽ dễ chịu hơn cái bàng hoàng của một người thất chí, thất tình.
– Đó là lúc mà Gia đã sang đây. Là lúc mà Gia không thể tưởng tượng được những gì xảy ra bên đó. Gia còn nhớ Tâm không, cái thằng bạn anh mà lúc trước thiên lôi còn chạy nó, thiếu đường xé trời mà lên. Tâm sẹo đó. Sau này hắn ngờ nghệch lờ đờ như một con cá ươn. Hắn bị cưỡng bức đi lao động cho một công trường. Hôm san bằng mãnh đất để làm hệ thống dẫn thủy hắn đào đúng trên một dãy mộ bia, lưỡi cuốc bật dội ê ẩm tảng xi măng khắc tên tuổi ngày sinh tử của ông già hắn. Hắn bật khóc và đứng giữa đám bụi đỏ đả đảo bọn Việt Cộng khát máu. Cái đoạn kết hẳn Gia tưởng tượng được rồi chứ gì. Mỗi người đều có một cách thức thể hiện và anh chỉ là một đứa dật dờ xuống ngủ đò để ngã giá cho lần đưa người ra điểm hẹn gần cửa biển.
– Lâu nay anh còn viết thêm không?
– Còn.
– Anh thấy việc làm ấy có đáng theo đuổi không?
Tôi nhớ bức thư của người anh phương xa gửi tới. Bia. Có phải nó làm cho mặt tôi nóng lên không? Những dòng chữ thân yêu nhảy múa… Hãy coi đó như một sinh hoạt đi. Một sinh hoạt tốt. Để có một cái gì đó giữ cho mình một đời sống, việc theo đuổi một công việc sẽ giúp mình sống có ý nghĩa và đời sống sinh thú hơn những người khác trong mưu hồ khẩu thấp kém của họ. Nó phân biệt mình với sự tầm thường nhàm chán, em có thấy vậy không? Trong đời sống chữ KHÔNG có lẽ khó nói nhất và chẳng phải ai cũng có thể nói được.
– Gia không có máu văn nghệ. Có thể. Nhưng thấy thật vô bổ khi tưởng tượng có người thức đêm thức hôm để làm công việc như anh. Gia hỏi tụi bạn trong sở, chả có đứa nào biết qua một tờ tạp chí nào hết. Tụi nó lo đi cày, đi chợ, đi mua sắm và cuối tuần thì dọn đẹp nhà cửa, rồi có giải trí chỉ bằng video hoặc một cuốn cassette.
– Gia nói như thế nghĩa là làm sao?
– Bây giờ đã thiếu đi lượng người đọc. Mai hậu còn ai xem nữa không?
Chất nước bia thường đắng. Tôi biết vậy mà vẫn uống. Thật là vô duyên nếu giữa đêm có hai kẻ ngồi trong xe muốn san sẻ với nhau nhiều điều và rồi khui từng lon Coke ngọt lịm để giết thì giờ. Tôi uống bắt đầu qua chai thứ ba, chưa có “ép phê” gì ráo trọi. Vậy mà thấy buồn lãng vãng chờn vờn. Rượu chẳng thể hoà giải nỗi sầu. Mưa chẳng thể cầm chân khách lại. Những người xưa đã từng nói thế.
Tôi bông đùa. Giả như được sống với Gia thì khác. Hạnh phúc thường làm người ta dễ buông xuôi.
– A! Thì ra buồn chán là một nguyên nhân.
– Cứ coi như vậy đi. Ít ra đó cũng là một cái cớ để trả lời.
– Gia mong là mình đừng đọc phải một truyện ngắn có nhân vật tựa như Gia ở trong.
– Đừng nhắc tới chuyện đó nữa… Này Gia, em có hạnh phúc không?
– Anh hiểu sao cái chữ trừu tượng đó? Tiền của, vật chất, một căn nhà mới mua nằm xắn trong một triền đất ngập tuyết. Hai kẻ chào nhau buổi sáng ở bếp chuẩn bị đi làm và tối về kể cho nhau nghe những thành công của mấy người đồng hương trong sở, đâu đó quanh cái thành phố đầy máy móc này…Nhưng không sao, chẳng có gì để làm thay đổi và làm khác đi. Một con chim đã đủ lông cánh thường bay đi, không thể nằm hoài trong ổ rơm để tối ngày kêu ca.
Tôi nhìn Gia. Mắt nàng là hố đen, không nhìn được có thể là những chớp nháy trong thứ tiếng phát ra bị nghẹn trịt kia. Câu nói đi kèm với nước mắt?
– Tôi giả lả. Tôi tìm tay Gia nắm lấy, bóp nhẹ và xoay vòng chiếc nhẫn ở tay gầy xương của Gia.
– Bia nói. Hãy coi như bia nói. Ba má Gia vẫn bình thường?
– Thường cả. Anh nghĩ sao về trường hợp một người đàn ông bỗng trở nên hằn học khi vợ của ông ta cứ thường gửi quà về cho bên nhà?
– Anh không nghĩ gì cả vì anh chưa từng là một người có vợ. Đời sống phiền hà như vậy sao?
– Còn ba má anh?
– Cũng vậy. Già yếu trông thấy qua lời thư và những hàng chữ run rẩy. Má anh là người có trí nhớ thật tốt, thư nào bà cũng nhắc tới Gia. Thì chính má anh viết thư biểu anh tìm gặp Gia đặng mà hàn huyên chứ ai.
– Còn anh Thạch?
– Chết rồi. Trốn được khỏi trại học tập nhưng bị mấy tên đốn củi trong rừng điềm chỉ. Bị bắn ngoài đường lộ khi về gần thành phố. Má anh lạy lục cúng bái mới được đem xác đi chôn.
– Thật là đau khổ. Sao mấy người tiều phu nhẫn tâm độc địa cỡ đó.
– Má anh giải thích, họ mong lập công để được phép chở củi về nhiều. Đó là thời điểm gạo châu củi quế. Sinh mạng con người có khi không bằng một xe củi ẩm.
Lần này, tôi nghe lấy âm giọng sũng nước của mình. Tôi cố bình tĩnh và nhớ lại hôm cúng giao thừa vừa rồi, tôi đã đứng khấn nguyện dưới trang thờ có tấm ảnh trắng đen chụp anh mặc quân phục hôm về phép thăm nhà ngoài Huế. Tôi đã khóc lúc đó. Tôi không có kinh nghiệm, đốt ba cây hương, nên suốt đêm trừ tịch, căn phòng bí rị của mình thuê cứ váng vất khói hương cay. Khói chẳng có lối thoát và nỗi lòng cô đơn sầu thảm của tôi lúc đó cứ dâng lên, dâng lên. Vỡ bờ. Ngập lụt.
Tôi nốc hết chai bia, mở một chai khác kẹp giữa hai đùi để mò tay tìm bao thuốc nằm đâu đó trong bóng tối. Một điếu thuốc thắp lên. Gia đưa tay giựt đi từ miệng tôi ngậm. Hút hơi đầy rồi thổi tới mặt tôi, tinh nghịch. Gia dụi đầu lửa vào gạt tàn, bàn tay lạnh chợt ghì kéo đầu tôi lại gần. Hôn hơi sâu. Ngộp thở. Chai bia đổ ra lai láng ướt quần.
– Nếu còn viết truyện, đừng viết về một người đàn bà ngoại tình.
Giọng Gia đầy hối thúc, như một ý nghĩ liền biến thành lời nói sợ để lâu sẽ có những đắn đo? Hơi thở nồng mùi bia, dồn dập nóng bên tai tôi. Những sợi tóc xoã vướng nhột nhạt ở má. Nỗi kích thích nào dâng cao. Cơn say nào mới lạ. Tiếng fermeture kéo đi, nghe vọng dội sự lôi cuốn khó kềm chế. Ngực Gia cứng căng và mùi hương L’Air Du Temps mê hoặc. Tôi nhớ căn nhà ở Tân Đinh Gia trọ học, buổi trưa nồng nàn mồ hôi. Áo thun mỏng của Gia lồ lộ và một chối từ dứt khoát. Đừng mù quáng. Đừng vượt xa. Đã chín năm trong một lạc lối mù tăm giờ tìm gặp được. Chín năm nhiều đổi thay. Một Gia đã lập gia đình. Một Gia giờ uống bia hút thuốc. Một Gia chủ động kéo tôi đi phăng những ngỡ ngàng.
– Sao quần anh ướt lạnh?
– Bia vừa đổ ra…
– Ôm Gia đi và nghĩ là tụi mình vẫn còn phần số. Chỉ một đêm nay thôi.
Đêm ngập bóng tối. Đêm với con số nhảy sáng đồng hồ trong xe. 9-38. 9-40. 9-59.
Những nhịp tim và những tiếng thở. Chiếc xe đời 82 cũng kêu ca bên bờ sông vắng.
Giọng Gia đứt quãng.
– Phải chi chiếc xe trục trặc hệ thống thắng tay lao xuống sông thì không còn gì để buồn lòng. Phải không ông viết truyện hoang đàng?
Đầu tóc Gia rối. Gia như có vẻ thấm mềm hơi men. Một cái chết? Gia can đảm chấp nhận vậy sao?
Tôi ngồi lại, tay ôm vô lăng và nhìn vùng ngực trắng đục của Gia. Những diễn biến tình cờ luôn là những vọng đọng sâu thẳm. Tôi nghĩ tới những hòn đất khô ném rung động xuống lòng huyệt cạn xớt của Tâm. Buổi trưa nắng tàn nhẫn trên vùng đất cằn cỗi. Mồ hôi đổ đầy châu thân kẻ sống và manh chiếu rách gói không đủ hình hài người vào lòng đất. Tôi luôn bị đối đầu trước một hoàn cảnh làm mình bứt rứt. Tiếng thét của Tâm và hành động đứng lên của nó là một hình ảnh anh hùng, với tôi.
Tiếng rên của Gia và vòng tay cuồng nhiệt của nàng là gì?
Gia mặc lại áo. Nàng cúi đầu.
– Đã khuya. Hãy chở Gia về.
– Có điều anh muốn nói, lúc nào anh cũng yêu Gia.
Nàng hôn tôi. Đầu lưỡi mềm. Chất nước ngọt.
– Vài hôm nữa Gia không còn ở đây. Ổng đi Toronto làm việc và đã bán nhà cho một người bạn. Người bạn đó đã mở tiệc mời bạn bè coi như đưa tiễn ổng ra đi làm ăn phát tài ở chốn khác. Gia muốn về trước khi buổi tiệc đó vãn. Gia cũng yêu anh nhưng tụi mình không có cách chọn lựa nào cả. Những gì Gia có thể trao anh Gia đã làm. Thử quên Gia đi. Như quên một cái truyện viết thật dở tệ của anh. Một chấm hết.
Tôi mở máy. Chiếc xe rung chuyển bằng tất cả những rã rời của nó. Sắt thép còn vậy, da thịt con người thì sao? Cha mẹ tôi sống cô đơn bên nhà lụm khụm. Những nấm mồ bị cày xới đi. Những vùng đất yên nghỉ được” cách mạng” chỉ định chốn hoang vu khác. Tôi mong vô cùng cái ngày được về khắc cho ba má một tấm bia chính tay mình đẻo đục. Chôn theo đó cái khâu vàng trao gửi ngày nào. Thời gian thôi, nói vô phước là đấng sinh thành sẽ chết. Như bây giờ, Gia ngồi đây và mai này tan đi theo biệt dạng chồng về một tiểu bang khác. Chôn lòng tôi bằng sự rã rời của lần trao thân muộn màng và đoạn nghĩa.
Xe chạy ra đường sáng. Tuyết bỗng nhẹ đổ như mưa phùn bay trên hàng đèn lạnh toát.
– Có điều này nữa, anh ốm quá đi, sao không gắng ăn cho nhiều vào. Đời sống đôi khi phải cần nhiều đến thực tế. Anh có cảm thấy khó khăn điều gì không?
– Không. Cám ơn Gia. Ở xa có buồn bực điều chi cứ viết thư cho anh.
Xe dừng trước một căn nhà xám ngoét có hình thể cấu trúc như nhà của mấy phim quái đản. Gia mở cửa xe. Không biết nói tạm biệt hay vĩnh biệt. Chữ đầu nghẹn trong cổ, chỉ bật ra tiếng sau. Một tiếng biệt cũng nghe đầy đủ sự thất thường. Áo manteau trắng rộng thùng thình thoắt biến trong vùng tối của mấy cây tùng bách tàng đen đậm đặc.
Tôi ngồi chờ cho đến khi ngọn đèn vàng từ cửa kính sáng hắt ra mới lao xe đi. Trong hồn tôi có bóng đêm nào vừa buông xuống. Nghe như ai đó ném những hòn sỏi xuống mộ phần tôi. Rào rạt. Đớn đau.

Hồ Đình Nghiêm
1988
Nguồn: Báo VĂN số 71, tháng 5-1988