Trải qua bao thời gian, những người bạn cũ rời xa, những người bạn mới xuất hiện, nhiều khuôn mặt đến, rồi đi, như nước chảy qua cầu. Vậy mà có một khuôn mặt đặc biệt, ở lại rất lâu trong góc trái tim tôi, một nhỏ bạn thật đặc biệt. Đặc biệt, là vì nó là... người Nga.
Tôi đã từng có ác cảm với dân tộc Nga, từ những ngày trước
năm 1975, là năm đổi đời, đổi hướng tương lai của đa số dân tỵ nạn cộng sản. Ác
cảm là vì, giống dân từ một quốc gia xa lạ và rất xa trên bản đồ trái đất, đầu
tiên tạo ra chế độ Cộng sản, lại đầu độc cả thế giới qua cái chủ nghĩa Cộng sản
ác nhân thất đức.
Niềm ác cảm đó còn gia tăng trọng lượng khi tôi, một nhân
viên lâu năm trong nghề, lại bị chủ ra lịnh dạy nghề cho nó!
Trời đất quỉ thần ơi!
Hãng càng ngày càng sa sút, mất từ từ những khách hàng lâu
năm quen thuộc, vì chính sách “toàn cầu hóa”. Chẳng những mất khách hàng, mất số
lượng bán hàng quan trọng, mà thậm chí nguy là nhân viên càng ngày càng bị thu
gọn lại. Nhiều người phải ra đi để hãng bớt chi phí, tiếp tục thắt lưng buộc bụng
kéo dài thoi thóp, cho tới chừng nào tình thế khá hơn. Vậy là bao nhiêu là tin
đồn trong hãng, người nầy sẽ ra đi, người kia sẽ mất việc.
Những nhân viên có số lương kha khá trong hãng lo lắng,
trong đó có tui.
Nó là nhân viên mới. Nay ông chủ hãng biểu tui phải dạy nghề
cho nó, chắc là để nay mai nó sẽ thế chân tui trong phòng kế toán, lương ít
hơn, mà vẫn có thể làm việc giống như tui, “nhứt cử lưỡng tiện” cho chủ hãng.
Ngày đầu tiên bà sếp tui giới thiệu, ngó nó đã thấy phát nực
rồi! Mặt nó trắng xác, đúng là giống dân bạch chủng. Mái tóc cắt cao kiểu demi-garçon,
cái miệng không nhếch nổi một nụ cười khi được giới thiệu. Ngay lập tức ác cảm
dâng lên, người đâu lạnh lùng, y chang mấy nhân vật người Nga trên phim ảnh loại
gián điệp.
Nó ngó tui lạnh lùng, tui ngó nó còn lạnh hơn nước đá cục.
Nó được cái bàn ngồi ngay bên cạnh tui trong phòng kế toán, bực thì thôi! Mấy
ngày đầu tiên tui đì nó, bắt nó “file” hằng đống giấy tờ, chỉ cần dạy chút (chỉ
chút xíu lấy lệ) xếp hồ sơ khách hàng theo mẫu tự ABC. Nó cần mẫn làm mọi chuyện
tui sai bảo, nhưng ngậm câm, mặt lạnh càng khó ưa!
Được đâu một tuần lễ hai đứa nhìn nhau mà chẳng thấy nhau
đó, một hôm, tự nhiên nó nói tên tui giống tên của nó. Tui ngạc nhiên, nói, tên
tui là Anh, còn tên nó là Anna, làm sao giống. Nó mím miệng cười, nói phát âm
hơi giống, nhưng ở nước nó không có tên Anh hay Anne, nên nó thấy gọi tui là
Anna nghe dễ thương hơn. Mèn, tên tui hỏng phải cứ đổi thì đổi, hử?!
Có một buổi chiều tan sở, tui vừa ra cửa thì thấy nó chạy lại,
nắm tay tui, đưa tới trước mặt một người đàn ông vóc dáng to lớn, mặc đồ lớn
trang trọng đang đứng chờ, giới thiệu:
- Đây là ba tôi.
Rồi xây qua ba nó, nó nói liền:
- Ba ơi, đây là bạn con, cũng có tên giống con đó Ba.
Ông già đưa tay bắt tay tôi, cười thật hiền lành, và hơi ngạc
nhiên, tui mới chợt nhớ ra là nó vừa nói tui là bạn nó, nở nụ cười đầu tiên với
tui. Sao nó cười đẹp và mặt nó sáng rỡ vậy ta, đâu mất rồi nét lạnh lùng lần đầu
tiên tui gặp nó.
Tui đang kể cho các bạn về một người bạn cũ, một nhỏ bạn thật
bình thường, và có lẽ câu chuyện về nó cũng không có gì đặc sắc hết, ngoài việc
nó là người Nga, một giống dân tôi ghét cay ghét đắng, vì nó là người Nga Cộng
sản, một chế độ theo tôi rất là vô nhân bản.
Hồi còn học Trung Học, tôi biết rất sơ sài về thế giới Cộng
sản, nhất là nước Nga. Dân tộc Nga, một dân tộc hiếu chiến, một chế độ tàn nhẫn
không có tình người như trong cuốn sách “Bác sĩ Zhivago” mà tôi từng đọc say
mê, được coi phim trên màn ảnh đại vĩ tuyến nữa. Từ sau ngày nó giới thiệu tui
với ba nó, bằng lời nói thắt chặt tình bạn là hai đứa có cùng một tên giống
nhau, coi như hai đứa tui đã quen nhau. Thiệt tình, giống gì mà giống!
Trước lúc chính thức "quen nhau", vào giờ ăn trưa,
tui vẫn thường ngồi tại chỗ, qua bữa một mình hộp cơm đơn sơ; vừa ăn vừa vặn
máy cassette nghe nho nhỏ vài bản nhạc Việt.
Hôm đó, nó rủ tui cùng ngồi bàn ăn trưa với nó. Tui cũng ừ,
xách túi đồ ăn ra bàn ăn chung. Thức ăn trưa nó đem theo, không đơn giản như của
tui mà kèm theo món chánh có hai, ba món phụ, ngó hấp dẫn.
Thoạt tiên nó mời tui món gỏi chua bắp cải và cà-rốt. Nó nói
ở xứ nó rau cải quý lắm. Món nầy dòn dòn, chua chua, ăn rất bắt cơm, lại gần
gũi món đồ chua của mình. Tình thân từ từ đi xa hơn qua những món ăn mời nhau
vào mỗi buổi cơm trưa. Vậy là tui lại phải bắt đầu đem nhiều món hơn, để mời nó
trả lễ, thay vì chỉ một món mặn gì đó, để dưới đáy hộp, rồi dằn cơm trắng ở
trên, hâm ăn gọn gàng như nào giờ. Ngày nào nó cũng đem theo một hộp cải chua
đó, nhiều đủ hai đứa ăn, dòn rụm, ngon quá. Nó nói làm dễ ợt, chỉ cần cho chút
muối, trộn lên với cải bắp và cà- rốt, đậy kín, sau hai, ba ngày cải lên men
chua là ăn được. Cải chua nầy ăn với đủ thứ món ăn khác. Mình cũng có món cải
chua nhưng đâu có ăn mỗi ngày như nó.
Một lần, nó đem theo cho tui nguyên dĩa món lưỡi bò chiên
dòn, áo qua một lớp bột. Nó dạy tui cách làm món nầy, cũng công phu. Lưỡi bò luộc
chín, lột bỏ lớp da bên ngoài, rồi cắt vừa miếng, lăn qua một áo trứng, một áo
bột, rồi chiên dòn lên. Ui chu choa, ngon đặc biệt.
Lần khác, nó đem cho tui ăn món trứng gà chiên mỏng dính, rồi
cuộn lại thành ống, khi cuộn rắc phô-mai lên, trứng còn nóng, phô-mai chảy ra,
vừa thơm mùi trứng vừa béo béo vị phô-mai.
Hay trứng cuộn thịt dăm-bông cũng ngon. Tui hỏi nó ai làm,
vì mấy món nầy vừa làm vừa cuộn mà. Nó nói nó chiên trứng, ba nó cuộn. Gia đình
nó sống chung trong một căn chung cư vùng Los Angeles. Có lần nó đem cánh gà
chiên mời tui ăn. Tui lọng cọng với đôi đũa, thì nó cười ha hả, nói rằng:
- Ở xứ tôi con gì có cánh là khi ăn mình phải dùng tay nắm
chặt, không thôi nó bay.
Lần đó tui cũng cười ha hả với nó, và thấy sao nó đẹp quá.
Khi cười, mặt nó hồng hào lên, hàm răng rất trắng và đều, đôi mắt nó to tròn,
long lanh, ấm áp, mất hết vẻ lạnh lùng của lần đầu tiên gặp nó, mà tui từng
ghét cay ghét đắng.
Một lần, vừa ngồi xuống ghế sửa soạn ăn trưa, bỗng nhiên nó
đỏ mặt, đỏ cánh mũi, rồi bật khóc ngon lành làm tui lúng túng, không biết làm
sao mà dỗ, vì nó nói tiếng Mỹ hơI khó nghe.
Phải chờ một lát cho dịu cơn xúc động, nó mới ấp úng kể cho
tui nghe là hôm qua nó gây lộn với chồng nó một trận tưng bừng. Hỏi ra, tưởng
gì, thì ra chồng nó khoét lỗ đeo bông tai.
Nó tức tưởi nói đàn ông mà đeo bông tai như đàn bà, giống ba
tụi "du đãng". Thời trang lúc đó vừa mới ra mốt đàn ông con trai đeo
bông tai đó. Tui cười, nói đâu có gì lớn chuyện mà you khóc dữ
thần?!
Từ đó nó kể thêm nhiều chuyện nhà. Nó nói nó là con một, mà
là con gái, nên nó muốn giữ lại họ của ba nó bằng cách không đổi họ khi lấy chồng.
Rồi tới khi tụi nó có con, lại cũng là con gái, nên nó muốn
con gái của nó theo họ mẹ. Tui thấy mắc cười, như vậy là nó ăn hiếp chồng nó
quá cỡ, còn tức tưởi mấy chuyện nhỏ nhít nầy. Con gái của nó mới 11 tuổi thôi,
như vậy nó trẻ hơn tui nhiều lắm. Tui coi nó như em tui.
Nó kể, năm nó mang bầu, nhà nó ở trong một căn phòng nhỏ
xíu, tận trên lầu tám, mà chung cư nầy không có thang máy. Thử hình dung một bà
bầu ngày nào cũng phải lên xuống tám tầng lầu để đi mấy hợp tác xã (HTX) mua thức
ăn, cực kể gì. Chồng nó phải đi làm nên mấy chuyện nầy nó phải làm hết. Phương
tiện giao thông chỉ là đi bộ, và đi xe buýt hay xe điện, có chiếc xe đạp là
giàu lắm.
Tui nghe nó kể, ngó xuống hai bắp đùi thô kệch của nó, thấy
thương. Khuôn mặt nó rất thanh tú dễ nhìn, so với đôi chân bự thù lu đó thiệt
tình không xứng chút nào. Nó nói, không phải tới HTX là mua được đủ món đâu. Mỗi
HTX chỉ bán ít món cần thiết mà thôi, như HTX nầy chỉ có bột, muốn mua thịt,
cá, hay sữa thì phải tới những HTX khác.
Nó kể có lần, lúc mang bầu, nó thèm ăn cá. Trời ơi, mua được
một con cá phải đi cả ngày, lội bộ lẫn trèo xe buýt, rồi còn lên tám tầng thang
lầu mới về tới nhà, cực không kể xiết. Cá thì tanh rình hết tươi mà vẫn ăn vì
đang cơn thèm. Còn rau cải thì mỗi năm vào khoảng tháng Tám, là tháng ấm áp nhứt,
chính phủ sẽ cho dân chúng đi gặt hái, ở khoảnh vườn nào đó. Mỗi gia đình sẽ tự
mình đào bới, thu thập từng củ khoai, từng củ cà-rốt, bắp cải..., rồi mang về
nhà, tự lo liệu làm sao để số lương thực đó có thể để dành ăn suốt năm. Tui khó
hình dung nỗi cơ cực đó khi cũng trong cùng thời gian, ở Sài Gòn chúng tôi mua
thịt cá, rau cải hằng ngày ở chợ, tươi ngon quanh năm. Dĩ nhiên là gặt hái như
vậy thì không phải trả tiền, nhưng nó nói chẳng thà có tiền, rồi dùng tiền mà
mua thì đỡ khổ hơn nhiều lắm.
Đời sống sao mà quá đổi cơ cực!
Mà nó kể, đời sống như vậy cũng không được yên ổn đâu. Lúc
nào cũng nơm nớp lo sợ bị bọn công an bắt, sợ hàng xóm "ăng ten", rất
dễ dàng bị bỏ tù cải tạo nếu ăn nói không cẩn thận... Chắc tại vậy mà người dân
Nga không tỏ bày tình cảm trên nét mặt, thành thói quen lạnh lùng với người
chung quanh, vì họ luôn thủ thế.
Có lần tui hỏi nó sao không để tóc dài dài, sao mấy người
dân xứ nó, đàn bà con gái toàn cắt tóc tém? Nó nói tại ở nước nó, tất cả thanh
niên, thiếu nữ đều phải học quân sự từ cấp trung học, phải cắt tóc như vậy, nên
quen, để tóc dài lại thấy khó chịu. Nó còn nói với tui tất cả mấy người bạn gái
của nó khi qua Mỹ sống đều gia nhập quân đội hết, vì lý do có việc làm liền, có
tiền sống, và dễ dàng hơn vì đã được huấn luyện trước rồi.
Tui hỏi sao nó không đi lính như bạn bè, nó nói nó ghét chiến
tranh lắm, đã thoát khỏi còn chui đầu vô lính làm gì, từ từ cũng kiếm được việc
làm mà. Tui thấy nó thiệt hiền lành, ghét chiến tranh thì giống tui rồi.
Tánh nó mít ướt lắm, hở cái là mặt mũi đỏ ửng lên, rồi nước
mắt nước mũi cứ vậy tuôn ra, cứ như là thèm khóc. Lâu lâu bị bà sếp bên phòng
chủ sự rầy rà là buổi trưa nó khóc với tui liền.
Ngày nào giờ ăn trưa nó cũng kể chuyện cho tui nghe, ngay cả
những chuyện trong nhà như buồn phiền chồng, con, v.v... Tui thấy nó giỏi quá,
nhứt là chuyện bếp núc, gì nó cũng làm được, nhiều món ăn rất ngon. Món trứng
cá muối, món rau cải trộn, nó nói nó cũng biết làm bơ, phô-mai tại nhà, phải biến
chế tất cả các loại rau cải để cả nhà có đồ ăn, phải làm bánh mì, mứt cho cả
nhà, bây giờ đi chợ gì cũng có sẵn, quá tiện.
Còn quần áo thì sao? Giặt tay đó, trong phòng nào cũng có
cái ống dẫn sưởi thông qua, máng quần áo trên ống đó cho khô. Nó còn kể xứ nó
là xứ tin đồn, ngày nào cũng có tin đồn, cứ một đồn lên thành mười, tùy theo
chính phủ tung tin ra. Chẳng hạn như không có đủ trứng gà cho dân chúng ăn, thì
chính phủ tung tin trong trứng có chất độc, không có thịt thì tung tin thịt nhiễm
trùng, ăn vô là chết, Mỹ đầu độc…
Nó kể, phong tục xứ nó khi con gái tới tuổi lấy chồng, mấy
bà mẹ sẽ thăm viếng nhau để chấm điểm những món ăn ngon. Tài nội trợ của cô gái
sẽ được lựa chọn cho con trai họ, đặc biệt là vài món súp ăn kèm bánh mì và kem
chua. Sao giống người mình quá, con gái thì phải biết nấu ăn ngon mới là vợ hiền
dâu thảo.
- Trời ơi, một rừng quần áo, không thể tưởng tượng được.
- Từ từ mà nói.
Tui chận lại.
- Quần áo con nít đó, trời ơi, một rừng quần áo may sẵn...
Vừa nói nó vừa đưa hai cánh tay mở rộng.
- Tôi chưa từng nhìn thấy, quần áo con nít, đẹp lắm, may sẵn
áo đầm, quần dài quần ngắn, đồ lót nón vớ đan len... Ở xứ tôi mỗi lần cần thì
phải lội bộ ra HTX mua vải, hay mấy cuộn chỉ len, rồi cặm cụi cắt may, đan
vá... để có được một cái áo, cái quần cho con nít.
Hỏi ra cô nàng được bạn mời sinh nhật em bé, mới có dịp đi
mua và được nhìn thấy cả một rừng quần áo con nít may sẵn, mừng tới ngẩn ngơ phải
khoe với cô bạn Việt Nam.
Nhìn nó hào hứng, vui quá với khám phá mới mẻ nầy của nó mà
thương nó quá trời. Chuyện quần áo con nít hay người lớn may sẵn bên Việt Nam
mình từ thuở xửa xưa, thời má tui, đã có rồi, mà con nhỏ người Nga nầy mới biết
sau khi rời bỏ thiên đường Cộng sản. Đời sống sau "bức màn sắt” giờ thì
tui đã tỏ tường, tội nghiệp dân tộc đó gì đâu. Nào có ai ngờ đàng sau cái vẻ lạnh
lùng, khó gần gũi đó, chứa cả một tâm hồn ngây thơ, một tình cảm mãnh liệt, đã
từng bị đè nén và che giấu vì sống trong một chế độ đàn áp con người.
Nó kể hồi vượt biên giới để trốn đi qua nước Mỹ, lúc ngồi
trên xe lửa chạy vô thành phố Nữu Ước, vợ chồng con cái và ba má nó rất sợ, kéo
màn cửa sổ kín mít vì sợ bị người Mỹ ném đá vào xe lửa như họ đã từng bị tuyên
truyền về sự thù ghét của người Mỹ đối với người Nga, nhưng thật sự không hề xẩy
ra.
Nó nói cuộc sống bây giờ của gia đình nó ở Mỹ là ở thiên
đàng.
Sau ngày bức tường Bá Linh bị dân Đức đập xuống, dân nước
Nga được "cộng hưởng", từ từ bớt khổ. Chồng nó bỏ làm ở xí nghiệp mà
ra ngoài thị trường "buôn lậu". Nó nói chỉ có cách đó cả nhà mới có
thức ăn để sống, vì đời sống trước đó quá khổ. Nó gọi là "black
market", tui thiệt tình cũng không hỏi rõ, chỉ nhớ đại khái nó nói là mua
gì đó, rồi bán lại kiếm lời như vải vóc, thuốc lá, v.v... Nó nói thời đó không
ai là không làm "black market”, để khỏi đói. Nghe giống Việt Nam thời bao
cấp.
*
Rồi một hôm, cũng giờ ăn trưa, nó bỗng nhiên òa khóc, rồi ôm
tui, nói nó phải từ giã tui, vì bạn nó vừa kiếm cho nó một việc làm trong nhà
băng.
Tui buồn quá, vì nó và tui chỉ mới làm việc chung thời gian
quá ngắn ngủi. Tui chỉ vừa kịp dạy nó chút xíu tay nghề thôi. Coi nó như em
gái, tui cũng mừng cho nó tìm được chỗ làm khác, có vẻ chắc chắn hơn chỗ làm nầy.
Từ ngày có cô bạn người Nga, tui cảm thấy cuộc sống của mình
trong chế độ tự do từ lúc sống bên Việt Nam thời Cộng Hòa trước năm 1975 cho tới
khoảng thời gian sống ở Mỹ, quá sung sướng, quá tự do, và quá đầy đủ.
Bạn tôi đó, không có gì nổi bật, chỉ là một phụ nữ bình thường
sống cơ cực sau bức màn sắt, đã được mở cánh cửa tự do, cho tui tự nhìn thấy
mình nên bỏ bớt những thành kiến về dân tộc, để cởi mở hơn, bớt xét đoán hơn;
chuyện gì cũng có mặt phải, mặt trái, như đồng xu.
Đã lâu lắm rồi tui không có liên lạc với nó, nhưng nét đặc
biệt có một không hai của nó làm tui nhớ hoài, nhỏ bạn cùng tên với tui, Anna.
Những ngày cuối năm trời lành lạnh, tự nhiên tui thèm món súp béo béo mà nó từng
đem đãi tui. Tui nghĩ giờ chắc nó đã hết ngạc nhiên với những phồn thịnh của xứ
Mỹ và đã hòa đồng cùng dân bản xứ, nội cỏ thiên đường.