27 April 2017

VƯỢT BIÊN QUA ĐẤT THÁI - Nguyễn Duy Chính

Khi chúng tôi được cứu thoát thì chỉ nghe tiếng lao xao và đã ở trên thuyền chứ không nhớ gì đến lúc còn dưới nước được kéo lên. Hé mắt nhìn ra tôi thấy mấy người dân chài Thái Lan, cởi trần, da ngăm đen tương tự như những người dân vùng Hậu Giang. Một người quấn cho tôi một cái chăn rồi bóp miệng nhét một cục dầu cù là to bằng nắm tay vào mồm. Cục dầu cay sè khiến tôi dãy nảy. Có tiếng reo xem chừng vui mừng vì đã cứu tôi tỉnh lại. E ngại họ sẽ tra vấn để đưa trở lại hòn đảo hoang thì khổ, tôi giả vờ như vẫn còn thiêm thiếp chưa hồi phục. Ông chú tôi và anh bạn đồng hành cũng cùng ở trên con tàu đánh cá, một chiếc thuyền máy không lớn lắm, chỉ bằng những chiếc ghe chạy trên sông.

Chiếc thuyền đi được một lúc thì trời sâm sẩm tối. Ðưa mắt nhìn ra xa xa đã thấy bờ và ánh đèn lấp lánh như một bầy đom đóm. Tôi yên chí là không bị đưa trở về nơi xuất phát nên lặng thinh ngồi dậy, mặc dù trong bụng mừng chỉ muốn reo lên cho thoả thích. Thêm một hồi nữa thì nhà cửa cũng rõ hơn, những cột ăng ten TV nổi bật trên nền trời và ánh sáng chiếu ra từ những khung cửa. Tàu cập lại một bến đầy ghe cũng một loại như chiếc đang chở chúng tôi và khung cảnh trù phú khiến tôi yên chí đây không phải là một trong những nước nghèo đói mà tôi vừa đào thoát.
Người chung quanh đổ xô đến, bàn tán xôn xao bằng tiếng Thái nên chúng tôi không hiểu họ nói gì. Khoảng nửa giờ sau một sĩ quan cảnh sát đi xuống, quần áo chỉnh tề, cầu vai đeo lon ra vẻ chức sắc thẩm vấn tôi bằng tiếng Anh. Tôi cho ông ta biết chúng tôi là người Việt Nam tị nạn Cộng Sản, bị đắm tàu và được vớt đưa về đây. Viên sĩ quan quay lại nói với người lái tàu – có lẽ cũng là chủ chiếc tàu đó – bằng một giọng gay gắt, dường như khiển trách y đã cứu chúng tôi rồi ra lệnh cho mấy người cảnh sát khác còng tay cả bọn đưa về Ty Cảnh Sát Rayong, một thị trấn nhỏ nằm trên bờ biển Thái Lan.

*
*          *
Ty cảnh sát là một căn nhà lớn hai tầng, tầng dưới là nơi làm việc, tầng trên để giam giữ tù nhân. Giữa tầng trên dựng một cái chuồng lớn, song sắt to bằng cổ tay, bốn góc lại có thêm bốn cái chuồng nhỏ, phân chia ra nhiều nhóm, có lẽ tuỳ theo mức độ phạm pháp. Sau khi lấy cung sơ khởi, chúng tôi được đưa lên tầng trên. Trời đã tối hẳn nhưng phòng nào cũng đầy người. Người ta mở một cái chuồng nhỏ trong đó có mấy cô gái Thái đuổi họ ra ngoài rồi đẩy ba người chúng tôi vào, khoá lại. Mấy cô gái được thoải mái đi vòng vòng trên lầu không còn bị tù túng trong một cái chuồng mỗi bề chừng 2 thước nữa.
Ba người chúng tôi tuy ở vào cảnh cá chậu chim lồng nhưng phải nói là trong bụng sung sướng không đâu kể xiết. Ít nhất cũng còn được “ở tù” nơi một xứ tự do, hơn hẳn cảnh làm dân của một nước Việt Nam độc lập và thống nhất, tương lai chắc chắn sáng sủa hơn cách đây mấy tiếng đồng hồ khi đang bì bõm bơi trên biển, và cũng hơn hẳn cái đời sống lạnh lẽo trên hoang đảo ... chờ ngày chết đói một cách tuyệt vọng. Hai chục ngày vừa qua quả là một cơn ác mộng hãi hùng.
Sau khi hoàn hồn, chúng tôi mới có dịp quan sát khung cảnh chung quanh. Ngoài những cô gái được bán-tự-do đi qua đi lại, chiếc chuồng ở giữa đầy nghẹt những người. Ngồi một góc trông hết sức thiểu não là vị ân nhân đã ra tay tế độ vớt chúng tôi lên. Chúng tôi cố ra dấu là mình vô cùng cảm kích cái ơn trời biển của y nhưng anh ta chỉ buồn bã lắc đầu.
Từ dưới lầu một người đàn bà nhếch nhác, tay dắt một đứa trẻ, tay kia bế một đứa khác, khóc bù lu bù loa đi lên. Chẳng cần nói cũng biết đây là gia đình anh lái tàu. Người vợ ngồi bệt xuống bên cạnh song sắt, ngang nhiên vạch vú cho con bú miệng đay nghiến anh chồng. Người đàn ông ôm đầu chịu đựng lời mắng mỏ của vợ một cách nhẫn nhục. Ðứa trẻ thấy cha bị cầm tù cũng khóc oà lên. Cái cảnh kẻ khóc người mếu khiến chúng tôi ái ngại quá nhưng chỉ đành cắn răng mà chịu. Người đàn bà thỉnh thoảng lại liếc qua ba người chúng tôi với một vẻ oán hờn, trách móc. Chúng tôi cũng chẳng hiểu cái tội danh “vớt người bất hợp pháp” sẽ bị toà xử như thế nào, không biết y có bị tịch thu mất chiếc thuyền không? Tuy vậy, nỗi mừng được thoát chết vẫn lớn hơn nỗi đau lòng thấy anh chàng hiệp sĩ kia bị vợ xỉa xói.
Tối hôm đó chúng tôi không có gì ăn chỉ xin người cảnh sát trực được một điếu thuốc. Hình như gã tiếc của, ân hận về cái tật hào phóng hão hay sao mà sáng hôm sau hắn lảng xa một góc, không đến gần ba tên “tị nạn” mặt trơ trán bóng, ăn xin không biết ngượng kia nữa. Một đêm qua đi với chiếc dạ dày lép kẹp nhưng nỗi vui được trở về với đời sống loài người khiến tôi không cảm thấy đói lắm.
Sáng hôm sau chúng tôi bị đưa xuống thẩm vấn để khai đầy đủ mọi chi tiết chuyến đi và lý lịch từng người. Một Việt kiều ở đâu đó bị đưa vào làm thông ngôn. Tội nhập cảnh bất hợp pháp của người Việt Nam chắc hẳn rất thường nên không ai thắc mắc gì và viên sĩ quan an ninh cũng am tường cả hệ thống chính quyền của VNCH khi chúng tôi đề cập đến chức vụ và cấp bậc trong hành chánh và quân đội.
Cả ngày hôm đó chúng tôi vẫn chưa có khẩu phần. Cái nền hành chánh của xứ Thái Lan cũng chẳng hơn gì xứ ta. Dường như lại cũng là lễ lạc gì đó, mà số người bị bắt vào bót khá đông, đều là loại vui chơi, gây gỗ đánh lộn, hoặc cờ bạc. Có mấy người Hoa bị bắt vì tội say rượu làm huyên náo xóm làng. Tôi lại hình dung ra ngay cái khung cảnh một tỉnh lẻ mà tôi từng làm việc.
Chiều hôm đó thân nhân các tội phạm lũ lượt đi thăm nuôi, ngoại trừ ba đứa chúng tôi thuộc loại “con bà phước”. Có người cám cảnh không buồn đụng đũa khiến cho người nhà lại phải đem về, ai biết đâu ở chuồng bên cạnh có ba kẻ đáng thương nhìn đồ ăn mà thèm nhỏ dãi. Thế nhưng tình cảnh chúng tôi cũng có người nhận ra. Một thiếu phụ dáng người phúc hậu đã đặc biệt mua cho ba đĩa cơm. Quả thực trong đời tôi chưa bao giờ có bữa ăn nào ngon đến thế. Tiếc rằng hôm sau thân nhân của bà ta lại được mãn hạn tù nên bà tiên kia không quay trở lại nữa. Anh bạn tôi đinh ninh rằng đây là một bồ tát hiện ra trong hình dáng một con người.
Ngày thứ ba chúng tôi có phần ăn nhưng quá ít, mỗi bữa chỉ khoảng một bát cơm. Có lẽ đây là bữa ăn chiếu lệ vì bót cảnh sát chỉ tạm giam và ai cũng có thân nhân tiếp tế trừ ba người chúng tôi. Giá như bình thời thì cũng không đến nỗi nào nhưng sau hàng chục ngày lênh đênh trên mặt biển, lại làm Robinson bất đắc dĩ trên hoang đảo một thời gian khá lâu nên chúng tôi ai cũng ở trong tình trạng thèm ăn triền miên. Ðể giảm thiểu năng lực, tôi thường chỉ lim dim ngồi Thiền, nhớ lại những tư thức “qui tức công” đã đọc trong truyện Tô Ðông Pha khi nhà nho nổi tiếng này bị lưu đầy ở Hải Nam, không có gì bỏ vào bụng nên đành ngáp nắng cho đỡ đói. Tôi cũng đã từng nhịn hàng tuần khi tập “vô thất” một cụ già ở Ðà Nẵng dạy cho, nay cũng là dịp đem ra áp dụng. Có điều trước đây tập theo lối tự nguyện, còn nay bị bắt buộc phải nhịn đói, cũng vô phương không thể đi kiếm rau dại hay rong biển mà nhai.
May sao, một “tiên sinh” người Hoa tưởng chúng tôi là đồng hương nên đến hỏi thăm mấy câu. Ngặt là ngôn ngữ bất đồng mặc dù vị “tiên sinh” nọ đổi đến mấy thổ ngữ mà chúng tôi vẫn không hiểu. Bí quá tôi bèn xin giấy bút viết một lá thư ngắn tả thảm trạng của mình. Hai bên “bút đàm” qua lại cũng thông cảm nhau được ít nhiều. Có điều không phải như những nhà ái quốc Việt Nam trước đây lưu lạc xứ người, trao đổi thời sự hay thi phú văn chương với các nhà cách mạng Trung Hoa, Nhật Bản mà nội dung những dòng chữ chỉ cốt để đối phương biết chúng tôi đang đói lắm. Vị “tài chủ” hiểu ra đem bố thí cho ba kẻ lạc loài một bữa ăn khá thịnh soạn. Mỗi lần ngẫm lại chuyện xưa tôi không khỏi mỉm cười. Và cho đến giờ phút này, đây vẫn là lần duy nhất tôi kiếm ăn – theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng - bằng cái thứ chữ nho ngoài đường[1] kia. Thảo nào người xưa bảo là “nhất tự thiên kim” cũng phải.
Những ngày kế tiếp là những ngày chờ đợi đoán già đoán non như những người tù cải tạo mong ngày được thả. Chúng tôi tự hỏi không biết bao giờ mới được chuyển đến một trại tị nạn. Cái thèm khát cao độ khiến cho đêm đêm tôi nằm mơ được ăn một tô cơm với miếng thịt kho mỡ màng lênh láng, nổi lềnh bềnh trong những nồi đồ ăn của những hàng quán thời còn mồ ma phe quốc gia. Chao ôi, cái mơ ước quả là thấp hèn thiếu chí khí. Mỗi ngày chúng tôi được đưa xuống nhà một lần để làm vệ sinh cá nhân nhưng có lẽ vì ruột sạch trơn nên nhiều ngày liên tiếp chúng tôi không phải đi cầu. Mấy người cảnh sát trẻ cũng hay đến bập bẹ nói chuyện với tôi bằng tiếng Anh và tôi vừa dạy, vừa học họ một vài tiếng bản xứ cho qua thời giờ. Họ tỏ ra khá lễ phép và cố gắng thông báo mọi chi tiết mà họ thu nhận được về tình trạng của chúng tôi cũng như về gia đình anh bạn tôi còn ở lại trên hoang đảo.
Những người cảnh sát đó thỉnh thoảng cũng mua cho chúng tôi một ít đồ ăn. Khi trao đổi với họ, tôi biết lương bổng của họ cũng thấp lắm, chỉ chừng 1000 baht (hình như chưa đến 100 USD) một tháng nên việc cho chúng tôi đồ ăn hay thuốc lá là một hi sinh to lớn. Có điều họ không hiểu được rằng chúng tôi đang rất đói, cái đói triền miên nên giá như cho một đĩa cơm nguội hay một miếng cháy còn hơn là những chiếc bánh bé tí tẹo mà họ mua dưới chợ, tuy cầu kỳ, lạ miệng nhưng chẳng bõ dính răng. Anh Bào cố gắng làm một “sa bàn” để giải thích cho thằng nhỏ đưa cơm rằng chúng tôi không cần thức ăn, nếu có thể nó chỉ đem toàn cơm - càng nhiều càng tốt - cũng được. Thằng bé gật gù ra vẻ hiểu. Tiếc rằng hôm sau mẹ nó nó không sai nó giao thức ăn nữa nên công lao của anh bạn tôi đổ xuống sông xuống biển.
Hôm chúng tôi được đưa ra khỏi Ty Cảnh Sát Rayong quả là một ngày hội lớn. Người cảnh sát có nhiệm vụ đưa chúng tôi đi lễ phép giải thích về việc phải còng chúng tôi lại theo thủ tục. Chúng tôi thông cảm với nguyên tắc hành chánh nên không cảm thấy khó chịu chút nào, nếu không nói rằng rất mừng vì đinh ninh sắp đến một trại tỵ nạn nào đó trên đất Thái.
Chiếc xe chở chúng tôi là một xe truck nhỏ. Người cảnh sát áp tải ngồi trên với tài xế, chúng tôi ở thùng xe phía sau, một tay còng chặt vào thành xe. Lần đầu tiên được ra khỏi nơi tù túng, nhìn những đồng quê với mái tranh, với hàng dừa và những trẻ mục đồng trên lưng trâu, lòng tôi xao xuyến nghĩ đến quê hương tuy không xa nhưng hai đời sống hoàn toàn khác hẳn. Xứ sở của người sao thanh bình lạ, còn đất nước tôi vẫn đắm chìm trong hận thù, trong khốn khổ. Tôi bâng khuâng nghĩ đến một tương lai vô định, có tự do nhưng sẽ mãi mãi cách xa nơi mình đã sinh ra và lớn lên, không biết có bao giờ còn gặp lại cha mẹ anh em hay không?
*
*          *
Thế nhưng điểm đến chưa phải là một nơi có đồng bào Việt Nam mà chỉ chuyển sang một thị trấn khác. Ðó là Chantaburi, một tỉnh ở phía đông nam tỉnh Rayong. Tỉnh này lớn hơn nhiều, ty cảnh sát cũng đồ sộ và qui mô, là một trong những thị trấn nổi tiếng của nước Thái. Chúng tôi lại bị đưa vào một căn phòng giam lớn, dành riêng cho những người nhập cư bất hợp pháp và được xếp riêng một góc sát chấn song.
Thực tình mà nói, nhà giam Thái Lan không đến nỗi tệ, khá sạch sẽ, có cầu tiêu nhà tắm đầy đủ. Cũng như Rayong, đây chỉ là nơi tạm giam và những người nhập cư sẽ bị trục xuất về nguyên quán hay đưa đi nơi khác tuỳ trường hợp. Tìm hiểu ra trong số bạn “đồng cảnh” có một số là người Miến Ðiện, một số là Mã Lai, đa số là người Cao Miên chạy loạn sau trận chiến năm 1979, trong đó có cả một sĩ quan của Khmer Ðỏ.
Theo phân loại của Thái, người Mã Lai hay người Miến Ðiện sẽ được đưa trả về nước qua ngả biên giới, riêng người Miên và người Việt thì vào các trại tỵ nạn, Miên theo Miên, Việt theo Việt, mặc dù cũng có những trại hỗn hợp mà vẫn thường xảy ra những xung đột về sắc tộc, lắm khi phải nhờ đến cơ quan an ninh của chính quyền can thiệp.
Trong những người Miên ở khu tôi cũng có một số gốc Việt. Tuy nhiên họ nói được rất ít, và rất sợ hãi khi phải tiếp xúc với chúng tôi, dường như e ngại bị trả thù khi vào trại tị nạn. Mối hận thù Việt – Miên tồn tại trong lịch sử đã rất lâu như một oan nghiệt truyền kiếp, không kể là Quốc hay Cộng nên dù trong cùng hoàn cảnh phải bỏ nước ra đi vẫn thể hiện dưới một số hình thức.
Mấy ngày đầu ở Chantaburi chúng tôi cũng bị nhịn đói – và sau này khi có khẩu phần ăn thì xem ra lại còn tệ hơn ở Rayong. Thế nhưng cũng chính ở nơi tối tăm này - gọi là tối tăm vì trong phòng giam không có ánh nắng như ở biệt điện Rayong mà chỉ có ánh sáng điện - tình người lại có dịp nở rộ.
Trước hết là những người Miên gốc Việt. Khi thấy chúng tôi không có gì ăn, họ moi đâu trong mấy lon guigoz ra một số cơm nguội cho chúng tôi. Những đồ ăn đó đã lên men chua như mẻ, lại đầy đất cát. Thế nhưng vì đói quá nên chúng tôi vẫn ăn được. Khi thấy anh bạn tôi có vẻ tủi thân, ngán ngẩm tôi nửa đùa nửa thật:
-        Anh Bào ạ! Chúng mình đi tìm một chỗ dung thân, nay được một người đồng hương cho cả cơm lẫn đất, âu cũng là một điềm lành.
Câu đó dường như tôi “thuổng” của một bầy tôi đi theo công tử Trùng Nhĩ trong Ðông Chu Liệt Quốc. Khi thấy chúng tôi biết chữ nghĩa, những người đó thỉnh thoảng lại nhờ chúng tôi viết giùm một lá thư gửi lên Cao Uỷ LHQ để thỉnh cầu xét đơn xin tị nạn. Những người đồng tù khác vì thế cũng nhìn chúng tôi bằng cặp mắt kính trọng hơn mặc dù hai bên không nói chuyện được với nhau. Cũng có thể họ thấy chúng tôi luôn luôn ngồi trầm ngâm mặc định như một thiền sư nên nghĩ rằng chúng tôi thuộc hàng giáo phẩm? Chẳng biết nữa nhưng khi đám người Miến Ðiện và Mã Lai được đưa đi, họ đã bàn tán và gom góp được vài chục baht (tiền Thái) đem lại kính cẩn tặng chúng tôi. Quả thực là một việc hết sức bất ngờ. Chúng tôi cũng bắt chước theo tục lệ của người Miên, người Thái chắp tay tạ ơn họ.
Cảm tình thứ hai là của anh chàng sĩ quan Pol Pot. Anh chàng đó còn trẻ, thân hình béo tốt, mặt mũi sáng sủa, tóc húi cua thường cởi trần chỉ vận một chiếc sà rông. Y là người có vẻ bất cần hơn cả, cái nghênh ngang của người đã từng có uy quyền. Theo như gã người Miên gốc Việt nói nhỏ cho tôi thì y là một “quan lớn”, chả biết quan lớn cỡ nào mà y dịch ra là Ðại Tá. Ðiều đó tôi không chắc là thật. Có điều gã “Pol Pot” này không sợ sệt, khép nép như những người khác khi gặp cảnh sát người Thái và tôi không thể ngờ rằng y lại thuộc về một lực lượng dã man nhất nhân loại. Có thể cũng có những ẩn tình mà tôi không hiểu được, hay lý lịch của y không đúng như lời đồn.
Sau khoảng cách ban đầu, y mon men đến gần tôi, hỏi vu vơ làm quen bằng tiếng Pháp những câu rất ấm ớ như kiểu: Tên anh là gì? Anh khoẻ không? Anh từ đâu đến? ...
Phải nói rằng khi nghe y nói một thứ tiếng mình cũng biết ít nhiều, tâm trạng tôi chẳng khác gì tha hương ngộ cố tri. Tôi cũng cố gắng “chắp” những từ ngữ còn rơi rụng trong đầu để trả lời và qua lại một hồi, hai bên đâm ra “tri kỷ”. Cái tiếng Tây hổ lốn của tôi với cái tiếng Pháp nửa nạc nửa mỡ của y là cái cầu bắc giữa hai bên, dù cả hai cố gắng không đề cập đến chuyện chính trị, quân sự hay chủng tộc, lại càng không dò hỏi thân thế nhau.
Quen với y cũng có nhiều cái lợi. Lợi điểm trước nhất là mỗi khi bị người Thái bắt khai báo lý lịch, tôi có thể nói bằng tiếng Pháp với y, y nói lại bằng tiếng Miên với một người Miên biết tiếng Thái, và người đó thông dịch lại. Ðến lúc này những người Miên mới cảm thấy phục sát đất hai nhà “đại trí thức” ở trong cùng phòng giam. Cảm động nhất là khi thấy chúng tôi gầy yếu quá, gã người Miên gốc Việt đã nghẹn ngào sợ ông thầy chết đói thì uổng mất một thiên tài. Lợi điểm thứ hai là từ đó tôi nghiễm nhiên ở cùng một giai cấp với y nghĩa là cao hơn những người bạn đồng tù khốn khổ khác. Và hơn nữa ít ra tôi cũng có người để trò truyện, chẳng hơn chỉ ngồi ngáp gió cho hết thì giờ hay sao?
Ngăn cách giữa hai bên nhà tù là một hành lang. Bên phòng chúng tôi thì lúc nào cũng khoá chặt nhưng bên phía bên kia thì tương đối tự do hơn, những tù nhân cũng có lúc được đi ra đi vào. Phía chúng tôi là một phòng lớn duy nhất nhưng phía bên kia ngăn ra thành hai, một bên để nhốt đàn ông, một bên đàn bà. Phía đàn bà có lẽ cũng là những cô gái buôn son bán phấn bị bắt trong những lần ruồng bố. Phía đàn ông thì là những tay anh chị, những tên du đãng trong vùng. Dường như những người Thái đó đã quá quen thuộc với khung cảnh này nên họ tự nhiên như ở nhà, cười nói rất thoải mái. Và dĩ nhiên họ cũng được tiếp tế đầy đủ, có khi còn ăn nhậu hát hổng ngay trong phòng giam.
Làm trùm trong đám du đãng là một gã người Thái đen trùi trũi, đầu húi cua, mặt mày rất bặm trợn. Y luôn luôn cởi trần, người xâm đủ loại hình không chừa một mảnh da nào chẳng khác gì dân Giao Chỉ ngày xưa vẽ mình cho thuồng luồng khỏi làm hại. Cứ xem thái độ thì biết y rất có uy quyền, thấy bóng y ai cũng phải khép nép. Y được cảnh sát Thái giao cho nhiệm vụ “quản giáo”, sắp đặt công việc, kiêm cả việc chia cơm cho tù nhân, quả đúng là nắm quyền sinh sát, một thứ đầu nậu đúng nghĩa như trong những truyện dài của Duyên Anh, Nguyễn Thuỵ Long. Có điều chúng tôi không nằm trong sổ đen của y nên không bị ngược đãi, nạt nộ gì.
Buổi chiều hôm đó, căn phòng đang vắng lặng bỗng rộn hẳn lên vì có tin đồn một số tay “thủ lãnh đại ca” vua biết mặt, chúa biết tên mới bị bắt vào. Chỉ nhìn thái độ của những người cảnh sát chúng tôi cũng hình dung ra được điều đó. Gã xâm mình cũng trong đám chạy ra nghinh đón.
Ðám tù mới không nhiều, chỉ độ hai ba người. Ði đầu là một thanh niên cao ráo, hai đàn em đi sau, gã xâm mình lúp xúp theo sau chót.
Viên thủ lãnh đó tuổi xem chừng còn rất trẻ, có lẽ chỉ mới ngoài đôi mươi. Y phải nói là đẹp trai, mi thanh mục tú, nước da trắng trẻo, thoạt nhìn người ta có thể đánh giá là một sinh viên đại học hơn là một trùm du đãng. Tiếng y rõ ràng và mỗi lần y nói, những đàn em chỉ gật đầu vâng dạ, không thấy ai nói lại nửa câu. Những người tù cũ cũng chạy ra như một phái đoàn đón tiếp lãnh tụ. Y ăn vận bình thường và cũng như bao nhiêu người khác vào trong tù chỉ mặc một chiếc quần soóc, cởi trần. Ðiều đáng nói là thân thể y hoàn toàn không có một dấu xâm nào như những tay anh chị khác. Chúng ta thường nghe thành ngữ hạc lập kê quần – con hạc đứng trong bầy gà -- hình dung một con người nổi bật trong đám đông, và vẫn nghĩ đây là một ví von phóng đại. Thế nhưng quả thực thanh niên này có cái phong độ đó.
Buổi tối phe du đãng mở tiệc lớn. Ðích thân những người cảnh sát bưng đồ ăn thức uống vào, một điều tôi nghĩ rằng ở đâu cũng hiếm thấy. Những cô gái ăn sương cũng được tiếp tế đầy đủ. Bữa ăn của chúng tôi khá hẳn lên vì đồ ăn của “phía bên kia” được chia đều cho thành phần “nhập cư bất hợp pháp”. Tiếng người ăn uống ồn ào, thỉnh thoảng vọng lại tiếng sang sảng đầy uy quyền của gã thư sinh.
Ở trong nhà giam không có việc gì làm nên hay ngủ ngày thành thử đêm tôi lại thức khuya, hoặc toạ Thiền hoặc suy nghĩ vẩn vơ. Những giờ phút đó là những giờ phút tĩnh lặng hiếm hoi phải tận hưởng.
Như thường lệ, tối hôm đó, khi mọi người đang yên giấc, tôi trở dậy ngồi một mình. Ngọn đèn trên trần toả ra ánh sáng vàng vọt. Những người chung quanh nằm la liệt như những thây ma, tiếng thở khò khè xen lẫn tiếng ngủ mơ ú ớ.
Từ phòng bên kia, tay anh chị bước ra, theo sau là gã xâm mình. Ở trong một không gian bé nhỏ thế này, việc chạy theo đàn anh có lẽ là một cử chỉ lấy lòng chứng tỏ sự trung thành hơn là cần thiết. Tay anh chị đi từng phòng kiểm soát xem có gì khác lạ hay không, chẳng biết đó là thói quen của y hay một nhiệm vụ được giao phó. Công việc đó trước đây là của gã xâm mình nhưng y thường làm một cách chiếu lệ, thỉnh thoảng ủng oẳng một câu ra vẻ ta đây, thế thôi. Trái lại thái độ của tay anh chị lại khác hẳn, giống như một cấp chỉ huy muốn chắc chắn rằng những kẻ dưới quyền mình tuân thủ nghiêm chỉnh lệnh lạc đã ban ra.
Khi đến gần y đứng lại nhìn thẳng vào mắt tôi như để đánh giá người đối diện. Tôi nhìn y mỉm cười gật đầu, y cũng gật đầu đáp lại. Tôi quay ra hướng khác, y và tên đàn em lại tiếp tục bước đi. Ngang qua mặt tôi, y kéo gói thuốc trong túi quần thẩy vào trong song cửa, vang lên một tiếng động nhỏ. Tôi lặng yên nhìn gói thuốc còn nguyên chưa mở, một gói thuốc thuộc loại có đầu lọc mà từ khi đến đất Thái tôi chỉ được hút một hai lần. Người Thái phần lớn chỉ hút thuốc rê, vấn bằng những mảnh lá dừa nước phơi khô cắt thành từng mảnh nhỏ. Khi hai người đi tuần hết vòng quay lại, tôi nhìn y gật đầu cám ơn nhưng y thản nhiên như không trông thấy.
Sáng hôm sau tôi đem gói thuốc chia cho mỗi người một điếu, kể cả anh chàng người Miên gốc Việt và tên sĩ quan “Pol Pot”. Ở trong tù ít ai hút thuốc một mình mà thường chỉ đốt một điếu rồi chuyền vòng vòng mỗi người một hơi. Mọi người không khỏi xôn xao khi thấy tôi có cả một bao thuốc.
Từ hôm đó trở đi, khi chia cơm, gã xâm mình bao giờ cũng dành cho mấy người Việt chúng tôi rất hậu hĩ, lắm khi rõ ràng thiên vị khiến chúng tôi cảm thấy ngượng ngùng vì được biệt đãi một cách quá đáng. Mấy nàng Kiều Thái Lan cũng thỉnh thoảng đem cho một ít trái cây. Ðể khỏi quá chênh lệch, tôi thường san xẻ đồ ăn của mình cho một cậu bé người Miên, cũng loại tứ cố vô thân, người gầy ốm đến chỉ còn da bọc xương trông như người dân Phi châu trong những mùa đói kém, gan bàn chân vàng như nghệ. Cậu bé này mỗi lần nhận được đồ ăn thường quì rạp xuống lạy một cách hết sức cung kính.
Thế nhưng những ngày vui đó không dài lâu. Chỉ vài hôm sau, tay anh chị kia được phóng thích. Ðời sống nhà tù Thái Lan trở lại như cũ. Gã xâm mình lại làm trùm và đời sống lại xô bồ như trước. Không hiểu có được dặn dò gì không, y đối với tôi vẫn hết sức tử tế. Thỉnh thoảng gã lại cho tôi một cái bánh, một gói thuốc rê. Có điều y không kín đáo và tế nhị như đàn anh của hắn.
Tôi cố hỏi mấy người cùng phòng xem gã thư sinh kia là ai? Mãi về sau tôi mới biết tay anh chị đó là đại du đãng của tỉnh Chantaburi, đứng đầu một tổ chức “xã hội đen” rất thế lực, có thể nói là một loại “ông trùm” của vùng này. Tôi vẫn đoán chừng y là một loại con ông cháu cha, bây giờ mới biết y là một tay chơi thứ thiệt. Thế nhưng chi tiết mà gã đàn em nói nhỏ mới thực khiến tôi sửng sốt:
Y là một người Thái gốc Việt.


Nguyễn Duy Chính


[1] Gọi là chữ nho ngoài đường vì thuở bé đạp xe đi học qua vùng Chợ Lớn, tôi hay so sánh những chữ tiếng Việt với tiếng Tàu trên bảng hiệu để nhận mặt chữ nên cũng biết lõm bõm một số làm vốn cho việc học thêm sau này. Ngoài mỗi tuần một giờ năm đệ Thất CVA ra, tôi không học một chương trình chính thức nào về Hán tự trên đại học.