17 January 2019

QUÊ XƯA THẦY CŨ - Huyền Châu


Huyền Châu viết lên bao kỷ niệm ở quê nhà lúc tuổi thơ. 
Hôm nay Thu về rất sớm. Sáng nay trời vẫn mưa lâm râm, sương mù giăng trắng đục, gió thổi nhẹ đưa những cành cây nghiêng ngã, lá vàng rơi!
Mới đó mà đã mười ba mùa Thu xa quê hương. Xa bao nhiêu bạn bè thân thuộc, đêm đêm khi thức giấc càng nhớ càng buồn.

Suốt đêm qua trằn trọc thâu đêm khi nghe cô Lệ Hằng nhắc tới ngày kỷ niệm 50 năm của nhà thơ “Hàn Mạc Tử”. Lòng tôi càng thương tiếc một nhà thơ lớn, đã ra đi vĩnh viễn khi tuổi đời chưa đến ba mươi. Cũng vào một chiều Thu năm 1940 tại Qui Nhơn trong làng Qui Hoà.
Trước hai năm đó ba chị em tôi là ba con bé, tôi tuổi 15, chị tôi 16 và em tôi 14. Trên đường đi học về mỗi ngày hai buổi, đi ngang qua nhà Thầy tình cờ một buổi trưa hè trời vừa tắt nắng. Gió biển thổi nhẹ phớt qua hàng thông reo vi vu. Có tiếng kêu sau lưng:

“Bạch, Châu, Quy”
Chị em tôi cả ba quay lại, thì ra anh Nghĩa đang đứng trước nhà với một người con trai xa lạ, anh Nghĩa giới thiệu:
Đây là anh Nguyễn Trọng Trí. Còn đây là ba chị em, Bạch là chị, Châu là trự này, còn út là Quy. Trự Châu này làm thơ hay lắm mà cũng xạo một cây!
Tôi cãi:
Anh giới thiệu gì ác ôn vậy? Tui biết viết thơ tình chớ tui đâu có biết làm thơ. Hai chuyện đó đâu có giống đâu, mà có viết thơ là viết dùm cho anh để gởi cho chị Thuỳ, chớ có viết cho ai đâu nà!
Anh Trí cười to, “Chết toi em chưa? Khi không gặp cô bé này khai huỵch toẹt”.
Tôi phân trần:
Anh Trí biết không, anh Nghĩa học cao nhưng viết thơ cho bồ, viết khô như dăm bào củi mục, không ướt át mùi mẫn gì ráo trọi à! Nhờ em o bế gò gẫm nên vần thơ mới khiến người đẹp mê ảnh quá mạng.
Em giỏi quá! Em thông minh quá, làm sao mà em còn nhỏ mà biết viết thơ tình? Em đã sống thật trong cảnh đó sao? Hay là em tưởng tượng… thì khổ lắm.
Tôi ngon lành vênh váo:
Dạ đâu có, em đọc văn Tự Lực Văn Đoàn em ăn cắp… mà nè anh làm thơ hay, anh dạy em với nghe. Nhà anh ở đâu? Cho em lại chơi được không?
Anh Trí gật đầu: “Ừ mai mấy em lại đây chơi, nhà anh ở đây, muốn học làm thơ anh dạy cho các em”.
Trên đường về con chị và con em của tôi mắng tôi hết chỗ nói, bảo là: “Đồ vô duyên mất nết. Đứng trước mặt anh Trí đoàn hoàn mà nói xạo, nói một dây dài không biết mắc cở. Họ chê mày có tài đi đâu cũng tía bà, dành nói một mình, không cho ai nói!… ”
Tôi nổi sùng:
Bạch Trang mày đừng có xài xể tao nghe mày! Tại tụi bay không chịu nói, cứ mãi cầm chiếc nón trên tay lo le, khi thấy họ nhìn bay lại quay mặt đi nơi khác. Còn tao há! Đi đứng đoàn hoàn, khi nói chuyện tao nhìn thẳng mặt họ, nói ngay thẳng như ruột ngựa, như vậy mới là xã giao…
Con em tôi nó nguýt tôi như dao bén:
Ai mà cãi lại cái miệng chị? Chị hẹn ngày mai lại, chưa chắc gì chị dám tới!
Tôi cam đoan: “Ừa mà mai tao đi, tụi bay còn phải năn nỉ tao xin theo nữa là khác”.
Đêm nay trăng thượng tuần đã mọc sớm. Ánh trăng mờ mờ như chiếc lưỡi liềm nằm vắt ngang các vì sao sáng, từ từ lướt qua áng mây bay. Tôi đang ngồi dưới gốc cây khế, lòng đang lo nghĩ ngày mai đến nhà anh Trí không biết vô đề những gì cho êm ả cho ngon lành. Bỗng đâu hai con nha đầu kia đến làm lành với tôi: “Nói chơi với mày, chớ thiệt tao với con Quy phục mày quá xá! Mày dám ăn nói bạo, mới nghe qua anh Nghĩa giới thiệu với anh Trí, là mày gọi anh Trí liền. Làm như mày quen thân đời nào. Cũng chẳng biết anh ta bao nhiêu tuổi, đã có gia đình chưa? Ngày mai lại nhà người ta… biết họ… ”
Tôi cười ra vẻ sành đời: “Tại tụi bay cứ cười duyên quay lưng chỗ khác. Bay đâu có nhìn rõ mặt ai đâu! Tao nè, tao nhắm tướng người giỏi lắm, hồi còn ở nhà thầy tao học rồi, có kinh nghiệm nhiều, nên những gì tao nói là đúng y chang. Anh Trí, tao nhắm chừng chưa đầy ba mươi tuổi, đường trán cao rộng, tao cho là người rộng rãi vị tha, đôi mắt anh dài là mắt nhiều tình cảm, mũi anh thẳng, lưỡng huyền đều hơi xoan xoan là người hiền. Nhưng đôi tai của anh nhỏ, vành hơi dày… !”
Sáng nay chúa nhật, sau khi đi lễ nhà thờ xong, ba chị em tôi lại nhà anh Trí. Ba chị em đều rụt rè, thập thò không dám vô, may nhìn cửa mở hé, hai con xí xọn đẩy tôi lại cửa. Cánh cửa mở, tiếng trong nhà gọi ra: “Ai đó! Vô nhà!”. Tôi rón rén bước vô. Anh Trí mặc bộ py ra ma trắng có viền màu xanh dương, đang ngồi trên ghế viết bài. Trên bàn sách vở bày ra rất nhiều, bên cạnh bàn có bình trà và tách.
Ba chị em tôi lễ phép:
Thưa kính anh. Hôm qua anh cho phép tụi em lại để thọ giáo thầy, mong thầy giúp đỡ cho bài vở, gần ngày thi. Riêng hai chị của em học giỏi, có mình em học dở quá! Xin anh vui lòng nhận cho. Ba chị em từ đây về sau là đệ tử của thầy.
Anh nhìn ba chị em tôi cười hiền:
Được rồi, thầy sẽ chấp nhận các em, lúc cần là đem lại đây thầy chỉ dạy, nhưng với điều kiện là thầy không lấy thù lao, thầy miễn phí cho các em…
Gần nửa năm đến học thầy mỗi ngày chúa nhựt. Có hôm tôi làm bài luận sai, mà tôi làm tàng lúc ngồi viết lấy tay chận che, sợ con chị và con em copy, thế rồi tôi cũng bị hột vịt bự. Tôi bực tức đem lại đưa thầy coi:
“Thầy ơi, bài luận em làm như vậy mà bà sơ cho hột vịt, thiệt tức muốn bể cái ngực”.
Thầy lấy sách mở ra xem. Thầy mỉm cười:
“Em viết sai còn bực tức nỗi gì? Tại sao người ta hỏi ‘trên trời’ mà em trả lời ‘dưới đất’. Bà sơ hỏi: trò trả lời cho biết: Hoàng hôn có những gì? Bình minh có những gì? Em trả lời: Hoàng hôn mỗi chiều nắng tắt ngoài đồng, các cô thôn nữ rủ nhau đi về nhà, chú mục đồng ngồi lưng trâu thổi sáo và dẫn trâu về nhà dùng cơm tối. Bình minh lúc năm giờ sáng, những người trong xóm gánh hàng ra chợ bán, họ vừa đi vừa chạy, họ mệt họ thở, họ ngồi xuống quán nhỏ bên đường uống nước trà huế trà tàu…”
Thầy nói xong cười to, hai con nha đầu cũng cười, mặt tôi bí xị cũng cười theo.
Chiều nay khi đi học về ghé vô thăm thầy, thầy nằm xây mặt vào vách đấp mền. Nghe tiếng động, thầy quay lại nhìn ba chị em tôi. Tôi nhìn thầy ái ngại, mặt thầy đỏ hồng. Tôi lại gần sờ trán thầy, nóng quá!
Thưa thầy bị cảm nặng, thầy ráng ngồi dậy cho tụi em cạo gió cho thầy.
Thầy ái ngại lắc đầu: “Khỏi làm phiền mấy em!”
Bạch Trang lấy đồng xu, chén nước lạnh đến bên thầy… thầy không chịu. Tôi đè thầy xuống vén áo sau lưng cho con Trang cạo. Linh Quy đi nhóm lửa nấu cháo, tôi định đứng dậy, Trang nháy mắt ra dấu đè tay thầy, sợ thầy trở mình không cho cạo. Linh Quy nấu cháo xong múc ra chén, đem lại bàn mời thầy dùng cháo với muối. Thầy mệt nhiều đi đứng khó khăn. Tôi đề nghị với tụi nó đi mua lá xông nấu cho thầy xông. Vừa lúc ấy có một chị mặc bộ đồ dài trắng xách giỏ bước vô nhà, thấy chị em tôi bu quanh thầy, chị nhìn cười. Thầy giới thiệu:
Đây là Mai Đình nữ sĩ đó các em, nàng là đồng nghiệp với anh, thỉnh thoảng cô lại đây thăm thầy.
Tôi thân mật:
Thưa cô, hân hạnh chị em em mới biết cô. Tụi em mỗi ngày chúa nhật thường đến thăm thầy mà không được gặp cô. Bữa nay đi học về sớm vô thăm, thấy thầy bị cảm, thân mình nóng như lửa, tụi em đè thầy nằm xuống cạo gió. Thầy dằn co, em phải ngồi đè thầy cho chị em cạo.
Mai Đình cười hắc hắc. “Ảnh lúc này thường bị cảm mỗi chiều, chị không biết cạo gió, chị cho ảnh uống thuốc cảm, đôi khi ảnh cũng bảo là khỏi uống cũng mạnh, tại ngủ ít thành như vậy”.
Nghe giọng chị nói sửa giọng tiếng Bình Định, nhưng giọng Bắc cũng còn lơ lớ. Tôi nịnh, khen: “Cô có giọng nói êm dịu quá, tiếng Bắc tiếng Bình Định giống nhau, cũng như thầy em nói cả hai thứ tiếng Bình Định và tiếng Huế.
Bạch Trang thấy tôi nói nịnh, hắn khều tôi, “Xin chào thầy đi về kẻo tối ở nhà trông. Hơn nữa lúc chạng vạng mà đi về ngang qua miễu Cô Hồn là lãnh đủ”.
Trên đường về chị em tôi nói lén, Linh Quy nói cô Mai Đình mà sóng mũi cao như mũi chị Hai chắc đẹp lắm, còn thân hình cô tròn mà không cao bằng thầy mình uổng quá.
Tôi làm ra vẻ hiểu đời:
Ê tụi bây nghĩ sao? Thấy sao? Có để ý không? Còn tao liếc thoáng qua con ruồi bay qua là biết con ruồi nào là đực, con ruồi nào là ruồi cái! Cô Mai Đình yêu thầy lắm đó.
Bạch Trang hỏi:
Mày căn cứ ở đâu mà mày dám nói đại vậy?
Tao thấy trên miệng túi áo của thầy có thêu hai chữ tréo lại là M. H.
Linh Quy xen vô:
Hèn chi ở dưới nhà bếp sạch sẽ, nấu ăn thấy để trong tủ lưới, em lấy làm lạ mà em không dám nói.
Tôi cãi. Đâu phải. Có lẽ bà cụ má của thầy lại nấu cơm cho thầy ăn, hay là các anh em của thầy, tất cả năm người. Bà cụ đặt tên con hay lắm: “Nhơn, Nghĩa, Lễ, Trí, Tôn”. Chẳng khác nào má của bà Năm Phỉ đặt tên con: “Công, Thành, Danh, Toại, Phỉ, Chí, Bia, Truyền, Tạt, Để”.
Bạch Trang khen: mày hay lắm, hay học lóm của người ta nên mày hiểu nhiều hơn tụi tao. Bây giờ tao đề nghị, chung tiền mua vải, chỉ thêu, thêu khăn tặng thầy kỷ niệm.
Linh Quy tán thành: Ừa phải, mỗi đứa thêu hai cái khăn, phải làm cho đẹp, rút rua xung quanh, thêu chỉ tréo trong góc.
Tôi đồng ý nhưng ngẫm nghĩ. “Không được thêu hai chữ, theo tao thấy thầy có nhiều chữ lắm, bữa hôm trước vô tình mà tao coi lén thơ của thầy, một nữ độc giả từ Phan Thiết gởi cho thầy có tên đẹp lắm, Mộng Cầm, lại còn có cô tên Hồng Sương nữa. Như vậy con Trang thêu hai cái, để tên là C.T. , còn Linh Quy hai cái để tên H.S. , phần tao hai chữ M.T. Như vậy là trong sáu cái khăn có tên ba người đẹp.”
Một tuần sau, thêu rồi sáu cái khăn. Khăn đứa nào thêu xong cũng nhìn sạch sẽ và đẹp, còn khăn tôi thêu đã xấu mà đen. Khi đem tặng thầy đứa nào cũng mắc cở không dám đưa, đem đi rồi lại đem về. Bữa sau tôi làm dạn kêu to:
Thầy ơi! Tụi nó thêu khăn tặng thầy mà không dám đưa.
Nhìn phía sau, tụi nó bỏ chạy hết. Tôi cũng chạy ra cửa theo tụi nó luôn, để đại gói khăn bao giấy màu thắt bông trên bàn.
Nhà thầy mướn ở gần đường đi ra mé biển, nên thuận đường nhà tụi tôi đi học phải đi ngang qua. Mỗi khi đi ngang, nhớ bẻ vài cành bông đem vô nhà thầy cắm trên bàn thờ Chúa. Thầy sùng đạo, gia đình thầy đạo giòng. Thánh thiện lắm, trên bàn thờ một thập tự giá, quyển kinh. Hôm kinh mai, thầy nhớ lúc nào cũng cầu nguyện.
Sáng chúa nhật hôm đó đi nhà thờ định rủ thầy đi luôn. Ghé vô thấy thầy ngồi bên cạnh chiếc bàn mặt tái xanh. Bạch Trang hỏi thầy, thầy bảo đau bụng, nhỏ ra vẻ chị cả:
Nè con Quy xuống bếp nấu nước gừng cho thầy uống ấm bụng, con Châu đi mua thuốc ỉa cho mau về, thầy uống. Còn tao quét nhà, tội nghiệp thầy, nhà thầy mà chị em tôi xem như nhà mình, muốn làm gì thì làm, nói sao thầy nghe vậy.
Ngày chúa nhựt nhà thuốc tây trên đường Gia Long đâu có bán. Tôi chạy lại tiệm bà Phán Hạt gần chợ, tiệm nhỏ mà bà bán thuốc kiết, thuốc ỉa hay lắm.
Tôi lại mua:
Bà ơi! Bán cho tôi thuốc ỉa.
Bà mang đôi mắt kiếng nhướng lên nhìn tôi hỏi:
Thuốc ỉa hay thuốc kiết? Thuốc kiết là bị kiết lâu ngày, mỗi lần đi khó khăn đau đớn. Còn thuốc ỉa là đi “sông” hoài, hai thứ khác nhau, còn có thuốc xổ ỉa nữa.
Tôi ngơ ngẩn:
Tại chị tôi kêu đi mua thuốc ỉa, đâu có nói mấy thứ kia, bà bán thuốc ỉa cho tôi.
Tôi co giò chạy lẹ về cho mau thầy uống. Bạch Trang hắn thấy tôi về, hắn đón ngay ngoài cửa giựt lẹ gói thuốc trên tay, bước vô rót nước đem lại bàn đưa cho thầy uống.
Thầy ơi! Thuốc nè mau uống cho hết bệnh.
Thầy bưng chén nước để lên miệng, tay cầm gói thuốc nhỏ đã mở sẵn định uống, bỗng đâu thầy coi lại ngoài bao thầy cười hắc hắc.
Chúa ơi! Thuốc này là thuốc xổ, thầy đi “sông” nhiều, phải uống thuốc cầm… sao lại còn uống xổ, may mà thầy coi lại, không chết luôn.
Con Trang nó ký đầu tôi mắng:
Cái con này ngu như con bò, ai biểu mày đi mua thuốc xổ?
Ai biểu mày kêu tao mua thuốc ỉa, tao tưởng thầy ỉa không được, may phải hồi nãy tao mua thuốc kiết về thì nó cũng là ỉa chớ khác gì đâu.
Linh Quy nhỏ đứng sau bếp cười như điên, thét rồi Bạch Trang với tôi cười luôn… may nhờ thầy uống nước gừng, thoa dầu vào rún nên ấm lại bớt nhiều.
Ngày Tết nguyên đán Canh Thìn 1940, đến chúc tết thầy. Buổi sáng đẹp trời vào nhà thấy chị Mai Đình ngồi. Tôi ái ngại:
Thưa cô, năm mới tụi em chúc cô thầy khang an thịnh vượng, hạnh phúc và vui vẻ.
Cô cười bảo:
Nè từ nay trở lên gọi tui là chị cho thân mật. Gọi theo văn nghệ sĩ vì văn nghệ sĩ không có tuổi nghe em. Còn gọi anh Trí theo bút hiệu là anh “Hàn Mạc Tử” cho ra vẻ, đừng gọi thầy, lại còn gọi cô! Chị với anh Trí chỉ là bạn, đôi bạn nghèo…
Tôi ngạc nhiên thơ ngây hỏi:
Ủa mà sao em thấy chị hằng ngày ở đây săn sóc lo lắng cho thầy, có khác nào tình chồng vợ. Sao chị lại phủ nhận tình thầy em?
Chị buồn buồn:
Em tưởng vậy mà không phải vậy! Anh Trí có nhiều người yêu đẹp lại giàu sang, còn chị nghèo nàn, anh coi chị như đứa em gái, mặc dù chị yêu ảnh nhiều…
Ủa ai là người đẹp đâu em không thấy?
Em không tin em đi ra mé biển, em sẽ thấy ảnh cùng người đẹp từ Phan Thiết ra. Cặp tay nhau đi hứng gió.
Tôi tội nghiệp chị Mai Đình, suy nghĩ: À để em ra biển xem mặt người đẹp!
Từ nhà ra biển rất gần. Sáng nay bãi biển vắng người, ghe chài lưới không ai làm, vì ngày tết. Tìm không thấy thầy đâu, tôi đi dài theo mé biển lên gần “Gành Ráng”, xa xa mới thấy hai người cặp tay nhau đi chầm chậm. Tôi chạy một mạch đến sau lưng thầy kêu:
Thầy ơi! Về nhà ăn cơm.
Cả hai cùng quay lại, tôi thở hỗn hễn đưa tay kéo tay thầy nắm chặc.
Thầy đi về ăn cơm rồi còn đánh bài chòi!
Người đẹp nhìn tôi ngơ ngẩn. Thầy nhìn tôi thầy cười, đưa tay sửa mái tóc tôi thân mật.
Coi kìa chạy đi đâu mà tóc tai xơ xác. Bữa nay thầy nhìn em ra vẻ con gái… mặc áo màu cà, đeo kiềng vàng trông đã trộng, thầy sắp được uống rượu… nhưng tánh vẫn trẻ con. À đây em, Mộng Cầm người yêu của thầy.
Tôi bí xị:
Thiệt hả chị? Chị yêu thơ hay là chị yêu như chị Mai Đình nữ sĩ? Hai thứ khác nhau.
Câu hỏi ngây thơ của tôi làm chị bật cười. Chị yêu bài thơ “Trăng ơi trăng, ai mua trăng tui bán trăng cho… ” Chị bảo phải chi chị có máy hình, anh em mình chụp để kỷ niệm đầu xuân. Ở Phan Thiết cũng có “Lầu ông hoàng”. Tôi cản:
Có máy cũng không nên chụp ba người, kiêng lắm! Em nghe bà ngoại em nói là chụp ba người phải có người chết!
Anh Trí nhớ lại:
Vậy mà bữa trước chụp ba người, có dì Hồng Sương trong đó.
Về nhà tôi nói nhỏ với hai con nha đầu:
Nè tụi bay biết không, hồi sáng lúc ra biển tao kéo tay thầy về ăn cơm, tao thương chị Mai Đình, tao muốn phá đám, tao nắm tay thầy chặc hồi lâu không buông. Nhưng tao cảm thấy…
Bạch Trang nói lẹ:
Phải đó, tuổi dậy thì của mầy bắt đầu biết cảm giác đó!
Tôi nạt to:
Bậy nà, tay thầy như nặng nặng…
Linh Quy làm tàng:
Chị hai nói đúng đó, bàn tay thầy nặng là tại lâu nay thầy kêu nhức mỏi hoài đó!
Ngày tháng lần lượt theo thời gian, thầy bị bịnh ngặt nghèo, người nhà đưa thầy đi xa dưỡng bịnh, biết được thầy lên Gò Bồi nhà người cậu.
Tôi cùng Linh Quy quá buồn, Bạch Trang qua Pháp, thầy lại đi dưỡng bịnh xa. Riêng tôi cũng sắp sửa vô Sài Gòn. Một hôm hai vợ chồng anh chị tôi từ Gò Bồi xuống thăm ba má tôi, tôi hỏi thăm:
Chị Sáu ở trển chị có gần nhà thờ không? Có nhà thương chữa bịnh không? Mỗi khi em lên Lương Tài thăm ngoại mà em không thấy.
Chị bảo:
Chị ở mé trong chợ, nhà thờ ở mé trên, sau nhà thờ là miếng đất rộng, mấy người có đạo họ cất nhà tranh ở đó, lên đó không xa mấy.
Không biết sao chiều nay tôi buồn ray rức, mà từ bé đến giờ chưa có bao giờ biết buồn. Ngồi thẩn thờ dưới giàn hoa thiên lý, trên chiếc võng cột ngang gần cạnh ao sen. Nhớ Bạch Trang, nhớ lại bút hiệu của thầy mà rùng mình tự hỏi, sao thầy lấy bút hiệu “Hàn Mạc Tử”. Hàn mạc đến chết! chết trong cảnh nghèo! chết trong cô đơn!. Linh tính làm cho tôi xao động. Tôi thương nhớ thầy vô hạn, tôi khóc nức nở. Linh Quy rửa chén trong bếp bước ra cặp mắt đỏ hoe, hắn thút thít chậm nước mắt nói nhỏ: Em nhớ thầy quá à!
Sáng hôm sau chị em tôi theo anh chị tôi về Gò Bồi. Sau đó lên Lương Tài thăm ngoại tôi cách đó ba cây số. Đi bộ lên không xa, ngồi trên chiếc đò nhìn mái chèo rẽ đôi mặt nước, mùi nước mộc mạc thoáng bay tôi càng buồn. Biết rằng chuyến đi này là lần sau chót, không biết ngày nào trở lại.
Lên đến nơi trời đã quá trưa. Vừa lúc đó gặp chị Mai Đình đi chợ về, mừng quá chị em tôi lăng xăng bên chị hỏi thăm thầy. Chị buồn rưng rưng nước mắt:
Hai em ơi thầy bị bịnh nan y, cấm không cho ai lại gần, chỉ có mình chị nuôi cơm nước hằng ngày, thay quần áo sạch sẽ. Chắc thầy khó mà lành được.
Nhìn chị tôi thấy thương hại. Mới cách xa vài tháng mà thân hình chị gầy ốm, già trước tuổi! Linh Quy thơ ngây:
Phải chi hồi đó chị Mai Đình chịu đám cưới, chắc được đứa con nối nghiệp cho thầy.
Mai Đình lắc đầu chán nản:
Không có đâu em, thầy xem chị như đứa em, đến sau có tình cảm yêu thương thì thầy trở bịnh nặng nề…
Tôi thắc mắc:
Như chị là vậy, còn Mộng Cầm, Hồng Sương thì có như chị không?
Thầy đã nói thiệt cho chị nghe như trối trăn, tình yêu mấy người đó rất sâu đậm, nhứt là Mộng Cầm. Nhưng chưa bao giờ hoen ố. Thầy giữ gìn cao đẹp, hứa hẹn sẽ đi đến hôn nhân thật sự.
Chị cố gắng cho chị em thăm gặp mặt thầy lần chót, trước khi em lìa quê đi xa. Em rất lo lắng tuổi hai mươi tám của thầy, năm nay bị sao La Hầu nặng lắm!
Theo chị đi vào đường nhỏ gần nhà thờ, phải đi tuốt tận trong xa. Một mái nhà tranh nhỏ quay mặt ra giữa cánh đồng. Trong nhà đặt một chiếc giường nhỏ cho thầy nằm, một bàn bốn ghế gỗ, thứ gỗ rẻ tiền, một bàn thờ Chúa, có một chiếc ghế bố xếp lại dựng bên góc nhà.
Thầy nằm trên giường buông tấm mùng trắng. Tôi rón rén bước lại gần vén màn, tôi bụm mặt khóc, Linh Quy khóc theo. Thầy nói nhỏ trong đau đớn:
Đừng khóc! Giờ phút này được gặp mặt các em vừa kịp lúc Chúa đã cất phần anh do ý Chúa! Con người “sanh lão bệnh tử”, ai ai trên thế gian này sao tránh khỏi. Các em còn nhỏ, lúc nào nhớ đến thầy, cầu nguyện cho thầy, dầu hai mươi, ba mươi hay năm mươi năm nếu còn mạnh giỏi trên trần gian.
Tôi nghẹn ngào, chị Mai Đình đưa mắt nhìn tôi, tôi hiểu ý bước ra, liếc thấy trên tay thầy quấn chiếc khăn nhỏ của ba chị em tôi thêu tặng.
Trưa nay trong trường nữ công Mỹ Ngọc, tôi được thơ Linh Quy từ Qui Nhơn gởi vô cho biết ngoại của tôi bệnh nặng về gấp.
Trên chuyến xe lửa về đêm lăn bánh trên đường sắt rền vang, lòng tôi bâng khuâng trông mau đến nhà, có dịp lên Gò Bồi thăm thầy luôn.
Về đến sân ga nhỏ “Diêu Trì”, một buổi chiều cuối thu mưa rơi ảm đạm. Hàng cây ngô đồng đã rụng lá đứng xơ vơ.
Linh Quy đón tôi nở nụ cười mừng rỡ. Trên toa xe trở xuống Qui Nhơn khoảng đường gần mười cây số. Tôi hỏi vội em:
Sao ngoại đau bịnh gì hở em?
Em tôi buồn:
Chị ơi! Bịnh ngoại là bịnh già tuổi cao, một trăm tuổi như ngọn đèn lụn dầu chưa biết tắt lúc nào, nên cần chị phải có mặt… Còn thầy của chị em mình đâu còn nữa! Thầy đã ra đi vĩnh viễn mới đây cũng một sáng thu, trong nhà thương Tuy Hoà.
Tôi như muốn đứng tim. Không khóc được, bàng hoàng như trong giấc mơ, tôi không biết nói sao cho vơi đi nỗi lòng sầu thương người thầy, mà chị em tôi coi như là cha sinh.
Bốn giờ chiều hôm đó, tôi theo em lên đèo “Vũng Dừa” vô làng Qui Hoà nhà thương cùi. Khi đi ngang qua “Lầu ông hoàng”, hình ảnh thầy cùng chị Mộng Cầm hiện ra cảnh cũ. Nhìn qua chân đèo, mé trước là một xóm nhà to nhỏ, có nhiều hàng thông xanh đứng xấp lớp bên nhau. Mé kia là biển xanh, mặt nước lững lờ buồn xao động. Xa hơn nữa là một nghĩa trang có những ngôi mộ trắng. Chị em tôi đến nơi, tìm đến nghĩa trang, chẳng bao lâu tôi đã đứng trước ngôi mộ vừa mới đắp, có dựng mé trước một cây thập tự giá to. Tôi quỳ xuống lâm râm cầu nguyện.
“Thầy ơi! Có đau đớn nào cho bằng tử biệt sinh ly. Em khóc thương thầy tuổi đời mới hai mươi chín, đã lìa xa kẻ thân yêu ra đi về với cát bụi. Nằm đây hiu quạnh có một mình. Nhưng tên tuổi của nhà thơ Hàn Mạc Tử chắc là chẳng ai quên. Em cầu mong sao em được sức khỏe cho đến tuổi già, những ngày giỗ kỷ niệm của thầy, em sẽ nhắc lại cho cùng các bạn nhớ tên thầy Nguyễn Trọng Trí, đã sống trên quê hương Qui Nhơn hai mươi tám năm chào đời… ”
Chiều xuống dần, mặt trời khuất sau đỉnh núi, gió biển thổi mạnh, tiếng thông reo vi vu bất tuyệt hoà lẫn đàn chim chiều bay cao về tổ cất tiếng kêu lẻ bạn.
Kính dâng hương hồn thầy về nơi cõi bình an với Chúa. Đứa học trò của thầy vẫn nhớ “Cảnh xưa thầy cũ” trong tim mãi mãi.

Huyền Châu
Nguồn: VĂN, giai phẩm xuân Tân Mùi số 102 & 103, tháng 01/1991