1
Thuở bé, mỗi chủ nhật, anh em tôi thường được bố mẹ chở đi chơi. Chỗ thường ghé
nhất là quán kem Givral ở góc đường Tự Do và Lê Lợi. Chúng tôi được chọn món
kem hay bánh ngọt mình thích, dù đó là phần mình ăn không hết. Mẹ tôi tiếc của,
bảo lựa món nào hai đứa cùng ăn chung được. Thế là anh em cãi nhau loạn xị. Bố
tôi chặc lưỡi “ Kệ ! Cứ để tụi nó lựa riêng đi” Mẹ tôi thở dài nhưng khỏi
nói cũng biết là anh em tôi sướng đến phát rồ. Chủ nhật mà ! Nhiều khi chúng
tôi còn được bố cho mấy đồng cắc để bỏ vào cái máy trong tiệm cho nó phát ra nhạc
nữa. Ăn chán, các cụ dẫn chúng tôi qua công viên bên kia đường chơi , nơi có tượng
một người lính mặt mũi đen sì, đầu đội nón sắt, tay cầm súng, dáng như đang tiến
công. Hồi đó tôi sợ bức tượng này vì gương mặt rằn ri của người lính và vì nó
to quá khổ so với đứa bé năm sáu tuổi như tôi. Bức tượng làm tôi nghĩ đến ông
khổng lồ chuyên đi bắt con nít về ăn thịt trong truyện Cậu Bé Tí Hon.
Có khi chúng tôi được đi xem phim chưởng hay phim trẻ con nữa. Đến giờ tóc đã đổi
màu, tôi vẫn còn nhớ cảnh Bạch Tuyết nằm chết trong hòm kính trong suốt rắc đầy
hoa, xung quanh là Bảy chú lùn khóc tỉ tê hay chiếc áo đầm rực rỡ màu vàng Mặt
Trời, lấp lánh màu trắng Mặt Trăng và lung linh màu xanh Biển của Công Chúa Da
Lừa... Tôi mơ được gặp các diễn viên đó ngoài đời và mơ mình sẽ có những bộ váy
đắt tiền ấy. Tối nằm ôm gối, tôi còn ước được nắm tay các chàng Hoàng Tử khôi
ngô tuấn tú trong phim, rồi nhắm tít mắt lại cười rúc rích.
Saigon khi ấy, trước khi vào phim chính, người ta hay chiếu phim thời sự. Vài lần
tôi nhìn thấy Bố mình trên màn ảnh trong khúc phim này. Số là ông được lãnh Giải
Nhất Văn Học Nghệ thuật Toàn quốc của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa nên người ta
làm phóng sự. Tôi nhớ Bố tôi mặc complet đen, tóc bôi keo bóng loáng, chải ngược
ra sau khoe vầng trán rộng, mắt kiếng gọng sáng, lên bắt tay Tổng Thống. Mấy
anh em lao xao “ Bố kìa ! Bố kìa !” cốt để khoe với người chung quanh nhưng rạp
đã tắt đèn, chả ai thèm quay nhìn lũ con nít.
2
Tác phẩm ông đoạt giải, “Áo Mơ Phai”, miêu tả chi tiết về quang cảnh Hà Nội.
Chi tiết đến từng góc phố, từng con đường, từng mùi hương... Hà Nội qua ngòi
bút của ông đẹp như tranh thế mà Cộng Sản lại bỏ tù ông vì tác phẩm này. Giải
thưởng từ tay Tổng thống có nghĩa là bố tôi nợ máu với Việt cộng nhiều hơn ai hết
thảy. Lẽ ra họ nên cám ơn bố tôi đã viết về cái đẹp ở Hà Nội, trong cả một cuốn
sách, hàng trăm trang giấy mà ngay chính họ đã từng ở đến bao nhiêu đời vẫn
không ra được cuốn nào. Họ gọi ông là nhà văn phản động. Họ thù hằn ông chưa đủ,
họ thù luôn cả con cái ông.
Bà hiệu trưởng trường tôi, Hồ Thị Bảnh, đôi mắt trợn lộ nhiều tròng trắng, môi
đen xì và làn da tai tái, làm tôi, dù bé con, đã liên tưởng đến câu ngạn ngữ “Mắt
trắng dã. Môi thâm sì. Da thiết bì.”. Bà búi tóc củ tỏi, bọc trong miếng voan
đen có kẹp tăm chặn sau gáy. Tạng bà thấp, chân vòng kiềng làm dáng đi có vẻ khập
khiễng. Bà luôn mặc quần đen, loại vải khi đi đứng sẽ cọ vào nhau nghe sột soạt
và mấy cái áo Bà Ba màu lạnh, có hai túi trước bụng. Giờ ra chơi hay trước giờ
vào lớp, bà thường ngồi chồm hổm trước văn phòng, hai chân dạng rộng, một cánh
tay thả lỏng trên một đầu gối, tay kia chống cằm, cùi chỏ đặt trên gối bên kia,
lia mắt vào đám học trò. Trông bà ngồ ngộ so với các giáo viên khác vì họ luôn
mặc đồ Tây, có cô giáo còn mặc áo dài đi dạy vào thứ hai đầu tuần, dù phải đạp
xe hơn chục cây số. Bà nói với học trò và phụ huynh trong trường rằng chị em
tôi thuộc “Thành phần gia đình phản động, không nên quen biết.” Bà còn cài cắm
ăng ten trong lớp để rình mò tôi.
Thời đó, đầu năm, trường bán rẻ hay phát cho học trò loại tập vở đen sì. Tập
năm trước còn mấy trang chưa viết, tôi xé ra , đóng lại thành cuốn tập mới. Nếu
có một quyển tập trắng, tôi kẻ thêm hai ba dòng ngoài lề để viết cho đỡ hao giấy
và thường dành nó cho môn học hay thầy cô nào mình thích nhất. Khi biết bà Hồ
Thị Bảnh dạy môn Chính Trị lớp mình, tôi nói bâng quơ với chúng bạn “Tui sẽ
dùng cuốn tập đen nhất, xấu nhất để học môn bả.” Vài ngày sau, trong giờ chào cờ,
bà nói trước cả trường “ Có em nói không thích học giờ chính trị của tôi, sẽ
dùng cuốn tập xấu nhất để viết bài” Tôi run như cầy sấy. Lời bà nói làm tôi giống
như kẻ phản động – dám ghét môn chính trị - Tôi sợ bị đuổi học, bạn bè sẽ nghĩ
tôi hư đốn, học dở hay phá phách. Tôi sợ bị làm nhục trước cả trường.Cũng may
thầy cô giáo bộ môn thường dành cho tôi một mối quan tâm đặc biệt, không rõ vì
thấy tôi chăm chỉ hay vì tôi là con của một nhà văn- bị cho là phản động.
Tôi thích đi học và tôi cũng sợ đi học. Trẻ con nào có thể chống đỡ với những
đòn thù như thế?
3
Phần thưởng văn học của ông có một tấm huy chương hình tròn, mạ vàng ông để lăn
lóc trong hộc tủ bàn làm việc. Theo thời gian, lớp mạ vàng tróc hết chỉ còn lộ
màu đồng đen xỉn. Có lần bố tôi cầm nó lên bảo “ May mà nó bằng đồng nên còn.
Nó bằng vàng thật thì mình đã ăn hết từ lâu.” Ý ông là đã bán nó đi kiếm tiền
mua thức ăn vào cái thời gạo châu củi quế.
Một lần công an thành phố, quận, xã, đổ mấy xe hơi lính lác đến khám nhà. Chắc
họ muốn tìm những bài hát do ông sáng tác để bỏ tù ông. Thời điểm ấy, bài “ Nước
mắt cho Sài Gòn” - Sài Gòn ơi ! Ta mất người như người đã mất tên....- đã được
phổ biến trên đài VOA và BBC dưới tựa đề “Sài Gòn niềm nhớ không tên” - Bài hát
được đưa ra nước ngoài, do một người quen biết, ông cụ tập cho hát và bảo anh nhớ
nằm lòng vài ngày trước khi anh đi vượt biên. Lời ca, anh nhớ chữ được chữ mất.
Nhạc, nhiều chỗ không đúng. Còn cái tựa, anh quên mất tiêu nên nó được biết đến
với một cái tên khác. Mấy bài mới, ông viết ra giấy. Khi nào thuộc thì đốt đi.
Không rõ lần đó họ có lục được bài nhạc nào của ông không nhưng họ có chở đi
nhiều thùng sách vở, giấy tờ.
Vào thời điểm này, Hội Văn Bút Quốc Tế thỉnh thoảng có gửi mấy thùng thuốc tây
cho nhà tôi và một số văn nghệ sĩ khác để cứu đói. Khi ra bưu điện lãnh hàng, mẹ
tôi và các bác thường chào hỏi nhau. Đã không còn đường sống, có người cho mình
cái ăn, Việt Cộng cũng không bằng lòng. Họ lùng sục xem bố tôi làm gì? Quen biết
ai ? Mấy tấm hình khách khứa đến chơi nhà bị họ lấy hết. Họ bơi móc từng cuốn
sách , từng khe giường. Hộc tủ riêng của tôi để mấy cuốn nhật ký, viết lăng
nhăng tình cảm thuở mới lớn mà tôi rất sợ người nhà đọc được, họ cũng chọc mắt
vào, trước mặt tôi. Tôi vừa xấu hổ vừa tức giận khi cái góc riêng tư nhất của
mình bị xâm phạm, vừa hãi hùng nhìn cảnh nhà “Ào ào như sôi”. Họ lấy mất tấm
huy chương của ông trong lần khám nhà đó. Cụ tôi vốn đã gầy còm, nhìn ông lọt
thỏm trong đám công an, an ninh với súng ống, biên bản, tra khảo mà thương.
Chúng không bắt ông nhưng các bác nhà văn bạn ông bị bắt rất nhiều trong cái
ngày định mệnh ấy. Người lạ tránh xa gia đình tôi vì sợ liên lụy. Người quen
truyền tai nhau, rằng bố tôi bắt tay với Việt cộng nên tránh được họa ở tù.
Hôm sau và nhiều hôm sau nữa, cả nhà căng mắt chờ một cuộc càn quét kế tiếp. Một
tiếng xe chạy từ xa cũng làm mọi người nghe ngóng xem nó có đỗ xịch trước nhà
mình không. Những tiếng nói lao xao của người qua đường cũng làm mình sợ đứng
tim. Trời về đêm càng căng thẳng hơn khi nghe tiếng chó sủa. Gia đình sống
trong tâm trạng sớm muộn gì họ cũng đến lần nữa.
4
Bố mẹ tôi đi định cư ở Mỹ.
Một chàng Việt kiều trẻ về nước, ra Bắc chơi, vô chợ lạc xoong mua đồ cổ. Anh
nhìn thấy một mảnh đồng tròn có khắc chữ “ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu - VNCH”
.Tò mò giở lên xem, anh đọc được hàng chữ “ Giải Nhất Văn Học Nghệ thuật– Ông
Nguyễn Đình Toàn” Thế là anh mua về chơi rồi post lên mạng hình ảnh món đồ cùng
câu chuyện vì sao anh có nó trong tay. Trời xui đất khiến thế nào, Bố tôi đọc
được mấy dòng chữ ấy. Ông tự giới thiệu và xin được chuộc lại tấm huy chương.
Anh đến nhà, trò chuyện rồi gửi tặng lại ông cụ món đồ anh vớ được trong mớ lạc
xoong rồi nói: '” Coi như cháu trao giải thưởng cho bác lần thứ hai.'”
Ly kỳ! Một vật đã mất đi cả hai ba chục năm, lưu lạc từ trong Nam ra ngoài Bắc,
vượt trùng dương đến tận Hợp chủng quốc Hoa kỳ để rơi trở lại chính tay chủ
nhân của nó. “Của Caesar , trả lại cho Caesar.”
Buồn, vì họ đã đối xử với một nhà văn và tác phẩm của ông như đống ve chai dép
mủ.
Khi đã lớn và đi làm, tôi gặp lại bà hiệu trưởng thù hằn tôi năm xưa ngoài chợ.
Vẫn “ Mắt trắng dã. Môi thâm sì. Da thiết bì.” với búi tóc củ tỏi có cài kẹp
tăm sau gáy. Chả biết bà có thấy xấu hổ với tôi, đứa con nít bà rắp tâm hãm hại?
Nó vẫn còn sống và sống rất đàng hoàng, sạch sẽ. Các ông chủ và các đồng chí của
bà sau này đã đến tận cái “Gia đình phản động” bà miệt thị khi xưa, không phải
một lần mà là ba lần để xin ông cho in lại tác phẩm. Cả ba đều bị ông từ chối.
Ông bảo “Các anh bắt tôi còn được, huống hồ gì in sách của tôi, nhưng đã xin
phép thì tôi không cho. Bằng không, ghi rõ ngoài đầu trang “Tác giả đã bị bỏ tù
vì cuốn sách này.” Lần mới nhất, năm 2016, người của nhà sách Phương Nam đến tư
gia của ông bên Mỹ, lập lại lời yêu cầu. Ông bảo “ Nếu muốn, các anh phải công
khai xin lỗi tôi ”. Ông chả lạ gì họ. Lúc cần thì năn nỉ ỉ ôi. Dăm ba bữa lại
trở mặt cấm in hay lại thóa mạ ông. Họ nói tại ngày xưa, cấp dưới làm sai chứ họ
không chủ trương như thế, sao ông cứ làm khó làm dễ họ. Ha ! Hóa ra bà Bảnh hiệu
trưởng đã cố ý làm sai chủ trương của xếp bà.
Giả dụ như giờ đây, tôi thấy bà bị chiên trong chảo dầu sôi dưới bảy tầng Địa
ngục tôi có thích không? Không, tôi thấy sợ. Giả dụ như tôi thấy con cháu bà thất
học, bưng rổ bánh mì đi rảo bán ngoài đường như anh chị em tôi ngày xưa tôi có
thỏa mãn không? Không, tôi thấy tội. Chuyện người lớn sao bắt con nít gánh chịu
? Vả lại, “Lấy oán báo oán....” để làm gì ? Hiện, tôi đi dạy Việt ngữ thiện
nguyện đã hơn chục năm. Con cái người miền Bắc hay người miền Nam đều được tôi
quan tâm như nhau. “Trẻ em như búp trên cành”, chúng sợ từ con sâu cái kiến, nỡ
nào để chúng hứng chịu mưa bão, như mình ngày xưa. Đất ngọt, cây sẽ sai hoa,
trĩu quả. Đất chua, hoa chột, trái còi.
Nếu phải thù ghét Việt cộng, tôi nghĩ tôi có đủ tư cách để thù ghét họ hơn ai hết
thảy nhưng tôi không chọn điều ấy. Chuyện qua rồi. Thù hằn chỉ làm chính mình
nhớ lại và khổ sở ,quằn quại. Khổ thế chưa đủ sao ? Quằn quại thế chưa đủ sao?
Phải sống đến nửa đời người, tôi mới biết cách giúp cho tâm mình thanh thản bằng
việc bỏ qua, quên đi và tiến về phía trước. Cảm nhận đầy đủ và quý hóa những gì
mình đang có trong tay, cho nó nhẹ nhàng và ít đau bệnh. Thế thôi !
Nguyễn Đình Phượng Uyển
(con gái Nhà Văn Nguyễn đình Toàn)