Tuy lịch sử không nói đến, nhưng nếu chịu khó lục lọi đây
đó, người ta sẽ tìm ra một giai thoại khá thú vị về việc bản Tuyên ngôn Độc
lập của Việt Nam được Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc
trong buổi lễ trước công chúng tại vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường
Ba Đình) ngày 2 tháng 9 năm 1945. Theo tường thuật của nhà báo Hồng Hà trên báo
Cứu Quốc của Việt Minh, ông Nguyễn Hữu Đang là người đọc chương trình
buổi lễ và giới thiệu Chính phủ Lâm thời cùng chủ tịch Chính phủ đọc Tuyên ngôn
Độc lập. Ông Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban Tổ chức Lễ đài, ông chính là
người đứng trước micro giới thiệu: “Thưa đồng bào... Đây là Chủ tịch Chính phủ
Lâm thời Hồ Chí Minh.” Nói xong, ông lùi lại, nhường micro cho Hồ Chí Minh.
Bức ảnh chụp ông Hồ đọc bản tuyên ngôn có Nguyễn Hữu Đang đứng ngay sau lưng. Có lẽ đó là bức ảnh được truyền bá sâu rộng nhất trong nước vào thời điểm đó, trên báo chí cho quần chúng đọc, trên sách vở cho học sinh, sinh viên học hành, trên tài liệu cho cán bộ, quân nhân học tập, v.v… Nhưng, hơn mười năm sau đó, sau khi ông Nguyễn Hữu Đang và nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm bị đảng trù giập không thương tiếc, bản thân ông bị tống cổ vào tù, thì hình ảnh ông đứng sau lưng Hồ Chí Minh bị tẩy xóa (rất tinh vi). Từ lúc đó trở về sau, bức ảnh Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập không có Nguyễn Hữu Đang.
Cũng vào quãng thời gian này, một
chuyện tương tự xảy ra bên trời Tây, sau Đệ nhị Thế chiến, chính xác là tại Tiệp
Khắc, một quốc gia phiên thuộc của đế quốc Xô Viết. Chuyện này được nhà văn
Milan Kundera [1929-2023] thuật lại trong cuốn tiểu thuyết Tập sách cái
cười và sự lãng quên của ông, một tác phẩm quan trọng đã đưa tên tuổi
ông lên hàng nhà văn tầm vóc quốc tế vào cuối thế kỷ XX. Ông viết như nhau:
“Tháng Hai năm 1948, lãnh tụ Cộng sản
Klement Gottwald bước ra bao lơn tòa dinh thự xây từ thời Baroque thủ đô Praha
để hiệu triệu hàng trăm nghìn công dân đứng chật ních dưới quảng trường Phố Cổ.
Đó là khúc quành trọng đại của lịch sử Bohemia – một thời khắc định mệnh.
Đứng cạnh Gottwald là các đồng chí của
ông, Clementis gần nhất, ngay bên cạnh. Tuyết rơi tầm tã, trời se sắt lạnh, và
Gottwald để đầu trần. Thấy vậy Clementis ân cần lấy mũ của mình đội lên đầu
Gottwald.
Cơ quan tuyên truyền của đảng in ra
hàng trăm nghìn bức ảnh Gottwald đứng trên bao lơn, mũ lông thú trên đầu, các đồng
chí đứng bên cạnh, nói chuyện với quốc dân. Lịch sử xứ Bohemia Cộng sản khởi đi
từ cái bao lơn đó. Qua bích chương, sách vở, bảo tàng viện, đứa trẻ nào cũng biết
rõ bức ảnh.
Bốn năm sau họ khép Clementis vào tội
phản quốc và đem ông ra treo cổ. Ngay tức khắc cơ quan tuyên truyền của đảng
bôi xóa ông khỏi lịch sử và, dĩ nhiên, ra khỏi tất cả những hình ảnh họ công bố
trước đây. Từ lúc đó trở đi, Gottwald đứng một mình trên bao lơn.
Nơi Clementis đứng giờ đây chỉ còn lại
bức tường trơ trọi của tòa dinh thự. Clementis hoàn toàn tan biến, chẳng còn lại
gì, ngoại trừ cái mũ lông thú trên đầu Gottwald.”
Đảng Cộng sản Việt Nam xóa ảnh Nguyễn
Hữu Đang đứng sau lưng Hồ Chí Minh, họ còn xóa những hình ảnh kinh hoàng của biến
cố Tết Mậu Thân 1968 thảm khốc ra khỏi lịch sử. Trong chiến tranh, quân lính
hai bên chém giết nhau là chuyện có thể chấp nhận, con người từ lâu vốn tự đặt
ra quy luật bất thành văn như thế, nhưng giết người già, em bé vô tội – không
phải một vài người mà hàng ngàn người – không chút vũ khí tự vệ trong tay là tội
ác chiến tranh, là sát nhân. Biết như thế, người Cộng sản Việt Nam bằng mọi
giá, mọi cách, phải xóa bức ảnh thảm đát, ghê rợn đó ra khỏi lịch sử.
***
Nguyễn Hữu Đang của Việt Nam và Clementis của Tiệp Khắc, nạn
nhân Mậu Thân 1968, bây giờ chỉ còn là những bóng ma, bóng ma quá khứ. Chỉ bóng
ma mới có thể hiện ra và tan biến không để lại hình tích gì trên một bức ảnh,
và bởi vì là bóng ma nên nó chỉ làm được một việc duy nhất là hù dọa trẻ nít và
những kẻ yếu bóng vía. Nó chẳng làm được gì cho lịch sử. Lịch sử gạt nó ra
ngoài lề, nếu ta hiểu lịch sử đồng nghĩa với quyền lực.
Những bóng ma ấy, và vô vàn những
bóng ma khác, sẽ dần dà trôi vào miền quên lãng. Sự hiện hữu của chúng là một
nghi vấn, và trí óc con người luôn luôn sẵn sàng biến nghi vấn thành sự lãng
quên.
Sự lãng quên có ý nghĩa về mặt nhận
thức, vì nó liên quan đến những gì chúng ta có thể biết và cách thế chúng ta biện
minh cho niềm tin của mình. Nó cũng có thể liên quan đến chủ nghĩa hoài nghi
trong triết học, đặc biệt trong ngữ cảnh của chủ nghĩa hoài nghi thế giới ngoại
tại. Nếu chúng ta quên đi những trải nghiệm hoặc tri thức nhận thức trước đây,
điều đó có thể đặt ra câu hỏi về độ tin cậy của các giác quan và khả năng nhận
thức thế giới bên ngoài. Triết gia Friedrich Nietzsche có một quan điểm thú vị
về sự lãng quên. Ông lập luận rằng quên không chỉ là sự suy giảm trí nhớ mà là
một khía cạnh cần thiết của ý chí quyền lực và sự tự khẳng định. Ông tin rằng
các cá nhân cần quên đi những trải nghiệm và giá trị trong quá khứ để tạo ra những
cái mới và khẳng định bản sắc riêng của mình. Khái niệm về sự lãng quên cũng có
thể liên quan đến bản sắc cá nhân trong bối cảnh triết lý của tâm trí. Câu hỏi
liệu cùng một người có thể tồn tại xuyên thời gian dù đã quên nhiều trải nghiệm
trong quá khứ hay không, vẫn là chủ đề tranh luận. Các triết gia theo Chủ nghĩa
Hiện sinh như Jean-Paul Sartre thì đưa ra khám phá về ý tưởng quên trong bối cảnh
tự do và trách nhiệm. Trong bối cảnh này, sự lãng quên có thể được xem là cách
thế để vượt thoát khỏi gánh nặng của quá khứ và tạo ra sự tồn tại (hiện hữu, hiện
tồn, hiện sinh, hữu thể) của chính mình.
Xem ra sự lãng quên là một thuộc
tính tất yếu của con người mà không phải ai cũng có thể khắc phục hoặc chế ngự.
Con người vốn chóng quên. Trong một thế giới bão hòa với thông tin và dữ kiện
như cuộc sống ngày nay, sự chóng quên lại là một yếu tố cần thiết để thích ứng
với các điều kiện nội tại cũng như ngoại tại, như triết gia John Locke từng lập
luận rằng khả năng quên là điều cần thiết để duy trì bản sắc cá nhân của một
con người theo thời gian, bởi nếu không quên, tâm trí chúng ta sẽ tràn ngập những
thông tin không liên quan và lỗi thời.
Những vụ thảm sát do chiến tranh gây
nên đánh động tâm tư chúng ta, nhưng thử hỏi ngày nay ai còn nhớ đến Mậu Thân
1968, ai còn nhớ đến Kosovo, đến Iraq. Tôi dám cược bất cứ cái gì là chỉ trong
vòng vài năm nữa, khi ngọn lửa chiến tranh tàn lụi, sẽ chẳng còn ai nhớ đến
Ukraine, đến Palestine nữa. Hình ảnh thảm khốc những đứa bé chết cháy thành
than sẽ lùi vào quên lãng.
Thương nữ bất tri vong quốc hận,
Cách giang do xướng hậu đình hoa.
Thi hào Đỗ Mục từ thời Vãn Đường, thế
kỷ IX, đã ngậm ngùi than thở như thế. Vâng, chẳng phải bây giờ người ta mới
chóng quên.
Đối với các thế lực cực quyền, đây
chính là điểm yếu của con người mà họ khai thác tới hạn để che đậy những tội ác
do chính họ gây ra. Họ sử dụng nó như một công cụ bài bản để sửa đổi lịch sử
sao cho phù hợp với quan điểm giáo điều và chính thống của họ. Tất cả những gì
không đi theo đường lối, chủ trương của họ hoặc bất lợi cho họ về mặt tuyên
truyền, họ không ngần ngại cho vào bóng tối, phủ nhận, lấp liếm, đổ thừa, cho
dù những hành vi đó phi lý, vô lý đến đâu chăng nữa. Bạn đừng phí công phí sức
chất vấn hay tranh luận về sự không hợp tình hợp lý, không tôn trọng sự thật của
họ. Chỉ vô ích thôi bởi bạn đang nói chuyện với một cục đất ù lì. Trong bóng tối,
sự vật trở nên mù mờ, xập xoạng như những bóng ma – những bóng ma Nguyễn Hữu
Đang, Clementis và hàng trăm hàng ngàn bóng ma khác – không một chút trọng lượng,
chẳng mảy may tác động lên bất cứ sự việc nào, và chỉ thoi thóp lóe lên trong
giây phút phù du của lòng hoài niệm.
Có lẽ bởi thế Kundera đã phải chua
xót nói rằng: “Cuộc đấu tranh của con người chống lại quyền lực là cuộc đấu
tranh của trí nhớ chống lại sự lãng quên.”
Sự lãng quên sẽ ở với con người mãi
mãi. Vĩnh viễn chúng ta bị đóng đinh vào sự lãng quên. Nó giúp cái Ác lên ngôi,
và sự cứu chuộc vẫn nằm im không nhúc nhích bên trong lớp vỏ hy vọng mong manh
của những kẻ khao khát Sự thật nhưng chẳng bao giờ tìm thấy.