25 June 2019

CÔNG VIÊN, QUÃNG NHỚ MÔNG LUNG - Phạm Nga



Sáng này, nghe tôi than cái cột sống lưng thoái hóa, không thể đi bộ quãng đường xa, anh sui Ngọc Thành chỉ đưa tôi ra trạm xe bus ngay trước nhà để lên Cabramatta uống cà phê. Ngồi cà phê Nhớ cả buổi, anh mới hỏi tôi có thể đi dạo công viên ở… hơi xa một chút được không. “Đi dạo mấy cái công viên ở vùng Cabramatta, Liverpool này thì không có gì lạ nhưng công viên ở Parramatta thì đặc biệt tĩnh lặng. Thú vị lắm, ông đến sẽ ưng ý liền!”, anh Thành diễn giải thêm. Thế là hai bạn già ung dung ngồi tàu điện đi Parramatta. Từ nhà ga ra đường phố, Parramatta thật sầm uất, nhộn nhịp, và đúng như anh Thành ‘dân Cabra.’ nhận xét, cư dân Parramatta hầu hết là gốc Úc, Âu da trắng, rất ít người gốc Việt, nên không ồn ào như ở Cabramatta, đường xá, vỉa hè rất sạch mà hầu như không thấy có góc nào nhếch nhác. Tuy nhiên, hai bạn già dù vẫn không có gì vội vã vẫn không hề rề rà dừng lại nơi nào. Chúng tôi đi một hơi, bình thản rời khỏi các khu phố thương mại và phố hành chính tráng lệ, nguy nga đầy màu sắc để sớm tìm đến mục tiêu hôm nay: công viên Parramatta.
Đó là một công viên cây xanh nằm ngay giữa phố xá chứ không phải ở vùng ngoại ô. Chỉ cần băng qua một đại lộ khá đông xe, bỏ lại bên này là những tòa cao ốc bê-tông sắt thép đồ sộ là bên kia đường, sau cánh cổng ‘Parramatta Park’ hiện ra ngay một cõi miền thật xa lạ. Công viên như đã ở đó, đóng cửa ngủ mê tự thuở nào, như thể chẳng dính dáng tới mọi chuyển động lớn mạnh không ngừng của cái thành phố năng động đã có nhã ý chừa chỗ cho nó và cưu mang nó.

Điều nổi bật, chiếm lĩnh trọn hết không gian ở đây chính là sự tĩnh lặng. Các loại âm thanh, tiếng động đều như tự dè sẻn, có phát lên cũng chỉ lặng lẽ, mơ hồ, như chỉ văng vẳng từ cặp thanh niên vừa chạy bộ vừa cười nói hay chỗ mấy đứa trẻ nghịch ngợm, hò reo đuổi bắt những con kéc trắng đang sà xuống bãi cỏ. Dưới những gò, đồi gồm toàn những bãi cỏ xanh mượt, được chăm sóc tốt là một con rạch nước đọng im lìm cùng những chú chim thơ thẩn kiếm ăn bên bờ nước, thỉnh thoảng khẽ kêu những tiếng ngập ngừng, lạc lõng. Rải rác có những cây phong lá đỏ, đẹp một cách buồn bã bởi tán lá chưa đủ độ chín đỏ mà đã bắt đầu tàn, rụng…

2.
Hai bạn già bước chậm qua một cây cầu cũ, nước sơn đã bạc màu nhiều chỗ, đi tha thẩn dưới ánh-nắng-không-nóng-bức trong công viên, đến ngồi hàn huyên ở một băng ghế gỗ bên dòng rạch. Câu chuyện xưa, nay, của mình, của bạn bè, chuyện cả hai cùng biết hay chuyện chưa hé lộ với ai, giờ bạn già là chỗ quá thân tình mới kể … được trao đổi khẽ khàng, đôi khi cùng nín bặt như vấp vào một quãng lặng của cảm xúc khi tình cờ nhắc tới một đồng đội đã tử trận hay mất tích, hoặc thường khi cùng ngập ngừng, bỏ lửng câu kể bởi lỗ hổng trí nhớ…

Cặp bạn già nhắc đi nhắc lại nhiều nhất là những chuyện “trước 30 tháng 4”. Nhiều mẩu chuyện đã quá nhàm, nhiều tên người hay địa danh đã quá quen bởi ai cũng vô tư đem ra kể, quên mất lần này không biết là thứ mấy rồi, nhưng người nghe vẫn thản nhiên, im lặng nghe, như thể không hề chán, chỉ thỉnh thoảng lên tiếng để nhắc dùm bạn mình vài chi tiết…
Cũng tội nghiệp người già cùng cái cách nhắc lại quá khứ khá ngớ ngẩn ấy của họ, nhưng cũng không sao cả nếu vào mỗi lần được kể lại, câu chuyện so với những lần trước lại ngày càng thiếu chính xác hoặc vơi mất thêm chi tiết, bởi chính ra, người già yêu quí kho chuyện cũ, kho kỷ niệm xa xưa của họ và gặp bạn già đồng điệu thì thường muốn nhắc lại để chia xẽ với nhau, chứ không do nhu cầu thông tin gì cần thiết hay hệ trọng.
Trở lại với cặp bạn già chúng tôi, sang Australia đã vài lần, đến nay tôi đã nhiều lần hàn huyên, trò chuyện với anh Thành, bởi ông bạn tri âm, tri kỷ này vừa cùng là lính cũ, vừa là sui gia, Có điều là về thời tính, thời điểm diễn ra câu chuyện hay sự việc, khi tôi nhớ lại, chuẩn bị phục hiện trong đầu để viết thì Trời ạ, có lúc quờ quạng đến bắt cười! Như có lần, anh Thành kể chuyện đã xưa lắm là suýt chết trong một chuyến nhảy toán vào vùng địch, thì sau đó, khi tôi ngồi nhớ lại, đã ngờ nghệch, lầm lộn ngay về thời điểm nghe chuyện… Thì đúng là anh Thành đã kể câu chuyện sinh tử gay cấn ấy vào khoảng 8 giờ tối một ngày mùa hè kỳ lạ ở Australia, nghĩa là tối rồi mà bầu trời vẫn sáng choang bởi ánh nắng mặt trời, và bên cạnh đó – chỉ một chai rượu đỏ Chardonnay nhâm nhi khi ấy quả không đáng kể, chỉ là “xúc miệng” chứ làm gì làm say xỉn được, nhưng ngày hôm sau, khi tôi ngổi hồi tưởng lại chuyện anh Thành kể để viết thì bối cảnh được phục hiện trong đầu tôi cừ lì lợm là… buổi chiều, buổi hoàng hôn gì đấy, bởi ở chỗ ngồi uống rượu và nghe chuyện, tôi đã bị những ánh nắng cuối cùng của buổi-tối-Úc-châu chiếu lóa vào mặt và lãng đãng ám thị tôi…
Ở đất Úc này, tôi đã từng tiếp tục hồ đồ, lầm lẫn về thời gian trong ngày như thế. Như vừa rồi, buổi chiều đóng cửa rút trong nhà vì trời lạnh, cụ thể là quãng 5 giờ 30 chiều tháng 5, tức đã vào mùa đông ở đây, phải nhìn ra bên ngoài vách kính cửa sổ mới thấy trời đã tối thẩm. Vâng, trời đã tối, đêm đã xuống như thế mà tôi vẫn ấm ớ định bụng rằng “Thôi, phải mở laptop chỉnh lại mấy ảnh chụp hồi sáng, nội chiều nay phải xong”!

3.
Như đã kể, không gian yên tĩnh, lặng lẽ của công viên gần như có sức ù lì, gây nên đại loại là một cơn buồn-ngủ-tâm-lý, khiến tâm tưởng bọn già chúng tôi càng lười nhác hơn, trí nhớ càng mông lung hơn. Mà ở cái tuổi được mệnh danh là “buổi chiều của cuộc đời”, có lẽ người già chỉ thích hoài niệm, chỉ muốn nhắc lại quá khứ ở quê nhà Việt Nam hơn là thử cố vạch vẽ chút gì đó cho tương lai mình ở nước Úc, quê hương thứ hai này… Dù sao thì tôi cũng thầm cám ơn anh Thành đã tẩn mẩn ghi cho mấy bức ảnh kiểu chân dung “buổi xế chiều” của bọn tôi, nhất là một pô ảnh, sau này anh Thành post và chú thích trên phây rằng đây là “hình ảnh hai lão già Á châu ngồi tâm sự trên băng ghế công viên Úc châu”.


Phạm Nga
(Sydney, đầu đông 2019)