05 May 2018

TỪ NHỮNG GIẤC MƠ - Nguyễn Quang Tấn


Vượt biên hụt, ở tù xong, nhà bị tịch thu, tôi không nhà cửa, không vợ con, không nghề nghiệp. Ban ngày đi làm thuê làm mướn vặt, bữa có bữa không, tối đến vào rẫy người bạn lục nồi xin cơm nguội, xin ngủ nhờ. Đường vào rẫy, từng đêm tôi phải đi xuyên qua một cánh rừng cao-su rộng mịt mù, tối như một biển bóng tối, vừa đi vừa phải nhìn lên những mảnh trời sáng lộ ra sau những tàn lá để định hướng. Chỗ này có hình người đàn bà ôm con thì rẽ phải, chỗ kia có hình người lính bồng súng thì rẽ trái, chỗ nào có hình chiếc thuyền buồm là sắp đến nơi. Nếu lạc hướng thì có đi đến sáng cũng không tìm thấy lối ra.


Đêm ấy tôi đi lạc.
Khi tôi vào đến giữa rừng thì trời chuyển động. Có tiếng sấm ì ầm từ xa. Tôi lo lắm, trời mà mưa thì có thể lạc giữa rừng, chết vì đói và lạnh. Trong bóng tối, tôi chạy, chạy nhưng mắt vẫn phải nhìn lên trời để tìm người đàn bà ôm con, người lính bồng súng. Hy vọng nhìn thấy chiếc thuyền buồm trước khi trời đổ mưa. Nhưng không kịp rồi, những giọt mưa đầu tiên đã quất xuống những tàn lá những tiếng rào rào. Một phút sau, nhìn lên cũng chỉ thấy một màu đen kịt. Trên dưới, phải trái chỉ là một màu đen. Mưa, mưa xối xả như những lời nguyền rủa tuôn ra từ một cái miệng khổng lồ tối như hang sâu. Tôi cùng đường rồi, đưa hai cánh tay ra phía trước, chân lò dò đi từng bước, tôi sờ được một thân cây ướt sũng, vuốt mặt, tôi ngồi xuống dưới gốc, đầu gục xuống giữa hai đầu gối, hai tay ôm lấy cẳng chân. Tôi thấy tôi gầy quá. Tôi nhớ đến những người bạn tù của tôi đang còn nằm lại trong nhà giam. Dù sao bây giờ chúng nó cũng được ăn no và ngủ bên nhau ấm áp. Còn tôi đang đói và rét run lên trong cái địa ngục bao la của tự do này. Cơn đói buổi chiều bây giờ đã biến thành cơn đau bụng. Tôi cắn nhẹ vào môi dưới, không có cảm giác gì. Ướt và lạnh đã làm tôi tê dại. Mưa vẫn mưa. Mưa phủ kín đất trời, phủ kín khu rừng, phủ kín tôi. Tôi bắt đầu nghĩ đến sự chết. Sự chết hẳn là dịu dàng và êm ái lắm. Sáng mai, khi những công nhân đi làm sớm ắt hẳn sẽ thấy một xác chết trong tư thế ngồi dựa lưng vào gốc cây, mặt gục giữa hai đầu gối. Đầu óc bắt đầu hoảng loạn, tôi sắp ngất đi… nhưng trước khi ngất, tôi vẫn còn nghĩ: Nếu bây giờ mình yêu một người nào đó với mối tình tuyệt vọng thì hẳn là mình sẽ lên được tới đỉnh cao nhất của khổ đau.

Nhưng rồi mưa cũng tạnh, còn tôi vẫn chưa ngất đi. Trái lại, tôi còn thấy dễ chịu, đói và lạnh cũng dịu đi. Có ai nói rằng khi khổ quá, con người ta sẽ tự phát sinh những lực đề kháng chưa từng có. Tôi nhìn lên trời. Không biết người đàn bà ôm con, người lính bồng súng, chiếc thuyền buồm bây giờ nằm ở đâu, chỉ có ánh trăng chiếu qua những khoảng trống lá rừng. Đêm nay tôi nhớ là đêm rằm. Tôi cởi quần áo, vắt thật ráo nước, mặc vào, rồi lại đi, dù chẳng biết đi về hướng nào nhưng chẳng lẽ cứ đứng đấy. Cứ đi đến sáng thế nào cũng ra khỏi rừng.
Có âm thanh từ rất xa, mơ hồ… Tôi dừng lại, lắng nghe. Tiếng vĩ cầm. Sao lại là tiếng vĩ cầm? Hay chỉ là tiếng gió reo trên ngọn cây? Tiếng vĩ cầm thật. Giữa rừng vắng, tiếng đàn chìm nổi bồng bềnh trong ánh trăng. Đất trời tinh khôi như một dải lụa trắng. Thân xác, linh hồn tôi được cơn mưa rừng tắm gội, được tiếng đàn trang điểm. Đau buồn dĩ vãng, lo âu tương lai như biến sạch. Hồn tôi nhẹ như mây. Bây giờ tôi biết tôi phải đi về hướng nào. Về hướng phát ra tiếng đàn. Nơi đó không tượng đài kỷ niệm, không chủ nghĩa, không lập trường, chính sách, quan điểm, không nhà tù. Nơi đó người ta đối xử với nhau như bạn bè, như tình nhân và những kẻ lỡ đường đều được ăn no và sưởi ấm. Nương theo tiếng đàn, tôi đi …
Tiếng đàn im hẳn, còn tôi đang đứng trước cửa căn phòng của một ngôi nhà lớn. Ngôi nhà nửa như trang trại nửa như biệt thự. Đứng dưới thềm, tôi do dự không biết có nên gõ cửa hay không thì cánh cửa đã mở. Một người đàn bà từ trong vùng ánh sáng chạy ra, chạy hối hả xuống thềm cầm cánh tay tôi dắt lên, giọng Bắc trầm, ấm áp:
– Ông vào đi!
Tôi thấy tim mình đập mạnh, bước theo nàng, trong lòng áy náy vì đôi giày vải đầy bùn, chiếc áo độc nhất rách một miếng lớn ở vai. Nhưng bà chủ nhà có vẻ không để ý.
– Mời ông ngồi, ông bị lạnh đấy, ông lại ngồi gần đây cho ấm. Để tôi cho thêm củi vào lò sưởi.
Tôi không biết gọi chủ nhà là bà hay cô vì gương mặt nàng nửa già nửa trẻ. Tôi ngồi xuống, ấp úng:
– Cám ơn bà.
Người ta gọi mình là ông thì mình cũng nên gọi người ta là bà.
– Ông dùng cà-phê nhé!
– Dạ! cám ơn bà.
– Ông ngồi chơi, tôi vào bếp pha cà-phê.
– Dạ.
Nàng đứng dậy, dáng đi yêu kiều.
Tôi ngượng ngùng quá, không quen biết, sao lại được đối xử quá nồng hậu thế này. Căn phòng nhỏ sang trọng, hơi bừa bộn, sự bừa bộn có chủ ý. Chiếc áo thổ cẩm vắt hững hờ trên thành ghế, quyển sách mở rơi dưới chân bàn, bông hoa rơi giữa lối đi… Một dạng mỹ thuật cao cấp. Nhưng vật làm tôi chú ý nhất là cái vĩ cầm nâu thẫm nằm trên chiếc salon đỏ rực. Hình như người chơi đàn đặt nó xuống đấy để vội vã chạy ra mở cửa. Tôi cầm cây đàn lên. Hàng chữ Stradivarus kim nhũ mờ mờ ở đầu cây đàn làm tôi giật mình. Tôi đang cầm một báu vật. Chủ nhà đi ra, trên tay là một khay lớn. Mùi cà-phê làm tôi tỉnh táo. Tôi hỏi:
– Bà chơi violon?
– Dạ, nhưng chưa được ngọt, vẫn còn chua lắm! Mời ông dùng bánh mì và cà-phê.
Tôi nhìn vào chiếc khay bà chủ nhà vừa đặt xuống bàn, ngoài cà-phê, bánh mì còn có rượu và mấy đĩa đồ ăn mà tôi biết rằng chỉ có ở các nhà hàng sang trọng. Tôi nói:
– Bà làm tôi ngại quá! Tôi chỉ là kẻ lạc đường… chúng ta chưa quen biết nhau…
Chủ nhà nhìn tôi bằng ánh mắt nghiêm trang, ngắt lời:
– Tôi và ông chưa hề gặp nhau, nhưng những giọt máu trong huyết quản của ông và của tôi, chúng nó là bạn bè thân thiết đấy!
Câu nói đánh trúng vào tâm can tôi. Từ lúc gặp nàng tôi có cảm tưởng mơ hồ rằng người này là mẹ tôi, vợ tôi, em gái tôi hay người tình của tôi. Gương mặt nàng sao tôi thấy thân yêu quá, dù chưa biết nàng là ai, chưa gặp lần nào.
Ngọn lửa trong lò sưởi bên cạnh tôi vẫn cháy. Áo tôi đã khô. Cà-phê, bánh mì, rượu và những món ăn đã làm tôi tỉnh táo và dạn dĩ hẳn. Bà chủ nhà vẫn ngồi đấy, cúi mặt nhìn cây đàn để trên đùi. Bóng lửa nhảy múa làm gương mặt nàng lúc già, lúc trẻ, lúc xa lạ, lúc thân quen.
Nàng búng khẽ mấy sợi dây đàn, âm thanh rộn rã vui. Tôi hỏi:
– Bà mua được cây đàn này ở đâu vậy?
Nàng nhìn lên:
– Làm sao tôi mua được! Tôi hái nó từ một giấc mơ đấy.
Tôi không hiểu nàng nói gì.
Nàng nói tiếp:
– Bánh mì, rượu, cà-phê và những thứ ông vừa dùng cũng hái từ những giấc mơ.
Nhìn mắt nàng, tôi biết nàng không nói đùa. Tôi hỏi tiếp:
– Nhưng sao lại từ những giấc mơ? Giấc mơ gì? Sao lại hái?
– Ông không hiểu. Nghề chuyên môn của tôi là ươm trồng những giấc mơ.
– Tôi chưa bao giờ được nghe nói về nghề này. Bà có thể cho tôi biết chút ít không?
– Khá rắc rối đấy! Trước hết là phải tìm cho ra hạt giống. Chắc ông biết dụ ngôn người gieo giống trong Kinh Thánh chứ? Phải tìm được những hạt giống mà chim trời đã mang đi. Khi ươm hạt, phải theo đúng quy trình công nghệ. Không phải công nghệ hiện đại mà là công nghệ đã thất truyền. Nếu không đúng, những mầm xanh sẽ chết trước khi ra đời. Tôi may mắn có được loại công nghệ này do tổ tiên truyền lại. Điều khó khăn nữa là không được cho cây nghe những loại âm thanh không thích hợp.
– Thưa bà, loại âm thanh nào cây không thích nghe?
– Nhiều lắm, Nhưng tối kỵ là tiếng rên rỉ của những người thua cuộc, tiếng hò reo của những đoàn quân chiến thắng, tiếng tung hô muôn năm những vị anh hùng, những bài ca suy tôn các nhà ái quốc. Nghe phải những thứ này cây sẽ vĩnh viễn không đơm hoa kết trái.
-Thế còn vấn đề chăm bón? Bà bón cho cây bằng loại phân gì?
– Bằng những vần thơ.
– Những vần thơ? Thơ gì? Thơ của ai?
– Đủ loại thơ, thơ của nhiều người, nhưng phần lớn là của ông…
Tôi kịp giữ cho mình không đứng vụt dậy, mắt tôi trợn trừng nhìn người đối diện:
– Bà đọc thơ của tôi bao giờ?
– Tôi bỏ nhiều năm để tìm đọc các thi sĩ nổi danh trên thế giới, nhưng không tìm được nhiều loại thơ thích hợp để bón cây. Nhưng khi tìm trong số những thi sĩ vô danh, tôi gặp ông. Thơ của ông đúng là mặt hàng tôi cần.
– Bà bón cây bằng thơ như thế nào? Chôn thơ ở dưới gốc?
– Không! Tôi phải học thuộc lòng rồi đọc cho cây nghe. Chẳng hạn, tôi đến bên cây và đọc một đoạn thơ của ông:

Tiếng đàn thi sĩ vô danh
Cánh chim rơi giữa mối tình
Ta buồn nỗi buồn cung nỏ
Cung nào em bắn trúng anh…

Những câu thơ này bình thường, không hay lắm. Nhưng chỉ trong vài ngày, cây xanh tươi lên hẳn.
Sự tò mò của tôi lên đến độ cao nhất:
– Ngoài bà ra, còn ai làm công việc này không?
– Cũng có, nhưng họ trồng theo qui trình công nghệ hiện đại. Loại công nghệ này tôi cũng biết nhưng không thích.
– Bà không thích công nghệ hiện đại?
– Vâng. Đối với tôi, càng hiện đại càng tầm thường, đôi khi còn dơ bẩn và nguy hiểm nữa.
– Vì sao lại tầm thường?
– Vì trồng cây theo loại công nghệ này dễ dãi quá, chỉ cần cho cây nghe những bản tuyên ngôn, những lời xưng tụng, những tiếng la hét, khóc than là được. Những cái này dễ kiếm thôi.
– Loại cây này có phải bón bằng thơ không?
– Ồ không! Đơn giản hơn nhiều! Bằng máu. Máu thì ở đâu mà chẳng có. Lúc nào cũng có. Gánh máu về, đổ lênh láng dưới gốc cây, không phải tìm kiếm vất vả như thơ.
– Người ta hái được những gì từ những cây loại này?
– Cũng lại mấy cái tầm thường. Chẳng hạn như hai quả bom ở Nagasaki và Hiroshima, lò thiêu người của Đức Quốc Xã, vụ thảm sát tại Thiên An Môn… Toàn mấy cái lặt vặt!
Tôi rùng mình, nhưng vẫn hỏi mà không giấu được niềm tự hào:
– Nhưng thưa bà, vì sao bà biết rằng nếu được bón bằng thơ của tôi, cây sẽ cho bánh mì, cà-phê, rượu và thức ăn?
Bà chủ nhà cười thành tiếng:
– Tôi biết nhiều về ông, nhiều lắm. Tôi biết ông chẳng mấy khi được ăn no, và mới đây thôi, ông suýt chết vì đói và lạnh ở trong rừng, chết theo tư thế ngồi dựa lưng vào gốc cây, mặt gục giữa hai đầu gối.
Nụ cười đẹp quá, tôi muốn hôn vào nụ cười ấy, nhưng đôi mắt lấp lánh tia nhìn chế giễu làm tôi xấu hổ. Nàng nhìn ra cửa sổ, thở dài:
– Đêm sắp hết rồi. Không biết đến bao giờ mới được gặp lại ông.
Chủ nhà đã đuổi khách. Tôi đứng dậy, luyến tiếc nhìn ngọn lửa cháy trong lò:
– Cám ơn bà. Mong có ngày được gặp lại bà.
Nàng mở cửa, tiễn tôi xuống dưới thềm nhà. Trời vẫn chưa sáng hẳn.
Lấy hết can đảm, tôi hỏi:
– Xin bà thứ lỗi, bà có thể cho tôi biết bà là ai không?Tôi thấy bà quen lắm nhưng không nhớ…
Bất ngờ, nàng đến sát cạnh tôi, hai bàn tay nàng cầm lấy hai bàn tay tôi, đắm đuối nói trong hơi thở:
– Em chỉ là hình bóng của mối tình xa xưa, mối tình mà anh đã nói chẳng thể nào quên…

Nguyễn Quang Tấn