17 January 2019

KỴ Ô TÔ - Hồ Đình Nghiêm


Ở trong nước, mỗi năm, bộ hành, người dùng xe đạp, người cỡi xe gắn máy từ chết đến bị thương đếm không xuể, nguyên nhân do đang lưu thông chẳng may có ô tô điên từ đâu láng cháng rồ tới, tông, đụng, húc, cán không khoan nhượng. Thường dân than: Khi khổng khi không cái phủi chân lên bàn thờ đi gặp mặt ông bà; mà đảng viên thì báo cáo: nó vừa đi thăm Các-mác Lê-nin.


Chết, có trăm phương nghìn cách, kể cả khi nghĩ là an toàn leo được, ngồi vào lòng ô tô, mua vé xe đò có giường nằm bon bon trên quốc lộ Một. Xe đổ đèo xe đứt thắng, bác tài ngủ gật lạc tay lái. Đại lộ không chạy lại nhắm tiểu lộ mà cày xới bao vật ngáng đường, trầy trụa khi rơi “êm” xuống vực, “một bộ phận không nhỏ” liền khuất núi, hồn du địa phủ.
Dù tin rằng số trời đã định, tới ngang tuổi đó phải chết đi, nhưng bá tánh vẫn có lắm kẻ xem ô tô là con quái vật, tâm bất an đem lòng ngờ vực, kỵ ô tô, thấy từ xa đã cẩn tắc lo nhảy, trước khi nước tới chân.

Hài kịch rẻ tiền thường phát sóng trên truyền hình, muốn chọc cười bà con diễn viên thường dặm pha giọng Quảng Nam mà đa phần thích chơi khăm tới dân Huế bằng cách tự tung tự tác chêm thêm dấu nặng vào mỗi chữ trong lời thoại. Tự ái địa phương đem bắt bẻ thì nghe họ nói: Hổng phải sao? Người Bắc chửi đéo mẹ, Nam kêu đù má mà các anh hô đụ mạ. Hai dấu nặng sờ sờ ra đó. Nặng chết tía luôn, nói nhanh nói nhiều tui hổng hiểu đâu nghen. Đừng có ở đó mà răng ri rứa!
Oan cho người mềnh quá! Dẫn chứng có bi nhiêu thì mần răng thuyết phục hở eng? Bồ tèo ưa nghe thêm hả? Đầu niên học, thầy cô trong Nam hỏi học trò: Các em đã đủ vở chưa? Trong khi ngoài anh thì nghe sang sảng: Cạc em đạ đụ vợ chưa? Dạ thưa cô, đụ rồi.
Mặt đỏ rần. Đỏ vì tức giận một phần. Thù oán gì nhau mà ăn nói mất vẻ thanh lịch thế kia. Người Huế kêu bằng: Con nhà ai mà chơi kiểu ba de rứa bây! Thiệt là đồ mất dạy! Giả như đọc tên thành phố cổ xưa Kyoto bên Nhật thì thằng cha căng chú kiết nào lại đi phát âm là Kỵoto? Hết chữ rồi hay răng mà mang Kyoto ra ví von? Đừng nóng, vì vừa nghe “ngài” thủ tướng phán: “Huế là một Kyoto của Việt Nam, phải tận dụng vẻ đẹp chẳng nơi nào có được”. Ai nói thì nên nghe theo nhưng “lời hay ý đẹp” của bề trên thì lâu nay vẫn khiến bá tánh ma-dzê-in hoang mang trộn lẫn hoài nghi nói dzậy mà hổng phải dzậy. Noại rựa mà khung phại rựa. Ngày xưa thủ tướng có cắp sách đến trường không? Có nghe thầy hỏi “em đạ đờ vờ chưa?”
Người Huế trong nước nghe rứa có sướng hung khôn? Có tự hào khi xứ mềnh tự nhiên một sớm một chiều được “vẽ râu ông nọ cắm cằm bà kia”? Từ một rẻo đất mãi hứng chịu lắm thương đau tăm tối bầm dập nay được ví ngang với thành phố dân chủ văn minh hiện đại, đến ngay cả con cá con chim con mèo con chó bên ấy cũng được người dân coi trọng, bảo bọc nâng niu. Dân chưa lên tiếng, lãnh đạo đã lo cúi gập người xuống mà nhận lỗi lầm. Thậm chí họ sẵn lòng từ chức, tự nhận mình là kẻ bất tài, xin khoan thứ cho tài sức hạn hẹp của tôi đã chẳng đáp ứng bao kỳ vọng mà quý vị tin tưởng trao cho.
“Huế thơ Huế mộng” thì răng? Năm 1970 nhà thơ Phạm Nhuận có thơ:

Nhớ những chiều ngồi bên này sông
Cây cầu thân yêu gãy xuống giữa giòng
Tà áo em bay trắng màu goá bụa
Như tang tóc về giữa phố người đông.

Có Trịnh Công Sơn từng “hát trên những xác người”. Chuyện chi rứa? Dạ thưa, Tết Mậu Thân 1968 vẫn còn đó là vết cắt sâu, xương chất thành núi máu chảy thành sông. Mấy mươi năm qua vẫn bặt câm một tiếng xin lỗi từ guồng máy bạo liệt tạo ra trận thảm sát chưa từng có trong lịch sử “dựng nước và giữ nước”. Chỉ có lời thở than của nạn nhân, nỗi đau vô chừng vô đỗi đến độ nó chui vào ngay cả món giải trí, vẽ nên con Nghèo trong bộ bài Tới:

Chồng em chết bữa ba mươi Tết
Không biết mượn cuốc nơi mô
Đưa hai tay bụm cát lấp mồ
Tình sâu nổi thảm biết chừng mô hỡi trời!

Sắp tết rồi ông thủ tướng ui. Dù nghèo đói tới cỡ nào đi chăng nữa hạng thứ dân bần cùng cũng cố thu vén chắt chiu bóp họng bóp hầu để bày lên bàn thờ một mâm cơm hòng cúng dâng những người khuất mặt. Trong khi những kẻ đè đầu cỡi cổ vẫn có biệt tài tạo ra bánh vẽ, hết món này tới món kia rất mực thịnh soạn. Chỗ này thì ví ngang với Mút-cu, chỗ kia thì nào khác Cu-ba. Hà Nội thì chính hiệu là Paris. Đà Lạt nào khác chi Ba Lê thu nhỏ. Sài Gòn tợ thung lũng điện tử bên Cali, mà bây chừ Huế đích thị là Kyoto vậy. Huế có em bé 12 tuổi nghe lời dụ “em đi với chị một chút thì được 10 triệu”. Chị dắt em vô chợ Đông Ba ăn sương sa hột lựu xong giao vào tay một thằng đàn ông chở xe qua cầu Trường Tiền 6 vài 12 nhịp, vô nhà nghỉ kịp, liền lột đồ bé ra mạnh tay mạnh chân cho xong dịp phá trinh. Huế có cậu thanh niên tuổi trẻ tài cao đi xe máy vô ngân hàng sát cửa Đông Ba, với khẩu súng giả hăm he, đã cướp lấy một bao bố tiền bác Hồ nhìn thẳng trong vòng 45 giây, nhanh tới mức chàng bảo vệ chẳng kịp phản ứng. Huế có chán vạn nhân vật “đình đám” khác mãi lưu danh thiên cổ (viết ra làm chi những Nguyễn Đắc Hoàng Phủ cho tốn giấy). Hiểu một mặt khác, Kyoto tuồng vẫn còn thấp kém lắm, so bì chi được với đất Thần Kinh, đẻ ra ông Trần Vàng Sao:

mả cha cuộc đời quá vô hậu
cơm không có mà ăn
ngó lui ngó tới không biết thù ai
những thằng có thịt ăn thì chẳng bao giờ ỉa vất.

Tui cũng rứa, tui chẳng biết thù ai mặc dù tui không là múi chanh bị vất vỏ đến độ phải chửi mả cha cuộc đời. Tui cũng người Huế nhưng Huế ba rọi, Huế trên giấy khai sinh mà khai sinh thì đã nổi trôi chìm đắm trên chuyến vượt biển một đêm tối trời ở biển Thuận An lắm hồn oan. Giờ ni tui làm dân Canadien, ở ngay trên đất Montréal sử dụng tiếng Pháp. Tiếng Pháp họ nói thì dân bên Paris qua thăm thú cũng ngẫn tò te đực mặt như ngỗng ỉa. Một thứ ngôn ngữ cổ xưa như biết thêm dấu nặng. Vô tình, vì rứa mà tui có cảm tình, họ chửi thề và tui yêu thứ ẩn ngữ khó hiểu “hậu hiện đại”kia: Tabarnak là một, Calisse là hai. Độc cô cầu bại chẳng sợ đụng hàng.
Chôn chân ở đây, tui không trông mong chi ngày hoà bình để về nhìn lại mặt Huế xưa. Mỗi khi nghe tin (toàn cả tin khó tin) bên xứ cũ vọng qua (xứ có hơn mấy chục ngàn ông bà tiến sĩ chịu cúi đầu nghe sai bảo dưới các đồng chí học lực chỉ xong bậc tiểu học) tui đều phát âm Tabarnak. Calisse.
Học vị tui cũng thường thường bậc trung, chỉ biết cày sâu cuốc bẩm trên những “mặt trận lao động chân tay”. Tuy thất học nhưng tui chưa từng bội bạc tình nghĩa mà dân bản xứ rộng lòng trao cho. Không có thứ thước đo nào để bạn mang ra nhằm đối chiếu, so sánh được. Đừng ví Montréal này là đất lạnh tình nồng, giả dụ thế. Đừng hoán đổi nó với một thiên đường hạ giới nào cả. Đừng thấy nhà sang rồi bắt quàng làm họ. Chỉ tổ làm rõ thêm sự xuẩn động, mưu hồ khẩu yếu kém mình mang.
Thành phố này cũng là nơi có nhà thơ Luân Hoán định cư. Năm mới, ông có làm lắm bài thơ nhẫm tính thời gian trước khi lìa bỏ cuộc chơi ký gửi nỗi lòng lên facebook. Trái với sự tỉnh táo đi gần tới mức yếm thế của Luân Hoán, nhà thơ Hồ Chí Bửu đùa nghịch:

Về trời đâu có quai phai (wifi)
Đây có phây bút mà nhai nỗi sầu
Thôi thì ta chẳng về đâu
Trần gian chơi tiếp mặc dầu… hết pin.

Khi đã hết pin, lãnh đạo xứ ấy dùng chữ thậm ấn tượng: “Thanh thản cỡi ngựa sắt về trời vui thú điền viên”. Rất dễ nể, dễ dằn mặt các thi sĩ khi họ muốn cách tân thi ca. Tui người Huế lưu vong từ muôn kiếp trước, Huế ba rọi nên chi cũng cọp dê một chút thơ cho ra vẻ mình biết tí ti tiếng Pháp:

Chiều chiều dạo phố la rue
Bỗng thấy đằng xa một jeunne fille
Tuổi tác xuân xanh còn petite
Hình dung mặt ngọc cũng jolie.

Khà khà. Lỡ mang tội đạo thơ của ai kia thì e cũng dễ thứ tha lỗi lầm. Còn hơn bạn mắng tui: Thằng người Huệ kia, tao biết gia đình dòng họ ba đời nhà mày chính chuyên vô sản nổi tiếng ở thành phố Kỵoto. Cớ sao mày không chịu nói tiếng Nhật: Tao đi ga ni, mi đi ga mô… Tabarnak!

Hồ Đình Nghiêm