16 June 2018

KIÊN NHẪN, LÒNG YÊU NƯỚC SẼ CỨU VIỆT NAM - Trần Trung Đạo


Một lần ghé Monterey Bay ở California, tôi để ý hai cánh chim rất đẹp. Một cánh đậu trên bức tường rêu và một cánh đang dạo trên bờ cát. Một lúc sau cánh chim xám đậu trên bức tường rêu bay đi trong khi cánh chim trắng trên bờ cát vẫn tiếp tục đếm từng bước chậm.
Nhìn hai cánh chim, tôi chợt nhớ đến câu nói của nhà đạo diễn phim Alejandro Jodorowsky “chim sinh ra trong lồng nghĩ bay là một căn bịnh” (Birds born in a cage think flying is an illness).

Trong trường hợp này, cánh chim trắng dạo trên bờ cát sẽ nghĩ cánh chim vừa bay đi bị bịnh, bởi vì cánh chim đậu trên bức tường là chim của núi rừng và cánh chim đi dạo trên bờ cát là chim do Monterey Bay Aquarium nuôi để làm đẹp mắt người thưởng ngoạn. Bờ cát trắng nhân tạo dành cho chim chỉ dài chừng hai mét và dòng nước thật ra chỉ là một vũng nước nhỏ được dựng làm nền.
Một dạo, khi phong trào Cách Mạng Dù ở Hongkong bùng nổ, nhiều người so sánh sự khác biệt như ngày với đêm giữa thế hệ trẻ Hongkong với thế hệ trẻ Việt Nam và kết án tuổi trẻ Việt nặng lời.
Phân tích là cần thiết nhưng không nên kết án vì tuổi trẻ Việt Nam không khác gì cánh chim trắng ở Monterey Bay Aquarium.
Cánh chim trắng có thể chưa bao giờ được tâp bay nói chi là chuyện bay xa.  Không gian của cánh chim rộng vài ba mét và bầu trời cũng chỉ cao tương tự. Nơi cánh chim trắng ở không có mùa xuân hoa nở, mùa hạ ve kêu, mùa thu lá vàng hay mùa đông tuyết trắng. Tất cả đều được con người (trong trường hợp tuổi trẻ Việt Nam là đảng CS) tạo nên và kiểm soát, không chỉ không gian, thời gian mà cả tiếng kêu, tiếng hát.  
Tuổi trẻ Việt Nam từ thuở “tiếng đầu lòng con gọi Stalin!” cho đến tuổi thanh niên được nhuộm đỏ trong một hệ thống tuyên truyền giáo điều. Mọi cảm xúc từ hạnh phúc đến khổ đau đều được đảng chế tạo và tùy theo tuổi tác mà tiêm đúng liều lượng vào mạch sống của mỗi người. Liều thuốc độc tinh vi đến mức khi người đó lớn lên vẫn nghĩ cảm xúc là của chính mình. Ở miền Bắc trước đây có nhiều bản nhạc hay, bài thơ hay vì được viết rất chân thành nhưng có bao giờ tác giả của chúng ngồi xuống lắng lòng suy nghĩ những “cảm xúc chân thành” kia từ đâu mà có.
Sau 43 năm, những một cây bút có trình độ, có nhiều tiếp cận với thế giới bên ngoài khung cửa sắt Việt Nam mà còn tận tình binh vực chế độ thì các em, các cháu sinh ra và lớn lên ở Cao Bằng, Lạng Sơn ngoài Bắc, núi rừng Quế Sơn, Tiên Phước miền Trung hay vùng đồng lầy sông lạch miền Nam thì làm sao hiểu tự do, dân chủ, nhân quyền, công lý là gì.
Sau khi CSVN hé cửa, hàng ngàn người có cơ hội sang Mỹ, Anh, Đức, Pháp học nhưng khi trở về đa số vẫn cong lưng làm phên giậu cho đảng CS thì các em trẻ Việt Nam ôm hình Võ Nguyên Giáp khóc như mưa cũng chẳng có gì đáng trách.
Sir Seretse Khama, Tổng thống dân cử của Cộng Hòa Botswana phát biểu ngày 15 tháng 5, năm 1970 “Một dân tộc không có quá khứ là một dân tộc bị lãng quên, một con người không quá khứ là một người không có tâm hồn” (a nation without a past is a lost nation, and a people without a past is a people without a soul). Tổng thống Botswana kêu gọi các nhà sử học, nhà văn, nhà thơ và mỗi người dân Botswana đừng chỉ dựa vào sử do thực dân da trắng viết mà hãy tự viết chính sử của mình. Lịch sử của dân tộc Botswana có từ nhiều ngàn năm trước và châu Phi là một trong những chiếc nôi của loài người chứ không phải từ khi thực dân đến để “khai hóa” họ.
Việt Nam may mắn hơn Botswana vì đã có sử và giữ được sử dù sau hàng ngàn năm bị các triều đại Trung Hoa đô hộ và một gần một trăm năm bị thực dân đến “khai hóa”.
Trách nhiệm của người Việt may mắn được tự do học, tự do viết hôm nay là đưa các em trở về với dòng lịch sử qua những bài viết, những bài học, những lời khuyên. Tuy nhiên, những điều đó chỉ có thể thực hiện bằng một tâm hồn bao dung, thương yêu và cảm thông dành cho tuổi trẻ.
Giải tẩy não là một tiến trình bền bỉ và đầy kiên nhẫn. Những lời thống trách không mang tuổi trẻ trở về mà đôi khi có thể tác dụng ngược đẩy các em xa. Truyền thống yêu nước chân chính hòa tan trong máu của từng thế hệ Việt Nam và sau mấy nghìn năm đang truyền đến hôm nay. Khơi dậy ngọn lửa thiêng đã có sẵn trong mỗi người và dùng đó để soi đường trên hành trình phục hưng dân tộc.
So với những ngày tưởng chừng như tận thế sau 30-4-1975, công cuộc phục hưng hôm nay đã bước một bước khá dài. Như người viết đã viết trước đây, vai trò quyết định trong trận chiến “ai sợ ai” ngày nay không còn hoàn toàn tùy thuộc vào giới cầm quyền CS như 43 năm trước nữa.
Kiên nhẫn không có nghĩa ngồi chờ và đóng góp không nhất thiết phải qua một hội đoàn, một tổ chức. Võ Hồng Ly đứng một mình nhưng không hề cô độc. Nếu mọi người đều làm như cháu đất nước sẽ đổi thay.  Cho dù không thể là một Võ Hồng Ly, hãy làm hiệu quả nhất theo khả năng và điều kiện của mình. Mỗi người Việt mang trên lưng một quá khứ khác nhau, một hành trang khác nhau, và ngay cả một thương tích khác nhau, nhưng nếu biết rõ bến bờ tự do, dân chủ và chủ quyền đất nước ở đâu thì hãy đi theo cách của mình, rồi một ngày sẽ gặp nhau ở đó.  
Cơn bão “Đặc Khu 99 năm” này có thể rồi sẽ lặng, chúng sẽ thông qua, đất nước sẽ tiếp tục bị xoi mòn, gánh chịu đựng mỗi ngày thêm nặng. Nhưng những tấm lòng Việt Nam yêu nước không vì thế mà bỏ cuộc. Một người bước xuống sẽ có nhiều người khác bước lên.
Sự phẫn uất của các tầng lớp người Việt trong cũng như ngoài nước trước chủ trương bán nước của đảng CSVN cho thấy tình yêu nước, yêu dân tộc đã nhiều lần cứu Việt Nam dưới các thời Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần sẽ một lần nữa cứu lấy Việt Nam.

Trần Trung Đạo