BBT: Đây là một bài Phiếm của tác giả Nguyễn Tài Ngọc, ý kiến cũng như quan điểm trong bài là của riêng tác giả, do đó dĩ nhiên không liên quan đến Nhóm Chủ trương. Vì là bài phiếm nên... 'xấu đẹp tuỳ người đối diện' ước mong người đọc cũng được... mua vui 'một vài trống canh'. Trân trọng. BBT
Hai
tuần trước anh vợ tôi từ trần. Đây là đám tang thứ hai vợ chồng tôi dự trong
vòng một tháng. Ở tuổi gần đất xa trời của tôi, chuẩn bị cho ngày buồn bã đó là
việc nên làm vì thứ nhất, chuyện trọng đại đã sát gần đến đít, và thứ hai, nếu
tôi không viết sẵn vài lời trăn trối thì vợ tôi sẽ ngỡ ngàng không biết quyết định
ra sao, nên tái giá với chàng Mễ làm vườn hay ông Việt Nam độc giả của tôi có vợ
lìa trần mười năm về trước nhưng lại thầm kín ái mộ nàng?
Tôi
sinh ra đời không một người quen đánh điện tín hay viết một lá thư báo tin mừng
nên vợ tôi cũng không nên báo cho ai biết tôi đã ra đi đột ngột. Ngày tôi chết
không thể nào huyên náo ầm ĩ như đám cưới mới đây của Hoàng tử Anh khỉ gió,
nhưng phải yên lặng thầm kín như Hitler tự tử làm nhiều người trên thế giới vẫn
không tin là Hitler chết, có thể trốn sang Argentina sau khi quân đội đồng
minh thắng Thế Chiến Thứ Hai (quý vị có biết là Hitler chết cũng vào ngày 30
Tháng 4?, năm 1945).
Tôi
mong là vợ tôi sẽ làm theo lời yêu cầu của tôi vì nếu không, tôi có thể bắt chước
theo Hitler, cùng bắt vợ là Eva Braun tự sát theo mình. Sở dĩ tôi không muốn thế
giới biết tin tôi chết vì tính nói thẳng của tôi tạo nên không biết bao nhiêu kẻ
thù khi tôi còn sống. Tôi không muốn kẻ thù của tôi nhếch mép ca khúc khải hoàn
khi biết tin tôi ngủm củ tỏi vì sự truyền thông nhanh hơn sao xẹt của các mạng
lưới xã hội.
Vợ con và các cháu không cần để tang cho tôi. Từ lúc còn bé ở Việt Nam tôi đã
ghét những áo tang trắng, những dải khăn trắng choàng đầu gia đình mặc khi có
tang. Không những quần áo rộng thùng thình mà nó còn không có kiểu thời trang một
tí nào, trông như người vẽ kiểu có liên hệ gia đình với con ma nhà họ Hứa. Nhìn
người trong gia đình quây quần quanh quan tài chẳng khác gì xem một vở kịch
chương trình lúc Không giờ, ghê rợn và thê lương.
Hỏi bất
cứ một người Việt nào ai cũng bảo là ghét Tầu, thế nhưng hành động thì là một nẻo.
Tôi mà đã ghét ai rồi thì nhất định không bao giờ làm theo những gì người đó
làm. Bao nhiêu phong tục tập quán và thói xấu của người Tầu người mình nhắm mắt
theo răm rắp, chẳng suy nghĩ có đúng hay không, chẳng phân tích sai quấy ra
sao.
Mặc
áo tang ghê rợn, bỏ gạo vào mồm người chết, trên quan tài có đôi đũa và quả trứng
luộc, bùa đặt trên quan tài, đốt tiền giả, lễ chung thất (49 ngày), mãn tang
sau ba năm (đại tường) ..., tất cả đều là văn hóa Trung Quốc, mình bắt chước
người Tầu ở bẩn hỉ mũi ngoài đường chưa đủ hay sao mà bất cứ việc gì trong đời
cũng bắt chước theo họ?
Nếu
muốn bắt chước, bắt chước cái hay cái đẹp của một xứ sở văn minh để họ kéo quốc
gia của mình tân tiến lên theo. Tôi có dịp đến bốn quốc gia Á Đông bắt chước
cái hay cái đẹp của quốc gia người để bây giờ tất cả trở thành cường quốc kinh
tế:
-Taiwan: Nhật đô hộ từ năm 1895 đến 1945. Trung Quốc lẫn Taiwan bị Nhật đô hộ,
thế nhưng tôi khám phá ra sau lần đi du lịch Taiwan vào Tháng 2 năm 2017 là người
Taiwan ghét Tầu Cộng hơn là ghét người Nhật. Vì lý do này mà họ thu nhập văn
hóa Nhật vào đời sống của họ: Nhà hàng sushi khắp nơi ở Taiwan (người Taiwan
thích ăn sushi như người Nhật). Bất cứ đường phố nào ở Taipei đều có tiếng Nhật.
Nhà cửa, hàng quán, khắp nơi sạch sẽ ngăn nắp. Sở thích của giới trẻ là theo mốt
của Tokyo chứ không phải của Beijing. Chỉ với 23.57 triệu dân, Tổng số lượng sản
xuất GDP) mỗi đầu người (PPP) của Taiwan bây giờ hơn của Japan (xem danh sách
bên dưới).
-Hàn
quốc: Năm 1990, lần đầu tiên về Việt Nam máy bay ngừng ở Seoul, tôi được đi
tour một vòng thành phố trong khi chờ đợi chuyển tiếp. Tôi há hốc mồm kinh ngạc
vì xe cộ, đường xá ở Seoul không khác gì ở Mỹ: chỉ có xe hơi, không có xe gắn
máy, và xa lộ khắp nơi.
Sau
chiến tranh Nam Bắc 1950-1953, Hoa Kỳ ở lại Hàn Quốc cho đến bây giờ để tái thiết
và bảo vệ Hàn quốc chống Triều Tiên xâm lăng. Chẳng những Hàn Quốc học hỏi kỹ
thuật từ người Mỹ, mà tôn giáo của họ cũng thay đổi theo Hoa Kỳ: đa số từ Phật
giáo trở thành Tin Lành (Công giáo - 7.9%, Phật giáo - 15.5%, Tin Lành - 19.7%,
Không theo đạo nào hết - 56.1%).
-Singapore: Đây là một quốc gia thần tiên khi nói về biến chuyển từ một nhược
tiểu lên đến đại cường quốc về kinh tế, với chỉ 5.6 triệu dân. Tất cả nhờ công
từ một người : Lý Quang Diệu, chẳng những tốt nghiệp ở trường London School of
Economics, mà còn tốt nghiệp ở trường Luật nổi tiếng thứ bẩy trên thế giới, Đại
học Cambridge của Anh Quốc. Lên chức Thủ Tướng Singapore năm 1959 và chỉ trong
một thời gian ngắn ngủi 30 năm, Lý Quang Diệu biến Singapore thành một quốc gia
tân tiến, cực kỳ sạch sẽ, một trung tâm quan trọng hàng đầu thế giới về tài
chính.
-Nhật
Bản: Cho đến thế kỷ 19, Nhật Bản tự trị với chính sách cô lập, không mở cửa
bang giao với ngoại quốc. Thế nhưng khi hạm đội bốn chiếc thuyền của Hoa
Kỳ dưới quyền điều khiển của Commodore Matthew Perry vào Vịnh Tokyo vào ngày
8-Tháng 7-1853 đòi hỏi bắt buộc Nhật mở bến tầu, ký hiệp ước buôn bán giữa hai
nước, Nhật bằng lòng. Lý do là vì Nhật lo ngại chưa thấy một chiến thuyền nào
tân kỳ như chiến thuyền Mỹ, và sợ là số phận Nhật cũng như Trung Quốc: sẽ bị
các nước Tây Phương mổ xẻ chiếm đoạt.
Minh Trị Thiên Hoàng (Hoàng Đế Meiji), lên ngôi năm 1868, thấy
ngay hiểm họa này nên cổ võ dân chúng phải duy tân, hiện đại hóa theo Tây
Phương. Một mặt Hoàng Đế Meiji gửi sinh viên sang châu Âu, châu Mỹ học hỏi, một
mặt nhà vua mướn 3000 chuyên gia Tây Phương sang giúp Nhật Bản trong mọi lĩnh vực:
học tiếng Anh, khoa học, kinh tế, kỹ sư, quân sự, giáo dục. Meiji đổi cả ngành
giáo dục của Nhật bắt chước theo Pháp, Đức, và nhờ Pháp tân tiến hóa Hải Quân
Nhật Bản.
Hậu
quả của sự bắt chước cái hay nước người của bốn quốc gia này thể hiện qua danh
sách Tổng số lượng sản xuất (GDP) của mỗi đầu người (PPP) trong một năm, theo
International Monetary Fund, 2017, tôi liệt kê sau đây (Tôi kèm theo bốn nước
phụ trội để so sánh):
Thứ hạng Quốc
gia
PPP thế giới
1
Qatar
$124,927 dollars
3
Singapore
$90,531 dollars
11
Hoa Kỳ
$59,495 dollars
19
Taiwan
$49,827 dollars
28
Japan
$42,659 dollars
30
South
Korea
$39,387 dollars
72
Thailand
$17,786 dollars
79
China
$16,624 dollars
125
Việt
Nam
$6,876 dollars
Ai muốn
bắt chước phong tục Tầu thì tùy hỷ, nhưng không có tôi. Tôi nhất định không
khăn tang quấn đầu, không áo tang trắng ghê rợn trong đám ma. Mình phải bỏ văn
hóa Trung Quốc hủ lậu, theo văn minh Tây Phương: đám tang tôi vợ tôi nên mặc
bikini hai mảnh của Victoria's Secret của Hoa Kỳ.
Tôi
không muốn chôn, thiêu quách cho xong. Chôn vừa đắt tiền, vừa sau này chẳng ai
đến thăm viếng. Chôn phải mua đất, mua quan tài, mướn người khiêng hòm, nếu người
nhà không khiêng... Đám tang tôi cháu ngoại đều là con gái, làm sao chúng nó
khiêng tôi nổi? Trung bình chôn ở miền Nam California Mỹ tốn $18,000 dollars,
trong khi thiêu chỉ tốn $4,000 dollars. Chôn đắt tiền vô ích, tiền dư để vợ tôi
đi shopping có lý hơn.
Thiêu
xong thì vợ tôi không nên mang tro về nhà làm quái gì. Người ta giữ tro mục
đích để nhớ người đã khuất. Nếu vợ tôi muốn nhớ tôi, cứ vào toilette nghĩ đến
khi còn sống tôi lau toilette là nàng sẽ có kỷ niệm ngay, khỏi cần tro với triếc.
Đặc
biệt là trong trường hợp nàng tái giá thì lại càng không nên đem tro về nhà. Tưởng
tượng ông chồng mới, làm tình mà cứ thấy hũ tro của tôi trên bàn nhìn ông ta chằm
chặp thì làm sao ông ta có thể nổi hứng ngựa phi đường xa? Bảo đảm một ngày đẹp
trời lén trốn tránh vợ, ông ta bỏ tro tôi vào toilette, giật nước cho chúng
phiêu lưu ra ống cống rồi thay thế với đất ngoài vườn. Thành thử chết là hết, vợ
tôi không cần đem tro về nhà, chỉ khiến đời sống thêm phức tạp.
Về niềm
tin tôn giáo, tôi đã có viết là tôi kính trọng Phật là một học giả nghĩ ra một
triết lý của cuộc sống. Thế nhưng ông ta cũng là người như tôi, cũng đi tìm sự
gì xẩy ra sau cái chết như tôi nên tôi không thờ phượng lạy lục Phật, và như thế
nhất định vợ tôi không cần phải mướn thầy chùa tụng kinh làm gì cho điếc tai
tôi đang cần sự yên lặng nghỉ ngơi.
Nếu
tôi không lầm thì mướn thầy chùa tụng kinh cho đám ma, phí tổn tối thiểu là 900
dollars. Nếu phải trả lệ phí cho nhà quàn, cho thành phố... thì tôi đồng ý, vì
gia đình tang quyến bắt buộc phải cần, thế nhưng dịch vụ tôn giáo, cho dù là Phật,
Thiên Chúa Giáo, ông Đạo Dừa...đi nữa, thì tại sao lại tính tiền? Khi một người
tin vào tôn giáo của mình thì sự tin tưởng đó là thiêng liêng, không thể nào
đánh giá bằng tiền bạc của đời sống. Sự giúp đỡ một người cùng niềm tin vào được
Niết Bàn hay lên Thiên đàng là một bổn phận tâm linh, không phải là một dịch vụ
tiền bạc của trần ai tạm bợ.
Tôi
cũng không cần Mục sư đến làm lễ. Nếu thật sự có Chúa hiện hữu, tôi có trách
nhiệm với Chúa về những hành động khi tôi còn sống. Xấu thì tôi xuống Địa ngục.
Tốt thì tôi lên Thiên đàng. Sự tự trọng trong người của tôi không để cho tôi lạy
lục xin xỏ cho tôi được lên Thiên đàng (nếu có), tha thứ tội lỗi tôi đã phạm
khi tôi còn sống..
Đạo
Thiên Chúa thường dùng cách này để "dụ" người khác đạo, hay người gần
đất xa trời tin Chúa: "Nếu ông/bà tin Chúa Jesus thì sẽ được cứu rỗi, được
lên Thiên đàng". Sắp ngủm đến nơi mà nghe ai nói chỉ cần tin Jesus là tội
lỗi được tha, được lên Thiên đàng, thì đại đa số ai lại chẳng tin?
Thế
nhưng đối với tôi điều này quá vô lý. Hitler giết sáu triệu người Do Thái, là
người gây ra Thế Chiến Thứ Hai với hơn 50 triệu người thiệt mạng. Nếu Hitler
tin Chúa Jesus thì Hitler sẽ được lên Thiên đàng cho dù là tội ác tày trời. Phi
lý chứ không phải vô lý!
Ai
nói cũng rất hay trong hoàn cảnh trừu tượng, nhưng thực tế xẩy đến cho mình thì
mọi người đối xử ra sao? Nếu ai nghĩ rằng tin Chúa Jesus thì mọi tội lỗi sẽ được
tha, thì mấy ông chồng thử đi ngủ với bao nhiêu bà khác rồi về nhà nói với vợ
là "Anh tin Chúa Jesus", thử xem bà vợ có tha hay không? Tôi bảo đảm
bà vợ sẽ lấy con dao phay chém đứt của quý mấy ông liền lập tức, chẳng un, deux
gì cả.
Nếu
tin Jesus sẽ được tha tội thì cần nhà cửa, cảnh sát, nhà tù, hệ thống báo động,
quân đội, hỏa tiễn, súng ống, biên giới... làm gì ? Để mặc những kẻ cướp bóc,
phá hoại, hãm hiếp, tước đoạt gia sản, mạng sống của người khác. Để mặc quốc
gia này xâm chiếm quốc gia kia -Nga chiếm Ukraine, Trung Cộng xâm đoạt Việt
Nam, vì nếu những kẻ ác tin Chúa Jesus sẽ được tha tội thì người lương thiện chống
chọi người có máu Satan trong cõi đời này là hoàn toàn vô ích.
Thành
ra thanks but no thanks; không cần thầy chùa, mục sư đến cầu siêu, cầu nguyện
cho tôi. Tôi sẵn sàng gánh lấy hậu quả âm thầm đi vào ngõ hẹp ở địa ngục nếu
tôi phạm tội khi còn sống.
Nhà
quàn tính tiền phụ trội nếu kéo dài thêm ngày giữ xác nên chôn tôi càng sớm
càng tốt. Đám tang nào họ cũng dành ra một, hai giờ trước khi di quan chôn cất
để khách đến thăm viếng và nói vài lời từ giã, nhưng đám tang tôi thì nhất định
không có mục này. Lý do là tôi biết chắc tôi không có bạn mà chỉ có thù nên sẽ
chẳng một ai bỏ chút thì giờ đến viếng thăm tôi lần cuối. Nếu đặt riêng thì giờ
để khách đến thăm viếng tôi mà không có ma nào tới thì cho dù nằm trong hòm, bảo
đảm tôi sẽ thấy.... quê không ai thèm đến gặp mình khi đã trút hơi thở cuối
cùng.
Sau
khi mọi sự an táng xong xuôi, lúc bấy giờ vợ tôi mới nên đăng cáo phó. Phải
thông báo càng rộng rãi càng tốt: báo Việt Nam, trang mạng ở Mỹ cũng như ở Việt
Nam, Facebook, Instagram, để cho kẻ thù tôi bình tĩnh mà... run. Tôi tin vào
triết lý sống của Do Thái giáo: khi còn sống, tôi cố gắng sống một cuộc đời hiền
lành giúp đỡ người khác nếu tôi có dịp. Nhưng nếu người nào hãm hại tôi, phê
bình xây dựng tôi, chửi tôi như những người đọc bài vở tôi trên Saigonocean.com,
tôi nhất định muốn xin họ tí huyết, "mắt đền mắt, răng đền răng", chứ
không phải "ai tát má phải ngươi thì đưa má trái cho họ tát nốt". Khi
còn sống tôi không biết họ là ai nhưng lúc chết, chắc chắn tôi sẽ biết danh
tánh của họ. Thành ra để họ biết tin tôi chết vì họ sẽ khủng hoảng tinh thần sợ
tôi về nhát ma.
Hy vọng
là tôi sẽ thành công, không như ảo thuật gia đại tài Houdini trước khi chết vào
năm 1926, hứa với vợ Bess là sẽ gửi một câu tín hiệu chỉ có hai vợ chồng biết
lúc còn sống để chứng tỏ là ông ta "sống lại" ở thế giới bên kia.
Bà
Bess Houdini đợi mười năm trông chờ tín hiệu của chồng sau khi ông ta chết,
nhưng sau cùng phải bỏ cuộc: Houdini chẳng bao giờ giữ lời hứa.
Nguyễn Tài Ngọc
July 2018