08 December 2016

BÀI HOAN CA Ở A 38 (Phần 13, 14, 15) - Chu Trầm Nguyên Minh

|xem Phần 1, 2, 3|xem Phần 4, 5, 6|xem Phần 7, 8, 9|xem Phần 10, 11, 12|

Phần 13
_______________
Người phải chặt chúa ra làm 15 khúc là trại viên tên Hoàng, thuộc tổ 3 khối 10, trung úy sư đoàn 23 Bộ Binh Ngụy, tốt nghiệp đại học Mỹ Thuật Gia Định, bị động viên khóa 24 Bộ Binh Thủ Đức. Tháng 3/1975 VC tràn ngập Cao Nguyên, đơn vị bị xóa sổ, chạy theo đoàn người di tản về Nha Trang, rồi Cam Ranh, Phan Rang… và bị bắt ở Cà Ná. Hoàng là một trong những người đầu tiên bị đưa vào A.38…
Hoàng cầm cái bao cát, loại bao nhỏ, Mỹ Ngụy cho cát vào, cột đầu lại, rồi chất thành công sự, ngăn hỏa lực.
Người bếp trưởng hỏi:
-Ông làm gì…   đứng sớ rớ ở đây?
-Tôi…   tôi…
-Tôi làm sao? Nói mẹ nó ra…   ĐM, cứ tôi…   tôi…   thì ai biết cái gì.
Hoàng nói mau:
-Tôi muốn gởi cái này ở đây.
-Gởi gì? Đưa coi.
Hoàng đưa bao cát.
-Đá…   Đá…   hai cục.
-Phải…   đá.
-Thằng ông nội… Hết chuyện rồi hay sao…   gởi đá…   mà để làm gì? Không đem vô phòng ngủ, để trên đầu chiếc chiếu, tại sao lại gởi ở đây?
Hoàng đưa tay chỉ vào góc khuất của cái bếp:
-Tôi muốn…   anh cho tôi để chỗ này…
-Sợ gì khi…   nó chỉ là hai cục đá…
-Chẳng sợ gì…  đá mà…   nhưng…
-Nhưng làm sao?
-Họ thấy…   nghi ngờ…  rồi hỏi tới hỏi lui…   mệt lắm…
-Phải, có khi còn đập ra xem có giấu cái gì trong đó không nữa.
-Phải…   vì vậy…
-Thằng ông nội… mày nói cho tao biết tại sao mày muốn giữ hai cục đá này.
-Tôi…   tôi…
-ĐM…   tao ghét đứa ấp úng, không có gì khó nói trên cuộc đời này cả…   mày hiểu không?
Hoàng nghĩ, không nói, thằng bếp trưởng khó chấp thuận.
-Tôi chỉ muốn dùng nó để mài…
-Mài…   mài cái gì?
-Phải…   tôi sẽ làm một bộ dao lớn có nhỏ có…
-Chỉ với hai cục đá?
-Phải.
-Mày không nhớ nội quy cấm dùng dao, vật nhọn… sao?
-Tôi thuộc nằm lòng.
-Thuộc nằm lòng…  mà vẫn làm. Mà mày làm dao để làm gì…   mày định lụi ai chắc?
-Không lụi ai cả…
-Không lụi thì làm dao để làm gì?
Hoàng nói mau:
-Tặng vợ!
Bếp trưởng kinh ngạc:
-Tặng vợ?
-Tặng vợ… hiền.
Bếp trưởng ngửa mặt, đau khổ:
-Lại gặp… thi sĩ… nữa rồi…
-Ai thi sĩ?
Bếp trưởng như không nghe, tán thán:
-Sao tui cứ phải gặp bọn…   đi mây về gió…   khùng khùng…   điên điên… thế này mãi hở trời…
Rồi lẩm bẩm:
-Tặng vợ… mà còn… hiền… nữa, trời ạ.

Hoàng quê Bình Tuy, bếp trưởng La-Gi, cách nhau có một đoạn ngắn ngủn, lại cùng vào Thủ Đức K.24, nhận ra nhau rồi…   Thi Sĩ và Bếp Trưởng thân nhau như bạn, một bên ăn nói như…  thi sĩ, một bên bổ bã, văng tục, chửi thề… Hai người như hai thái cực lại “tâm đầu ý hiệp”.
Trại viên Khối 10 nói “tụi nó bê đê”.… Bếp trưởng sừng cồ, tức khí, văng tục. Thi sĩ chỉ cười không có ý kiến gì…   Balô của Mỹ, phần tiếp giáp với lưng người mang có hai mảnh kim loại bắt chéo thành hình chữ x, đó là hai mảnh thép nhẹ, cứng.
… .. …

…   Bếp trưởng ôm một bó củi, từ nơi tập trung chất đốt của khối 11, đi về hướng nhà bếp, ngoắc Thi Sĩ:
-Tao cho mày cái này.
Thi Sĩ hỏi:
-Cái gì thế?
-Nẹp balô.
Thi sĩ mừng ra mặt, vì đây là vật hai đứa tìm mãi.
-Ở đâu thế?
-Hai nẹp…  đủ chưa.?
-Đủ.
Bếp Trưởng chôn hai nẹp thép dưới nền bếp chỗ để lương thực khô nhưng không an tâm.
-Mày thấy…
-Rất kín.
Số gỗ mun Thi Sĩ góp nhặt từ những lần lên rừng, mãi tận vùng giáp ranh Định Quán, mang về cho toán trại viên Mộc, làm đồ gia dụng cho cán bộ, đã khá nhiều…   Bếp trưởng ngụy trang để chung trong đống củi nhà bếp, canh chừng rất nghiêm ngặt.
Theo kế hoạch, Bếp trưởng gói 3 củ khoai lang lùi tặng Khối Trưởng, và đề nghị:
-Cho tăng cường trại viên Hoàng vào biên chế nhà bếp, lý do “thằng này biết nấu ăn, lại siêng năng”.  Khối trưởng vừa nhai khoai lang lùi, vừa nói:
-Tao thấy nó…   ốm như ho lao… coi chừng lây cả đám thì bỏ mẹ.
Bếp trưởng chống chế:
-Nó mình dây…   khỏe dẻo dai… và nhất định không có tính ăn…   vụng.
-Hôm nào có món “cải thiện”…   thì đừng quên tao.
Bếp Trưởng nghe khối trưởng, dânTrâu Điên, nói thế là biết xong rồi.
-Nhất định rồi.
Từ hôm biên chế vào tổ nhà bếp, lại được bếp trưởng tiếp tay, Thi Sĩ bắt đầu vẽ Chúa trên một tờ giấy, xé ra từ vở tập viết của học sinh tiểu học, Chúa giăng tay chịu tội trên thập tự giá, tổng chiều cao 0,m8. Thân hình Chúa bị Thi Sĩ cắt chia, đánh số. Căn cứ theo số gỗ mun trải ra trên nền bếp đã chia làm ba nhóm, nhóm đầu, nhóm mình và nhóm tứ chi…   Sự cắt chia thân thể Chúa, bị tẩy xóa, làm lại nhiều lần…   Cuối cùng, Chúa bị chia ô, đánh số thứ tự từng ô, từ đầu xuống ngón cái bàn chân phải…   tất cả là số 15. Chúa bị chặt 15 khúc.
Thi Sĩ đêm đêm chui vào nhà bếp, chặt, cắt, gọt, đẽo… bằng bộ dao “tặng vợ hiền”. Thời gian dần trôi …
-Mày có nhiệm vụ…   chôn giấu những khúc…   đã xong.
-Tao biết rồi.
-Đây là hai chân của Chúa…   4 khúc…
Bếp trưởng nhận từ Thi Sĩ 4 đoạn gỗ Mun, đã được chà láng bóng, nước đen, pha vàng nổi lên óng ánh. Nó chẳng hiểu, và cũng chẳng hình dung được những đoạn gỗ thế này…
-Nhớ thật kín đáo…   đừng để…
-Tao hiểu rồi… việc của mày mày làm…   việc của tao tao làm…
Bếp trưởng bỏ 4 khúc gỗ vào một bao cát, vừa cười vừa nói:
-Yên chí đi, Thi Sĩ.  Và lách người ra khỏi bếp.
Lần lượt nhận, lần thứ hai, thân mình của Chúa 5 Khúc, lần thứ 3, hai cánh tay của Chúa 3 khúc. Bếp trưởng cũng bỏ vào bao cát, đem giấu.
Một hôm đang chèo cây sới cơm, đảo gạo trong chiếc chảo đại, nước sôi ùng ục, mồ hôi nhễ nhại, ngó quanh thấy chỉ có hai đứa:
-Còn mấy khúc nữa? Sao lâu vậy?
-Còn ba khúc…
-Có trở ngại gì? Thiếu gỗ à?
-Không…   không.
-Không thiếu thì tại sao lâu quá vậy?
-Tao…   tao…
Bếp trưởng nổi nóng, nhưng cố ghim tiếng rít trong cổ họng:
-ĐM, tao chúa ghét ấp úng. Có gì cứ nói mẹ nó ra.
-Phần đầu của Chúa…
-Thì sao?
-Phải…   phải…   chẻ làm 3 khúc!
-Ba khúc…  như chân tay chứ gì?
-Cắt mặt Chúa làm 3…
-Rồi sao?
Hai con mắt của Thi Sĩ bỗng có dòng nước chảy xuống má. Bếp trưởng nhìn thấy.
-Quỉ thần…   khóc hả?
-Không…   khói bếp, chảo cơm sôi…   làm tao chảy nước mắt…
Sự thật là khi cắt gọt đến ba khúc làm thành cái Đầu của Chúa, Thi Sĩ run tay, cho dù cắn chặt hàm răng…   cũng bật khóc…   Sự khổ đau Người đã chịu, nay lại phải chặt đầu Người làm ba khúc, “con lại xẻ nát mặt Người”…   Nó không đành, nó không cầm được nước mắt. Làm xong ba khúc đầu của Chúa, nó kiệt sức, giao cho bếp trưởng xong là ngã bệnh…   Số lượng chốt gắn 15 khúc lại để thành tượng Chúa bị đóng đinh trên thập tự giá, và cả cây thập tự giá làm bằng gỗ Dâu, Thi Sĩ chôn dưới đống củi.
-Mày…  mày…  tao nói thiệt…
-Thôi mà…   mày thương tao thì đừng nói gì nữa.
-Ăn chút cháo…   Thi Sĩ…
-Cảm ơn Bếp trưởng.
Ba ngày sau là Thi Sĩ khỏe lại, thời gian vẫn còn trống trải phía trước, một số ít lao động, một số nhiều thì chơi tự do. Chuyện chia Chúa làm 15 khúc vẫn trong vòng bí mật, chỉ có Thi Sĩ và Bếp Trưởng biết.
-Tao muốn biết Chúa bị mày đóng đinh…   trông như thế nào.
Thi Sĩ, đêm nằm cứ tưởng tượng, hình dung Chúa khi được ghép lại, và cũng nôn nóng không kém Bếp Trưởng.
-Chờ dịp…
-Chỉ sợ bọn ănten thôi…
Cuối cùng rồi dịp may đã đến. Cả khối tập trung xem văn nghệ, do đoàn Văn Công giải phóng trình diễn, Thi Sĩ giả bị trúng gió, Bếp Trưởng trực bếp, giữ kho…   Chờ đêm văn nghệ bắt đầu, tiếng vỗ tay rào rào từ xa…   hai đứa chui vô bếp… bắt đầu khâu ghép lại những khúc gỗ, thịt xương của Chúa… Hình tượng Chúa cao 0m8, bị đóng đinh trên thập tự giá hiện dần. Trong bóng lờ mờ, Chúa như đang khóc…   Thi Sĩ khóc…   Bếp Trưởng bỗng cũng khóc…   Lúc ấy “như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” tiếng ca từ xa vọng lại, ngân dài trong sương đêm.

Bếp Trưởng là người mau miệng, dù hứa “không nói với ai”, nhưng tin Chúa bị chia 15 khúc, được rỉ tai. Nhiều lần một hai trại viên đến, đề nghị cho xem “tớ là công giáo…   nghe Chúa khóc…  ” và Hoàng không thể chối từ, một, hai, ba… lần cho xem… rồi liều mạng “chơi luôn” như đề nghị của Bếp Trưởng. Thậm chí, Chúa được gắn vào vách bếp cho ai muốn chiêm ngưỡng Chúa thì cứ đến. Cán bộ Trung Đoàn xuống, một, hai, ba…   và nhiều hơn nữa, họ nhìn yên lặng…   rồi ra về. “Đó là tự do của các anh”, có cán bộ còn nói như vậy. Hoàng bớt sợ, Bếp Trưởng cười toe toét, xem đó như một chiến công của mình. Một hôm cán bộ Trung Đoàn A chi viện, nói giọng Hà Nội, đứng nhìn sững Chúa một lúc khá lâu, rồi nói:
-Tôi chưa thấy tượng Chúa nào…  ”sống” như tượng này.
Hoàng hỏi:
-Cán bộ nói “sống” là thế nào?
-Là như thật…   Máu của Chúa đang chảy… cũng như thật…   nhưng…
-Thưa?
-Anh phải hủy Chúa đi, đừng để quá trễ.
Nói xong A, chi viện bước ra khỏi bếp, đi nhanh về phía Trung Đoàn, đó là người có thân hình ốm, xanh xao…   Hoàng có gặp vài lần… Đôi mắt của cán bộ A chi viện ráo hoảnh, nhưng giọng nói thì đầy cảm xúc…   Dư luận nói Bếp Trưởng đã đem những khúc xương thịt của Chúa nộp cho Trung Đoàn như một hành động hối cải, biết việc mình làm đã sai. Cũng có nguồn tin là cán bộ Trung Đoàn xuống tận nơi thờ Chúa, trong cái bếp có đến 3 cái chảo đại, đầy bồ hóng … để tịch thu. Chưa biết sự thật là thế nào, nhưng có điều chắc chắn là những đoạn gỗ, xương thịt Chúa, được ném vào đống củi của bếp ăn Trung Đoàn.
………..

Phần 14
_________________
Buổi chiều ngày cuối cùng được nghỉ, trại viên đi lêu nghêu ngoài sân, những khoảng trống trước đây cỏ tranh đã được dọn sạch để làm chỗ tập họp, sinh hoạt về đêm. Nội dung những buổi sinh hoạt như vậy thường là “tổng kết” những công việc đã làm trong ngày, ưu khuyết điểm, công việc của ngày hôm sau. Có lúc xử kiện, những mâu thuẫn phát sinh giữa trại viên, có khi dẫn đến động tay động chân. Cuối buổi sinh hoạt bao giờ cũng là phần tập hát, những bài hát “cách mạng” từ: Như Có Bác Hồ, Cô Gái Vót Chông, Tiếng Chày Trên Sóc Bambo, Cô Gái Lam Hồng, Kéo Pháo Qua Đèo… Những bài hát có nhịp “đuổi gà” cộng với tiếng vỗ của nhiều bàn tay, vang vang trong đêm. 21 g thì tan hàng, ai về phòng nấy, đêm lại trôi qua trong trằn trọc, lo lắng, nhớ nhung.
Hạt Mè xuất hiện.
-Kỳ Khu…   Kỳ Khu…
-Sao? Rộng họng quá vậy?
-Ông thuộc loại…  lãng tai, không hét lớn làm sao ông nghe.
Hắn thấy Hạt Mè nói cũng đúng. Có lúc, quả thật…  không nghe gì…
-Việc gì nữa đây?  Chim của ông…
-Chim chóc gì. Đi với tớ.
-Đi đâu?
-Tới chỗ này, hay lắm.
Hạt Mè kéo tay Hắn, lôi đi. ”Chỗ này” là phòng của tổ 3 khối 10.
-Hoàng…   Hoàng ơi!
Hoàng trả lời từ cuối sân.
-Tôi đây.
-Đây là Kỳ Khu, tớ đã nói với cậu.
-Biết rồi.
Hoàng dẫn hai đứa vào bếp, trên ba cái chảo đại có nhiều cây lồ ồ bắt ngang làm dàn, ở đó treo lỉnh kỉnh đủ thứ, bắp khô, cá khô…   Hoàng đưa tay đỡ bao cát đang treo lủng lẳng ở góc trái.
-Mình không nỡ … nên giữ lại.
Đó là 3 khúc gỗ mun rời, được chà đen bóng, chỉ một thoáng Hoàng đã gắn ba khúc gỗ thành đầu của Chúa. Hắn nhìn sững, có một dòng điện chạy rần rần trong khắp thân thể, rồi xương sống tê cóng, chân rủn…  Hắn ôm cánh tay Hạt Mè để khỏi ngã…   Hắn vừa thấy có dòng máu chảy ra từ đôi mắt của Chúa.
Trên đường về.
-Lần đầu tiên, tôi cũng như ông… Thật kỳ lạ.
Hắn run giọng:
-Rõ ràng…   Chúa khóc, nhưng nước mắt màu đỏ…   như máu.
-Nhiều đứa cũng thấy như vậy…   chứ không phải mình ông…
Ngày xưa, Chúa chịu tội, bị đóng đinh trên thập tự giá là để chết thay chúng sinh, Chúa chết cho chúng sinh được sống. Ngày nay, ở thời đại văn minh, người ta yêu cầu sự đền tội cao cấp hơn, không có chuyện một người chết thay cho mọi người. Kẻ có tội sẽ bị trừng phạt đích đáng và đích danh.
-Tớ về. Kỳ Khu…   quên hết mọi chuyện đi.
Hắn gật đầu, bước liêu xiêu về phòng 2, khối 13, nằm vật xuống chiếc chiếu số 13 đã ngã màu vàng, lòng thấy quặn thắt, miệng lẩm bẩm… không ai nghe rõ điều gì.

-Anh, anh đem những khúc tre ấy về làm gì vậy?
-Mình làm cờ đỏ sao vàng… bán.
-Bán cờ?
Hắn cười.
-Bán cờ chứ đâu có bán nước mà em sợ.
Từ ngày thành phố giải phóng, cứ cách vài hôm là xe thông tin chạy khắp hang cùng ngõ hẻm, alo alo…   nghe đây… nghe đây… toàn dân phải có mặt đông đủ ở Sân Vận Động Mỹ Đức vào lúc…    thường là 6 giờ sáng.
-Anh thấy người ta phải tập trung sớm nên không kịp làm cờ, mà người nào cũng phải có lá cờ trên tay để…   phất qua, phất lại, hay đưa lên cao vẫy vẫy…   và ai cũng …
-Cũng làm sao?
-Sợ đi tay không, không có cờ để vẫy vẫy…   sẽ bị đưa ra tập thể…
-Và ghi sổ đen…
Và Hắn tập trung nhân lực: vợ, đứa con gái 6 tuổi tên Ca Dao, lao vào sản xuất cờ. Hắn cưa tre thành từng đoạn dài 2 gang tay, chẻ…   Vợ mua giấy vàng, giấy đỏ: cắt. Ca Dao phụ bôi keo lên ngôi sao màu vàng… Những là cờ đỏ sao vàng thành hình…   Trời chưa sáng tỏ, sương đêm vẫn còn rơi, vợ chồng Hắn đã đứng ở đầu Quang Trung, chỗ ngã ba giáp Trưng Nữ Vương. Sẽ có từng đoàn người qua đây…   và vợ chồng Hắn tay trái cầm một bó cờ, tay phải cầm lá cờ “mẫu” phất qua, phất lại…
-Thầy…   thầy cô…   bán cờ…
-Em một lá…   Em hai lá… Tôi mua…   Thầy cô…   Em…
Một thoáng, gần 100 cây cờ bán sạch…
-Lần sau, thầy cô làm nhiều hơn…   mới đủ.
Hàng được tiêu thụ như dự định, thu nhập nhiều hơn mong ước. Vợ Hắn cười:
-Anh làm em…   lại bất ngờ.
-Lại bất ngờ?
-Dạy toán, cái môn khô như gió cát Phan Rang, mà làm thơ tình ướt như mưa dầm…   Bây giờ lại…   lại…
-Lại làm sao?
-Dân…   dân buôn…
Vợ chồng Hắn vui, ngày mai các con được bữa cơm đầy. Một điều cả hai cùng thấy, dân đi dự mít-tinh chưa kịp ăn sáng, một gói xôi là thứ họ cần, sau cây cờ. Những lần sau, vợ chồng Hắn bán thêm một rỗ xôi trắng, có lúc đổi món, xôi đậu.
Thầy cô bán cờ, bây giờ thêm “thầy cô bán xôi…  ”. Hắn vẫn có những quan điểm về nhiều vấn đề trong cuộc đời rất thoáng, không cứng nhắc, nhưng khi nghe “thầy cô bán cờ…  ” tự dưng Hắn ngượng. Ngày trước giải phóng, người ta nói như đinh đóng cột rằng: thầy là khuôn vàng thước ngọc cho học sinh noi theo,  đến nỗi khi đi, bước chân cũng không được tùy tiện thay đổi dài, ngắn. Hắn vẫn nghĩ, và rất tâm đắc với ý nghĩ rằng: Thầy không phải chỉ dạy môn học mà mình phụ trách mà còn phải dạy làm người.
Một vợ 4 con, trước đây vợ có lương vợ, con có lương con, nhưng góp chung lại cũng chỉ đủ sống, không nhà giáo nào, chỉ bằng nghề của mình mà có của ăn của để cả, nhất là những người như Hắn tứ-cố-vô-thân. Sau 16/4 không có cái gọi là lương như vừa nói nữa, phải bươn chải nuôi con, đó là cảnh chung của nhà giáo, cho dù là giáo sư cấp 3.
Hắn cũng bâng khuâng, không biết nhà giáo trong thời Xã Hội Chủ Nghĩa là như thế nào [?]
Không thể nuôi sống gia đình bằng cờ -cho dù là cờ đỏ sao vàng- và xôi mãi được, vợ chồng Hắn đã bắt đầu “nhịn” để cho các con. Một hôm, từ Duy Tân về, Hắn thấy vợ rầu rầu.
-Anh này…
Nhận ly nước từ tay vợ:
-Em nói đi.
-Em sẽ bán chuối nướng.
Hắn ngạc nhiên:
-Chuối nướng?
-Hồi ở NhaTrang, em thấy bà cô…   nướng chuối.
-Và bây giờ em bắt chước chứ gì?
-Phải, em… em…  nướng được.
Và vợ Hắn đi ra chợ Xóm Gò na về một giỏ lát, trong giỏ có hai nãi chuối, chín rục, đã ngã từ màu vàng sang màu đen xám. Vợ Hắn vừa thở vừa nói:
-Phải là chuối sứ, chín rục, nướng mới ngon.
Ca Dao, đứa con cả vừa mới 6 tuổi, đã phải thay mẹ giữ ba đứa em, lại còn dạy em đủ thứ trò. Những lúc em ngủ, hay ham chơi một trò gì đó, thì a vào giúp mẹ việc này, việc khác, ngoan và khôn trước tuổi, trong xóm ai cũng nhận xét như vậy về Ca Dao.
Hôm sau là Chủ Nhật, dân có đạo Công Giáo vẫn đi Lễ nhà thờ vào buổi sáng cả buổi chiều, nhưng lưa thưa, không đông vui như trước. Tiếng chuông cũng vang xa, rồi buồn.  Đó vẫn là nơi bán được chuối nướng.
-Em sẽ bán trước Nhà Thờ…   thế nào cũng…
Hắn động viên:
-Hết hàng.
Ca dao muốn xin ăn, nhưng không dám nói, nên cứ lẩn quẩn bên mẹ.
-Coi em…  ở đâu…  con?
-Tụi nó đang chơi trước nhà Bà Ba.
Nguyễn từ ngoài đi vô, đứa con trai duy nhất, tóc đen phủ kín ót, “sau này chắc đẹp trai như ba” ai thấy Nguyễn cũng nói như vậy…   Nguyễn vừa mếu vừa mét:
-Anh Thư đánh con…
Anh Thư là đứa con thứ ba, được sinh đúng vào đêm Noel, tính ít nói, lầm lì, ai làm trái ý là nhào tới thoi ngay, không thì hét rất to. Anh Thư “ăn hiếp” anh trai và đứa em út, còn với chị Ca Dao thì “xếp re” nghe lời răm rắp. Buổi trưa không chịu ngủ như anh chị, mặc độc cái quần sịp, đi xin ăn khắp xóm, nhà nào cho cái gì đó để ăn mới chịu đi, còn không, cứ đứng quào cửa…   Hương là con gái út, mới biết bò.
Chủ Nhật, Hắn lên trường, cùng với một nhóm học sinh. Cán bộ N nói:
-Bọn phản động đã viết bậy bạ, các anh bên Văn Hóa bận hội nghị, đề nghị mình xóa rồi viết lại.
-Viết câu gì?
-“Đế quốc Mỹ là tên sen đầm quốc tế”.
Ba xe đạp, bốn thầy trò nhắm hướng Đạo Long thẳng tiến. Trên mảng vách, ai đó viết “Đả đảo CS bán nước cho Nga, Tàu” màu vàng chủ đạo. Lâu nay vẫn vậy, phông vàng chữ đỏ…   Hắn nói với On, học trò trưởng nhóm, nổi tiếng có hoa tay, viết chữ đẹp.
-Phải “dập” ba lớp, nếu không, khi sơn khô, chữ xóa sẽ hiện ra.
-Con biết rồi, kinh nghiệm lần trước, con tởn tới già.
Thầy và trò cùng chung tay, thoáng chốc mảng tường được phủ một màu vàng sáng chói.
-Về thôi…
-Về hả thầy?
-Chờ khô…   Chiều mình trở lại…   viết “Đế quốc Mỹ…”
On chở thầy về, từ cầu Đạo Long đạp theo đường Thống Nhất, qua rạp Thanh Bình, Chợ PR, nhà in Nghệ Thường, Quảng Thuận…   và lúc qua nhà thờ, Hắn thấy Vân -vợ Hắn- đang ngồi bên cổng với rỗ chuối nướng.
Về đến nhà, Hắn thấy Ca Dao đang ôm 3 đứa em, nhìn mong ra cửa, chờ cha mẹ…   Hắn không dừng lại, mà đi thẳng ra sau nhà, Hắn khóc.

Hắn bỗng trở mình la ú ớ, bây giờ Hắn mới thật sự chìm vào cơn mê, Hắn thấy vợ và 4 đứa con của Hắn đang trôi trên dòng sông, nước chảy siết. Cánh tay của Vân cố xé nước đưa lên, cầu cứu, còn Hắn thì bị trói chặt vào cây cột tử hình ngoài pháp trường. Hắn quặn người ói một bụm máu không còn là màu đỏ, mà là đen như mực tàu…
V đập vào trán và lay Hắn tỉnh dậy:
-Anh hét làm em sợ quá…
Hắn vẫn còn run:
-Anh hét?
-Anh hét to quá trời làm ai cũng giật mình…
-Em cho anh xin ca nước.
V đi xuống bếp, đem lên ca nước, Hắn uống một hơi dài, người thấy tỉnh lại.
-Cảm ơn em.
Hắn nhìn ra ngoài. Qua khung cửa, Hắn thấy chiều đã xuống, và nghe tiếng còi tàu vang trong sương. Tiếng còi của tự do, chừng nào Hắn mới được khởi hành?

……….
Phần 15
_______________
Tuần lễ bắt đầu học bài thứ nhất, tội ác của đế quốc Mỹ, trôi qua trong sự nôn nóng của tất cả trại viên, vì cuối tuần, Chủ Nhật là ngày Thăm Nuôi đầu tiên. Đêm thứ 7 không ngủ được, sau khi sinh hoạt khối, tất cả đều vui, nói cười nhiều hơn thường lệ. Hắn hỏi N:
-Chị có vô thăm không anh?
-Có…   hình như có cả vợ T nữa.
Anh N, dạy toán, trong hội Tennis PR, anh thuộc lớp trên, chơi hay, kinh nghiệm, nhất là tính trầm tĩnh, về kỹ thuật anh ngang với anh D, bs và anh P, quản lý sân…   Hắn chơi amateur không hay, nhưng dáng đánh khá đẹp…   Anh N có quen biết một cán bộ trên Trung Đoàn nên tin tức bên ngoài, tình hình gia đình vợ con được cung cấp thường xuyên.
Vợ chồng Hắn và anh chị N quen theo tinh thần đồng nghiệp nhưng khá thân tình. Anh N là người tốt, dễ gần.
Nếu Vân vô thăm, các con ở nhà ai coi? Hắn vừa muốn gặp Vân, vừa không, vì cứ nghĩ 4 đứa nhỏ một mình ở nhà là Hắn lo.
-Anh có các cháu đã lớn, còn em, các con còn nhỏ quá.
-Thì Thiếm ấy gởi ai đó, một ngày thôi mà…
Anh nói tiếp:
-Nghe nói Thiếm ấy giỏi lắm.
-Lúc em cưới, Vân còn đi học, có biết gì đâu.
-Đời dạy, T. ạ, chứ thời cha sanh mẹ đẻ, vợ anh có biết buôn bán gì đâu mà bây giờ thì…
-Thì sao anh?
-Kiếm sống được.
Hắn ngậm ngùi:
-Vân…   bán chuối nướng ở cổng Nhà Thờ.
Anh N thở dài:
-Tội nghiệp, con gái cưng của một nhà thầu nổi tiếng.
Ba của Vân, trước khi trở thành Nhà-Thầu-Khoán nổi tiếng như anh N vừa nói, là giáo viên trường Kim Yến. Ông là thầy của anh N, anh Tr chồng cô S, dạy tiếng Anh ở Duy Tân, thầy của bs D…  Ông là người đa năng, là trung phong cắm trong đội “đá banh” Nha Trang, cũng là võ sĩ Boxer, đua xe đạp… Đặc biệt, ông còn chơi vĩ cầm cực hay. Ông là người “đào hoa” nhất nhì Nha Thành.
Nhiều người biết Hắn là rể của thầy mình, họ nói với Hắn “chấp sống thêm ba đời, cho dù đẹp trai như ông, cũng không bằng cha vợ nổi đâu”. Hắn về nhà hỏi vợ:
– Hồi xưa, ba nhiều “bồ” lắm phải không em?
– Ai nói?
– Học trò cũ của ba…
– Hơi đâu mà nghe họ nói…
Hắn ngập ngừng:
– Họ nói… nói…
– Nói gì mà anh ấp úng mãi vậy?
– Chấp anh sống thêm ba đời cũng không bằng ba!
– Mấy ổng quỉ đó… phóng đại, nghe làm chi.
Anh N tiếp:
-Hồi học ở Nha Trang, anh, anh Th, anh D…   sống trong nhà thầy, lúc đó Vân, vợ T, bé teo, đen nhẽm, ai cho gì cũng ăn, cười suốt ngày…   Thật tội nghiệp Thiếm ấy…
-Dạ thôi anh, hoàn cảnh chung mà.
Đêm thứ bảy trôi qua như lâu hơn, đêm dài hơn, tiếng côn trùng nỉ non trong sương, cùng nỗi mong chờ. Đêm nay, 130 trại viên khối 13 của Hắn, và hàng trăm, hàng trăm trại viên của 12 khối còn lại, đang thao thức. Đêm tối như sáng lên từ hàng ngàn đôi mắt, hàng ngàn trăn trở, mỗi người một hoàn cảnh, một tâm sự. Ngày mai có người gặp lại người thân, có người vui sum hợp dù cho phút giây, có người vẫn mở to đôi mắt hoài mong, chờ đợi trong cô đơn…
Buổi sáng như thức dậy sớm hơn mọi ngày, tiếng bước chân, tiếng gàu múc nước khua, tiếng cười nói… Mọi tiếng động như có mang theo niềm hy vọng.
V, người bác sĩ Bóp Lễ đại tài của khối 13, cùng Hắn đứng trong khu “Đánh Răng Buổi Sáng”.
-Hôm nay Chị có vô không anh?
-Anh cũng không biết nữa.
V như tiếp thêm hy vọng cho Hắn
-Chắc có thôi. PR gần đây mà.
-Bốn đứa nhỏ…   nhỏ quá, mà anh thì tứ cố vô thân.
-Anh cứ tin đi…  em chắc…
-Anh cũng mong như vậy, gặp chị để biết tình hình gia đình, mấy đứa nhỏ.
-Anh nói em kính lời thăm chị nhé.
-Cảm ơn em. Còn em…   có hy vọng…
V cướp lời, như không muốn nhắc đến những người thân.
-Quê em tận Quảng Trị nên chắc không ai vào đến đây thăm em đâu, và chưa chắc họ biết em ở đây.
Khi quay qua, định nói lời an ủi, thì V không còn ở đó.
Hắn về phòng, xem lại tờ giấy đã ghi sẵn những điều phải hỏi Vân, về tình hình gia đình ngoài đó, và những điều dặn dò trong cuộc sống không có Hắn. Hắn mặc bộ đồ hồi trước thường mặc, bỏ mảnh giấy vào túi áo, một chút hồi hộp và … chờ.
Hôm thứ sáu, tức trước hôm nay hai ngày: “Các anh tiếp thân nhân ở ‘Giảng Đường’ chắc chắn còn thiếu, vì vậy, khối nào còn phòng trống, có thể thu dọn tiếp thân nhân của khối mình tại đó”. Khối 13 có hai phòng như vậy.
Từ sáng sớm, danh sách thân nhân đăng ký thăm nuôi của khối 13 được anh khối Phó lên Trung Đoàn lấy mang về dán ở Bảng thông báo. Trong danh sách có tên Vân và con trai Nguyễn. Hắn cười, nụ cười sau bao lâu mới nở gượng gạo trên môi Hắn, không biết, nhưng bây giờ, rõ ràng lòng Hắn thấy vui…
Cửa vào trại, ở phía Bắc được mở cả hai cánh, có nhiều cán bộ và trại viên đại diện các khối túc trực ở đó. Thân nhân đọc tên mình, tên người thăm nuôi ở tổ…  , khối…. Cán bộ xem nếu có tên trong danh sách, thì alo alo…   trại viên tổ…   khối… có thân nhân…   Người đại diện khối sẽ đưa thân nhân này đến nơi đã định trước.
Đến nửa buổi sáng:
-Alo alo…   trại viên T…   trại viên N…   trại viên H…   có người thăm nuôi.
Ba anh em đều thuộc thành phần Duy-Tân-biệt-phái nhìn nhau, ai cũng vui, bước nhanh.
Phòng tiếp là nhà kho được thu dọn lại, không bàn ghế, mọi người ngồi bẹp xuống đất.
Vân ốm và đen hơn trước rất nhiều, nhưng Nguyễn thì vẫn mập, khỏe, mái tóc dài -giống ba- vẫn đen mượt.
-Các con ở nhà khỏe cả phải không em?
-Dạ khỏe, duy chỉ Ca Dao là…
Hắn nóng ruột:
-Là sao em?
Vân ngập ngừng:
-Té…   gãy tay trái.
Và nói nhanh:
-Em đưa lên Tân Phước, ông thầy bó lại…   Giờ thì êm rồi…
Hắn lo lắng:
-Sao em không đưa con vào Bệnh Viện?
-Bệnh viện bây giờ đầy thương binh, ưu tiên cho bộ đội cụ Hồ… Em sợ họ bỏ con…   nặng thêm.
Rồi buồn buồn:
-Chuyện như vậy, đành chịu thôi anh à.
-Em sống…
-Anh khỏi lo. Rỗ chuối nướng trước cổng nhà thờ ngày Chủ Nhật, những lá cờ Đỏ Sao Vàng bằng giấy, những bảng khẩu hiệu “”Không có gì quí hơn độc lập tự do”, “Đảng cộng sản việt nam quang vinh muôn năm”, “Đả đảo đế quốc Mỹ”…. Em và con sống được nhờ những thứ này.
-Ai viết?
-Em mua dụng cụ ở chợ trời: tôn cũ, cọ, màu…. Những em học trò của anh như On, Đức, Thọ… đến, chúng cắt và viết… Em đem ra đường ngồi bán. Anh biết là nhà nhà cần treo khẩu hiệu, người người cần cờ để phất, khi đến chỗ tập trung để cách mạng phổ biến thông báo chính sách hay vạch trần tội ác Mỹ Ngụy, ngay cả đi học chính sách XHCN cũng phải có cây cờ, để phất qua phất lại. Chưa đi học tập, anh dạy em bán cờ Đỏ-Sao-Vàng, bán xôi… nay thêm bán khẩu hiệu, toàn là những thứ mà tất cả người dân vừa được thoát ách nô lệ Mỹ ngụy cần, rất cần.
Vân nói một thôi dài, như để dìm mất nỗi lo nơi lòng người chồng, mà trước đây, Vân đánh giá là người “ưa lo” chuyện không đáng lo.
Vân nhìn Hắn cười và nhỏ giọng:
-Em còn bán cả cụ… Hồ nữa.
-Trời đất…
-Em nói thiệt mà… Em bán rẻ rề hà.
Hắn hoảng hốt:
-Chết anh…
-Cứ… 5 đồng một cụ Hồ… đắt như tôm tươi…
Giọng giễu cợt:
-Có khi 3 đồng…   cũng bán luôn.
-Thôi…   chết anh Vân ơi.
-Có gì mà chết… Em đem hình cụ Hồ làm khuôn, lộng kính… và bán. Nhà nào không lập bàn thờ cụ Hồ, khói hương nghi ngút, thì cũng có cái hình treo lên vách ở chỗ trang nghiêm nhất, hơn cả tổ tiên ông bà… Em giúp họ thực thi chính sách đó thôi.
-Anh biết nhưng … nhưng…
Vân như chìm trong suy tưởng.
-Em không đem ra bán ngoài đường.
-Phải…
-Vì như vậy là bị còng đầu.
-Phải.
-Người ta đến nhà “bán cho tôi một cụ Hồ”, em mới thực hiện dịch vụ, anh khỏi lo.
Hắn chưa thấy Vân -vợ Hắn- điên như vậy bao giờ cả.
Vân cũng báo cáo là Nguyễn bắt đầu đi học, cu cậu –nhát như ba- khi bị mẹ bỏ lại cho cô giáo, khóc quá trời, Thư vẫn ù ịch, vẫn xin ăn khắp xóm, Hương khỏe, nhưng đen hơn trước, “chắc sau này da nó màu chùm quân” anh hỉ.
-Vân này…
-Dạ.
-Em nói đúng, anh đã chủ quan…
-Anh là người cả tin và nhẹ dạ nữa.
Như không nghe lời vợ nói:
-Em về…   thu xếp vô PT,  lên xã Hàm Liêm gặp Việt, lo giấy tờ của ba giùm anh.
Ngừng một chút Hắn tiếp:
-Tình hình này, anh không biết phải học tập bao lâu. Anh cần về. Bỏ em và con một mình anh lo quá.
-Em hiểu rồi. Em tranh thủ đi sớm, anh đừng lo.
Khoảng xế chiều thì:
-Alo alo…   hết giờ thăm nuôi… đề nghị thân nhân trại viên rời khỏi trại.
Hắn hôn Nguyễn, và nói với vợ:
-Em nhớ lời anh dặn nhe.
-Dạ, em nhớ.
Vân, vợ anh N đều nắm lấy tay người ở lại, bịn rịn rời khỏi A.38.


……..
(còn tiếp)

Chu Trầm Nguyên Minh