19 June 2018

TỪ DONALD TRUMP ĐẾN NOBEL PRIZE - Đinh Từ Thức


Trước triển vọng về cuộc họp giữa Donald Trump và Kim Jong-un, dù chưa biết kết quả ra sao, một số người đã ồn ào nói tới một giải Nobel Hoà Bình cho ông Trump.
Khác với các Giải Nobel khác, như giải Văn Chương, Hoá Học, Vật Lý, Y khoa…, được chọn và phát tại Thuỵ Điển, có giá trị đặc biệt về mỗi ngành. Giải Hoà Bình được chọn và phát tại Na Uy, có liên hệ nhiều tới chính trị, và thường gây tranh cãi. Chẳng hạn, một gương mặt biểu tượng cho các phong trào tranh đấu hoà bình trên thế giới là Mahatma Gandhi, tuy được đề cử nhiều lần, chẳng bao giờ được tặng Giải Nobel Hoà Bình. Trong khi đó, những trùm khủng bố và hiếu chiến như Yasser Arafat, Lê Đức Thọ, lại được giải này. Và có khi, người được tặng giải, thay vì vinh dự, đã cảm thấy xấu hổ, không giám tự mình đi nhận giải, tặng hết tiền thưởng cho từ thiện, và cuối cùng trả lại cả mề đay vàng khắc hình Alfred Nobel. Đó là trường hợp của Henry Kissinger, từng được giải cùng với Lê Dức Thọ. Với ông này, giá đừng được giải, có lẽ tốt hơn.

Thành ra, với ông Trump, cậu Un, và Tống Thống Nam Hàn Moon Jae-in, dù có chia nhau Giải Nobel Hoà Bình hay không, chẳng có gì đáng quan tâm. Điều quan trọng là họ có thực sự làm nên trò trống gì cho hai miền Triều Tiên, và hoà bình thế giới không. Nếu chỉ làm trò cười mà được tặng giải, dù Giải Nobel, cũng chỉ là một thứ “Nguỵ Giải”, Fake Prize!
Chủ đích bài này không nói về ông Trump và Giải Nobel Hoà Bình, mà là liên hệ giũa ông Trump và Giải Nobel Văn Chương.


Quang cảnh Hàn Lâm Viện Thuỵ Điển họp hàng năm vào tháng 12 năm ngoái. 
(Hình Jonas Ekstromer/TT News Agency, via Reuters)


“Porn President”

Chắc nhiều bạn đọc thắc mắc: Ông Trump có gì liên hệ tới Giải Nobel Văn Chương? Hàn Lâm Viện Thuỵ Điển đâu có bao giờ tặng giải cho porn artists?
Tạp chí The Atlantic, số đề ngày 03 tháng 05, 2018, tác giả Caitlin Flanagan đã gọi Tổng Thống Trump là “The First Porn President” (Đệ Nhất Tổng Thống Heo). Heo không thể làm văn chương, người có khả năng làm chuyện con heo, liên hệ là như vậy.
Trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 năm 2016, người viết bài này đã nói rõ, trên báo cũng như trong phạm vi gia đình, rằng cả hai ứng cử viên đại diện hai đảng chính, là Hillary Clinton và Donald Trump đều cho thấy, qua các bằng chứng khả tín, là những người không xứng đáng với chức vụ Tổng Thống Mỹ. Do đó, không bầu cho ai cả. Sau ngày bầu cử, được biết, trong số các con, có người đã bỏ phiếu cho Donald Trump. Hỏi tại sao, người này trả lời: Đồng ý cả hai ứng cử viên đều bất xứng. Nhưng nếu bầu cho bà Hillary, sau khi đắc cử, đa số các cơ quan truyền thông có khuynh hướng cấp tiến sẽ ủng hộ bà. Một người từng làm nhiều điều sai lầm ở những địa vị trước, sẽ tiếp tục làm những sai lầm tai hại hơn ở địa vị tổng thống, nếu được dư luận nhắm mắt làm ngơ. Trường hợp này, dùng bà Hillary chặn ông Trump, bầu một người bất xứng làm tổng thống để chặn một người bất xứng khác, kẻ bất xứng vẫn lên ngôi, chẳng chặn được ai. Ngược lại, nếu dùng ông Trump chặn Hillary, sau khi đắc cử, đa số báo chí, trừ Fox News, sẽ xúm vào làm thịt ông Trump. Dù ông này không bị truất phế hay từ chức, riêng đối phó với dư luận đã mệt, sẽ không còn đủ nghị lực, nhân sự và thì giờ để gây thêm những thiệt hại quan trọng cho đất nước. Thế là, dùng một lá phiếu, đối phó được với cả hai người bất xứng.
Lập luận trên đây, hầu như đang được thực tế chứng minh là đúng. Và Đệ Nhất Tổng Thống Heo chỉ là một trong rất nhiều danh hiệu đã được báo chí dùng để gọi vị Tổng Thống thứ 45 của Hoa Kỳ.
Báo chí miệt thị ông Trump như thế, có vẻ hơi quá, nhưng không phải vô cớ. Một tháng trước cuộc bầu cử tổng thống, “Access Hollywood” công bố bản ghi âm lời đối thoại của ông Trump với Billy Bush, ông đã dùng những lời lẽ thô tục đến nỗi, sau hơn hai trăm năm long trọng ghi nhận quyền tự do ngôn luận vào hiến pháp, loại ngôn từ này vẫn bị tự kiểm duyệt trên mặt báo, như “Tôi đã cố đ. nàng. Nàng có chồng. Tôi tự động bị lôi cuốn bởi sắc đẹp - Tôi cứ hôn họ. Nó giống như nam châm. Hôn liền. Tôi không muốn đợi. Và khi bạn là một ngôi sao, họ để bạn làm thế. Bạn có thể làm mọi thứ… Chộp thẳng vào l.. họ. Bạn có thể làm mọi sự” * (Biết người ta có chồng mà vẫn cố tình xâm phạm. Rồi đặt tay trên hai cuốn Thánh Kinh trong tay vợ để tuyên thệ nhận chức tổng thống. Tổng thống gì vậy?)


Ít nhất trên nửa triệu người đã tham dự cuộc biểu tình phụ nữ chống Trump tại Washington DC, hôm 21 tháng 01, 2017 
(Hình Kyodo).


Thật ra, ngoài những lời lẽ ghê rợn như thế, gọi ông Trump là Đệ Nhất Tổng Thống Heo cũng không đúng hẳn. Ông không có đóng phim con heo, chỉ cặp bồ với cô tài tử phim con heo, nghệ danh Stormy Daniels (tên thật Stephanie A. Gregory Clifford), và người mẫu tạp chí sex Playboy là Karen McDougal, rồi chi cho cô trước 130.000 và cô sau 150.000 đô la, để bịt miệng các cô trước bầu cử. Đồng thời, Giống Bill Clinton trước kia, chối bay chối biến là có liên hệ với các cô này, cho đến khi không thể chối được nữa mới chịu nhận. Nhưng vì vậy mà gọi ông Trump là Đệ Nhất Tổng Thống Heo thì không đúng. Nếu gọi các Tổng Thống Mỹ nổi tiếng về phương diện gái gú trong nửa thế kỷ qua là Tổng Thống Heo, ông Trump chỉ xứng đáng xếp vào hàng Đệ Tứ, sau các ông John Kennedy, Lyndon Johnson, và Bill Clinton.

Ba ông trên không bị gọi là Tổng Thống Heo, không bị báo chí làm thịt, vì các ông đều thuộc Đảng Dân Chủ.
Khi xắn tay áo cạo lông ông Trump, để ra vẻ công bằng, giới truyền thông cấp tiến đã đấm ngực than rằng, trước đây họ đã im tiếng, hay lên tiếng bênh vục Bill Clinton, là sai. Đáng lẽ họ đã phải thẳng tay đòi Clinton từ chức. Nói vậy quá dễ, chẳng làm Bill Clinton rụng cái lông chân nào. Còn chức đâu mà từ?
Nhưng trong khi cạo lông Trump mà vẫn nhắm mắt làm ngơ cho các con heo Dân Chủ nhởn nhơ, tiếp tục rong chơi, không thể coi được.
Từ Trump đến Weinstein
Trong một bài trên fastcompany.com, ngày 01 tháng 11, 2017, tác giả Joe Berkowitz viêt: “Chẳng có gì mới lạ về những người đàn ông có thế lực bị lên án xách nhiễu tình dục. Trong nhiều năm, chúng tôi đã thấy những tố cáo chống lại các ông ở địa vị cao nhất liên hệ tới lãnh vực của họ, như Bill O’Reilly, R. Kelly, Louis C.K., Woody Allen, Bill Cosby, Roman Polanski và dĩ nhiên cả Donald Trump, chỉ xin bắt đầu như vậy”. Điều này chứng tỏ, trước đây, báo chí thấy chuyện bậy mà làm ngơ. Nếu Trump thất cử, chắc mọi chuyện vẫn như cũ. Trump không bị tố, và chẳng có ông lớn nào bị tố.
Từ trên một năm nay, Trump và nhiều người ủng hộ ông vẫn lải nhải thắc mắc: Trong ban vận động của bà Hillary, cũng có người liên lạc với Nga, sao phiá bà không bị điều tra, chỉ chĩa mũi dùi vào phía Trump? Đó là thắc mắc thuộc loại tối dạ. Túm kẻ có tóc, ai túm kẻ trọc đầu? Rọi đèn vào bên thắng cử, ai thừa hơi sức bới móc bên thất cử?
Tố Trump là Tổng Thống Heo, tất nhiên các heo nọc danh tiếng khác cũng lần lượt xếp hàng lên thớt. Harvey Weinstein là heo Dân Chủ đầu tiên bị báo chí cấp tiến hỏi tội. So sánh với Trump, Weinstein vào hàng bậc thầy. Trump cập kè với porn stars, rồi dùng tiền bịt miệng họ, trong khi Weinstein xâm phạm thân thể ngọc ngà của toàn những siêu sao thứ thiệt.


Tổng Thống Donald Trump, trái, và tay tổ phim ảnh Harvey Weinstein. (Evan Vucci/AP | Charles Sykes/AP)

Trên LA Times (Entertainment) ngày 16 tháng 10, 2017, Loraine Ali viết: “Như Seth Meyers gần đây nêu ra, cả hai cùng là người có thế lực bị tố cáo bởi nhiều phụ nữ về tội xách nhiễu tình dục. Cả hai cùng bị ghi âm nói những điều về phụ nữ đáng lẽ đủ để bảo đảm họ không còn thể nào tiến xa hơn trong lãnh vực của mình. Cả hai cùng thành công mặc dầu sau nhiều năm có những tin đồn về tính hư tật xấu, cho đến cuối cùng, một người quán xuyến Hollywood và người kia cai quản Hoa Kỳ.

Vậy đâu là điểm nhấn? So what’s the punchline?
Điểm nhấn là giới truyền thông không làm đúng nhiệm vụ của mình. Bao che hoặc bợ đỡ người có thế lực. Đến khi chẳng đặng đừng mới ra tay. Và khi ra tay, không thể chỉ đánh một người.
Thử tưởng tượng, nếu Hillary Clinton đắc cử, liệu Harvey Weinstein có bị làm thịt? Nhiều phần chắc là không. Weinstein đã từng bị tố cáo trước kia, nhưng Công Tố Trưởng của New York thời Dân Chủ đã từ chối truy tố, “vì thiếu bằng chứng”. Nếu Trump thất cử, chẳng riêng Weinstein, nhiều con heo danh tiếng khác cũng thoát hiểm. Một nhân vật rất quan trọng của Đảng Dân Chủ. Bộ Trưởng Tư Pháp (Attorney General) của Tiểu Bang New York, Eric Schneiderman, đã phải từ chức chỉ mấy tiếng sau khi tạp chí New Yorker đăng bài tố cáo ông này về tật bạo hành phụ nữ. Trước khi công khai tố cáo, một trong những người bạn gái cũ của ông Schneiderman đã được bạn khuyên rằng không nên làm như vây, vì ông ta là một chính trị gia quá nhiều giá trị để Đảng Dân Chủ có thể mất (too valuable a politician for the Democrats to lose). Bà này đã quyết định tố cáo sau khi thấy ông Rob Porter, viên chức hàng đầu của ông Trump ở Bạch Ốc phải từ chức, vì bị tố cáo đã hành hung hai vợ cũ.
Từ Weinstein đến #MeToo
Như một trận bão lớn, một khi đã hội đủ các yếu tố tạo thành, không thể tan biến trong chốc lát. Sức tàn phá di động của nó sẽ mạnh thêm với thời gian, gây ra những thiệt hại khó lường. Không khí ngột ngạt sau Trump đắc cử tạo ra cuồng phong Weinstein, làm nẩy sinh bão #MeToo.
Phong trào “Me Too” nguyên thuỷ đã xuất hiện từ 2006, chủ xướng bởi Tarana Burke, một phụ nữ da đen, nạn nhân xâm hại tình dục, nhằm mục đích bênh vực những phụ nữ da mầu. Vì các nạn nhân thuộc thành phần thấp cổ bé miệng, không gây được tiếng vang lớn. Đến khi Harvey Weinstein bị hạ bệ vào tháng Mười 2017, nạn nhân đa số là các ngôi sao nữ nổi tiếng, đã phát động #MeToo, do một trong những nạn nhân chủ xướng, là Alyssa Milano, với sự đồng lên tiếng của các nữ tài tử nạn nhân lừng danh khác, như Rose McGowan, Asia Argento, Mira Sorvino, Ambra Battilana Guitierrez, Gwyneth Paltrow, Angelina Jolie, Reese Witherspoon, Lady Gaga…
Bão #MeToo đánh ngã nhiều cổ thụ nổi tiếng. Danh sách không đầy đủ cho tới đầu tháng Năm 2018, có vào khoảng trên một trăm nhân vật, thuộc đủ ngành.
Về điện ảnh, có: Oliver Stone, Sylvester Stalone, Dustin Hoffman, Kevin Spacey, Ben Affleck…
Về truyền thông, có: Bill O’Reilly (Fox), Glenn Thrush (NYT), Charlie Rose (PBS,CBS), Matt Lauer (NBC), Matt Zimmerman (NBC), Hamilton Fish V (New Republic), Mark Halperin (MSNBC, HBO)…
Về chính trị, có ít nhất tám nhà lập pháp liên bang và tiểu bang, như Nghị Sĩ Al Franken, Dân Biểu John Conyers, Chủ Tịch Hạ Viện bang Kentucky Jeff Hoover…
#MeToo không chỉ tàn phá ở Mỹ, còn gây ảnh hưởng cả ở châu Âu. Cuối tháng Mười năm ngoái, Sir Michael Fallon, Bộ Trưởng Quốc Phòng trong Chính Phủ Anh đã phải từ chức, vì lời tố cáo sờ đầu gối nữ ký giả trong một bữa tiệc, tuy sự việc xẩy ra từ 15 năm trước.
Từ Tây Âu, #MeToo lan tới Bắc Âu, không tránh cả những nơi cực kỳ nghiêm túc, kín cổng cao tường, như Viện Hàn Lâm Thuỵ Điển; một cơ chế uy tín với trên hai trăm năm lịch sử, nơi hàng năm lựa chọn và phát giải Nobel Văn Chương.
Cho đến đầu tháng Năm 2018, Viện vẫn giữ ý định sẽ phát giải năm nay như thường lệ. Nhưng ngày Thứ Sáu 04 tháng 05, Viện bất ngờ loan báo hoãn giải năm nay, và sẽ phát hai giải vào năm tới. Từ khi được thành lập năm 1901 tới nay, đã có bảy năm không phát giải Văn Chương, vào các năm 1914, 1918, 1940, 1941, 1942, 1943, vì hai cuộc Thế Chiến, và vào năm 1935, không biết rõ lý do. Đồng thời, cũng có bảy lần không phát giải, vào các năm 1915, 1919, 1925, 1926, 1927, 1936, và 1949, vì không có người xứng đáng. Tuy nhiên, không lần nào bị trục trặc vỉ chuyện tai tiếng như năm nay.
Heo văn chương nghệ thuật
Tháng 11 năm ngoái, vào lúc #MeToo đạt cao độ ở Mỹ, tờ nhật báo Thuỵ Điển Dagens Nyheter loan tin 18 phụ nữ tố cáo họ đã bị tấn công tình dục bởi một nhân vật nổi tiếng trong giới văn học nghệ thuật, là Jean-Claude Arnault, một cựu nhiếp ảnh gia, công dân Thuỵ Điển gốc Pháp, sinh quán Marseille. Ông này gần gũi với Viện tới nỗi tự xưng mình là viện sĩ thứ 19, trong khi Viện chỉ có 18 thành viên. Ông là chồng của một thành viên, thi sĩ Katarina Frostenson.
Cùng tuổi Bính Tuất (1946) với Donald Trump và Bill Clinton, ông nổi tiếng về những hành vi không đẹp với phụ nữ từ trên vài chục năm trước. Từng bị tố cáo từ năm 1996, nhưng cũng như Weinstein bên Mỹ, ông không bị truy tố ra toà, “vì thiếu bằng chứng”, và thời hiệu bị triệt tiêu. Bây giờ, do ảnh hưởng #MeToo, ông hết nơi ẩn náu, bà cũng bị vạ lây.
Ngoài tư cách thành viên Hàn Lâm Viện, bà Frostenson còn cùng chồng Arnault làm chủ Forum, một câu lạc bộ văn hoá nổi tiếng tại Thủ Đô Stockholm, nơi trưng bầy, đọc và trình diễn các tác phẩm nghệ thuật, với sự tham dự của các nhân vật danh tiếng, kể cả khôi nguyên Giải Nobel. Ông bà bị tố cáo nhận trợ cấp thường xuyên từ quỹ Hàn Lâm Viện, một hình thức tham nhũng vì xung khắc lợi ích. Hàn Lâm Viện đã cắt đứt mọi liên hệ, và Forum đã đóng cửa. Ông bà còn bị tố đã tiết lộ danh tính nhiều người trúng giải Nobel trước khi công bố chính thức, trong số này có Bob Dylan năm 2016, và Harold Pinter năm 2005. Riêng ông mới đây còn bị tố đã cả gan “bốc hốt” cả công chúa Victoria, người sẽ nối ngôi trở thành nữ hoàng. Tất nhiên ông Arnault phủ nhận tất cả những lời tố cáo, trong khi luật sư của ông là Björn Hurtig, có luận điệu giống hệt Donald Trump: Arnault đã trở thành “nạn nhân của một vụ săn phù thuỷ” (“the victim of a witch hunt”).


Katarina Frostenson và chồng Jean-Claude Arnault, 
(Hình David Sica/Stella pictures)


Gần đây, lần đầu tiên trong lịch sử, một nữ thành viên Hàn Lâm, bà Sara Danius, đã được bầu vào địa vị Thư Ký Thường Trực, chức vụ điều hành cao nhất của Viện. Bà này đã cho mở điều tra để làm sáng tỏ và sửa chữa những việc làm thiếu minh bạch. Bước đầu cố gắng này đưa tới phiên họp thảo luận việc truất phế bà Frostenson. Nhiều thành viên không chịu, bênh vực bà này, rằng bà không phải chịu trách nhiệm về những việc làm xấu của chồng. Đồng thời, chỉ trích bà Danius đã có quyết định sai lầm.

Ngày 06 tháng 04, 2018, ba thành viên ban tuyển chọn người được Giải Nobel từ chức để phản đối, gồm cựu Thư Ký Thường Trực Hàn Lâm Viện, ông Peter Englund, tiền nhiện của bà Danius, cùng các ông Klas Östergren và Kjell Espmark.
Một thành viên phía đa số, ông Anders Olsson, nói với giới truyền thông rằng “chúng tôi đi tới kết luận là không ai bị trục xuất. Những người từ chức có quan điểm khác. Họ ở phe thiểu số và tôi nghĩ rằng đó là lý do chính họ ra đi”.
Trên nguyên tắc, thành viên có nhiệm kỳ suốt đời, thành ra, từ chức chỉ có nghĩa bỏ trống cái ghế của mình, một hình thức tẩy chay tham dự sinh hoạt Viện.
Tình trạng chia rẽ căng thẳng tới nỗi, đi từ chỗ những mâu thuẫn giữa các thành viên của Viện vốn chỉ diễn ra kín đáo trong phòng họp, nay được phơi bầy trên báo, trên mạng, khiến uy tín của một cơ chế uy tín hàng đầu bị thương tổn nặng nề. Một tuần sau, ngày 12 tháng 04, bà Frostenson phải rút lui, và sau một phiên họp khẩn cấp kéo dài ba tiếng vào đêm Thứ Năm, sáng sau, 13 tháng 04, bà Danius phải từ chức Thư Ký Thường Trực. Địa vị này được tạm thời thay thế bởi thành viên Anders Olsson, nhà văn, giáo sư văn chương, người đã chê các thành viên từ chức vì bất đồng quan điểm.


Bà Sara Danius nói với báo chí bà mất tin tưởng vào Viện Hàn Lâm Thuỵ Điển 
(Hình Jonas Ekstromer)


Điều mỉa mai là, vụ tai tiếng bùng nổ do vài chục phụ nữ tố cáo hành vi đồi bại của một ông thân cận với Viện, đưa tới hậu qủa hai thành viên phụ nữ của Viện là nạn nhân, bà Frostenson và bà Danius. Dư luận phàn nàn là “phụ nữ được tạo ra để bưng bô cho những thói xấu của đàn ông”. (women were being made to carry the can for male misbehavior). Khả năng giải quyết nội vụ của Viện đưa tới thắc mắc: Giá trị thẩm định của họ đối với người được chọn là khôi nguyên văn chương hàng năm như thế nào?

Truyền thống và tệ đoan
Sau khi mất chức Thư Ký Thường Trực, bà Danius tuyên bố với báo giới Thuỵ Điển sáng 13 tháng 04, rằng “Tất cả truyền thống không đáng để bảo tồn” (All traditions are not worth preserving). Kêu gọi Viện coi đạo đức là ưu tiên, thông báo và trừng phạt những tố cáo về hạnh kiểm, chống thói lạm quyền và coi thường phụ nữ của phái nam, bà nói “Quan tâm về di sản không có nghĩa là kiêu căng và cách biệt xã hội nói chung” (Caring for a legacy must not mean an arrogance and distance to society at large)
Vì vụ khủng hoảng, từ 18 người, Viện chỉ còn 10 thành viên thực sự hoạt động. Thứ Sáu, 04 tháng 05, Viện ra thông báo hoãn giải năm nay tới sang năm. “Đi tới quyết định này vì Viện bị giảm trong hiện tại và lòng tin vào Viện của công chúng bị sa sút”. Trong khi ấy, Thư Ký Thường Trực tạm thời tuyên bố: “Chúng tôi thấy cần thiết phải đủ thì giờ phục hồi niềm tin của công chúng…, trước khi có thể loan báo khôi nguyên kế tiếp. Làm vậy vì sự tôn trọng đối với các khôi nguyên văn chương trong quá khứ và tương lai, với Cơ sở Nobel và công chúng”.

Người biểu tình, đa số là phụ nữ, tập trung bên ngoài Hàn Lâm Viện Thuỵ Điển ở Stockholm, ngày 19-04, 2018, đề ủng hộ bà Danius 
(Hình Fredrik Persson/EPA)


***


Không nhờ bà Hillary. Cũng không cần đợi vị nữ tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ để hoàn thành cuộc cách mạng nâng cao nhân phẩm phụ nữ. Chính Donald Trump đã làm được điều kỳ diệu này. Một cách cụ thể, ông đã tạo được hai thành tích ngoạn mục:

Thứ nhất, chặn được Hillary trở thành Tổng Thống. Tránh cho nước Mỹ một tai hoạ. Những ai còn lưu luyến Hillary, hãy nhìn vào sự thật: Không thắng nổi một đối thủ như Donald Trump, làm sao đủ khả năng cai trị nước Mỹ?
Thứ nhì, Donald Trump đã vô cùng xuất sắc đóng đúng vai trò giọt nước làm tràn ly. Qua lời nói việc làm không cần che đậy, đóng kịch, một Hoàng Đế cởi truồng lộ nguyên hình hài trong bộ áo truyền thông trong suốt, người nhiều máu khôi hài cười thoả thích, người chín chắn che mặt trầm tư, xét lại chính mình. Phải làm gì?
Tiếng vang của hàng triệu người trong Women’s March ở Washington DC đầu năm 2017, đã lan tới, và vọng lại từ Stockholm đầu Xuân 2018.

Đinh Từ Thức

* Trump: I did try and fuck her. She was married.
I’m automatically attracted to beautiful — I just start kissing them. It’s like a magnet. Just kiss. I don’t even wait. And when you’re a star, they let you do it. You can do anything.
Bush: Whatever you want.
Trump: Grab ’em by the pussy. You can do anything.