13 October 2020

VỢ VẮNG NHÀ - Phạm Thành Châu

Có một triết gia đã nói một câu mà quý ông rất thích “Người đàn ông có hai lần hạnh phúc. Lúc cưới vợ và lúc trở lại thành độc thân” Vì sao? Vì vợ nói nhiều quá và bị (phải) ăn các thứ vợ nấu.

Vợ nói nhiều xảy ra từ thời con người còn ăn lông, ở hang. Ðàn ông muốn săn thú rừng phải im lặng. Gây tiếng động thì con thú chạy mất! Trong lúc quý bà, trong hang đá “Tùng tam tụ ngũ””, chuyện trò với nhau, chờ chồng đem thịt rừng về nhậu. Ðó là xét theo lịch sử. Theo nghiên cứu khoa học, thì trường Y khoa Indiana ở Indianapolis cho biết, đàn ông chỉ dùng nửa bán cầu não, có tên là Temporal Lobe để nghe và nói. Các bà thì dùng cả hai bán cầu não. Bởi thế các bà học ngoại ngữ rất tài và có thể nói suốt ngày không mỏi miệng.  Còn theo thống kê thì mỗi ngày, quý ông, trung bình, nói hai nghìn (2,000) tiếng. Quý bà nói năm nghìn (5,000) tiếng. Ða số là để la lối với chồng con và “Thế hả?” với các bà bạn trên điện thoại.

Có ông kia, đi uống cà phê với bạn, báo tin “Tôi sắp ly dị vợ” Hỏi vì sao? Ông ta thở dài “Nó không hề mở miệng nói với tôi lời nào!” Các ông cười, chế nhạo “Xạo hoài! Liên Hiệp Quốc vừa công bố: Sinh vật quý hiếm (người vợ ít nói) đó đã tuyệt chủng từ lâu rồi!” Ông khác thì theo năn nỉ “Ông muốn vợ nói nhiều thì đổi vợ cho tôi đi. Vợ tôi nói nhiều quá. Chịu  hết nổi. Khi ngủ nó cũng “mớ”, miệng lảm nhảm suốt đêm”

Một ông khác khoe “Tôi có cách làm bà vợ hết nói. Ðể tôi kể cho quý vị nghe. Vợ tôi cũng nói cả ngày lẫn đêm. Một buổi tối, lên giường, tôi nói. Em chiều anh đêm nay, được không? Nàng hỏi. Trong bao lâu? Tôi nói. Suốt đêm nay. Nàng hỏi. Sao bữa nay hăng quá vậy? Tôi nói. Em cứ nhắm mắt ngủ. Chuyện đó để anh lo. Nàng vui vẻ nhắm mắt ngủ. Tôi cũng ngủ một giấc đến gần sáng thì thức dậy sửa soạn đi làm. Nàng chợt thức giấc, ngạc nhiên và giận dữ. Suốt đêm ông ngủ khò. Bắt tôi đi ngủ sớm mà có làm gì đâu? Bây giờ, dậy sớm để chạy làng phải không? Tôi nói. Anh cần em chiều anh, là đi ngủ sớm, đừng nói gì cả để anh ngủ yên, lấy sức, sáng nay đi làm sớm” Mấy ông gật gù “Hay. Hay! Rồi sao nữa?” “Thì nàng níu áo, bắt đền… Tôi lại “bị” đi làm trễ giờ”

Vợ hắn thì hơn các bà khác. Vừa nói vừa nạt vừa đánh chồng. Ði làm về, đã thấy nàng đứng chống nạnh với cái chổi lông gà “Ông nhìn đồng hồ coi! Giờ nầy mới mò về. Theo con đĩ chó nào mà về trễ cả nửa giờ? Ðừng nói kẹt xe với tôi” Và nàng vung cái chổi lông gà lên. Hắn tuông chạy, nàng ì ạch, như con vịt bầu, đuổi theo, miệng nheo nhéo “Ðồ đàn ông mất nết. Có giỏi thì đứng lại!” Hắn chạy quanh nhà, thỉnh thoảng dừng lại, thè lưỡi, méo miệng chọc quê để nàng nổi sùng (ì ạch) đuổi tiếp. Muốn nàng không đuổi nữa, hắn chỉ việc chạy ra đường, nàng vô nhà, sợ hàng xóm thấy, gọi cảnh sát “Vợ bạo hành chồng” Nó có nguyên nhân. Vợ hắn hơi nặng cân, cỡ một tạ (100 kí lô). Bác sĩ bảo nàng phải chạy bộ mới bớt mập. Nàng hỏi “Tôi rượt ông xã tôi, có được không, bác sĩ?” Ông bác sĩ gật gù “Hai ông bà cùng chạy thì tốt quá, nhưng coi chừng, ông ta chạy luôn đến nhà bà khác thì phiền” Hắn rất muốn giúp nàng giảm cân nên hắn chạy trước, nàng đuổi theo quanh nhà. Ðược một năm thì kết quả thật đáng kinh ngạc: Nàng sụt mất một nghìn (1,000) milligrams! Một lý do khác để nàng có dịp rượt hắn là hắn vốn có máu dê. Ra đường, thấy người đẹp đưa ngực, đưa đùi, là hắn nhìn sửng “Bước đi rồi, con mắt còn có đuôi…” Nàng giận tím mặt. Về nhà, mới bước xuống xe, là nàng dùng hai ngón tay, kẹp miếng thịt bên hông hắn, vặn tréo, miệng đay nghiến “Tật dê không chừa! Tôi hỏi ông. Tôi khác mấy con đĩ chó đó chỗ nào mà ông nhìn muốn rớt con mắt. Khác chỗ nào? Hả?” Hắn định nói “Khác nhiều chỗ lắm!” nhưng vì sợ vợ, hắn rên rỉ “Ðau quá! Ðau quá! Em đẹp hơn tụi nó nhiều!” rồi tuông chạy, nàng lại rượt hắn.

Một hôm, nàng bảo hắn đi mua vé máy bay để nàng về Việt Nam thăm các dì của mấy cháu. Hắn hỏi “Em đi mấy tuần?” Nàng đáp “Một tháng!” Hắn tưởng mình đang nằm mơ, thấy Bụt hiện ra “Ta nói thế là để thử lòng nhà ngươi đấy thôi!” Nhưng đó là sự thật, không phải là giấc mơ. Hắn vội chạy đi mua vé máy bay, sợ nàng đổi ý thì mất vui. Hắn về, đưa vé máy bay cho nàng, mặt buồn thiu, cất tiếng hát “Em đi rồi… còn ai vuốt tóc tôi?” Hắn có tâm hồn nghệ sĩ, thi ca, hò, vè, hắn đều xuất sắc, Gặp chuyện gì hắn cũng có thể cất tiếng hát vài câu, rất vô duyên. Lần nầy, hắn đóng kịch dở quá, bị nàng lột mặt nạ “Ðừng có vờ vịt. Tôi chưa lên máy bay là ông đã chạy theo mấy con chó cái đó rồi. Liệu cái thần hồn! Lạng quạng, tôi thiến tận gốc cho biết thân” .Hắn hát tiếp “Ngày mai em đi, ngày tháng bơ vơ đợi chờ…” Nàng phì cười, vớ lấy cái chổi lông gà. Thế là nàng lại rượt hắn.

Vợ vắng nhà. Ðó là chân hạnh phúc. Vì sao? Vì không phải thấy mặt vợ, không phải nghe vợ nói và nhất là không phải ăn các món vợ nấu. Nhiều ông chồng, đôi khi, để làm vui lòng vợ, khen một món nào đó do vợ nấu. Chớ chơi dại! Vợ sẽ nấu mãi món đó, chồng ăn mãi món đó. Ăn tới “lòi cuống họng!” Ði ăn nhà hàng, chồng vô tình khen một món của nhà hàng. Cũng là chơi dại! Lập tức, nàng đi chợ, nấu món đó. Ðể trổ tài và để “ông xã” ăn ngon, ăn nhiều lấy sức. Nấu thì giống nhưng dở ẹt. Dám chê không? Không ăn cho hết thì sẽ biết “Thế nào là lễ độ!” Trong tám cái khổ của chúng sanh, có “Oán tắng hội” khổ. Nghĩa là đau khổ khi phải sống với (ai đó) mình không ưa (dù trước đây mình có mê như điếu đổ) Cái khổ thứ hai là “Cầu bất đắc” khổ. Nghĩa là muốn chết quách để khỏi sống chung với “ai đó” mà không chết được, cũng là khổ. Ngày xưa, có một vị thái tử can đảm, bỏ cung vàng điện ngọc để tìm con đường giải thoát, vì thấy chúng sanh quá khổ (trong đó, dĩ nhiên có cái khổ phải ăn các món vợ nấu)

Có ông nọ, lúc sắp bò vào “bốn tấm dài, hai tấm ngắn” có mấy lời trăn trối với vợ “Sau khi tôi chết, bà đừng nấu nướng gì cả. Cứ ra “tiệm cơm chỉ” (bán đồ ăn nấu sẵn) mua về cúng tôi”.

Bà vợ hỏi “Ông nói tôi nghe. Tại sao?”

Ông chồng thều thào “Các món bà nấu, tôi “bị” ăn suốt bao nhiêu năm, ngán đến tận cổ. Tôi chết bà lại nấu cúng tôi, chỉ ngửi thấy mùi, tôi đã khiếp vía, không dám hưởng, sẽ thành ma đói, không siêu thoát được”

Bà vợ đay nghiến “Tôi sẽ chết theo để nấu cho ông ăn”

Ông chồng thất kinh “Tôi lạy bà. Ðể tôi đi một mình” Nói xong, thở hắt ra, linh hồn “cấp tốc” phóng chạy vào hư không.

(Như những chuyện tôi đã kể trước đây. Nhiều ông đã lạy vợ kiểu đó trước khi lên đường)

Trở lại chuyện vợ hắn về Việt Nam. Trên đường đưa nàng đến phi trường, hắn lại hát nho nhỏ “Người ơi! Chốn xa xăm biết người nhớ tôi những gì?…” Mặt lạnh tanh, nàng nói “Xạo đủ rồi!”. Hắn cười hề hề rồi liếc nhìn vẻ mặt hầm hầm của nàng để biết chắc gương mặt “đáng yêu” đó sẽ không hiện diện trong cuộc đời hắn trong một tháng.

Sau khi nàng lên máy bay, hắn “lưu luyến” đứng nhìn chiếc máy bay (có nàng trong đó) cho đến khi nó chỉ còn là một chấm nhỏ, khuất vào trong mây trời, hắn mới tát vào mặt mình mấy cái, để biết chắc mình không nằm mơ, rồi ngâm nga “Vợ đi! Ừ nhỉ, vợ đi thực. Nàng giờ đây ở trên máy bay. Nàng giờ đây nhỏ như hạt bụi. Ta giờ đây, phải nhậu cho say…” Và hắn reo lên “Ô là là, con gà rô ti! Ha ha! Không thấy mặt vợ đến một tháng luôn!” (Sướng phát điên nên nói lảm nhảm!) Rồi nhảy chân sáo, ra xe, mở chai “Thằng Johnny đi bộ” (Ðã mua, giấu kỹ cho giờ phút nầy), tì tì từng ngụm, mắt ngước nhìn mấy cánh chim đang lướt trên bầu trời xanh bao la, để suy ngẫm và thưởng thức hai chữ Tự Do. Hắn cứ ngồi lơ tơ mơ như thế cho đến khi dã rượu, hắn lái xe về mà lòng hồi hộp, tim đập thình thịch, không hiểu, vợ còn ở nhà hay đã về Việt Nam?

Sáng hôm sau, trước khi đi làm, hắn móc điện thoại “A lô! Anh Ba Trợn đây!” “Dạ. Em Kiều Linh nghe anh đây!” “Trưa nay, giờ lunch (nghỉ ăn trưa) mình ra chợ Eden (VA) kiếm gì ăn?” “Dạ. Cám ơn anh. Khoảng mười hai giờ. Em sẽ ra với anh” Cô Kiều Linh nầy là một trong các cô bạn rất thân của hắn, nhưng tình bạn còn rất trong sáng, không như các cô khác. Vào tiệm ăn, hai người chuyện trò thân mật. Ðàn ông có tật xấu là thấy đàn bà, con gái là cứ lõ mắt nhìn muốn “lòi con ngươi” mấy điểm chiến lược của người ta, nhất là “Khu trù mật” (của em bé). Vì tò mò chứ chẳng ham muốn gì. Chỉ cần nhìn thoáng qua, áo mỏng hay vài lớp áo dày, các ông cũng biết chắc “cái đó” thật hay giả, to hay nhỏ, tròn hay méo, quả lê hay trái mướp. Các ông còn có biệt tài là chỉ nhìn thoáng qua cũng biết bà nào có đôi mắt cắt. (Có đôi mắt rất đẹp cũng có đôi mắt thao láo, trợn trừng, thấy phát ngán!)… Ðó là thú vui của bọn đàn ông, chứ lên cao nguyên, các cô gái sắc tộc để ngực trần hay ở các bãi biển, người ta mặc hai mảnh tí xíu, các ông đâu thèm nhìn?

Hắn thì quá tệ, cô bạn ngồi trước mặt, trang phục lịch sự, kín đáo, chỉ dưới cổ, để trần một chút ngực trắng muốt, (có lẽ) thơm tho, thì mắt hắn cứ láo liên, nhìn trộm một cách bất lương. Ðàn bà nhạy cảm với đôi mắt đàn ông về mấy vụ nầy. Nàng biết, chỉ mỉm cười hỏi “Âm mưu gì đây? Ðịnh thả dê. Phải không? Không hy vọng gì đâu!” Hắn làm ‘mặt buồn’ “Vui sướng gì mà dê với ngựa. Vợ về Việt Nam…” Nàng ngạc nhiên “Anh mà cũng nhớ vợ?” “Không phải. Vợ anh về Việt Nam, đem luôn chìa khóa cửa. Tối nay không biết ngủ đâu!” Nàng lại cười “Ðừng mong dụ dỗ người ta. Nhà em đông người lắm” “Thì đến nhà anh” Nàng mỉa mai “Xạo vừa thôi! Mới nói vợ đem chìa khóa nhà đi…” “Anh nói thật mà. Nhưng cửa đâu có khóa” Biết âm mưu đen tối của hắn, nàng bắt đầu cảnh giác. Mấy bữa sau, hắn mời nàng đi ăn trưa, nàng không đi, Mời đi uống cà phê buổi sáng cuối tuần, nàng “No sir!” (Ðừng hòng!). Nàng chỉ đồng ý cho gặp trên điện thoại mười lăm phút thôi. Thấy nàng quyết liệt, mà một tuần đã trôi qua, hắn sốt ruột, đổi chiến thuật. Hắn khen nàng đẹp trên điện thoại. Khen từ mái tóc, gương mặt, đôi mắt cho đến hình dáng… Dĩ nhiên hắn phải khen đúng để nàng soi gương, mỉm cười và hài lòng. Ðàn bà, con gái có chỗ yếu là được ai khen thì có cảm tình với người đó. Hắn thêm một bước nữa. Hắn tỉ tê rằng nhớ nàng, mong được gặp mặt cho đỡ nhớ. Nàng không trả lời, có lẽ đang đắn đo. Sở Khanh (trong Truyện Kiều) có truyền cho lũ đệ tử đời sau rằng “Ðàn bà nói “Không!” hoặc làm thinh là có thể. Nói “Có thể” là được. Nói “Ðược” là nửa nọ, nửa kia” Hắn biết, không lẽ nàng “Ừ!” ngay. Con chuột đã bước một chân vào cái bẫy. Và hắn chờ đợi. Một buổi chiều mùa thu, trời mưa lất phất và lạnh. Cảnh nầy làm các cô hơi lớn tuổi, độc thân, buồn ghê lắm. Không có nỗi buồn nào bằng nỗi buồn cô đơn! Nàng gọi cho hắn “Em đi công chuyện, ngang nhà anh, em sẽ ghé thăm, độ năm phút thôi. Vì chuyện gấp nên em đến thăm anh là đi liền” “Em có thể đến sớm, để chuyện trò lâu một chút. Cả tháng nay, em có cho anh gặp đâu!” Im lặng. Một phút sau “Bảy giờ em đến, bảy rưỡi em đi” Ôi chà chà! Nửa giờ! Rõ ràng là “con chuột” dễ thương đã nằm gọn trong bẫy. Nàng đã phó mặc số phận đẩy đưa, đến bến bờ nào cũng… OK!.

Hắn đi nấu trà, đem bộ đồ trà chưng trong tủ búp phê (buffet) ra, để trên bàn khách cho thêm phần long trọng. Nàng đến, hắn mở cửa mời vào. Nàng ngồi đối diện. Hắn rót trà mời. Trong ánh đèn mờ, hắn thấy trang phục nàng đẹp, son phấn cẩn thận, chứng tỏ nàng có đi đâu đó thật chứ không phịa chuyện để đến gặp hắn. Coi bộ gay go đây! Sĩ phu ngày xưa có câu “Tri hành hợp nhất” nghĩa là biết đối tượng muốn gì thì mình thực hiện cho đúng ý muốn đương sự. Nhưng nàng có ý nghĩ giống như hắn không? Chợt nàng xem đồng hồ tay. Hắn thử đoán, nàng sốt ruột, muốn đi công chuyện hay muốn nói với hắn “Coi chừng hết giờ!”? Trò chuyện thêm mấy câu nữa, nàng nói “Thôi, em về!” Hắn cũng nói “Anh cũng đi công chuyện ngay bây giờ. Ðể anh tắt đèn” Hắn đứng lên, tắt đèn. Tối thui!

Tôi, người kể chuyện nầy, chưng hửng! Mà quý bạn đọc cũng chán nản “Tưởng gì gay cấn sắp xảy ra. Mất công theo dõi nãy giờ!” Mà tôi có muốn kể tiếp, tả tình tả cảnh cũng chẳng thấy gì! Tối mò.  Vả lại họ sắp rời nhà, ra xe.

Nhưng khoan. Xin lắng nghe. Trong bóng tối dày đặc, có tiếng nàng “Chìa khóa xe em đâu rồi?” “Anh đang giữ đây” “Cho em, để em về” “Cho anh hôn một cái, anh đưa chìa khóa” Yên lặng… “Ðể em về!” Có tiếng rù rì của hắn, nghe không rõ nhưng đoán chừng hắn đang tỉ tê gì đấy với người đẹp. Nàng, giọng miễn cưỡng “Ðể em về kẻo trễ” Lại tiếng thì thầm. Nàng cũng thì thầm “Ðừng anh! Ðừng làm em sợ” Một lúc sau, nàng kêu lên, run run như hụt hơi “Ôi. Chết em. Anh ơi!” Lại im lặng…

Nửa giờ sau, tiếng nàng cười rúc rích “Anh là đồ quỷ sứ. Làm người ta sợ muốn chết! Một lần nầy là thôi. Lần sau, em không dám đến thăm anh nữa đâu!” Rồi thì, trong bóng tối,  hắn cất tiếng hát “Thôi rồi còn chi đâu em ơi. Hết rồi còn chi đâu em ơi!” Tiếng nàng cười như reo lên rồi tiếng đập lưng hắn bình bịch “Hết rồi thì đưa chìa khóa cho người ta về. Mở đèn lên. Quần áo xốc xếch hết cả rồi nè!”

Hết!

Phạm Thành Châu