09 June 2018

LƯƠNG TÂM - Hồ Đình Nghiêm


Giá mà mình được như nhà thơ Đỗ Trung Quân để bắt chước ngứa miệng dóng lên tiếng hỏi: Lương tâm là gì hở mẹ? Ô mai, mướp đắng hay khế ngọt? Là cây cải (lương) vô phước bị đưa về trời cho rau răm (tâm) ở lại chịu nhiều đắng cay?
Rất không may là tính tình mình cứ ưa thày lay, ngày hôm nay mọi người cứ một mực hô hào cố làm người tử tế, mồm hăng nói thế cho nên lương tâm hơi bị ế. Đi chung một vế thành ra chữ cắn rứt đành cùn mằn theo thể chế. Bám leo lên cây đu đủ cành không bị gãy mà ngó sang cây khế: Quê hương mình có trồng cây xương rồng không hở má? Nhiều chuyện quá, mày ra Ghuế về làng Nam Phổ mà nhìn trộm con gái ở lỗ trèo cau. Lương là áo, tâm là quần, bị hổng có nên phải chịu trần thân da thịt rướm máu, đêm bảy ngày ba trèo lên tụt xuống không kể. Háng hẹp ắt có ngày phải thành háng rộng: Nhiên tử sự cực tiểu, thất tiết sự cực đại. Nôm na là chết, chuyện nhỏ; táng tận lương tâm dâng đất cho kẻ lạ chuyện ấy rõ to khủng.
Luận chuyện về to, nhỏ như thế nên có lắm người ba phần bức xúc bảy phần bất bình, tâm đầu ý hợp lập ra Hội Anh Em Dân Chủ những mong tìm ra công đạo. Vô tình họ bỏ công dạy cho nhà nước: Ai không có lương tâm kẻ đó chẳng lớn nỗi thành người. Quê hương là gì hở mẹ? Là chốn dạy con đừng bao giờ hèn. Nhà báo Phạm Đoan Trang từng dõng dạc: “Tôi chấp nhận bị đàn áp, vì tôi chống họ. Nhưng phải kính sợ, nể phục một cái gọi là nhà nước hèn như thế thì không. Không bao giờ”. Phạm Đoan Trang có từng leo trèo cây khế mỗi ngày chăng mà cô yêu quê hương đến vậy? “Không bao giờ, không bao giờ giữa mùa hè tuyết rơi…” Có lời nhạc vàng boléro từng ca cẩm như thế, viết trước 1975 chứ vào buổi đương đại này e ông nhạc sĩ ấy cần phải đi thực tế cho biết thế nào là… lễ độ. Ông nào hay vào cao điểm mùa hè mà bà con ở Sài Gòn xắn quần đi lội lụt và miền Trung nước ngập tới trần nhà vì người ta xả lũ đúng quy trình. Không bao giờ, không bao giờ được ở yên với chúng nó. Chúng ăn không từ một thứ gì ngoài dân chủ và lương tâm. Hai món mà chúng sợ ngộ độc (thực phẩm).

Thấy mình thua người ta nên kháu ó nổi giận tìm cách trù dập với những bản án “vô lương tâm”. Nên nhắc lại ở đây với lòng biết ơn (sau khi được mẹ dạy về sự tử tế) tên những anh hùng nạn nhân thời cuộc:
Nguyễn Văn Đài. 49 tuổi, luật sư. Bị kết án: 15 năm tù.
Nguyễn Văn Túc. 54 tuổi, nhà thơ: 13 năm.
Nguyễn Trung Tôn. 47 tuổi, mục sư: 12 năm.
Trương Minh Đức. 58 tuổi, nhà báo: 12 năm.
Nguyễn Bắc Truyển. 50 tuổi, nhà nghiên cứu về luật: 11 năm.
Lê Thu Hà. 35 tuổi, nhà giáo: 9 năm.
Phạm Văn Trội. 46 tuổi, nhà văn: 7 năm.
Đấy là những con số dài miên man mà mình chưa cộng thêm từ 1 tới 5 năm bị quản chế. Báo chí ngoại quốc, những xứ sở văn minh hơn Việt Nam đã gọi nhà cầm quyền lạc hậu kia: “Chà đạp không khoan nhượng tới văn bản luật pháp quốc tế cũng như đã gây hấn ở mức độ đáng báo động về từ ngữ dân chủ, quyền căn bản làm người”. Riêng trang báo Actualitté ở Pháp chạy tít: “Cộng Sản Hà Nội đã nhạo báng công lý”.
Nhiều cảm tình viên của Hội Anh Em Dân Chủ đã cảm thán vụng trộm: “Mặc dù không gây thiệt hại về tài sản hay làm thất thoát công quỹ của nhà nước, họ vẫn bị xử nặng nề hơn… Hội Anh Em Tham Nhũng”.
Lương tâm là gì? Hiểu ở nghĩa hẹp nhất, đó là thứ nó khiến mình từ bỏ ngay ý định về leo trèo lên cây khế ngọt. Thú thật ở biển ngoài mình thua bạn nhiều thứ, chỉ là hạng tép riu, nhưng nếu bạn từng đóng vai Việt kiều hồ hởi về thăm thú quê hương giàu mạnh, thì mình hơn bạn chút đỉnh về hai chữ tự trọng. Hổ thẹn lắm khi biết anh em dân chủ hết người này đến người nọ cứ phải chịu vào ngồi tù. Áo gấm về làng? Sao nghe mỉa mai cho thứ xiêm áo lụa là kia. Ưa “chảnh” thì ích gì cho buổi ấy! Ngang đây chắc có bạn sẽ không muốn đối thoại cùng mình, một đứa chẳng biết sở đắc hai chữ “vô tư”, hai chữ “thụ hưởng” và đứa ấy rất sợ “dù đục ao nhà vẫn hơn”. Tù nhân lương tâm là những người cố gạn đục khơi trong, bạn à!
Một kẻ dân tộc Kinh rộng cẳng đi thăm thú nhiều quốc gia sau cùng “ghé bến Sài Gòn”, dân chúng ùa ra vây đón hỏi thăm sự tình đó đây. Khác với lời thoại in trong sách Quốc văn giáo khoa thư, kẻ ấy ngửa mặt lên trời cao: Ôi, sao đến giờ này mà bà con cô bác vẫn còn cực khổ đến dường này! Con tạo chừng như chẳng chịu xoay vần nhỉ. Ôn hoàn cho chí dịch vật cứ mãi chung tình bủa vây. Thôi chào bà con tôi đi đây. Chậm chân không khéo mà đời tàn trong ngõ hẹp. Đường ra phi trường mùa nầy đẹp lắm, ở đầu sông Tương tội gì đâm nhớ đứa lội cuối sông. Con em vẫn còn đu dây bên triền vực để tới trường học à? Ừa, cũng tốt thôi, tránh nạn ấu dâm mí lị bị xe điên đụng. Hình như 5 điều bác Hồ dạy các em quàng khăn đỏ chẳng nhắc nhớ gì đến sự hiếu thảo đối với bố mẹ, rồi lương tâm? Rồi tử tế? Không bao giờ, không bao giờ ao nhà có nước trong.

Hồ Đình Nghiêm